Cá tươi & cá lạnh đông đều có lợi ích sức khoẻ như nhau

Đó là khẳng định của các nhà khoa học tại công ty Sintef, Na Uy vừa công bố trên tạp chí Fresh.news (FN) số ra ngày 19/11.Theo FN, mặc dù phần lớn cho rằng “tiền tươi thóc thật” là một lựa chọn tối ưu, nhất là thực phẩm, nhưng theo nghiên cứu thì hai nhóm cá này đều có lợi ích sức khoẻ như nhau.

Thậm chí cá tươi chỉ kéo dài 2-3 ngày sau khi đánh bắt, nhưng cá lạnh đông lại “có thể kéo dài từ 4 đến 6 tháng trong tủ đá mà chất lượng không hề suy chuyển”, các chuyên gia dinh dưỡng tham gia nghiên cứu khẳng định.

Cá tươi và cá lạnh đông đều có lợi ích sức khoẻ như nhau

Thực ra, mục tiêu của nghiên cứu là tìm kiếm các phương pháp xử lý, đông lạnh, và làm tan băng cá để đảm bảo chất lượng thực phẩm cho người tiêu dùng, đồng thời tìm ra cách để giảm nguy cơ ký sinh trùng có trong cá sống. Khi nghiên cứu về tác động của các phương pháp lạnh đông và tan băng tới chất lượng và thời hạn sử dụng của cá, các nhà khoa học đã xác định được 3 yếu tố có thể tăng cường chất lượng cá lạnh đông.

– Thứ nhất, cá cần được đông lạnh ngay khi đánh bắt.

– Thứ hai, cá cần được đông lạnh ở nhiệt độ ổn định và thấp, không bị gián đoạn trước khi được làm tan.

– Thứ ba, việc tan băng phải diễn ra ngay trước khi cá được bán.

Các mẻ cá tham gia trong cuộc kiểm tra này được xác định “tốt nhất là trong 10 ngày sau khi tan băng”. Điều này có nghĩa là cá không có vi khuẩn và kết cấu, màu sắc cũng như chất lượng nhất quán khi được xử lý lạnh đông một cách chính xác. Chính điều này, mà “cá tươi cũng giàu dinh dưỡng như cá lạnh động”, chuyên gia dinh dưỡng Tara Condell, người tham gia nghiên cứu cho hay. Riêng tại Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực & Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) yêu cầu cá lạnh đông trước khi bán phải được làm tan băng.

Lạnh đông được thực hiện ngay sau khi cá được đánh bắt tại chỗ, mức nhiệt độ lạnh đông vào khoảng -20 độ Fahrenheit (6,7 độ C) để giúp cá đóng băng cứng trong giây lát. Ngoài ra, theo FDA, người mua hàng cũng nên kiểm tra mùi vị cá và hiện tượng bỏng đá, còn hãng sản xuất nên đông lạnh và tan đá một cách hợp lý để đảm bạo độ tươi và chất lượng.

Lời khuyên bảo quản cá tươi

– Lấy cá ra khỏi túi chứa.

– Rửa cá trong nước lạnh và làm khô bằng khăn giấy.

– Đặt cá vào giá, không chạm hoặc chồng lên nhau.

– Nên chứa vào khay lớn, rắc đá lên, đừng để đá trực tiếp lên giá.

– Dùng túi plastic hoặc giấy nhôm đậy kín khay và đặt vào ngay ngắn trong tủ lạnh

– Nếu giữ cá hơn một ngày, hãy thay đá khi tan và đổ nước dư thừa đi.

Lời khuyên về khử đá

– Lấy cá ra khỏi khay chứa.

– Rửa cá trong nước lạnh và làm khô bằng khăn giấy.

– Đặt cá trong túi hoặc hộp chứa, và dán nhãn thời gian để tiện theo dõi.

– Lưu grữ túi cá trong tủ đông ở mức 0 độ hoặc lạnh hơn.

– Khử đá và chuẩn bị cá tươi trong vòng hai tuần để có hương vị và chất lượng cao nhất.

– Khử đá ngay trong tủ lạnh là cách tốt ưu nhất.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Ức chế virus hoại tử thần kinh (VNN) trên cá bằng ribavirin

Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học Israel đã báo cáo rằng việc xử lý ấu trùng cá ngựa vằn với ribavirin trước khi nhiễm virus hoại tử thần kinh (NNV) sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do virus trong 10 ngày đầu sau nhiễm.

Thuốc ribavirin ức chế virus hoại tử thần kinh (VNN) trên cá.

Giới thiệu

Bệnh VNN là bệnh cấp tính xuất hiện từ trại ương giống. Ấu trùng (từ 10-25 ngày tuổi) hoặc cá giống bỏ ăn, cá chết rải rác, bơi lờ đờ trên tầng mặt do bóng hơi trương phồng. Bệnh gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi cá giống.

Ribavirin tương tự guanosine là thuốc chống virus phổ rộng, chủ yếu được sử dụng trong thực hành phòng trị lâm sàng của con người. Chúng có hoạt tính in vitro và trong cơ thể chống lại 20 loại virus của RNA và DNA.

Cơ sở khoa học

Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học Israel đã báo cáo rằng việc xử lý ấu trùng cá ngựa vằn với ribavirin trước khi nhiễm virus hoại tử thần kinh (NNV) sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do virus trong 10 ngày đầu sau nhiễm.

Ribavirin, Ribavirin điều trị hoại tử thần kinh, hoại tử thần kinh trên cá, bệnh trên cá

Cá bị hoại tử thần kinh.

Kết quả

Bộ gen RNA của NNV thu được từ ấu trùng ấu trùng được cấp ribavirin có chứa ba đột biến đồng nhất và một đột biến không đồng nhất, dẫn đến việc thay thế một codon serine với một codon glycine trong gen RNA polymerase RNA của virus.

Việc bổ sung thêm lượng guanosine vào ribavirin trước khi ấu trùng không làm cản trở hiệu quả hoạt động kháng virus. Xử lý bằng ribavirin trên ấu trùng cá ngựa vằn không ức chế làm giảm mức bazơ IFNγ, nhưng làm tăng mức biểu hiện mRNA IL-1β. Hơn nữa, ấu trùng nhiễm với NNV sau khi điều trị ribavirin làm giảm nồng độ biểu hiện gen IFNγ, IFN-I, Mx và TNF-α, trong khi biểu hiện IL-1β tăng lên.

Kết luận

Những kết quả này cho thấy hiệu quả điều tiết cytokine đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của ribavirin chống lại NNV. Tỷ lệ tử vong của hơn 40 loài cá xa bờ, chủ yếu là ấu trùng và cá non, từ NNV là một trở ngại chính đối với các trại sản xuất giống và cản trở việc cung cấp cá non cho các trại nuôi.

Do đó, điều trị bằng ribavirin có hiệu quả về mặt chi phí nên được xem như là biện pháp hữu hiệu để giảm nguy cơ của NNV.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Những mô hình nuôi lươn không bùn kết hợp trồng rau thủy canh lợi nhuận cao

Anh Trần Thiện Phi ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đã trải qua nhiều nghề khác nhau như làm ruộng, nuôi gà, vịt, cá… nhưng cuối cùng đã chọn con lươn để làm giàu.

Anh Phi kể: Ban đầu bắt tay vào nghề nuôi chỉ có 25m2 nuôi trong 2 bể, sau nhiều vụ thành công và rút kinh nghiệm, hiện anh sở hữu 20 bể lươn tương đương với 500m2. Ngoài nuôi lươn thương phẩm, anh còn nhân giống, bình quân mỗi năm sản xuất trên 100.000 con giống.

Mô hình nuôi lươn của anh Phi kết hợp trồng rau thủy canh mang lại hiệu quả cao

Theo tính toán của anh, với 20 bể nuôi, mỗi năm thu hoạch từ 8 – 12 tấn lươn thương phẩm, sau khi trừ chi phí thu về trên 1 tỷ đồng/năm. Nhờ thả nuôi nhiều đợt nên lươn thu hoạch quanh năm. Ngoài nuôi lươn, anh còn sáng kiến trồng rau cần nước (cần ống) trên mặt bể và các loại rau răm, rau om, mướp xen kẽ vào các khoảng đất trống theo mô hình chăn nuôi khép kín giúp tăng thêm thu nhập khoảng 15 – 20 triệu đồng/vụ (lươn nuôi 6 – 8 tháng). Chỉ riêng rau cần ống, mỗi tuần anh cũng thu hoạch khoảng 20kg/bể, bán với giá 15.000đ/kg. Trồng rau hoàn toàn không dùng phân hóa học và thuốc BVTV.

Còn ông Lê Văn Bút ở cùng xã Thạnh Phú sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi lươn không bùn và không ngừng mở rộng thêm bể nuôi, đến nay đã sở hữ 6 bể với diện tích gần 150m2.

Ông Bút cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu sống bằng nghề nông chỉ với khoảng 3.000m2 đất canh tác lúa, làm lụng cực khổ, vất vả nhiều năm nhưng thu nhập không đáng là bao, cuộc sống lao đao, thiếu thốn đủ đường. Thấy bà con nhiều nơi nuôi lươn đem lại lợi nhuận khá cao, tôi cũng chuyển sang nuôi lươn. Lúc đầu gặp không ít khó khăn nhưng nhờ siêng năng, chịu khó, ham học hỏi… dần dà tay nghề cũng khá lên”.

Nuôi lươn không bùn phát triển mạnh ở Cờ Đỏ

1 bể nuôi lươn 20m2 (4 x 5m), ông Bút thả 50kg lươn giống (loại 30 con/kg), mật độ thả 75 con/m2, tỷ lệ sống 70%. Sau 7 tháng nuôi và chăm sóc, lươn đạt trọng lượng từ 180 – 200gram/con, thu hoạch khoảng 200kg lươn thịt, bán với giá bình quân 180.000 đồng/kg. Ước tính, nếu trừ đi các khoản chi phí về (con giống, thức ăn, dụng cụ làm bể bạt, công chăm sóc…), ông thu gần 16 triệu đồng.

Ông Bút chia sẻ kinh nghiệm, để nuôi lươn tốt nên chọn vị trí yên tĩnh, ít người qua lại, có bóng mát, dễ lấy nước vào và thoát nước ra, làm mái che hoặc làm giàn trồng cây leo che nắng, gió. Cắm trụ, dùng bạt nilon loại dày không thoát nước quây quanh các trụ tạo thành bể. Diện tích bể 20m2, chiều cao bể 1 – 1,2m. Nước được lọc và diệt khuẩn, diệt ký sinh trùng mới đưa vào bể. Mực nước tốt nhất trong bể từ 20 – 30cm. Thả rau cần ống và trà tre tạo bóng râm và nơi trú ẩn cho lươn.

Nuôi lươn không bùn được siêu thị Metro Cần Thơ bao tiêu sản phẩm

Vấn đề chọn thả con giống rất quan trọng, nên chọn lươn màu vàng sẫm để nuôi vì đây là loại lươn có tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt. Lươn giống 30 – 60 con/kg thả 1 bể là phù hợp. Giống quá nhỏ, lươn khó chăm sóc, dễ chết, thời gian nuôi kéo dài. Giống lớn (10 – 20 con/kg) thì khi mua phải để ý nguồn gốc, vì cỡ này hay bị chết sau khoảng một tháng nuôi do giãn cột sống lúc bị đánh bắt. Lươn giống thả nuôi phải đồng cỡ, không xây xát, khỏe mạnh. Mật độ thả tốt nhất là 60 – 80 con/m2. Trước khi thả nuôi cần tắm lươn bằng nước muối loãng trong 3 – 5 phút để sát trùng và loại bỏ những con yếu.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá cảnh gom triệu đô

Đến năm 2020, sản lượng sản xuất cá cảnh của TP HCM sẽ đạt 150-180 triệu con, xuất khẩu đạt 40-50 triệu con và thu về khoảng 40-50 triệu USD
TP HCM được xem là trung tâm cá cảnh lớn của cả nước. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp cá cảnh mở rộng quy mô, có nhu cầu liên kết sản xuất, kết nối mở rộng thị trường xuất khẩu.

Xuất khẩu đến 52 quốc gia

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản TP HCM, 10 tháng đầu năm 2017, tổng diện tích nuôi cá cảnh trên toàn TP đạt khoảng 88 ha với hơn 290 cơ sở và hộ nuôi. Sản lượng cá cảnh xuất khẩu gần 16,25 triệu con, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2016; kim ngạch đạt gần 17,58 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Điều đáng chú ý là đã không còn cá cảnh xuất khẩu không đăng ký kiểm dịch.

Cơ sở cá cảnh giới thiệu loại cá lóc hoàng đế giá hàng chục triệu đồng/con tại “Ngày hội cá cảnh” vừa diễn ra ở TP HCM

Cá cảnh nước ngọt xuất khẩu hơn 70 loài, trong đó khoảng 45 loài nuôi sinh sản nhân tạo, hơn 20 loài được khai thác từ sông suối và khoảng 10 loài có nguồn gốc nhập khẩu từ Thái Lan, Đài Loan. Những loài cá cảnh có tỉ lệ xuất khẩu cao hiện nay là cá dĩa, neon, bảy màu, mô ly, hòa lan, phượng hoàng, chạch rắn, lòng tong, bướm bầu, thủy tinh, xiêm, sặc, ông tiên, tai tượng… Nhóm cá cảnh biển xuất khẩu chỉ chiếm tỉ lệ dưới 1%. Cá cảnh của TP đã xuất khẩu đến 52 quốc gia; trong đó, thị trường châu Âu chiếm 60%, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ và Nam Phi.
Với kết quả đó, TP đặt mục tiêu cả năm 2017 sẽ xuất khẩu từ 18-20 triệu con cá cảnh, với giá trị kim ngạch là 20-25 triệu USD, tăng từ 15%-20% so với năm 2016.
Ông Tống Hữu Châu, chủ trang trại cá cảnh Châu Tống (quận 12), cho biết nuôi cá cảnh xuất khẩu được TP chọn là lĩnh vực quan trọng trong nền nông nghiệp đô thị. Do đó, TP đã có các chính sách phát triển cá cảnh, hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay cho hộ gia đình và các công ty trong quá trình sản xuất. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông TP đã nghiên cứu sinh sản được 3.000 con cá neon Việt Nam giống, bước đầu nghiên cứu sinh học sinh sản, xây dựng quy trình kỹ thuật thuần dưỡng trong điều kiện nuôi nhân tạo cá thủy tinh được khai thác từ tự nhiên, nâng tỉ lệ sống từ 25% lên 70%. Đồng thời, chuyển giao cho trại cá cảnh Thiên Đức (huyện Củ Chi) cá neon sinh sản, đến nay trại có 3.000 cá con và 200 cá bố mẹ neon Việt Nam; chuyển giao kỹ thuật nuôi dưỡng, cho sinh sản bán nhân tạo và bàn giao 100 cá neon Việt Nam 2 tháng tuổi cho Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao, thuộc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông cũng đã triển khai đúng thời vụ những mô hình cá cảnh tại các quận, huyện. Trong đó, lợi nhuận từ mô hình cá koi lên tới 600 triệu đồng/vụ; cá dĩa thương phẩm 160 triệu đồng/vụ; sinh sản cá dĩa đạt 163 triệu đồng/vụ…
Trung tâm Khuyến nông đang tiếp tục tìm những giống cá mới, đẹp để đưa vào kế hoạch thực hiện mô hình trong năm 2018.
Theo đó, mục tiêu của TP đến năm 2020, sản lượng sản xuất cá cảnh sẽ đạt 150-180 triệu con, xuất khẩu đạt 40-50 triệu con, kim ngạch đạt 40-50 triệu USD.

Gặp khó vì rào cản kỹ thuật

Theo Chi cục Thủy sản TP, nghề sản xuất cá cảnh của TP đến nay chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Hầu hết các trại nuôi chưa có sự đầu tư đúng mức và phù hợp về cơ sở hạ tầng. Thực hành sản xuất mang tính truyền thống, quy trình sản xuất chủ yếu dựa theo kinh nghiệm mà không tuân thủ quy trình chuẩn nên vấn đề vệ sinh, tiêu độc khử trùng, bảo đảm an toàn dịch bệnh chưa được quan tâm. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại một số khu vực trong TP cũng ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cá cảnh. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực cá cảnh như quy trình chọn giống, sản xuất giống, lai tạo giống mới và chế độ dinh dưỡng phù hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm cá cảnh vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất, kinh doanh cá cảnh chưa có sự liên kết chặt chẽ, đặc biệt là vai trò của các hội, chi hội cá cảnh còn nhiều hạn chế. Hội viên phân tán chưa phát huy sức mạnh thực sự của các nghệ nhân có tâm huyết. Số lượng tổ hợp tác và HTX cá cảnh còn ít và hoạt động chưa hiệu quả. Số hộ nuôi cá cảnh được tiếp cận chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP còn ít. Dự án xây dựng chợ hoặc trung tâm giao dịch sinh vật cảnh, cá cảnh trên địa bàn TP vẫn chưa được triển khai.
Ông Lê Hữu Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức (chủ trại cá cảnh Thiên Đức), cho biết châu Âu là thị trường tiêu thụ cá cảnh lớn của thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường khó tính, có nhiều rào cản kỹ thuật và thủ tục phức tạp cho các nhà xuất nhập khẩu. Nhu cầu cá cảnh quanh năm song vào mùa hè, khách hàng châu Âu quan tâm nhiều đến dòng cá lạnh (cá chép, cá tàu). Do đó, cơ quan chức năng cần sớm công bố thủ tục và kết quả việc thực hiện công tác phối hợp với châu Âu để được xuất cá chép từ Việt Nam. Đồng thời, kết nối tour du lịch của khách nước ngoài đến được với một số doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu nhằm giới thiệu sản phẩm trực tiếp.
Ông Tống Hữu Châu đánh giá mức độ phát triển nghề nuôi cá cảnh của TP cũng như tỉ trọng xuất khẩu vẫn còn khá thấp so với tiềm lực, việc xuất khẩu sang thị trường châu Á chủ yếu bán cho khách những mặt hàng họ cần hoặc không có. Khó khăn trong việc xuất cá cảnh đi Hàn Quốc như một số loại cá bảy màu là cơ quan kiểm dịch nước này đòi hỏi giấy phép NAFI (Trung tâm Chất lương nông lâm thủy sản) thay vì của Trung tâm Thú y Vùng 6 hoặc Chi cục Thủy sản. Tương tự, Đài Loan (Trung Quốc) cũng có nhiều rào cản về kỹ thuật làm cho việc xuất khẩu cá cảnh sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Riêng thị trường Trung Quốc, Việt Nam chỉ giao thương mua bán qua đường tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc hoặc quá cảng qua Thái Lan.

Cá rồng, một trong những loài cá cảnh đắt nhất hiện nay

Giống trong nước đang suy thoái

Ông Tống Hữu Châu cho biết các cơ sở sản xuất, nuôi cá cảnh đa phần sản xuất giống thuần túy từ những loài đã có sẵn hoặc nhập từ nước ngoài về bán và làm giống. Trong khi các chủng loài cá cảnh có giá trị trong nước lại đang suy thoái về chất lượng giống. Một số loài cá cảnh tự nhiên gần như tuyệt chủng như cá thái hổ. Do đó, TP nên tạo điều kiện để các cơ sở, doanh nghiệp nhập giống về để cải tạo đàn giống cũ và tìm kiếm các nguồn giống mới.

Theo báo Người lao động, kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Xuất khẩu tôm vươn ra 93 thị trường thế giới

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam đã vươn rộng ra 93 thị trường trên thế giới, tăng 8 thị trường so với cùng kỳ năm ngoái.

Và tăng trưởng tốt trong nhiều tháng qua, dự báo xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm khi nhu cầu thị trường tăng mạnh vào dịp lễ Noel và năm mới 2018.

1. Chủ động nuôi

Ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm nuôi tại ĐBSCL những tháng cuối năm 2017 được dự báo thuận lợi, nguồn cung nguyên liệu không quá khan hiếm, thị trường đầu ra rộng mở.

Là đơn vị sản xuất tôm theo chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, Cty CP Thủy sản Trung Sơn (Kiên Lương, Kiên Giang) rất chú trọng phát triển vùng nuôi nhằm chủ động nguyên liệu tại chỗ.

Ông Trương Minh Điền, Phó Tổng Giám đốc kỹ thuật Cty CP Thủy sản Trung Sơn cho biết, Cty đang đầu tư 650ha vùng nuôi, trong đó đang khai thác sử dụng là 350ha với 160ha mặt nước thả nuôi. Dù đã thời điểm cuối vụ nhưng Cty vẫn duy trì thả nuôi gần 20 ao (5.000m² mặt nước/ao), tôm nuôi được từ 40 – 60 ngày tuổi. Nếu thuận lợi, tôm nuôi khoảng 85 – 90 ngày sẽ cho thu hoạch, với năng suất từ 10 – 15 tấn/ao. Ngoài tôm đông lạnh trong kho, thì đây sẽ là nguồn cung tôm rất quan trọng trong những tháng cao điểm cuối năm.

Các tập đoàn chế biến tôm xuất khẩu lớn tại ĐBSCL thời gian qua cũng rất chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu, sản xuất bền vững. Cụ thể, Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau) đang sản xuất tôm sinh thái (tôm – rừng, tôm – lúa) với diện tích tự đầu tư trên 900ha. Ngoài ra, tập đoàn còn liên kết, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi cho khoảng 12.000 hộ nuôi tôm sinh thái khác trong vùng, khoảng 100.000ha nữa. Đây sẽ là nguồn cung cấp tôm nguyên liệu sạch cho nhà máy chế biến, xuất khẩu đi hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có gồm thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.

Tại Bạc Liêu, nhiều đơn vị nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả rất tốt, năng suất vượt trội, hiệu quả kinh tế cao.

Cụ thể, Cty TNHH MTV Hải Nguyên (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) tổng diện tích đầu tư nuôi 60ha, thả nuôi được 20ha mặt nước. Trong đó, 10ha nuôi trong nhà lưới mật độ 100 – 150 con/m² và 10ha nuôi ngoài trời mật độ 60 – 80 com/m² hiện tại thu hoạch được 3ha, sản lượng 90 tấn, diện tích đang còn tôm là 17ha. Chi nhánh Cty CP Việt Úc Bạc Liêu (xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu) đầu tư với tổng diện tích toàn khu hơn 315ha, đang tiếp tục xây dựng 8 trại, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2017.

2. Đầu ra rộng mở

Theo các đánh giá, tình hình xuất khẩu thủy sản thời gian qua khá ấn tượng, với kim ngạch 9 tháng đầu năm đạt hơn 5,9 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là bốn thị trường tiêu thụ thủy sản lớn của Việt Nam. Các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là Trung Quốc (63,3%), Hà Lan (35,1%), Anh (29,5%), Hàn Quốc (28%), Nhật Bản (27,7%), Canada (21,5%).

Hiện nay, Cty CP Trung Sơn đang xuất khẩu tôm qua các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… với mặt hàng chính là tôm đông lạnh nguyên con và tôm chế biến giá trị gia tăng cao. Nhờ có nguồn nguyên liệu tại chỗ, được nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao và chủ động thu hoạch theo đứng kích cỡ (size) khách hàng yêu cầu nên sản phẩm của Trung Sơn luôn dễ dàng vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các thị trường khó tính.

Ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả tốt, năng suất vượt trội, hiệu quả kinh tế cao

Theo đại diện VASEP, hiện nay châu Âu rất chú trọng đến việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản xuất bền vững. Nhiều nước EU xem đây là điều kiện bắt buộc để thủy sản được chấp nhận vào thị trường. Các quy trình sản xuất bền vững, an toàn với dịch bệnh, môi trường như: tôm nuôi sinh thái, tôm hữu cơ… tại Việt Nam đang được các thị trường này rất ưa chuộng. Trong khối thị trường châu Âu thì Hà Lan, Anh và Bỉ là ba nước nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam.

Theo Sở Công thương Kiên Giang, 9 tháng đầu năm nay chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh tăng 8,21% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến đạt 26.290 tỷ đồng, tăng 8,4%. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh cũng có bước tăng trưởng tốt, 9 tháng ước đạt 357,63 triệu USD, tăng 38,63% so với cùng kỳ, trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng thủy hải sản, với 54,97%.

Còn tại Cà Mau, Sở Công Thương tỉnh này cho biết, trong 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm đạt gần 750 triệu USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong tháng 9 vừa qua, giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh đạt gần 120 triệu USD.

Ông Phan Thanh Sang, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công thương Cà Mau cho biết, tình hình xuất khẩu có nhiều tín hiệu khả quan. Đặc biệt, hiện các thị trường như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc đang nhập mạnh các mặt hàng tôm để chuẩn bị cho dịp lễ, tết cuối năm, giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh trong quý IV sẽ tăng cao. Khả năng đạt chỉ tiêu 1,1 tỷ USD trong năm nay là rất lớn.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Phòng trừ dịch bệnh thuỷ sản sau bão, lũ

Sau khi lũ chấm dứt, cần thu gom lượng tôm, cá nuôi sót lại. Xử lý môi trường (thủy sản chết, rác thải nếu có) đúng theo quy định; tuyệt đối không vứt xác thủy sản chết, rác thải gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh.

1. Ổn định môi trường

Đối với các ao nuôi không bị sạt lở và vỡ bờ, người nuôi cần xả bớt lượng nước tầng mặt trong ao để duy trì mực nước thích hợp và chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh. Khi xả nước cần phải lưu ý để tránh làm giảm độ mặn đột ngột (trong ao nuôi tôm), tránh tràn bờ, vỡ cống (do lượng nước sau mưa bão là rất lớn). Thường xuyên theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh.

Cần đảm bảo môi trường ao nuôi cho cá, tôm ổn định bằng các biện pháp như sử dụng vôi nước bón định kỳ cho ao nuôi để điều chỉnh pH. Khi kiểm tra pH trong ao nếu chỉ số chưa đạt ngưỡng thích hợp cần bón CaCO3 với lượng 15 – 20 kg/100 m². Ngoài ra, người nuôi còn phải kiểm tra các yếu tố khác như lượng khí độc trong ao để có biện pháp xử lý kịp thời. Sau khi ổn định được độ trong, cần tiến hành gây lại màu nước cho ao nuôi để đảm bảo sự phát triển ổn định của vật nuôi.

Xử lý ao nuôi bằng vôi

Đối với ao tôm, hạn chế tối đa việc sử dụng trực tiếp nguồn nước ngoài sông, rạch đưa vào nuôi. Nước cần được lấy qua ao lắng và xử lý trước khi bơm vào ao.

2. Chăm sóc

Thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao. Khi có hiện tượng cá, tôm nổi đầu cần xác định nguyên nhân, nếu là do thiếu ôxy, cần tăng quạt nước hoặc phun nước, thay một phần nước ao, hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ. Nếu tôm, cá có các biểu hiện bất thường, người nuôi cần liên hệ với cán bộ khuyến nông cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh thiệt hại.

Cần theo dõi tình hình thời tiết để điều tiết lượng thức ăn cho động vật nuôi; sau khi mưa lũ chấm dứt hoàn toàn mới cho thủy sản ăn trở lại nhưng chỉ cho ăn với lượng 30 – 50% so lúc bình thường. Cần cho tôm, cá ăn đầy đủ, tránh những thức ăn bị hư, thối. Đồng thời bổ sung Vitamin C, khoáng trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng tùy theo đối tượng nuôi, ví dụ như rô phi là 50 – 60 mg/kg cá/ngày. Hoặc dùng chế phẩm sinh học và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Người nuôi có thể sử dụng dầu mực để bao bọc thức ăn và thuốc, tránh tan rữa nhanh trong môi trường nước. Tạo mùi hấp dẫn cho cá, tôm bắt mồi nhiều. Liều dùng 10 g/kg thức ăn.

Thường xuyên theo dõi tình hình của các động vật nuôi

Đối với các loài nhuyễn thể nuôi (ngao/nghêu, hầu, sò huyết…), ngoài vấn đề kiểm tra các yếu tố môi trường cơ bản (như pH, nhiệt độ, độ mặn…), người nuôi cần tiến hành vệ sinh bãi nuôi sạch sẽ, chủ động san thưa, không để mật độ nuôi quá dày, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản, cần kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi, đảm bảo nằm trong ngưỡng cho phép. Cùng đó, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Sử dụng chất khử trùng (có thể treo túi vôi hoặc viên TCCA) treo trong lồng/bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi.

Thời điểm này, tôm cá thường dễ bị bệnh do các yếu tố thay đổi thất thường, nhất là thủy sản nuôi lồng bè. Một số bệnh thường gặp chủ yếu là do ký sinh trùng (trùng mỏ neo, trùng bánh xe…), vi khuẩn (Aeromonas, Vibrio…) gây ra. Phòng trị bệnh bằng cách cho ăn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc hoặc hóa chất tắm cho cá trong ao nuôi như muối ăn 2 – 4%, CuSO4 2 – 5%, Formaline 25 – 30 ppm hoặc phun trực tiếp xuống ao với liều lượng nhỏ hơn 10 lần.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Việt Nam chính thức tự sản xuất nguồn tôm bố mẹ

Ngày 11-11, Tập đoàn Việt – Úc đã công bố chương trình sản xuất tôm bố mẹ tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu, chọn tạo, gia hóa và sản xuất tôm bố mẹ cùng tôm giống ngay trong nước là cấp bách và rất quan trọng trong việc chủ động nguồn tôm giống phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD tôm vào năm 2020.

Hiện mỗi năm cả nước nhập khẩu 230.000 con giống, trong khi chỉ có 2 đơn vị được công nhận sản xuất giống thủy sản mới là Tập đoàn Việt – Úc và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 sản xuất được 20.000 – 25.000 con giống/năm. Nhu cầu này sẽ tăng lên 400.000 – 500.000 con giống/năm 2025.

Năm 2015, Tập đoàn Việt – Úc là doanh nghiệp đầu tiên chọn tạo thành công giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ chất lượng cao được Bộ NN-PTNT công nhận giống mới là đóng góp quan trọng chọ sự phát triển chung ngành tôm Việt Nam.

Đây là kết quả của hơn 5 năm triển khai chương trình chọn giống tôm bố mẹ thẻ chân trắng mà Tập đoàn Việt – Úc hợp tác với Viện CSIRO. Hiện đã chọn được giống thế hệ G7 với tốc độ tăng trưởng bình quân tốt hơn thế hệ G0 là 48%. Từ chỗ nguồn tôm bố mẹ chủ yếu được sản xuất từ Mỹ, Singapore, Thái Lan, nay Việt Nam chính thức tự sản xuất nguồn tôm bố mẹ riêng.

Dịp này, Tập đoàn Việt – Úc ký kết hợp tác chiến lược với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, Đại học Nông Lâm TP, ĐH Cần Thơ, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Nha Trang và một số tỉnh nhằm sản xuất ra tôm giống phục vụ nhu cầu tại chỗ. Tổng công suất các trại nuôi của Tập đoàn Việt – Úc trên 50 tỷ con giống/năm.

Nguồn: Vietuc.com.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Chất lượng tôm giống Nam Trung bộ đứng đầu!

Tôm giống SX tại Nam Trung bộ được người nuôi trồng thủy sản đánh giá đứng đầu cả nước. Để không ngừng nâng cao chất lượng, uy tín và thương hiệu tôm giống “ra lò”, các DNSX tôm giống đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, phát triển theo hướng công nghệ cao, hiệu quả và bền vững.

“Thủ phủ” tôm giống lâu đời

Các tỉnh Nam Trung bộ được xem là thủ phủ tôm giống lớn nhất cả nước. Hàng năm, các cơ sở SX tại khu vực này cung cấp khoảng 50% lượng tôm giống nước lợ cho người nuôi tôm khắp các tỉnh, thành, số còn lại SX tại các tỉnh ĐBSCL (Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang,…) cùng một số tỉnh phía Bắc.

Tôm giống sản xuất tại Nam Trung bộ được người nuôi tôm ưa chuộng

Nghề SX tôm giống ở Bình Thuận bắt đầu hình thành từ những năm 1990 với vài cơ sở nhỏ lẻ ở khu vực Bực Lỡ, xã Vĩnh Tân (Tuy Phong). Sau đó bung ra rất mạnh giai đoạn 1996-1998, và đến nay toàn tỉnh đã có 133 cơ sở SX giống thủy sản, với hơn 600 trại giống, tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Tân. Hiện Bình Thuận đóng góp sản lượng tôm giống chiếm 20% thị phần cả nước nhưng chiếm 70-80% về con giống chất lượng.

Ông Lưu Quyết Tiến, Phòng Quản lý nuôi trồng, Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết, sở dĩ tôm giống ở đây có chất lượng hàng đầu bởi ngoài điều kiện thiên nhiên ưu đãi như nguồn nước sạch, độ mặn nước biển ổn định, thì các DN còn có truyền thống, kinh nghiệm làm tôm giống nhiều năm, tâm huyết với nghề, chịu đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng KHKT…

Trong đó, có nhiều cơ sở quy mô khá lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại với đội ngũ cán bộ kỹ thuật lành nghề, coi trọng chất lượng, uy tín, thương hiệu tôm giống, như Cty CP Thủy sản Việt Úc Bình Thuận (thuộc Tập đoàn Việt Úc), Cty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, Cty Thông Thuận, Cty Đại Thịnh, DNTN Trần Hậu Điển, DNTN Tuấn Cự… Mỗi năm tỉnh SX trên 20 tỷ con tôm giống chất lượng cao, kháng bệnh tốt, nuôi mau lớn.

Còn tại Ninh Thuận, ông Nguyễn Xuân Thọ, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, toàn tỉnh có gần 500 cơ sở nhân ương, kinh doanh tôm giống, với hơn 1.200 trại tôm. Trong đó 2 vùng SX giống tập trung lớn nhất đã được quy hoạch ở xã An Hải (Ninh Phước) và xã Nhơn Hải (Ninh Hải); ngoài ra còn có khu vực SX giống nhỏ lẻ ở Cà Ná, Ninh Chữ, Tri Hải…

Hàng năm Ninh Thuận xuất ra thị trường khoảng 25- 30 tỷ con tôm giống, đáp ứng cho nhu cầu nuôi nội địa 30-40%, còn lại bán đi các tỉnh ngoài. Về chất lượng, tôm giống ở đây cũng đứng tốp đầu, được người nuôi ưa chuộng.

Không ngừng nâng tầm chất lượng

Để nâng cao chất lượng, các DN tôm giống ở cả 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đã không ngừng nâng cấp, mở rộng quy mô SX. Các cơ sở đều chú trọng đầu tư, tìm kiếm những công nghệ SX con giống sạch bệnh, kháng bệnh, nuôi đạt tỷ lệ sống cao nhất, không sử dụng kháng sinh mà chỉ dùng men vi sinh.

Ông Phan Tuấn Cự, GĐ DNTN Tuấn Cự, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận chia sẻ: Trong lúc này, nếu các DN tôm giống không tự nâng cao trình độ, tạo ra con giống tốt thì người nuôi sẽ quay lưng lại, tôm giống nhập khẩu về nhiều sẽ “bóp chết” các cơ sở trong nước. Xác định được như vậy, các DN tôm giống ở Bình Thuận đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật.

Thứ nhất, thường xuyên tu sửa, nâng cấp các bể ươm nuôi. Thứ 2, áp dung quy trình xử lý nước và lọc nước để có nguồn nước biển sạch nhất; áp dụng quy trình nuôi tảo tươi, men vi sinh, đặc biệt không dùng kháng sinh. Thứ 3, chọn lựa tôm giống bố mẹ tốt, chất lượng cao, không nuôi tôm bố mẹ quá thời gian quy định. Thứ 4, nguồn thức ăn mua của các Cty, tập đoàn uy tín, đảm bảo tôm ăn đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.

Còn ông Nguyễn Xuân Thọ, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Ninh Thuận cho biết để không ngừng nâng cao chất lượng tôm giống, các cơ sở SXKD ngoài việc đáp ứng các điều kiện cần thiết cho SX thì chất lượng tôm bố mẹ nhập từ nước ngoài cũng hết sức quan trọng.

Do đó các cơ sở tôm giống trong tỉnh đều nhập tôm bố mẹ từ Mỹ, Singapore, Indonesia, Thái Lan là những nước có quy trình giám sát, gia hóa, lai tạo, chọn lọc gen di truyền, ứng dụng công nghệ chọn giống tôm bài bản để cho ra đời những đàn giống chất lượng.

Dẫn chúng tôi tham quan sở sở tôm giống của mình, ông Phan Tuấn Cự cho biết, hiện DN đã quy hoạch khu nuôi tôm bố mẹ và tôm giống thành các khu SX riêng biệt. Để có nguồn nước nuôi ương tốt nhất, DN đã mua 2 máy lọc nước UF, đầu tư trang thiết bị, phòng xét nghiệm riêng, hiện đại cùng đội ngũ nhân viên, kỹ sư giàu kinh nghiệm.

DN chỉ chọn nhập tôm bố mẹ sạch bệnh, kháng khuẩn tốt; áp dụng công nghệ vi sinh (không có kháng sinh) trong SX để cho ra đời những mẻ con giống tốt nhất. Hàng năm DN cung cấp cho người nuôi trên 1 tỷ con giống, hang SX ra đến đâu bán hết đến đó, thậm chí cháy hàng.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận khẳng định: Chúng tôi quyết giữ vững chất lượng tôm giống hàng đầu cả nước. Ngoài tăng cường kiểm soát đầu ra, đảm bảo con giống đạt tiêu chuẩn cao nhất, chúng tôi khuyến khích các DN ứng dụng công nghệ cao để chất lượng tôm giống không ngừng nâng lên. Đồng thời tháo gỡ các bất cập, đơn giản thủ tục hành chính và tạo điều kiện tốt nhất cho các DN.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tổng kết tình hình sản xuất muối và artemia

Ngày 15-11, tại Nhà văn hóa xã Vĩnh Tân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND TX. Vĩnh Châu tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình sản xuất muối, artemia năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018.

Sản xuất artemia ở Vinh Châu.

Theo báo cáo, tổng diện tích sân nền sản xuất muối là 50,3ha, sản lượng thu hoạch 2.400 tấn, năng suất bình quân 47,7 tấn/ha và sản lượng muối mà diêm dân sau thu hoạch tiêu thụ được 63%, giá muối dao động từ 600 đồng – 750 đồng/kg; hiện số muối còn dự trữ tại hộ khoảng 880 tấn. Theo bà con diêm dân, sau thu hoạch trừ các khoản chi phí thì sản xuất muối mang lại lợi nhuận 3 triệu đồng/ha.

Đối với artemia, diện tích thả nuôi là 694ha, đạt 100% kế hoạch, có 302 hộ tham gia, sản lượng trứng bào xác thu hoạch gần 13.400kg, năng suất bình quân ước 19kg/ha, sau khi artemia hết cho trứng thì thu sinh khối bán với số lượng 117.950kg, giá trứng bình quân từ 1 – 1,1 triệu đồng/kg, ước giá trị hơn 14,7 tỉ đồng, người dân lợi nhuận đã trừ chi phí là 18 triệu đồng/ha.

Trong quá trình sản xuất, bà con gặp thuận lợi trong chỉ đạo sản xuất của các ban ngành địa phương nên đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật do ngành chuyên môn chuyển giao trong kỹ thuật sản xuất muối, nuôi artemia, kể cả đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tiến các quy trình sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Bên cạnh thuận lợi đã nêu, tình hình sản xuất tại hộ dân được các đại biểu chia sẻ còn gặp một số khó khăn, như: thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều làm ảnh hưởng đến làm muối, việc thả nuôi artemia; hiện các kênh thủy lợi nội đồng bị bồi lắng làm ảnh hưởng trong việc lấy nước lên ruộng nuôi, nguồn vốn hỗ trợ còn hạn hẹp, khó tiếp cận vốn ngân hàng, đầu ra sản phẩm phụ thuộc thương lái.

Trong năm 2018, kế hoạch sản xuất muối trên địa bàn TX. Vĩnh Châu dự kiến 100ha, sản lượng 5.000 tấn và artemia sản xuất 650ha, sản lượng trên 30 tấn, năng suất khoảng 50kg/ha.

Để vụ mùa thành công cũng như tiêu thụ tốt sản phẩm sau thu hoạch, đồng chí Trương Văn Đúng nêu giải pháp trọng tâm, gồm: đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông nội bộ ở các hợp tác xã về nạo vét kênh cấp thoát nước bị bồi lắng, sạt lở, gia cố đường vận chuyển muối; tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật; mở các lớp chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất muối, artemia; đề xuất các chính sách đầu tư vốn tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho các hộ dân và hợp tác xã, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường; nâng cao chế biến tạo sự ổn định trong khâu tiêu thụ.

Nguồn: Báo Sóc Trăng được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

 

Nuôi tôm trên núi kiếm trăm triệu mỗi năm

Hàng chục hộ dân tại tỉnh Đồng Nai từ lâu sinh sống bằng nghề nuôi tôm trên núi đá. Hàng chục ha diện tích mặt nước trong xanh giúp họ thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Nghề nuôi tôm ở vị trí đặc biệt này tồn tại từ lâu tại xã Trà cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Hiện ở địa phương này có gần 50 ha mặt nước trong xanh trên núi dành để nuôi tôm.

Thu hoạch tôm ở Trà Cổ

Cách đây đến vài chục năm, nghề nuôi tôm trên núi đá ở đây đã hình thành. Những hồ nước hình thành trong không gian tuyệt đẹp, khí hậu trong lành lại đem đến nguồn thu nhập nuôi sống người dân.

Tôm được nuôi ở các hồ đá là loại tôm càng xanh, thân lớn, thịt chắc thơm ngon. Thức ăn dành cho chúng không phải thức ăn công nghiệp mà là cám từ bắp và các loại thực phẩm tạp ở miền quê do người dân tự chế biến.

Sản phẩm tôm trên núi

Theo một cán bộ xã Trà Cổ, hiện tại địa phương có khoảng 45 hộ làm nghề nuôi tôm càng xanh. Anh Đoàn Nam Quốc, một hộ nuôi tôm, cho biết nhà anh có hai hồ nuôi với tổng diện tích vài nghìn m². Mỗi đợt thu hoạch tôm cách nhau khoảng 4 tháng. Tôm nước ngọt có màu pha xanh bắt mắt, có con dài đến 25cm, trung bình cứ khoảng 10-15 con nặng 1kg.

Việc nuôi tôm ở vùng núi mang nét độc đáo của địa phương

Hiện, tôm này có giá gần 200.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm với diện tích 1 ha, người nuôi tôm thu về khoảng 200-300 triệu đồng.

Các hộ nuôi tôm cho biết cứ đến đợt thu hoạch thương lái từ các vùng đến thu mua.

Nụ cười mùa thu hoạch

Theo các cán bộ địa phương, hầu hết các hồ có diện tích lớn hình thành lâu đời từ đặc thù địa chất, cũng có nơi ở vùng trũng người dân tự khơi thành ao sử dụng tạo nên nguồn sống mang nét đặc thù cho vùng đất này.

Nguồn: Báo Người lao động được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.