Bệnh viêm mắt ở dê

Bệnh viêm mắt là một trong những bệnh lây lan và gây thiệt hại lớn trên đàn dê, để phòng và trị bệnh hiệu quả cần nắm vững một số kiến thức về nguyên nhân và cách phòng trị như sau:

 1. Nguyên nhân và đặc điểm truyền lây của bệnh

– Dê bị viêm mắt do nguyên nhân cơ học, sau đó nhiễm khuẩn kế phát trong quá trình chăn thả hoặc nuôi nhốt tại chuồng bị dị vật như que, gai hoặc các loại lông, lá cây, bụi bẩn và chất thải rơi vào mắt.

– Viêm mắt do các vi khuẩn kế phát từ các bệnh gây viêm vú, viêm phổi, viêm khớp, viêm phế mạc…

2. Triệu chứng lâm sàng

– Ban đầu bệnh nhẹ thì thấy vùng lông, da dưới mắt cạnh mắt bị ướt do nước mắt chảy nhiều sau đó kết mạc mắt đỏ và sưng.

– Sau vài ngày niêm mạc mắt xung huyết nặng, giác mạc mắt bị mờ một phần ở giữa hoặc mờ đục hoàn toàn nếu nặng hơn thì có thể thấy loét giác mạc, con vật đau mắt khó chịu, mắt nhắm hờ và hay nháy mắt. Nếu cả hai mắt bị mờ hoặc loét thì thấy dê sút cân rõ rệt do dê không ăn được.

– Một số con viêm mắt nhưng mắt không bị loét thì có thể tự khỏi trong khoảng 1 – 2 tuần.

3. Phòng và trị bệnh

– Chăm sóc và quản lý đàn dê khi chăn thả nhằm tránh dê ngã, lăn dốc hoặc húc nhau.

– Loại bỏ dị vật ở bãi chăn và chuồng nuôi tránh tổn thương cho dê, giữ vệ sinh chuồng nuôi.

– Khi dê có triệu chứng viêm cần tiến hành rửa mắt cho dê bằng dung dịch nước muối loãng nồng độ 15‰ hoặc dùng nước sôi để nguội rửa sạch bụi bẩn, ngoại vật và các chất nhầy.

– Dùng các loại thuốc nhỏ mắt dạng mỡ như Tetracyclin bôi vào mắt dê sẽ đem lại hiệu quả tốt, các loại thuốc nhỏ mắt nhóm Chloramphenicol có tác dụng rất tốt nhưng không dùng cho dê nuôi lấy sữa vì kháng sinh sẽ tồn lưu trong sữa gây hại cho người.

– Trường hợp mắt kéo màng, dùng sulphát kẽm 10% nhỏ 2 – 3 lần/ngày.

– Nếu đàn dê mắc nhiều hoặc mắc các bệnh như viêm vú hay viêm phổi thì cần phải điều trị triệt để bằng kháng sinh cho khỏi các bệnh trên và kết hợp với vệ sinh và dùng thuốc nhỏ mắt.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Một số lưu ý khi chăn nuôi dê

1. Chọn phương thức chăn nuôi hợp lý

Tùy theo điều kiện đất đai, diện tích đồng cỏ, khả năng kinh tế,… mà chọn phương thức chăn nuôi quảng canh, bán thâm canh hoặc thâm canh.

Những vùng trung du, miền núi; những nơi còn đất hoang hóa rộng nên chăn nuôi dê theo phương thức quảng canh. Phương thức này phù hợp với nuôi dê thịt. Lợi ích của phương thức chăn nuôi quảng canh là tiết kiệm được chi phí thức ăn, nhân công và chi phí chuồng trại… Nhưng bất lợi là khó quản lý đàn, khó kiểm soát được dịch bệnh và quá trình sinh sản của dê.

Những khu vực ven đô, những vùng đất hẹp không có điều kiện chăn thả nên nuôi dê theo phương thức bán thâm canh hoặc thâm canh. Phương thức này phù hợp với chăn nuôi dê sữa hoặc kiêm dụng sữa – thịt. Chăn nuôi dê thâm canh hoặc bán thâm canh đòi hỏi chi phí lớn về thức ăn, xây dựng chuồng trại và nhân công nhưng lại dễ kiểm soát và quản lý về sinh sản và dịch bệnh.

2. Quan tâm đến công tác giống

Chọn dê đực, dê cái làm giống rất quan trọng. Phải chọn những con có lý lịch rõ ràng, có bố mẹ, ông bà thuộc loại chất lượng tốt.

Bản thân dê đực hoặc dê cái chọn làm giống phải có các đặc điểm đặc trưng của giống, phải là những con ưu tú trong đàn, linh hoạt, khoẻ mạnh; ăn khỏe. Thân hình phải cân đối. Bộ phận sinh dục phát triển bình thường.

Không chọn làm giống những con:

– Lý lịch không rõ ràng hoặc bố mẹ, ông bà thuộc loại còi cọc, năng suất thấp.

– Có các đặc điểm ngoại hình như: đầu dài, trụi lông tai; cổ ngắn; sườn thẳng; bụng nhỏ.

– Tứ chi không thẳng, vòng kiềng, yếu ớt, không chắc chắn. Móng chân không gọn, đều và thẳng.

Cần bỏ thói quen lưu giữ một đực giống trong đàn một thời gian dài. Thông thường chỉ nên sử dụng dê đực giống đến 6 năm tuổi. Điều cũng không tốt là một số người chăn nuôi chọn ngay một con đực trong đàn để làm giống, phối cho cả đàn, dẫn đến tình trạng bố nhảy con, ông nhảy cháu, anh em nhảy lẫn nhau gây nên hiện tượng đồng huyết, làm cho đàn dê còi cọc, lưỡng tính dục, khả năng sinh sản kém, tỷ lệ chết cao và chăn nuôi kém hiệu quả.

Không nên cho dê cái sinh sản sớm. Thông thường dê phát dục vào lúc 5- 6 tháng tuổi. Nhưng để bảo đảm cho dê sinh sản tốt thì chờ đạt 8 tháng tuổi mới nên cho phối giống. Nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến con mẹ, đời con sinh ra bị còi cọc, chất lượng giống giảm sút.

Muốn làm tốt công tác giống cần có sổ sách theo dõi phối giống và sinh sản của dê.

3. Xây dựng chuồng nuôi dê đúng quy cách kỹ thuật

Bản tính của dê là thích ở nơi cao ráo, sạch sẽ, vì vậy chuồng nuôi dê phải làm sàn, cao cách mặt đất khoảng 40 – 80cm, có thang cho dê lên xuống dễ dàng. Có thể làm sàn bằng nan gỗ, tre hoặc vầu nhưng phải bảo đảm chắc chắn, nan sàn phải đều, nhẵn, khe rộng 1,5 – 2,0 cm để dễ lọt phân nhưng không làm dê bị kẹt móng.

Chuồng dê được xây dựng thoáng mát, sạch sẽ

Dê thích ăn ở độ cao, không gặm và nhặt thức ăn trên mặt đất như trâu bò, do đó cần phải treo máng ăn cách mặt đất 0,2 – 0,5 m. Máng ăn phải đủ dài, bảo đảm tất cả dê có thể ăn cùng một lúc và không rơi vãi, tránh lãng phí thức ăn.

4. Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn thức ăn nuôi dê

So với trâu, bò, cừu, dê ăn được nhiều loại lá hơn và có biên độ thích ứng rộng đối với mùi vị của cây lá. Nó có thể ăn được cả các loại lá có chứa độc tố, các loại lá cay, đắng mà các loài gia súc khác không ăn được như lá xà cừ, lá xoan, lá chàm tai tượng… Vì vậy khi nuôi dê nên tận dụng và khai thác tối đa các loại cây lá này. Đồng thời cần tận dụng tối đa các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến để nuôi dê, nhằm giảm giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi.

5. Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh

Phải chăm sóc và nuôi dưỡng dê hợp lý. Thức ăn, nước uống phải đầy đủ, chất lượng tốt. Thường xuyên làm vệ sinh chuồng nuôi, sân chơi, máng ăn, máng uống. Bảo đảm chuồng nuôi luôn khô ráo, sạch sẽ.

Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ tránh dịch bệnh xảy ra

Dê có thể mắc một số bệnh truyền nhiễm như tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng, nhiệt thán … Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường gây tỷ lệ chết cao. Để đề phòng các bệnh này phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm vắc-xin của các cơ quan thú y.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Chăm sóc dê con trước khi cai sữa

1. Ðối với giống dê Bách thảo của Việt Nam

– Trong 10 ngày đầu cho dê con ở với mẹ và bú tự do.

– Từ 11 đến 21 ngày chỉ cho dê con bú sữa mẹ ngày 3 lần thường thì vắt sữa xong mới cho bú ngoài ra chúng ta cần cho chúng bú bình thêm 2 lần /ngày với lượng từ 0,4 đến 0,5 lít/ngày.

Dê Bách thảo Việt Nam

– Từ 4 đến 5 tuần tuổi chỉ cho bú trực tiếp sữa mẹ 2 lần sau khi vắt sữa và cho bú bình thêm khoảng 0,3 lít / ngày.

– Từ 5 đến 8 tuần tuổi chỉ cho bú trực tiếp với mẹ một lần sau khi vắt sữa và cho bú bình tương đương 0.2 lít /ngày và chuẩn bị cai sữa hoặc trong giai đoạn này có thể sử dụng thức ăn thay thế cho dê con sử dụng (0,2 đến 0,4 kg/con/ngày).

2. Ðối với các giống dê ngoại

– Tuần 1: Cho dê con ở chung với dê mẹ và bú tự do.

– Tuần 2: Có thể cho dê con bú bình (giới thiệu các kiểu bú bình). Cho 1/2 lít sữa 3 lần trong ngày, lúc này đặt thức ăn và nước uống cũng như cỏ khô để dê con có thể tập ăn

– Tuần 3 đến tuần thứ 6: 2 lít sữa chia làm 3 lần trong ngày và đặt thức ăn và nước uống cũng như cỏ khô để dê con ăn.

– Tuần thứ 7 và 8: Giảm số lượng sữa 2 lần trong ngày.

– Tuần thứ 9 đến tuần thứ 12: Giảm lượng sữa 1 lần trong ngày và cai sữa: Nếu chăm sóc nuôi dưỡng tốt dê con giống ngoại cai sữa 3 tháng đạt 15 kg.

3. Khẩu phần ăn

– Bột bắp: 35%

– Cám gạo: 35%

– Bánh dầu dừa: 20%

– Ðậu nành: 10%

Dê con thường được tách khỏi dê mẹ sau khi sinh và nuôi bằng sữa 1lít/ ngày trong ba tuần đầu. Bắt đầu tập ăn cho dê con lúc 2 tuần tuổi bằng cách trét thức ăn khởi đầu lên miệng chúng và để sẵn thức ăn này trước mặt chúng thường xuyên. Thay thức ăn khởi đầu mỗi ngày và dùng để nuôi các dê lớn hơn.

Sau đó 2- 3 ngày để sẵn cỏ phơi héo để chúng tập ăn. Tập cho dê con ăn sớm sẽ kích thích dạ cỏ phát triển sớm, giúp chúng có thể ăn nhiều thức ăn thô khi cho sữa nên giá thành của sữa sẽ hạ.

Nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy thể tích dạ cỏ chỉ chiếm 20% thể tích của dạ dày lúc sơ sinh và đạt đến mức 80% lúc 2 tháng rưỡi tuổi khi tập cho dê con ăn sớm. Khi đó dê con có thể tiêu hóa tốt thức ăn thô. Lúc đó cần sân chơi để dê con vận động dưới ánh sáng mặt trời.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi dê bách thảo

1. Đặc điểm

Hiền lành ít phá hoa màu, ăn tạp, năng suất cho thịt, sữa cao. Tầm vóc cao to, đầu dài trán lồi, sống mũi dô, tai to rủ, có hoặc không có sừng, 60% dê có màu lông đen, số còn lại có màu đen đốm trắng, trắng nâu, vàng.

Dê sinh sản nhanh: tuổi phối giống lần đầu 7 – 8 tháng (P = 19 – 20kg), cứ 7 tháng đẻ 1 lứa, lứa đầu đẻ 1 con, từ lứa thứ 2 trở đi đẻ 2 con. Dê con sơ sinh nặng 1,9 – 2,5kg. Dê 3 tháng tuổi (lúc cai sữa) nặng 10 – 12kg, dê 6 tháng tuổi (lúc giết thịt) nặng 17 – 20kg. Dê bách thảo nuôi lấy sữa cho 0,8 – 1,0kg sữa/ngày, gấp 3 – 4 lẫn dê Cỏ.

2. Cách chọn giống

Chọn dê cái: Là con của dê bố và dê mẹ cho nhiều sữa, mắn đẻ, dê con mau lớn,ngoại hình thanh mảnh, đầu nhỏ, nhẹ, mình dài, phần sau phát triển hơn phần trước. Da mỏng, lông nhỏ mịn. Bầu vú to, đều, mềm mại.

Chọn dê giống có chất lượng tốt

Chọn dê đực: Khỏe mạnh, hăng hái, không khuyết tật, đầu to, ngắn, trán rộng, thân hình cân đối, không quá béo hoặc quá gầy. Phần thân sau chắc chắn, bắp nở đều, 4 chân thẳng, khỏe. Hai hòn cà đều và cân đối. Là con của dê bố mẹ suất sắc, cho nhiều sữa, mắn đẻ, dê con tăng trọng nhanh, khả năng chống bệnh tốt.

3. Thức ăn cho dê

Thức ăn thô

– Thô xanh:

+ Các loại lá: mít, xoan, chuối, dâu, keo dậu, sắn dây, keo lá tràm, sim mua và cây bụi khác trên đồi.

Thức ăn thô xanh cho dê

+ Các loại cỏ tự nhiên: Cho dê ăn 4 – 7kg cỏ, lá hỗn hợp/ngày/con. Nếu chăn thả chỉ cần cho ăn 2 – 3 kg/ngày/con.

– Thô khô:

Cỏ và rơm khô, thức ăn củ quả: sắn, khoai lang, chuối, bí đỏ, đu đủ, cà rốt,… Rửa sạch, thái mỏng cho ăn 0,2 – 0,8 kg/con/ngày.

Thức ăn tinh hỗn hợp

Gồm các loại cám gạo, ngô, bột sắn, bột sắn, bột đậu tương rang, rỉ mật đường. Tùy theo lứa tuổi, khả năng sinh sản và tiết sữa cho dê ăn từ 0,2 – 0,8 kg/con/ngày.

Tỷ lệ: Bột ngô 25 – 30%, cám gạo 25 – 40%, bột sắn 15 – 20%, bột đỗ tương rang 10 – 20%, rỉ mật 10 – 20%, khoáng 2%, muối 1%.

Phụ phẩm nông, công nghiệp

Bã đậu phụ, vỏ giá đỗ xanh, bã bia, vỏ và trái cây,… Tuyệt đối tránh thức ăn chua, hôi, mốc, ướt, cho ăn 0,3 – 0,6kg/con/ngày.

4. Chăm sóc nuôi dưỡng

Dê bách thảo có thể chăn chả ban ngày, tối về chuồng ăn thêm cỏ, lá cây. Nuôi nhốt tại chuồng, vận động tại sân chơi.

Đảm bảo hàng ngày: Thức ăn khô ráo, không hôi mốc, sạch không lẫn đất cát, uống thỏa mãn nước sạch. Quét dọn vệ sinh sạch sẽ: nền, sân chuồng, máng ăn sạch sẽ. Cách ly con đau ốm và không thả chung đàn.

Chăm sóc dê hậu bị (từ khi cai sữa đến khi phối giống): Cho ăn 2 – 5kg lá cây, cỏ xanh non và từ 0,1 – 0,4kg thức ăn tinh/con/ngày. Chỉ chăn thả hoặc vận động khi trời đã tan sương. Tách riêng dê đực 4 tháng tuổi ra nơi khác. Cho dê cái phối giống lần đầu ở 7 – 8 tháng tuổi, nặng 19 – 20 kg trở lên. Tuổi phối giống lần đầu của dê đực: 7 – 8 tháng tuổi, nặng 25 – 30 kg.

5. Chăm sóc dê chửa, dê đẻ

– Thời gian chửa 146 – 157 ngày. Trong thời gian chửa cần chăn thả dê gần chuồng, nơi bằng phẳng tránh dồn đuổi, đánh đập, tránh xa dê đực giống để tránh nhảy dê chửa, dễ sảy thai. Trước khi đẻ 5 – 10 ngày nhốt riêng dê chửa. Dê sắp đẻ bầu vú căng sữa, bụng sa, dịch nhờn chảy nhiều ở âm môn, sụt mông. Cho cỏ khô sạch lót ổ, chuẩn bị đỡ đẻ.

– Dùng khăn sạch, mềm, khô lau nhớt từ miệng, tai mũi và toàn thân cho dê sơ sinh. Thắt rốn bằng chỉ cách cuống rốn 4cm rồi cắt ngoài chỗ thắt, sát trùng rốn bằng cồn. Để dê con nằm ổ ấm, bên mẹ cho đến 4 ngày tuổi (trời rét cần sưởi ấm). Lau sạch bầu vú và phần âm môn dê mẹ. Sau đẻ 30 phút hỗ trợ dê con bú sữa đầu. Đẻ xong cho dê uống nước ấm pha muối 0,5% và ăn cỏ, lá xanh non và thức ăn tinh không ôi, ẩm mốc.

– Từ ngày thứ 4 đến 21 ngày tuổi, nuôi dê con trong cũi, đảm bảo ấm khi trời lạnh, chỗ nằm khô, sạch. Cho bú mẹ 3 – 4 lần/ngày. Khi 10 ngày tuổi tập cho dê con ăn thức ăn dễ tiêu: cháo, chuối chín, bột ngô, đỗ tương rang kỹ nghiền nhỏ mịn và cỏ non sạch, khô ráo.

6. Vắt sữa dê

– Vệ sinh khi vắt sữa: Rửa sạch tay và dụng cụ trước và sau khi vắt sữa. Dùng khăn sạch ướt rửa toàn bộ bầu vú. Lau sạch núm vú, tránh xây xát vú sau khi vắt hết sữa.

– Thao tác vắt sữa: Cố định người vắt, giờ vắt, không ồn ào khi vắt sữa. Thao tác vắt sữa nhẹ nhàng, đều đặn, thứ tự và nhanh. Sau đó buông tay ra để sữa xuống căng núm vú và lặp lại thao tác trên.Sau cùng vuốt hết sữa đọng trong núm vú.

Thao tác vắt sữa dê

– Lịch vắt sữa: Vắt sữa trước khi cho con vào bú mẹ.Vắt 1 – 2 lần tùy theo lượng sữa mẹ và số dê con đẻ ra.

– Xử lý sữa: Vắt sữa xong lọc qua 8 lớp vải màn sạch, rồi đun cách thủy trong nước sôi khoảng 10 – 15 phút mới được sử dụng.

7. Chuồng trại

– Chọn địa điểm làm chuồng: Chọn nơi cao ráo thoát nước, ở cuối hướng gió, tránh gió lùa. Chuồng nên làm hướng nam hoặc đông nam.

– Kiểu chuồng: Có sàn, đơn giản tre nứa lá. Có 3 kiểu: Chuồng dê nhốt chung, chuồng dê chia ô lớn, chuồng chia ô nhỏ nhốt riêng từng con. Sàn chuồng làm bằng thanh tre, gỗ nứa thẳng, nhẵn, bản rộng 2,5cm, cách nhau 1,5cm, cách mặt đất 0,6 – 0,8m. riêng đối với dê con, các nan nhỏ cách nhau 0,8cm để dê không bị lọt chân.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.