Kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm

Lăng nha (Mystus wyckiioides) là loài cá nước ngọt, thịt trắng chắc, không xương dăm, mùi vị thơm ngon, giá trị thương phẩm cao. Trước đây, loại cá này chủ yếu được đánh bắt, khai thác từ tự nhiên. Tháng 7/2006, Trung tâm Khuyến ngư và Giống thủy sản An Giang đã sản xuất giống cá lăng nha thành công với sự trợ giúp của Khoa Thủy sản (Trường Đại học Nông – lâm TP.Hồ Chí Minh). Xin giới thiệu cùng bà con kỹ thuật nuôi cá lăng nha thương phẩm.

Cá lăng nha thương phẩm 

Điều kiện ao, bè nuôi

Để nuôi cá lăng nha đạt hiệu quả, có thể áp dụng hình thức nuôi bán thâm canh trong ao hoặc trong bè. Tuy nhiên, nuôi trong bè cá lớn nhanh hơn.

Ao nuôi rộng 1.000m² trở lên, sâu 1,5 – 2m. Độ che phủ mặt nước không quá 30%. Lớp bùn dày 10 – 15cm, có thể chủ động cấp – thoát nước. Nếu nuôi bè, bè phải có thể tích 10m³ trở lên, đặt ở nơi có dòng chảy vừa phải.

Nguồn nước dùng để nuôi cá lăng nha phải đảm bảo các thông số: Độ pH từ 6 – 8 (tốt nhất 6,5 – 7,5); ôxy hòa tan trên 3mg/l; độ trong 30 – 40cm; độ mặn 0 – 50/00, hàm lượng NH3 dưới 0,01mg/l.

Chuẩn bị ao, bè

Việc chuẩn bị ao, bè có ý nghĩa quyết định đến kết quả nuôi. Nếu tẩy trùng ao, bè tốt thì mầm bệnh khó có cơ hội phát triển.

Tẩy dọn ao: Sau khi tháo cạn nước, dùng vôi nông nghiệp (CaCO3) rải đều khắp đáy ao với lượng 10 – 15kg/100m².

Ngay sau khi bón vôi, sử dụng sản phẩm chuyên dùng để hấp thụ khí độc hoặc chế phẩm sinh học Environ AC của Công ty Vĩnh Thịnh xử lý ô nhiễm nền đáy ao với liều 1 – 1,5kg/1000m³ nước để thúc đẩy việc phân huỷ chất hữu cơ và khử khí độc.

Phơi nắng đáy ao 1 – 2 ngày rồi khử trùng ao một lần nữa bằng một trong các sản phẩm BKC, liều 0,7 – 1lít/1000m³ hoặc Sanmolt F, liều 1 – 1,5 lít/1000m³. Không nên bón lót ao bằng phân chuồng.

Đối với bè, kiểm tra, gia cố bè thật kỹ trước khi thả cá. Dùng BKS hoặc Sanmolt F phun vào bè để diệt mầm bệnh. Đặt bè nơi ít sóng gió, dòng chảy vừa phải, thuận lợi trong việc vận chuyển cá, thức ăn.

Thả cá giống

Tiêu chuẩn: Cá không mất nhớt, đuôi và râu không bạc màu; cỡ đồng đều.

Mật độ: Nếu nuôi trong ao bán thâm canh (nuôi ghép): 4-5 con/m² (trong đó cá lăng nha chiếm 20-30% tổng số cá thả). Thâm canh (nuôi đơn): 6-8 con/m². Ngoài ra, cần thả thêm 3-5% cá rô phi thường để làm thức ăn cho cá. Nếu nuôi trong bè, mật độ 60-70 con/m3.

Thời gian thả: Tốt nhất vào buổi sáng (8-11 giờ).

Phòng bệnh cho cá bằng cách sát trùng (tắm cá) trước khi thả xuống ao, bè bằng muối ăn (1 muỗng canh pha trong 1 lít nước) hoặc BKS, Sanmolt F theo liều hướng dẫn.

Thức ăn

Có thể cho cá ăn bằng một trong các loại sau: cá tạp, cắt khúc vừa cỡ miệng. Thức ăn tự chế 50% cám + 50% cá. Thức ăn viên độ đạm ít nhất 35%.

Cho ăn 3 lần/ngày (sáng, chiều và tối). Cữ tối chiếm 40-50% tổng lượng thức ăn trong ngày.

Nên bổ sung chất bổ vào thức ăn để giúp cá tăng sức đề kháng, tiêu hoá tốt, lớn nhanh hơn như: Các loại Vitamin C; chế phẩm vi sinh vật, men tiêu hoá (Aqualact 1g/kg thức ăn); các sản phẩm chứa axít amin, sorbitol (Hepatofish 2,5g/kg thức ăn); khoáng vi lượng (Vitatech F liều lượng 1 – 2g/kg thức ăn).

Chăm sóc

Nếu nuôi ao, thường xuyên theo dõi hoạt động của cá, nhất là vào sáng sớm để xử lý kịp thời. Định kỳ (15 – 20 ngày) thay nước ao một lần.

Từ tháng thứ 2 trở đi, định kỳ 10 -15 ngày tiến hành khử trùng nước và khử khí độc ở đáy ao bằng BKC liều 0, 5 lít/1.000m³ nước hoặc Sanmolt F liều 0, 7 – 1 lít/1.000m³. Trong điều kiện nuôi bè, thường xuyên theo dõi hoạt động ăn mồi của cá, nhất là vào lúc nước đứng, nước đổ để xử lý kịp thời.

Phòng bệnh cho cá bằng cách: Treo túi vôi ở đầu bè. 15 ngày khử trùng bè 1 lần bằng BKC (phun trực tiếp xuống bè).

Theo nongnghiep.farmvina.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi cá lăng trong ao đất

Chuẩn bị và cải tạo ao nuôi

Ao nuôi có diện tích từ 2.000 – 3.000 m2 là thích hợp nhất. Độ sâu nước từ 1,5 – 2 m.

Bờ ao chắc chắn, ao có cống cấp và thoát đầy đủ, đáy ao bằng phẳng, nghiêng về phía cống thoát. Ao nuôi gần nguồn nước sạch, chủ động cấp và thoát nước.

Cải tạo ao: Tháo cạn nước, vét bùn đáy, gia cố bờ bao chắc chắn.

Diệt tạp: Dùng vôi để cải tạo đáy ao và diệt tạp. Liều lượng từ 10 – 12 kg/100 m2, vôi được rắc đều và phơi nắng 3 – 5 ngày.

Nước cấp vào ao lọc qua lưới lọc, mực nước cấp vào ao cao 1,5 – 1,8 m.

Mùa vụ và mật độ thả nuôi

Mùa vụ: Giống thả được quanh năm hoặc thả vào 2 vụ chính là: vụ Xuân từ tháng 3 – 4; vụ Thu từ tháng 8 – 9.

Nuôi cá lăng trong ao đất

Mật độ thả: 1 con/m2, nuôi ghép với cá mè trắng hoặc mè hoa.

Kích cỡ thả giống: Tùy theo thời gian nuôi mà chọn kích cỡ giống khác nhau. Nếu nuôi thời gian ngắn (6 tháng) nên thả giống cỡ lớn từ 0,5 kg/con trở lên.

Chọn giống: Cá giống đồng đều, màu sắc tươi sáng, không bị bệnh hay dị tật. Nên mua giống tại các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng. Tắm cho cá trước khi thả giống bằng muối 2 – 3% trước khi thả xuống ao.

Cho ăn và chăm sóc

Cho cá ăn bằng thức ăn tươi sống hoặc thức ăn công nghiệp. Thức ăn tươi sống dùng cá tạp tươi, phụ phế phẩm lò mổ. Thức ăn tươi cần được cắt nhỏ cho phù hợp với kích cỡ cá. Nên cho thức ăn vào sàng ăn để kiểm tra lượng thức ăn (ao 2.000 m² nên đặt 4 sàng ăn).

Nếu dùng cám công nghiệp, sử dụng loại cám có hàm lượng đạm >30%, cho ăn từ 2 – 3% trọng lượng thân. Cho cá ăn 2 cữ sáng và chiều. Hàng ngày kiểm tra lượng thức ăn để điều chỉnh cho phù hợp.

Chăm sóc: Thường xuyên duy trì ổn định mực nước ở mức yêu cầu. Nếu dùng thức ăn tươi sống thì phải thường xuyên thay nước, mỗi lần thay từ 20 – 30% lượng nước ao nuôi.

Định kỳ dùng chế phẩm sinh học làm sạch nước, dùng vôi 2 – 3 kg/100m3 nước để xử lý nước (ổn định pH, sát khuẩn,…).

Kiểm tra tăng trưởng và dấu hiệu bệnh của cá để có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường ôxy cho cá vào những khi thời tiết bất thường hoặc cá có dấu hiệu nổi đầu.

Phòng, trị bệnh cho cá

Thường xuyên vệ sinh sàng ăn đảm bảo sạch sẽ. Định kỳ hàng tháng trộn thuốc, vitamin vào thức ăn phòng bệnh cho cá.

Xử lý một số bệnh thường gặp: Cá lăng hay gặp một số bệnh như bệnh nấm thủy mi, bệnh viêm ruột.

Bệnh nấm thủy mi: Cá bị bệnh bơi lội không bình thường do cơ thể bị ngứa nên cá cọ sát vào các vật thể trong nước làm xây xát lại càng tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm có cơ hội phát triển khiến bệnh nặng hơn.

Bệnh này, cần sử dụng hóa chất khử trùng nước, kết hợp với trộn kháng sinh vào thức ăn cho cá ăn để điều trị bệnh.

Bệnh viêm ruột: Cá bị bệnh viêm ruột bụng trương to, có ban đỏ, hậu môn lồi và sưng đỏ. Khi bệnh nặng, vây cá bị tổn thương, xoang bụng tích nước, thành ruột bị tụ máu. Toàn bộ ruột có màu đỏ thâm, ruột không có thức ăn, xuất hiện dịch mủ màu vàng nhạt.

Để phòng trị bệnh này, cần đảm bảo thức ăn tươi, không bị ôi thiu. Vệ sinh sàng ăn và thức ăn thừa sạch sẽ. Định kỳ dùng thuốc phòng bệnh cho cá. Khi cá bị bệnh dùng vôi bột hoặc hóa chất xử lý nước ao, kết hợp sử dụng kháng sinh phòng bệnh cho cá.

Thu hoạch

Sau thời gian nuôi từ 5 – 6 tháng (nếu thả giống lớn) thì có thể thu hoạch. Cho cá nhịn ăn 1 ngày trước khi thu hoạch để đảm bảo sức khỏe cho cá, nhất là vận chuyển cá đi xa.

Cá lăng chất lượng cao khi được nuôi trong ao đất

Theo thuysanvietnam.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi cá lăng nha 1 tuần cho ăn 2 lần, giá 1kg bằng 4kg thịt lợn

Thời gian qua, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh Gia Lai phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện dự án ứng dụng chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá lăng nha. Để dự án đi vào thực tiễn, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã chọn mua 300kg cá lăng nha từ Đăk Lăk về nuôi để tạo quy trình sản xuất và nhân giống.

Cá lăng nha nuôi trong ao đất

Thức ăn cho cá chủ yếu là nguồn cá tạp, tôm, tép… một tuần cho ăn 2 lần vào buổi chiều với khẩu phần 3-5% trọng lượng. Trung tâm đã thả nuôi 2 đợt vào các năm 2014 và 2015.

Sau 3 tháng nuôi vỗ đàn, cá có trọng lượng trung bình 2,2 kg/ con (tăng 0,6 kg/con). Để chuẩn bị cho quy trình sản xuất nhân tạo giống cá lăng nha, Trung tâm đã chuẩn bị nhiều thiết bị cho cá đẻ như vệ sinh bể giam giữ cá, bình ấp nở trứng cá và dụng cụ phục vụ.

Từ 300kg cá giống bố mẹ ban đầu, đến nay, đàn cá lăng nha của Trung tâm đã tăng lên 12.000 con. Đặc biệt, cá lăng nha sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết và nguồn nước sinh sống trong ao, hồ.

Ông Phạm Hữu Phước-Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh Gia Lai cho biết: Sau hơn 2 năm thực hiện dự án, đến nay, đàn cá lăng nha sinh trưởng, phát triển tốt. Với mức giá trên thị trường hiện nay khoảng 130.000 – 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi có thể thu lãi khoảng 113-182 triệu đồng.

Điều đáng mừng là cá lăng nha phù hợp với điều kiện thời tiết và nguồn nước tại Gia Lai. Hiện tại, nhiều nông dân tại các huyện: Đức Cơ, Chư Prông, Chư Pah, Chư Sê tìm đến Trung tâm để mua cá giống về nuôi thương phẩm. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục sản xuất giống cá lăng nha để cung cấp cho người dân.

Thu hoạch cá lăng nha đuôi đỏ

Theo đánh giá, cá lăng nha có thịt trắng chắc, ít xương dăm, được thị trường ưa chuộng. Từ trước đến nay, người dân chủ yếu khai thác cá ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng giảm dần. Vì vậy, việc nuôi ươm cá lăng nha thành công trong thời gian qua đã tạo cơ hội cho nhiều người nuôi cá nước ngọt truyền thống trên địa bàn tỉnh tiếp cận kỹ thuật sản xuất giống và nuôi cá lăng nha thương phẩm.

Theo danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ và cho đẻ cá khế vằn

Nuôi vỗ cá bố mẹ

 – Nguồn cá bố mẹ: đánh bắt ngoài tự nhiên hoặc từ đàn nuôi thương phẩm (cá giống từ tự nhiên). Khối lượng: 1 – 2kg/con. Thời gian nuôi vỗ: 11 – 12 tháng, khối lượng đạt 2 – 3 kg/con.

– Điều kiện nuôi: lồng bè trên biển. Mật độ nuôi: 1,5- 3kg/m³  lồng

– Thức ăn: cá (nục, mối, trích…), tôm, mực, vitamin B, C, E. Cho ăn 1 lần/ngày.

– Chăm sóc: định kỳ thay lồng, vệ sinh lưới lồng hoặc kết hợp kiểm tra cá để sang lồng nuôi khác.

Cá khế vằn

Cho đẻ

– Gây mê cá trước khi kiểm tra bằng thuốc gây mê EME, nồng độ 200-250ppm.

Cách kiểm tra: Cá đực dùng ống nhựa mềm đưa vào lỗ niệu hút nhẹ nếu có sẹ đặc màu trắng sữa, dễ tan trong nước là cá đã thành thục; Cá cái dùng ống nhựa mềm đưa vào lỗ sinh dục 2 -3 cm, hút nhẹ lấy trứng ra, cho lên miếng thủy tinh, quan sát độ rời, độ đồng đều của trứng, màu sắc trứng để xác định độ thành thục của tuyến sinh dục. Nên chọn con cái có bụng to tròn, màu sắc sáng.

– Kích dục tố sử dụng: HCG và  LHR. Liều lượng: Cá cái là HCG 1000-1500UI/kg cá và LHR-A 25-35μg/kg cá, liều lượng cho cá đực bằng ½ cá cái.

– Cách tiêm: Tiêm vào phần cơ mềm ở lưng, góc tiêm 45º so với thân cá, độ sâu mũi kim tiêm (kim tiêm 21) vào phần cơ 1 – 1,5cm.

– Thời gian tiêm: Tiêm 1 lần (7h sáng), thời gian hiệu ứng thuốc khoảng 30-36 giờ.

Cá sau khi tiêm thuốc cho vào lồng nuôi trên biển và có lưới  may bằng vải bọc bên ngoài để giữ trứng cá.

Thu và ấp trứng cá

-Trứng cá dạng nổi, ở độ mặn trên 28-30‰ thì trứng thụ tinh nổi trên mặt nước. Dùng vợt hoặc lưới kéo để thu trứng cá.

– Mật độ ấp 1.000 – 2.000 trứng/lít. Sục khí nhẹ liên tục trong suốt quá trình ấp nở.

– Nhiệt độ nước 26 – 300C,  độ mặn 28 – 30‰.

– Thời gian ấp trứng 18 – 24 giờ.

Trứng sau khi ấp nở thành cá bột, định lượng số lượng rồi chuyển vào bể ương nuôi.

Theo lhhkh.org.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Thừa Thiên – Huế: Cá dìa đã được sinh sản nhân tạo thành công

Sau gần 2 năm nghiên cứu, TS Nguyễn Ngọc Phước và ThS Lê Văn Bảo Duy, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông lâm Huế đã thành công trong việc hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá dìa quanh năm với tỷ lệ sống cao và ổn định.

Cá dìa là một trong những giống cá biển có giá trị kinh tế

Thành công này sẽ giúp việc cung cấp được con giống quanh năm cho người nuôi trồng thủy sản, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nghề nuôi cá dìa nói riêng và sản xuất giống cá biển nói chung tại Thừa Thiên – Huế và ở Việt Nam.

Được biết, sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá dìa là một trong những thách thức lớn đối với nghề nuôi cá biển Việt Nam, do quá trình ương ấu trùng sau khi nở không thành công, tỷ lệ sống của ấu trùng đến 6 – 7 ngày tuổi rất thấp và thiếu ổn định. Do đó, thành công của đề tài sẽ đóng góp thiết thực cho người nuôi trong nước trong việc nuôi thương phẩm loài cá này.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi xen ghép tôm sú – cá dìa – cua

Đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh triển khai mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cá dìa và cua trên diện tích ao nuôi 3.000m2 của gia đình bà Lê Thị Lịch ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh.

Nuôi xen ghép tôm sú – cá dìa – cua 

Trong quá trình thực hiện mô hình, gia đình bà Lê Thị Lịch được hỗ trợ con giống gồm 1.500 con cá dìa, 45.000 con tôm sú và 1.500 con cua và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và trực tiếp hướng dẫn quy trình, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của các loại đối tượng thủy sản nuôi trồng.

Sau gần 5 tháng thực hiện, nhìn chung mô hình phát triển khá tốt. Trọng lượng bình quân cá dìa đạt 200 gram/con, tôm sú 40 con/kg và cua 200 gram/con. Theo đánh giá tại hội thảo, mô hình cho thu hoạch 2 tạ cá dìa, 1,5 tạ cua và 6,7 tạ tôm sú, tổng doanh thu ước đạt hơn 182 triệu đồng; trừ chi phí đầu tư, hộ nuôi trồng có thu nhập 90 triệu đồng.

Đây là hình thức nuôi trồng mới, nuôi xen ghép các đối tượng nhằm cải thiện môi trường, hạn chế dịch bệnh, khai thác được tiềm năng ao hồ nuôi trồng thủy sản mặn lợ, hồ nuôi tôm kém hiệu quả hoặc bỏ hoang sang nuôi theo mô hình, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá dìa giúp tăng thu nhập và cải tạo môi trường ao tôm

Đối với nông dân, một trong những khó khăn trong nuôi tôm chính là xử lý nạn ô nhiễm môi trường nước. Khắc phục khó khăn này, nhiều hộ dân ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát triển mô hình nuôi cá dìa kết hợp với con tôm sú.

Cá dìa có đặc tính thích ăn tạp. Do vậy, cá dìa sẽ ăn rong, tảo và một phần thức ăn dư thừa cùng những mùn bã hữu cơ giúp môi trường nước ao nuôi được sạch hơn, giảm thiểu dịch bệnh. Đây cũng là giải pháp góp phần cải thiện môi trường ao nuôi và sử dụng nguồn thức ăn có hiệu quả.

Theo kinh nghiệm của nông dân Thừa Thiên – Huế, nếu cá giống lớn, mật độ thả ghép thưa khoảng 1 con/m2, sau 4 – 5 tháng nuôi cùng tôm, cá dìa có thể cho thu hoạch 0,8 – 1 tấn/ha, tỷ lệ sống đạt 60% trở lên, lợi nhuận từ 70 – 80 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn, khi nuôi ghép với tôm sú, tôm vẫn phát triển tốt, ít dịch bệnh, giảm được chi phí thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi.

Một ưu điểm khác của cá dìa là có thể nuôi ngay trong ao tôm bị dịch bệnh. Cá dìa sẽ tiêu diệt các mầm bệnh tồn lưu trong ao tôm. Nông dân có thể thả cá với mật độ từ 2 – 3 con/m2, sử dụng thức ăn tự chế hoặc cám công nghiệp. Sau 10 – 12 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng 0,6 – 1kg/con, tỷ lệ sống cao.

Cá dìa ăn thức ăn tự nhiên nên chi phí đầu tư thức ăn thấp. Tuy nhiên, nông dân cũng cần chọn con giống sạch, có chế độ chăm sóc tốt, đề phòng các bệnh, chủ động theo dõi các yếu tố môi trường, vì cá dìa khá nhạy cảm với biến đổi thời tiết…

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Đại học Huế, Đại học Nha Trang, Đại học Cần Thơ đã sản xuất giống cá dìa nhân tạo thành công. Vì vậy, nông dân có nhu cầu nuôi có thể liên hệ với các địa chỉ trên để mua con giống và tìm hiểu thông tin, kỹ thuật nuôi.

Nguồn: Tomvang.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi cá Kỹ thuật nuôi cá dìa trong ao đất kết hợp tôm sú

Cá dìa là một đặc sản của Thừa Thiên Huế, không chỉ người dân Huế mà cả khách du lịch đều biết đến giá trị thương phẩm của loài này.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, đồng thời được sự vận động của các cán bộ Trung tâm Khuyến ngư tỉnh, anh Nguyễn Văn Dưỡng ở thôn Triệu Thôn, xã Phú An, huyện Phú Vang đã mạnh dạn đầu tư hơn 5000 m2 ao đất của mình để nuôi cá dìa kết hợp với nuôi tôm sú.

Từ những kiến thức đã học hỏi từ các cán bộ kỹ thuật, anh Dưỡng cho biết cá dìa là đối tượng nuôi có nhiều ưu điểm phù hợp với điều kiện tự nhiên của Huế. Chúng là loài rộng nhiệt, rộng muối, chịu được biên độ dao động muối từ 5-37‰. Thức ăn của cá dìa là thực vật thuỷ sinh, mùn bã hữu cơ, đồng thời chúng vẫn có thể ăn thức ăn tổng hợp nên rất tốt cho việc cải thiện môi trường ao nuôi.

Các bước thực hiện trong quá trình nuôi cá dìa của anh Dưỡng như sau:

Kỹ thuật cải tạo ao nuôi:

Trước khi thả nuôi cá phải tiến hành cải tạo kỹ ao nuôi. Sau khi cày xới mặt ao, anh Dưỡng dùng 500 kg vôi bột rải đều mặt ao, đặc biệt bón nhiều ở những chỗ còn đọng nước.  Dùng phân vi sinh và phân NPK để gây màu nước với hàm lượng 10kg phân vi sinh/100m2 và 3kg phân NPK/100 m2.

Hướng dẫn thả giống:

Trên diện tích 5000 m2, anh Dưỡng thả 2500 con cá dìa giống cỡ 50-70g/con, 7.500 tôm sú giống.

Kỹ thuật chăm sóc:

Biết được cá dìa là loài ăn thực vật thủy sinh, mùn bã hữu cơ nên anh Dưỡng tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như rong tảo. Ngoài ra anh còn tự chế biến thức ăn từ ngũ cốc, cá tạp. Trong quá trình nuôi, cá dìa cũng mắc phải một số bệnh như bệnh ký sinh trùng và bệnh nhiễm khuẩn nhưng sau khi xử lý bằng formol (100%) với nồng độ 100-150ppm thì cá hết bệnh.

Sau 3 tháng nuôi anh Dưỡng thu được 312 kg cá dìa thịt, 150 kg tôm sú, 100 kg cua và tôm đất. Cá dìa có trọng lượng bình quân 250g/con, tỷ lệ sống 50%. Sau khi trừ chi phí, anh Dưỡng thu lãi hơn 8 triệu đồng.

Mô hình nuôi cá dìa kết hợp nuôi tôm sú bước đầu thành công đã làm tăng thu nhập của gia đình anh Dưỡng. Cá dìa sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên nên chi phí thức ăn thấp. Tuy nhiên cần phải lưu ý lựa chọn con giống sạch, có chế độ chăm sóc tốt, đề phòng các bệnh, chủ động theo dõi các yếu tố môi trường vì cá dìa khá nhạy cảm với biến đổi thời tiết.

Nguồn: Tiếp Thị Nông Nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Quy trình kỹ thuật nuôi cá Chạch Lấu sinh sản nhân tạo (p2)

Phần 2: Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá Chạch Lấu

1. Yêu cầu chung

– Nhiệt độ nước thích hợp cho cá chạch lấu đẻ khoảng 28 – 30 độ C.

– Cho cá đẻ trong bể xi măng hoặc composít, có thể thay nước dễ dàng

– Mật độ thả cá trong bể đẻ: 20 – 30 cặp bố mẹ/ bể 20 m2. Mực nước sâu 0,4 – 0,5 m.

2. Chọn Cá chạch lấu bố mẹ cho đẻ

– Cá khỏe mạnh không bị xây xát. Cá cái bụng to, mềm, quan sát bên ngoài có hình buồng trứng rõ ràng nằm dọc 2 bên lườn bụng. Dùng que lấy trứng xem có màu vàng nhạt, đo đường kính trứng, trung bình đạt 1, 96 ± 0,22 mm.

– Cá đực vuốt nhẹ ở lườn bụng đến gần lỗ hậu môn, thấy có sẹ màu trắng đục chảy ra. – Tỷ lệ cá đực/cá cái cho đẻ: 1/1 hoặc 2/1.

3. Kích dục tố sử dụng:

a) Sử dụng kích dục tố và chất kích thích sinh sản:

Hiện nay có 02 loại kích dục tố dùng để kích thích sinh sản nhân tạo cá chạch lấu tốt nhất là: HCG (Human Chorionic Gonadotropin) và LH-RHa (Luteneising Hormone–Releasing Hormone Analogue) kết hợp DOM (Domperidone).

b) Liều lượng kích dục tố và chất kích thích sinh sản:

– Ðối với cá cái:
+ HCG dùng 5.200 UI/1kg cá cái.
+ LH-RHa (Luteotropin Releasing Hormoned Analog kết hợp với DOM (Dompamine): 150 μg
+ 10mg DOM/kg cá cái

– Đối với cá đực: Liều lượng kích dục tố bằng 1/3 tổng liều lượng tiêm cho cá cái.

– Số lần tiêm:
+ HCG: Cá cái được tiêm 3 lần; lượng tiêm lần 1 là 400 UI, lần 2 là 1.200 UI và lần 3 là 3.600 UI HCG/ kg, thời gian tiêm lần 2 cách lần 1 là 24 giờ , lần 3 (quyết định) cách lần 2 từ 6 – 8 giờ. Cá đực tiêm 1 lần cùng với lần tiêm thứ 3 cho cá cái. Liều lượng kích dục tố bằng 1/3 tổng liều lượng tiêm cho cá cái.
+ LH-RHa: tiêm 1 lần cho cả cá đực và cá cái.

– Vị trí tiêm ở gốc vây lưng của cá.

– Thời gian cá đẻ: Trong điều kiện nhiệt độ nước 28 – 30 độ C, thời gian hiệu ứng thuốc sau khi tiêm lần quyết định từ 18 – 24 giờ.

4. Hướng dẫn kỹ thuật gieo tinh nhân tạo

a) Thu sản phẩm sinh dục của cá cái và cá đực:

– Bắt cá cái đặt nhẹ nhàng trong vải mềm, dùng ngón tay cái bịt lỗ sinh dục cá.

– Lấy vải mềm quấn thân cá chỉ để hở lỗ sinh dục, thấm hết nước ở bụng và đuôi cá. Sau đó, giữ đầu cá hướng lên phía trên, mở ngón tay bịt lỗ sinh dục cá rồi vuốt nhẹ vào thành bụng để trứng chảy từ từ vào bát khô sạch đã chuẩn bị sẵn. Ðể thuận tiện theo dõi, trứng của mỗi cá cái cho vào một bát riêng.

– Ngay sau khi vuốt trứng phải vuốt sẹ vào bát đã có trứng. Thao tác giữ cá đực để vuốt sẹ tương tự như đối với vuốt trứng của cá cái.

b) Kỹ thuật gieo tinh:

Dùng lông cánh gia cầm quấy đều trứng và tinh dịch trong khoảng thời gian 2 – 3 phút. Sau đó, cho nước sạch vào tiếp tục quấy khoảng 5 phút rồi rải cho trứng dính đều vào khung lưới (30 x30 cm) và đem đi ấp trong bể composite có nước chảy nhẹ…

5. Kỹ thuật ấp trứng Cá chạch lấu

a) Mật độ trứng ấp:

Trứng được rải đều trên khung lưới ấp, mật độ 1.500 trứng/ khung 30 x 30cm.

b) Phương pháp ấp trứng:

Bể ấp trứng có thể tích 500 – 1.000 lít, có thể ấp được 10 – 12 khung trứng bằng cách treo các khung dựng đứng quanh thành bể. Cho nước chảy nhẹ vào bể kết hợp với sục khí. Nước ấp trứng phải qua lọc bằng vải mịn hoặc lọc cát để hạn chế sinh vật và địch hại lọt vào bể.

c) Thu cá bột sau khi trứng nở:

Ở nhiệt độ nước 28 – 30 độ C, sau khi ấp khoảng 46 – 55 giờ trứng sẽ nở thành cá bột, khi trứng đã nở hết thì ta lấy các khung giá thể ra, tiếp theo hút các trứng hư ra khỏi bể.

Cá bột mới nở rời khỏi khung lưới và bám vào giá thể ngay hoặc nằm ở đáy bể một thời gian và sau đó cũng bám vào giá thể. Trong 4 ngày đầu, cá bột bám vào giá thể và sống bằng noãn hoàng; từ ngày thứ 5, cá bột đã hết noãn hoàng, vẫn bám vào giá thể nhưng di chuyển nhanh nhẹn và tìm bắt thức ăn. Khi cá hết noãn hoàng thì chuyển sang bể ương.

6. Kỹ thuật ương cá bột lên cá giống

a) Điều kiện bể ương:

– Bể ương bằng composit có thể tích 2 m³ (2.000 lít) trở lên, được tẩy rửa sạch sẽ.

– Giá thể cho cá bám vào trong những ngày đầu làm bằng dây nilon bó thành bó, sau 20 ngày dùng ống nhựa có đường kính 2,2 – 3,4 cm làm giá thể.

– Môi trường nước trong quá trình ương nuôi: phải đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng sau đây:
+ Nhiệt độ nước từ 27 – 32 độ C.
+ pH trong khoảng từ 6,5 – 8,5.
+ Hàm lượng oxy hoà tan lớn hơn 5 mg/l.

b) Mật độ ương:

Mật độ ương trong bể composit là 1.000 – 1.500 cá bột/ bể composite 2.000 lít. Sau 30 ngày thì san thưa ra 200 con/bể 2.000 lít ương cho đến ngày thứ 60.

c) Thức ăn dùng để ương:

Lòng đỏ trứng luộc, động vật phù du, trùng chỉ và cá tạp xay nhuyễn, cho cá ăn bằng lòng đỏ trứng luộc cần bóp nhuyễn và lọc qua vải màn hai lớp rồi hoà tan trong nước để rải đều trên mặt bể ương.

Lượng cho ăn như sau:

– Trong 10 ngày đầu, cứ 1.000 – 1.500 cá bột dùng 1/4 lòng đỏ trứng và bổ sung thêm 15 – 20 g Moina mỗi ngày, cho cá ăn ngày 3 lần.

– Trong 10 ngày tiếp theo cứ 1.000 – 1.500 cá bột dùng 1/3 lòng đỏ trứng và bổ sung thêm 20 – 25 g Moina mỗi ngày, cho cá ăn ngày 3 lần.

– Sau 20 ngày tuổi cho cá ăn bằng trùn chỉ bổ sung thêm trứng nước (Moina) 25 g/ngày cho đến ngày 30, từ ngày 40 cho ăn bằng trùn chỉ theo nhu cầu, sau 40 ngày cho ăn trùn chỉ có bổ sung thêm cá tạp xay nhuyễn cho đến ngày 50 – 60 thì chuyển nuôi thịt.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Quy trình kỹ thuật nuôi cá Chạch Lấu sinh sản nhân tạo (p1)

 Phần 1: Kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ.

Cá chạch lấu (Mastacembelus favus) là đối tượng nuôi mới tiềm năng và có giá trị kinh tế cao cho ngư dân trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó việc xây dựng “Quy trình kỹ thuật sinh sản cũng như quy trình nuôi” là vấn đề cần được chú trọng giai đoạn hiện tại nhằm bảo tồn đối tượng quý hiếm của bản địa cũng như việc thúc đẩy sự phát triển đối tượng nuôi mới đầy tiềm năng và triển vọng. Vấn đề đặt ra phải xây dựng hoàn chỉnh “Quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá Chạch Lấu” thành công để đáp ứng cho sự phát triển.

I. Thời vụ sản xuất giống cá chạch lấu

Ở Đồng bằng Sông Cửu Long mùa vụ sản xuất bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Thời gian nuôi vỗ cá bố mẹ từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 4 năm sau, gồm hai giai đoạn:

– Giai đoạn nuôi vỗ tích cực từ tháng 12 đến đầu tháng 3.

– Giai đoạn nuôi vỗ thành thục từ tháng 3 đến tháng 5.

– Thời gian cho cá đẻ bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 9.

II. Điều kiện nuôi vỗ cá chạch lấu bố mẹ

 

– Ao nuôi: Ao nuôi vỗ bố mẹ có diện tích 500 – 1000 m2.

– Bể nuôi: Có thể nuôi vỗ cá trong bể xi măng hoặc bể lót bạt để nuôi vỗ cá bố mẹ. Diện tích bể nuôi dao động từ 20 – 25 m2 cao 1,2 m.

– Môi trường nước trong quá trình nuôi vỗ phải đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng sau đây:
+ Nhiệt độ nước từ 27 – 32 độ C.
+ Ðộ pH trong khoảng từ 6,5 – 8,5.
+ Hàm lượng oxy hoà tan lớn hơn 5 mg/l.

III. Kỹ thuật nuôi vỗ cá chạch lấu bố mẹ

1. Tuyển chọn cá bố mẹ

Cá bố mẹ được tuyển chọn đưa vào nuôi vỗ phải khỏe mạnh, không bị sây sxát, không dị hình, có trọng lượng từ 100 gr trở lên và trên 1 năm tuổi.

2. Chuẩn bị ao nuôi vỗ

– Cá chạch lấu có thể nuôi vỗ được ở cả 2 hình thức: Trong ao và trong bể xi-măng.

– Đối với ao cần tát cạn, bón vôi 7 – 10 kg/100 m2, phơi đáy ao 2 – 3 ngày sau đó cấp nước vào ao qua lưới lọc, độ sâu cần đạt 1,2 – 1,5 m. Trong ao tạo giá thể cho cá trú ẩn như thả chà cây hoăc dùng ống nhựa Ø60 mm trở lên xuống đáy ao, chà bó lại thành bó và ống nhựa cắt từng đoạn có chiều dài 0,6 – 0,8 m thả xuống đáy ao, số lượng ống tùy thuộc số cá bố mẹ trong ao và bể, mỗi ống cho 3-5 con.

– Đối với bể xi măng cần phải rửa sạch và chống rò rỉ, cấp nước vào đạt độ sâu 1,0 – 1,2 m và dùng ống nhựa làm chổ trú ẩn cho cá.

– Mật độ nuôi vỗ 5kg cá bố mẹ/100 m2 ao; tỷ lệ cá đực/ cái nuôi vỗ từ 2/1 đến 1/1. Nuôi trong bể xi măng mật độ 0,2 kg/m2.

3. Quản lý và chăm sóc ao nuôi vỗ cá bố mẹ

a) Thức ăn nuôi vỗ : Thức ăn nuôi vỗ gồm các loại như: cá tạp, ốc (bỏ vỏ), trùn chỉ. Khẩu phần cho ăn 5 – 7% khối lượng cá nuôi trong ao. Cho cá ăn đủ nhu cầu.

b) Cách cho cá ăn: Hàng ngày cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều: buổi sáng cho cá ăn vào lúc 8 giờ; buổi chiều cho cá ăn vào lúc 15 giờ. Thức ăn được cho vào sàn và đặt dưới đáy ao, bể. Đối với các loại cá tạp phải băm hoặc cắt nhỏ cho phù hợp với cỡ miệng của cá.

c) Kiểm tra, quản lý ao nuôi:

Trong quá trình nuôi vỗ cá bố mẹ phải tiến hành các nội dung công việc sau đây:

– Hàng ngày, tiến hành kiểm tra ao, bể vào buổi sáng, quan sát hoạt động của cá và màu nước ao nuôi, phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường của cá và môi trường để có biện pháp xử lý thích hợp.

– Ðịnh kỳ hàng tháng kiểm tra một lần để xác định độ béo, tình hình bệnh tật và sự phát dục của cá bố mẹ để điều chỉnh chế độ nuôi vỗ cho phù hợp.

– Nếu có điều kiện, thay nước thường xuyên hoặc thay nước định kỳ giữ cho môi trường ao nuôi trong sạch bằng các biện pháp sau:
+ Đối với nuôi trong ao: Thay nước ít nhất 2 lần/ tháng, mỗi lần thay từ 20 đến 30% lượng nước trong ao.
+ Đối với nuôi trong bể xi măng, thay nước 1 lần/ ngày, mỗi lần thay từ 20 đến 30% lượng nước nước trong bể.
+ Thường xuyên vệ sinh ao nuôi: vớt cỏ rác, thức ăn thừa, đảm bảo ao nuôi vỗ cá không bị nhiễm bẩn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.