Vài nét về rong nho

Rong nho là gì?

Rong nho là một loại tảo biển, được phân bố tự nhiên tại khu vực nhiệt đới và á nhiệt đới. Do hình dạng hạt rong và cảm quan lạ có hình dáng giống quả nho nên được gọi là Rong nho.

Đây là loại Rong có sự phân bố tự nhiên tại vùng Đông và Đông Nam Á. Từ lâu, Rong nho được khai thác ngoài tự nhiên và sử dụng như là một loại thực phẩm tươi sống. Trong Rong nho có hoạt chất Caulerpin và Caulerpicin tạo mùi vị kích thích ngon miệng và có tác dụng chữa bệnh.

Rong nho

Theo nhu cầu của con người và sự khan hiếm của Rong nho tự nhiên, hiện tại người ta phải trồng rong nho để có thể thu hoạch và sử dụng. Rong nho có thể trồng như trong môi trường tự nhiên của chúng đó là các vùng biển cạn và yên tĩnh, hoặc trong các ao đầm và cả trong lồng, trên dây treo ngoài biển.

Rong nho có đặc điểm cấu tạo là phần “thân, nhánh” được gắn vào đá, cát hay nền đáy khác bằng các sợi “rễ” nhỏ màu trắng. Từ phần “thân,  nhánh” mọc ra các fronds (thường quen gọi là lá) có hình tròn, đường kính khoảng 2 mm. Bên trong các “lá” này chứa đầy chất dịch, dạng gel. Chính vì hình dạng của các “lá” này, nên nó được gọi là Rong nho (Grape Seaweed hay Umibudo).

Hình dạng của rong nho

Rong nho hấp thu chất dinh dưỡng từ môi trường nước xuyên qua các “nhánh” và “lá” để phát triển.

Điều kiện trồng rong nho

Trong điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, độ mặn và chất dinh dưỡng thích hợp, rong nho phát triển rất nhanh, thời gian thu hoạch ngắn.
Rong nho được nuôi trong mô hình khép kín. Cấu trúc một trại nuôi cụ thể gồm 4 thành phần:
             Hệ thống cấp nước
             Hệ thống bể nuôi
             Hệ thống giữ giống
             Hệ thống bảo quản sản phẩm sau thu hoạch
Nguồn nước từ tất cả các hệ thống này đều được xử lý kỹ và đặc biệt là hệ thống xử lý nước trước khi thải ra môi trường là hệ thống kín, lọc qua cát. Rong nho phát triển nhanh trong điều kiện nuôi theo quy trình khép kín. Một đợt nuôi kéo dài từ 20 đến 30 ngày là có thể thu hoạch.

Giá trị dinh dưỡng từ rong nho

Rong nho là thực phẩm tự nhiên, có hàm lượng dinh dưỡng cao và nhiệt lượng thấp, nó có hàm lượng chất khoáng nhiều nhất là sinh tố, canxi, sắt…
Hàm lượng dinh dưỡng cao từ rong nho
Rong nho được chọn là 1 trong 5 hàng hóa được ưa thích nhất, khi khách tham quan Okinawa (Nhật Bản).
Rong nho tươi được sử dụng phổ biến trong các món ăn gia đình Việt Nam như là các món ăn kiểu Nhật khác như Wasabi, ăn hải sản sống…rất hữu ích cho sức khỏe và hỗ trợ nhiều cho việc chữa bệnh cho người như:
– Rất tốt cho nhuận trường và giải độc gan
 – Bình thường hóa lượng đường trong cơ thể
Làm đẹp từ rong nho
 – Giảm cholesterol
 – Ổn định huyết áp
 – Ngoài ra Rong nho còn là sản phẩm làm đẹp da cho phụ nữ
– Rong nho được dùng thường ngày chung với các loại thực phẩm khác.
Tổng hợp từ Farmtech Vietnam.

Trồng rong nho: Cần đầu tư nhân rộng

Một số người dân ở TX Sông Cầu (Phú Yên) đang nuôi trồng rong nho. Đây là đối tượng nuôi trồng mới nên nhiều bà con chưa mạnh dạn đầu tư.

Đối tượng trồng mới

Tại TX Sông Cầu, người đầu tiên trồng rong nho là anh Lương Khắc Lâm. Anh Lâm cho biết: “Cách đây 2 năm, tôi từ TP Tuy Hòa ra xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) trồng rong nho. Ban đầu, tôi mua khoảng 500kg giống (25.000 đồng/kg) ở Khánh Hòa về trồng trên diện tích ao hơn 1.500m2. Sau 1 tháng, rong nho phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch đến nay. Hiện Phú Yên chưa có địa điểm thu mua, nên sau khi thu hoạch rong nho, tôi chở vào TP Nha Trang (Khánh Hòa) bán xô với giá từ 23.000 đến 25.000 đồng/kg. Tôi cũng đang học cách sơ chế rong nho thành phẩm, bán với giá 100.000 đồng/kg. Nghề này rất nhọc, đòi hỏi nhiều công lao động để chăm sóc và thu hoạch, nhưng bù lại cho thu nhập cũng khá. Hiện gia đình tôi mỗi tháng thu khoảng 15-20 triệu đồng từ tiền bán rong nho”.

Rong nho mang lại thu nhập bình quân mỗi tháng 15 – 20 triệu đồng

Theo tiến sĩ Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Khánh Hòa), ở Việt Nam, việc nghiên cứu rong nho được thực hiện từ năm 2004 đến nay. Rong nho biển là loại thức ăn ngon, bổ dưỡng, chất caulerparine trong rong nho kích thích ăn ngon miệng, có tác dụng diệt khuẩn. Rong nho biển không nhiều đường, đạm nhưng chứa nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng cần thiết. Những năm gần đây, rong nho được trồng khá phổ biến ở TP Cam Ranh và TX Ninh Hòa (Khánh Hòa), bằng hình thức trồng tiếp đáy trực tiếp hay trồng bằng vỉ cho tiếp đáy ở ao. Các mô hình trồng rong nho đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân đồng thời tận dụng được các ao nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả.

Cần đầu tư nhân rộng

Hiện nhiều người dân ở TX Sông Cầu có ao đìa nuôi tôm không hiệu quả đang muốn chuyển sang trồng rong nho. Tuy nhiên, đây là một đối tượng nuôi trồng mới nên bà con chưa mạnh dạn đầu tư. Ông Đoàn Mỡ ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, cho biết: “Ao đìa có sẵn, kỹ thuật trồng rong nho đã được tập huấn nên tôi cũng am hiểu phần nào. Điều lo lắng nhất hiện nay là đầu ra của sản phẩm, vì tại Phú Yên chưa có cơ sở chế biến và điểm thu mua”. Theo ông Nguyễn Minh Chỉ ở xã Xuân Phương, các cơ quan chuyên môn nên hướng dẫn kỹ thuật trồng rong nho cho người dân theo hướng cầm tay chỉ việc. Nghĩa là, cán bộ kỹ thuật phải ứng trực tại địa phương có trồng rong nho, khi đó bà con cần hỏi điều gì thì hướng dẫn trực tiếp. Nhà nước cũng cần đầu tư mô hình trồng rong nho thí điểm để sau đó nhân rộng… Ông Trần Ngọc Hà, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Phương, cho biết: “Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi rất phức tạp; một số diện tích ao, đìa nuôi tôm hiệu quả bấp bênh. Trồng rong nho đầu tư ít nhưng đem lại giá trị kinh tế ổn định nên Nhà nước cần có chính sách đầu tư để bà con ven biển cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo”.

Theo tiến sĩ Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đang thực hiện mô hình thí điểm trồng rong nho tại TX Sông Cầu; bà con nào có nhu cầu thì đăng ký để Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III xem xét và sẽ triển khai trồng trong năm 2015. Đối với kỹ thuật trồng rong nho, tiến sĩ Chiến cho biết: Ao, đìa dùng để triển khai trồng rong nho có chất đáy là cát pha bùn, đáy ao có độ dốc nghiêng về cống và độ cao trình đáy thấp hơn khi thủy triều lên. Người nuôi cần chọn vùng ven biển có nguồn nước sạch, không bị nhiễm bẩn do chất thải các ngành sản xuất và chất thải sinh hoạt của dân cư, vùng có độ mặn ổn định từ 28 đến 35‰ (thích hợp nhất từ 30 đến 35‰), độ pH từ 7,5 đến 8,5. Rong nho phát triển rất nhanh với tốc độ tăng trưởng đạt gần 2,6%/ngày, đặc biệt là trong môi trường nhiều chất hữu cơ. Sau 30-35 ngày trồng, rong nho có thể cho thu hoạch, năng suất trung bình 20 tấn/ha/năm. Tùy thuộc vào mùa vụ, người trồng có thể điều chỉnh ánh sáng ở khu vực trồng rong thích hợp trong khoảng 15.000 Lux (15% ánh sáng tự nhiên vào buổi trưa mùa hè) bằng lưới lan đen. Mùa hè ánh sáng mạnh cần phải che 2 lớp lưới, mùa đông ánh sáng yếu chỉ cần che 1 lớp lưới hoặc che 1 tấm lưới cách 1 tấm lưới không che.

Thu hoạch rong nho

Trung tâm Chất lượng thủy sản Vùng 3 đã cấp chứng nhận sản phẩm rong nho đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho 3 công ty tại Khánh Hòa. Sản phẩm xuất khẩu gồm rong nho tươi, rong nho khô (chế biến qua muối bão hòa) và bột rong nho biển; chủ yếu xuất sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và Nga… Trong nước, người dân cũng đang chú ý đến các sản phẩm từ rong nho bởi giá trị dinh dưỡng và tính an toàn cho sức khỏe.

Nguồn : Tepbac, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Dạng rong giống và nền đáy phù hợp cho rong nho phát triển tốt nhất

Rong nho (Caulerpa lentillifera) được ưa chuộng và sử dụng như một loại rau xanh bởi có giá trị dinh dưỡng cao  (giàu acid amin thiết yếu, vitamin A, C và các nguyên tố vi lượng như phospho, sắt, iốt, canxi) rất tốt cho sức khoẻ con người như phòng chống các bệnh bướu cổ, thiếu máu, suy dinh dưỡng, thấp khớp, cao huyết áp, chống lão hoá, béo phì…

Tại Việt Nam, rong nho đã được nhập từ Nhật Bản về Việt Nam và trồng thử nghiệm từ năm 2014. Đây là một loại rong dễ trồng, tuy nhiên, để đạt được sự sinh trưởng tốt và chất lượng tốt nhất phụ thuộc vào nhiều yếu tố kỹ thuật.

Khoa thủy sản, trường đại học Cần Thơ đã thử nghiệm trồng rong nho (Caulerpa lentillifera) trong bể với các dạng rong giống và nền đáy khác nhau.

Hai nguồn rong nho giống được sử dụng gồm rong nho nguyên tản (thân đứng và thân bò) và rong nho được loại bỏ phần thân đứng (phần chùm nho) được trồng trên nền đáy cát và các loại nền đáy gồm: không nền đáy, đáy cát, đáy bùn, đáy cát-bùn (tỉ lệ cát:bùn = 2:1), đáy bùn-cát (tỉ lệ bùn:cát = 2:1).

Cấu tạo rong nho(Caulerpa lentillifera)

Kết quả chỉ ra rằng rong nho giống được loại bỏ toàn bộ các thân đứng (chùm nho) có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn có ý nghĩa so với giống rong nho nguyên tản ở điều kiện nuôi trong bể.

Kết quả thí nghiệm rong trồng trên các nên đáy khác nhau

A: Không nền, B: Đáy cát, C: Đáy bùn, D: Cát-bùn, E: Bùn-cát

Nền đáy cát là nền đáy thích hợp cho việc trồng rong nho trong bể cho tăng trưởng và chất lượng rong nho tốt nhất.

Nguồn: TapchikhoahocdaihocCanTho được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Nuôi kết hợp ốc hương, hải sâm và rong nho : hiệu quả cao và bền vững

Ốc hương là thực phẩm cao cấp, có giá trị dinh dưỡng, thương mại cao, nghề nuôi ốc hương đã được nhiều người phát triển rộng rãi. Tuy nhiên hiện nay đa số người dân nuôi ốc hương với hình thức nuôi đơn, thả mật độ dày. Vài vụ nuôi đầu cho năng suất cao, càng về sau nguồn nước càng ô nhiễm bởi hóa chất và thức ăn thừa nên dẫn đến dịch bệnh trên ốc, làm năng suất hạ thấp thậm chí mất trắng cả vụ nuôi.

Trước tình hình đó, Trung tâm khuyến ngư quốc gia đưa ra cho bà con mô hình nuôi mới : nuôi kết hợp ốc hương, hải sâm và rong nho. Hải sâm cát đã nhân giống thành công và được nuôi phổ biến tại Khánh Hòa. Trong khi đó, rong biển cũng là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều người ưa chuộng. Khi nuôi kết hợp 3 loài này mới nhau, hải sâm có tác dụng lọc tầng đáy, ăn thức ăn thừa, vụn hữu cơ của ốc hương, còn rong nho hấp thu các chất hữu cơ lơ lửng trong nước, giúp nước sạch và mát hơn. Sau đó là hải sâm, rong biển sẽ chuyển dạng năng lượng thấp (chất thải) sang năng lượng cao và hữu ích; đồng thời giúp người nuôi tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Nuôi ghép 3 đối tượng này cho hiểu quả kinh tế cao

Mô hình áp dụng biện pháp kỹ thuật như sau :

Mô hình diện tích ao từ 2.500 – 5.000 m², độ mặn từ 20‰ trở lên, độ sâu mực nước từ 1,2-1,5 m. Đáy ao là đáy cát bằng phẳng dốc về phía cốc tiêu nước, được cắm lưới xung quanh (mắt lưới 2a = 2 mm) đáy cách bờ 5m, để ngăn không cho ốc bò lên bờ ao, có phần lưu không 1-2 m xung quanh ao. Sau 1 tháng nuôi thì lắp các cánh quạt.

Mật độ thả nuôi ốc hương 40 – 50 con/m² (cỡ trung bình 10.000 con/kg). Sau 1 tháng tiến hành thả hải sâm 0,5 con/m² (cỡ trung bình 50 g/con) và rong nho 500 kg/ha. Rong nho được đặt trong lồng, kích cỡ 1 m²/lồng. Mỗi lồng trồng 500 g rong nho giống

Sau thời gian thả nuôi từ 5 – 6 tháng thì tiến hành thu hoạch.  Lúc này ốc hương đạt kích thước 120 – 140 con/kg và hải sâm đạt 250 – 400 g/con. Thu hoạch ốc hương trước bằng máy. Sau khi bắt ốc hương xong, tháo cạn nước và dùng vợt hoặc tay để bắt hải sâm.

Kết quả thực hiện mô hình nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển năm 2015 tại hai điểm như sau:

– Năng suất rong nho đạt trung bình 17,6 tấn/ha; ốc hương đạt 2,5 tấn/ha; hải sâm đạt 1,3 tấn/ha.

– Lợi nhuận từ mô hình dao động từ 82,6 – 344 triệu đồng/hộ (trung bình đạt 224,7 triệu đồng/0,5 ha/vụ hay 449,4 triệu đồng/ha/vụ).

Khi so sánh với mô hình nuôi đơn cùng diện tích thì lợi nhuận nuôi đơn chỉ đạt 129,5 triệu/0,5 ha. Như vậy so với mô hình nuôi đơn, mô hình nuôi kết hợp lợi nhuận tăng 42,4%. Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi kết hợp cao gấp 1,7 lần so với mô hình nuôi đơn. Tỷ suất lợi nhuận đạt trung bình 59,4%/9 tháng (hay 6,6%/tháng), cao gấp 11 lần so với lãi suất ngân hàng.

Mô hình đã và dang được nhân rộng

Dự án tại Khánh Hòa đã góp phần tạo phương thức nuôi hải sản mới, giúp cho người dân chuyển từ hình thức nuôi đơn thiếu bền vững sang nuôi kết hợp cải thiện môi trường, tăng hiệu quả kinh tế và bền vững. Tuy vậy, do đây là mô hình mới nên người dân còn ngại chuyển đổi, nên cần được phổ biến, nhân rộng nhiều hơn nữa.

 Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Chuyển giao công nghệ trồng rong nho trong bể Composite

Rong nho biển (Caulerpa lentillifera J. Agardh. 1837) còn gọi là trứng cá Hồi xanh (green caviar) được sử dụng làm thức ăn truyền thống ở các nước Nhật Bản, Philippines… dưới dạng rau xanh hoặc salad. Do có giá trị kinh tế cao (giá bán ở thị trường Nhật Bản khoảng 60 USD/kg rong tươi) và nhu cầu tăng nhanh trong những năm gần đây nên rong nho biển đã được nuôi trồng tại Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.

Từ tháng 5/2012 đến tháng 7/2013 được sự phê duyệt, cấp kinh phí của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa, Viện Hải dương học đã phối hợp với UBND huyện Trường Sa, Vùng 4 Hải Quân thực hiện đề tài “Chuyển giao kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản rong nho biển (Caulerpa lentillifera J. Agardh. 1837) cho quân và dân huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa” nhằm hoàn thiện mô hình trồng, tập huấn chuyển giao cho quân và dân huyện Trường Sa kỹ thuật trồng rong nho biển trong bể composite, cách chế biến và bảo quản rong nho biển phù hợp với điều kiện tại Trường Sa, góp phần bổ sung nguồn rau xanh cho quân và dân sống trên đảo.

Rong nho trồng thử nghiệm ở vùng 4 hải quân

Đề tài đã xây dựng trại trồng rong nho biển tại Vùng 4 Hải Quân để triển khai thực hiện 2 mô hình trồng đáy và trồng treo rong nho biển trong bể composite. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy rong nho biển sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở điều kiện độ mặn khoảng 33- 33,5‰, nhiệt độ khoảng 25 – 30ºC, cường độ ánh sáng khoảng 15.000 Lux, chất đáy (thể nền) thích hợp cho rong nho phát triển là bùn cát hoặc cát bùn.

Rong nho biển (Caulerpa lentillifera) Trại và bể trồng rong nho biển
Nguồn giống rong nho biển có thể được cung cấp bởi Viện Hải dương học, yêu cầu của rong nho biển làm giống là phải khỏe mạnh, sạch rong tạp và không có sinh vật sống bám trên rong. Cắt các đoạn rong dài từ 10 – 15 cm (gồm thân đứng và thân bò) hoặc các thân đứng để cấy trồng trong bể.

Mô hình trồng đáy

Đáy bể trồng rong nho biển được phủ một lớp cát bùn dày khoảng 10 cm để cấy trồng trực tiếp rong nho lên trên. Các bể trồng rong được bơm đầy nước biển và thay nước vài lần trước khi cấy trồng rong nho. Trọng lượng ban đầu của rong nho giống cấy trồng trong bể có thể dao động từ 200 – 400 g tươi/m2.

Sau 2 tháng trồng trong bể, rong nho biển phát triển tốt, năng suất rong toàn tản đạt khoảng 4,64 kg rong tươi/m2, tốc độ sinh trưởng đạt 1,77%/ngày. Tỷ lệ khối lượng thân đứng so với toàn tản đạt 62,64%, trong đó tỷ lệ khối lượng thân đứng > 5cm (phần sử dụng làm thực phẩm) so với toàn tản đạt 28,74%.

Mô hình trồng treo

Rong nho biển có thể được trồng treo trên các vỉ lưới nhựa cứng có kích thước khoảng 25 cm x 50 cm (S= 0,13 m2/vỉ) hoặc lớn hơn. Mật độ trồng ban đầu là 50 g tươi/vỉ (400 g tươi/m2). Các vỉ nhựa được treo trong bể chứa đầy nước biển, cách đáy khoàng 20 – 30 cm.

Sau 2 tháng trồng, rong nho biển phát triển phủ đầy trên bề mặt và xung quanh vỉ lưới, năng suất đạt 2,67 kg rong tươi/m2, tốc độ sinh trưởng đạt 1,25%/ngày. Tỷ lệ khối lượng thân đứng so với toàn tản chiếm 51,51%, trong đó, tỷ lệ khối lượng thân đứng > 5 cm so với toàn tản đạt 20,98%.

Mô hình trồng treo và trồng đáy rong nho biển trong bể ít choán diện tích, phù hợp điều kiện ngoài đảo. Rong nho phát triển nhanh, cho năng suất cao, là thực phẩm giàu dinh dưỡng.

   Rong nho biển trồng treo trong bể        Rong nho biển trồng đáy trong bể

Để tăng năng suất và trọng lượng thân đứng > 5 cm (phần thu hoạch để sử dụng) của rong nho biển trồng trong bể, có thể bón bổ sung phân hữu cơ làm từ bột cá (fertiplus 4-3-3) cho các bể trồng rong với hàm lượng khoảng 27g/m3, khoảng cách các lần bón phân khoảng 15 ngày/lần. Rong nho có bón phân hữu cơ làm từ bột cá có thể đạt năng suất hơn 10 kg rong tươi/m2/vụ (2 tháng) và có thể duy trì năng suất cao trong bể quanh năm.

Sản phẩm rong nho biển trồng trong bể bón phân hữu cơ làm từ bột cá đã được kiểm nghiệm, dư lượng Nitrat và vi sinh vật luôn thấp hơn giới hạn cho phép của Bộ Y Tế (quyết định 867/1998/QĐ – BYT) nên đạt chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rong nho biển trồng trong bể được thu hoạch bằng phương pháp thu tỉa (chỉ ngắt, hái những thân đứng dài hơn 5 cm để ăn) với khoảng cách 7-10 ngày/lần. Phần rong còn lại trong bể tiếp tục được chăm sóc, rong sẽ tiếp tục phát triển và duy trì sinh lượng cao quanh năm. Phần thân đứng sau khi thu hoạch được sục khí mạnh trong khoảng 16-24 giờ để rong được sạch và bảo quản lâu hơn (khoảng 7-10 ngày). Rong nho biển thường được sử dụng ở dạng tươi, ăn như rau xanh, ăn kèm với các món ăn khác (thịt, cá, đồ hộp…) hoặc nấu canh.

Đề tài cũng đã tập huấn cho 40 cán bộ, chiến sĩ các kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản rong nho biển, đồng thời cung cấp hơn 100 kg sản phẩm rong nho biển cho các bếp ăn của một số đơn vị tại Vùng 4 Hải Quân và một số đảo nhằm quảng bá sử dụng rong nho biển làm thực phẩm bổ sung rau xanh cho quân và dân sống trên các đảo ở Trường Sa.

Nguồn: Khoahocvacongnghe được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi trồng thương phẩm rong nho biển

Trong số các loài thực vật thủy sinh nước mặn, rong nho biển là loại thực vật thuỷ sinh dinh dưỡng tự dưỡng, là một giống loài mới, rất dễ nuôi trồng trong điều kiện công nghiệp do không tốn nhiều nhân công, tốn ít chi phí đầu tư ban đầu, là món rau sạch không có dư lượng thuốc, hóa chất và kháng sinh, trong bữa ăn gia đình rong biển thường được sử dụng làm rau xanh và được dùng phổ biến trong các món salad tại một số nước châu Á như Nhật Bản, Philipphin…

Rong nho biển là một loại rau cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Các kết quả phân tích cho thấy rong nho biển rất giàu các nguyên tố vi lượng như iốt, kẽm, kali, canxi… đặc biệt là chứa nhiều các vitamin quan trọng như vitamin A, vitamin C.

1. Lựa chọn vị trí trồng rong nho biển.

Điều tiên quyết trong việc trồng rong nho biển là phải lựa chọn các vùng nước biển sạch, không ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và tránh xa nguồn nước ngọt từ các sông suối đổ vào, thuận tiện trong việc cấp thoát nước, vùng ít bị ảnh hưởng bởi sóng, gió và ít bị ảnh hưởng, tác động từ các phương tiện giao thông đường thủy, chọn vùng nuôi nơi có đáy cát hoặc cát pha bùn… Trong đó có việc tận dụng các ao, đùng nuôi tại các vùng ven biển, ven các vùng cửa sông, vịnh nơi có điều kiện thuận lợi, ít bị tác động, phù hợp cho rong nho biển phát triển gần với điệu kiện tự nhiên.

Tại một số địa phương các tỉnh như tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Ninh Thuận… đã rất thành công trong việc tiên phong nuôi trồng thương phẩm cây rong nho biển, trong đó có việc chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng cho người dân, ký hợp đồng với các đối tác Nhật Bản, các đại lý, siêu thị và hệ thống phân phối bán lẻ trong nước trong việc bao tiêu, lo đầu ra cho sản phẩm rong nho biển thương phẩm của người dân.

2. Kỹ thuật nuôi trồng rong nho biển.

Trong nuôi thương phẩm rong nho biển, bà con nên chọn những cây rong giống có màu sắc xanh tươi tự nhiên, thân rong giống không có rong tạp bám, thân cọng rong mập mạp, các quả (trái nho) xếp đều đặn dọc hai bên thân và không có dị tật. Theo kinh nghiệm của các tỉnh thành đi trước, thì mật độ nuôi trồng thích hợp ở vào khoảng 200kg giống/sào đối với trồng đáy, tương ứng với khoảng 0,2kg giống/vỉ, mỗi sào bố trí rải đều khoảng từ 1.000 – 1.200 vỉ. Có ba phương pháp nuôi trồng rong nho biển, đó là phương pháp trồng đáy, phương pháp trồng kê sàn và phương pháp trồng trong vỉ lưới.

– Phương pháp trồng đáy: Dùng các nẹp bằng tre hoặc gỗ gim cố định các nhánh rong xuống đáy ao, khoảng cách trồng 40 x 40cm, mật độ nuôi trồng khoảng 200kg giống/sào. Phương pháp này khá đơn giản, có chi phí đầu tư thấp, tuy nhiên khi thu hoạch và triển khai vụ mới tốn khá nhiều nhân công hơn so với các phương pháp khác.

– Phương pháp trồng kê sàn: Phương pháp này dùng gỗ tạp hoặc tre đóng hoặc xếp thành hàng cách mặt đáy ao khoảng 5cm, dùng các khay, rổ có kích thước 50cm x 30cm, bỏ cát, bùn vào rồi cấy rong nho giống, tiến hành giữ cố định rong trong khay rổ. Phương pháp này khá tốn công, rong chậm phát triển do ít hấp thụ được nguồn dinh dưỡng từ đáy ao.

– Phương pháp trồng trong vỉ lưới: Phương pháp này sử dụng các khung gỗ, tre hoặc ống nhựa làm thành hình vuông hoặc chữ nhật, kích thước khoảng 0,3 x 0,6m, bao 2 lớp lưới, lớp dưới bố trí loại dày, mắt lưới nhỏ là giá đỡ giống rong, lớp trên phủ lên trên có mắt lưới thưa, may bốn mép để cố định rong giống trong vỉ, sau đó thả theo thứ tự thành hàng trong ao, có bố trí đường đi để kiểm tra, chăm sóc các vỉ rong. Phương pháp này giúp cho rong nho hấp thu tối đa chất dinh dưỡng, đồng thời cũng dễ dàng hơn trong quản lý, chăm sóc, thu hoạch và quan trọng là mang lại hiệu quả cao hơn so với các phương pháp khác.

Hiện nguồn giống rong nho biển có rất nhiều tại các tỉnh thành như tỉnh Khánh Hoà, tỉnh Ninh Thuận và tại các viện, trường chuyên ngành thủy hải sản. Trong quá trình nuôi thương phẩm, có thể chọn và lưu giữ giống cho các mùa vụ tiếp theo của mình mà không cần phải mua giống nữa.

3. Mùa vụ nuôi trồng rong nho biển.

Được đánh giá là loài khá dễ tính, rong nho biển có thể trồng quanh năm, các tháng mùa mưa thì năng xuất không cao bằng các tháng mùa nắng, do môi trường nước thường xuyên biến đổi. Trong tự nhiên, mùa vụ chính của rong nho biển diễn ra từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, chúng phát triển tốt ở các vùng nước ấm, nhiệt độ dưới 200C, chúng sẽ chậm hoặc ngừng tăng trưởng, độ mặn phù hợp để rong nho biển phát triển tốt ở ngưỡng 28 – 35 %o.

Rong nho biển thu hái từ mọc tự nhiên trên sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu.

4. Công tác quản lý, chăm sóc rong nho biển.

Mặc dù được đánh giá là loài dễ nuôi trồng, tuy nhiên vẫn cần phải tuân thủ nghiêm quy trình nhằm đạt hiệu quả cao trong nuôi trồng sản xuất, một số lưu ý khi nuôi trồng rong nho biển cụ thể:

– Định kỳ 2-3 ngày theo dõi sự phát triển của rong, tiến hành vệ sinh nhặt bỏ rong tạp, tiêu diệt cá, cua còng vào ăn rong và phá rong nuôi trong ao đầm, dùng tay rung, gạt nhẹ khay rong nhằm loại bỏ các chất bẩn bám trên khay, thân rong.

– Cần chú ý theo dõi lịch thủy triều để có chế độ thay nước hợp lý nhằm cung cấp một lượng nước mới giúp kích thích rong phát triển, thông thường khoảng 3-5 ngày thay nước mới một lần, lượng nước thay khoảng 50-70%.

– Là loài nuôi trồng ngắn ngày, tăng trưởng nhanh đặc biệt là trong môi trường nhiều chất dinh dưỡng. Sau 30 – 35 ngày trồng rong nho biển có thể thu hoạch, năng suất trung bình 8 tấn/sào/năm.

5. Thu hoạch, bảo quản và vận chuyển rong nho biển..

Là loài nuôi trồng ngắn ngày, chỉ sau từ 2 – 3 tháng sẽ cho thu hoạch. Thu hoạch rong nho khá tốn công, khi thu hoạch, chỉ lấy phần thân đứng, chọn lấy các cọng rong đứng dài trên 5cm có các hàng quả xếp đều đặn xung quanh thân cây rong, sau đó rửa sạch rong bằng nước biển, xếp nhẹ nhàng và đều trong thùng nước có sục khí, bước tiếp theo làm ráo nước và bảo quản ở điều kiện nhiệt độ bình thường trong các thùng xốp đậy kín hoặc xếp bảo quản trong các túi nylon khô ráo.

Rong nho sau khi thu hoạch được đưa vào bể nước sạch sục khí

Theo kinh nghiệm của các hộ dân đang nuôi trồng rong tại các tỉnh Nam trung bộ, thì việc bảo quản như trên có thể giữ rong tươi trong vòng khoảng từ 10-15 ngày mà không làm giảm giá trị dinh dưỡng của rong nho, vì thế chúng rất được ưa chuộng sử dụng trong các món ăn sống, thuận lợi trong việc bảo vận chuyển và đưa đi phân phối tiêu thụ, nếu ở dạng rong muối thì thời gian bảo quản sẽ lâu hơn, tuy nhiên rong nho biển thường tiêu thụ ở dạng tươi sống.

6. Khả năng nuôi trồng ở các vùng biển Đông Nam bộ.

So sánh điều kiện tự nhiên tại các vùng ven biển, các vùng cửa sông, vịnh, vùng cửa biển của các tỉnh thành Đông Nam bộ nói chung thì hoàn toàn phù hợp cho việc phát triển nuôi trồng rong nho biển thương phẩm phục vụ xuất khẩu, việc nuôi trồng rong nho biển ngoài góp phần đa dạng hóa các loài nuôi trồng thủy sản của các địa phương, còn giúp ích to lớn cho người dân nuôi trồng thủy sản trong việc cải tao môi trường ao nuôi một cách tự nhiên, nhờ đặc tính hấp thu chất dinh dưỡng mạnh, ngoài ra, còn có thể nuôi ghép, nuôi xen canh giữa chúng với một số loài động vật thủy sản khác cũng rất cần được các địa phương nghiên cứu thử nghiệm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Trồng rong nho bằng phương pháp kê sàn có lưới che

So với phương pháp trồng đáy truyền thống, phương pháp kê sàn được nhiều người dân ưa chuộng bởi ít tốn nhân công, dễ chăm sóc cho cây rong. Một số người dân đã nhân rộng thành công phương pháp trồng này tại vùng biển Hòn Khói (Ninh Hải, Ninh Hòa).

Phương pháp này đã tận dụng được nguồn nguyên liệu rẻ tiền (tre, gỗ tạp, lồ ô…) và nguồn năng lượng sẵn có ở địa phương (nước biển và năng lượng mặt trời). Chi phí thấp, cách trồng đơn giản, hiệu quả rất cao: rong sau khi trồng từ 15 – 20 ngày là thu hoạch được với chất lượng sản phẩm cao hơn nhiều so với trồng tại Nhật Bản. Trồng tại Nha Trang, chùm quả to và dài từ 10 – 20 cm), tại Nhật chùm quả từ 3 – 5 cm. Năng suất đạt 30 tấn/ha/năm (gấp 2 lần so với Nhật Bản và Philippines).

Phương pháp trồng kê sàn có lưới che như sau :

Chọn địa điểm trồng:

 Chọn vùng biển ít sóng gió, nước trong, sạch, pH cao, độ mặn, nhiệt độ ổn định. Ao nuôi cần được vệ sinh sạch sẽ, đáy ao phải thấp hơn hoặc bằng mức thủy triều để dễ dàng trao đổi nước cho ao. Nước lấy vào ao nuôi có độ sâu từ 1 – 1,2 m. Lấy nước biển vào ao nuôi qua cống có lọc bằng lưới để ngăn các tạp chất hữu cơ.

Một trang trại rong nho trồng theo phương pháp kê sàn có lưới che

Chuẩn bị sàn và lưới che :

Đóng các sàn bằng gỗ tạp (tre, lồ ô…) hoặc kê bằng gạch, đá cách đáy khoảng 0,5 m. Nạp chất dinh dưỡng (đất bùn đáy biển) vào các khay nhựa có kích thước khoảng 30 x 50 x 5 cm. Cấy giống rong trồng vào các khay nhựa và giữ chặt để rong không bị tróc và trôi khi đưa xuống nước. Đặt các khay nhựa (đã được cấy giống) lên trên bề mặt các sàn bằng gỗ hoặc kê bằng gạch, đá trong lòng ao nuôi.

Bên trên mặt nước (nơi trồng rong) che bằng lưới để chủ động điều tiết lượng ánh sáng và nhiệt độ của nước trong đìa nuôi cho phù hợp với yêu cầu sống và phát triển của rong. Chú ý cách che sao cho thuận tiện: cần che khi trời quá nắng và cần dỡ khi trời tối.

Chăm sóc rong :

Dùng guồng đập để tạo cho nước trong ao di chuyển nhẹ (không bị tù đọng). Đồng thời, cung cấp thêm oxy cho nước để rong phát triển tốt.

Hàng ngày theo dõi sự phát triển của rong đồng thời loại bỏ rong tạp, tiêu diệt cá tạp vào ăn rong.

Lợi dụng thủy triều để thay nước cho ao, giúp rong phát triển tốt.

Thu hoạch rong nho

Thu hoạch

Sau 20 – 30 ngày trồng thì tiến hành thu hoạch. Bê từng khay lên bờ, thu hoạch xong thì đặt trả lại vị trí cũ, để rong tiếp tục phát triển. Có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ.

Sản phẩm thu hoạch (chùm trái) được đưa vào công đoạn xử lý và chế biến thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Phương pháp này dễ thực hiện, ít tốn nhân công nhưng lại cho rong có chất lượng không tốt bằng các phương pháp khác do rong không hấp thụ được nguồn dinh dưỡng trực tiếp từ đáy ao.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Khai thác gắn với bảo vệ rong mơ

Tỉnh Khánh Hòa đã và đang nhân rộng mô hình khai thác gắn với bảo vệ rong mơ – nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao và đóng vai trò quan trọng bảo vệ hệ sinh thái vùng ven biển, nhưng đang bị suy giảm do khai thác quá mức.

Ngư dân chuẩn bị đưa rong mơ từ tàu lên bờ

Từ tháng 6/2017, Tổ hợp tác “Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản rong mơ” phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang đi vào hoạt động. Mô hình này có 21 thành viên là ngư dân hành nghề khai thác rong mơ ở vịnh Nha Trang tham gia.

Ông Nguyễn Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang cho biết, trước đây, ngư dân thường khai thác rong mơ trước thời vụ, không đúng kỹ thuật, giá rong mơ cũng không ổn định. Tổ hợp tác thành lập đã hỗ trợ ngư dân kỹ thuật về khai thác, biện pháp bảo vệ rong mơ, đồng thời liên kết với nhau để bán sản phẩm từ rong mơ cho doanh nghiệp nên giá ổn định.

Mô hình khai thác gắn với bảo vệ rong mơ dựa vào cộng đồng đang được nhiều địa phương, đoàn thể ở Khánh Hòa nhân rộng. Điển hình như Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang thành lập “Tổ sinh kế rong mơ” với 40 thành viên làm nghề khai thác rong mơ. Tham gia mô hình này, các thành viên được tập huấn kỹ thuật khai thác rong mơ để nâng cao sản lượng, chất lượng rong mơ, nhưng vẫn bảo vệ được nguồn lợi lâu dài.

Ngư dân phơi rong mơ

Theo Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, vùng ven biển Khánh Hòa có 21 loài rong mơ phổ biến. Các thảm rong mơ có diện tích trên 1.160 ha với trữ lượng khoảng 7.300 tấn khô/năm, tập trung ở 3 vịnh biển: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và đầm Nha Phu.

Các thảm rong mơ có vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái vùng ven biển Khánh Hòa, đồng thời làm bãi đẻ, nơi trú ngụ cho sinh vật biển. Những năm gần đây, rong mơ cho giá trị kinh tế cao do phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm, y học… nên loài này bị khai thác quá mức dẫn đến suy giảm.

Đơn cử như vụ khai thác rong mơ diễn ra từ tháng 5-8 hàng năm, nhưng ngư dân thường khai thác ngay từ tháng 2, khi rong mơ đang còn non nên khó tái sinh. Bên cạnh đó, việc nuôi trồng thủy sản cùng nhiều tác động khác ở vùng ven biển cũng ảnh hưởng đến môi trường sống của rong mơ.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành chỉ thị về việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi rong mơ như thời gian thu hoạch cho từng vùng, khai thác phải để lại gốc và thân 10cm để rong tái sinh trưởng, chừa lại 20% trữ lượng của bãi rong để làm nơi cư trú và sinh sản cho các loài động vật biển…

Nguồn: Baomoi được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Khánh Hòa: rau câu chỉ được mùa, được giá.

Khánh Hòa: rau câu chỉ được mùa, được giá
Năm nay, rau câu chỉ được mùa, được giá đã giúp nhiều gia đình ở một số xã của huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) tăng thu nhập.

Được mùa rau câu chỉ

Phơi rau câu chỉ ở Cam Hải Tây.

Hiện nay, tuy là thời điểm cuối vụ thu hoạch rau câu chỉ nhưng đi dọc bờ đầm Thủy Triều, không khó bắt gặp cảnh người dân đang khai thác rau câu. 11 giờ trưa, trời nắng gắt, nhiều hộ vẫn miệt mài phơi rau câu. Ông Hoàng Tuấn Phương (thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây) phấn khởi nói: “Trước đây, tôi làm phụ hồ cho các công trình nhưng thu nhập khá bấp bênh. Mấy tháng nay, thấy nhiều người khai thác rau câu chỉ mang lại thu nhập khá nên tôi chuyển sang nghề này. Rau câu chỉ xuất hiện tự nhiên ở đầm Thủy Triều. Tôi chỉ bỏ ra khoảng 1 triệu đồng làm bè, mua vợt… để vớt. Mỗi ngày, vợ chồng tôi khai thác được 10 tạ rau câu tươi, phơi khô còn được 2 tạ. Với giá bán 4.800 đồng/kg, trừ chi phí, tôi kiếm được gần 1 triệu đồng. Điều đáng mừng là thu hoạch tới đâu, người ta mua hết tới đó”.

Có thâm niên hơn 20 năm khai thác rau câu, vợ chồng ông Trần Văn Khương (thôn Văn Tứ Đông, xã Cam Hòa) xem nghề này là nghề chính để mưu sinh. Ông Khương cho biết: “Vợ chồng tôi khai thác ngày nhiều nhất được 4 tạ rau câu khô, ngày ít khoảng 1,8 tạ, tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Rau câu chỉ dễ nuôi nên sau mỗi mùa thu hoạch tôm (khoảng tháng 10 âm lịch), tôi bắt đầu thả xen canh rau câu trong đìa, vài tháng có thể thu hoạch. Với diện tích 5ha, tôi đã thu 9 tấn rau câu khô”.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây, toàn xã có hơn 30 hộ khai thác rau câu chỉ ở đầm. Trong đó, tập trung ở thôn Bắc Vĩnh và Tân Hải. Đa số những người làm nghề này thường đánh bắt cá trên đầm hoặc không có việc làm ổn định. Năm nay, mưa nhiều nên rau câu phát triển nhiều hơn năm ngoái. Với giá bán 4.800 – 5.000 đồng/kg khô (cao hơn 1.500 đồng/kg so với năm trước), một người khai thác rau câu chỉ có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, nghề này chỉ khai thác được 5 – 6 tháng, trong đó tập trung từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch…

Rau câu chỉ khô

Được biết, các hộ khai thác rau câu chỉ tập trung chủ yếu ở các xã: Cam Hải Tây, Cam Hòa, Cam Thành Bắc và ven đầm Thủy Triều. Rau câu chỉ có sợi mảnh như sợi chỉ, vớt lên phải phơi từ 1 đến 2 nắng cho khô rồi mới bán. Mặt hàng này tiêu thụ ở Bình Định, Hải Phòng và một số tỉnh khác. Bà Nguyễn Thị Nga – người chuyên thu mua rau câu hơn 10 năm ở xã Cam Hòa cho biết, rau câu chỉ dùng làm thạch rau câu, nước giải khát… Thời gian qua, nhiều người đến các điểm thu mua để đặt hàng với số lượng lớn. Từ tháng Giêng đến nay, bà thu mua hơn 5 – 6 tấn rau câu khô/ngày. Số lượng người đi khai thác rau câu chỉ cũng nhiều hơn gấp đôi so với năm trước. Mặt khác, năm nay, do các tỉnh khác mất mùa rau câu chỉ nên giá bán cao hơn so với năm ngoái.

Theo khuyến cáo của lãnh đạo Trạm Khuyến công – nông – lâm – ngư huyện Cam Lâm, người dân không nên khai thác rau câu chỉ quá mức, chỉ nên khai thác đúng thời điểm nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, người dân nên nuôi xen canh rau câu chỉ trong các đìa để đảm bảo ổn định môi trường sinh thái vùng nuôi.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Tại sao carrageenan sản xuất từ rong biển được ứng dụng nhiều trong thực phẩm?

Carrageenan là một chất xơ hoà tan trong nước, được tìm thấy trong nhiều loại rong biển.  Tên của loại phụ gia từ rong biển được lấy theo tên của một loại rong biển mọc dọc theo bờ biển Ireland, khu vực gần một ngôi làng có tên là Carragheen

Carrageenan được sản xuất từ rong sụn

Về tính chất của Carageenan là một chất có màu hơi vàng, màu nâu vàng nhạt hay màu trắng. Chúng có dạng bột thô, bột mịn và gần như có mùi. Đặc biệt chất được sản xuất từ rong biển này đóng vai trò là chất phụ gia trong thực phẩm để tạo đông tụ, tạo tính mềm dẻo, đồng nhất cho sản phẩm và cho điểm nóng chảy thấp. Carrgeenan được dùng trong các món ăn trong thực phẩm: các món thạch, hạnh nhân, nước uống.

  • Carrageenan được bổ sung vào bia, rượu, dấm làm tăng độ trong.
  • Trong sản xuất bánh mì, bánh bicquy, bánh bông lan…carrageenan tạo cho sản phẩm có cấu trúc mềm xốp.
  • Trong công nghệ sản xuất chocolate:bổ sung Carrageenan vào để làm tăng độ đồng nhất, độ đặc nhất định
  • Trong sản xuất kẹo:Làm tăng độ chắc, độ đặc cho sản phẩm.
  • Trong sản xuất phomat, sản xuất các loại mứt đông, mứt dẻo
  •   Đặc biệt ứng dụng nhiều trong lĩnh vực chế biến thủy sản:Carrageenan được ứng dụng tạo lớp màng cho sản phẩm đông lạnh, làm giảm hao hụt về trọng lượng và bay hơi nước, tránh sự mất nước của thịt gia cầm khi bảo quản đông…
  • Trong bảo quản đóng hộp các sản phẩm thịt, bổ sung vào surimi và giò chả…
  • Do Carrageenan tích điện âm của gốc SO42+ nên có khả năng liên kết với protein qua gốc amin mang điện tích dương khi pH nằm dưới điểm đẳng điện.Chính nhờ điểm này mà trên 50%tổng lượng Carrageenan được sử dụng trong công nghiệp sữa. Vai trò của Carrageenan là làm cho các sản phẩm sữa có độ ổn định khá cao, không cần dùng đến tinh bột hoặc lòng trắng trứng.

Carrageenan được ứng dụng trong thực phẩm thạch

Việc chiết tách Carrageenan có hiệu quả cao và chất lượng tốt là cơ sở để dẫn tới sản xuất polysaccharide này ở quy mô công nghiệp, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của rong sụn, rong hồng vân…nhằm thúc đẩy ỡ rộng quy mô,cải thiện đời sống cho người dân ven biển. Ngoài ra, sự đầu tư phát triển nuôi trồng rong sụn, rong hồng vân còn giảm ô nhiễm môi trường

Vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ được môi trường thủy vực. đó là một hướng đi bền vững, tại sao chúng ta lại không dám làm?

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam