Đeo kính cho gà mang lại lợi nhuận vượt trội

Ông chủ trẻ 9X Vũ Bá Quý, ở thôn 323 xã Đỉnh Sơn, Anh Sơn (Nghệ An) nuôi hàng ngàn con gà. Bí quyết để đàn gà khỏe mạnh, ngoài việc cho ăn thức ăn đa dạng, anh Quý còn cho gà “đeo kính”.

Hàng ngàn con gà được đeo kính ở Đỉnh Sơn, Anh Sơn. 

Hàng nghìn con gà thịt có cả gà trống, gà mái, nhưng 100% chúng đều được “đeo kính” trông rất lạ. Anh Quý cho biết: Anh bắt đầu công việc chăn nuôi gà thịt từ năm 2012. Với việc nuôi gà tập trung số lượng lớn nên thường xuất hiện cảnh gà cắn mổ nhau khiến gà bị trọc lông vùng lưng, cổ, đầu, thậm chí gây thương tích, dễ nhiễm một số bệnh, còi cọc, chậm lớn và con gà nhìn “xấu mã”, khách hàng kén mua, giá thành giảm.
Cách đây hơn 1 năm, tình cờ xem trên mạng có người “đeo kính” cho gà để tránh gà chọi nhau, anh liền mày mò tìm hiểu. Sau khi biết được địa chỉ, anh Quý được đặt mua 1 nghìn chiếc về áp dụng vào trang trại gà của mình.
Anh Quý chia sẻ: Kính cho gà được anh mua với giá giao động từ 600 đồng- 1.200 đồng/chiếc, có thể tái sử dụng 2- 3 năm nên tính ra chi phí rất nhỏ nhưng hiệu quả lại cao.
Cách sử dụng kính cho gà cực kỳ đơn giản, đợi khi gà đạt trọng lượng 0,5- 0,7kg lúc này gà bắt đầu có dấu hiệu cắn mổ nhau, anh Quý chỉ việc đặt phần lõm của kính ôm phần trên của mỏ gà, chỉnh 2 lỗ nhỏ ở phần lõm của kính khớp với lỗ mũi của gà, dùng then nhựa hình mũi tên xuyên qua lỗ nhỏ của kính và lỗ mũi của gà để cố định kính là xong.
Anh Quý khẳng định, việc đeo kính không làm ảnh hưởng đến bất kỳ sinh hoạt hàng ngày nào của con gà. Do chiếc then nhựa chỉ to bằng 1/3 lỗ mũi của gà nên không gây ảnh hưởng đến việc hô hấp, ăn uống. Đeo kính cho gà mục đích để che tầm mắt nhìn thẳng của con gà, nên gà không bao giờ chọi nhau, đuổi cắn nhau, gà phát triển rất nhanh.

Đeo kính cho gà khá đơn giản.

Với kinh nghiệm nuôi gà thịt lâu năm, anh Quý xây dựng 2 trại gà rộng gần 500m2 trên diện tích 0,5 ha vườn. Trại gà được lát nền bê tông, thưng kín xung quanh tránh gió lùa vào mùa đông, có cửa thông gió vào mùa hè và đều sử dụng đệm lót sinh học, vừa đảm bảo môi trường vừa giúp đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt.
Bên cạnh đeo kính cho gà để có được mẫu mã gà đẹp, anh Quý chọn nuôi theo hướng sinh học, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nên cho thịt dai và thơm ngon. Ngoài các loại thức ăn chính là lúa, ngô, anh Quý còn bổ sung thêm các loại thức ăn khác như cỏ, côn trùng để bổ sung thêm chất dinh dưỡng.
Hiện tại trang trại anh Quý có 1.100 con gà thịt đang vào thời điểm gần xuất bán, mỗi năm anh nuôi 2 lứa, mỗi lứa 5-6 tháng, từ 1.000- 1.200 con. Mỗi lứa xuất bán gần 1,5 tấn gà thịt, với giá từ 90.000- 100.000 đồng/kg, mỗi năm sau khi trừ chi phí cho anh thu nhập từ 100- 150 triệu đồng.
Ông Đinh Viết Hạnh – Chủ tịch hội nông dân xã Đỉnh Sơn cho biết: Trang trại nuôi gà thịt đeo kính của anh Vũ Bá Quý ỏ thôn 323 là một mô hình điểm của hội nông dân xã Đỉnh Sơn, chỉ mới ở tuổi 24 nhưng anh Quý đã nhạy bén, sáng tạo trong phát triển kinh tế, giúp cho gia đình vượt qua mọi khó khăn từng bước vươn lên làm giàu ở một vùng quê nông thôn thật đáng khâm phục.

Theo báo Nghệ An, kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nhân rộng mô hình nuôi gà nhiều cựa

Xuân Đài là xã nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) có nhiều hộ nuôi gà nhiều cựa. Gia đình chị Phùng Thị Mơ là một trong những hộ nông dân chăm sóc số lượng gà nhiều cựa với hàng trăm con.

Gia đình chị Phùng Thị Mơ là một trong những hộ nuôi gà nhiều cựa với số lượng lớn

Theo chị Mơ, để đàn gà phát triển tốt và không bị dịch bệnh, cần chăm sóc, tiêm phòng đầy đủ từ khi gà còn nhỏ. Gà nhiều cựa ở Tân Sơn là giống bản địa, được nuôi theo phương thức chăn thả tự nhiên, số trang trại, gia trại có quy mô lớn không nhiều. Thông thường giống gà này được nuôi từ 10 – 12 tháng mới xuất chuồng, giá bán từ 300.000 – 350.000 đồng/kg.

Trước đây người dân nơi đây chưa biết rõ về giá trị loài gà nhiều cựa, chỉ chăn thả tự nhiên, không chăm sóc đúng kỹ thuật và phòng bệnh nên giống gà này có nguy cơ tuyệt chủng. Những năm qua, việc bảo tồn, phát triển giống gà quý này được các sở, ban ngành địa phương triển khai bằng nhiều dự án, giống gà quý đã được phục hồi, nhân đàn. Tại thời điểm này, giá gà đủ 9 cựa lên đến 450.000 – 500.000 đồng/kg. Nhiều khách hàng tìm những con gà trống lâu năm, khỏe khoắn, mào đỏ như hoa chuối rừng, 9 cựa, không ngại ngần trả vài triệu đồng 1 con.

Mô hình gà nhiều cựa của anh Hà Thế An ở khu Vượng, xã Xuân Đài nuôi từ 300 – 400 con gà nhiều cựa, đã vươn lên thành hộ khá giả… Cách nhà anh An không xa là hộ anh Hà Văn Điểm. Anh Điểm kể: “Thấy gia đình anh An, chị Mơ và một số hộ gia đình khác nuôi gà nhiều cựa khá nhàn hạ lại cho thu nhập khá, tôi bàn với vợ quyết định đầu tư nuôi gà 9 cựa, cho chúng ăn thóc, ngô, rau lá… nên thịt chắc, ngon được khách hàng rất ưa chuộng…”.

Gà 9 cựa

Khởi đầu nuôi vài chục con một lứa, hiện quy mô của anh Điểm nuôi mỗi lứa từ 300 – 400 con, mỗi năm xuất bán từ 2 – 3 lứa, trừ chi phí mỗi năm thu lãi gần 60 triệu đồng.

Thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện Tân Sơn đã thực hiện dự án hỗ trợ mô hình nuôi gà 9 cựa tại các xã Xuân Sơn, Xuân Đài, Minh Đài, Văn Luông… nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quý, tiến tới sản xuất hàng hóa.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Khánh Hòa: Tan hoang trại gà sau bão con Voi

Hầu hết các trại gà trong tỉnh đều thiệt hại nặng do cơn bão số 12. Hiện nay, bên cạnh nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa trại gà hoạt động trở lại, các chủ trại đều mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn.

Thiệt hại nặng nề

Khu vực trại gà thôn Đồng Bé (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), có 5 chủ nuôi gà với hàng chục dãy chuồng trại lợp bằng mái tôn đều bị bão cuốn phăng, xếp thành dãy dài, bẹp dúm. Phờ phạc sau nhiều đêm mất ngủ và nỗi buồn vì phút chốc gia sản tiền tỷ tan theo mây khói, ông chủ trại gà Phạm Hữu Nghĩa mếu máo: “Nhà sập, toàn bộ 4 dãy chuồng tổng diện tích 3.200m2 cũng sập, đè chết hơn 2.000 con gà mái. Mấy ngày nay tôi chẳng thiết ăn uống, làm gì nữa”.

Tổng thiệt hại do bão đối với trại gà của ông Nghĩa lên tới 1,2 tỷ đồng. Để cứu 8.000 con gà còn lại (4.000 gà đẻ, 4.000 gà hậu bị), ông che tạm 2 lán nhỏ, mỗi lán gần 200m2 để có nơi cho gà ở. Vì làm tạm nên việc cho ăn, uống, vệ sinh, thu trứng và quản lý gặp nhiều khó khăn. “Lán trại tuềnh toàng, nên nguy cơ dịch bệnh rất cao do gà tiếp xúc trực tiếp với đất, môi trường gió lạnh, vệ sinh kém. Tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn (300 triệu đồng) để sớm khắc phục thiệt hại”, ông Nghĩa nói.

Trại gà của ông Võ Đông Anh (Cẩm Sơn, Diên Thọ, Diên Khánh) cũng tan tành do bão. Hơn 1.000m2 chuồng trại chỉ trơ lại khung sắt, 1.000 con gà hậu bị bị đè chết trong tổng đàn 5.000 gà đẻ và 3.500 gà hậu bị. Đồng thời, dàn cây sưa 8 năm tuổi của ông cũng bị gãy, đổ hư hỏng hết 200 cây. Tổng thiệt hại hơn nửa tỷ đồng.

Trại gà của ông Trần Văn Hiếu (Vạn Thuận, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) cũng đổ nát như một bãi chiến trường. Đây là trại gà điển hình của thị xã Ninh Hòa được cấp giấy chứng nhận trang trại an toàn vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Nhặt nhạnh những gì còn sót lại, ông Hiếu cho biết, trước bão trang trại có 6.000 gà đẻ và 3.000 gà hậu bị (4,5 tháng tuổi). Sau bão, số gà đẻ, gà hậu bị do thiếu nước, đè nhau chết chỉ tận thu bán được 1.800 con, còn lại phải đốt bỏ tiêu hủy. Bên cạnh đó, bão còn làm tốc mái, sập tường nhiều diện tích nơi làm việc và nhà ở của công nhân, thiệt hại hơn 3,8 tỷ đồng. “17 – 18 năm tâm huyết, tích cóp vốn nuôi gà nay tay trắng. Bây giờ tôi chỉ biết cố gắng khắc phục làm lại 1 – 2 dãy chuồng kiếm lợi tức sống qua ngày và mong Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ”, ông Hiếu nói.

Trại gà của ông Anh chỉ còn trơ khung sắt

Đang thống kê thiệt hại

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh, thiệt hại các trang trại gà tại 2 địa phương này không lớn. Tại huyện Vạn Ninh, ông Nguyễn Ngọc Ý – Trưởng phòng Kinh tế cho hay, trang trại gà trên địa bàn huyện không nhiều, chỉ có vài trại nuôi theo hình thức gia trại, không phải quy mô doanh nghiệp, chủ yếu tại 2 xã Vạn Thắng và Vạn Bình, mỗi trại vài ngàn con nhưng đến nay chưa có số liệu thống kê chính thức. Huyện đã giao Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương thống kê, rà soát, bổ sung để có kế hoạch hỗ trợ bà con theo quy định.

Thị xã Ninh Hòa cũng đang triển khai việc thống kê, tổng hợp số liệu. Đến ngày 12-11, toàn thị xã có 50.166 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã, việc thống kê thực hiện theo biểu quy định, không tách từng đối tượng gia súc, gia cầm (trâu, bò, gà, vịt) nên không có số liệu riêng về gà.

Ông Nguyễn Lương Thao – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện nay, các địa phương vẫn đang triển khai việc rà soát, thống kê số lượng gà bị thiệt hại do bão. Về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, Trung ương có Nghị định 02/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; UBND tỉnh có Quyết định 2229/QĐ-UBND (4-8-2017) quy định mức hỗ trợ cụ thể giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. “Tuy nhiên, theo Quyết định 2229, để có phương án hỗ trợ, việc thống kê, rà soát phải hết sức cụ thể, bởi văn bản quy định việc hỗ trợ theo lứa tuổi gia súc, gia cầm. Ví dụ: gà đến 15 ngày tuổi hỗ trợ 10.000 đồng/con; 28 ngày tuổi hỗ trợ 20.000 đồng/con; 28 – 60 ngày tuổi hỗ trợ 30.000 đồng/con và trên 60 ngày tuổi hỗ trợ 35.000 đồng/con. Vì thế, việc thống kê phải tỉ mỉ, mất nhiều thời gian, hiện nay, các địa phương vẫn đang triển khai”, ông Thao cho biết.

Nguồn: Baokhanhhoa.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi gà theo công nghệ mới đạt hiệu quả cao

Với mục tiêu đưa nhanh tiến bộ khoa học áp dụng vào cuộc sống để giúp dân xóa đói giảm nghèo, Trạm Khuyến nông huyện Quế Phong (Nghệ An) đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi theo công nghệ mới. Trong đó có mô hình nuôi gà ri lai đang được bà con nhân ra diện rộng.

Nuôi gà ri lai có cơ hội mang lại kinh tế cao

Gà nông hộ ở Quế Phong chủ yếu là phục vụ riêng cho gia đình. Đàn gà phát triển tự nhiên như cây cỏ, một mặt đã không mang lại hiệu ích kinh tế, mặt khác môi trường sinh thái bị ô nhiễm, dẫn tới bệnh hại thường lây lan nhanh trên diện rộng. Chính vì vậy mà khi Trạm KN Quế Phong xây dựng mô hình nuôi gà theo công nghệ mới thì nông dân vô cùng phấn khởi, bởi hiệu quả kinh tế cao hơn 2,6 lần so với đàn gà đang nuôi theo tập quán cũ.

Đánh giá về thực trạng chăn nuôi gà ở huyện biên giới này, Hoàng Đình Nghĩa, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quế Phong cho hay: Gà là giống gia cầm mà nông dân ở đây nhà nào cũng có. Tuy nhiên về phương thức chăn nuôi thì hầu như đàn gà chỉ biết tự đi kiếm ăn trong nương vườn là chủ yếu. Phần thức ăn bổ sung cũng có, nhưng không đáng kể.

Mô hình “Chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học” nằm trong chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp, phục vụ an sinh xã hội, do Ngân hàng TMCP Đầu tư & phát triển Việt Nam tài trợ vốn. Vật nuôi của mô hình được cấp 1.000 con gà ri lai 20 ngày tuổi, do Trạm KN Quế Phong chọn lựa xây dựng tại 5 hộ dân dân ở xã Châu Kim.

Trước lúc bắt tay vào thực hiện mô hình, Trạm KN đã hướng dẫn cho các hộ dân làm chuồng trại đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát về mùa nóng, kín ấm về mùa đông. Dụng cụ đựng thức ăn, máng nước luôn phải được vệ sinh thau rửa. Quá trình chăm sóc cho gà ăn cũng như theo dõi bệnh tật, cán bộ kỹ thuật của Trạm KN đã trực tiếp túc trực cùng hộ dân để cân đong đúng liều lượng và xem xét sự thay đổi sức khỏe của từng cá thể.

Gà ri lai khi được chăm sóc tốt

Theo đó đúng theo lịch trình các chuồng trại phải được vệ sinh, tẩy uế, phun thuốc khử trùng phòng bệnh. Nhờ vậy đàn gà nuôi của mô hình 1.000 con gà ri lai ở 5 hộ dân đều phát triển nhanh. Tỷ lệ sống từ ngày nuôi đến lúc xuất chuồng (hơn 3 tháng) đạt 93%. Trọng lượng gà mái đạt 1,8 – 2kg/con, gà trống đạt 2 – 2,4kg/con. Trong khi đó đàn gà 1.000 con giống bản địa, nuôi theo tập quán cũ, tỷ lệ sống đến lúc xuất chuồng chỉ đạt 78% và trọng lượng bình quân cả mái và trống chỉ đạt 1,5 – 1,7kg/con.

Mô hình gà ri lai sở dĩ đã thu hút tới sự quan tâm học hỏi của đồng bào bởi con giống do Viện Chăn nuôi lai tạo từ con trống là giống gà vàng thuần chủng, con mái là gà Lương Phượng thuần chủng. Gà ri lai có sức đề kháng cao, thích nghi với môi trường sống bán chăn thả, khả năng hấp thụ tiêu hóa thức ăn tốt nên tăng trọng đồng đều, sinh sản nhanh. Thịt gà ri lai thơm ngon, mẫu mã đẹp, trọng lượng vừa phải gọn gàng, nên thị trường rất ưa chuộng.

Ông Nguyễn Sĩ Vinh, cán bộ Trung tâm KN tỉnh Nghệ An, người trực tiếp cùng với Trạm KN Quế Phong thực hiện mô hình này cho biết: Trong thời gian triển khai mô hình, đàn gà ri lai ở giai đoạn 21 – 42 ngày tuổi có xuất hiện bệnh cầu trùng, ỉa chảy 30% và bệnh Newcastle 15% do nguồn bệnh từ đàn gà ngoài mô hình lây lan sang.

Tuy nhiên nhờ kiểm tra phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên đàn gà đã khỏi bệnh. Thế nên gà mô hình khi xuất chuồng tỷ hao hụt chỉ 7%. Trong khi đó cùng thời gian nuôi, nhưng gà truyền thống hao hụt tới 22%. Về chi phí, tuy nuôi gà theo công nghệ mới có cao hơn so với đàn gà đối chứng, nhưng hiệu quả kinh tế tính ra tiền thì lại cao hơn 2,6 lần so với đàn gà nuôi theo tập quán cũ. Lợi hơn nữa là gà mô hình thuộc nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và môi trường sinh thái thì luôn được bảo đảm an toàn.

Nguồn nongnghiep.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam. 

Cải thiện năng lượng trong trang trại chăn nuôi

Trong cơ cấu ngành Nông nghiệp, chăn nuôi là khu vực tiêu thụ năng lượng với quy mô lớn hơn nhiều so với trồng trọt, lâm nghiệp và thủy sản. Điều này khiến không ít chủ trang trại chăn nuôi tỏ ra lo lắng trước hóa đơn tiền điện hàng tháng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao. Tuy vậy, cũng có không ít cách giải quyết vấn đề này. Dưới đây là 5 biện pháp đơn giản có thể đem lại những lợi ích thiết thực về hiệu quả năng lượng cho các chủ hộ chăn nuôi.

1. Hệ thống thông gió chuồng trại:

Chuồng của các loại vật nuôi khác nhau có những yêu cầu về thông gió rất khác biệt. Một hệ thống thông gió có thiết kế hợp lý và hoạt động ổn định là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả năng lượng.

– Trước hết, cần lựa chọn những loại quạt có hiệu suất cao, dựa trên tỷ lệ giữa thể tích không gian có gió với lượng tiêu thụ điện năng trong cùng một điều kiện áp suất. Mặt khác, thay vì phải huy động một số lượng lớn quạt ở mọi vị trí trong chuồng trại, việc sắp xếp vị trí quạt theo kiểu dây chuyền sẽ giúp các chủ trang trại tận dụng được sức gió ở vị trí này cho vị trí khác. Điều này sẽ giúp giảm bớt chi phí dành cho việc mua quá nhiều quạt một cách không cần thiết, mở rộng không gian chuồng trại và quan trọng nhất là tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, việc bổ sung một số quạt có bệ đỡ xung quanh trang trại cũng đem lại những hiệu quả nhất định. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng quạt.

– Thứ hai, cần nhận thức được rằng, thông gió tự nhiên vẫn là cách hiệu quả nhất để tối thiểu hóa chi phí điện năng hàng tháng. Các chủ trang trại cần tận dụng tối đa lợi thế từ quy hoạch của mình, tránh những tốn kém cho việc lắp đặt sau này, ví dụ như quan tâm hơn đến độ dày và vật liệu xây tường, vị trí các mái hắt, cửa sổ, cửa ra vào,… Các đường ống thông gió cũng cần được làm sạch thường xuyên. Ngoài ra, đối với những khu chuồng có thiết kế mở (không đủ 4 bức tường), phần không có tường cần hướng về phía mặt trời để quá trình thông gió được diễn ra dễ dàng, đồng thời ánh sáng mặt trời sẽ giúp loại bỏ nhiều vi khuẩn có hại cho vật nuôi.

– Cuối cùng, các chủ hộ cũng có thể thiết kế thêm hệ thống thông gió trên mái nhằm giảm bớt chi phí năng lượng, đặc biệt là ở những vùng có khí hậu nóng ẩm.

2. Hệ thống chiếu sáng:

Tương tự như hệ thống thông gió, đối với hệ thống chiếu sáng, việc lựa chọn các loại đèn có hiệu suất cao, ví trí lắp đặt hợp lý và kế hoạch sử dụng tối ưu là điều vô cùng quan trọng. Về loại đèn, LED là lựa chọn lý tưởng khi tiết kiệm 40-70% so với các loại đèn khác. Trong khi đó, một kế hoạch sử dụng tối ưu có thể được tạo ra thông qua việc kết hợp giữa pin quang điện, công-tơ thông minh và một số thiết bị điều khiển khác. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng việc sử dụng đèn điện chỉ diễn ra khi thực sự cần thiết. Ngoài ra, việc sử dụng linh hoạt công tắc tổng và công tắc riêng cho từng khu vực của trang trại cũng góp phần không nhỏ vào công tác giảm thiểu tiêu thụ năng lượng.

3. Lò sưởi hồng ngoại:

Lò sưởi hồng ngoại là một thiết bị hữu dụng để cung cấp nhiệt tự động đến những nơi có nhu cầu (theo thiết lập của người sử dụng) thay vì phải cung cấp nhiệt liên tục cho toàn bộ hệ thống. Bên cạnh đó, việc lắp đặt thêm các bộ điều nhiệt sẽ giúp hiệu quả năng lượng của trang trại được nâng cao.

4. Hệ thống nước:

Ở một số nước xứ lạnh, hệ thống nước không chỉ có tác dụng làm sạch chuồng trại mà còn kiêm luôn việc cản trở hiện tượng đóng băng mùa Đông gây trở ngại cho vật nuôi. Hiện tượng này là nguyên nhân khiến một lượng lớn điện năng bị lãng phí dành cho việc bơm nước và có thể là cả đun nóng. Các phương thức đơn giản để hạn chế hiện tượng này bao gồm tăng độ dày tường hoặc bổ sung thêm lớp cách nhiệt vào mùa Đông, sơn đen toàn bộ tường và các thiết bị để cải thiện mức độ hấp thụ nhiệt, sử dụng các đường ống có kích thước lớn để giảm áp suất nước do hiện tượng đóng băng, thường xuyên kiểm tra tình trạng đường ống nhằm hạn chế rò rỉ,… Riêng đối với các trang trại có dây chuyền sản xuất sữa, chủ hộ có thể tận dụng ngay nguồn nước ấm thu được sau quá trình làm lạnh sữa để hạn chế tình trạng kết băng chuồng trại.

5. Hệ thống xử lý chất thải vật nuôi:

Chủ hộ cần tính toán chính xác quy mô trang trại của mình, về kích thước cũng như số lượng vật nuôi tối đa để lắp đặt hệ thống xử lý chất thải có kích thước phù hợp. Mặt khác, trong bối cảnh các hệ thống xử lý hiện nay chủ yếu dùng sức nước để xả sạch chuồng trại, việc tích hợp với hệ thống nước và cài đặt nhiệt độ, tốc độ nước thích hợp là rất cần thiết. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ năng lượng sạch còn cho phép các chủ trang trại tận dụng nguồn chất thải hữu cơ phong phú từ vật nuôi làm nhiên liệu cho sản xuất điện năng. Chỉ với quá trình phân hủy yếm khí đơn giản, họ có thể thu được một hỗn hợp khí chứa tới 60% mê-tan – một loại nhiên liệu sạch và không gây ô nhiễm môi trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Mô hình chăn nuôi gà thịt trên nền đệm lót sinh học

Để góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015-2020 và làm phong phú, đa dạng thêm giống gà nuôi trong tỉnh, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã phối hợp với UBND xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình xây dựng mô hình “Chăn nuôi gà thịt giống Minh Dư trên đệm lót sinh thái”.

Mô hình có quy mô 400 con được thực hiện tại hộ ông Mai Xuân Vinh ở thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình với hình thức hỗ trợ 100% con giống và 50% vật tư (thức ăn, vắc-xin, hóa chất sát trùng, chế phẩm xử lý mùi hôi…).

Sau 3 tháng thực hiện mô hình, hộ thực hiện đã áp dụng các chỉ tiêu kỹ thuật được tập huấn về chăn nuôi gà thịt Minh Dư trên đệm lót sinh thái. Gà thịt giống Minh Dư được mua tại Công ty TTHH giống gia cầm Minh Dư ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước,tỉnh Bình Định. Gà giống khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông bông, bụng gọn, không khèo chân, không vẹo mỏ đủ tiêu chuẩn làm giống. Chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng đúng định kỳ, thay trấu đệm lót đảm bảo đúng kỹ thuật. Thời gian từ tuần đầu đến hết tuần 4, chiếu sáng 100% để đảm bảo duy trì nhiệt độ phù hợp sao cho đàn gà lúc nào cũng tản đều trong quây úm. Từ tuần thứ 5 trở đi chỉ chiếu sáng về đêm còn ban ngày tùy thuộc vào thời tiết. Về thức ăn, từ tuần 1 đến hết tuần 4 cho ăn thức ăn hỗn hợp đảm bảo độ đạm là 21%, từ tuần thứ 5 cho ăn thức ăn có độ đạm là 19%, từ tuần thứ 7 thả gà ra vườn, từ tuần thứ 10 trở đi cho ăn thức ăn phối trộn giữ thức ăn hỗn hợp và cám ngô, gạo… Cho gà uống đủ nước sạch, thuốc úm và bố trí các máng ăn máng uống phù hợp theo lứa tuổi.

Đàn gà giống Minh Dư lúc 04 tuần tuổi

Công tác thú y được tuân thủ nghiêm ngặt. Thường xuyên cọ rửa máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun tiêu độc khử trùng, kịp thời thay đệm lót khi bị bẩn ướt, xử lý chế phẩm khử mùi hôi đúng thời điểm, tiêm phòng và xử lý các loại vắc-xin đúng và đầy đủ theo quy trình kỹ thuật.

Sau khi áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật cho thấy đàn gà tăng trọng nhanh, tỉ lệ nuôi sống ở 90 ngày tuổi đạt 99,75%, tiêu tốn thức ăn: 2,65 kg/1kg tăng trọng. Trọng lượng bình quân gà lúc 90 ngày tuổi đạt 2,0 kg/con đảm bảo chỉ tiêu của mô hình. Khi dùng chế phẩm vi sinh Balasa No1 xử lý trên đệm lót, giúp phân hủy phân, giảm mùi hôi thối và khí độc chuồng nuôi, tạo môi trường trong lành cho vật nuôi phát triển tốt, giảm tỉ lệ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy, bệnh CRD, lông gà tơi xốp, mượt, sạch đẹp hơn, bán có giá cao hơn trước đây. Mô hình đã được hộ tham gia mô hình và các hộ dân vùng lân thăm quan học tập cận đánh giá cao và có khả năng nhân ra diện rộng.

Từ thực tế triển khai mô hình tại xã Phú thịnh cho thấy, nuôi gà thịt giống Minh Dư trên đệm lót sinh thái giảm đáng kể các chi phí đầu tư, kể cả công chăm sóc so với hình thức nuôi truyền thống trước đây. Lợi nhuận thu được từ 400 con gà sau hơn 3 tháng nuôi là trên 10 triệu đồng.

Đàn gà giống Minh Dư 10 tuần tuổi

Ông Mai Xuân Vinh hộ tham gia mô hình cho biết thêm, quá trình triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt giống Minh Dư trên đệm lót sinh thái đã giảm 25% chi phí điện úm gà con, 40% công lao động và 30% thuốc thú y. Đặc biệt là chi phí công quét dọn phân hàng ngày với lượng trấu phải thay thường xuyên như trước đây đã giảm đáng kể. Mô hình đã giúp giảm đáng kể mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Từ đó, góp phần định hướng phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung, an toàn, bền vững và quản lý tốt dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dung.

Mô hình chăn nuôi gà thịt giống Minh Dư được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái thực hiện tại xã Phú Thịnh sẽ là cơ sở để các hộ chăn nuôi trong vùng đến thăm quan học tập làm theo.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi gà kết hợp thả cá trê phi

Mô hình nuôi gà kết hợp thả cá trê phi đang được nhiều người dân huyện Anh Sơn áp dụng hiệu quả bởi vừa tận dụng lượng chất thải lớn từ chăn nuôi gà để nuôi cá, tránh gây ô nhiễm môi trường, từ đó tăng thêm thu nhập.

                                           nuôi gà kết hợp với cá trê phi

Áp dụng thành công mô hình này hơn 3 năm nay, ông Nguyễn Hữu Đại ở thôn 4, xã Tường Sơn cho biết: “Với quy mô thực hiện hơn 5.000 con gà và 7 bể nuôi cá trê với diện tích 700 m2, mỗi năm gia đình tôi thu về 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí cũng thu lãi 400 triệu đồng/năm”.

Bể nuôi cá được ông Đại bố trí sát với chuồng nuôi để tận dụng nguồn thức ăn thừa và xử lý môi trường. Gia đình thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường cho gà và cá phát triển tốt.

Theo ông Nguyễn Hữu Đại, để thực hiện mô hình gà – cá thành công, phải nắm vững và áp dụng sáng tạo các biện pháp kỹ thuật, đầu tư thật kỹ về cơ sở hạ tầng, chủ động nguồn vốn phục vụ sản xuất.

Ông Đại chia sẻ: Để nuôi gà kết hợp với cá trê trước hết chuồng trại cần xây dựng bằng gạch kiên cố. Đối với nuôi gà, mỗi chuồng có diện tích 50m2. Gà con bố trí mật độ 1.200 con/chuồng, gà trưởng thành 400 con/chuồng. Chuồng nuôi phải thoáng mát, nhận được ánh sáng buổi sáng, tránh nóng bức buổi chiều, tránh được mưa tạt gió lùa, ấm áp mùa đông, mát mẻ mùa hè. Trong quá trình nuôi, thực hiện chế độ chăm sóc hợp lý như: tiêm phòng đầy đủ, nên sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp rau cám và chăn thả tự nhiên. Cùng đó, cần thực hiện tốt các khâu vệ sinh chuồng trại, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học.

Đối với nuôi cá: Bố trí diện tích ao nuôi phù hợp số lượng đàn gà trong trang trại. Hiện nay ông Đại bố trí 7 bể nuôi có với diện tích mỗi bể là 100m2, trong đó Chọn các đối tượng cá nuôi thích nghi điều kiện tự nhiên, chủ yếu là cá trê phi và một ít cá rô phi; mật độ 10 con/m2 để tận dụng triệt để thức ăn thừa. Cần duy trì mực nước ao 1,2 – 1,5 m và theo dõi chất lượng nước thường xuyên để cải thiện năng suất, chất lượng cá nuôi.

Với quy mô 5000 con gà và 7 bể nuôi cá đã mang lại lãi ròng cho gia đình ông Đại trên 400 triệu đồng/năm.

Ông Đại chia sẻ: Việc nuôi một số lượng gà lớn kết hợp với chăn nuôi cá trê đang là hướng đi rất hợp lý của nhiều hộ trên địa bàn. Hàng ngày ngoài phân gà còn một lượng vỏ trứng từ lò ấp của gia đình cũng sẽ được dùng làm thức ăn cho cá. Mô hình nuôi kết hợp này đạt hiệu quả rất cao. Mỗi năm ông cho xuất chuồng trên 5.000 con gà và 2,1 tấn cá, mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, mô hình nuôi gà thả trê tương đối dễ thực hiện, phù hợp điều kiện sản xuất ở nông thôn, mang lại hiệu quả cao, tùy khả năng nông hộ để chọn hình thức đầu tư phù hợp.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Giống gà lương phượng

Gà Lương Phượng (Lương Phượng hoa) là một phẩm giống mới, nuôi chăn thả lấy thịt đã nhà được các nhà tạo giống gà tại Nam Ninh (Quảng Tây-Trung Quốc) nghiên cứu và chọn lọc trong thời gian trên 10 năm.

Gà Lương Phượng yêu cầu thức ăn không cao, quản lý nuôi dưỡng đơn giản

Về đặc điểm ngoại hình, Gà Lương Phượng rất giống với thể hình gà đia phương: mào, tích, tai đều màu đỏ. Gà trống có mào cờ đứng, ngực rộng dài, lưng phẳng, chân cao trung bình, lông đuôi vểnh lên. Gà mái đầu thanh tú, thể hình chắc, rắn, chân thẳng, nhỏ. Màu lông đa phần ma hoàng, lông cú sẫm, số ít màu sẫm điểm lông đen rất hấp dẫn với người chăn nuôi và tiêu dùng. Gà giết mổ, da vàng, thịt ngon, đậm đà như thịt gà địa phương.
Gà Lương Phượng yêu cầu thức ăn không cao, quản lý nuôi dưỡng đơn giản. Do được chọn lọc theo hướng tăng sức đề kháng, chống đỡ bệnh tật nên gà dễ thích nghi nuôi trong điều kiện sinh thái nóng ẩm. Tỷ lệ gà thương phẩm xuất chuồng đều đạt 95% trở lên. Tốc độ sinh trưởng nhanh, khối lượng cơ thể lúc 70 tuần tuổi đạt 1,5-1,6 kg. Tiêu tốn thức ăn /kg tăng trọng là 2,4-2,6 kg.
Khả năng sinh sản của gà Lương Phượng rất tốt. Tuổi vào đẻ là 24 tuần, khối lượng cơ thể gà mái đạt 2.100 g, gà trống đạt 2.700 g. Sản lượng trứng/66 tuần đẻ đạt khoảng 171 quả, tỷ lệ phôi đạt 92%.
Với phẩm chất ưu việt như trên, gà Lương Phượng hiện nay đang là giống chủ đạo được ưa chuộng và phát triển nuôi rộng rãi khắp mọi vùng ở nước ta.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kinh nghiệm nuôi gà quý phi

Gà Quý phi có sức đề kháng tốt, hình thái đẹp, thịt ngon, giá bán cao nên giống này đang trở nên “thịnh” ở Hải Phòng”.

“Gà Quý phi có sức đề kháng tốt, hình thái đẹp, thịt ngon, giá bán cao nên giống này đang trở nên “thịnh” ở Hải Phòng”, ông Nguyễn Quốc Nhật, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tràng Cát (quận Hải An, TP Hải Phòng) nói như vậy khi giới thiệu về mô hình nuôi gà Quý phi của gia đình ông Đặng Lợi Quang (đội 2, phường Tràng Cát).

Gia đình ông Quang có thâm niên mấy chục năm nuôi và bán gà cảnh. Vài năm trước đây, ông nhờ người quen là thuyền viên trên tàu biển mua giống gà Quý phi ở Hồng Kông mang về nuôi làm cảnh, với giá 1 triệu đồng một con gà hơn nửa tháng tuổi.

                                                   Gà Quý phi trưởng thành.

Gà Quý phi có bộ lông mượt mà màu đen – trắng hoặc biếc, mắt đỏ, chân hồng trông rất đẹp mắt. Đặc biệt chúng có nhúm lông trên đầu nhô lên như vương miện (nên được gọi là gà “Quý phi”).

Ông Quang cho biết, ông rất thích giống gà này vì hình thái đẹp, lạ. Mới đầu nhập giống về chỉ định nuôi gà cảnh, về sau thấy thịt gà rất ngon, bán được giá cao nên mới phát triển đàn lên. Lúc đầu con gà chưa quen môi trường mới nên nuôi rất vất vả, vừa “rón rén” chăm sóc vừa theo dõi sát sao quá trình chúng sinh trưởng để rút kinh nghiệm. Trang trại của ông Quang cũng là nơi đầu tiên nuôi gà Quý phi tại Hải Phòng.

Đến nay, ông Quang đã có đàn gà Quý phi thuần thục với khí hậu địa phương. Hiện ông duy trì đàn khoảng 200 con gà bố mẹ, 200 gà thịt. Ông có lò ấp để sản xuất gà giống, mỗi tháng cung cấp cho thị trường Hải Phòng và một số địa phương lân cận khoảng 500 con gà giống. Gà giống trong vòng 1 tuần tuổi là ông tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đến 2 tuần tuổi là xuất bán, giá 50 nghìn đồng, lúc cao điểm là 80 nghìn đồng/con.

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đàn gà thịt của ông cũng bán hết veo với giá 400 – 500 nghìn đồng/kg. Trong đó, hầu hết khách hàng phải đăng ký trước mới mua được. Hiện ông đang gây đàn mới.

Ông Quang chia sẻ, ông nuôi giống này cũng tương tự như gà thường. Lúc gà 1 – 2 tuần tuổi, chỉ ăn thức ăn công nghiệp, có thể trộn thêm chút rau, bèo. Gà lớn hơn thì ăn cám ngô, thóc. Khi gà 6 tháng tuổi, con trống nặng khoảng 2kg, con mái chừng 1,3 – 1,4kg là có thể bán thịt. Về mùa lạnh cần chú ý che chắn kỹ chuồng nuôi, thắp đèn cho gà ấm.

Được hỏi về chi phí, ông Quang nói: “Chi phí nuôi gà Quý phi chủ yếu là mua con giống và thức ăn, thực sự không đáng kể, tính cao nhất là 20%”.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Tràng Cát đánh giá, trong bối cảnh chăn nuôi hiện nay khó khăn, đầu ra đầu vào không ổn định, mô hình nuôi gà Quý phi của ông Quang là việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi đúng hướng, từ loại con giống thường sang con giống chất lượng cao. Phường cũng tạo điều kiện về mặt bằng, vắc xin tiêm phòng, thuốc khử trùng… cho trang trại tiếp tục phát triển mô hình này. Ngoài ra, Hội Nông dân phường cũng bố trí cho một số hộ dân tham quan, học tập mô hình.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Các biện pháp phòng trị bệnh đầu đen trên gà nuôi

Bệnh đầu đen hay bệnh kén ruột, bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm ở gà, bệnh kén ruột thừa do một loại đơn bào có tên khoa học là Histomonas Meleagridis ký sinh ở gan, dạ dày và ruột thừa (manh tràng) gây ra.

                                                    bệnh đầu đen trên gà

Bệnh có tỷ lệ chết cao và ảnh hưởng lớn đến năng suất chăn nuôi, và xảy ra chủ yếu trên gà, gà tây nuôi chăn thả, bán chăn thả và một số loài chim.

Nguyên nhân

Tác nhân gây bệnh có 4 dạng tồn tại: Dạng xâm nhiễm ở manh tràng (ruột thừa) có thể phân lập. Dạng sinh dưỡng ở các tổn thương ruột, gan (có thể phân lập và giao tử). Dạng lưới thường dính với nhau tạo ra các thể lưới và hợp bào ở gan. Dạng hình thoi trong lòng ruột thừa và nga ba hồi manh tràng.

Vì là bệnh do Histomonas gây ra nên có tên khoa học là Histomonosis, cũng vì các biến đổi đặc trưng tập trung song hành ở gan và ruột và bệnh lại có tính lây lan nhanh, nên bệnh còn có tên là bệnh viêm hoại tử ruột gan (Infectious Enterohepatitis).

Ở Việt Nam do các biến đổi đặc trưng tạo kén ở ruột thừa nên người chăn nuôi thường gọi là bệnh kén ruột.

Phương thức lây truyền

Bệnh lây lan chủ yếu qua đường miệng, ăn uống phải trứng giun kim (Heterakis Gallinae) có chứa Histomonas.

– Bệnh lây truyền qua đường ăn uống bởi thức ăn, nước uống, chất độn, môi trường bị nhiễm trứng giun kim Heterakis Gallinae đã chứa mầm bệnh, sau khi gà bị nhiễm và qua quá trình phát triển gà lại thải mầm bệnh ra môi trường bên ngoài qua 2 cách: Qua trứng giun kim và trực tiếp qua phân.

– Ra môi trường bên ngoài trứng giun kim lại bị giun đất ăn và căn nguyên được bảo tồn trong giun đất rất lâu, gà lại ăn giun đất và lại tái nhiễm. Đây là nguyên do sâu xa để bệnh đầu đen lưu cữu trong thời gian rất dài tại cơ sở chăn nuôi, là lý do cơ bản để gà bị tái nhiễm và bệnh cứ lặp đi lặp lại sau khi đã được điều trị khỏi.

Đặc điểm dịch tễ

– Gà từ 2 – 3 tuần tuổi đến 3 – 4 tháng dễ bị bệnh nhất, nhưng gà lớn hơn vẫn có thể bị bệnh.

– Bệnh thường nổ ra vào những tháng nóng ẩm cuối xuân, hè và đầu thu, nhưng gà lớn bệnh nổ ra cả trong mùa đông.

– Tất cả các loại giống gà đều có thể mắc bệnh, gà tây mẫn cảm nhất.

Triệu chứng

– Gà đột nhiên sốt rất cao 43 – 44 độ C, nhưng lại cảm thấy rét nên đứng im, rụt cổ, dạng rộng chân, mắt nhắm nghiền, xù lông và run rẩy. Nhiều gà giấu đầu vào nách cánh, tìm chỗ đứng có ánh sáng mặt trời hoặc dưới bóng điện để sưởi.

– Giảm ăn, uống nhiều nước, tiêu chảy phân loãng vàng trắng hoặc vàng xanh. Khi sắp chết thì bỏ ăn, mào thâm tím.

– Mào thâm tím, da mép và da vùng đầu xanh xám thậm chí xanh đen, nên bệnh có tên là bệnh đầu đen.

– Bệnh kéo dài 10 – 20 ngày nên gà rất gầy. Trước khi chết thân nhiệt gà giảm xuống tới 39 – 38 độ C.

– Gà bệnh chết rải rác và thường chết về ban đêm, mức độ chết không ồ ạt nhưng sự chết kéo dài lê thê, gây cho người chăn nuôi cảm giác bệnh không nguy hiểm lắm. Thực chất cuối cùng gà chết đến 85 – 95%.

Bệnh tích

Bệnh tích tập trung ở gan và manh tràng

– Gan sưng to gấp 2 – 3 lần, bị viêm xuất huyết hoại tử, lúc đầu trên bề mặt gan có các đốm đỏ thẫm làm cho gan lổ đổ như đá hoa cương, sau đó biến thành ổ hoại tử màu trắng hình hoa cúc như ổ lao hoặc như khối u của Marek.

– Ruột thừa (manh tràng) bị viêm sưng, thành ruột thừa bị dày lên gấp nhiều lần. Trong chất chứa có thấy lẫn máu nhớt như máu cá hoặc màu nâu giống như bệnh cầu trùng hoặc tạo thành kén rắn chắc màu trắng. Từ đấy người chăn nuôi gọi là bệnh kén ruột.

Nhiều trường hợp thấy ruột thừa phình rất to dính chặt vào cá cơ quan nội tạng khác, đôi khi còn thấy manh tràng bị viêm loét thủng rò rỉ chất chứa vào lòng bụng gây nên viêm phúc mạc nặng khiến gà chết nhanh.

Bệnh đầu đen dễ bị bội nhiễm với bệnh cầu trùng, viêm ruột hoại tử và bệnh ký sinh trùng máu do Leucocytozoone.

Phòng bệnh

Không nuôi chung gà tây với gà ta và không nuôi nhiều lứa gà trong cùng 1 cơ sở chăn nuôi. Không thả gà ra vườn trong những ngày mưa, gió to. Từ 20 ngày tuổi trở lên cho gà uống Sulfat đồng hoặc uống thuốc tím.

* Cách làm:

– Cứ 7 – 10 ngày thì cho uống 1 lần. Mỗi 1 lần cho gà uống 1gr thuốc tím, hoặc 2 gr sulfat đồng pha với 10 lít nước trong 1 – 2 giờ, sau đó nếu thừa thì đổ đi.

– Hằng tuần cần phu thuốc khử trùng và cuốc xới sân vườn rồi rắc vôi bột.

Điều trị

Bệnh đầu đen dễ dàng được điều trị khỏi bằng một trong các phác đồ sau:

Phác đồ 1: Phải tiến hành đồng thời hai việc sau đây cùng một lúc:

– Tiêm bắp vào nách cánh T.Avibrasin 1 ml/5 kg gà/lần/ngày x 3 ngày.

– Cho uống T. cúm gia súc 20 gr, Hepaton hoặc T. Flox.C 20 gr, bổ gan TA.Sorbitol + B12 là 40 gr, Gluco.K.C.B2 là 100 gr.

Các loại thuốc trên pha vào 15 – 20 lít nước cho 100 kg gà uống cả ngày, dùng liên tục 4 ngày là khỏi.

Bước 2: Cho uống T. cúm gia súc 2 gr, T. Coryzin 1,5 – 2 gr, Super Vitamin 2g. Cả 3 loại trên pha vào 1 lít nước cho gà uống liên tục 3 – 4 ngày đêm là khỏi.

Phác đồ 2: Làm 2 việc sau đây cùng một lúc:

– Tiêm bắp Macavet hoặc Flodovet 1 ml/7 kg P/lần/ngày x 3 ngày.

– Cho uống: T. cúm gia súc 20 gr, Hepaton hoặc Anti-protozon hoặc Anti-CRD.LA 20 gr, bổ gan – thận – lách. TA 40 gr, Gluco.C 100 gr.

4 loại thuốc trên pha chung vào 15 – 20 lít nước cho 100 kg gà uống trong 1 ngày, dùng 4 ngày là khỏi.

Phác đồ 3: Dành cho những đàn gà có số lượng quá ít.

– Hepaton hoặc Anti – CRD.LA 15 gr.

– T. Flox.C 15 gr.

– T. cúm gia súc hoặc Anti-Gum 20 gr.

– Bổ gan – lách – thận TA 40 gr.

4 loại thuốc trên pha chung vào 15 – 20 lít nước hoặc cho 100 kg gà uống cả ngày, dùng liên tục 4 ngày là khỏi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam