Tôm hùm đỏ nước ngọt

Tôm hùm nước ngọt (Danh pháp khoa học: Procambarus clarkii), thường được gọi là tôm hùm đất là một loài tôm hùm càng nước ngọt thuộc nhóm tôm hùm đất có nguồn gốc từ Đông Nam Hoa Kỳ và còn được tìm thấy trên các châu lục khác, nơi mà nó gây ra một dịch hại xâm lấn nghiêm trọng. Chúng phân bố tự nhiên ở Bắc Mỹ, là một trong 500 loại Tôm hùm đất (crawfish) và có đời sống như cua đồng, con cáy. Chúng được nuôi để lấy thịt tôm hùm đất.

Tôm hùm nước ngọt

Đặc điểm

Thông thường Procambarus Clarkii có màu đỏ sẫm, con tiền trưởng thành thường có màu màu xám. Tôm hùm nước ngọt có thể đạt kích thước hơn 50g trong 3-5 tháng (Henttonen and Huner, 1999) và có thể dài khoảng 5,5 đến 12 cm.

Thân dạng hình trụ. Toàn thân được bao bọc bởi lớp vỏ cứng, ở con trưởng thành dễ thấy có nhiều nốt sần (nhám) ở phần đầu ngực (Cephalothorax), với 2 càng lớn được dùng để gấp chiến đấu, gấp thức ăn, đào hang. Chũy dài thẳng và trông như một tam giác.

Loài này có 5 cặp chân ngực (Pleopod) dùng cho việc di chuyển trên cạn lẫn dưới nước. Cặp chân đầu nhỏ, dài, có màu đỏ tươi, có thể kìm kẹp thức ăn đưa vào miệng. Ngoài ra chúng còn 5 cặp chân nhỏ ở phần bụng (Pereopod) dùng để bơi lội và cuối cùng là Uropod (chân đuôi) bao quanh Telson (gai đuôi) và được chúng sử dụng như máy chèo.

Phân bố

Tôm hùm nước ngọt có nguồn gốc từ Bắc Mỹ (cụ thể là ở Bắc Mexico đến Florida và phía bắc đến phía nam Illinois và Ohio), sau đó chúng được đưa đến nhiều nơi ở Mỹ: Arizona, California, Georgia, Hawaii, Idaho, Indiana, Maryland, North Carolina, Nevada, Ohio, Oregon, South Carolina, Utah và Virginia, Nam và Trung Mỹ. Loài này cũng đã được đưa đến châu Âu (Tây Ban Nha, Pháp, Síp, Bồ Đào Nha), châu Phi và Đông Nam Á.

Tập tính

Tôm hùm nước ngọt loài sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm, chúng có thể đào hang trú ẩn, sâu đến 100-200 cm, có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ từ 0 đến 370C (Nguyễn Dương Dũng, 2010), sống ở các sông, hồ, ao, suối, kênh rạch, vùng đất ngập nước theo mùa và đầm lầy, những vùng nước bị xáo trộn như ruộng lúa và các kênh thủy lợi, hồ chứa, vùng nước nông giàu thức ăn, nơi có đất thịt hoặc đất thịt pha cát, có nhiều rong cỏ, rễ cây.

Là loài sinh vật dễ dàng thích nghi với những vùng nước có độ mặn vừa phải, nồng độ oxy thấp, nhiệt độ khắc nghiệt và thậm chí là có thể sống ở những vùng nước bị ô nhiễm.Trong điều kiện môi trường xấu như thiếu oxy, thiếu thức ăn hay môi trường nước bị ô nhiễm tôm thường rời khỏi nơi sinh sống đi đến vùng nước khác, đặc biệt là khi mưa to. Khi thiếu oxy tôm thường bò bám lên cây cỏ thủy sinh lên mặt nước để thở hoặc nằm nghiên trên các bụi rong cỏ, khe đá sát mép nước, thậm chí là bò lên cạn thở bằng oxy không khí (Nguyễn Dương Dũng, 2010).

Tôm hùm nước ngọt được xem là một động vật ăn tạp thiên về thực vật,thức ăn bao gồm mùn bã hữu cơ, chế phẩm của ngũ cốc, thực vật như cỏ, rong, tảo, ấu trùng động vật đáy, động vật thuỷ sinh vừa cỡ miệng, các loại thức ăn chế biến… Chúng thường đi kiếm ăn và ăn mồi vào chiều tối.

Sinh sản

Tôm hùm nước ngọt thành thục sau 10-11 tháng tuổi, chúng thường chỉ đẻ trứng 1 lần trong năm nhưng ở những nơi có thời gian lũ kéo dài (lớn hơn 6 tháng) có thể có hai lần sinh sản vào mùa thu và mùa xuân. Sau khi giao phối, tôm cái sẽ đẻ trứng, trứng được con cái giữ ở chân bụng. Số lượng trứng của mỗi tôm cái phụ thuộc kích thước của chúng.

Tôm cái đạt 6,4cm có thể sinh sản, kích thước từ 10-14cm có thể sinh sản lên đến 500 trứng (Huner và Barr, 1991) và những quả trứng khoảng 0,4 mm.

Tôm con mới nở được con cái chăm sóc trong hang cho đến tám tuần và trải qua hai lần lột xác trước khi con non có thể tự lo cho bản thân (Hunter và Barr, 1991).

Từ giai đoạn ấu thể đến khi trường thành tôm lột xác ít nhất 13 lần (Nguyễn Dương Dũng, 2010) và trong tự nhiên loài này thường không sống lâu hơn 2 đến 5 năm (Smart et al., 2002).

Di cư tự nhiên

Con tôm đực có thể di cư đến 17 km trong vòng bốn ngày, chính hoạt động này thúc đẩy cho việc phân tán của loài tôm này trên khu vực rộng lớn (Gherardi & Barbaresi, 2000).

Hiện trạng

Phát tán: Tôm hùm nước ngọt có thể di cư sang các khu vực khác thông qua việc các cần thủ sử dụng chúng làm mồi câu. Chúng được phát tán nhiều nơi trên thế giới thông qua xuất nhập khẩu với mục đích cung cấp thực phẩm, cung cấp giống nuôi trồng hay qua việc nuôi làm cảnh hay phát tán tự nhiên từ vùng chúng được du nhập sang vùng lân cận ở các nước châu u (Henttonen và Huner, 1999)… Chúng còn được dùng như một tác nhân kiểm soát sinh học chẳng hạn tại Kenya P. clarkii làm giảm bớt số lượng ốc đóng vai trò là vật chủ trung gian cho các sinh vật gây bệnh sáng mán (Bilharzia). Hành động này đã thúc đẩy sự phát tán của P. clarkia ở Châu Phi. Ngoài ra, tại châu Phi đã xảy ra tình trạng buôn lậu loài tôm này làm cho tình trạng phát tán của chúng ngày càng tăng và gây mất cân bằng sinh thái tại châu lục này.

Procambarus clarkii được du nhập sang nhiều nơi với các mục đích khác nhau nhưng chủ yếu là nuôi để cung cấp thực phẩm trong nước và xuất khẩu sang các nước khác hoặc chúng được vận chuyển để nuôi làm cảnh trong các hồ cá công viên hải dương hay để làm sinh vật tiêu diệt các loài ốc truyền bệnh.

Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ có hơn 20 tiểu bang nuôi tôm hùm nước ngọt trong đó ở Louisiana đã tạo ra một ngành công nghiệp trị giá nhiều triệu đô la với hơn 50.000 ha đất canh tác nuôi Procambarus clarkii (Gutierrez-Yurrita et al, 1999) và mô hình nuôi loài tôm này được cho là đã tồn tại từ thế kỉ 18.

Trong những năm 1970 và 1980 chúng được du nhập đến các nước phía Bắc châu Âu (Tây Ban Nha, Pháp, Ý…) nhằm cung cấp nguồn thực phẩm. Đến thế kỷ 20 loài tôm này du nhập sang nhiều nơi trên thế giới như những năm 30 của thế kỉ 20, tôm hùm nước ngọt được nhập từ Nhật Bản sang Trung Quốc. Ở Trung Quốc hiện nay là nước xuất khẩu tôm hùm nước ngọt lớn nhất thế giới. Tôm hùm nước ngọt được bán sang khu vực Scandinavia (châu Phi) nơi chúng được coi là đặc sản.

Kenya và Nam Phi là hai nước đầu tiên ở châu Phi nhập khẩu tôm hùm nước ngọt vào thập niên 70. Mặc khác tại Kenya (Châu Phi), P. clarkia không chỉ được sử dụng như nguồn thực phẩm mà chúng còn được dùng để kiểm soát sự lây lan của bệnh sán máng ở người do ốc Bulinus và Biomphalaria spp. làm vật chủ trung gian cho các sinh vật Schistosom haematobium và S. mansoni gây ra (Mkoji et al, 1999a in Foster & Harper, 2007)

Tuy nhiên do tập tính thích nghi cao loài sinh vật này đã gây nên nhiều tác hại đến hệ sinh thái mà chúng sinh sống. Do đó, chính phủ các nước và các nhà khoa học đã phải đưa ra các giải pháp quản lí nhằm hạn chế sự mất cân bằng môi trường sinh thái do loài này gây ra chẳng hạn như:

– Sử dụng pháp luật ngăn cấm vận chuyển và nhập khẩu khi chưa được phép.

– Sử dụng phương pháp cơ học như đánh bắt bằng lưới kéo, lưới vây,sử dụng các loại bẫy… làm giảm số lượng quần đàn.

– Kiểm soát bằng hóa chất như sử dụng các chất diệt sinh vật, thuốc trừ sâu và các hóa chết khác được dung để tiêu diệt P. clarkii nhưng phương pháp này không được khuyến khích vì các hóa chất này có thể gây hại đến các sinh vật khác, tích tụ trong tôm và phá hủy hệ sinh thái.

– Kiểm soát sinh học: sử dụng sinh vật khác để kiểm soát loài P. clarkia, dùng các loài cá ăn động vật như cá chình, cá lấu (Lota lota), cá măng, cá rô… hay sử dụng sinh vật gây bệnh, vi khuẩn sản xuất độc tố lên P. clarkia… ví dụ: vi khuẩn Bacillus thuringiensis var israeliensis (Pedigo, in 1989, in Holdich et al, 1999).

Tại Việt Nam, Tôm hùm nước ngọt được nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc với mục đích nuôi thử nghiệm ở diện hẹp vào tháng 9/2006. Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cho phép Viện Nuôi trồng thủy sản I thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) ở các tỉnh miền Bắc phục vụ phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu” và dự án: “Dự án nhập công nghệ sản xuất giống tôm hùm nước ngọt Procambarus clarkii phục vụ phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu ở các tỉnh miền Bắc”.

Kết quả bước đầu của việc nghiên cứu thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã cho rằng tôm hùm nước ngọt sẽ sinh trưởng và phát triển tại miền Bắc nước ta do chúng là loài thủy sinh vật dễ nuôi, thích nghi với điều kiện miền Bắc nước ta và ít dịch bệnh. Các nhà nghiên cứu hi vọng rằng khả năng tôm hùm nước ngọt sẽ là đối tượng thủy sản nước tạo ra hàng hóa phục vụ xuất khẩu có tình khả thi cao.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Xác định nguyên nhân Tôm Hùm chết ở Vịnh Xuân Đài – Sông Cầu, Phú Yên

Nguyên nhân tôm hùm chết được xác định là do môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm và tôm hùm bị nhiễm bệnh sữa.

Tôm Hùm

Tính đến thời điểm này, số lượng nuôi tôm hết ở Phường Xuân Yên và xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã lên trên 523.000 con với tổng thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân tôm hùm chết được xác định là do môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm và tôm hùm bị nhiễm bệnh sữa.

Kết quả phân tích mẫu nước của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên cho thấy: Thành phần tảo giáp chiếm ưu thế, mật độ tế bào tảo rất cao. Các chỉ tiêu NH3, PO4 vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản, chỉ tiêu oxy hòa tan trong nước quá thấp.

Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu bệnh do Cơ quan Thú y vùng 4 thực hiện cho thấy tôm hùm bị nhiễm bệnh sữa.Từ những kết quả này, Sở Nông nghiệp và Phát nông thôn Phú Yên nhận định nguyên nhân tôm hùm chết là do mật độ nuôi quá dày cả về số lượng lồng nuôi và số con/lồng nuôi. Thức ăn dư thừa, chất thải từ hoạt động nuôi tích tụ, gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nuôi.

Một yếu tố khác là thời tiết thay đổi đột ngột, có mưa dông đã làm nước có hiện tượng phân tầng, tầng đáy rất lạnh nhưng bề mặt có ánh sáng mạnh, nhiệt độ cao làm quá trình phân hủy hữu cơ ở tầng đáy diễn ra mạnh và tảo phát triển quá mức gây hiện tượng thiếu oxy cục bộ làm các loài thủy sản nuôi và sống trong tự nhiên bị chết ngạt.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Phú Yên: Khuyến cáo về môi trường nuôi Tôm Hùm chưa cải thiện

Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên khuyến cáo người nuôi tôm hùm bằng lồng bè ở vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) về môi trường nuôi chưa được cải thiện.

Tôm Hùm tại Vịnh Xuân Đài

Theo đó, hàm lượng oxy hòa tan tại các vùng nuôi vẫn còn ở mức thấp. Tôm hùm nuôi và cá ngoài tự nhiên vẫn còn bị chết rải rác.

Địa phương đã khuyến cáo, hộ nuôi nên di dời lồng đến vùng có mực nước sâu hơn, nơi nước được lưu thông tốt. Đồng thời, nên nâng lồng nuôi cách tầng đáy từ 2 – 2,5m và cách tầng mặt 1,5m, không đặt lồng nuôi theo hình thức găm chìm.

Bên cạnh đó, người nuôi tôm hùm cần thường xuyên lặn, kiểm tra tình hình sức khỏe tôm hùm, vị trí đặt lồng nuôi, thường xuyên thu gom vỏ tôm lột, các loài thủy sản đã chết và vỏ nhuyễn thể làm thức ăn cho tôm hùm, đưa vào đất liền chôn lấp, không được xả thải trong vịnh Xuân Đài. Người nuôi lựa chọn thức ăn tươi đảm bảo chất lượng, bổ sung chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất định kỳ nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm hùm….

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND thị xã Sông Cầu, từ ngày 24/5 – 6/6, đã có trên 16 triệu con tôm hùm của 693 hộ nuôi thuộc xã Xuân Phương và phường Xuân Yên bị chết, ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tôm Hùm chết hàng loạt ở Phú Yên

Người dân điêu đứng khi tôm hùm nuôi trên vịnh Xuân Đài có trọng lượng từ 0,4-0,7 kg bất ngờ chết, buộc bán tháo mong gỡ vốn.

Tôm Hùm Phú Yên

Ông Lê Minh Lộc (phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu) cho biết, gia đình có 30 lồng nuôi với hơn 1.500 con tôm hùm. Gần tháng nay, tôm bất ngờ có hiện tượng chết hàng loạt. “Thoạt đầu chết vài con, nhưng sau đó tăng dần số lượng”, ông Lộc cho biết.

Nhiều lần lặn tầng đáy kiểm tra, ông phát hiện nhiều con rơi vào tình trạng lờ đờ, ngắc ngoải. Nước sủi bọt, bốc mùi hôi thối. “Gia đình nâng lồng lên cách đáy 2-3 m, giúp nước trong hơn nhưng tôm vẫn chết”, ông Lộc nói.

Chủ lồng cho hay, gần 1.000 tôm hùm nuôi gần năm với trọng lượng 0,4-0,7 kg đã chết. “Loại này bán khoảng 1,6 triệu đồng một kg, nhưng chết rồi chỉ bán với giá 400.000-600.000 đồng”, ông Lộc rầu rĩ nói.

Tôm hùm nuôi của gia đình ông Nguyễn Long (xã Xuân Phương) và nhiều hộ khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Mọi người đã sử dụng mọi cách, biện pháp xử lý để cứu tôm nhưng không hiệu quả, nên buộc phải bán tháo mong gỡ vốn.

Lãnh đạo địa phương cho biết, tôm hùm người dân nuôi trên vịnh Xuân Đài chết rải rác, nên chưa thể thống kê được số lượng.

Người dân lo lắng khi tôm hùm nuôi trên vịnh Xuân Đài chết hàng loạt

Theo trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên, kết quả môi trường sau khi xét nghiệm, nguyên nhân ban đầu có thể do tôm nhiễm vi khuẩn bệnh sữa. Khu vực nuôi lồng bè dày đặc đã làm nước bị ô nhiễm, thiếu oxy.

Vịnh Xuân Đài có gần 29.000 lồng nuôi tôm hùm. Hồi năm 2017, hơn 1,6 triệu con tôm hùm của gần 700 hộ dân bị chết, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tôm Hùm giống tăng giá

Nếu vào thời điểm trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất giá tôm hùm giống ở Bình Định chỉ có 220 ngàn đồng/con tôm sao thì hiện đã tăng đến 260 ngàn đồng/con. Tuy nhiên, đang vào cuối mùa nên sản lượng đánh bắt giảm mạnh.

Tôm hùm tăng giá do vào cuối mùa sản lượng khai thác ít.

Ngư dân Huỳnh Văn Sỹ (43 tuổi), chủ tàu cá BĐ 01187 TS chuyên đánh bắt tôm hùm giống ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) cho biết, thời điểm trước tết tôm hùm giống chỉ xuất hiện nhiều do biển động mạnh. Những con thuyền đánh mành lớn ở xã Nhơn Hải sau một đêm ra khơi đánh bắt được từ 40 – 60 con tôm hùm giống cả tôm sao lẫn tôm xanh, cá biệt có thuyền đánh bắt được trên 100 con. Đặc biệt năm nay tôm sao là loại tôm có giá trị kinh tế cao xuất hiện nhiều nên ngư dân có thu nhập khá.

Cả ở xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) vào thời điểm trước tết ngư dân cũng trúng đậm tôm hùm giống. Ông Nguyễn Xuân Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Lý cho biết: “Từ đầu vụ đến trước tết, ngư dân trong xã khai thác được 7.000 con tôm sao, trị giá trên 1,4 tỉ đồng”.

Tương tự, ngư dân xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) cũng đã khai thác được khoảng 3.000 con tôm sao, 20.000 con tôm xanh.

Do sản lượng đánh bắt cao, sức mua lại yếu đi do các vùng nuôi tôm hùm trọng điểm ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa bị “vỡ trận” do cơn bão số 12 xảy ra vào cuối năm 2017 vừa qua, nên năm nay giá tôm hùm giống ở Bình Định vào thời điểm trước tết bị mất giá đến hơn 100.000 đồng/con.

Theo ngư dân Huỳnh Văn Sỹ, nếu cùng kỳ năm trước giá tôm sao bán được 320.000 đồng/con thì thời điểm trước tết chỉ có 220.000 đồng/con; còn tôm hùm xanh năm trước có lúc bán được 70.000 đồng/con thì năm nay chỉ có giá 25.000 đồng/con.

“Năm nay ngoài nguyên nhân tôm hùm giống được mùa mất giá đã đành, thời gian gần đây tôm hùm giống nhập về từ Malaysia, Indonesia và Philippines cũng nhiều, do đó càng kéo giá tôm hùm giống tuột thấp. Nhiều ngư dân Việt Nam sang định cư các nước nói trên cũng đánh bắt tôm hùm giống, đánh bắt xong họ nuôi ủ đến khi tôm to bằng ngón tay mới đưa về Việt Nam bằng được hàng không bán với giá rẻ hơn tôm của ngư dân mình vừa đánh bắt từ biển về từ 40.000 – 60.000 đồng/con”, ngư dân Huỳnh Văn Sỹ cho biết.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi kết hợp tôm hùm với bào ngư và xẹm xanh

Nghề nuôi tôm hùm phát triển nhanh và tập trung ở một số khu vực hẹp nên chất thải của hoạt động nuôi tích luỹ ngày càng nhiều gây tác động xấu đến môi trường. Để duy trì và phát triển nghề nuôi thuỷ sản theo hướng bền vững thì không còn con đường nào khác là phải hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường.

Ý tưởng nuôi kết hợp được nhiều nhà khoa học đề cập đến như nuôi khép kín gồm cá, vẹm, rong biển. Chất thải của cá làm gia tăng nguồn dinh dưỡng trong thuỷ vực tạo điều kiện cho tảo biển phát triển. Tảo làm thức ăn cho vẹm, phân thải của vẹm lại bổ sung dinh dưỡng cho rong biển. Vẹm được chế biến thành thức ăn cho cá, sau đó thức ăn dư thừa từ các lồng nuôi cá lại thúc đẩy sự phát triển của vẹm, rong biển và tảo, tạo nên vòng chuyển hoá dinh dưỡng và năng lượng khép kín trong thuỷ vực. Viện Nghiên cứu NTTS III thực hiện đề tài nhà nước “Nghiên cứu công nghệ và xây dựng quy tình nuôi kết hợp đa đối tượng hải sản trên biển theo hướng bền vững”. Đề tài thuộc chương trình KC 06 thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Địa điểm được triển khai tại Xuân Tự, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà.

Hai lồng nuôi tôm hùm 25m2/lồng, mật độ thả 100con/lồng, kích thước tôm ban đầu trên 100 gam/con. Một lồng nuôi đơn, một lồng ghép thêm các đối tượng vẹm xanh, rong sụn và bào ngư. Tỷ lệ ghép giữa tôm hùm, vẹm xanh, rong sụn là 2:25:30 (theo trọng lượng). Vẹm xanh được nuôi bằng phương pháp treo dây xung quanh lồng, kích thước giống 2-3cm/con. Mỗi dây vẹm bố trí 4 cụm (0,5 kg vẹm giống/cụm). Rong sụn được treo bằng dây trong và xung quanh lồng và cách mặt nước 50cm. Rong giống thả cỡ 1,5kg/1mdây. Cách 20cm treo một cụm.

Bào ngư được thả nuôi bằng lồng nhựa xung quanh lồng nuôi tôm hùm. Lồng nuôi bào ngư có kích thước 30x40x25cm. Mật độ thả ương: 200 con/lồng. Sau 1 tháng nuôi chuyển sang các rổ có mắt lưới lớn hơn để nuôi thương phẩm. Mật độ: 20-30 con/lồng. Viện Nghiên cứu NTTS III đã tiến hành nuôi bào ngư ở các mật độ khác nhau 10, 20, 36, 75 và 88 con/lồng. Mỗi mật độ bố trí nuôi bào ngư theo các nhóm kích thước khác nhau. Thức ăn cho bào ngư là rong câu chỉ vàng, rong sụn.

Theo dõi các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, hàm lượng oxy hoà tan, độ mặn, đo 1 lần/tuần. Các yếu tố như nitrate, phosphate, ammonium-nitrogen, tổng N, tổng P được xác định 1 lần/tháng.

Theo dõi tốc độ sinh trưởng: Định kỳ 15 ngày đo trọng lượng và chiều dài các đối tượng nuôi 1 lần.

Thức ăn cho tôm hùm là các loại cá tạp, thân mềm, tôm nhỏ, cua…Thường xuyên vớt bỏ thức ăn thừa, kiểm tra đáy lồng. Hằng ngày lặn kiểm tra thức ăn thừa, sức khoẻ tôm, chất đáy, địch hại như cua, ghẹ, cá nóc…quanh lồng. Lượng thức ăn và thức ăn dư thừa được cân đo hằng ngày để xác định hệ số tiêu tốn thức ăn.

Kết thức thí nghiệm, Viện nghiên cứu NTTS III đã tổng kết và đánh giá hiệu quả kinh tế của các mô hình nuôi như sau:

Hàm lượng ni tơ (N), phốt pho (P) tổng số trong nền đáy lồng nuôi ghép thấp hơn nuôi đơn.

Tốc độ sinh trưởng trung bình về trọng lượng của tôm hùm ở lồng nuôi đơn là 0,48%/ngày và 0,53%/ngày ở lồng nuôi ghép, sinh trưởng của bào ngư là 1,47%/ngày, vẹm xanh là 0,57%/ngày và của rong sụn là 3,97%/ngày.

Không có sự khác nhau về sinh trưởng khi nuôi bào ngư ở các mật độ 10, 20, 36 và 75 con/lồng. Tuy nhiên, ở mật độ 88 con/lồng thì tốc độ sinh trưởng có sự sai khác ý nghĩa thống kê, đó là tốc độ sinh trưởng của bào ngư giảm. Tỷ lệ sống của bào ngư giảm khi tăng mật độ nuôi.

Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi ghép cao hơn nuôi đơn, lợi nhuận thu được tăng 42,44% trong khi chi phí đầu tư chỉ tăng thêm 16,42%, tổng chi phí sản xuất tăng 39,37%.

Nguồn: Viện NTTS III được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trăn trở sản xuất giống tôm hùm

Việt Nam là một trong những nước có nghề nuôi tôm hùm phát triển. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa chủ động được con giống mà hoàn toàn lệ thuộc vào khai thác tự nhiên. Để nghề này phát triển bền vững và hiệu quả hơn, cần sớm xây dựng được quy trình, công nghệ sản xuất giống nhân tạo.

Cơ hội phát triển

Trên thế giới, tôm hùm (tên gọi chung của một nhóm giáp xác có kích thước lớn thuộc họ Palinuridae) phân bố chủ yếu ở các vùng biển nhiệt đới đến bán nhiệt đới như: Australia, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Ở Việt Nam, có 3 loài chiếm sản lượng đáng kể là tôm hùm bông, tôm hùm đá (hùm xanh) và tôm hùm đỏ; trong đó tôm hùm bông là loài có kích thước và số lượng tương đối lớn.

Phát triển nghề nuôi tôm hùm ở nước ta tập trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận, nhiều nhất là ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận – nơi có nhiều vũng, vịnh, đầm, phá như đầm Cù Mông (Bình Định – Phú Yên), vịnh Xuân Đài, Vũng Rô (Phú Yên), vịnh Vân Phong, Cam Ranh (Khánh Hòa), vịnh Vĩnh Hy, Phan Rang (Ninh Thuận)…; những nơi ít bị ảnh hưởng của gió bão, có dòng chảy do thủy triều, có độ sâu, chất đáy và các yếu tố thủy lý hóa rất thuận lợi cho nghề nuôi tôm hùm.

Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước có nghề nuôi tôm hùm phát triển, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế về tự nhiên; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho hàng nghìn lao động; đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Chưa sản xuất được con giống

Nhiều chuyên gia cho rằng, tuy đưa lại giá trị cao song việc phát triển nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh Duyên hải miền Trung hiện cũng đang phải đứng trước nhiều thách thức.

Từ năm 2014 đến nay, tình hình thiệt hại trên tôm hùm nuôi có chiều hướng gia tăng. Khảo sát cho thấy, số lượng lồng nuôi quá nhiều so quy hoạch, mật độ nuôi dày, lượng thức ăn cho tôm tồn đọng ngày một nhiều gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo Tổng cục Thủy sản, nhu cầu tôm hùm giống mỗi năm hiện là 3 – 10 triệu con. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn giống mà chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tự nhiên bằng nhiều nghề như đánh lưới mành, bẫy chà, lặn… và nhập khẩu từ nước ngoài. Tôm hùm giống đánh bắt thường có kích cỡ không đồng đều, chất lượng kém; thậm chí còn được đánh bắt bằng thuốc gây mê hoặc thuốc nổ, dẫn tới tôm thường chết vào thời gian đầu thả nuôi, con nào sống cũng èo uột, chậm lớn. Giá đắt đỏ cộng với nguồn khai thác tự nhiên ngày càng giảm nên cung không đủ cầu; chất lượng con giống kém là những nguyên nhân khiến người nuôi gặp nhiều rủi ro.

Mặt khác, tuy Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã có những đề tài nghiên cứu sinh sản nhân tạo tôm hùm nhưng mức độ đầu tư thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật và chưa có cán bộ được đào tạo có trình độ nghiên cứu chuyên sâu về tôm hùm nên chưa thực hiện thành công.

Thúc đẩy cách nào?

Tại Hội thảo “Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững ở tỉnh Phú Yên tổ chức tháng 8/2017, PGS.TS. Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cho rằng, hướng đi phát triển bền vững cho tôm hùm là tất yếu; trong đó khâu giống cần được chú trọng. Vì vậy, cần xây dựng vùng ương nuôi con giống để dễ kiểm soát chất lượng. Giải quyết được điều này sẽ không phụ thuộc bởi tự nhiên và nhập khẩu từ bên ngoài.

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay, sản xuất giống nhân tạo là khó khăn lớn nhất của nghề nuôi tôm hùm; do đó nên tiến hành công nhận nghề khai thác tôm hùm giống là một nghề, cấp phép khai thác cho các hộ dân làm cơ sở cho việc quản lý chặt chẽ về số hộ khai thác, số lượng tàu, ngư cụ, hình thức và sản phẩm khai thác tôm hùm giống. Tuy nhiên, các địa phương sẽ phải phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học… tiến hành điều tra nguồn lợi tôm hùm giống để xây dựng cơ chế giám sát, quản lý nhằm khai thác bền vững nguồn giống. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung xây dựng để sớm ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn, định mức về quy trình công nghệ cho các hình thức nuôi, tiêu chuẩn con giống và khu nuôi tập trung. Trong khi chờ đợi sản xuất giống nhân tạo thì phải nghiên cứu giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình ương giống.

Trong Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020 đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt cũng chỉ rõ những định hướng đối với quy hoạch sản xuất, cung ứng giống tôm hùm. Cụ thể, khoanh vùng bảo vệ bãi giống tôm hùm trên vùng biển các tỉnh Nam Trung bộ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa), ổn định khai thác tôm hùm giống tự nhiên 600.000 – 700.000 con/năm. Hình thành Trạm nghiên cứu, sản xuất giống tôm hùm tại Khánh Hòa thuộc Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung để nghiên cứu công nghệ sản xuất giống, sản xuất giống cho nuôi thương phẩm và tái tạo nguồn lợi.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khuyến cáo nuôi tôm hùm sông Cầu

Kết quả quan trắc môi trường các vùng nuôi tôm hùm tại TX Sông Cầu của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên cho thấy một số chỉ tiêu nằm ngoài ngưỡng cho phép.

Nhiều vùng nuôi tôm hùm ở Sông Cầu có các chỉ tiêu ngoài ngưỡng cho phép

Trung tâm đã khuyến cáo người nuôi tôm hùm vùng Phú Dương – Xuân Thịnh dịch chuyển lồng nuôi đến nơi có dòng chảy hoặc nâng lồng nuôi lên từ 0,5 – 1m, bảo đảm độ mặn tối thiểu 30‰.

Bên cạnh đó, hàm lượng DO tại vùng này (nước tầng đáy 4,9mg/l) cũng thấp dưới ngưỡng cho phép. Vì vậy, đề nghị các hộ di dời lồng bè đến nơi có dòng chảy, độ sâu thích hợp hoặc nâng lồng nuôi cách tầng đáy 1,5m.

Tại vùng nuôi Phước Lý – Xuân Yên chỉ tiêu H2S (nước tầng đáy) vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Các hộ nên dịch chuyển lồng nuôi đến nơi có dòng chảy, nâng lồng nuôi tôm cách tầng đáy 1 – 1,5m, bảo đảm độ mặn tối thiểu 30‰.

Ngoài ra, hàm lượng Vibrio spp tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại nuôi Phước Lý – Xuân Yên (nước tầng đáy). Cần tăng cường vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, không để hàu, hà… bám vào lồng.

Đồng thời Trung tâm lưu ý các hộ thu gom vỏ tôm lột, vỏ nhuyễn thể làm thức ăn cho tôm hùm, hệ thống cây làm bè đã hư hỏng nên thu gom, các bao đựng thức ăn đưa vào đất liền không nên xả thải vào Vịnh. Tăng cường sức khỏe của tôm hùm nuôi bằng cách sử dụng thức ăn tươi, đảm bảo chất lượng và bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin, khoáng chất nhằm giúp tôm giảm stress và tăng sức đề kháng trong điều kiện thời tiết thay đổi và tác nhân gây bệnh.

Hiện thời tiết vẫn còn đang phức tạp, nước ngọt từ thượng nguồn vẫn tiếp tục đổ vào vịnh. Do đó, các hộ nuôi cần chú ý dòng chảy, có khả năng độ mặn xuống thấp cục bộ một số vùng nuôi làm ảnh hưởng đến tôm hùm, cần thường xuyên kiểm tra độ mặn để có giải pháp ứng phó.

Đề nghị UBND các xã, phường và các tổ đồng quản lý thông báo kết quả quan trắc môi trường qua hệ thống loa phát thanh để các hộ nuôi tôm hùm biết và có giải pháp xử lý kịp thời.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

“Thủ phủ” tôm hùm tan tác

Thiệt hại nặng nhất về tài sản do cơn bão số 12 phải kể đến những người nuôi tôm hùm. Chỉ riêng 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, hàng ngàn tỉ đồng của bà con đã bị cuốn trôi ra biển

Ông Võ Hoàn Hải – Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa – ngày 11-11 cho biết hàng ngàn hộ nuôi tôm hùm ở đây đã trắng tay chỉ sau 1 đêm bão số 12 đổ bộ. Toàn huyện với trên 12.400 lồng nuôi tôm hùm, trên 350 ha nuôi thủy sản giờ chỉ như một bãi chiến trường trên nước.

Nợ nần, trắng tay…

“Ngư dân nuôi tôm chưa bao giờ rơi vào cảnh khốn đốn như lúc này. Đa số tôm hùm, hải sản đều chuẩn bị thu hoạch, vậy mà tan nát hết. Hộ ít thì vài trăm triệu, hộ nhiều đến vài chục tỉ…, số tiền thiệt hại ước khoảng 3.888 tỉ đồng. Đó là chưa kể số tàu bè chìm, hư hỏng” – ông Hải chua xót.

Người dân huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa bán tháo tôm hùm với giá chỉ bằng 1/3-1/2 so với ngày thường.

Chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi đến xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh – nơi bị thiệt hại nặng nề về người và cả tài sản trong cơn bão vừa qua. Một phụ nữ ôm đứa con nhỏ vào lòng ngồi thất thần bên thềm nhà giờ đã tan hoang. Một người trong xóm bảo đó là vợ anh Lê Hồng Linh, một trong những người tử nạn trong cơn bão số 12.

“Gia đình ấy cũng khá, dồn hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng đầu tư cho bè tôm hùm trị giá hàng tỉ đồng. Tôm chuẩn bị thu hoạch lấy tiền trả nợ nhưng không ngờ tai ương ập đến, tài sản thì mất hết, còn chồng thì cũng mất… Chỉ một đêm, gia đình tan nát” – một phụ nữ cám cảnh.

Nhiều hộ nuôi tôm hùm với số lượng lớn, ước thiệt hại hơn 100 tỉ đồng như gia đình ông Tám Tuân (Vạn Giã), ông Dương, ông Nhà, Mười Châu (xã Vạn Hưng)… Khuôn mặt thất thần, bà Nguyễn Thị Loan (thị trấn Vạn Giã) nghẹn ngào: “Gần 14.000 con tôm chuẩn bị thu hoạch đã trôi ra biển, thiệt hại gần 30 tỉ đồng. Bây giờ gia đình tay trắng, nợ nần chồng chất”.

Tại Phú Yên, 2 “thủ phủ” tôm hùm lớn nhất là thị xã Sông Cầu và Vũng Rô (huyện Đông Hòa) cũng tan tác trong bão số 12. Trong đó, nặng nhất là vùng Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Những ngày này, khi về Vịnh Hòa, chúng tôi cứ nghe tiếng rưng rức khóc từ đầu đến cuối xóm. Không còn cảnh táo tác chạy bão, những bóng người chúng tôi gặp trên đường cứ liêu xiêu, uể oải, lặng lẽ như vô hồn. Tài sản của họ – cả những khoản nợ khổng lồ từ người thân, ngân hàng – đều đã bị cuốn trôi theo bão.

Khó khăn lắm mới có một người chịu nói chuyện. Chị là Trần Thị La, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Thịnh. “Cả làng này xem như trắng tay. Mất hết rồi anh à…” – chị vỡ òa trong nước mắt. Chị La kể riêng vợ chồng chị đã đổ hết vốn, vay nợ thêm hơn 1 tỉ đồng để thả nuôi 49 lồng tôm hùm, trong đó 19 lồng đã đến kỳ thu hoạch nhưng không còn được 1 con. “Ngay khi bão vừa tan, chồng tôi ra kiểm tra. Không còn lồng nào. Không còn con tôm nào sống hết…” – chị La lấy tay quệt nước mắt.

Dự kiến khoanh nợ 5-7 năm

Những ngày qua, tại thị trấn Vạn Giã, hàng chục ngư dân, chủ bè vớt vát số tôm hùm chết hoặc yếu bán chạy lỗ. Giá tôm hùm giờ chỉ còn 150.000 – 800.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3-1/2 so với ngày thường.

Theo ông Võ Hoàn Hải, huyện Vạn Ninh đang kiểm đếm, thống kê các trường hợp thiệt hại, đồng thời sẽ làm việc với các ngân hàng đề nghị có kế hoạch khoanh nợ, giãn nợ giúp người dân. “Với số lượng lồng bè thiệt hại, vựa tôm hùm Vạn Ninh gần như xóa sổ. Rất khó để phục hồi được trong thời gian tới, do đó ngư dân rất cần tỉnh, bộ, ngành có kế hoạch, chính sách hỗ trợ tái sản xuất” – ông Hải bày tỏ.

Theo thống kê bước đầu của thị xã Sông Cầu, hơn 3.900 lồng với gần 900.000 con tôm hùm ở đây đã mất sạch, thiệt hại ước tính trên 175 tỉ đồng. “Nói về giá trị thiệt hại thì ở Phú Yên, có lẽ Sông Cầu là nặng nhất. Tuy nhiên, khổ một điều là thiệt hại về tôm hùm và tài sản nói chung khó lay động lòng người như thiệt hại về nhân mạng…”- ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, nhìn nhận.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh đang thống kê thiệt hại của người nuôi tôm hùm. “Chỉ mới bước đầu đã thấy thiệt hại quá lớn. Chúng tôi đang thống kê để đề nghị trung ương hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ. Đối với ngân hàng, chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ có chỉ đạo giãn nợ, khoanh nợ giúp người nuôi tôm hùm gượng dậy chứ năm nay thiệt hại quá” – ông Phương băn khoăn.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoài Chiểu, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Khánh Hòa, cho rằng nếu các tổ chức tín dụng chỉ giãn nợ, giảm lãi suất thì khó mà giúp doanh nghiệp và người dân gượng dậy được sau bão. “Ngày 14-11, chúng tôi sẽ triệu tập các ngân hàng để lấy ý kiến, tìm phương án giúp đỡ đồng bào. Chúng tôi dự kiến sẽ thống nhất khoanh nợ 5-7 năm cho các cá nhân, tổ chức vay vốn ngân hàng bị thiệt hại. Tuy nhiên, việc khoanh nợ phải xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Chúng tôi sẽ có tờ trình kiến nghị các giải pháp sau khi bàn bạc thống nhất” – ông Chiểu nói.

Hiện 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa vẫn chưa thống kê hết con số thiệt hại từ người nuôi tôm hùm nhưng ước tính lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Nguồn: Báo Người lao động được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi biển ở Sông Cầu, Phú Yên – Phần 2 : Giải pháp phát triển bền vững

Nhận ra được những nguyên nhân dẫn tới việc nuôi biển không hiệu quả, tỉnh đã đề ra những giải pháp để nuôi trồng thủy sản mặt nước biển bền vững như sau :

Triển khai lập Qui hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển, trên cơ sở đó triển khai công tác giao, cho thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản gắn với việc quản lý chặt chẽ mật độ lồng, bè nuôi và môi trường vùng nuôi.

 – Lập Quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển phù hợp với quy hoạch khu du lịch quốc gia để có cơ sở giao, cho thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản gắn với việc quản lý chặt chẽ các vùng nuôi.

– Trong khi chờ lập các quy hoạch nêu trên, kiến nghị với UBND Tỉnh cho chủ trương tiếp tục quản lý nuôi trồng thủy sản mặt nước biển theo 06 Phương án phân vùng đã được phê duyệt.

Quy hoạch lại vùng nuôi là điều cần thiết

Chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát sự gia tăng về lồng, bè NTTS mặt nước biển.

– Tập trung kiểm soát chặt chẽ nguồn giống tôm hùm từ bên ngoài nhập về thị xã Sông Cầu (nhất là nguồn giống nhập từ nước ngoài),

+  Rà soát, thống kê toàn bộ các hộ kinh doanh giống tôm hùm trên địa bàn để tăng cường công tác quản lý giống tôm hùm nhập về theo quy định pháp luật.

+ Phổ biến, tuyên truyền các hộ nuôi không nên mua, thả giống tôm hùm không rõ nguồn gốc và tuân thủ việc thả nuôi tôm hùm với mật độ thả nuôi trong lồng và mật độ lồng tối đa là 60 lồng trên 01 hecta mặt nước biển.

+ Thường xuyên kiểm tra các đầu mối nhập tôm hùm giống về địa phương theo quy định của pháp luật.

+ Kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT không cho phép nhập tôm hùm giống trái vụ.

– Kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới bè, lồng nuôi trồng thủy sản.

+ Kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới lồng, bè nuôi trồng thủy sản, không để phát sinh thêm lồng, bè và hộ nuôi mới.

+ Triển khai quản lý đối với lồng, bè nuôi trồng thủy sản phân cấp của UBND tỉnh Phú Yên;

– Vận động, hướng dẫn người nuôi tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản.

Củng cố, kiện toàn Ban Quản lý vùng NTTS mặt nước biển và các Tổ quản lý cộng đồng NTTS ở tất cả các vùng nuôi, đảm bảo hoạt động hiệu quả để quản lý chặt chẽ vùng nuôi theo qui chế đã đề ra.

–  Trong Quy chế quản lý vùng nuôi cần lưu ý đến chế độ thông tin, báo cáo kịp thời diễn biến tình hình thả nuôi các đối tượng thủy sản và dịch bệnh trên vật nuôi thủy sản.

Củng cố, kiện toàn các Tổ quản lý cộng đồng NTTS ở tất cả các vùng nuôi để thực hiện các nhiệm vụ: Quản lý và bảo vệ môi trường vùng nuôi; quản lý về mật độ nuôi, mật độ lồng nuôi; đảm bảo an ninh trật tự vùng nuôi; hỗ trợ giúp nhau phát triển sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, cung cấp kịp thời các thông tin về NTTS, quan trắc môi trường… của các cơ quan quản lý nhà nước đến người nuôi thủy sản biết để thực hiện.

Vùng nuôi tránh xâm lấn vùng vịnh du lịch

Triển khai quyết liệt các giải pháp về Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản mặt nước biển

– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động gây ô nhiễm môi trường biển.

– Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, trung ương thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh và hướng dẫn các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu tác hại do ô nhiễm môi trường gây ra đối với NTTS mặt nước biển.

Triển khai quyết liệt công tác vận động, tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản mặt nước biển. Trong đó:

+ Trách nhiệm của người nuôi: gom chất thải NTTS hàng ngày và để trên bè của mình để tàu đến thu gom; nộp tiền hàng tháng để chi trả cho đội tàu thu gom chất thải;

+ Trách nhiệm của nhà nước: Qui hoạch các điểm tập kết chất thải trên bờ  và Bãi chứa chất thải. Huy động xe rác của thị xã tiến hành thu gom và chuyển chất thải về các bãi chứa rác thải.

Tuân thủ các quy định về nuôi thủy sản để phát triển bền vững

Vận động, hướng dẫn người nuôi tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản

– Vận động, sắp xếp nuôi theo đúng phương án phân vùng đã được phê duyệt, đảm bảo số lượng lồng nuôi và mật độ tôm nuôi theo qui định (với mật độ thả nuôi trong lồng tối đa 40 con/lồng tôm có kích cỡ ≥ 0,3 kg / 01 lồng nuôi và mật độ lồng tối đa là 60 lồng trên 01 hecta mặt nước biển).

– Kê khai, đăng ký hoạt động NTTS ban đầu tại UBND các xã, phường theo qui định..

– Vận động, hướng dẫn người nuôi phải tuân thủ các quy định về lịch thời vụ, quy trình nuôi bền vững, về phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản, về vệ sinh an toàn thực phẩm… do các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành.

– Người nuôi phải tham dự đầy đủ và thực hiện đúng nội dung đã hướng dẫn tại các buổi tập huấn kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh NTTS.

– Không tư ý cắm cọc tre, sử dụng lốp xe… để nuôi vẹm, hàu và các vật nuôi thủy sản khác làm cản trở quá trình lưu thông nước của vùng nuôi.

– Cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin về số lượng lồng nuôi, về môi trường, bệnh dịch cho cán bộ kỹ thuật và các cơ quan chức năng khi được yêu cầu. Khi có bệnh dịch xảy ra, phải kịp thời báo cáo và phối hợp chặt chẽ với UBND xã, phường hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y để xử lý kịp thời.

– Thu gom rác thải, chất thải để tại nơi được quy định. Tuyệt đối không được vứt chất thải (đặc biệt là xác vật nuôi thủy sản bị chết) ở trong vùng nuôi. Kịp thời ngăn chặn và phản ảnh với UBND các xă, phường khi phát hiện những cá nhân có hành vi sai phạm.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm hùm.

Xúc tiến thành lập Hiệp Hội tôm hùm thị xã Sông Cầu, nhằm liên kết giữa đại diện người nuôi với các doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ tôm hùm để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro và phát triển tôm hùm bền vững, an toàn môi trường và an toàn thực phẩm.

– Phối hợp với Cục sở hữu Trí truệ và sở KHCN Phú Yên xây dựng nhãn hiệu tôm hùm bông của thị xã Sông Cầu.