Vài nét về cá chim trắng nước ngọt

Một số đặc điểm sinh học của cá Chim trắng nước ngọt

  • Môi trường sống

Cá Chim trắng sống và phát triển tốt ở tất cả các vùng nước trong tỉnh Bắc Ninh. Độ pH của nước từ 5-8, hàm lượng oxy trong nước thấp đến 2 mg/l cá vẫn sống tốt. Có thể nuôi loại cá này ở các vực có pha nước thải sinh hoạt ven thị trấn, thị xã.

  • Đặc điểm sinh sản

Cá Chim trắng có tốc độ lớn khá nhanh. Thời kỳ từ cá mới nở (cá bột) ương lên cá hương sau 30 ngày ở mật độ 100con/m2 cá đạt chiều dài 3 – 3,5 cm, trọng lượng cá thể trung bình 0,8 gam/con. Năng suất cá hương đạt 500 kg/ha/30 ngày. Tỷ lệ sống từ cá bột lên cá hương đạt 52%. Thời kỳ từ cá hương (3 -4 cm) ương thành cá giống, mật độ ương 15 con/m2, sau 45 ngày cá đạt trọng lượng cá thể trung bình 25 gam/con.

Năng suất ương giống đạt 3 tấn/ha/45 ngày. Tỷ lệ sống từ cá hương lên cá giống đạt 80%. Đối với cá thịt, nếu nuôi ghép 5 – 7% cá Chim trắng trong các ao nuôi chung với các loài cá khác, tỷ lệ sống của cá Chim trắng là 100%, với tốc độ lớn là 1,2 – 1,5 kg sau 6 tháng nuôi. Nếu nuôi riêng cá Chim trắng với mật độ 2 con/m2, cỡ giống thả 4 cm, cho ăn thức ăn công nghiệp, tỷ lệ sống đạt 70%, trọng lượng bình quân khi thu hoạch là 0,8 kg/con. Năng suất cá thịt đạt 11 tấn/ha/10 tháng. Cá nuôi 2 năm đạt 3- 4 kg, cá 3 tuổi có con nặng 5 kg.

Đàn cá Chim trắng

Có thể cho cá Chim trắng sinh sản bằng phương pháp nhân tạo như cá Mè, Trôi, Trắm. Cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ phải đủ 3 tuổi, mật độ nuôi vỗ thưa 10 – 15 m2/con. Cho cá ăn với khẩu phần 5 – 7% trọng lượng cá trong suốt thời gian nuôi vỗ. Kích thước nước trước khi cho cá đẻ 4 tuần, mỗi tuần 2 lần bơm nước mới. Dùng các kích dục tố HCG, LRH- A, PG tiêm đều có tác dụng thúc đẩy phát triển và gây rụng trứng.

Tuy nhiên, việc phân biệt cá đực, cá cái, việc chọn lựa cá bố mẹ để cho đẻ theo cảm quan khó hơn nhiều loài cá khác. Tỷ lệ phát dục, tỷ lệ đẻ, tỷ lệ nở trứng và năng suất cá bột thấp hơn cá Mè, Trôi, Trắm.

  • Tập tính

Cá Chim trắng ăn tạp và phàm ăn. Chúng có bộ răng cửa rất cứng và sắc nên nhiều người lầm đó là loài cá dữ, nhưng thực chất lại hiền lành, chậm chạp. Một số người nuôi đã để lẫn chúng sang ao cá Mè, Trôi, Trắm nhưng không thấy chúng ăn cá con.

Hàm răng sắc nhọn của cá Chim trắng

Cá Chim trắng ăn các loài phù du sinh vật, các loại hạt ngũ cốc, các loại rau củ quả, chúng ăn cả lá bí, lá mướp, xác động vật chết, các loại phế phẩm của lò mổ… Khi nuôi công nghiệp với mật độ cao chúng ăn thức ăn chế biến là chính.

Trong các ao nuôi ghép có hiện tượng cá Chim trắng thiếu ăn nên gặm vây đuôi cá Mè, Trôi, Trắm, nhưng nếu nuôi ghép cá Chim trắng với cá Rô phi đơn tính thì không có tình trạng này. Mức tiêu tốn thức ăn khi nuôi bằng thức ăn viên là 1,8 – 2kg thức ăn/1 kg cá thịt, tương đương với mức tiêu tốn thức ăn của cá Rô phi.

  • Khả năng sinh tồn

Cá Chim trắng kém chịu lạnh. Chúng sống và sinh trưởng tốt khi nhiệt độ nước 25 – 320C nhưng lại ngừng ăn khi nhiệt độ nước xuống dưới 150C và chết nhiều khi nhiệt độ nước thấp dưới 100C.

Cá Chim trắng ít bệnh tật vào mùa hè, nhưng vào mùa đông chúng thường nhiễm các loại nấm, trùng quả dưa trùng bánh xe, sán lá… với cường độ và tỷ lệ cảm nhiễm cao, gây chết cá giống hàng loạt. Vì vậy, muốn giữ cá qua đông phải chống lạnh kết hợp với phòng bệnh cho cá.

Cá Chim trắng dễ bị đánh bắt do hiền lành, chậm chạp. Ngay mẻ lưới đầu tiên có thể thu 90% số cá trong ao. Có lẽ do đặc điểm này nên trong các ao nuôi ghép chúng không gây áp lực cạnh tranh cho các loài cá khác.

Thịt cá Chim trắng nước ngọt ở mức bình thường. Do có nhiều xương răm, lườn bụng mỏng, nhiều mỡ, cỡ cá dưới 1 kg thịt không săn chắc nên không được ưa chuộng. Ngoài thị trường, giá cá thịt Chim trắng thấp hơn cá Rô phi, cá Chép, cá Trắm cỏ nhưng cao hơn cá Mè, cá Trôi.

Món cá nướng hấp dẫn từ cá Chim trắng

Như vậy có thế nói cá Chim trắng là đối tượng nuôi phổ biến trong các vùng nước tỉnh ta. Nó được sử dụng như các loại cá giống khác để làm phong phú thêm thành phần đàn cá nuôi hiện có. Với tất cả ưu và nhược điểm của chúng, chắc chắn người dân sẽ có các biện pháp nuôi cá Chim trắng hợp lý và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tổng hợp bởi Farm tech Viet Nam

Điều ít biết về da cá hồi

Da cá hồi an toàn cho người ăn. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố khách quan khác ảnh hưởng đến chất lượng của cá hồi khiến da của chúng không được đảm bảo.

Cá hồi ngon và bổ dưỡng. Ngoài cung cấp một nguồn protein dồi dào, nó còn cung cấp axit béo, omega 3, vitanmin B và D, các khoáng chất như niacin và phốt pho. Nhiều người nghĩ rằng một miếng thịt đỏ có thể thay thế cho miếng cá hồi không da, nhưng một số người lại muốn ăn luôn miếng cá còn da để hấp thụ được hết các chất dinh dưỡng.

Lợi ích cho sức khỏe

Da cá hồi có hàm lượng axit béo omega 3 cao nhất. Có nghiên cứu cho thấy các axit béo này có thể làm giảm triglyceride ( chất béo trong cơ thể, chủ yếu được cung cấp từ thức ăn – dầu thực vật và mỡ động vật ) và giảm nguy cơ mắc bênh tim. Trong quá trình chế biến, một miếng file cá hồi còn nguyên da sẽ giữ lại được chất dinh dưỡng và dầu bên trong.

Cá hồi là một trong những loại thực phẩm mà Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo nên ăn 2-3 lần một tuần vì lợi ích sức khỏe của nó mang lại.

Phần lớn nguồn cung cấp cá hồi trên thế giới đã bị ô nhiễm bởi môi trường. Điều quan trọng là bạn nên chú ý tới nơi cung cấp. FDA cùng với sự giúp đỡ của Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) đã đưa ra những khuyến cáo để tư vấn cho người tiêu dùng cách thức sử dụng cá hồi một cách an toàn nhất.

Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo, nếu thường xuyên ăn cá hồi, bạn hãy tinh tế chọn cá hồi tự nhiên hoặc cá hồi được nuôi bởi các công ty uy tín để tránh những nguy hại cho sức khỏe về sau.

Phân biệt giữa thịt cá hồi nuôi và cá hồi tự nhiên

Những điều cần lưu ý

Da cá hồi thường an toàn cho người ăn. Tuy nhiên, cá cũng rất dễ bị ô nhiễm bởi các chất ô nhiễm có trong không khí và nước. Các hóa chất có tên gọi biphenyl polycorin (PCBs) – là một chất gây ung thư liên quan đến dị tật bẩm sinh.

Những người thường xuyên ăn cá hồi nuôi bị nhiễm bẩn có thể có nguy cơ mắc chứng đãng trí hay quên, nếu lâu dài có thể dẫn tới mất trí.

Nếu bạn là phụ nữ có thai và đang cho con bú, bạn nên kiêng da cá hồi.Ngoài ra, da cá hồi có thể được chế biến riêng, làm những món như: Da cá hồi chiên giòn, da cá hồi nướng, hoặc kết hợp làm salad, sushi.

Để làm giảm mùi tanh cũng như loại bỏ các chất bẩn trên mình cá, chúng ta có thể sử dụng nước muối hoặc muối hột xát lên cá, sau đó ngâm cá đã làm sạch vào nước lạnh có pha ít giấm, khử tanh bằng cách rửa cá bằng sữa tươi, hoặc trộn vào cá một ít hạt tiêu.

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Cá rô phi có chất gây ung thư hay không?

Một số bài báo lưu hành trên web khẳng định cá rô phi có thể có nhiều chất gây ung thư đặc biệt là dioxin. Tuy nhiên cá rô phi không tìm thấy có chứa chất dioxin hoặc các chất gây ung thư khác.

Hiện có nhiều lo ngại cho rằng cá rô phi chứa hàm lượng các chất gây ung thư như dioxin nhiều gấp 10 lần các loài cá khác. Nguyên nhân được quy cho cá ăn nguồn thức ăn không đảm bảo. Tuy nhiên, kết quả phân tích trên cá rô phi cho thấy cá rô phi không chứa chất gây ung thư nào và hàm lượng dioxin trong cá rô phi hoàn toàn không có.

Fitzsimmons thuộc trường đại học Arinoza cho rằng cá rô phi ăn chủ yếu là tảo và thực vật thủy sinh trong tự nhiên, do đó thức ăn cho cá rô phi chủ yếu có nguồn gốc thực vật. Do đó, trong chuỗi thức ăn thì thức ăn của cả rô phi thấp hơn các loài cá ăn thịt khác như cá hồi.

Dioxin là chất tích lũy sinh học, một trong những chất có khả năng gây ung thư. Do đó, trong chuỗi thức ăn thì nồng độ dioxin càng lên cao thì tích lũy càng nhiều. Điều này cho thấy hàm lượng dioxin ở các loài cá ăn thịt như cá hồi, cá vược phải cao hơn nhiều so với cá rô phi, cá da trơn và tôm.

Kết quả phân tích hàm lượng các chất gây ung thư trong đó có dioxin trên cá hồi, cá bơn, cá rô phi, cá tra và tôm của nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Wageningen chỉ ra rằng “các loài ăn thịt chứa hàm lượng các chất gây ung thư cao hơn so với các loài ăn thực vật”. Hàm lượng các chất này trong cá rô phi, cá tra, và tôm là tương đương và thấp hơn nhiều so với cá hồi và cá bơn.

Phân tích mẫu cá rô phi nhập khẩu tại Mỹ cho thấy hàm lượng các chất có thể là nguyên nhân gây ung thư bao gồm mercury, cadmium và arsenic đều nằm trong ngưỡng an toàn cho người tiêu dùng.

Kết quả thống kê trên nhiều nghiên cứu cho thấy không có cơ sở khoa học cho nhận định ăn cá rô phi có thể là nguyên nhân gây ung thư. Hơn thế nữa nhiều nghiên cứu còn chỉ ra lợi ích của việc ăn cá rô phi.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá hồi bằng hệ thống khép kín hạn chế chất thải ra môi trường

Cục Khai thác Thủy sản Na Uy đã cấp giấy phép phát triển cho hệ thống đóng kín hình trứng của Tập đoàn Marine Harvest.

Những hệ thống khép kín này được phát triển bởi Hauge Aqua (Công ty giải pháp công nghệ thủy sản của Na Uy), thiết kế để loại bỏ các loại vi khuẩn và ngăn ngừa các chất dạng hạt được thải ra môi trường biển. Mỗi cấu trúc 20.000 m3 có khả năng sản xuất đến 1.000 tấn cá hồi, mật độ thả khoảng 1,3 lần hiện đang được sử dụng trong lồng bút.

Thiết kế tối giản

Hình dạng bể nuôi được thiết kế như một chiếc xe tăng mạnh mẽ bên trong và bao bọc theo hình khối vỏ trứng nhằm cung cấp một bề mặt cong liền mạch. 90% thể tích của bể bị lún dưới nước bất kỳ lúc nào, trong khi 10% nằm trên mặt nước và chứa đầy không khí. Bên trong bể chứa, một ống trung tâm được đặt và làm cứng cấu trúc hình học thêm phần mạnh mẽ.

Chức năng thông minh

Cấu trúc vỏ trứng được bao bọc đầy đủ với một dòng nước duy nhất cho phép hệ thống thu hút mạch nước ở đầu vào được tách ra từ nơi nước thoát ra. Các đầu vào nằm ở đáy quả trứng. Nước đi vào bằng cách sử dụng hai máy bơm chính hút nước từ dưới 20 mét. Nước chảy theo hướng chuyển động tròn tới đỉnh, nơi nó thoát ra khỏi bồn chứa cách mặt nước 4 mét. Chất lượng nước và khối lượng có thể được kiểm soát, đảm bảo mức ôxy ổn định và cũng làm giảm khí CO2. Lớp vỏ cuối cùng đảm bảo rằng ấu trùng ruồi không thể thâm nhập vào trong vì các ấu trùng cá hồi được nuôi trong môi trường sống tự nhiên chủ yếu nằm ở lớp trên cùng của hệ thống.

Đầu vào và đầu ra của nước được bảo vệ kép. Nguồn cấp dữ liệu được cung cấp thông qua các máy nạp tự động thường xuyên như được sử dụng trên các trang web hiện nay. Bằng cách sử dụng tự động hóa thức ăn cho ăn, thức ăn được cung cấp ở các cấp khác nhau trong cơ thể nước. Trong khi theo dòng nước từ dưới lên trên, người ta có thể dễ dàng kiểm soát rằng tất cả các thức ăn thức ăn đều được ăn bởi cá nuôi và không lãng phí bất kỳ một lượng thức ăn dư nào.

Thu gom rác thải

Thách thức lớn nhất cho ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản hiện tại còn nằm ở phân đoạn xử lý chất thải nuôi trồng. Công nghệ cho ăn chính xác được áp dụng nhằm tránh lượng tồn dư thức ăn trong bể nuôi. Nguồn nước suối tiếp tục giữ cho thức ăn viên có thể tiếp cận được cho cá trong một thời gian dài hơn so các hệ thống mở.

Hình dạng của vỏ trứng sẽ làm tăng tốc độ của nước và do áp suất chạy dọc sẽ tác động lên các hạt khi nước chảy tới đỉnh của bể. Những lực này được sử dụng để bẫy các hạt và giữ chúng trong một bể giữ tròn. Trong khi, hầu hết nước được thải qua van chính, công nghệ này nhằm lọc chất thải của cá và chứa nó trong một chiếc nhẫn tròn được nhúng trong cấu trúc nổi. Một khi được giữ lại trong bể tròn, các sản phẩm phụ có thể được thu gom và lấy đi. Vật liệu dạng hạt (phân cá và thực phẩm không cần thiết) thu được trong bể có thể được sử dụng như một nguồn tài nguyên có giá trị.

Vận hành và kiểm soát môi trường

Ánh sáng được kiểm soát 24 giờ một ngày trong vỏ trứng. Vỏ trứng giúp vật thể nuôi được tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp với lượng lý tưởng cùng với bước sóng ánh sáng. Trái ngược với việc mở các khoang nạp khí bên trong cấu trúc vỏ, nơi mà ôxy có thể thay đổi theo mùa, tác động sóng biển và thủy triều, vỏ trứng sẽ giữ ôxy ở mức thích hợp mọi lúc nhờ màng lọc khí ở trong bể chứa. Nhiệt độ tầng sâu hơn ở các vịnh cung cấp biến thiên nhiệt ít hơn so với bề mặt nước, điều này góp phần vào khả năng tăng trưởng của trứng trong mùa đông tốt hơn trong lồng mở và làm tăng khả năng thu hoạch để cung cấp cho thị trường tiêu thụ.

Nguồn: Hauge Aqua.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá theo công nghệ Mỹ, Israel

Mỹ và Israel là những nước có nền nông nghiệp phát triển bậc nhất thế giới. Họ áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nhằm thu lại sản phẩm số lượng lớn với chất lượng tốt, tiết kiệm chi phí lao động và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Ở Việt Nam ta có HTX Thủy sản VietGAP Hòa Phong (Mỹ Hào – Hưng Yên) đã bắt đầu áp dụng công nghệ của họ vào nuôi cá và đạt được những thành công.

Bà Vũ Thị Thắm, Chủ nhiệm HTX Thủy sản VietGAP Hòa Phong biết: Chăn nuôi cá công nghệ Mỹ, Israel cho hiệu quả rất cao như hệ số sử dụng thức ăn giảm, tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh, chu kỳ chăn nuôi ngắn, sản phẩm luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, năng suất cao hơn 3 lần so với cách nuôi cá truyền thống ở nước ta, sau thu hoạch cá cho phép thả con giống nuôi mới ngay mà không cần xử lý đáy ao.

Một vài nét đặc biệt trong quy trình nuôi cá công nghệ Mỹ, Israel là:

  • Nuôi cá theo công nghệ Mỹ là phải tạo “sông trong ao” – trong ao làm trục sông có tường bê tông hoặc bạt nhựa ngăn nước; trong sông có sóng, có dòng chảy tuần hoàn để nước luôn lưu chuyển khắp ao, vừa thường xuyên đẩy gom chất thải từ cá xuống bể lắng cho máy hút dọn mỗi ngày, vừa đảm bảo môi trường nước ao nuôi luôn sạch.
  • Diện tích thực nuôi thả cá “sông trong ao” rất nhỏ (khoảng 1/10 diện tích ao đưa vào sử dụng), nên mật độ nuôi thả cá rất cao, thuận lợi cho quản lý và chăm sóc.
  • Đoạn “sông trong ao” nuôi cá có đáy thảm bê tông cứng, có máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy… đảm bảo đủ điều kiện sống tối ưu cho cá (các máy này đều dễ mua trên thị trường).
  • Mỗi sông ao chỉ nuôi 1 loại cá (không nuôi thả lồng ghép nhiều loại cá).
  • Cho cá ăn liên tục 3 lần/ngày (sáng, trưa, chiều) trong suốt quá trình nuôi (không có ngày ngừng cho ăn để cá tận dụng thức ăn thừa như cách nuôi truyền thống), lượng thức ăn bằng 3/10 trọng lượng thân cá. Chỉ dùng thức ăn công nghiệp sạch (cám Cargill), kết hợp với men tiêu hóa và vitamin C.

Chú ý, đảm bảo đủ nguồn điện ổn định để vận hành máy móc thiết bị.

  • Nuôi cá công nghệ Israel thì không tạo sông trong ao, nhưng cần có bể ao nuôi chuyên biệt chủ động bơm thay mới nước thường xuyên; bể ao bê tông hóa toàn phần hoặc thảm bạt nhựa từ đáy lên bờ, đảm bảo nước không rò rỉ và không xảy ra vỡ bể. Cách nuôi, vận hành các máy móc thiết bị tương tự công nghệ Mỹ…

Tuy nhiên, nuôi cá theo công nghệ Mỹ, Israel đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Để có kinh phí cho đầu tư áp dụng quy trình công nghệ mới vào sản xuất, bà Thắm đã vận động được một số người có cùng tâm huyết trong làng cùng góp vốn thành lập HTX Thủy sản VietGAP Hòa Phong. Với số tiền góp được gần 10 tỷ đồng và 20 mẫu ao hồ mặt nước, bước đầu HTX Thủy sản VietGAP Hoà Phong đã xây dựng được 7 ao nuôi cá theo công nghệ Mỹ, Israel, trong đó 2 ao đã đưa vào vận hành, khai thác.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Hiệu quả từ mô hình nuôi cá dứa trên nền ao nuôi tôm nước lợ

Cá dứa (Pangasius kunyit) là loài cá nhiệt đới có thịt chắc thơm ngọt, ít mỡ nên được thị trường khá ưa chuộng. Hiện nay cá dứa đã được cho sinh sản nhân tạo, có khả năng nuôi thích nghi trong điều kiện nước ngọt và nước lợ, ăn tạp, dễ nuôi, ít dịch bệnh, vốn đầu tư thấp nên được xem là đối tượng nuôi phù hợp với hộ gia đình.

Cá Dứa (còn gọi là cá Tra bần), có tên khoa học là Pangasius kunyit, thuộc họ cá Tra 

Với mục đích ban đầu giúp cải tạo, thay đổi môi trường ao nuôi tôm và đa dạng đối tượng nuôi thủy sản tại khu sản xuất của Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Trung tâm Tập huấn), cuối năm 2016, đơn vị đã nuôi thử nghiệm cá dứa. Số lượng thả nuôi là 1.500 con trên diện tích 1.000 m2 ao nuôi, cỡ giống ± 3 cm/con với mật độ nuôi 1,5 con/m2. Mô hình sử dụng thức ăn công nghiệp (loại sử dụng cho cá basa, cá tra).

Sau thời gian nuôi 09 tháng, thu hoạch cá nuôi đạt trọng lượng từ 0,8 kg đến 1,2 kg/con, cho thu hoạch trên 1,2 tấn cá thương phẩm, năng suất trên 12 tấn/ha, bán với giá 130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận trên 60 triệu đồng/1000m2 ao nuôi. Để thực hiện mô hình thành công, cần lưu ý một số khâu kỹ thuật như sau:

Chuẩn bị ao nuôi

Ao nuôi cần cải tạo, vét bùn, bón vôi, phơi đáy ao. Diện tích thích hợp 1.000 – 2.000 m2, ao quá lớn hoặc quá nhỏ đều không thuận lợi trong khâu chăm sóc, quản lý và thu hoạch cá thương phẩm; duy trì mức nước 1,4 m -1,6m. Sau khi cấp nước vào ao cần xử lý gây màu nước cho ao nuôi bằng chế phẩm sinh học, phân vi sinh… đến khi nước ao có màu xanh đọt chuối hoặc vàng nhạt thì tiến hành thả cá. Kiểm tra một số yếu tố môi trường như: độ mặn 10 – 15‰, pH 6 – 8,…

Chọn thả cá giống

Lựa chọn cá dứa giống có nguồn gốc rõ ràng từ tỉnh An Giang hoặc Tiền Giang với kích cỡ 3 – 5 cm/con. Trong quá trình vận chuyển nên cẩn thận để tránh làm xây xát ảnh hưởng đến sức khỏe cá giống. Thuần hóa độ mặn trước khi thả giống. Nên thả giống vào lúc mát trời (sáng sớm hoặc chiều tối) với mật độ 1 – 2 con/m2.

Chăm sóc, quản lý ao nuôi

Cá dứa chịu đựng kém trong môi trường nước có hàm lượng ôxy hòa tan thấp, nên bố trí quạt nước để đảm bảo cung cấp ôxy cho cá, nhất là vào ban đêm. Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có độ đạm từ 18 – 25%. Cần hạn chế thức ăn dư thừa trong ao nuôi, ảnh hưởng đến chất lượng nước, thông thường lượng thức ăn bằng 5 – 7% trọng lượng thân. Cá dứa rất háu ăn nên khu vực cho ăn phải rộng và xa bờ để tránh tình trạng cá ăn không đều ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển. Bổ sung khoáng, vitamin vào thức ăn cho cá để tăng sức đề kháng.

Thu hoạch

Khi nuôi được 8 – 9 tháng, cá đạt trọng lượng 0,8 – 1,5 kg/con thì thu hoạch. Thu cá bằng cách kéo lưới. Cá thu hoạch phải sơ chế và ướp lạnh ngay để đảm bảo chất lượng khi xuất bán.

Thu hoạch cá dứa

Trong thời gian triển khai mô hình, Trung tâm Tập huấn đã đón tiếp trên 90 lượt cán bộ khuyến nông của một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trên 120 lượt bà con nông dân quanh vùng đến thăm quan, học tập, chuyển giao kỹ thuật. Từ đó giúp người dân trong khu vực có thêm một đối tượng nuôi thủy sản để lựa chọn, luân canh, chuyển đổi khi môi trường ao nuôi tôm gặp khó khăn, bất lợi như hiện nay.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Dân bất an vì cá bỗng dưng chết nổi đầy sông ở Nghệ An

Nhiều loại cá chủ yếu sống ở tầng đáy bỗng dưng chết nổi lên đầy sông Hoàng Mai khiến người dân bất an.

Lượng cá chết được người dân vớt lên bờ, đây hầu hết là những loài cá sống ở tầng đáy có giá trị kinh tế cao.

Ngày 26/9, một cán bộ thị xã Hoàng Mai, Nghệ An xác nhận sự việc trên. Đồng thời cho biết, hiện thị xã cũng đang tiến hành làm rõ nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt trên sống Hoàng Mai.

Theo đó, nhiều người dân sống gần vùng hạ lưu sông Hoàng Mai bất ngờ khi thấy hàng loạt các loại cá như Hành, Nữ, Bống…bỗng dưng chết nổi đầy trên sông Hoàng Mai.

Bên cạnh đó các hộ dân làm nghề đóng đáy bắt cá trên sông Hoàng Mai cũng giật mình khi sáng sớm thu đáy về thấy phía trong nhiều loại cá đã chết từ lúc nào không rõ.

Cá chết dạt vào bờ rất nhiều, người dân dùng thuyền ra vớt được hàng chục kg. Phía trong những chiếc đáy cũng đầy cá đã chết dạt vào. Cá chết chủ yếu là loài cá sống ở tầng đáy, có giá trị kinh tế cao. Từ trước đến nay người dân chưa bao giờ thấy hiện tượng này xảy ra. Ngay sau khi phát hiện sự việc, người dân đã lập tức thông tin đến cơ quan chức năng để kiểm tra làm rõ nguyên nhân.

 Người dân vớt cá chết lên bờ

Hiện tượng cá chết bất thường khiến nhiều người dân sống ven dòng sông tỏ ra bất an. Đặc biệt là những hộ nuôi tôm lấy nguồn nước từ sông. Một số người nhận định, nhiều khả năng, cá chết do bị sốc nước. Bởi sau bão, nước triều cường dâng cao, nước mặn xâm thực đột ngột vào sông Hoàng Mai dẫn đến cá bị sốc nước nên chết hàng loạt.
Hiện nguyên nhân sự việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Kỹ thuật nuôi cá bống tượng trong bồn

Thiết kế bồn nuôi

Nuôi cá trong bồn có nhiều thuận lợi hơn so với nuôi trong ao đất. Trên cùng một diện tích, nuôi cá trong bồn tuy đầu tư chi phí ban đầu có cao hơn nhiều nhưng năng suất cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi trong ao đất.

Mặt khác, nuôi trong bồn còn có nhiều điểm thuận lợi khác như: Dễ quản lý bồn bể và cá nuôi, nhờ sự chủ động địa điểm và quy mô nuôi. Nhờ không phải phụ thuộc vào thời tiết nên chủ động mùa vụ thả nuôi.

Nuôi trong bồn nhờ mực nước cạn nên có thể dễ dàng quan sát được sự ăn mồi của cá mà tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp, hạn chế ô nhiễm nguồn nước cũng như tiết kiệm mồi. Dễ dàng phát hiện, ngăn chặn và xử lý khi cá có biểu hiện bệnh.

Nhờ nuôi cách biệt với nền đáy nên ngăn chặn được sự thẩm lậu của vật chất hữu cơ vào trong đất.  Sử dụng nguồn nước ít hơn do đó thải nước cũng ít hơn, nên hạn chế ô nhiễm môi trường. Cần ít công chăm sóc hơn so với nuôi trong ao, do đó chi phí lao động rẻ hơn.

Lựa chọn địa điểm nuôi cá bống tượng trong bồn là nơi có nguồn nước sạch, cung cấp nước thường xuyên, vị trí xây nơi yên tĩnh, chủ động việc cấp và thoát nước, thuận tiện giao thông. Tốt nhất là nơi có nguồn nước chảy tự nhiên như sông, suối. Đảm bảo đạt nhiệt độ của nước 25 – 270C, hàm lượng oxy hòa tan 5mg/l, độ pH 7,5 – 8,5.

Thiết kế bể/bồn nuôi có diện tích tốt nhất từ 100m2 trở lên, hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tròn được xây bằng gạch, bên trong láng nhẵn. Độ sâu của bể/bồn 1,5 m, bên trong láng xi măng nhẵn, trên thành bể/bồn xây gờ ngang 10 cm để cho cá khỏi đi.

Có hệ thống cống cấp thoát nước riêng biệt. Ống cấp nước cách mặt bể/bồn 50 cm, tốt nhất nên thiết kế bể nuôi có nước chảy ra vào thường xuyên, trang bị máy bơm nước tự động tắt mở khi nước đầy. Nước bể/bồn nuôi ở dạng nên lắp thêm giàn phun mưa để tạo thêm oxy mỗi buổi sáng.

Để tránh tạp chất gây ô nhiễm, cho nước qua một bể lọc (có cát, than, sỏi…) chiếm 20 – 30% diện tích bể. Trên bể/bồn có mái che, lưới để giảm ánh nắng rọi vào nhiều. Đối với bể/bồn mới xây, ngâm phèn chua 100 g/m2, ngâm 2 lần, 2 ngày/lần, sau đó chà bằng bẹ chuối, phơi nắng 30 ngày, cấp và xả nước 3 – 4 lần.

Giống thả nuôi

Cá bống tượng giống

Nguồn gốc: Hiện nay giống bống tượng cung cấp cho nuôi cá thịt có thể mua từ 2 nguồn: thu từ tự nhiên và từ  các cơ sở sản xuất giống.

Giống thu gom tự nhiên thì cá gái rẻ hơn giống sinh sản nhân tạo, nhưng có nhiều nhược điểm: Cá có kích cỡ không đồng đều, khi nuôi dễ bị phân dàn, cá dễ bị sây sát do quá trình đánh bắt, thu gom, vận chuyển. Mặt khác do thu gom nên số lượng không kịp thời đủ cho thả nuôi.

Giống sản xuất nhân tạo do ương nuôi trong thời gian kéo dài nên giá thành cao, cỡ cá nhỏ hơn cá thu gom tự  nhiên (15-30g), trong khi cá tự  nhiên dễ lựa cỡ cá khoẻ mạnh, không bị sây sát do đánh bắt và kiểm soát được bệnh tật. Ngoài ra có thể cung cấp đủ số lượng lớn cho nhu cầu nuôi.

Kích cỡ cá thả:Cá thu gom tự nhiên: 80-100g/con. Cá ương nuôi nhan tạo: 15-30g/con

Mùa vụ thả: Có thể nuôi quanh năm, tuỳ thuộc vào nguốn giống và điều kiện kinh tế  nông hộ.

Mật độ thả:  Cá cỡ lớn (80-100g/con) thả với mật độ từ 5-7 con/m2. Cá cỡ nhỏ (15-30g/con) thả với mật đọ từ 8-10 con/m2. Trước khi thả, phải tắm nước muối 25% trong 10 phút.

Thức ăn và quản lý chăm sóc

Các loại thức ăn: Chủ yếu là tép rong, cá nhỏ, cua, ốc,… Cá phải được làm sạch, cắt nho nhỏ cho vừa cỡ miệng cá, cua đập dập, ốc cũng đập dập vỏ. Thức ăn rải đều thức ăn 7-10% trọng lượng cá trong ao. Nên theo dõi chặt chẽ mức độ ăn của cá để điều chỉnh tăng giảm. Lượng thức ăn cho hợp lý. Mỗi ngày cho ăn 1-2 lần(sáng sớm và chiều tối).

Cá bống tượng

Thức ăn có thể được trộn thêm premix khoáng premix vitamin (1-2% trọng lượng thức ăn). Không nên trộn bất ký loại kháng sinh nào vào thức ăn khi cá bình thường.

Quản lý chăm sóc: Cho cá ăn đầy đủ, đúng số lượng và chất lượng, giữ cho thức ăn luôn sạch và không bị hư thối. Vệ  sinh sàn ăn trước khi cho thức ăn mới vào.

Hàng ngày phải thường xuyên theo dõi hoạt động và mức ăn của cá. Kinh nghiệm của nhiều hộ nuôi cá Bống tượng cho biết, phải kịp thời nhận biết những biểu hiện bất thường và kiểm tra lại các khâu để xác định nguyên nhân và có biện pháp  xử lý ngay.

Các biểu hiện bất thường gồm có: một vài cá nổi đầu, ăn mồi chậm và giảm lượng ăn hoặc bỏ ăn đột ngột. Những biểu hiện trên là cá đang nhiễm bệnh. Ở mức độ nhẹ và ít thì việc xử lý kịp thời sẽ có hiệu quả. Khi cá đã nhiễm bệnh nặng thì rất khó xử lý và chữa trị, vì bệnh trên cá bống tượng rất đa dạng và phức tạp. Vì vậy biện pháp phòng bệnh cho cá là tốt nhất, đó là đủ ăn, thức ăn tươi và môi trường nước sạch.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi gà kết hợp thả cá trê phi

Mô hình nuôi gà kết hợp thả cá trê phi đang được nhiều người dân huyện Anh Sơn áp dụng hiệu quả bởi vừa tận dụng lượng chất thải lớn từ chăn nuôi gà để nuôi cá, tránh gây ô nhiễm môi trường, từ đó tăng thêm thu nhập.

                                           nuôi gà kết hợp với cá trê phi

Áp dụng thành công mô hình này hơn 3 năm nay, ông Nguyễn Hữu Đại ở thôn 4, xã Tường Sơn cho biết: “Với quy mô thực hiện hơn 5.000 con gà và 7 bể nuôi cá trê với diện tích 700 m2, mỗi năm gia đình tôi thu về 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí cũng thu lãi 400 triệu đồng/năm”.

Bể nuôi cá được ông Đại bố trí sát với chuồng nuôi để tận dụng nguồn thức ăn thừa và xử lý môi trường. Gia đình thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường cho gà và cá phát triển tốt.

Theo ông Nguyễn Hữu Đại, để thực hiện mô hình gà – cá thành công, phải nắm vững và áp dụng sáng tạo các biện pháp kỹ thuật, đầu tư thật kỹ về cơ sở hạ tầng, chủ động nguồn vốn phục vụ sản xuất.

Ông Đại chia sẻ: Để nuôi gà kết hợp với cá trê trước hết chuồng trại cần xây dựng bằng gạch kiên cố. Đối với nuôi gà, mỗi chuồng có diện tích 50m2. Gà con bố trí mật độ 1.200 con/chuồng, gà trưởng thành 400 con/chuồng. Chuồng nuôi phải thoáng mát, nhận được ánh sáng buổi sáng, tránh nóng bức buổi chiều, tránh được mưa tạt gió lùa, ấm áp mùa đông, mát mẻ mùa hè. Trong quá trình nuôi, thực hiện chế độ chăm sóc hợp lý như: tiêm phòng đầy đủ, nên sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp rau cám và chăn thả tự nhiên. Cùng đó, cần thực hiện tốt các khâu vệ sinh chuồng trại, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học.

Đối với nuôi cá: Bố trí diện tích ao nuôi phù hợp số lượng đàn gà trong trang trại. Hiện nay ông Đại bố trí 7 bể nuôi có với diện tích mỗi bể là 100m2, trong đó Chọn các đối tượng cá nuôi thích nghi điều kiện tự nhiên, chủ yếu là cá trê phi và một ít cá rô phi; mật độ 10 con/m2 để tận dụng triệt để thức ăn thừa. Cần duy trì mực nước ao 1,2 – 1,5 m và theo dõi chất lượng nước thường xuyên để cải thiện năng suất, chất lượng cá nuôi.

Với quy mô 5000 con gà và 7 bể nuôi cá đã mang lại lãi ròng cho gia đình ông Đại trên 400 triệu đồng/năm.

Ông Đại chia sẻ: Việc nuôi một số lượng gà lớn kết hợp với chăn nuôi cá trê đang là hướng đi rất hợp lý của nhiều hộ trên địa bàn. Hàng ngày ngoài phân gà còn một lượng vỏ trứng từ lò ấp của gia đình cũng sẽ được dùng làm thức ăn cho cá. Mô hình nuôi kết hợp này đạt hiệu quả rất cao. Mỗi năm ông cho xuất chuồng trên 5.000 con gà và 2,1 tấn cá, mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, mô hình nuôi gà thả trê tương đối dễ thực hiện, phù hợp điều kiện sản xuất ở nông thôn, mang lại hiệu quả cao, tùy khả năng nông hộ để chọn hình thức đầu tư phù hợp.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Giàu nhờ cá tai tượng

Anh Nguyễn Thành Tân ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành (Tiền Giang) là một trong những người đã gắn bó và gặt hái được nhiều thành công từ nghề nuôi cá tai tượng.

cá tai tượng

Anh Tân cho biết, kế tục nghề ương, nuôi cá giống, cá thịt của cha mình, anh gắn bó với nghề nuôi cá tai tượng đã hơn 15 năm nay. Nhờ nghề này, kinh tế gia đình anh ngày một khấm khá hơn.

Với hơn 2.000 m2 đất do cha mẹ để lại, nhờ tích luỹ nguồn thu nhập hàng năm từ con cá tai tượng, anh đã mở rộng diện tích chăn nuôi lên 8.000 m2 (bao gồm đất mua thêm và một phần đất thuê).

Trong đó sử dụng một nửa diện tích để đào ao dưỡng cá giống và nuôi cá thịt, phần còn lại anh trồng rau để bổ sung thức ăn cho đàn cá thịt.

Với đàn cá thịt, anh hiện có trên 30.000 con các loại. Trong đó, mỗi tháng xuất bán trung bình 2.000 con cá giống với giá từ 3.000 – 4.000 đồng/con.

Để đảm bảo có đủ nguồn cá giống cung cấp liên tục cho thương lái, một số trại cá giống và hộ chăn nuôi ở trong, ngoài huyện, anh mua cá lòng 8 (kích thước 8 mm) về ương trong thời gian từ 2 – 2,5 tháng, cá đạt kích thước từ 8 – 10 cm (chiều dài từ đầu đến cậy đuôi) thì xuất bán để quay vòng vốn và lấy ngắn nuôi dài (đầu tư nuôi đàn cá thịt).

Cá giống ngoài dưỡng để bán, anh còn giữ lại một số để nuôi thịt. Sau 12 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 1 kg trở lên, thương lái TP.HCM đến thu tại ao với giá từ 43.000 – 45.000 đồng/kg. Mỗi năm anh xuất bán đều đặn trên dưới 5.000 con cá thịt (khoảng 5 tấn).

Qua tính toán, anh cho biết, nếu suôn sẻ, sau khi trừ tất cả chi phí, một lứa nuôi anh thu lãi đạt khoảng 50% doanh thu (bao gồm cá giống và cá thịt).

Theo anh Tân, tai tượng là loài cá dễ nuôi, tạp ăn, có thể cho cá ăn rau xanh kết hợp với thức ăn viên công nghiệp để rút ngắn thời gian thu hoạch.

Theo hướng dẫn của KS Nguyễn Thị Kim Dung (Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang), để giảm thiểu rủi ro cũng như góp phần bảo vệ môi trường, việc áp dụng quy trình nuôi cá tai tượng theo hướng an toàn sinh học là rất cần thiết.

Trong quá trình nuôi, hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học. Định kỳ 15 ngày (mùa mưa) hoặc 30 ngày (mùa nắng) ngâm vôi nông nghiệp – lấy nước trong tạt xuống ao (liều lượng 1 – 3 kg/100 m3 nước tùy cá lớn, nhỏ) để phòng bệnh cho cá.

Bên cạnh đó định kỳ dùng muối (1 – 2 kg/100 m3) nước hay chế phẩm sinh học (hoặc Zeolite) xử lý nước và đáy ao (liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì).

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam