Công nghệ ozone cho nuôi tôm

Công nghệ ozone từ lâu đã được sử dụng trong nuôi tôm với những tác dụng hữu ích trong sản xuất giống, nuôi vỗ bố mẹ, thuần dưỡng tôm giống, nuôi tôm thương phẩm…

Sử dụng công nghệ ozone trong sản xuất tôm giống

Lợi ích

Ozone là chất khí có công thức hóa học là O3 có khả năng ôxy hóa cực mạnh, tốc độ diệt khuẩn cao gấp 3.100 lần so với Clo. Nhờ đó, mà nó có thể phá vỡ màng tế bào và phá hủy enzyme của vi sinh vật. Khả năng khử trùng của O3 cũng rất rộng, chúng có thể xử lý cả vi khuẩn, virus, nấm men, nấm mốc và các bào tử. Hơn nữa, O3 lại là chất không bền vững, phân hủy rất nhanh trong không khí và nước để tạo thành ôxy phân tử nên tôm cá ít bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, O3 còn có khả năng làm vô hiệu hóa các chất vô cơ và các kim loại nặng trong nước như sắt, mangan… Do đó, O3 được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản với những hiệu quả chính như:

• Tiêu diệt vi khuẩn, loại bỏ virus gây bệnh, khử màu các chất vô cơ và hữu cơ;

• Khử mùi hóa chất có trong nước, mùi chất hữu cơ lên men hôi thối, mùi tanh của động vật thủy sản

• Tăng nhanh môi trường ôxy hóa giúp môi trường nước không còn ô nhiễm

• Tăng tốc độ sinh trưởng, diệt mầm bệnh, giảm chất hữu cơ trong nước

• Tăng hiệu suất sử dụng thức ăn của tôm nuôi

• Sát khuẩn; tiêu độc; làm sạch; điều chỉnh độ pH

• Hạn chế thay nước, giúp tránh rủi ro do mầm bệnh từ ngoài đưa vào

• Giúp giảm lượng khí NH3, H2S dưới đáy ao và gia tăng lượng khí ôxy hòa tan

• Giúp giảm thiểu sử dụng hóa chất hay các chế phẩm khác

Việc sử dụng khí O3 trong nuôi trồng thủy sản đã được sử dụng phổ biến tại Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ… Tuy nhiên, công nghệ O3 chưa được áp dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam bởi công nghệ này có giá bán rất đắt (Một máy ozone có công suất 3 – 4g O3/giờ (xử lý 3 m3 nước/giờ) lắp ráp tại Mỹ để dùng cho một trại tôm giống có quy mô trung bình 10 – 15 bể, có giá bán khoảng 10.000 USD, loại công suất 5 g O3/giờ là 12.000 USD.

Các ứng dụng trên tôm

Sản xuất tôm giống

O3 hoàn toàn có thể thay thế Chlorine dùng để khử trùng trại giống và xử lý nước trong các bể ương nuôi. Theo Thạch Thanh và cộng sự (2003), ozone hoàn toàn có thể thay thế Chlorine trong xử lý nước  trước khi thả ương ấu trùng. Tuy nhiên, cần phải được lắng lọc kỹ càng trước khi xử lý. Nếu nước biển có độ đục cao thì có thể kết hợp O3 với Chlorine liều nhẹ (7 – 15 ppm) để làm trong nước nhanh và khử trùng hiệu quả. Sử dụng O3 xử lý nước có thể thay thế hóa chất, kháng sinh, hạn chế dịch bệnh, chất lượng nước được cải thiện rõ rệt, ấu trùng tôm cá phát triển nhanh, đồng đều, nâng cao chất lượng con giống.

Ozone còn ứng dụng xử lý nước bể đang ương ấu trùng bằng cách, kết hợp Ozone với bộ tách đạm trong hệ thống tuần hoàn và xử lý định kỳ 1 – 2 ngày/lần trực tiếp vào bể ương ấu trùng. Mục đích duy trì chất lượng nước nhờ khả năng ôxy hóa các chất thải của tôm và thức ăn dư thừa trong bể ương đồng thời hạn chế sự phát triển của mầm bệnh. Ngoài việc khử trùng nước, ozone cũng được dùng để khử trùng không gian trong trại giúp hạn chế lây lan vi khuẩn gây bệnh trong không khí trên bề mặt bể ương nuôi.

Phương pháp xử lý nước cho các trại sản xuất tôm, cá giống bằng công nghệ ozone đã được áp dụng nhiều nơi trên thế giới. Tại nước ta, Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản III đã áp dụng thành công công nghệ ozone xử lý nguồn nước đầu vào và công nghệ sinh học trong suốt quá trình sản xuất tôm giống cho kết quả khả quan, tôm post to và khỏe hơn so với phương pháp truyền thống. Thực tế thử nghiệm tại Đại học Cần Thơ cũng cho thấy các chỉ tiêu chất lượng nước trong sản xuất tôm giống được cải thiện rõ rệt. Ấu trùng tôm biến thái, chuyển giai đoạn đồng loạt hơn.

Nuôi vỗ tôm mẹ

Trong nuôi tôm, cá bố mẹ, O3 xử lý nước giúp hạn chế được dịch bệnh do virus, vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, ứng dụng ozone trong nuôi vỗ tôm mẹ đến nay vẫn chưa được phổ biến mà mới chỉ dừng ở các thử nghiệm. Tại trại sản xuất tôm giống thực nghiệm của Khoa Thủy sản – Đại học Cần Thơ bước đầu cho thấy trên sử dụng O3 để xử lý các bệnh trên tôm bố mẹ như ký sinh trùng, mòn đuôi, hoại tử, đen mang so với sử dụng hóa chất (formaline…) có kết quả tốt hơn. Tôm mẹ nuôi vỗ có xử lý ozone cũng có biểu hiện bên ngoài rất tốt so với tôm nuôi vỗ thông thường.

Nuôi tôm thương phẩm

Đối với nuôi tôm thương phẩm, O3 làm tăng lượng ôxy hòa tan, phân hủy độc tố trong nước (NH3, H2S) và hạn chế tối đa việc thay nước. Có thể đưa khí O3 vào đường hút khí của máy thổi khí nhằm tạo ra bọt khí O3 nhỏ để tăng diện tích tiếp xúc và thời gian lơ lửng trong nước giúp sát trùng được hiệu quả. Tuy nhiên, do giá thành máy cao, việc ứng dụng ozone chỉ có thể thực hiện trong hình thức nuôi tôm công nghiệp. Xử lý nước ao nuôi tôm thịt có thể tiến hành một cách có hiệu quả bằng cách đưa khí O3 vào đường hút khí của máy thổi Ventury dùng trong ao tôm (còn gọi là máy ôxy nhủi hay máy hỏa tiễn).

Nguyên tắc chung là phải tạo bọt khí ozone càng nhỏ càng tốt để tăng hiệu quả tiếp xúc và lơ lửng trong nước. Một máy ozone 4 g/giờ được thiết kế để sục cho 2.500 m3 nước ao nuôi tôm công nghiệp. Cho đến nay, vẫn chưa có cứ liệu khoa học đầy đủ cho việc ứng dụng ozone trong hệ thống nuôi tôm thâm canh.

Tại Thái Lan, một số thử nghiệm ban đầu cho thấy khi sục ozone vào ao nuôi tôm biển ở mức 0,1 – 2 ppm trong khoảng thời gian 18 giờ/ngày, sẽ làm giảm tổng số vi khuẩn, NO2- và NO3- trong nước ao và tăng trọng của tôm nuôi tỷ lệ thuận với liều lượng ozone sục vào ao.

Tại nước ta, Công ty Cổ phần Ứng dụng và Phát triển công nghệ mới ADNT đã triển khai mô hình thí nghiệm nuôi tôm càng xanh thương phẩm có ứng dụng công nghệ ozone tại Nam Định. Với diện tích ao nuôi 750 m2, mật độ thả 40 con/m2, sử dụng công nghệ O3 xử lý nước trước và trong quá trình nuôi. Kết quả thu được: Tỷ lệ tôm sống cao, sau 3,5 tháng tỷ lệ tôm sống đạt tới 70%; Sản lượng ước tính đạt 550 kg tương đương với năng suất 7.000 kg/ha; Chi phí cho con giống, thức ăn, điện vào khoảng 16 triệu đồng với năng suất nêu trên lợi nhuận đạt được 17 triệu đồng/750 m2. Đây là năng suất tôm cao chưa từng có từ trước đến nay tại địa bàn tỉnh Nam Định cũng như các địa phương khác trong cả nước.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Nuôi tôm công nghệ cao lót bạt, lãi 2 tỷ đồng/năm

Từ khi có chủ trương của nhà nước cho phép chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, cũng như nhiều nông dân khác trong vùng, năm 2007 lão nông Nguyễn Văn Gìn ở phường Tân Xuyên, TP Cà Mau cải tạo 1,2ha đất nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh.

Sau khi đi tham quan, học hỏi mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở các tỉnh bạn và Thái Lan, ông Gìn quyết tâm đầu tư nuôi tôm theo hình thức công nghệ cao sử dụng nhà lưới, lót bạt đáy ao (hay còn gọi nuôi tôm trên bạt).

Nuôi tôm công nghệ cao đáy ao có lót bạt

Ông Gìn chia sẻ, giữa năm 2016, ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng cải tạo 1,2ha đất thành ao ương, ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng và ao nuôi (trong đó, diện tích ao nuôi là 1.600m2). Mô hình này vốn cao nhưng an toàn, năng suất tôm trung bình đạt 100 – 120 tấn/ha, mỗi năm thả nuôi được từ 3 – 4 vụ.

Nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình khép kín có nhiều ưu thế, như quản lý được dịch bệnh từ ban đầu, quản lý được thức ăn, môi trường, không dùng kháng sinh, mật độ thả nuôi dày, rủi ro tôm chết là rất thấp. Nuôi theo quy trình vi sinh cho sản phẩm tôm sạch.

Nói về kỹ thuật, ông Gìn chia sẻ, nuôi tôm thẻ thả trên bạt ngay từ đầu phải xử lý môi trường bằng công nghệ vi sinh, giúp tôm có sức đề kháng cao hơn, hạn chế dịch bệnh.

Để ứng dụng công nghệ này, người nuôi phải tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Chọn tôm giống sạch, chất lượng, ươm trong bể từ 20 – 30 ngày đạt kích cỡ đồng đều mới thả ra ao nuôi. Trong quá trình ươm thấy tôm yếu thì loại ngay, mua giống thả vô ươm tiếp.

Trong ao nuôi sử dụng vi khuẩn có lợi cạnh tranh với vi khuẩn có hại. Dưới đáy lót bạt cao phân tử chống rò rỉ nước từ môi trường bên ngoài vào ao nuôi. Ao nuôi và ao sẵn sàng phải che lưới lan, giảm được nhiệt độ trong ao nuôi để tôm nhanh lớn, đồng thời hạn chế tảo xuất hiện.

Đặc biệt ao được thiết kế để các chất thải, chất bẩn có hại tập trung lắng xuống khu trũng (hố ga). Những con tôm yếu sẽ rớt vào hố ga, cùng chất thải sẽ được tống ra ngoài theo đường ống thiết kế riêng. Nhờ đó, ao nuôi luôn sạch sẽ.

Nuôi tôm thả trên bạt mật độ rất cao, khoảng 300 con/m2 phải sử dụng máy quạt khí tạo oxy. Vì vậy, ông Gìn đầu tư thêm máy phát điện loại lớn phòng khi mất điện cung cấp kịp thời cho tôm.

Ông Gìn thường xuyên quan sát, chăm sóc ao tôm trong suốt quá trình nuôi

Nếu nuôi tôm theo hình thức truyền thống, người nuôi còn phải cho tôm ăn theo cách thủ công. Nuôi theo hình thức công nghệ cao, ông Gìn cho ăn bằng máy tự động nên tôm ăn liên tục, hạn chế thức ăn nằm lâu tan trong nước. Không phải tắt quạt khi tôm ăn, hạn chế thiếu hụt oxy giúp tôm ăn mạnh hơn. Có thể bớt lại lượng thức ăn nếu tôm ăn yếu hoặc thời thiết bất lợi. Tôm phát triển tốt và đồng đều hơn, đồng thời giảm được công lao động.

Từ tháng 6/2016 – 3/2017, qua 3 vụ thả nuôi, ông Gìn thu hoạch được gần 30 tấn tôm thương phẩm, bình quân 30 con/kg, giá bán dao động từ 160 – 170 ngàn đồng, trừ chi phí, đạt lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng. Mỗi vụ thả nuôi có thời gian bằng nhau nhưng so với cách nuôi truyền thống trong ao đất, nuôi tôm công nghệ cao tăng mật độ thả dày, trọng lượng tôm tăng, năng suất lại cao. Tôm sạch, cạnh tranh, không đủ bán. Ở vụ nuôi hiện tại, tôm đang phát triển rất tốt.

Chị Nguyễn Thị Thêm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Xuyên, TP Cà Mau thông tin: Nuôi tôm theo hình thức công nghệ cao của hộ ông Nguyễn Văn Gìn tuy chi phí lớn nhưng hiệu quả hơn hẳn cách nuôi tôm hầm đất. Đây là hướng đi bền vững cho nông dân địa phương mà xã đang khuyến khích.

Nguồn: NongnghiepVN được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Nuôi cá theo công nghệ Mỹ, Israel

Mỹ và Israel là những nước có nền nông nghiệp phát triển bậc nhất thế giới. Họ áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nhằm thu lại sản phẩm số lượng lớn với chất lượng tốt, tiết kiệm chi phí lao động và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Ở Việt Nam ta có HTX Thủy sản VietGAP Hòa Phong (Mỹ Hào – Hưng Yên) đã bắt đầu áp dụng công nghệ của họ vào nuôi cá và đạt được những thành công.

Bà Vũ Thị Thắm, Chủ nhiệm HTX Thủy sản VietGAP Hòa Phong biết: Chăn nuôi cá công nghệ Mỹ, Israel cho hiệu quả rất cao như hệ số sử dụng thức ăn giảm, tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh, chu kỳ chăn nuôi ngắn, sản phẩm luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, năng suất cao hơn 3 lần so với cách nuôi cá truyền thống ở nước ta, sau thu hoạch cá cho phép thả con giống nuôi mới ngay mà không cần xử lý đáy ao.

Một vài nét đặc biệt trong quy trình nuôi cá công nghệ Mỹ, Israel là:

  • Nuôi cá theo công nghệ Mỹ là phải tạo “sông trong ao” – trong ao làm trục sông có tường bê tông hoặc bạt nhựa ngăn nước; trong sông có sóng, có dòng chảy tuần hoàn để nước luôn lưu chuyển khắp ao, vừa thường xuyên đẩy gom chất thải từ cá xuống bể lắng cho máy hút dọn mỗi ngày, vừa đảm bảo môi trường nước ao nuôi luôn sạch.
  • Diện tích thực nuôi thả cá “sông trong ao” rất nhỏ (khoảng 1/10 diện tích ao đưa vào sử dụng), nên mật độ nuôi thả cá rất cao, thuận lợi cho quản lý và chăm sóc.
  • Đoạn “sông trong ao” nuôi cá có đáy thảm bê tông cứng, có máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy… đảm bảo đủ điều kiện sống tối ưu cho cá (các máy này đều dễ mua trên thị trường).
  • Mỗi sông ao chỉ nuôi 1 loại cá (không nuôi thả lồng ghép nhiều loại cá).
  • Cho cá ăn liên tục 3 lần/ngày (sáng, trưa, chiều) trong suốt quá trình nuôi (không có ngày ngừng cho ăn để cá tận dụng thức ăn thừa như cách nuôi truyền thống), lượng thức ăn bằng 3/10 trọng lượng thân cá. Chỉ dùng thức ăn công nghiệp sạch (cám Cargill), kết hợp với men tiêu hóa và vitamin C.

Chú ý, đảm bảo đủ nguồn điện ổn định để vận hành máy móc thiết bị.

  • Nuôi cá công nghệ Israel thì không tạo sông trong ao, nhưng cần có bể ao nuôi chuyên biệt chủ động bơm thay mới nước thường xuyên; bể ao bê tông hóa toàn phần hoặc thảm bạt nhựa từ đáy lên bờ, đảm bảo nước không rò rỉ và không xảy ra vỡ bể. Cách nuôi, vận hành các máy móc thiết bị tương tự công nghệ Mỹ…

Tuy nhiên, nuôi cá theo công nghệ Mỹ, Israel đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Để có kinh phí cho đầu tư áp dụng quy trình công nghệ mới vào sản xuất, bà Thắm đã vận động được một số người có cùng tâm huyết trong làng cùng góp vốn thành lập HTX Thủy sản VietGAP Hòa Phong. Với số tiền góp được gần 10 tỷ đồng và 20 mẫu ao hồ mặt nước, bước đầu HTX Thủy sản VietGAP Hoà Phong đã xây dựng được 7 ao nuôi cá theo công nghệ Mỹ, Israel, trong đó 2 ao đã đưa vào vận hành, khai thác.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Nhân giống thành công dưa pepino bằng phương pháp dâm cành

Dưa Pepino là một loại dưa ngoại nhập có hương vị thơm ngon và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Dưa đã được trồng ở Đà Lạt vừa đưa ra thị trường từ năm 2016, tuy nhiên đến nay dưa mới được nhiều người biết đến vì bày bán khắp thị trường chứ không phải chỉ ở được bày bán ở một số cửa nhất định.

Đây là một loại cây dễ trồng, thích hợp với khí hậu mát mẻ và có giá trị kinh tế cao. Anh Nguyễn Định (30 tuổi), ở phường 8, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã thành công trong việc đưa loài dưa này về Việt Nam và trồng thương phẩm.

Nông trại dưa của anh Nguyễn Định ở Đà Lạt

Dưa pepino được anh Định trồng trong nhà kính theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao. Dưa được trồng trên luống cao 20 cm, rộng 1,5 m, mỗi luống 2 hàng. Vườn được trang bị gồm hệ thống tưới nhỏ giọt (cắm vào từng gốc dưa) và phun sương (trên lá mục đích làm mát khi trời nắng nóng).

Các chất dinh dưỡng cung cấp để nuôi cây dưa pepino đều được anh nhập từ nước ngoài, pha trực tiếp vào nước, tưới qua hệ thống nhỏ giọt. Phương pháp này, theo anh, vừa tiết kiệm được nước tưới, vừa giúp cây hấp thụ hết chất dinh dưỡng, không gây lãng phí, cây dưa lại phát triển đồng đều

Dưa Pepino sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt

Nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian, anh Định đã nghiên cứu thành công phương pháp nhân giống dưa Pepino bằng phương pháp giâm cành.

Những cây dưa Pepino được nhân giống bằng phương pháp giâm cành

Nếu trồng bằng hạt, dưa Pepino phải mất từ 6 – 8 tháng mới cho ra trái, trong khi trồng bằng giống giâm cành chỉ khoảng 3 tháng là bắt đầu có trái. Từ đó rút ngắn thời gian cây cho ra trái xuống tới 2/3 thời gian so với giống ươm bằng hạt.

Sử dụng dưa Pepino từ giống giâm cành, ngoài tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền của, nhà vườn còn kiểm soát được chất lượng giống hiệu quả. Bởi, những cây dùng để nhân giống đều được tuyển chọn từ ngọn cây khỏe mạnh, cho trái nhiều và chất lượng đã được kiểm chứng. Cây giống kế thừa được tố chất từ cây chọn dùng để nhân giống sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà nông.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

 

Bình Định: Nâng tầm tôm nuôi công nghệ cao

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nuôi tôm, đã và đang được một số doanh nghiệp ở Bình Định thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Kiểm tra hàm lượng ôxy trong ao nuôi tôm của Công ty Thủy Sản Xanh

Nuôi tôm gắn máy… lạnh

Không giống cách đầu tư nuôi tôm thường thấy, khu nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao rộng gần 8 ha của Công ty TNHH Nuôi trồng, chế biến Thủy Sản Xanh tại thôn Tân Thắng, xã Cát Hải, Phù Cát được xây dựng tường rào kiên cố; người và phương tiện ra vào khu nuôi tôm đều được tiêu độc, khử trùng. Mọi hoạt động trong khu nuôi tôm được giám sát bởi hệ thống camera và các thiết bị hiện đại khác được lắp đặt tại nhà điều hành gần cổng ra vào.

Chủ doanh nghiệp Phan Đắc Uy dẫn chúng tôi tham quan khu nuôi tôm và giới thiệu quy trình đầu tư: Năm 2015, Công ty xây dựng 7 hồ và đến nay số hồ nuôi tôm đã tăng 17 hồ. Mỗi hồ rộng 2.500 m2, sâu 2 – 2,6 m đều được xây dựng bằng bê tông xi măng, đáy hồ được trải bạt bằng cao phân tử tổng hợp. Nước trong hồ được xử lý bằng vi sinh và luôn hiện diện vi khuẩn có lợi với mật độ cao, có khả năng đồng hóa chất thải hữu cơ (trong đó có thức ăn và chất thải tôm nuôi), chuyển thành sinh khối của vi khuẩn rất giàu protein. Các vi khuẩn có lợi được giữ lơ lửng trong nước và kết dính với nhau thành những hạt nhỏ, gọi là hạt floc. Trên hạt floc, ngoài các vi khuẩn có lợi, còn có nhiều sinh vật khác, như nấm, tảo, động vật phù du, có giá trị dinh dưỡng cao, là nguồn thức ăn tốt cho tôm, nên đã giảm được khoảng 30% lượng thức ăn cho tôm hàng ngày.

Nước trong ao luôn có màu vàng rơm và luôn chuyển động để hạt floc trôi theo nước. Trước đây ông Uy thả tôm giống với mật độ 400 con/m2, nhưng nay đã tăng lên 600 con/m2, tỷ lệ tôm sống 98%. Mỗi hồ được trang bị máy sục khí và hệ thống máy làm lạnh hoạt động liên tục, nhằm đảm bảo nước luôn ở nhiệt độ 280C. Sau khoảng 2 tháng thả nuôi, ông thu tỉa 30 – 40% tổng lượng tôm thả nuôi, đảm bảo tôm trong hồ phát triển tốt nhất, vừa có chi phí tiền thức ăn, tiền điện… Một tháng sau, tiến hành tháo nước sang hồ chuyên chứa nước để thu hoạch tôm nuôi, sau đó lại đưa nước trở lại hồ cũ để thả tôm vì nguồn nước cũ rất có giá trị. Với cách nuôi này, vấn đề môi trường xanh, sạch luôn được đảm bảo, tôm nuôi rất an toàn. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm Công ty cho doanh thu 6 – 8 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chi nhánh Bình Định 3 tại xã Mỹ An và Công ty CP Việt – Úc Bình Định tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) cũng đã thành công trong sản xuất tôm giống thẻ chân trắng bằng công nghệ cao. Ông Chế Thanh Hưng, Giám đốc Công ty CP Việt – Úc Bình Định cho biết, khu nuôi tôm giống cao nghệ cao khép kín của Công ty luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Tôm bố mẹ được nhập từ Mỹ và Australia đạt tiêu chuẩn quốc tế. Công ty đầu tư các hiện đại để xử lý nước trước khi thả tôm bố mẹ và sản xuất tôm giống. Trong quá trình nuôi, không dùng bất kỳ một loại hóa chất, kháng sinh nào mà chủ yếu sử dụng tảo, ấu trùng làm thức ăn, đảm bảo môi trường cho tôm post phát triển tốt nhất. Tôm giống do Việt – Úc sản xuất và cung cấp đảm bảo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của người dân. 6 tháng đầu năm 2017, Công ty cung cấp 609,219 triệu con tôm giống cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Theo các doanh nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao giúp chủ đầu tư chủ động hoàn toàn về lịch thời vụ, con giống, mật độ tôm thả nuôi, chăm sóc và thu hoạch. Sản lượng tôm nuôi và hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với với nuôi tôm truyền thống. Với quy trình đầu tư, xử lý nguồn nước và thức ăn, chất thải tôm nuôi, đặc biệt, mô hình này không gây ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.

Phát triển vùng nuôi

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, diện tích mặt nước sử dụng nuôi tôm phân tán và nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi chưa được đầu tư đúng mức. Tại nhiều địa phương, hệ thống thủy lợi được sử dụng chung cho sản xuất nông nghiệp và nuôi tôm, nên môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hơn nữa, kinh phí đầu tư và ý thức cộng đồng trong nuôi tôm cũng như công tác quản lý dịch hại còn hạn chế, nên thu nhập từ tôm nuôi rất bấp bênh. Lượng thức ăn thừa và chất thải tôm nuôi hàng năm chưa được xử lý đang gây ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi.

Với quyết tâm phát triển bền vững ngành nghề nuôi, tỉnh Bình Định đã quy hoạch vùng nuôi tôm công nghệ cao tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), diện tích 460 ha, tại xã Cát Thành (huyện Phù Cát), diện tích 150 ha; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư tại các vùng nuôi đã quy hoạch.

Tại xã Mỹ Thành, Công ty CP Việt – Úc Bình Định đang triển khai dự án nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao khép kín trên diện tích 300 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Còn tại xã Cát Thành, Công ty TNHH Thành Ly cũng đã thực hiện dự án nuôi tôm công nghệ cao với vốn đầu tư hơn 284 tỷ đồng trên diện tích 48 ha. Ngoài ra, Công ty TNHH Nam Việt Bình Định, Công ty TNHH Thành Hiệp; Công ty TNHH Thạnh Vân, Công ty TNHH nuôi trồng, chế biến Thủy Sản Xanh cũng đã hoàn thành các thủ tục cần thiết chuẩn bị thực hiện dự án nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao tại xã Cát Thành.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam