Mô hình nuôi ếch kết hợp với nuôi cá tăng thu nhập cao

Trong những năm gần đây mô hình nuôi ếch Thái kết hợp với nuôi cá được nhiều nông dân lựa chọn vì có hiệu quả kinh tế cao, có triển vọng phát triển bền vững.

mô hình nuôi ếch kết hợp với nuôi cá

Một trong những hộ nuôi thành công là ông Trần Văn Trí sinh năm 1959 ngụ ở ấp 2, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Nhờ vào sự chia sẻ, hướng dẫn tận tình của ông Nguyễn Văn Lũy ở ấp 1 xã Mỹ Thành Bắc (một người nuôi thành công trước đó), ông quyết định chuyển 2.500 m2 ao nuôi cá tra không hiệu quả sang nuôi ếch. Hiện ông nuôi 15 vèo, mỗi vèo thả 3.000 ếch giống. Ếch giống mua ở huyện Cái Bè, 600 – 1.300 đồng/con (tùy thời điểm). Vèo có diện tích 12m2 làm từ lưới Thái, phần đáy được phủ tấm nhựa để trữ nước. Bên ngoài vèo, ông thả nuôi kết hợp 4.000 cá tra và 1.000 cá trê.

Đối với ếch, nuôi theo kiểu gối đầu nên thu hoạch luân phiên, cứ cách vài tuần là thu hoạch 3 – 4 vèo, rồi lại thả tiếp ếch giống trên vèo mới vừa thu hoạch… Thời gian nuôi 1 vụ ếch từ 2,5 – 3 tháng, đạt trọng lượng 4 – 5 con/kg. Nếu nuôi đạt đầu con, mỗi vèo ông thu hoạch được 500 – 600 kg ếch thịt. Trong vụ mới đây, ông bán ếch với giá 30.000 đồng/kg, trừ chi phí ông lãi được 30 triệu đồng (mỗi vèo lãi 2 triệu đồng). Với 1 năm 4 vụ, nuôi ếch cho lãi trên 80 triệu đồng (do giá bán từng thời điểm khác nhau). Đối với 5.000 con cá đã thả, sau thời gian nuôi 10 tháng, ông thu được 5 tấn cá thịt, lãi hơn 100 triệu đồng nữa. Như vậy, mô hình nuôi ếch kết hợp với nuôi cá đem lại thu nhập cho ông trên 180 triệu đồng trong một năm.

Ông cho biết “Nuôi ếch Thái kết hợp với nuôi cá giúp tận dụng phân và thức ăn thừa của ếch để nuôi cá, đồng thời vệ sinh ao nuôi nên hạn chế được dịch bệnh xảy ra. Quan trọng là nguồn nước phải sạch, thay đổi thường xuyên và được khử khuẩn trước khi đưa vào ao. Và cần phân cỡ ếch trước khi thả và trong 2 – 3 tuần đầu để hạn chế việc ăn thịt lẫn nhau. Ông tính toán: Nếu xuất bán ếch lúc giá thấp thì chỉ cần hòa vốn cũng tốt, vì phần lãi từ cá cũng khá đáng kể.

Ông nhiệt tình chia sẽ: Do lúc đầu chưa am hiểu đặc tính sinh trưởng và kỹ thuật nuôi kết hợp ếch – cá nên ông bị thất bại mấy đợt. Nhờ đúc kết kinh nghiệm trong quá trình nuôi và cộng với sự chịu khó, linh hoạt, ông đã có được sự thành công. Từ nuôi với số lượng ít, ông dần phát triển lên số lượng nhiều hơn và hiện tại ông đã có 15 vèo. Trong thời gian tới nếu có điều kiện, ông sẽ tìm học kỹ thuật cho ếch sinh sản để giảm chi phí giống, tăng thêm lợi nhuận.

Thành công của mô hình đã mở ra hướng đi mới trong việc xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt mô hình có khả năng nhân rộng rất tốt đối với những ao nuôi cá tra bỏ trống hoặc nuôi không hiệu quả chuyển đổi sang nuôi ếch kết hợp với cá.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kĩ thuật nuôi cua đồng trong ruộng

  1. Chuẩn bị ruộng nuôi
    – Chọn ruộng nuôi: địa thế ruộng bằng phẳng, giữ nước tốt, nguồn nước dồi dào, cấp thoát nước thuận lợi, chất nước không bị ô nhiễm, chất đất là loại đất thịt.
    – Diện tích mỗi ruộng từ 1/3 ha đến 2/3 ha là vừa, nhỏ quá chất nước không ổn định, lớn quá khó quản lý.
    – Đào mương nuôi tạm ở góc ruộng hoặc ở ria ruộng, rộng 4-6 m, sâu 1-1,5 m, diện tích khoảng 3—5% diện tích ruộng.
    – Đào mương bao quanh và mương giữa. Mương bao quanh chân bờ về phí trong 1m, sâu 0,8-1,0m, rộng 3-5m. Nếu ruộng rộng, đào thêm ở giữa ruộng hình chữ “+” hoặc “#” rộng 1-1,5m, sâu 0,5-0,8m. Tổng diện tích cả 3 loại mương chiếm khoảng 15-20% diện tích đất ruộng.-  Lấy đất đào mương để đắp bờ ruộng cho cao và to ra. Chú ý nện đất chặt để nước bị rò rỉ. Các cửa cống cấp thoát nước phải chắn bằng săm hoặc lưới thích hợp, nền cống phải đầm chặt.

    – Đặt lưới chắn xung quanh ruộng. Nếu lưới bằng nilon mỏng thì phải đóng cọc cao hơn mặt bờ 40-50cm, lấy dây thép buộc nối các đầu cọc với nhau, gấp đôi tấm nilon lên dây thép cho rủ xuống đất thành 2 lớp rồi vùi sâu trong đất bờ từ 15-20cm. Nếu chắn bằng tấm nhựa hoặc fibroximăng… thì chỉ cần vùi xuống đất 15-20 cm, đầu trên cao hơn mặt đất ít nhất là 40cm, bốn góc lượn hình cung.

    – Dùng vôi sống hàm lượng 75-105 kg/1000m2 hoà nước té đều khắp mương.

    – Trồng các loại cỏ nước phủ kín đáy mương và thả các loại cây nổi như bèo tấm, rau dừa nước, bèo cái…khoảng 1/3 mặt nước.

    2. Thả giống


    cua đồng khi thu hoạch

    thời gian thả giống cua là từ khoảng tháng 2 đến tháng 4 hàng năm.-     Con giống yêu cầu khoẻ mạnh, không thương tật.-     Mật độ: nếu cỡ giống là 100 -150 con/kg thì mật độ thả là 750con/1000m2; hoặc nếu cỡ giống là 300-600 con/g thì thả 1800 con/1000m2.-     Cần thả giống vào mương nuôi tạm trước khi cấy lúa để kéo dài thời gian sinh trưởng của cua. Lúc cấy xong đợi đến thời kỳ lúa con gái thì tăng nước lên ruộng lúa để cua lên ruộng ăn.

    3. Cho ăn

    –     Thức ăn: Cua là động vật ăn tạp thiên về thức ăn động vật. Chúng thích ăn thịt các loại nhuyễn thể như trai, ốc, hến, cá tạp. Nếu thiếu thức ăn chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau, nhất là cua mới lột vỏ. Thức ăn nuôi cua thường được khai thác tại chỗ. Trước khi thả giống, nên bón phân lót ở ven mương với lượng 300-450 kg/1000m2 để động vật phù du phát triển làm thức ăn cho cua con. Từ tháng thứ 4 nên thả ốc giống vào ruộng (450-600kg/1000m2 hoặc thả tôm ôm trứng để sinh sản thành tôm con làm thức ăn cho cua cỡ lớn hơn. Ngoài ra có thể dùng các loại thức ăn đã chế biến dạng hạt vừa có dinh dưỡng cao. Nếu có điều kiện thì tận dụng cá tạp và phế thải động vật để giảm giá thành.

    –     Cho ăn:

    Căn cứ vào mùa vụ, nhiệt độ nước và giai đoạn sinh trưởng của cua để cho ăn hợp lý.

    Từ tháng 3 đến tháng 5, cua chủ yếu ăn thức ăn tinh. Thức ăn nên làm thành các nắm bột nhão nhỏ. Lượng thức ăn từ 20-30% trọng lượng cua.

    Từ tháng 6 đến tháng 9, cua ăn khoẻ, mau lớn nên cần cho ăn thêm rong cỏ, khoai sắn, bổ sung thức ăn viên hoặc thức ăn tự chế từ cá tạp.

    Từ tháng 10 trở đi, cần tăng thêm thức ăn từ động vật. Lượng thức ăn từ 7-10% trọng lượng cua.

    Mỗi ngày cho cua ăn 2 lần, buổi sáng sớm và chiều tối. sáng cho ăn từ 20-40%, chiều cho ăn chính là 60-80% tổng lượng thức ăn hàng ngày.

    Cần đặt sàng ăn tại 1 số điểm trong mương để kiểm tra lượng thức ăn của cua. Căn cứ vào thưòi tiết, nhiệt độ, tình hình ăn mồi của cua để điều tiết lượng thức ăn hàng ngày

    4. Chăm sóc

    Nước trong ruộng luôn phải dảm bảo sâu từ 5-10 cm. Nước quá béo thì phải thay nước. Từ tháng 6 đến tháng 9, cứ 2 ngày thay nước 1 lần, từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 10 trở đi mỗi tuần thay nước 1 lần. Mỗi lần thay từ ¼-1/3 lượng nước ruộng

    Định kỳ bón vôi để bổ sung lượng vôi trong nước, thường từ 15-20 ngày/lần, lượng vôi sống 22kg/1000m2.

    Chú ý điều chỉnh lượng cỏ nước ở mật độ nhất định.

    Định kỳ kiểm tra mương để phát hiện địch hại gây bệnh, dọn dẹp thức ăn thừa, xác cua chết, đảm bảo nước trong sạch.

    5. Thu hoạch

    Thời điểm thu hoạch chủ yếu là vào tháng 10. Tuy nhiên nên thu tỉa cua lớn trước, giữ cua nhỏ lại nuôi tiếp.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Cá dìa – loài nuôi nước lợ đáng giá

Đặc điểm sinh học

Cá dìa có hình bầu dục dẹt 2 bên, mắt to tròn, đầu nhỏ, thân trơn nhẵn, màu hơi đen, trên thân có những chấm vàng sẫm, bụng màu bạc, vây lưng và vây hậu môn có gai cứng. Cá trưởng thành dài 25 – 30cm, trọng lượng 1 – 2kg, ngoài tự nhiên thường bắt được cá khoảng 0,5 – 0,7kg.

cá dìa

Ở nước ta, cá dìa có ở hầu hết các tỉnh ven biển; trong đó nhiều nhất tại các vùng biển Quảng Thái (Thừa Thiên – Huế), vùng hạ lưu sông Thu Bồn và các bãi bồi thuộc tỉnh Quảng Nam, vùng hạ lưu sông Hiếu và sông Bến Hải (Quảng Trị)…

Cá dìa là loại di cư và sống theo bầy đàn. Chúng thành thục sau 1 – 2 năm tuổi, sinh sản ở vùng nước lợ. Khi còn nhỏ, chúng sống chủ yếu ở vùng đầm phá cửa sông, trưởng thành thì di cư ra biển, tìm đến các ghềnh đá, bãi san hô… để sinh sản. Mùa sinh sản (tháng 5 – 6 dương lịch), trứng cá nở thành cá bột theo thủy triều dạt vào các bãi bồi để sinh trưởng và phát triển. Cá dìa thích ứng nồng độ muối trong nước biển từ 5 đến 37‰ và sinh trưởng thích hợp nhiệt độ 24 – 280C.

Cá dìa hoạt động và kiếm mồi ban đêm, thức ăn chủ yếu là thực vật thủy sinh, mùn bã hữu cơ; trong điều kiện nuôi, chúng có thể ăn thức ăn tổng hợp.

Ngoài tự nhiên, cá dìa sau 1 năm tuổi có thể đạt trọng lượng trung bình 0,4 kg/con. Trong điều kiện nuôi, chúng có thể đạt trọng lượng 0,5kg sau 6 tháng. Cá sử dụng tốt thức ăn tự chế và thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm 20 – 25%.

Đối tượng nuôi đa dạng

Nhờ đặc tính ăn tạp nghiêng về thực vật và mùn bã hữu cơ, cá dìa được nuôi ghép với tôm sú. Trong ao nuôi, cá dìa tận dụng tốt nguồn rong, tảo và một phần thức ăn thừa cùng mùn bã hữu cơ, giúp môi trường nước nuôi sạch hơn, giảm thiểu dịch bệnh. Với giống lớn, mật độ thả ghép thưa (0,5 – 1 con/m2) sau 4 – 5 tháng nuôi cùng tôm, cá dìa có thể cho thu hoạch 0,8 – 1 tấn/ha, tỷ lệ sống 60% trở lên lợi nhuận ước đạt 70 – 80 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn cả, khi nuôi ghép với tôm sú, tôm vẫn phát triển tốt, ít dịch bệnh, giảm được chi phí thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi.

Ngoài ra, cá dìa còn là đối tượng nuôi chính trong ao nuôi tôm bị dịch bệnh; vừa mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời giúp tiêu diệt mầm bệnh tồn lưu trong ao tôm. Với mật độ thả 2 – 3 con/m2, sử dụng thức ăn tự chế hoặc cám công nghiệp, sau 10 – 12 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng 0,6 – 1 kg/con. Đặc biệt, cá dìa ăn tạp nên tính cạnh tranh của cá thấp, tỷ lệ sống cao.

Hiện nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, Đại học Huế, Đại học Nha Trang, Đại học Cần Thơ đã thử nghiệm sản xuất giống cá dìa nhân tạo thành công, nhưng số lượng con giống còn hạn chế. Do vậy, nguồn giống cá dìa vẫn chủ yếu từ tự nhiên, hàng năm vào tháng 6 – 7 dương lịch, hoặc tháng 9, 10, tập trung nhiều ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, giá bán 3 – 4 nghìn đồng/con, kích cỡ 3 – 4cm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam