Một số lưu ý khi chăn nuôi dê

1. Chọn phương thức chăn nuôi hợp lý

Tùy theo điều kiện đất đai, diện tích đồng cỏ, khả năng kinh tế,… mà chọn phương thức chăn nuôi quảng canh, bán thâm canh hoặc thâm canh.

Những vùng trung du, miền núi; những nơi còn đất hoang hóa rộng nên chăn nuôi dê theo phương thức quảng canh. Phương thức này phù hợp với nuôi dê thịt. Lợi ích của phương thức chăn nuôi quảng canh là tiết kiệm được chi phí thức ăn, nhân công và chi phí chuồng trại… Nhưng bất lợi là khó quản lý đàn, khó kiểm soát được dịch bệnh và quá trình sinh sản của dê.

Những khu vực ven đô, những vùng đất hẹp không có điều kiện chăn thả nên nuôi dê theo phương thức bán thâm canh hoặc thâm canh. Phương thức này phù hợp với chăn nuôi dê sữa hoặc kiêm dụng sữa – thịt. Chăn nuôi dê thâm canh hoặc bán thâm canh đòi hỏi chi phí lớn về thức ăn, xây dựng chuồng trại và nhân công nhưng lại dễ kiểm soát và quản lý về sinh sản và dịch bệnh.

2. Quan tâm đến công tác giống

Chọn dê đực, dê cái làm giống rất quan trọng. Phải chọn những con có lý lịch rõ ràng, có bố mẹ, ông bà thuộc loại chất lượng tốt.

Bản thân dê đực hoặc dê cái chọn làm giống phải có các đặc điểm đặc trưng của giống, phải là những con ưu tú trong đàn, linh hoạt, khoẻ mạnh; ăn khỏe. Thân hình phải cân đối. Bộ phận sinh dục phát triển bình thường.

Không chọn làm giống những con:

– Lý lịch không rõ ràng hoặc bố mẹ, ông bà thuộc loại còi cọc, năng suất thấp.

– Có các đặc điểm ngoại hình như: đầu dài, trụi lông tai; cổ ngắn; sườn thẳng; bụng nhỏ.

– Tứ chi không thẳng, vòng kiềng, yếu ớt, không chắc chắn. Móng chân không gọn, đều và thẳng.

Cần bỏ thói quen lưu giữ một đực giống trong đàn một thời gian dài. Thông thường chỉ nên sử dụng dê đực giống đến 6 năm tuổi. Điều cũng không tốt là một số người chăn nuôi chọn ngay một con đực trong đàn để làm giống, phối cho cả đàn, dẫn đến tình trạng bố nhảy con, ông nhảy cháu, anh em nhảy lẫn nhau gây nên hiện tượng đồng huyết, làm cho đàn dê còi cọc, lưỡng tính dục, khả năng sinh sản kém, tỷ lệ chết cao và chăn nuôi kém hiệu quả.

Không nên cho dê cái sinh sản sớm. Thông thường dê phát dục vào lúc 5- 6 tháng tuổi. Nhưng để bảo đảm cho dê sinh sản tốt thì chờ đạt 8 tháng tuổi mới nên cho phối giống. Nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến con mẹ, đời con sinh ra bị còi cọc, chất lượng giống giảm sút.

Muốn làm tốt công tác giống cần có sổ sách theo dõi phối giống và sinh sản của dê.

3. Xây dựng chuồng nuôi dê đúng quy cách kỹ thuật

Bản tính của dê là thích ở nơi cao ráo, sạch sẽ, vì vậy chuồng nuôi dê phải làm sàn, cao cách mặt đất khoảng 40 – 80cm, có thang cho dê lên xuống dễ dàng. Có thể làm sàn bằng nan gỗ, tre hoặc vầu nhưng phải bảo đảm chắc chắn, nan sàn phải đều, nhẵn, khe rộng 1,5 – 2,0 cm để dễ lọt phân nhưng không làm dê bị kẹt móng.

Chuồng dê được xây dựng thoáng mát, sạch sẽ

Dê thích ăn ở độ cao, không gặm và nhặt thức ăn trên mặt đất như trâu bò, do đó cần phải treo máng ăn cách mặt đất 0,2 – 0,5 m. Máng ăn phải đủ dài, bảo đảm tất cả dê có thể ăn cùng một lúc và không rơi vãi, tránh lãng phí thức ăn.

4. Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn thức ăn nuôi dê

So với trâu, bò, cừu, dê ăn được nhiều loại lá hơn và có biên độ thích ứng rộng đối với mùi vị của cây lá. Nó có thể ăn được cả các loại lá có chứa độc tố, các loại lá cay, đắng mà các loài gia súc khác không ăn được như lá xà cừ, lá xoan, lá chàm tai tượng… Vì vậy khi nuôi dê nên tận dụng và khai thác tối đa các loại cây lá này. Đồng thời cần tận dụng tối đa các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến để nuôi dê, nhằm giảm giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi.

5. Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh

Phải chăm sóc và nuôi dưỡng dê hợp lý. Thức ăn, nước uống phải đầy đủ, chất lượng tốt. Thường xuyên làm vệ sinh chuồng nuôi, sân chơi, máng ăn, máng uống. Bảo đảm chuồng nuôi luôn khô ráo, sạch sẽ.

Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ tránh dịch bệnh xảy ra

Dê có thể mắc một số bệnh truyền nhiễm như tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng, nhiệt thán … Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường gây tỷ lệ chết cao. Để đề phòng các bệnh này phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm vắc-xin của các cơ quan thú y.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Cách chọn dê làm giống

Chọn dê cái giống

Dê cái làm giống có đặc điểm:

– Đầu rộng, hơi dài, rắn chắc, vẻ mặt linh hoạt.

– Cổ dài, mềm mại, có cơ chắc, nổi, nhọn về phía đầu.

– Lưng thắng, sườn tròn và xiên về phía sau; có một hõm phía trước xương chậu, thể hiện khả nàng tiêu hoá tốt.

– Hông rộng và nghiêng đảm bảo cho dê có bầu vú gắn chặt vào phần bụng, những mạch máu lớn nổi rõ ở phía sau vú; khớp mắt cá thẳng tránh cho dê khi đi không làm ảnh hưởng tới các mạch máu trên bầu vú; những núm vú to dài từ 4-6cm nằm vững vàng trên bầu vú. Bầu vú gắn chặt vào phần bụng, gọn về phía trước, thấy rõ các tĩnh mạch (gân sữa) ở phía trước vú, gân sữa chạy từ bầu vú lên tới nách chân trước.

– Chân trước thẳng, cân đối; hàm khoẻ.

– Khả năng cho sữa trung bình hàng ngày cao, mức sụt thấp, khả năng cho sữa kéo dài.

– Dê cái phải hiền lành, dễ vắt sữa.

Chọn dê đực giống

Chọn dê đực giống dựa trên dòng giống, khả năng sinh trưởng và phát triển, ngoại hình, tính hăng và đặc biệt là khả năng phối giống thụ thai, phẩm chất đời con sinh ra tốt.

Dê đực giống có đầu ngắn, rộng, tai to dày, dài, cụp xuống. Thân hình cân đối, cổ to, ngực nở, tứ chi khoẻ mạnh, cứng cáp, chắc chắn, hai tinh hoàn đều đặn, to, có phẩm chất tinh dịch tốt.

Chọn con đực để giống từ dê mẹ là dê cao sản, đẻ từ lứa thứ 2 trở đi và đẻ từ 2 con trở lên.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Chăm sóc dê con trước khi cai sữa

1. Ðối với giống dê Bách thảo của Việt Nam

– Trong 10 ngày đầu cho dê con ở với mẹ và bú tự do.

– Từ 11 đến 21 ngày chỉ cho dê con bú sữa mẹ ngày 3 lần thường thì vắt sữa xong mới cho bú ngoài ra chúng ta cần cho chúng bú bình thêm 2 lần /ngày với lượng từ 0,4 đến 0,5 lít/ngày.

Dê Bách thảo Việt Nam

– Từ 4 đến 5 tuần tuổi chỉ cho bú trực tiếp sữa mẹ 2 lần sau khi vắt sữa và cho bú bình thêm khoảng 0,3 lít / ngày.

– Từ 5 đến 8 tuần tuổi chỉ cho bú trực tiếp với mẹ một lần sau khi vắt sữa và cho bú bình tương đương 0.2 lít /ngày và chuẩn bị cai sữa hoặc trong giai đoạn này có thể sử dụng thức ăn thay thế cho dê con sử dụng (0,2 đến 0,4 kg/con/ngày).

2. Ðối với các giống dê ngoại

– Tuần 1: Cho dê con ở chung với dê mẹ và bú tự do.

– Tuần 2: Có thể cho dê con bú bình (giới thiệu các kiểu bú bình). Cho 1/2 lít sữa 3 lần trong ngày, lúc này đặt thức ăn và nước uống cũng như cỏ khô để dê con có thể tập ăn

– Tuần 3 đến tuần thứ 6: 2 lít sữa chia làm 3 lần trong ngày và đặt thức ăn và nước uống cũng như cỏ khô để dê con ăn.

– Tuần thứ 7 và 8: Giảm số lượng sữa 2 lần trong ngày.

– Tuần thứ 9 đến tuần thứ 12: Giảm lượng sữa 1 lần trong ngày và cai sữa: Nếu chăm sóc nuôi dưỡng tốt dê con giống ngoại cai sữa 3 tháng đạt 15 kg.

3. Khẩu phần ăn

– Bột bắp: 35%

– Cám gạo: 35%

– Bánh dầu dừa: 20%

– Ðậu nành: 10%

Dê con thường được tách khỏi dê mẹ sau khi sinh và nuôi bằng sữa 1lít/ ngày trong ba tuần đầu. Bắt đầu tập ăn cho dê con lúc 2 tuần tuổi bằng cách trét thức ăn khởi đầu lên miệng chúng và để sẵn thức ăn này trước mặt chúng thường xuyên. Thay thức ăn khởi đầu mỗi ngày và dùng để nuôi các dê lớn hơn.

Sau đó 2- 3 ngày để sẵn cỏ phơi héo để chúng tập ăn. Tập cho dê con ăn sớm sẽ kích thích dạ cỏ phát triển sớm, giúp chúng có thể ăn nhiều thức ăn thô khi cho sữa nên giá thành của sữa sẽ hạ.

Nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy thể tích dạ cỏ chỉ chiếm 20% thể tích của dạ dày lúc sơ sinh và đạt đến mức 80% lúc 2 tháng rưỡi tuổi khi tập cho dê con ăn sớm. Khi đó dê con có thể tiêu hóa tốt thức ăn thô. Lúc đó cần sân chơi để dê con vận động dưới ánh sáng mặt trời.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Phòng trị bệnh cho dê

Bệnh ỉa chảy:

Nguyên nhân: do vi trùng hoặc thức ăn, nước uống bẩn, lạnh, thiu, mốc. Dê bị bệnh phân nát đến lỏng. Cho ăn hoặc uống nước lá ổi, lá quả hồng xiêm, búp sim kết hợp cloramfenicon ngày 2-4 viên/con lớn.

Bệnh chướng bụng đầy hơi:


Nguyên nhân: do thức ăn thiu, mốc hoặc quá giàu đạm và thay đổi đột ngột. Dê bệnh thành bụng bên trái căng, chướng to, gõ tiếng bùm bụp, con vật khó thở sùi bọt mép. Lấy 1-2 củ tỏi giã nhỏ hòa vào 100ml rượu hoặc dấm cho dê uống và nhấc 2 chân trước lên để dê ở trạng thái đứng: xoa bóp vùng bụng liên tục nhiều lần cho dê ợ hơi, trung tiện được.

Bệnh loét miệng truyền nhiễm:

Nguyên nhân: do siêu vi trùng hoặc ăn thức ăn già, cứng gây xây sát nhiễm trùng. Xung quanh môi, trong miệng đều có mụn to, loét ra; nặng thì tai mũi bầu vú cũng bị viêm loét, con vật khó nhai, khó nuốt, nước dãi thối. Hàng ngày rửa vết loét bằng nước muối loãng, hay nước oxy già rồi bôi thuốc mỡ kháng sinh. Kinh nghiệm dùng chanh, khế sát vào vết loét nhiều lần cũng khỏi bệnh.

Bệnh viêm vú:

Nguyên nhân: do vệ sinh bầu vú không sạch, vắt sữa không đúng kỹ thuật gây viêm nhiễm làm bầu vú sưng đỏ, nóng, đau. Chườm vú nhiều lần bằng nước nóng có pha muối 5%. Sau đó đắp cao tan vào vú viêm.

Bệnh giun sán:

Nguyên nhân: do vệ sinh thức ăn và chuồng trại kém. Dê bị bệnh biếng ăn, gầy, thiếu máu, đau bụng, ỉa nhão đến lỏng, mắc sán lá gan, dê có hiện tượng tích nước ở hàm dưới và bụng. Cho dê con trước khi cai sữa (3 tháng tuổi) và dê mẹ sau khi phối giống 5-6 tuần uống thuốc levamisole phòng bệnh giun tròn. Không cho dê ăn cỏ lá vùng ngập nước, dùng dextrin-B phòng định kỳ và điều trị với dê đã mắc bệnh.

Bệnh đau mắt:

Nguyên nhân: do chuồng trại bẩn, chật chội. Dê bị bệnh mắt đỏ, nước mắt chảy nhiều, nặng có mủ. Rửa nước muối, hoặc nhỏ thuốc đau mắt (sunfat kẽm 10%) rồi bôi thuốc mỡ tetraxilin ngày 2-3 lần đến khi khỏi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật nuôi dê bách thảo

1. Đặc điểm

Hiền lành ít phá hoa màu, ăn tạp, năng suất cho thịt, sữa cao. Tầm vóc cao to, đầu dài trán lồi, sống mũi dô, tai to rủ, có hoặc không có sừng, 60% dê có màu lông đen, số còn lại có màu đen đốm trắng, trắng nâu, vàng.

Dê sinh sản nhanh: tuổi phối giống lần đầu 7 – 8 tháng (P = 19 – 20kg), cứ 7 tháng đẻ 1 lứa, lứa đầu đẻ 1 con, từ lứa thứ 2 trở đi đẻ 2 con. Dê con sơ sinh nặng 1,9 – 2,5kg. Dê 3 tháng tuổi (lúc cai sữa) nặng 10 – 12kg, dê 6 tháng tuổi (lúc giết thịt) nặng 17 – 20kg. Dê bách thảo nuôi lấy sữa cho 0,8 – 1,0kg sữa/ngày, gấp 3 – 4 lẫn dê Cỏ.

2. Cách chọn giống

Chọn dê cái: Là con của dê bố và dê mẹ cho nhiều sữa, mắn đẻ, dê con mau lớn,ngoại hình thanh mảnh, đầu nhỏ, nhẹ, mình dài, phần sau phát triển hơn phần trước. Da mỏng, lông nhỏ mịn. Bầu vú to, đều, mềm mại.

Chọn dê giống có chất lượng tốt

Chọn dê đực: Khỏe mạnh, hăng hái, không khuyết tật, đầu to, ngắn, trán rộng, thân hình cân đối, không quá béo hoặc quá gầy. Phần thân sau chắc chắn, bắp nở đều, 4 chân thẳng, khỏe. Hai hòn cà đều và cân đối. Là con của dê bố mẹ suất sắc, cho nhiều sữa, mắn đẻ, dê con tăng trọng nhanh, khả năng chống bệnh tốt.

3. Thức ăn cho dê

Thức ăn thô

– Thô xanh:

+ Các loại lá: mít, xoan, chuối, dâu, keo dậu, sắn dây, keo lá tràm, sim mua và cây bụi khác trên đồi.

Thức ăn thô xanh cho dê

+ Các loại cỏ tự nhiên: Cho dê ăn 4 – 7kg cỏ, lá hỗn hợp/ngày/con. Nếu chăn thả chỉ cần cho ăn 2 – 3 kg/ngày/con.

– Thô khô:

Cỏ và rơm khô, thức ăn củ quả: sắn, khoai lang, chuối, bí đỏ, đu đủ, cà rốt,… Rửa sạch, thái mỏng cho ăn 0,2 – 0,8 kg/con/ngày.

Thức ăn tinh hỗn hợp

Gồm các loại cám gạo, ngô, bột sắn, bột sắn, bột đậu tương rang, rỉ mật đường. Tùy theo lứa tuổi, khả năng sinh sản và tiết sữa cho dê ăn từ 0,2 – 0,8 kg/con/ngày.

Tỷ lệ: Bột ngô 25 – 30%, cám gạo 25 – 40%, bột sắn 15 – 20%, bột đỗ tương rang 10 – 20%, rỉ mật 10 – 20%, khoáng 2%, muối 1%.

Phụ phẩm nông, công nghiệp

Bã đậu phụ, vỏ giá đỗ xanh, bã bia, vỏ và trái cây,… Tuyệt đối tránh thức ăn chua, hôi, mốc, ướt, cho ăn 0,3 – 0,6kg/con/ngày.

4. Chăm sóc nuôi dưỡng

Dê bách thảo có thể chăn chả ban ngày, tối về chuồng ăn thêm cỏ, lá cây. Nuôi nhốt tại chuồng, vận động tại sân chơi.

Đảm bảo hàng ngày: Thức ăn khô ráo, không hôi mốc, sạch không lẫn đất cát, uống thỏa mãn nước sạch. Quét dọn vệ sinh sạch sẽ: nền, sân chuồng, máng ăn sạch sẽ. Cách ly con đau ốm và không thả chung đàn.

Chăm sóc dê hậu bị (từ khi cai sữa đến khi phối giống): Cho ăn 2 – 5kg lá cây, cỏ xanh non và từ 0,1 – 0,4kg thức ăn tinh/con/ngày. Chỉ chăn thả hoặc vận động khi trời đã tan sương. Tách riêng dê đực 4 tháng tuổi ra nơi khác. Cho dê cái phối giống lần đầu ở 7 – 8 tháng tuổi, nặng 19 – 20 kg trở lên. Tuổi phối giống lần đầu của dê đực: 7 – 8 tháng tuổi, nặng 25 – 30 kg.

5. Chăm sóc dê chửa, dê đẻ

– Thời gian chửa 146 – 157 ngày. Trong thời gian chửa cần chăn thả dê gần chuồng, nơi bằng phẳng tránh dồn đuổi, đánh đập, tránh xa dê đực giống để tránh nhảy dê chửa, dễ sảy thai. Trước khi đẻ 5 – 10 ngày nhốt riêng dê chửa. Dê sắp đẻ bầu vú căng sữa, bụng sa, dịch nhờn chảy nhiều ở âm môn, sụt mông. Cho cỏ khô sạch lót ổ, chuẩn bị đỡ đẻ.

– Dùng khăn sạch, mềm, khô lau nhớt từ miệng, tai mũi và toàn thân cho dê sơ sinh. Thắt rốn bằng chỉ cách cuống rốn 4cm rồi cắt ngoài chỗ thắt, sát trùng rốn bằng cồn. Để dê con nằm ổ ấm, bên mẹ cho đến 4 ngày tuổi (trời rét cần sưởi ấm). Lau sạch bầu vú và phần âm môn dê mẹ. Sau đẻ 30 phút hỗ trợ dê con bú sữa đầu. Đẻ xong cho dê uống nước ấm pha muối 0,5% và ăn cỏ, lá xanh non và thức ăn tinh không ôi, ẩm mốc.

– Từ ngày thứ 4 đến 21 ngày tuổi, nuôi dê con trong cũi, đảm bảo ấm khi trời lạnh, chỗ nằm khô, sạch. Cho bú mẹ 3 – 4 lần/ngày. Khi 10 ngày tuổi tập cho dê con ăn thức ăn dễ tiêu: cháo, chuối chín, bột ngô, đỗ tương rang kỹ nghiền nhỏ mịn và cỏ non sạch, khô ráo.

6. Vắt sữa dê

– Vệ sinh khi vắt sữa: Rửa sạch tay và dụng cụ trước và sau khi vắt sữa. Dùng khăn sạch ướt rửa toàn bộ bầu vú. Lau sạch núm vú, tránh xây xát vú sau khi vắt hết sữa.

– Thao tác vắt sữa: Cố định người vắt, giờ vắt, không ồn ào khi vắt sữa. Thao tác vắt sữa nhẹ nhàng, đều đặn, thứ tự và nhanh. Sau đó buông tay ra để sữa xuống căng núm vú và lặp lại thao tác trên.Sau cùng vuốt hết sữa đọng trong núm vú.

Thao tác vắt sữa dê

– Lịch vắt sữa: Vắt sữa trước khi cho con vào bú mẹ.Vắt 1 – 2 lần tùy theo lượng sữa mẹ và số dê con đẻ ra.

– Xử lý sữa: Vắt sữa xong lọc qua 8 lớp vải màn sạch, rồi đun cách thủy trong nước sôi khoảng 10 – 15 phút mới được sử dụng.

7. Chuồng trại

– Chọn địa điểm làm chuồng: Chọn nơi cao ráo thoát nước, ở cuối hướng gió, tránh gió lùa. Chuồng nên làm hướng nam hoặc đông nam.

– Kiểu chuồng: Có sàn, đơn giản tre nứa lá. Có 3 kiểu: Chuồng dê nhốt chung, chuồng dê chia ô lớn, chuồng chia ô nhỏ nhốt riêng từng con. Sàn chuồng làm bằng thanh tre, gỗ nứa thẳng, nhẵn, bản rộng 2,5cm, cách nhau 1,5cm, cách mặt đất 0,6 – 0,8m. riêng đối với dê con, các nan nhỏ cách nhau 0,8cm để dê không bị lọt chân.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi cừu Phan Rang

Cừu Phan Rang là giống cừu Việt Nam duy nhất hiện nay, được nuôi dưỡng hơn 100 năm trở lại đây, đã thích nghi cao với điều kiện sinh thái của tỉnh Ninh Thuận và những địa phương có đặc điểm khí hậu tương tự. Tuổi trưởng thành, con cái nặng 39- 40kg, con đực 43- 44kg, khoảng cách lứa đẻ của cừu cái là 8 tháng/lứa.

Chuồng trại

Nên làm chuồng kiểu sàn: mặt sàn cách mặt đất 0,8-1 m tạo độ thoáng và đủ độ cao để vệ sinh quét dọn dễ dàng, khe hở mặt sàn 1,5 cm. Máng ăn bố trí sát mặt ngoài sàn (ở phía trước chuồng) để cừu thò đầu ra ăn. Chuồng nuôi phải bảo đảm vệ sinh, quét dọn phân hằng ngày. Mỗi tháng tẩy uế chuồng 1 lần bằng vôi bột hoặc Dipterex.

Thức ăn, nước uống

Cừu ăn được nhiều loại thức ăn như cỏ tươi, rơm, các loại dưa, bí, cà rốt, củ cải, ngô ủ chua… Để tăng cường dinh dưỡng cho cừu, ngoài thức ăn thô xanh, hằng ngày cho ăn thêm 0,1 – 0,3 kg thức ăn tinh (bột ngô, khoai, sắn…).
Vào mùa thức ăn tươi đầy đủ, trong thức ăn thường đầy đủ các yếu tố khoáng và vitamin, song vào mùa đông khô và rét, thức ăn tươi hiếm, khẩu phần ăn cần bổ sung canxi và các vitamin A, D…, tránh tình trạng dê nuôi bị thiếu dinh dưỡng, đẻ non, đẻ con yếu, ít sữa nuôi con, niêm mạc mắc khô, mắt mờ… Hằng ngày nên bổ sung 6- 9g canxi, 3-5 g phốtpho, vitamin D 4.000 – 10.000 đơn vị/ngày. Có thể mua (hay làm lấy) tăng urê-mật rỉ để bổ sung khoáng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cừu.
Cần có đủ nước sạch để cừu uống tại chuồng. Không cho cừu uống nước tù đọng tránh cừu bị nhiễm giun sán.

Kỹ thuật chăm sóc

Đối với cừu mẹ: Một con cừu cái tốt có đặc điểm đầu rộng hơi dài, mình nở, ngực sâu, lưng thẳng, hông rộng, lông mượt, bộ phận sinh dục nở nang, bầu vú phát triển, vú có da mềm nhão nhưng khi bầu vú căng sữa sẽ tiết sữa nhiều, gân sữa nổi rõ trên bầu vú. Tỷ lệ đực/cái trong đàn nên duy trì 1/25, thường xuyên thay đổi đực để tránh thụ tinh đồng huyết.
Chu kỳ động dục cừu cái là 16-17 ngày. Sau khi phối giống, qua 16-17 ngày không thấy động dục trở lại là cừu cái có chửa. Cừu mang thai 146-150 ngày. Căn cứ vào ngày phối giống để chú ý đỡ đẻ cho cừu, tránh đẻ bất ngờ làm chết cừu con.
Cừu cái chửa cho ăn thêm thức ăn tinh, rau cỏ non. Khi có dấu hiệu sắp đẻ như bầu vú căng, xuống sữa, âm hộ sưng to, cào bới sàn… thì nhốt riêng, chuẩn bị ổ cho cừu đẻ.
Sau khi cừu đẻ, dùng khăn mềm, sạch, ẩm để lau nước nhầy ở miệng, mũi cho cừu con, lấy dây chỉ sạch buộc rốn (cách rốn 5- 6cm), rồi dùng kéo cắt cách vết buộc 2 cm. Bôi cồn iốt để sát trùng. Đẻ xong, cừu mẹ khát nước nhiều, pha nước đường 1% + muối 0,5% cho cừu mẹ uống thoải mái.

Nuôi cừu con: Sau khi sinh ra, cừu con cần được bú sữa đầu là sữa chứa nhiều dinh dưỡng và giúp cho cừu sau này chống chịu được bệnh tật. Trong 10 ngày đầu sau đẻ cho cừu con bú mẹ tự do; từ 11-20 ngày tuổi, cừu con bú mẹ 3 lần/ngày, đồng thời tập cho cừu con ăn thức ăn tinh, rau cỏ xanh; 80-90 ngày tuổi, cho cừu con cai sữa.
Đối với cừu nuôi thịt: Gồm các cừu đực đã cai sữa và con giống loại thải. Cừu nuôi bán thịt phải nhốt riêng, tránh quậy phá đàn, hư hỏng chuồng trại. Trước khi xuất chuồng hai tháng cho ăn khẩu phần tăng cường để tăng trọng lượng lúc bán. Thức ăn bổ sung có thể là thức ăn tinh, cỏ, rau xanh, củ quả, phụ phẩm nông nghiệp…

Phòng trị bệnh

Cừu thường bị mắc một số bệnh sau:

Bệnh đậu cừu: Do virus gây nên. Bệnh làm xuất hiện các nốt phỏng to bằng hạt đậu trên các vùng da mỏng, sau vỡ thành mụn nước mầu rỉ sắt, khô đi thành vẩy rồi thành sẹo. Con vật ngứa ngáy, có thể ỉa ra máu và chết. Bệnh tiêm phòng bằng vaccine.

Bệnh viêm miệng lở loét: Rửa miệng và các vết loét bằng nước muối rồi chấm iốt. Nếu bị bệnh nặng, con vật có thể có biến chứng ở phổi và đường ruột. Điều trị bằng kháng sinh Penixilin và Streptomycin. Cho cừu uống nước ấm, ăn thức ăn mềm, bổ sung tinh bột.

Bệnh viêm phổi cấp tính: Bệnh có thể gây tử vong. Cần giữ chuồng ấm, sạch, cho ăn tốt. Khi con vật bị bệnh, tiêm Penixilin hay cho uống Tetracyclin.

Bệnh giun sán đường tiêu hóa: Để phòng trị, cho uống Phenothiazin lúc 5-12 tháng tuổi với liều 0,5-1g/kg thể trọng. Sau khi uống thuốc, nhịn ăn 3 giờ.

Ngoài ra, cừu còn mắc một số bệnh khác như bệnh thối móng, ỉa chảy, bệnh giun phổi… Cần theo dõi, phát hiện và chữa trị kịp thời, bảo đảm cừu ăn uống, sinh trưởng và phát triển bình thường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Một số kỹ thuật thú y ở dê

1. Kỹ thuật khử, cắt sừng

Mục đích của việc cắt, khử sừng dê là để tránh cho dê đánh húc nhau hoặc sừng quặp vào đầu, cổ gây tổn thương.

Nên khử sừng dê con khi sừng mới nhú lên, lúc dê con còn đang theo mẹ (dưới 3 tháng tuổi). Bởi vì khử sừng lúc này sẽ ít tổn hại đến sức khỏe dê và ít gây viêm nhiễm hoặc biến chứng.

Cách tiến hành: cắt lông, vệ sinh vùng sừng mọc; dùng ống sắt đặc, dài 5 – 7 cm, đường kính 3 – 4 cm, có cán gỗ; nung nóng trên bếp rồi áp nhanh vào gốc sừng.

Những dê có sừng quá dài hoặc có nguy cơ đâm vào đầu, cổ hay mắt thì nên cắt bỏ bớt sừng.

Cách tiến hành: vệ sinh sạch sẽ và sát trùng vùng cắt; phong bế gốc sừng bằng Novocain với liều 30 – 50 ml. Tiếp theo, dùng cưa sắc cắt nhanh quanh phần sừng quá dài. Áp nhanh dao nung đỏ vào vùng sừng vừa cắt. Cuối cùng, dùng bông, gạc buộc chặt vết cắt và tiến hành theo dõi cho đến khi khỏi hẳn.

2. Kỹ thuật thiến dê

Nên thiến những dê đực non không sử dụng làm giống lúc đạt 3 tuần tuổi. Những dê đực giống hết thời gian sử dụng, trước khi đưa vào nuôi vỗ béo cũng nên thiến để tăng hiệu quả chăn nuôi và chất lượng thịt.

Cách thiến như sau:

– Làm vệ sinh, sát trùng túi dịch hoàn; nắm và kéo hai dịch hoàn ra phía ngoài và dùng dây buộc lại để chúng không di chuyển trở lại vào trong.

– Dùng dao sắc cắt một đường dài khoảng 3 – 4 cm vào chính giữa túi, để lộ dịch hoàn và kéo dịch hoàn ra ngoài.

– Buộc thắt phần trên thừng dịch hoàn hai nút cách nhau 1,5 cm, sau đó dùng dao sắc cắt thừng dịch hoàn giữa hai nút buộc. Làm tương tự như vậy với dịch hoàn còn lại.

– Dùng bông lau sạch máu bên trong và bên ngoài bao dịch hoàn; rắc kháng sinh vào bên trong và khâu bao dịch hoàn lại (nếu môi trường không đảm bảo vệ sinh và nhiều ruồi nhặng thì nên bôi thêm Ichthyol).

– Kiểm tra, theo dõi vết thiến và bôi thuốc sát trùng hàng ngày cho đến khi khỏi hẳn.

3. Kỹ thuật cắt móng dê

Móng chân dê thường phát triển nhanh, nhất là trong điều kiện nuôi nhốt hoặc ít được chăn thả. Khi móng chân dê quá dài làm cho chúng đi lại khó khăn, dễ gãy, xước hoặc bị kẹt đá, sỏi, gây tổn thương, làm thối móng và có thể dẫn đến què. Do vậy, cần thường xuyên kiểm tra chân móng dê và tiến hành cắt gọt.

Cách tiến hành: dùng dao hoặc kéo sắc cắt móng chân, chú ý cắt bỏ hết các phần móng thừa, bẩn và bị bệnh. Có thể cắt sâu khi tổ chức móng bị hỏng. Trường hợp chảy máu, dùng cồn iốt 5% sát trùng rồi băng bó vết thương.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Quy trình phòng bệnh cho dê

1. Về giống

Cũng giống như các loại gia súc khác, để lựa chọn các cá thể dê làm giống phải chọn qua đời trước (ông bà, bố mẹ). Kiểm tra cá thể con giống về các đặc điểm như ngoại hình, khả năng sản xuất, khả năng thích ứng với điều kiện chăn nuôi và chọn lọc qua đời sau của chúng. Đồng thời, phải chọn lựa dê làm giống ở những cơ sở chăn nuôi dê có uy tín, đảm bảo chất lượng.

Chọn dê giống có chất lượng tốt

Một số điều cần lưu ý trong quá trình chọn giống dê:

a. Chọn giống dê cái

– Ngoại hình: Chọn những dê có ngoại hình đẹp, mình nở rộng, ngực sâu, thân hình cân đối khỏe mạnh, da mềm, lông bóng. Bầu vú nở rộng, cân đối, núm vú dài và đưa về phía trước, có nhiều mạch máu nổi trên bầu vú.

– Khả năng sinh sản: Khoảng cách lứa đẻ đều đặn, số con đẻ ra nhiều, tỉ lệ nuôi sống cao.

– Khả năng sinh trưởng: Chọn những con có chỉ tiêu sinh trưởng cao hơn những con khác trong đàn tại thời điểm sơ sinh, lúc 6 tháng tuổi, lúc phối giống, tuổi đẻ lứa đầu tiên.

b. Chọn giống dê đực

Chọn những con đực có ngoại hình đẹp, đầu cổ kết hợp hài hòa, thân mình cân đối khỏe mạnh, 4 chân vững chắc, hai dịch hoàn to đều, dáng nhanh nhẹn, tính hăng tốt.

c. Chọn dê nuôi lấy thịt

Chọn những con có thân hình đều đặn, cân đối, săn chắc, đùi nổi bắp thịt; đầu, cổ vừa phải và thon; ngực nở và sâu; lưng phẳng và rộng; chân khỏe; da mềm mại, lông mượt, khoeo rộng.

Mua dê từ các cơ sở không có lưu hành các loại dịch bệnh nguy hiểm trong cùng thời điểm. Dê mua về phải nuôi cách ly và theo dõi chặt chẽ trong thời gian 2 – 3 tuần, nếu dê khỏe mạnh, ăn uống bình thường mới cho nhập đàn.

2. Về thức ăn

Do có khả năng ăn tạp nên nguồn thức ăn cung cấp cho dê rất phong phú, có thể là các loại cây bụi, cỏ trồng, cỏ mọc tự nhiên, các loại lá cây (so đũa, mít, chuối, keo dậu, dâm bụt…), phế phẩm nông nghiệp (rơm, thân cây ngô, ngọn mía, dây đậu…), các loại củ quả (khoai lang, bí đỏ, chuối…), thức ăn tinh, thức ăn khoáng… Trong đó, thức ăn thô xanh thường chiếm khoảng 55 – 70% khẩu phần ăn của dê.

Để phát triển tốt chăn nuôi dê trong điều kiện hiện nay ở nước ta, chúng ta cần phải tận dụng triệt để các nguồn thức ăn tự nhiên, đặc biệt là bãi chăn thả ở các vùng đồi núi không có khả năng canh tác. Kết hợp việc trồng các loại cây thức ăn với các loại cây nông nghiệp, cây lâm nghiệp phù hợp. Tăng cường và tận dụng các phế phụ phẩm ngành trồng trọt, ngành công nghiệp chế biến (rượu, bia, mía đường…) để đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng và chất lượng thức ăn cho đàn dê trong các mùa vụ khác nhau, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Về mùa khô có thể chế biến và cung cấp các loại thức ăn dự trữ cho dê như: cỏ khô, thức ăn ủ chua, mía cây, rỉ mật đường và các loại thức ăn bổ sung khác như thức ăn tinh, củ quả, khoáng đa vi lượng…

Hiện nay, ở một số địa phương, ngoài việc tận dụng nguồn thức ăn sẵn có người chăn nuôi còn tiến hành trồng các cây thức ăn thích hợp cho dê, đồng thời tận dụng các nguồn phế phụ phẩm khác như bã sắn, bã bia, thân cây ngô, ngọn lá sắn khi thu hoạch, lá mít, cỏ các loại và cây đậu phơi khô cho dê cái chửa và dê sữa ăn cho hiệu quả tốt.

Thức ăn cho dê cũng phải đảm bảo sạch, không có hoá chất độc, không có các loại hormon kích thích sinh trưởng, không có độc tố nấm mốc theo quy định của Cục Chăn nuôi và Cục Thú y.

Đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm các chất độc hại (thuốc bảo vệ thực vật, độc tố nấm, muối nitrat và nitrit), đồng thời không bị nhiễm các vi sinh vật có hại (vi khuẩn Salmonella), hoặc có số lượng dưới mức cho phép (vi khuẩn E. coli). Khi có lũ lụt thì cần xử lí nước bằng Cloramin T, B (300g/m3 nước) để diệt vi sinh vật gây bệnh.

3. Về chuồng trại

Hầu hết các cơ sở chăn nuôi dê ở nước ta đều xây chuồng sàn để nuôi dê. Xây dựng chuồng nuôi dê cần chú ý những vấn đề như sau:

– Chuồng nuôi dê có thể làm đơn giản và rẻ tiền bằng các loại vật liệu sẵn có ở địa phương, nhưng phải đáp ứng được đặc tính của dê là thích sống nơi cao ráo, thoáng mát, không ẩm thấp.

Chuồng dê nên xây dựng cao ráo, thoáng mát

– Hướng chuồng: Nên chọn hướng Đông hay Đông Nam để lấy được ánh nắng mặt trời buổi sáng sớm và tránh được mưa rào, gió bấc. Chuồng trại không nên làm quá gần nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường sống cho con người, nhưng cũng không nên làm quá xa nhà ở vì sẽ khó quản lý và chăm sóc dê.

– Xây dựng chuồng nuôi dê theo định mức sau: Dê con theo mẹ 0,2 m²/con; dê cai sữa 0,3 m²/con; dê cái tơ và dê nuôi thịt vỗ béo 0,6 m²/con; dê cái sinh sản 0,8 m²/con và dê đực giống 1,5 – 2 m²/con.

– Chuồng dê nên làm theo kiểu chuồng sàn bằng gỗ hoặc tre chắc chắn, sàn chuồng cách mặt đất khoảng 30 – 40 cm. Mặt đất dưới sàn chuồng có độ dốc khoảng 30 – 45º, phẳng và láng nhẵn để dễ thoát nước tiểu và phân, dễ dọn chuồng. Cần đảm bảo mùa đông ấm, mùa hè mát, tránh gió lùa. Có hố lưu phân và chất thải chăn nuôi, đồng thời phải được dọn sạch hàng ngày.

– Sân chơi là phần nền đất, tiếp giáp với chuồng, có hàng rào bảo vệ. Sân chơi cần có diện tích rộng ít nhất gấp 3 lần diện tích chuồng nuôi. Ở sân chơi phải có bóng mát, không có vũng nước đọng, có máng ăn và máng đựng nước sạch cho dê uống hàng ngày.

– Chuồng nuôi dê phải được rào để bảo vệ, có hố sát trùng ở cổng ra, vào và ở đầu chuồng dê. Cần xây dựng bản nội quy phòng trừ dịch bệnh cho dê hàng quý, hàng năm. Cấm người không có trách nhiệm ra vào chuồng dê. Chú trọng đảm bảo vệ sinh thức ăn và nước uống cho dê hàng ngày.

– Xây dựng chuồng trại nuôi dê xa khu dân cư, đảm bảo chuồng dê luôn khô và sạch, thoáng mát về mùa hè, kín ấm về mùa đông. Có thể chống rét cho dê khi nhiệt độ hạ thấp (trên dưới 10ºC), định kì sử dụng thuốc sát trùng 2 tuần 1 lần lúc không có dịch, 1 tuần 1 – 2 lần khi có dịch.

Sử dụng một trong các loại thuốc sát trùng thông thường như: Han Iodin 10% (khi phun pha với nước thành dung dịch 1%, phun ở chuồng không có dê; pha nồng độ 0,5% phun ở chuồng đang có dê); Halamid 3%, Hantox 200 (pha thành dung dịch 5%), nước vôi 10%, vôi bột (rắc).

4. Phòng bệnh bằng vắc- xin

Việc phòng bệnh bằng vắc-xin có vai trò rất quan trọng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung và chăn nuôi dê nói riêng. Người chăn nuôi cần thực hiện tiêm phòng nghiêm ngặt một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn dê. Các bệnh cần phòng là:

Phòng bệnh đậu

– Vắc- xin đậu dê: Vắc- xin vô hoạt dạng lỏng, màu hồng nhạt, có chất bổ trợ là keo phèn.

– Đường dùng thuốc: Vắc- xin dùng để tiêm phòng cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên theo đường tiêm dưới da hoặc tiêm bắp.

– Liều lượng sử dụng: 1 ml/con, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp, tiêm 2 lần/năm.

– Những chú ý khi sử dụng: Chỉ tiêm cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên; Sát trùng bơm, kim tiêm thật kĩ trước khi tiêm; Lắc đều lọ vắc- xin trước khi sử dụng; Không tiêm vắc- xin trong vòng 21 ngày trước khi giết mổ dê.

Phòng bệnh viêm ruột hoại tử

– Tiêm giải độc tố phòng bệnh viêm ruột hoại tử cho dê.

– Liều tiêm: 2 ml/con, tiêm dưới da cổ, mỗi năm tiêm 2 lần vào tháng 3 và tháng 9.

– Sau 2 tuần có miễn dịch.

 Phòng bệnh tụ huyết trùng

– Vắc- xin tụ huyết trùng dê là vắc- xin vô hoạt, dạng lỏng, màu vàng nhạt.

– Liều tiêm: 2 ml/con cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt.

– Tiêm vắc- xin định kì 2 lần/năm để phòng bệnh cho đàn dê.

– Chú ý: Lắc kĩ lọ vắc- xin trước khi sử dụng và chỉ sử dụng trong ngày.

Phòng bệnh lở mồm long móng

– Vắc- xin phòng bệnh lở mồm long móng là vắc- xin vô hoạt dạng nhũ dầu.

– Liều tiêm: 1 ml/con, tiêm sâu vào bắp thịt.

– Thời gian tiêm:

+ Chủng mũi đầu tiên: lúc 4 tháng tuổi.

+ Chủng tăng cường: 9 tháng sau mũi đầu tiên.

+ Tái chủng: cứ 12 tháng chủng lại.

+ Sau 2 tuần có miễn dịch, tiêm nhắc lại tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh của địa phương.

5. Phòng bệnh bằng thuốc

Phòng và trị bệnh kí sinh trùng đường máu cho dê

– Thuốc Trypamidium, liều 1 mg/kg TT. Pha với nước cất hoặc nước sinh lý (dung dịch NaCl 0,9%) thành dung dịch 2 – 3%, tiêm tĩnh mạch.

Thuốc có tác dụng trị bệnh tiên mao trùng, đồng thời có tác dụng phòng bệnh tiên mao trùng cho dê trong vòng 1 – 1,5 tháng. Chú ý tiêm cho dê vào mùa hè (khi côn trùng môi giới truyền bệnh là ruồi trâu và mòng hoạt động mạnh).

– Thuốc Hemosporidin, liều 0,5 mg/kg TT, pha thành dung dịch 1%, tiêm tĩnh mạch để điều trị bệnh lê dạng trùng cho dê.

Phòng trị bệnh giun tròn cho dê

Có thể dùng một trong các thuốc sau:

– Thuốc Levamisol: liều 1 ml/10kg TT (6 – 7 mg/kg TT), tiêm bắp thịt.

– Thuốc Mebendazol: liều 15 – 20 mg/kg TT, hoà sữa hoặc nước, cho uống.

– Thuốc Ivermectin: liều 0,2 – 0,3 mg/kg TT, tiêm dưới da.

Phòng trị bệnh sán lá gan, sán lá dạ cỏ cho dê

Có thể dùng một trong các thuốc sau:

– Thuốc Fasciolid – 25: liều 0,04 ml/kg TT (tương đương với 1 mg hoạt chất /kg TT), tiêm dưới da.

– Thuốc Dertil: liều 8 – 9 mg/kg TT, cho uống.

– Thuốc Albendazol: liều 50 mg/kg TT, cho uống.

Phòng trị bệnh sán dây cho dê

– Thuốc Niclosamid: liều 20 mg/kg TT, cho uống.

Phòng trị bệnh ngoại kí sinh trùng (ve, rận)

Phun định kì 2 tuần/lần cho dê bằng một trong các thuốc: Abuitox, Amitaz, Hantox 200…

Ngoài các vấn đề trên, chúng ta cần chú ý thực hiện đầy đủ và nghiêm túc công tác kiểm dịch khi vận chuyển, xuất và nhập dê dưới sự giám sát của cơ quan thú y có thẩm quyền để khống chế sự lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào cơ sở chăn nuôi dê và ngược lại.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Heo chết liên tục tại Khánh Hoà

2 đàn heo của hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Dự và ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Phước Lộc, Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) liên tục chết không rõ nguyên nhân. Mỗi hộ gia đình đã có trên 20 con heo lớn nhỏ chết gây thiệt hại gần 100 triệu đồng và tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.

Theo phản ánh của ông Dự thì vừa qua gia đình ông thả nuôi 42 con heo lớn nhỏ. Đàn heo này phát triển bình thường thì bất ngờ xảy ra tình trạng heo chết bất thường.

“Hầu như ngày nào trong chuồng nuôi của tôi cũng có heo chết, ngày ít thì 2 con, ngày nhiều 4 – 5 con. Đến nay đã hơn 1 tuần rồi, tính tổng cộng chết hết 21 con cả lớn cả nhỏ. Những con còn lại trong chuồng cũng đang có hiện tượng đau bệnh, nằm la liệt chắc sẽ chết trong nay mai”, ông Dự cho biết.

Heo chết hàng loạt bệnh đóng dấu lợn

Tương tự như gia đình ông Dự, đàn heo 40 con của ông Dũng cũng xảy ra tình trạng heo chết liên tục trong nhiều ngày liền. Ông Dũng cho biết: “Hiện tại nhà tôi chỉ còn 23 con heo còn sống nhưng cũng không trông mong gì vì hiện tượng heo chết vẫn chưa dừng lại. Heo của tôi chết đều là những con có trọng lượng từ 50 – 90 kg. Tôi dùng đủ loại thuốc trị bệnh nhưng vẫn không có tác dụng gì. Tính tất cả các chi phí từ giống, thuốc men, thức ăn thì tình trạng heo chết khiến nhà tôi mất gần cả 100 triệu rồi”.

Ông Hoàng Văn Khoa, thú y xã Phước Đồng cho biết, khi nhận được thông tin về tình trạng heo chết, ông đã báo lên Trạm thú y TP Nha Trang. Bước đầu, trạm đã hướng dẫn cho các hộ dân có heo nhiễm bệnh thực hiện các biện pháp tiêu hủy số heo chết; tiêu độc, khử trùng chuồng trại và tiêm các loại thuốc kháng sinh cho những con có biểu hiện mắc bệnh.

Theo TS Tân, bệnh đóng dấu lợn những năm qua rất ít xuất hiện, nhất là tại các tỉnh phía Nam nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện trở lại. Bệnh đóng dấu lợn là một trong bốn bệnh đỏ gây nguy hiểm cho lợn và rất dễ bị lây lan nếu không phát hiện kịp thời. Cách điều trị loại dịch bệnh này là dùng kháng sinh nhưng tốt nhất để ngăn ngừa thì tiêm vắc xin phòng bệnh.

Việc đóng dấu lợn gây ra xuất huyết cho lợn

Nguồn: Internet

Hiện Phân viện Thú y miền Trung đã sản xuất được loại vắc xin kép: Tụ huyết trùng – đóng dấu lợn, đã được nhiều nơi sử dụng mang lại hiệu quả trong phòng chữa bệnh đóng dấu lợn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Ra đời thịt heo đạt chuẩn GlobalG.A.P.

Sự ra đời của thịt heo đạt chuẩn GlobalG.A.P. trong thời điểm hiện nay không chỉ là niềm vui lớn đối với người tiêu dùng trong nước mà còn mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu thịt heo cho ngành chăn nuôi VN.

Nếu như thịt heo VietGAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng ở phạm vi trong nước thì thịt heo GlobalG.A.P. đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, chứng nhận GlobalG.A.P. chỉ có giá trị trong vòng một năm từ ngày được cấp giấy chứng nhận, và phải được đánh giá lại mỗi năm thông qua các đợt thanh tra định kỳ, đột xuất.

Ông Tôn Văn Tân, Tổng giám đốc Công ty CP Anova Farm – đơn vị cho ra đời heo thịt đạt chuẩn GlobalG.A.P. đã khẳng định giá của công ty sẽ không cao hơn nhiều so với giá heo trên thị trường hiện nay, dù các tiêu chí, yêu cầu của tiêu chuẩn GlobalG.A.P. khắt khe hơn nhiều so với VietGAP. Cụ thể, theo tiêu chuẩn GlobalG.A.P. dành cho trang trại, đơn vị tham gia phải đạt 100% của 143 tiêu chí xếp loại Major Must (tiêu chuẩn cần thiết chính), 95% của 69 tiêu chí xếp loại Minor Must (tiêu chuẩn cần thiết phụ) và 36 Recommendation (tiêu chuẩn khuyến nghị), qua nhiều bước tự đánh giá và thanh tra – kiểm tra từ Tổ chức Chứng nhận quốc tế ControlUnion. Cho nên, sản phẩm heo thịt thương phẩm từ trang trại đạt chuẩn GlobalG.A.P. luôn được kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không chứa chất cấm hay dư lượng kháng sinh, thuốc an thần, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng trong thịt cao và có thể truy xuất nguồn gốc.

Tổng giám đốc Anova Farm nhận chứng nhận thịt heo đạt chuẩn GlobalG.A.P. từ Tổ chức Chứng nhận quốc tế ControlUnion

Đại diện một hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM cũng cho biết: “Chúng tôi sẽ dành vị trí đặc biệt đẹp và to cho thịt heo đạt chuẩn GlobalG.A.P. vì chúng tôi muốn khách hàng của mình được ăn thịt heo ngon và đạt độ an toàn vệ sinh thực phẩm cao như ở các nước châu Âu.

Thịt heo đạt chuẩn GlobalG.A.P.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, hoan nghênh và đánh giá rất cao sự xuất hiện thịt heo đạt chuẩn GlobalG.A.P. của Anova Farm. Đây không chỉ là tin vui với người tiêu dùng mà còn là niềm tự hào đối với ngành chăn nuôi cả nước.
Hiện Anova Farm có hai trang trại tại tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu với quy mô 2.400 heo nái và 12.000 heo thương phẩm. Hằng năm, ngoài cung cấp thị trường hơn 55.000 con heo thịt, Anova Farm còn cung cấp hơn 5.000 heo hậu bị đực và cái. Tất cả các loại heo của Anova Farm đều được các chuyên gia đánh giá cao, bởi quá trình sản xuất của Anova Farm khép kín từ nguồn heo giống nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ, sử dụng nguồn thức ăn đạt chuẩn GlobalG.A.P. từ Nhà máy Anova Feed, nguồn vắc xin nhập khẩu đạt chuẩn WHO-GMP bởi Anova BioTech, nguồn thuốc thú y sản xuất theo chuẩn WHO-GMP của các công ty thuộc Tập đoàn Anova; đảm bảo heo được chăn nuôi đúng chuẩn quốc tế, được áp dụng quy trình kiểm soát nghiêm ngặt bằng phần mềm quản lý chăn nuôi từ Hà Lan, đúng như cam kết của ông Tôn Văn Tân, Tổng giám đốc Anova Farm: “Anova không chỉ luôn đem đến cho người tiêu dùng nguồn heo an toàn và chất lượng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng mà còn hướng đến xây dựng mô hình chăn nuôi và sản xuất bền vững, nâng cao tiêu chuẩn của ngành chăn nuôi và thực phẩm, góp phần củng cố nền nông nghiệp công nghệ cao tại VN”.
Theo thanhnien.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.