Acid folic đối với tôm càng xanh Macrobrachium rosenbergii

Các nhà khoa học Ấn Độ đã đề xuất rằng có thể bổ sung folic acid giúp kích thích tôm tăng trưởng, hiệu quả tiêu hóa thức ăn và hệ thống phòng chống oxy hoá của tôm càng xanh M. rosenbergii.

Acid folic tăng cường tăng trưởng và sức đề kháng của tôm. 

Vitamin được coi là các hợp chất hữu cơ có trọng lượng phân tử thấp được sử dụng với số lượng nhỏ để duy trì sự trao đổi chất, tăng trưởng bình thường và sức khoẻ của cá. Acid folic là một dạng vitamin hòa tan trong nước, rất quan trọng trong quá trình trao đổi chất amino acid và nucleotide, tăng trưởng và sức khoẻ của hầu hết các loài động vật thủy sinh.

Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) là một đối tượng thủy sản cho năng suất cao, tăng trưởng nhanh, rộng muối và có các sức sống rất cao như chịu nhiệt độ, kháng bệnh cũng như hương vị cao của nó và giá trị thương mại cao. Ngoài ra còn là nguồn dinh dưỡng bổ sung protein, axit amin thiết yếu, axit béo không bão hòa và ít chất béo. Do đó, nó có thể được sử dụng như là một lựa chọn an toàn cho người tiêu dùng.

Có nhiều nghiên cứu về các yêu cầu dinh dưỡng của tôm càng xanh, nhưng những thông tin liên quan đến nhu cầu vitamin và chức năng dinh dưỡng của tôm vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, không có thông tin về hiệu quả chống oxy hoá và các thông số sinh học huyết thanh của acid folic đối với tôm càng xanh M. rosenbergii, những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ của tôm.

Một thử nghiệm của các nhà khoa học Ấn Độ cho ăn kéo dài 12 tuần đã được tiến hành để xác định tác động của việc bổ sung acid folic trong chế độ ăn đối với hoạt động của enzym tiêu hóa, thành phần cơ, đáp ứng miễn dịch, khả năng chống oxy hoá và hoạt tính enzyme của tôm càng xanh Macrobrachium rosenbergii.

Thí nghiệm

Các nghiệm thức được bổ sung axit folic với tỷ lệ 0 (đối chứng), 0,5; 1,0; 2,0;4,0 và 8,0 mg/kg trọng lượng thức ăn khô. Axit folic bổ sung vào thức ăn và cho tôm càng xanh M. rosenbergii ăn trong thời gian 90 ngày.

Kết quả

Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy trọng lượng cơ thể cuối cùng, tăng trọng, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn cải thiện đáng kể (P <0,05) khi mức acid folic bổ sung tăng lên từ 0,5 đến 2,0 mg/kg. Tuy nhiên, những con tôm ăn với thức ăn bổ sung 4,0-8,0 mg/kg acid folic cho thấy hiệu quả lại kém hơn.

Thêm vào đó, tôm ăn 0,5 – 2,0 mg/kg khẩu phần bổ sung acid folic cải thiện đáng kể hoạt tính tăng trưởng, hoạt động của enzym tiêu hóa và các thành phần sinh hóa trong cơ. Trong khi tôm ăn khẩu phần bổ sung trên 2,0 mg/kg acid folic cho thấy nồng độ protein tổng số (p <0,05) cao hơn đáng kể.

Tác dụng chống oxy hoá của hoạt tính enzym (SOD, CAT) trong cơ không thấy có sự thay đổi đáng kể (P> 0,05) đối với nhóm tôm nuôi ăn chế độ ăn bổ sung axit folic 0,5 – 2,0 mg/kg.

Kết luận

Từ các kết quả nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã đề xuất rằng có thể bổ sung 2,0 mg/kg acid folic giúp kích thích tôm tăng trưởng, tăng hiệu quả tiêu hóa thức ăn và hệ thống phòng chống oxy hoá của tôm càng xanh M. rosenbergii.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tôm, cá VietGAP phục vụ tết

Nhiều nông dân nuôi tôm, cá tại tỉnh Kiên Giang rất phấn khởi khi sản phẩm do họ nuôi trồng được cơ quan chức năng cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, kịp đưa ra thị trường phục vụ dịp cuối năm.

Cá tôm nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP sẵn sàng phục vụ tết 2017. 

Bà Đặng Khánh Hồng, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, từ các nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Quốc gia, TTKN tỉnh và Tổ chức GIZ thuộc Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP), đơn vị đã hỗ trợ hàng chục hộ nông dân nuôi tôm – lúa, tôm thâm canh và cá chạch bùn… xây dựng quy trình nuôi VietGAP. Sau khi nuôi, các hộ được cơ quan chức năng thẩm định, cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Cụ thể, tại tổ hợp tác nuôi tôm sú – lúa ấp Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh (An Minh), có 4 hộ nuôi trên diện tích 9,6 ha, sản lượng tôm thu 1.660 kg, được Cty TNHH Công nghệ NhoNho chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Văn Trường, tổ viên có 2,6 ha mô hình cho biết, nuôi tôm – lúa theo VietGAP đòi hỏi người nuôi phải được tập huấn, nắm vững quy trình kỹ thuật, ghi chép sổ sách cẩn thận, tuyệt đối không dung chất cấm, hóa chất ngoài danh mục.

Vì vậy, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Là người làm ra tôm sạch, không chỉ đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, mà cả cho chính người SX, môi trường nuôi được bền vững, nên người nuôi rất yên tâm. Một khi thị trường tiêu thụ tốt thì thu nhập của họ cũng tăng lên theo.

Trước đó, tổ hợp tác nuôi tôm – lúa tại ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A (An Biên) được TTKN Kiên Giang phối hợp với Cty TNHH Công nghệ NhoNho trao chứng nhận VietGAP cho sản phẩm tôm sú, kinh phí do Tổ chức GIZ tài trợ. Tổ hợp tác có 4 hộ nông dân cùng nuôi, sản lượng tôm sú 8 tấn/năm. Ông Nguyễn Văn Ngọc, một hộ nông dân tham gia mô hình chia sẻ: “Năm nay, tôi thu trên 1.000 kg tôm/2ha, bán được trên 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi một nửa”.

Theo ông Ngọc, để thực hiện mô hình, nông dân phải có từ 2ha trở lên, vì phải thiết kế lại vuông nuôi thành ao lắng, ao vèo, ao nuôi… Môi trường phải được xử lý kỹ như xới mặt ruộng, xả bỏ nước, rải vôi bột cả trên bờ lẫn mặt ruộng (khoảng 500 kg/ha), diệt khuẩn bằng Iodine… Khi thấy nước đạt chất lượng mới cấp vào vèo và ao nuôi. Tôm nuôi 2 giai đoạn, và trong quá trình nuôi, bổ sung thức ăn cho tôm theo quy trình, đảm bảo tôm phát triển tốt.

Sau khi kết thúc vụ tôm, các hộ dân tổ hợp tác nuôi tôm – lúa tại ấp Thái Hòa được hỗ trợ làm lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện lúa đã chuẩn bị cho thu hoạch. “Chúng tôi đang có kế hoạch hỗ trợ, thu mua chế biến, đóng gói gạo VietGAP để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, bà Đặng Khánh Hồng cho biết thêm.

Ngoài mô hình tôm – lúa, có 6 cơ sở tại huyện Kiên Lương và TX Hà Tiên đăng ký liên kết SX tôm thẻ chân trắng thâm canh theo quy trình VietGAP. Qua đánh giá, có 5 cơ sở được Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 5 (Cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản) cấp chứng nhận sản phẩm thủy sản SX đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Đào Thọ Quí, có 70.000 m2 nuôi tôm tại phường Đông Hồ, TX Hà Tiên, phấn khởi nói: “Mỗi năm, cơ sở của tôi cung ứng ra thị trường 70 tấn tôm thương phẩm. Với quy trình nuôi đạt chứng nhận VietGAP, sản phẩm dễ dàng vào hệ thống siêu thị, các đơn vị thu mua chế biến cũng rất an tâm về chất lượng, ATTP”.

Bên cạnh con tôm nước lợ, TTKN Kiên Giang còn hỗ trợ nông dân 2 huyện Châu Thành, Giồng Riềng nuôi cá chạch bùn thương phẩm trong ao dùng thức ăn công nghiệp theo VietGAP, đã được Cty CP Chứng nhận và Giám định VINACERT cấp chứng nhận. Nông dân tham gia được hỗ trợ 60% chi phí con giống, 30% giá trị vật tư và được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.

Ông Hà Văn Bòn Ba, nông dân ở xã Giục Tượng (Châu Thành), người tham gia mô hình nhận xét: “Cá chạch bùn là đối tượng dễ nuôi, thích nghi rộng với môi trường, quy trình nuôi đơn giản, cá ăn thức ăn công nghiệp nên chủ động và tiết kiệm thời gian chăm sóc, môi trường nuôi ít bị ô nhiễm, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, trung bình lãi 18 triệu đồng/300 m2/vụ nuôi (khoảng 4 tháng)”.

Cá chạch bùn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP được tiêu thụ tốt tại các nhà hàng ở TP Rạch Giá

Nguồn: Tepbac.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tôm càng xanh: Đổ xô nuôi sẽ được mùa mất giá

Chỉ trong 1 năm, diện tích nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa của huyện Thới Bình (Cà Mau) đã tăng lên 4.000ha so với năm 2016, đưa tổng diện tích nuôi tôm càng xanh của huyện này lên gần 12.000ha. Đây được xem là năm có diện tích nuôi tăng đột biến, khiến mối lo ngại về điệp khúc được mùa – mất giá lại tái diễn.

Lãi cao, người dân đổ xô nuôi tôm càng xanh làm diện tích tăng vọt.

Mô hình bền vững, thu lãi cao

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, việc nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa được xem là mô hình kinh tế hiệu quả, ổn định và bền vững, chưa kể đây cũng là một mô hình nuôi trồng thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Tại tỉnh Cà Mau những năm qua, mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa ở huyện Thới Bình đã khẳng định tính hiệu quả từ năng suất, chất lượng cho đến giá trị của con tôm. Với nhiều tính ưu việt đó, mô hình đã phát triển thêm diện tích ở một số huyện khác như: U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước.

Theo Phòng NNPTNT huyện Thới Bình, mô hình đã thích ứng rất tốt với điều kiện tự nhiên, rủi ro dịch bệnh thấp, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, tạo ra sản phẩm sạch và tăng thu nhập trên cùng một diện tích cho bà con trồng lúa. Những năm qua, năng suất bình quân con tôm luôn đạt từ 150-220 kg/ha.

Theo nhiều nông dân áp dụng mô hình, sau khi trừ hết chi phí, bà con thu lãi từ 20-30 triệu đồng/ha, thậm chí có hộ đạt gần 50 triệu đồng/ha/vụ tiền lãi với loại tôm càng xanh toàn đực.

Lo ngại vấn đề đầu ra

Với hiệu quả kinh tế cao, người dân tại các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước bắt đầu phát triển ồ ạt diện tích nuôi tôm càng xanh. Tuy nhiên, điều đáng lo hiện nay là đầu ra ổn định cho con tôm vẫn chưa có lời giải.

Theo khảo sát của phóng viên, dù chưa bước vào vụ thu hoạch đồng loạt nhưng giá tôm càng xanh hiện chỉ từ 100.000-110.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân vẫn có lợi nhuận, tuy nhiên nhiều người lo ngại khi bước vào chính vụ thu hoạch, giá sẽ giảm mạnh.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Lê (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình), cho biết: Gia đình tôi thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa từ cách đây khoảng 6 năm. Bình quân mỗi năm với 1ha diện tích, gia đình có thu nhập tăng thêm từ con tôm càng khoảng 20 triệu đồng.

Cũng theo ông Lê, trong vụ tôm – lúa năm nay, người dân địa phương mở rộng diện tích nuôi và thả nuôi mới tôm càng xanh nhiều hơn mọi năm. Điều này khiến nhiều người lo ngại thương lái sẽ ép giá khi vào vụ thu hoạch đồng loạt. Bởi như vụ tôm năm 2016, khi người dân bước vào vụ thu hoạch rộ, giá tôm bất ngờ sụt giảm từ 20.000-50.000 đồng/kg so với năm trước.

Ông Kiều Văn Chiến – Chi Hội trưởng Chi hội Thuỷ sản ấp Lê Hoàng Thá (xã Tân Bằng), cho biết: Từ trước đến nay, nông dân nơi đây luôn mua bán trực tiếp với thương lái, ai mua giá cao thì nông dân bán, chứ chưa thông qua một hình thức bao tiêu đầu ra hay thông qua một tổ hợp tác nào cả. Chính vì vậy, giá cả đều do thương lái quyết định. Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi đã chọn giải pháp mang tôm trực tiếp ra các chợ bán lẻ để có giá thành cao hơn.

Từ thực tế trên, UBND huyện Thới Bình khuyến cáo người dân, giải pháp tạm thời hiện nay là không thu hoạch ồ ạt cùng cao điểm mà thu hoạch lúa trước, tôm thu hoạch sau, tốt nhất là qua cao điểm dịp Tết Nguyên đán nhằm để tôm lớn hơn và bán được giá hơn. Điều này vừa giải quyết tình trạng sản lượng tôm tăng ồ ạt gây mất giá, vừa tăng lợi nhuận cho bà con.

Về lâu dài, huyện sẽ liên kết với trường Đại học Cần Thơ tìm đầu ra cho tôm càng xanh. Đồng thời, địa phương sẽ gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện để làm đầu mối trung gian thu gom tôm của bà con.

Được biết, trong vụ thả nuôi năm nay, địa phương cùng với Trường Đại học Cần Thơ phối hợp tổ chức thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa với hình thức cho ăn dặm. Với quy mô 12ha cho 12 hộ dân ở ấp 3 và ấp 9 xã Thới Bình, mỗi hộ tham gia được Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ 100% con giống, 50% chi phí cải tạo ao đầm và thức ăn cho tôm.

Bên cạnh đó, huyện Thới Bình còn được hỗ trợ từ dự án “Tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa” với quy mô 270ha trải đều ở các xã và thị trấn từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào đầu năm 2017.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Băn khoăn đầu ra tôm càng xanh

Những năm qua, tôm càng xanh trên ruộng lúa đã bắt đầu “bắt nhịp” trên đồng đất Thới Bình và rải rác ở các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước. Từ hiệu quả ban đầu, người dân ồ ạt mở rộng diện tích. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra vẫn còn là câu hỏi lớn.
Băn khoăn đầu ra tôm càng xanh

Người dân huyện Thới Bình đang bước vào thu hoạch tôm càng xanh và lo lắng mất giá nếu thu hoạch đồng loạt.

Hiện nay, diện tích tôm càng xanh trên ruộng lúa của huyện Thới Bình gần 12.000 ha, tăng khoảng 4.000 ha so với năm 2016. Đây là năm tăng diện tích nuôi đột biến của huyện trong nuôi tôm càng xanh.

Sự đột biến trên ngoài nguyên nhân do người dân nhận thấy tính hiệu quả của mô hình mà tự ý mở rộng diện tích, còn phải kể đến sự “cộng hưởng” từ việc đầu tư những mô hình mới. Ví như dự án “tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa” với quy mô 270 ha trải đều ở các xã và thị trấn từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào đầu năm 2017.

Ngoài ra còn có sự “góp mặt” của mô hình thí điểm của trường Đại học Cần Thơ với hình thức cho tôm càng xanh ăn dặm trên diện tích thí điểm 12 ha. Mô hình này đang hứa hẹn 1 kết quả “đẹp” về năng suất.

Những lợi ích “kép” mà tôm càng xanh trên ruộng lúa mang lại trong thời gian qua không cần bàn cãi. Mô hình này vừa thích ứng với điều kiện tự nhiên, nhất là ít rủi ro về dịch bệnh, vừa hạn chế sử dụng hoá chất độc hại, tạo ra sản phẩm sạch, tăng thu nhập cho bà con.

Ông Nguyễn Bạch Đằng, ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu nuôi tôm càng xanh từ năm 2013, hiệu quả khá cao, tầm khoảng 150-200 kg/ha/năm. Năm nay thấy bà con nuôi đại trà, không biết thương lái có ép giá không. Theo tôi biết thì vùng trên giá cũng cao, mà ở đây chỉ từ 100.000-110.000 đồng/kg”.

Hiệu quả là vậy, tuy nhiên, không ai có thể khẳng định chắc chắn việc phát triển diện tích ồ ạt như hiện nay thì nguồn tôm nguyên liệu sẽ bán đi đâu. Và cuối cùng người có thể chịu thiệt vẫn là những nông dân chân lấm tay bùn.

Phó chủ tịch UBND xã Tân Bằng Lê Tuấn An cho biết: “Chi phí thả tôm càng xanh trên ruộng trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/ha, nhưng lãi cao vì không tốn tiền thức ăn. Về đầu ra thì hiện tại chưa ổn định, chủ yếu phụ thuộc thương lái, địa phương cũng có khuyến cáo nhưng do nông dân tự phát mở rộng diện tích”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Văn Dũng, từ mô hình thí điểm của trường Đại học Cần Thơ, năm nay huyện sẽ liên kết với trường tìm đầu ra cho tôm càng xanh. Địa phương sẽ liên kết, tìm những người có điều kiện để làm đầu mối trung gian thu gom tôm của bà con. Giải pháp tạm thời hiện nay là không thu hoạch ồ ạt vào cao điểm mà thu hoạch lúa trước, để tôm lại chờ qua Tết, tôm lớn bán được giá hơn, vừa giải quyết tình trạng sản lượng ồ ạt mất giá, vừa tăng lợi nhuận cho bà con.

Nguồn: Báo Cà Mau được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Công nghệ mới – Nuôi tôm càng xanh toàn cái

Các nhà khoa học Israel đã có ý tưởng rằng nuôi tôm càng xanh toàn cái, thay vì toàn đực có thể là sự lựa chọn hợp lý hơn vì cái ít hung hãn hơn và cũng ít tranh giành lãnh thổ hơn so với tôm đực và đây được cho là mô hình phát triển tương đối đồng nhất giữa các cá thể.

 Nuôi tôm càng xanh toàn cái có sự đồng đều và kích thước lớn hơn. 

Trong nghề nuôi giáp xác, kích cỡ hình thái giữa đực và cái là yếu tố chính quyết định lợi thế của nuôi trồng thuỷ sản đơn tính so với các quần thể hỗn hợp cả hai giới tính. Yếu tố này đặc biệt phù hợp đối với tôm càng xanh, Macrobrachium rosenbergii vì sự phức tạp của quá trình nuôi do cấu trúc xã hội phức tạp của đối tượng này, trong đó đàn những cá thể đực chiếm ưu thế, thường tranh giành lãnh thổ và ức chế sự tăng trưởng của những con đực và con cái nhỏ hơn.

Do đó, các nhà khoa học Israel đã có ý tưởng rằng nuôi tôm càng xanh toàn cái, thay vì toàn đực có thể là sự lựa chọn hợp lý hơn vì cái ít hung hãn hơn và cũng ít tranh giành lãnh thổ hơn so với tôm đực và đây được cho là mô hình phát triển tương đối đồng nhất giữa các cá thể.

Thí nghiệm

Trong báo cáo này, các nhà khoa học đã có đánh giá thực địa so sánh trên quy mô lớn lần đầu tiên của quần thể tôm càng xanh toàn cái so với nuôi hỗn hợp tôm với điều kiện nuôi cùng mật độ ở hình thức quảng canh và thâm canh trong ao đất. Nghiên cứu dựa trên cơ sở áp dụng công nghệ sinh học mới của Isreal dựa trên phương pháp sinh học mới bằng việc tiêm vào tế bào tuyến nội tiết nhằm tạo ra tôm càng xanh toàn cái.

Kết quả

Trong cả hai điều kiện nuôi thâm canh và quảng canh, ao nuôi tôm càng xanh toàn cái đã cho kết quả tốt hơn so với ao nuôi hỗn hợp cả hai giới tính trong hầu hết các thông số chủ yếu trong nuôi trồng thủy sản, bao gồm tỷ lệ sống và sản lượng trên một ha (năng suất).

Tăng trọng của ao nuôi tôm toàn cái ở hình thức quảng canh và thâm canh

So sánh sự tăng trọng giữa hai nhóm tôm nuôi

Ngoài ra, những ao thả cá có mật độ thả cao cho thấy tỷ lệ chuyển đổi thức ăn tốt hơn trong ao nuôi tôm càng xanh toàn cái so với nuôi hỗn hợp. Hơn nữa, trong khi kích thước trung bình không khác biệt đáng kể giữa ao nuôi thì quần thể tôm toàn cái thể hiện sự thống nhất về kích thước lớn hơn đáng kể.

Kết luận

Nghiên cứu của các nhà khoa học Isreal cho thấy rằng đối với tôm càng xanh M. rosenbergii, việc nuôi tôm toàn cái là một phương pháp bền vững để sản xuất một vụ tôm thành công và đồng nhất.

Nguồn: Sciencedirect được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm trên núi kiếm trăm triệu mỗi năm

Hàng chục hộ dân tại tỉnh Đồng Nai từ lâu sinh sống bằng nghề nuôi tôm trên núi đá. Hàng chục ha diện tích mặt nước trong xanh giúp họ thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Nghề nuôi tôm ở vị trí đặc biệt này tồn tại từ lâu tại xã Trà cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Hiện ở địa phương này có gần 50 ha mặt nước trong xanh trên núi dành để nuôi tôm.

Thu hoạch tôm ở Trà Cổ

Cách đây đến vài chục năm, nghề nuôi tôm trên núi đá ở đây đã hình thành. Những hồ nước hình thành trong không gian tuyệt đẹp, khí hậu trong lành lại đem đến nguồn thu nhập nuôi sống người dân.

Tôm được nuôi ở các hồ đá là loại tôm càng xanh, thân lớn, thịt chắc thơm ngon. Thức ăn dành cho chúng không phải thức ăn công nghiệp mà là cám từ bắp và các loại thực phẩm tạp ở miền quê do người dân tự chế biến.

Sản phẩm tôm trên núi

Theo một cán bộ xã Trà Cổ, hiện tại địa phương có khoảng 45 hộ làm nghề nuôi tôm càng xanh. Anh Đoàn Nam Quốc, một hộ nuôi tôm, cho biết nhà anh có hai hồ nuôi với tổng diện tích vài nghìn m². Mỗi đợt thu hoạch tôm cách nhau khoảng 4 tháng. Tôm nước ngọt có màu pha xanh bắt mắt, có con dài đến 25cm, trung bình cứ khoảng 10-15 con nặng 1kg.

Việc nuôi tôm ở vùng núi mang nét độc đáo của địa phương

Hiện, tôm này có giá gần 200.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm với diện tích 1 ha, người nuôi tôm thu về khoảng 200-300 triệu đồng.

Các hộ nuôi tôm cho biết cứ đến đợt thu hoạch thương lái từ các vùng đến thu mua.

Nụ cười mùa thu hoạch

Theo các cán bộ địa phương, hầu hết các hồ có diện tích lớn hình thành lâu đời từ đặc thù địa chất, cũng có nơi ở vùng trũng người dân tự khơi thành ao sử dụng tạo nên nguồn sống mang nét đặc thù cho vùng đất này.

Nguồn: Báo Người lao động được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thành công với mô hình nuôi tôm sú kết hợp với tôm càng xanh

Đây là bài báo cáo về một nông dân Ấn Độ nuôi thành công tôm sú (Penaeus monodon) và tôm càng xanh nước ngọt (Macrobrachium rosenbergii).

Trang trại sử dụng giống tôm sông hoang dã, nuôi ở mật độ tương đối thấp và cho ăn thức ăn viên dành cho tôm càng xanh mà tôm sú cũng chấp nhận.

Từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2013, Sri Mrityunjoy Bal đã nuôi của cả hai loài này với nhau.  Ông lựa chọn con giống M. rosenbergii (5-8mm, cỡ hạt thóc) và P. monodon (PL15 kích thước 14-15mm) từ trại giống chuyên nghiệp.

Ương giống

Trong một  ao nuôi ương 400m: 10.000 con giống tôm càng xanh và 20.000 giống tôm sú cùng nhau trong 35-45 ngày, trong đó M. rosenbergii và P. monodon đạt 3,9-5cm và 7,7-9cm (3g) trọng lượng cơ thể.

Mặc dù là thức ăn dành cho tôm càng xanh nhưng, nó được dùng cho cả hai loài và tôm sú cũng chấp nhận nó. Cách cho ăn: 80-100g mỗi ngày trong 10 ngày đầu tiên, cho ăn 100-140g trong 10 ngày thứ hai, 140-480g trong 10 ngày thứ ba và 480-880g mỗi ngày trong suốt 10 ngày thứ tư (tức là cho đến ngày thứ 40).

Giai đoạn 2 thức ăn viên với đường kính 1.5-2.0mm được cung cấp cho cả tôm càng và tôm sú trong ao bốn lần một ngày; Một lịch trình cho ăn nghiêm ngặt được duy trì bắt đầu với việc áp dụng thức ăn 7% mỗi ngày vào tuần đầu tiên.

Quy trình cân tôm và cho tôm ăn theo tỉ lệ mà Sri Mritunjoy sử dụng

– Cân 2,5-3,0g trọng lượng cơ thể trung bình (abw)) dùng 6% thức ăn mỗi ngày trong tuần lễ thứ hai của quá trình nuôi.

– 4-5g abw cho ăn 5% thức ăn mỗi ngày trong tuần thứ ba

– 6-7g abw trong tuần thứ 4

– Kết thúc với 1,5% thức ăn mỗi ngày trong tuần thứ 13 và khi đạt 35-37g Abw

– 38-40g abw cho ăn 1,2% thức ăn mỗi ngày trong tuần lễ thứ 14

Lịch trình cuối cùng được duy trì

Thức ăn viên đường kính 1-2mm để làm thức ăn cho tôm càng xanh và Tôm sú có kích thước 25gm và thức ăn 2-3mm Pellet được sử dụng cho đến thời điểm thu hoạch.

M. rosenbergii bắt đầu nuôi từ tháng 3 và thu hoạch vào cuối tháng 1 năm sau trong khoảng thời gian nuôi là bảy tháng.

Trong quá trình nuôi họ sử dụng máy bơm oxy để cung cấp oxy cho nước ao, họ đã không phải đối mặt với bất kỳ vấn đề nào của nhiễm virus (WSSV hoặc MBV) khi nuôi tôm sú trong ao nuôi nước ngọt của mình trong ba năm.

Sự bùng nổ của các bệnh do virus gây ra ở tôm sú khi nuôi trong điều kiện nước ngọt ở mật độ thấp và sử dụng con giống thu được từ các vùng của sông Rupnarayan có độ mặn nước dưới 4-5ppt.

Mô hình nuôi tôm càng xanh và tôm sú được thực hiện bởi Sri Mrityunjoy Bal sẽ khuyến khích người dân nuôi tôm sú trong các hệ thống nước ngọt có độ mặn và mật độ thấp để giảm nguy cơ và các vấn đề về virut.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khả năng kháng virus bệnh đốm trắng WSSV của tôm càng xanh là do đâu?

Bệnh đốm trắng (WSSV) là vi-rút có khả năng gây chết rất nghiêm trọng ở những loài tôm biển nhất là tôm thẻ, là một trong những nguyên nhân gây thiệt hại chính cho nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, tôm càng xanh lại miễn nhiễm với bệnh này.

WSSV xuất hiện ở Đông Á vào năm 1992 (Wang et al., 1996; Chou et al., 1995) và đến nay vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Tuy nhiên, WSSV lại không gây chết tôm càng xanh (Hameed et al., 2000; Sarathi et al., 2008). Vậy cơ chế nào đã giúp tôm càng xanh có khả năng đó?

Dịch bệnh trên tôm nuôi, nhất là bệnh do vi-rút đang là mối nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nghề nuôi tôm. Những bệnh do vi-rút như: vi-rút gây bệnh đốm trắng (White spot syndrome virus – WSSV), vi-rút gây bệnh đầu vàng (Yellow head virus – YHV), vi-rút gây bệnh còi (Monodon baculorvirus – MBV) trên tôm sú hay vi-rút gây bệnh trắng đuôi/đục cơ (white tail/white muslce) trên tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) đã gây nhiều thiệt hại cho người nuôi. Khả năng gây bệnh của vi-rút trên tôm có sự khác biệt theo loài tôm.

Hệ thống miễn dịch của giáp xác nói chung và của tôm nói riêng chủ yếu vẫn dựa vào đáp ứng miễn dịch tự nhiên, do tôm chưa có hệ thống miễn dịch đặc hiệu phát triển. Việc đề kháng với các mầm bệnh ở tôm chủ yếu nhờ vào các đáp ứng miễn dịch tự nhiên như: hoạt tính của phenoloxidase (PO), khả năng tạo ra hợp chất kháng khuẩn superoxide anion ( hay hoạt tính respiratory burst) và superoxide dismutase (Ourth và Renis, 1993; Munoz et al., 2000; Sarathi et al., 2008). Những biện pháp có thể hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh do vi-rút trên tôm nuôi hiện nay là tăng cường đề kháng cho tôm dựa trên những cơ chế đáp ứng miễn dịch của chúng.

Bệnh đốm trắng do WSSV (White Spot Syndrome Virus) gây ra là bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng cho nghề nuôi tôm biển trên thế giới (Chou et al., 1995). Không có loài tôm he nào có thể đề kháng WSSV (Lotz, 1997). Theo báo cáo của Hameed et al. (2000) và Sarathi et al. (2008) thì WSSV cũng nhiễm trên tôm càng xanh nhưng nó không gây chết tôm mà nhiễm một thời gian, sau đó không còn phát hiện WSSV trên tôm càng xanh nữa.

Sự mẫn cảm của tôm càng xanh Macrobrachium rosenbergii đối với virus đốm trắng (WSSV) đã được kiểm nghiệm bằng phương pháp ngâm, qua đường cho ăn và phương pháp tiêm vào cơ. Khả năng mẫn cảm của các tôm này đối với virus đốm trắng được so sánh với tôm thẻ đuôi đỏ (Penaeus indicus) và tôm sú (P. monodon). Virus đốm trắng gây chết 100% tôm thẻ đỏ đuôi và tôm sú khi tiêm virus vào cơ của tôm. Trong khi không có cá thể tôm càng xanh M. rosenbergii nào bị chết sau 5 ngày tiêm WSSV vào cơ thể. Tôm sắp chết được thu để đánh giá sự hiện diện của virus đốm trắng trên tôm bằng phương pháp nhuộm hoặc mô bệnh học.

Kết quả cho thấy rằng các loài tôm nước ngọt và lợ mặn này đều nhiễm virus đốm trắng, ngoại trừ tôm càng xanh M. rosenbergii. Virus đốm trắng không gây chết tôm càng xanh bằng bất kỳ phương pháp gây cảm nhiễm nào.

Cơ chế chính thức về khả năng đề kháng của tôm càng xanh đối với virus đốm trắng theo Johanson et al. (2000) thì ngoài vai trò trong melanin hóa của Phenoloxidase, các thành phần của hệ thống hoạt hóa prophenoloxidase còn kích thích các phản ứng bảo vệ tế bào bao gồm cả thực bào, hình thành hạch, phong tỏa và vận động bạch cầu. Kết quả trên cho thấy rằng ban đầu Phenoloxidase gia tăng sau 1 ngày tiêm là do bạch cầu giải phóng prophenoloxidase để đáp ứng lại với WSSV nhằm bảo vệ tế bào của tôm càng xanh. Sau 5 ngày khi tôm trở lại bình thường thì PO giảm và trở lại bình thường là do bạch cầu ngưng giải phóng ProPO.

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Thiết kế công trình nuôi thương phẩm tôm càng xanh trong ruộng lúa

Thủy sản là một trong những ngành mũi nhọn trong nền kinh tế của nước ta hiện nay. Vì thế các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao đang được người dân chú trọng đầu tư và phát triển.Tôm càng xanh cũng là một trong những đối tượng đó.

Tôm càng xanh Macrobrachium rosenberggi sống trong môi trường nước ngọt, có thể nuôi trong ao, ruộng cấy lúa, là sản phẩm thuỷ sản có giá trị kinh tế, có nhu cầu ở thị trường trong và ngoài nước.

Mô hình nuôi Tôm càng xanh trong ruộng lúa

Việc nuôi Tôm càng xanh trong ruộng lúa cần phải có sự chuẩn bị về mô hình nuôi một cách khoa học và phải đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Cơ cấu chất đất phải giữ được nước.
  • Gần nguồn nước ngọt tốt để có thể cấp tiêu nước dễ dàng. Tốt nhất là có thể trao đổi nước theo thuỷ triều.
  • Đất không bị nhiễm phèn, độ pH của nước từ  6,5 trở lên
  • Không bị ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp và nước bẩn
  • Tiện đi lại và chăm sóc quản lý
  • Diện tích ruộng nuôi dao động từ  0,5 – 5,0 ha tuỳ theo từng điều kiện cụ thể.
  • Ruộng nuôi phải có đê bao kiên cố để đảm bảo giữ được mức nước tối thiểu trên mặt ruộng là 0,6 m. Mặt bờ đê rộng 1,2 – 1,5 m, chân bờ rộng 3,0 – 4,0 m, cao 1,2 m. Vào mùa lũ nên chắn lưới quanh bờ để ngăn không cho tôm ra ngoài khi mức nước cao hơn bờ đê.
  • Ruộng phải có mương bao rộng 3,0 – 4,0 m, sâu 0,8-1 m so với mặt ruộng. Mặt đáy của mương bao có độ nghiêng về phía cống thoát nước. Diện tích mương bao chiếm khoảng 20 – 25 % tổng diện tích.
  • Ruộng nuôi nên thiết kế cống cấp và thoát riêng.

Việc chọn nuôi tôm càng xanh của  bà con nông dân mặc dầu gặp khá     nhiều khó khăn tuy nhiên nếu áp dụng quy trình nuôi một cách khoa học, hợp lý chắc chắn sẽ giúp bà con đạt được năng suất nuôi hiệu quả nhất.

Chúc bà con thành công!

 Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam