Nuôi tôm thời công nghệ số

Vượt qua những sóng gió thị trường song hành cùng dịch bệnh tôm đe dọa, người nuôi tôm ở ĐBSCL dần tìm ra cách xoay xở “tiến – thoái” hiệu quả.

Trong các biện pháp, dấu ấn ứng dụng công nghệ số hóa thành điểm sáng ảo diệu mở ra con đường ngắn nhất đi tới thành công.

Giải pháp công nghệ mới

Rynan Mekong – Smart Agriculture Network mở App Store cài đặt Smart phone, đăng nhập, ứng dụng. Dân nuôi tôm hay làm ruộng vườn có thể cập nhật qua màn hình điện thoại thông minh trong lòng bàn tay. Các Icon hiển thị về quan trắc nước, quản lý thiết bị, quản lý nước canh tác, giám sát sâu rầy, bảng màu lá lúa, thương mại điện tử, giá cả thị trường…

Tôi thử chạm vào Icon mạng lưới quan trắc xem chi tiết tại một trạm quan trắc. Tại điểm Vàm Trà Vinh, vào lúc giờ – ngày – tháng – năm: Độ mặn bao nhiêu g/L, pH, mực nước, độ kiềm hay thời tiết trong ngày đều hiện rõ các chỉ số.

Một ngày cuối năm 2019, TS Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty CP RYNAN Smart Fertilizers (Trà Vinh) – một Việt kiều Canada nổi tiếng sở hữu 200 bằng sáng chế, về trường Đại học Cần Thơ tham dự hội nghị khoa học “Quản lý đất và Sử dụng phân bón hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp”.

TS Nguyễn Thanh Mỹ (phải) – Mylan Group chuyển giao phao quan trắc ở tỉnh Trà Vinh.

 

Ông trình bày Ứng dụng phân bón thông minh trong canh tác nông nghiệp như mối quan tâm nhiệt thành mà ông bày tỏ khi trở về quê hương mình. Quan sát về hệ thống canh tác nông nghiệp, TS Mỹ hướng góc nhìn mới, thông qua giải pháp công nghệ ứng dụng để không chỉ giúp nông dân Trà Vinh quê ông, nông dân nội vùng ĐBSCL mà ước muốn mở rộng phạm vi địa lý rộng lớn với nhiều lĩnh vực đa ngành.

Gặp tôi, ông cười tươi kể lại ứng dụng Rynan Technologies chứng minh thành công nhất là được ngày càng nhiều nông dân dễ dàng cập nhật, ứng dụng.

Sau khi công ty của ông trao tặng, lắp đặt 2 phao quan trắc đầu tiên đặt trên sông thử nghiệm ở Trà Vinh đã góp phần giúp chính quyền địa phương và người dân nuôi tôm hay canh tác lúa, bảo vệ vườn cây trong mùa hạn – mặn gay gắt. Số lượng phao quan trắc đặt hàng và chuyển giao về các địa phương vùng ven biển.

Riêng tỉnh Trà Vinh – nơi “đại bản doanh” của Tập đoàn Mylan Group của TS Mỹ, được bố trí lắp đặt mạng lưới phao quan trắc tăng lên gần 20 phao để đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân địa phương.

Nhớ ngày đầu “trình làng” Rynan Technologies – giải pháp mới “Ứng dụng công nghệ 4.0” sáng tạo của TS Nguyễn Thanh Mỹ được các nhà chuyên môn đánh giá là một trong các sản phẩm công nghệ rất cao.

Rynan Technologies tạo ra từ ứng dụng trên smartphone kết nối trực tiếp với phao quan trắc đặt dưới sông để cho bà con nông dân ở vùng cửa sông bị xâm nhập mặn theo dõi các chỉ số độ mặn, độ oxy hòa tan, nhiệt độ, độ pH…, thông tin được gửi lên hệ thống đám mây và báo kết quả cho nông dân có thể biết được khi nào độ mặn giảm đúng theo chỉ số yêu cầu để bơm nước vào ao nuôi tôm hay độ mặn giảm hơn dưới mức cho phép để bơm lấy nước ngọt bơm tưới cho cây trồng.

Những điểm sáng

Trong những năm gần đây một số trại tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu tiên phong tự lực đầu tư phòng nghiên cứu bệnh tôm, phòng Lab phân tích bệnh học, phân tích, giám sát các chỉ số nước, áp dụng qui trình kỹ thuật ghi chép sổ tay quản lý tôm giống, nước cấp – ao nuôi – ao lắng lọc và xử lý nước thải.

Hệ thống dữ liệu máy tính cập nhật các chương trình quản lý thức ăn và chăm sóc, quản lý dịch bệnh đến an toàn sinh học, quy trình ngăn ngừa nhiễm bệnh và chương trình thu hoạch, quản lý sau thu hoạch… Nhờ đó kết quả thu hoạch các vụ tôm gần đây đạt cao hơn, đồng thời tỷ lệ rủi ro do dịch bệnh giảm đến mức thấp nhất.

Ba năm nay, người dân Sóc Trăng trúng mùa tôm liên tiếp nhờ ứng dụng nhiều biện pháp kỹ thuật. Một trong những điểm tạo dấu ấn chính là an toàn sinh học áp dụng triệt để trong hệ thống ao nuôi. Nghề nuôi tôm hiện còn mang tính rủi ro rất cao trước những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh tôm diễn biến phức tạp. Khó khăn nhất là nuôi tôm vụ 2 thường gặp thời tiết bất lợi do mùa mưa.

Tuy nhiên, các trại nuôi tôm đã chủ động ứng phó bằng cách sử dụng vi sinh để làm sạch đáy ao. Đây là cách phòng bệnh tốt vì đáy ao luôn sạch, tiết kiệm được năng lượng, tăng ô xy hòa tan, tăng khả năng tiêu hóa cho tôm, đồng thời đảm bảo cấp đủ nguồn nước sạch để thay nước ao nuôi.

Trên thực tế từ những năm qua công nghệ nuôi tôm 4.0 của Tập đoàn Việt Úc đang trở thành điểm sáng. Hội đủ các điều kiện về tiềm lực vốn và chủ động hai yếu tố “sạch” tiên quyết – Là nhà sản xuất tôm giống sạch hàng đầu cùng với giải pháp kiểm soát nguồn nước tốt nhất. Việt Úc tâm huyết ứng dụng CNC vào sản xuất, thiết lập chuỗi giá trị nuôi tôm, với tham vọng nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt Nam.

Tập đoàn Việt Úc đầu tư khu phức hợp nuôi tôm CNC ở Bạc Liêu. Ảnh: HĐ.

Tại thủ phủ tôm Bạc Liêu, Việt Úc là công ty đầu tiên đầu tư khu nuôi tôm trong nhà màng (nhà kính) với quy mô lớn khoảng 315ha. Mỗi nhà màng rộng 1ha, bao trùm bởi khung nhà kính không gian nhịp lớn và chứa trong đó 10 ao nuôi tôm. Chính giải pháp kỹ thuật nhà màng đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát môi trường ổn định và an toàn về mặt sinh học. Tôm nuôi không bị sốc nhiệt đồng thời ngăn ngừa các dịch bệnh.

Bên cạnh đó một hệ thống ao lắng lọc, siêu lọc nước bảo đảm nguồn cấp nước sạch vừa đủ nuôi tôm không hao phí. Hơn nữa Việt Úc còn đầu tư hệ thống tự động cho tôm ăn với các cảm biến, máy tính theo dõi biết mỗi khi tôm đói sẽ tự động đưa lượng thức ăn hợp lý, ưu điểm không tốn phí thức ăn thừa.

Việt Úc tự tin đầu tư khu phức hợp nuôi tôm đạt chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, bắt đầu từ nền tảng căn bản con tôm bố mẹ tạo ra tôm giống sạch. Mỗi nhà màng giá trị đầu tư 7 tỷ đồng kỳ vọng thành công nuôi tôm công nghệ cao đạt tỷ lệ 80 – 100%. Theo mô hình này có thể thả nuôi tôm mật độ khá dày, chỉ 3 tháng là có thể thu hoạch và một năm nuôi được 3 vụ, với năng suất đạt từ 150-200 tấn/ha.

Tập đoàn Việt Úc đang dự trù kế hoạch triển khai mô hình nuôi tôm CNC tại các tỉnh Bình Định và Quảng Ninh, với mục tiêu hướng tới hình thành một vùng nuôi tôm rộng lớn được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tạo ra sản phẩm tôm tốt nhất của Việt Nam.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

 

Nuôi Tôm thâm canh hai giai đoạn công nghệ Biofloc

Với mục đích nhân rộng và hoàn thiện quy trình nuôi tôm có hiệu quả, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh hai giai đoạn công nghệ Biofloc.

 

Kích cỡ tôm tại thời điểm nghiệm thu.

 

Mô hình được Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai ở 2 điểm, là xã Hải Khê, huyện Hải Lăng và xã Triệu An, huyện Triệu Phong, gồm 3 hộ tham gia nuôi, với diện tích từ 2.500- 3.500 m2/hộ. Mô hình triển khai với phần kinh phí hỗ trợ con giống tôm thẻ chân trắng là 50%; thức ăn công nghiệp là 50%; phần còn lại hộ tham gia mô hình đóng góp.

Quá trình chăm sóc quản lý bao gồm 2 giai đoạn ương và nuôi. Giai đoạn ương sử dụng quy trình theo công nghệ Biofloc ít thay nước.

Trong quá trình ương, tôm giống được ương ở ao ương nhỏ với hệ thống sục khí đáy đầy đủ để duy trì mật độ Biofloc ổn định đã góp phần cung cấp đủ lượng oxy hỗ trợ sức khỏe tôm, mặt khác mật độ Biofloc phù hợp cũng tạo ra môi trường nuôi ổn định, giảm stress cho tôm nuôi, tỷ lệ sống cao đạt 95%. Kết quả nuôi cho thấy trong giai đoạn ương tôm trong 30 ngày đầu chi phí giảm hơn so với các năm trước nuôi 1 giai đoạn, ước tính chi phí giảm khoảng 15- 20%.

Sau thời gian gần 1 tháng tiến hành san xuống ao nuôi thông qua ống xả đáy của ao ương. Việc san tôm thông qua ống xả trực tiếp, không gây xây xát ảnh hưởng sức khỏe tôm nên tôm đạt tỷ lệ sống cao.

Về tốc độ sinh trưởng, phát triển thì tôm ương giai đoạn 1 phát triển tốt, sau 30 ngày nuôi trước khi san đạt kích cỡ 950 con/kg. Hiện nay sau 2 tháng nuôi tại ao thương phẩm tôm đạt kích cỡ 57- 60 con/kg, đáp ứng yêu cầu của mô hình.

So sánh với quy trình nuôi tôm 1 giai đoạn thả tôm trực tiếp xuống ao nuôi thì quy trình 2 giai đoạn tôm sinh trưởng và phát triển tốt không thấy xuất hiện hội chứng tôm chết sớm. Kích cỡ con giống lớn, sạch và đẹp. Đặc biệt trong quá trình ương nếu xảy ra sự cố thì mức độ thiệt hại thấp hơn nhiều so với nuôi 1 giai đoạn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Con tôm thẻ nằm… chờ giá

Đến cuối tháng 5, giá tôm nguyên liệu vẫn liên tiếp sụt giảm, hiện xuống thấp gần như kỷ lục. Giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 70.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi tôm chỉ có thua lỗ và giải pháp duy nhất là phải chờ.
Đầm Dơi là vùng nuôi tôm công nghiệp đứng đầu tỉnh Cà Mau. Hiện nay nhiều ao nuôi tôm theo hình thức thâm canh và siêu thâm canh (trải bạt) đã quá lứa cả tháng nhưng tôm vẫn phải nằm chờ giá. Khổ nỗi, do sức ăn mạnh bạo của tôm thẻ, nên cứ sáng mở mắt ra là nông dân phải tốn hàng chục triệu đồng cho tôm ăn.
Hiện tôm thẻ loại 30 con/kg có giá 125.000-130.000 đồng/kg, loại 50 con/kg giá 95.000-100.000 đồng/kg, giảm từ 35.000-45.000 đồng/kg so với trước đó. Trong khi giá tôm thẻ chân trắng liên tục giảm thì giá tôm sú vẫn khá bình ổn.
Ông Trần Văn Việt, ấp Tân Điền B, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, than thở: “Nuôi tôm vất vả mấy tháng trời nay, vậy mà giá tôm rớt quá. Nếu nuôi tiếp để chờ giá thì không biết khi nào giá mới tăng trở lại đây. Bây giờ giá quá thấp nên chưa bán được, dù lên sớm hay muộn thì tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý lỗ rồi”.
Không riêng gì ông Việt, nhiều hộ nuôi tôm thẻ hiện nay chỉ biết khóc ròng vì tiền thức ăn, thuốc thú y cứ phải đổ vào các đầm tôm. “Nếu giá tôm thẻ chân trắng thấp như hiện nay thì người nuôi sẽ không có lãi, thậm chí những hộ nuôi tôm công nghệ cao còn phải chịu lỗ nặng”, ông Lê Thanh Đăng, Chuyên viên thuỷ sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi, nói.
Theo ghi nhận, tại Đầm Dơi có 2.026 ha nuôi tôm công nghiệp nhưng hiện nay trên 50% diện tích này đang bỏ trống vì nuôi tiếp sẽ không có lãi, hiện người nuôi chờ giá tăng trở lại mới tiếp tục. Còn những hộ đang nuôi dở dang thì vẫn tiếp tục nuôi cầm chừng để chờ giá. Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân làm cho giá tôm thẻ chân trắng năm nay giảm mạnh là do ảnh hưởng bởi giá thế giới, nhất là gần đây Ấn Độ, Thái Lan đang vào mùa vụ tôm, họ giảm giá bán để cạnh tranh.
Nếu tính hết chi phí cho vụ nuôi, trung bình mỗi tấn tôm nguyên liệu, người dân phải bỏ ra từ 72-80 triệu đồng. Như vậy, với giá như trên thì mỗi tấn tôm nguyên liệu, nông dân lỗ trên dưới 10 triệu đồng. Người dân nuôi tôm đang hoang mang, lo lắng chờ giá tôm tăng trở lại.
Trước tình hình trên, vừa qua, Bộ NN&PTNT có buổi làm việc với các công ty xuất khẩu tôm tại tỉnh Bạc Liêu tìm hiểu nguyên nhân giá tôm giảm cũng như diễn biến của thị trường tôm trong nước và thế giới. Bộ cũng đã đưa ra khuyến cáo người dân nuôi tôm nên tiến hành thả thưa để giảm rủi ro, giảm chi phí sản xuất, dễ quản lý môi trường ao nuôi. Từ đó, kéo dài thời gian nuôi giúp tôm tăng kích cỡ, tăng sản lượng và thu hoạch ở thời điểm thích hợp nhất về giá.
Đồng thời các địa phương cần khuyến cáo người dân đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho vụ nuôi mới. Đưa ra quy hoạch nuôi giữa 2 đối tượng tôm thẻ và tôm sú trong loại hình thâm canh, siêu thâm canh cho phù hợp hơn.
Theo nhận định của các công ty xuất khẩu tôm, thì giá tôm sẽ tăng trở lại trong tháng 8-9 tới. Do đó người dân nuôi tôm cần nắm bắt thông tin để có kế hoạch thả nuôi ở thời điểm thích hợp nhất.

Tôm nguyên con của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào Úc

Tôm nguyên con của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Australia là nội dung quan trọng trong buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Tài Nguyên Australia với UBND tỉnh Bạc Liêu.

Tôm nguyên con của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào Úc

Đại diện đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Tài Nguyên Australia đánh giá rất cao về những bước tiến mới của ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ngành tôm nói riêng. Đặc biệt, tại Bạc Liêu – thủ phủ tôm cả nước, có rất nhiều trang trại tôm công nghệ cao với các quy trình, thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới để nuôi tôm sạch, đảm bảo các vấn đề về môi trường, an sinh xã hội.

Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể xuất khẩu tôm nguyên con vào thị trường Australia. Vì yếu tố an toàn dịch bệnh, đến nay, thị trường này chưa cho phép nhập khẩu tôm nguyên con từ các nước. Dự kiến, sau chuyến khảo sát này, cơ quan nông nghiệp hai nước sẽ có buổi làm việc nhằm thúc đẩy hoạt động xuất – nhập khẩu mặt hàng tôm trong thời gian tới.

Nguồn: VTV được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đầu tư 226 tỷ đồng cho vùng nuôi tôm công nghệ cao Đồng Nai

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định phê duyệt dự án Quy hoạch chi tiết khu nuôi thuỷ sản tập trung tại huyện Nhơn Trạch với tổng diện tích hơn 700 ha giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.

Tổng chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu nuôi thuỷ sản tập trung là hơn 226 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước là gần 1,1 tỷ đồng, còn lại sẽ sử dụng vốn của các thành phần kinh tế khác.

Theo đó, khu nuôi thuỷ sản tập trung được xây dựng tại huyện Nhơn Trạch với tổng diện tích hơn 700 ha; trong đó, khu nuôi tôm nước lợ tập trung 682 ha và khu nuôi hàu tập trung sẽ là 21 ha.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án này được xây dựng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản của huyện Nhơn Trạch phát triển theo hướng an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.

Riêng đối với khu nuôi tôm nước lợ, mục tiêu của vùng quy hoạch là phấn đấu đưa sản lượng tôm đạt hơn 16.000 tấn vào năm 2030 sẽ đạt sản lượng hơn 30.000 tấn.

Đặc biệt, với việc quy hoạch mỗi tiểu vùng nuôi tôm có diện tích tối thiểu từ 50 ha trở lên, khu nuôi tôm tập trung cũng sẽ tạo điều kiện để hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn.

Từ đó, áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật như tổ chức nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất…

Đối với dự án này, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ đầu tư theo hình thức Nhà nước sẽ lập quy hoạch chi tiết khu nuôi thuỷ sản.

Đồng thời, giao UBND huyện Nhơn Trạch là đơn vị đầu mối để khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư bằng hình thức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tâng kinh doanh khai thác.

Những đối tượng được tham gia đầu tư bao gồm tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đều được phép đầu tư vào khu nuôi theo đúng quy hoạch được duyệt và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án sẽ ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, các tiêu chuẩn mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, tạo sản phẩm hàng hoá có chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn; tổ chức lại sản xuất và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi xen ghép tôm sú – cá dìa – cua

Đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh triển khai mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cá dìa và cua trên diện tích ao nuôi 3.000m2 của gia đình bà Lê Thị Lịch ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh.

Nuôi xen ghép tôm sú – cá dìa – cua 

Trong quá trình thực hiện mô hình, gia đình bà Lê Thị Lịch được hỗ trợ con giống gồm 1.500 con cá dìa, 45.000 con tôm sú và 1.500 con cua và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và trực tiếp hướng dẫn quy trình, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của các loại đối tượng thủy sản nuôi trồng.

Sau gần 5 tháng thực hiện, nhìn chung mô hình phát triển khá tốt. Trọng lượng bình quân cá dìa đạt 200 gram/con, tôm sú 40 con/kg và cua 200 gram/con. Theo đánh giá tại hội thảo, mô hình cho thu hoạch 2 tạ cá dìa, 1,5 tạ cua và 6,7 tạ tôm sú, tổng doanh thu ước đạt hơn 182 triệu đồng; trừ chi phí đầu tư, hộ nuôi trồng có thu nhập 90 triệu đồng.

Đây là hình thức nuôi trồng mới, nuôi xen ghép các đối tượng nhằm cải thiện môi trường, hạn chế dịch bệnh, khai thác được tiềm năng ao hồ nuôi trồng thủy sản mặn lợ, hồ nuôi tôm kém hiệu quả hoặc bỏ hoang sang nuôi theo mô hình, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá dìa giúp tăng thu nhập và cải tạo môi trường ao tôm

Đối với nông dân, một trong những khó khăn trong nuôi tôm chính là xử lý nạn ô nhiễm môi trường nước. Khắc phục khó khăn này, nhiều hộ dân ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát triển mô hình nuôi cá dìa kết hợp với con tôm sú.

Cá dìa có đặc tính thích ăn tạp. Do vậy, cá dìa sẽ ăn rong, tảo và một phần thức ăn dư thừa cùng những mùn bã hữu cơ giúp môi trường nước ao nuôi được sạch hơn, giảm thiểu dịch bệnh. Đây cũng là giải pháp góp phần cải thiện môi trường ao nuôi và sử dụng nguồn thức ăn có hiệu quả.

Theo kinh nghiệm của nông dân Thừa Thiên – Huế, nếu cá giống lớn, mật độ thả ghép thưa khoảng 1 con/m2, sau 4 – 5 tháng nuôi cùng tôm, cá dìa có thể cho thu hoạch 0,8 – 1 tấn/ha, tỷ lệ sống đạt 60% trở lên, lợi nhuận từ 70 – 80 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn, khi nuôi ghép với tôm sú, tôm vẫn phát triển tốt, ít dịch bệnh, giảm được chi phí thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi.

Một ưu điểm khác của cá dìa là có thể nuôi ngay trong ao tôm bị dịch bệnh. Cá dìa sẽ tiêu diệt các mầm bệnh tồn lưu trong ao tôm. Nông dân có thể thả cá với mật độ từ 2 – 3 con/m2, sử dụng thức ăn tự chế hoặc cám công nghiệp. Sau 10 – 12 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng 0,6 – 1kg/con, tỷ lệ sống cao.

Cá dìa ăn thức ăn tự nhiên nên chi phí đầu tư thức ăn thấp. Tuy nhiên, nông dân cũng cần chọn con giống sạch, có chế độ chăm sóc tốt, đề phòng các bệnh, chủ động theo dõi các yếu tố môi trường, vì cá dìa khá nhạy cảm với biến đổi thời tiết…

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Đại học Huế, Đại học Nha Trang, Đại học Cần Thơ đã sản xuất giống cá dìa nhân tạo thành công. Vì vậy, nông dân có nhu cầu nuôi có thể liên hệ với các địa chỉ trên để mua con giống và tìm hiểu thông tin, kỹ thuật nuôi.

Nguồn: Tomvang.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bạc Liêu sẽ trở thành “thủ phủ” ngành tôm

Chính phủ đã quyết định thành lập “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” rộng hơn 400 ha, tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu.

Nuôi tôm công nghiệp ở Bạc Liêu

Theo TTXVN, ngày 6/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết Bạc Liêu được Chính phủ quyết định cho thành lập “ Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” rộng hơn 400 ha, tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu.

Đến nay, tỉnh đã giao cho Tập đoàn Việt- Úc 315 ha, còn lại hơn 100 ha vùng lõi khu công nghệ cao, tỉnh đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp hàng đầu về ngành tôm vào đầu tư, trình diễn các mô hình mới về sản xuất tôm.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, ngoài 7 doanh nghiệp đang sản xuất theo mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao, các doanh nghiệp trên cũng đã chuyển giao kỹ thuật tiến bộ này cho hơn 100 hộ nông dân áp dụng. Qua thực tế khảo sát cho thấy, mô hình này đang được lan tỏa trong cộng đồng người nuôi tôm trên địa bàn, người dân rất háo hức, phấn khởi áp dụng sản xuất.

Đặc biệt, với “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”, sau hơn một năm từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập, đến nay tất cả các hồ sơ, thủ tục, các điều kiện liên quan đã được tỉnh chuẩn bị hoàn tất, dự kiến sẽ tiến hành khởi công xây dựng trong giữa đầu Quí I năm nay.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới các cơ quan thông tấn, báo chí và các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng tỉnh để Bạc Liêu xây dựng và phát triển thành công mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và hướng đến “Bạc Liêu sớm trở thành thủ phủ của ngành tôm Việt Nam” đúng như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo Đại biểu nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Minh Khái cho biết: Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, lãnh đạo tỉnh đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc đầu tư xây dựng những cánh đồng tôm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Đặc biệt, xây dựng khu sản xuất, nuôi tôm công nghệ cao và phát triển mạnh mô hình thực hành thủy sản tốt có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC hoặc Organic) với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu đưa con tôm thẳng tiến “từ ao, đầm trực tiếp đến bàn ăn”.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu con tôm Bạc Liêu, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, phát triển và mở rộng thêm thị trường tiềm năng như: Hong Kong, Trung Đông, Đông Âu, ASEAN, Liên minh kinh tế Á – Âu và với các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Nguồn: TTXVN được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thị trường xuất khẩu tôm “đổi ngôi”, châu Âu mới là số 1

Các thị trường truyền thống của tôm Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… đã có sự thay đổi “ngôi thứ” trong năm 2017. Năm 2017 cũng được xem là năm “được mùa” của xuất khẩu tôm khi giá trị kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD.

Chế biến tôm xuất khẩu

Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dù diễn biến thị trường nhiều bất lợi nhưng hết năm 2018, đã có 3,8 tỷ USD được mang về từ xuất khẩu tôm. Trong đó, Châu Âu vươn lên thay thế Mỹ, dẫn đầu thị trường nhập khẩu của tôm Việt Nam.

Theo đó, xuất khẩu tôm vào EU trong 11 tháng năm 2017 đạt trên 780 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 22,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.

Tại khối EU, có những thị trường tăng vượt bậc trong năm qua như Hà Lan tăng đến 70,5%, đạt 199,7 triệu USD. Tiếp đó, Anh và Đức lần lượt tăng 54,5% và 6%. Tuy nhiên, theo đánh giá của VASEP, Việt Nam có thể chen chân mạnh mẽ vào thị trường EU trong năm qua nhờ các đối thủ mạnh như Ấn Độ, Thái Lan gặp các vấn đề về kháng sinh, thuế… khi xuất khẩu tôm vào EU.

Ngoài ra, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU khá tích cực là do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng nhập khẩu để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Trong khi đó, nguồn tôm nước lạnh lại đang có giá cao và nguồn cung lại giảm.

Không chỉ EU, thị trường Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng có sự “đổi ngôi” thứ vị trong nhập khẩu tôm Việt Nam năm 2017. Mỹ là thị trường sụt giảm duy nhất trong nhóm các thị trường chính của tôm Việt khi 11 tháng đầu năm chỉ nhập khẩu khoảng 610 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm các thị trường truyền thống của tôm Việt, với mức tăng trưởng 60,2%, đạt 637,9 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, VASEP đánh giá, Trung Quốc có khả năng vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn thứ hai của tôm Việt Nam trong quý 1.2018.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP cũng thông tin, từ ngày 1.12.2017, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có lợi thế hơn khi nước này quyết định giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 2% đối với sản phẩm tôm đông lạnh. Hơn nữa, với lợi thế về vị trí địa lý, thanh toán linh hoạt… doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của bạn hàng Trung Quốc khi nhu cầu ở thị trường này tăng mạnh.

Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Trung Quốc vẫn ở mức cao, nhằm phục vụ mùa tết âm lịch sắp tới. Một số doanh nhân Trung Quốc còn đến tận ao nuôi các nước lân cận để tìm mua hàng với khối lượng lớn. Một số nhà phân tích cho rằng, lượng tôm thẻ châm trắng nuôi tại Trung Quốc đã giảm 2/3 do gặp các bất lợi về thời tiết. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng tôm nhập khẩu vào thị trường này tăng mạnh.

Cũng theo ông Hòe, không chỉ ở thị trường Trung Quốc, sự thay đổi ngôi thứ này cũng có thể kéo dài sang năm 2018, khi mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực sẽ tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu tôm vào thị trường này.

Cụ thể, theo lộ trình cam kết, khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu tôm mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm mũ ni vỏ…) sang EU sẽ về 0% thay vì mức 12,5% như hiện tại, thuế sản phẩm tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm thẻ thịt đông lạnh… cũng về 0% từ mức 20%.

Trong khi đó, sản xuất tôm trong nước năm qua cũng gặp nhiều thuận lợi nhờ giá tốt, được Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan ban ngành ưu tiên. Ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, chỉ trong vòng một năm qua, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao phát triển rất mạnh mẽ tại địa phương này, hướng tới xây dựng Bạc Liêu thành trung trâm công nghiệp tôm của cả nước.

“Chỉ với 500 – 600 triệu đồng, nông dân có thể đầu tư ao nuôi tôm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và lấy lại vốn sau 1 năm. Do đó, các mô hình này đang lan tỏa rất nhanh, dẫn tới lo ngại về việc khó kiểm soát ô nhiễm môi trường”, ông Trung cho biết.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Sự khác biệt màu vỏ tôm thẻ nuôi và nguyên nhân

Màu sắc là một yếu tố quan trọng xác định việc người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm đo đó nó cũng quyết định giá trị của tôm nuôi. Bài viết so sánh màu sắc vỏ tôm và nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt của vỏ tôm thẻ chân trắng.

Sự biến đổi màu sắc vỏ của tôm thẻ chân trắng nuôi.

Màu sắc của tôm phần lớn bị ảnh hưởng bởi sắc tố, thức ăn, động vật, tình trạng bệnh tật và các yếu tố môi trường. Báo cáo của các nhà khoa học phân tích sự khác biệt 2 loại màu sắc phổ biến của tôm thẻ chân trắng là tôm có màu vỏ trắng và tôm có màu nâu đỏ.

Màu vỏ bình thường của tôm thẻ chân trắng nuôi là màu trắng xanh (dưới), nhưng lại xuất hiện một vài con có vỏ màu nâu (trên)

So sánh 2 loại màu sắc vỏ tôm thẻ chân trắng

Xét về khía cạnh vật lý, ngoại trừ sự khác biệt về màu sắc, tôm thẻ có vỏ màu trắng xanh và tôm thẻ có vỏ màu nâu có đặc tính tương tự nhau.

Một nghiên cứu đã được tiến hành để xác định xem có sự khác biệt giữa tôm có vỏ trắng và tôm có vỏ nâu về màu thịt, thành phần thịt và kết cấu thịt.

Tôm được thu thập từ một trại nuôi tôm ở Andhra Pradesh, Ấn Độ được chọn ngẫu nhiên và vận chuyển ở nhiệt độ <4 °C đến phòng thí nghiệm và phân tích.

Tiến hành thí nghiệm

Phân tích màu sắc

1: Lột vỏ tôm tươi để phân tích màu sắc mỗi loại 5 con được, 2: Đem nấu chín trong vòng 5 phút mỗi loại 5 con.

Tôm có vỏ nâu sau khi được nấu chín (trái), tôm vỏ trắng xanh sau khi được nấu chín (Phải).

Một sự khác biệt quan trọng trong giá trị màu đỏ (a *) và sự khác biệt rất nhỏ trong giá trị độ nhạt (L *) và màu vàng (b *) được quan sát thấy giữa tôm thẻ trắng và tôm thẻ nâu.

Kết quả phân tích: màu đỏ (a *) cao hơn rõ rệt (P <0,05) trong tôm vỏ trắng xanh, cả vỏ tươi (7,9 ± 0,3) và vỏ nấu chín (17,9 ± 0,8), tôm thẻ vỏ nâu (4,8 ± 0.3 mẫu tươi, 14.4 ± 1.6 và mẫu nấu chín) cho thấy sự khác biệt giữa hai loại tôm thẻ chân trắng.

Các sắc tố carotenoid chính chịu trách nhiệm về màu sắc của tôm là astaxanthin tức là 3,3 dihydroxy β carotene 4,4-dione5,6. Trước khi tôm được nấu chín, astaxanthin được bao phủ bởi các chuỗi protein gọi là crustacyanin. Các chuỗi protein bao bọc lấy astaxanthin và che giấu màu đỏ hồng của astaxanthin. Hàm lượng sắc tố trong vỏ tôm luôn luôn cao hơn cơ bụng. Dựa vào kết quả, có thể kết luận rằng tôm thẻ vỏ trắng xanh có sản phẩm tôm nấu chín màu đỏ hơn so với tôm thẻ có vỏ màu nâu.

Phân tích thành phần và kết cấu thịt

Hàm lượng protein, chất béo, canxi, kali và natri, và cấu trúc tế bào của 2 loại tôm đã được phân tích.

Kết quả phân tích thành phần thịt: tôm thẻ vỏ trắng xanh có hàm lượng natri (552 mg%) và canci (264mg%) cao hơn so với tôm thẻ màu nâu (natri 331mg%, canxi 188mg%) cho thấy sự mất cân bằng chất khoáng có thể là một lý do gây nên sự khác biệt trong màu sắc vỏ tôm. Kết quả phân tích cũng cho thấy tôm thẻ vỏ trắng xanh có kết cấu thịt tốt hơn.

Nguyên nhân sự khác biệt màu sắc tôm: có thể do những con tôm nâu bị căng thẳng. Một vài yếu tố đã được biết đến làm ảnh hưởng màu sắc tôm nuôi là khi bị nhiễm nhiều loại vi khuẩn hoặc môi trường nuôi độc hại. Martinez và cộng sự (2014) cho thấy màu đỏ trong tôm có thể là kết quả của việc tiếp xúc với đồng. Các kim loại như cadmium, đồng, chì và thuỷ ngân kết hợp với astaxanthin và hình thành các phức hợp mới có màu đỏ sậm hơn.

Kết luận:

Các nhà khoa học cũng đưa ra kiến nghị cần có những nghiên cứu sâu hơn để xác định những yếu tố căng thẳng chịu trách nhiệm về sự khác biệt về màu vỏ của tôm nuôi.

Nguồn: Báo cáo của: B. Madhusudana Rao, P. Viji and Jesmi Debbarma được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.