Thị trường xuất khẩu tôm “đổi ngôi”, châu Âu mới là số 1

Các thị trường truyền thống của tôm Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… đã có sự thay đổi “ngôi thứ” trong năm 2017. Năm 2017 cũng được xem là năm “được mùa” của xuất khẩu tôm khi giá trị kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD.

Chế biến tôm xuất khẩu

Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dù diễn biến thị trường nhiều bất lợi nhưng hết năm 2018, đã có 3,8 tỷ USD được mang về từ xuất khẩu tôm. Trong đó, Châu Âu vươn lên thay thế Mỹ, dẫn đầu thị trường nhập khẩu của tôm Việt Nam.

Theo đó, xuất khẩu tôm vào EU trong 11 tháng năm 2017 đạt trên 780 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 22,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.

Tại khối EU, có những thị trường tăng vượt bậc trong năm qua như Hà Lan tăng đến 70,5%, đạt 199,7 triệu USD. Tiếp đó, Anh và Đức lần lượt tăng 54,5% và 6%. Tuy nhiên, theo đánh giá của VASEP, Việt Nam có thể chen chân mạnh mẽ vào thị trường EU trong năm qua nhờ các đối thủ mạnh như Ấn Độ, Thái Lan gặp các vấn đề về kháng sinh, thuế… khi xuất khẩu tôm vào EU.

Ngoài ra, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU khá tích cực là do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng nhập khẩu để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Trong khi đó, nguồn tôm nước lạnh lại đang có giá cao và nguồn cung lại giảm.

Không chỉ EU, thị trường Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng có sự “đổi ngôi” thứ vị trong nhập khẩu tôm Việt Nam năm 2017. Mỹ là thị trường sụt giảm duy nhất trong nhóm các thị trường chính của tôm Việt khi 11 tháng đầu năm chỉ nhập khẩu khoảng 610 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm các thị trường truyền thống của tôm Việt, với mức tăng trưởng 60,2%, đạt 637,9 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, VASEP đánh giá, Trung Quốc có khả năng vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn thứ hai của tôm Việt Nam trong quý 1.2018.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP cũng thông tin, từ ngày 1.12.2017, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có lợi thế hơn khi nước này quyết định giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 2% đối với sản phẩm tôm đông lạnh. Hơn nữa, với lợi thế về vị trí địa lý, thanh toán linh hoạt… doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của bạn hàng Trung Quốc khi nhu cầu ở thị trường này tăng mạnh.

Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Trung Quốc vẫn ở mức cao, nhằm phục vụ mùa tết âm lịch sắp tới. Một số doanh nhân Trung Quốc còn đến tận ao nuôi các nước lân cận để tìm mua hàng với khối lượng lớn. Một số nhà phân tích cho rằng, lượng tôm thẻ châm trắng nuôi tại Trung Quốc đã giảm 2/3 do gặp các bất lợi về thời tiết. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng tôm nhập khẩu vào thị trường này tăng mạnh.

Cũng theo ông Hòe, không chỉ ở thị trường Trung Quốc, sự thay đổi ngôi thứ này cũng có thể kéo dài sang năm 2018, khi mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực sẽ tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu tôm vào thị trường này.

Cụ thể, theo lộ trình cam kết, khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu tôm mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm mũ ni vỏ…) sang EU sẽ về 0% thay vì mức 12,5% như hiện tại, thuế sản phẩm tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm thẻ thịt đông lạnh… cũng về 0% từ mức 20%.

Trong khi đó, sản xuất tôm trong nước năm qua cũng gặp nhiều thuận lợi nhờ giá tốt, được Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan ban ngành ưu tiên. Ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, chỉ trong vòng một năm qua, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao phát triển rất mạnh mẽ tại địa phương này, hướng tới xây dựng Bạc Liêu thành trung trâm công nghiệp tôm của cả nước.

“Chỉ với 500 – 600 triệu đồng, nông dân có thể đầu tư ao nuôi tôm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và lấy lại vốn sau 1 năm. Do đó, các mô hình này đang lan tỏa rất nhanh, dẫn tới lo ngại về việc khó kiểm soát ô nhiễm môi trường”, ông Trung cho biết.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Tăng trưởng nông nghiệp cao nhất trong 3 năm

Năm 2017, tổng giá trị SX toàn ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,16%, GDP nông lâm thủy sản tăng ở mức 2,9% so với năm 2016.

Ngành trồng trọt, nhất là rau quả XK đang có nhiều chuyển biến tích cực

Đây được xem là một nỗ lực lớn trong bối cảnh phải hứng chịu hậu quả thiên tai nặng nề cùng nhiều thách thức lớn về thị trường.

Trồng trọt vượt kế hoạch

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị SX toàn ngành nông nghiệp năm 2017 tăng 3,16% so với năm 2016, trong đó, trồng trọt tăng 2,23%, chăn nuôi tăng 2,16%, lâm nghiệp tăng 5,17% và thủy sản tăng 5,89%. GDP nông lâm thủy sản tăng 2,9% (so với mức 2,95% năm 2013; 3,9% năm 2014; 2,6% của năm 2015 và 1,44% năm 2016).

Là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất từ thiên tai, tuy nhiên, trồng trọt là lĩnh vực đã tạo được nhiều chuyển biến trong năm qua. Việc đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức SX; khuyến khích phát triển SX quy mô lớn, hợp tác liên kết SX theo chuỗi giá trị… tiếp tục được đẩy mạnh. Cơ cấu SX ngành trồng trọt tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như rau, hoa, quả nhiệt đới, các loại cây công nghiệp giá trị cao… Nhờ đó, giá trị SX trồng trọt đã tăng 2,23% so với năm 2016, vượt mục tiêu so với kế hoạch đề ra (2%).

Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2017, với tổng số khoảng 185,7 nghìn ha được chuyển sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Cộng thêm với thiệt hại do thiên tai, diện tích lúa cả năm chỉ đạt 7,72 triệu ha, giảm 26,1 nghìn ha; sản lượng lúa ước đạt 42,84 triệu tấn, giảm khoảng 318,3 nghìn tấn so với năm 2016. Bên cạnh đó, các loại cây lương thực như ngô cũng giảm trên 52 nghìn ha và 114,6 nghìn tấn so với năm 2016. Tuy nhiên, bù lại diện tích, sản lượng nhiều loại rau màu, cây lâu năm, đặc biệt là cây ăn trái có thị trường tiêu thụ tốt tăng mạnh.

Cụ thể, diện tích rau các loại đạt 937,3 nghìn ha, tăng 29,5 nghìn ha, sản lượng ước đạt 16,49 triệu tấn, tăng 562,8 nghìn tấn (3,5%). Diện tích cà phê đạt 664,6 nghìn ha, tăng 14,1 nghìn ha, sản lượng ước đạt 1.529 nghìn tấn, tăng 51,9 nghìn tấn (4,7%); hồ tiêu đạt 152 nghìn ha, tăng 22,7 nghìn ha, sản lượng đạt 241,5 nghìn tấn, tăng 25,1 nghìn tấn (11,6%). Đặc biệt, diện tích cây ăn quả ước đạt 923,9 nghìn ha, tăng 52,5 nghìn ha; sản lượng ước đạt 9.478,9 nghìn tấn, tăng 555,9 nghìn tấn (6,2%)… Xu hướng phát triển SX quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được nhân rộng.

Đến nay, hầu hết các địa phương đã quy hoạch vùng SX hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục ha đến vài trăm ha với nhiều loại cây trồng (lúa, ngô, rau đậu các loại). Đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 600 nghìn ha SX lúa theo mô hình cánh đồng lớn với các quy trình tiên tiến, thân thiện môi trường (như VietGAP, Global GAP…) được phổ biến nhân rộng…

Thủy sản quyết vượt khó

Thủy sản tiếp tục là lĩnh vực duy trì được đà tăng trưởng ở mức cao nhất của toàn ngành nông nghiệp trong năm 2017 với tốc độ tăng giá trị SX đạt khoảng 5,89%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (5%). Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản năm 2017 ước đạt 7,22 triệu tấn, tăng 5,2%; trong đó khai thác đạt 3,4 triệu tấn, tăng 5,1%; nuôi trồng đạt 3,8 triệu tấn, tăng 5,3%. Sản lượng tôm các loại đạt khoảng 723,8 nghìn tấn (tăng 10,3%), cá tra đạt khoảng 1.251,3 nghìn tấn (tăng 5,0% so với năm 2016), các đối tượng nuôi khác vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Thủy sản vượt khó ấn tượng trong năm 2017

Điểm khởi sắc trong năm 2017 của ngành thủy sản, đó là việc khôi phục SX sau sự cố môi trường biển miền Trung đã được triển khai quyết liệt, có hiệu quả. Đến nay, hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, thương mại thủy hải sản ở khu vực này đã cơ bản lấy lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, hoạt động khai thác và XK hải sản nước ta trong năm 2017 lại vấp phải khó khăn do EC ban hành “thẻ vàng” về khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) áp dụng với DN Việt Nam.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang quyết liệt chỉ đạo, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục như: Ban hành Quyết định 4840/QĐ-BNN-TCTS ngày 23/11/2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EU về IUU; đồng thời hoàn thiện Luật Thủy sản trình Quốc hội phê duyệt để có quy định pháp lý cao nhất điều chỉnh các hành vi đánh bắt bất hợp pháp; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống đánh bắt bất hợp pháp IUU-Fishing; xây dựng chương trình truyền thông về khai thác IUU nhằm nâng cao nhận thức và hành động, tạo chuyển biến thật sự trong thực hiện các quy định, khuyến nghị của EC về khai thác hải sản…

Tại buổi họp báo tổng kết 2017 của Bộ NN-PTNT mới đây, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn khẳng định, mục tiêu trong năm 2018, ngành thủy sản phải bằng mọi biện pháp trước hết không để EU rút “thẻ đỏ”, tiếp tục duy trì trạng thái thẻ vàng, từ đó triển khai các giải pháp khắc phục.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục mới

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ước tính hết tháng 11/2017, giá trị xuất khẩu nông sản đã đạt 33,14 tỷ USD, tăng tới 13,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Đóng góp vào mức tăng trưởng kỷ lục này là nhờ các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực là thủy sản, rau quả, gạo, cao su…

Trong đó, rau quả có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất. Theo báo cáo, giá trị xuất khẩu hàng rau quả 11 tháng năm 2017 ước đạt 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ riêng tháng 11, giá trị xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 292 triệu USD.

Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017 với thị phần lần lượt là 75,6%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%. Trong 10 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Nhật Bản (67,6%), Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (56,9%) và Trung Quốc (52,7%).

Gạo cũng là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 năm 2017 ước đạt 389.000 tấn với giá trị đạt 192 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 5,49 triệu tấn và 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017 với 39,8% thị phần.

Còn với mặt hàng cao su, do giá cao su tăng mạnh (giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2017 đạt 1.680,4 USD/tấn, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016), nhu cầu tăng nên khối lượng xuất khẩu cao su 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,21 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, chỉ tăng 8,2% về khối lượng nhưng tăng tới 38,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Chỉ riêng tháng 11, khối lượng xuất khẩu cao su ước đạt 143.000 tấn với giá trị đạt 210 triệu USD, đưa. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt 63,1%, 5,7% và 4,0%.

Mặt hàng thủy sản cũng là một điểm sáng của xuất khẩu khi giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11 năm 2017 ước đạt 728 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 7,57 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017, chiếm 58,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 10 tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (67,9%), Hà Lan (47,5%), Anh (35%), Hàn Quốc (29,5%), Nhật Bản (22,2%) và Canada (22,7%).

Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam cũng có mức tăng nhẹ là chè (tăng 10,2% về khối lượng, 8,9% về giá trị ), hạt điều (tăng 1% về khối lượng, 23,2% về giá trị), gỗ (tăng 10,5%).

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam