Quá nhiều rào cản phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Tuy nhiên, hiện ở nhiều nơi nguồn đất, nước đã bị nhiễm các hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng phân bón hóa học. Cùng với đó, việc thay đổi tập quán sản xuất của nông dân vẫn là rào cản lớn nhất để phát triển NNHC…

 

Bài 1: Khó thay đổi nhận thức, giải pháp canh tác

 

Theo quy định của Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, một sản phẩm hữu cơ phải đảm bảo được nguyên tắc 5 không: Không hóa chất bảo vệ thực vật, không phân hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không sản phẩm đột biến gen và không sử dụng thuốc diệt cỏ.

Hiện Việt Nam mới có 40 tỉnh, thành có diện tích trồng trọt hữu cơ (chiếm 0,7% tổng diện tích đất trồng trọt cả nước). Số tỉnh có chăn nuôi hữu cơ là 24, và chỉ 4 tỉnh có nuôi trồng thủy sản hữu cơ.

 

Quá nhiều rào cản

Vườn rau hữu cơ tại quận Bình Tân (TP.HCM)

 

Dự thảo đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020 – 2030 của Bộ NNPTNT đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào top 15 nước có nền NNHC phát triển nhất thế giới, với diện tích sản xuất hữu cơ chiếm 7 – 10% diện tích sản xuất nông nghiệp cả nước.

Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Hồng – nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Việt Nam có rất nhiều điều kiện để phát triển NNHC như khí hậu, độ ẩm ướt, gió mùa… tác động các chất hữu cơ chuyển hóa tốt thành khoáng chất cung cấp cho cây trồng. Rồi phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú… Không phải ngẫu nhiên Liên đoàn các phong trào NNHC quốc tế (IFOAM) đã công nhận Việt Nam có sản xuất NNHC.

Tuy nhiên, IFOAM cũng cho rằng, Việt Nam “chưa có quy định pháp luật về NNHC” nên dẫn tới những khó khăn, thách thức đối với con đường phát triển NNHC (hiện mới có Nghị định về NNHC số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018).

Ông Nguyễn Văn Chữ – Giám đốc Công ty Nam Thành, một đơn vị liên kết với các trang trại sản xuất, chế biến thịt lợn, gà đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ tại Hà Nội, thừa nhận, để chứng nhận các nguyên liệu như đậu tương, ngô được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ không hề đơn giản khi mẫu đất, nước phải đảm bảo không tồn dư hóa chất.

Ông Trần Hoàng Ý – Giám đốc Công ty Xuất khẩu điều Việt Hàn (có nhà máy ở Bình Dương và Bình Phước) cho rằng, diện tích nhỏ lẻ làm NNHC rất khó khăn, ngay đầu tiên đã gặp vấn đề nhiễm chéo từ những diện tích không làm hữu cơ khác.

Bắt đầu làm nông nghiệp hữu cơ từ năm 2013, bà Phạm Phương Thảo – Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ thực phẩm hữu cơ Organica cho biết, các vườn rau hữu cơ của Việt Nam thường có diện tích nhỏ, khoảng 2 – 3ha, với khoảng 10 loại rau luân canh, một phần do diện tích đất sạch không nhiều.

Ngoài yếu tố đất, nước thì các yếu tố đầu vào khác như giống, phân bón hữu cơ cũng là một khó khăn với các nhà sản xuất hữu cơ. Ông Nguyễn Ngọc Luân – Giám đốc HTX nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai) lý giải, để sản xuất NNHC thì phải có nguồn giống, phân bón, bảo vệ thực vật hữu cơ, nhưng HTX của ông thường không có đủ phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất do việc nhập khẩu phân hữu cơ thủ tục khá phức tạp, mất nhiều thời gian.

 

Nông dân chưa mặn mà

Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, muốn phát triển NNHC cần quan tâm đến người nông dân, lực lượng sản xuất chính: “NNHC không phải mạnh ở doanh nghiệp mà là ở nông dân, đặc biệt khi quy mô sản xuất hữu cơ còn nhỏ lẻ”. Ông Luân cho rằng ý thức làm hữu cơ của người nông dân là một vấn đề cần được tuyên truyền. Ở các nước, người nông dân làm hữu cơ vì chính sức khỏe của họ, còn hầu hết nông dân mình chưa quan tâm đến điều này.

Còn bà Phạm Phương Thảo thì cho rằng, để nông dân gắn bó với sản xuất hữu cơ, cần đảm bảo cho họ 2 vấn đề: Giải pháp canh tác và thị trường đầu ra.

Sau 6 năm tham gia làm hữu cơ, những khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào của bà Thảo đã được giảm đáng kể, tuy nhiên vấn đề nhân lực vẫn là một trăn trở lớn. “Nếu mình không bán được hàng cho họ thì dù có chứng nhận hữu cơ, nhiều nông dân vẫn sẵn sàng bỏ để quay về sản xuất truyền thống như trước” – bà Thảo nhận xét.

Bà Thảo có một đối tác nông dân ở Đà Lạt, gia đình dành phần lớn diện tích canh tác để trồng hoa. Mấy năm gần đây, người chồng cảm thấy sức khỏe có vấn đề, mỗi lần đi xịt thuốc trừ sâu cho hoa đều thấy ghê sợ, nên bà Thảo đã gợi ý họ chuyển qua trồng rau hữu cơ để khỏe mạnh hơn.

Mặc dù đã được bà Thảo hỗ trợ tài chính để yên tâm trồng trọt nhưng sau một thời gian, cặp vợ chồng lại tỏ ý băn khoăn. Họ thấy trồng hữu cơ vất vả, tốn công bắt sâu, nhổ cỏ, phải thuê thêm nhân công mà lợi nhuận không bằng trồng hoa nên lại muốn chuyển về trồng hoa.

Thực tế, theo thống kê của Bộ NNPTNN, chi phí cho sản xuất hữu cơ thường cao hơn sản xuất thông thường khoảng 130% trong khi sản lượng chỉ bằng 80-90% (có bảng so sánh kèm theo). Ngoài ra, việc nhận thức chưa đúng về hữu cơ của nhiều người sản kinh doanh cũng là một khó khăn cho phát triển ngành này.

Trong một hội nghị về xúc tiến nông sản hữu cơ do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.HCM hồi tháng 9/2019, nhiều người tham dự vẫn nhầm lẫn giữa sản xuất hữu cơ với sản xuất thực phẩm an toàn công nghệ cao, cho rằng làm hữu cơ không cần đất và nước. Bà Thảo cũng kể rằng nhiều lần mình nhận được các đề nghị hợp tác từ những nông dân sản xuất, nhưng tìm hiểu thì thấy họ không có giấy chứng nhận hữu cơ mà chỉ là những chứng nhận sản phẩm an toàn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Thăm vườn rau hữu cơ ‘6 không’

Chúng tôi tìm đến vườn rau hữu cơ “6 không” nằm khép mình trong khu dân cư quận Tân Bình (TP.HCM).

Đó là vườn rau Happy Vegi của Thạc sĩ hóa học Nguyễn Thị Quỳnh Viên và Ths.BS dinh dưỡng Trần Ngọc Diệp trồng hơn 10 loại rau ăn lá theo mùa…

Vườn rau xanh mướt Happy Vegi 

Vào khu vườn, ấn tượng là màu xanh mướt của rau, không khí trong lành, đặc biệt là có thể tha hồ ngắm những chú cuốn chiếu, trùn, cóc… đang ngoe ngẩy.

Để có được vườn rau xanh mướt ấy là cả một quá trình, vừa mất tiền, mất thời gian, hy sinh sự nghiệp trong trường… để chị Quỳnh Viên nghiên cứu, trồng lên những luống rau hữu cơ đảm bảo chất lượng ATTP phục vụ nhu cầu của các bà nội trợ tại TP.HCM.

Chị Quỳnh Viên nói: “Nhớ lại những ngày đầu của vườn rau, người tiêu dùng hiểu rất khác nhau về thực phẩm hữu cơ. Mấy chị em ngồi nghĩ nát óc xem làm thế nào để đơn giản hóa những kiến thức về nông nghiệp hữu cơ để họ có thể hiểu. Thế là nguyên tắc “6 không” ra đời với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người sử dụng, cũng như duy trì sự màu mỡ của đất”.

Để có một bó rau hữu cơ đảm bảo chất lượng, ngoài việc lựa chọn giống, trồng rau theo phương pháp hữu cơ tự nhiên người nông dân còn phải đảm bảo tuyệt đối các quy chuẩn an toàn về môi trường, vệ sinh ATTP và đặc biệt là phải tuân thủ nghiêm ngặt 6 nguyên tắc: Không trồng trên đất và nước nhiễm hóa chất nông nghiệp; Không thuốc diệt cỏ; Không sử dụng thuốc trừ sâu; Không sử dụng phân bón hóa học; Không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng; Không sử dụng giống biến đổi gien.

Đất trồng được đảm bảo các tiêu chí về đất trồng rau của Bộ NN-PTNT, khi làm đất, thường phải chọn vị trí tốt, lấy đất cùng với phân bò đã cải tạo trộn với phân dừa đem ủ để có chế phẩm vi sinh diệt khuẩn gây bệnh.

Lấy từng cây con để chuẩn bị đem cấy

Phân được ủ bằng men vi sinh với các nguyên liệu tự nhiên như rơm, ngô, đậu, mùn cưa, vỏ cà phê, bã mía, phân gia súc… Thời gian ủ từ 30 ngày đảm bảo các nguyên liệu phân huỷ thành các chất mùn dinh dưỡng. Trong 2 tuần ủ phân, vi sinh vật hoạt động làm nhiệt độ đống ủ tăng lên đến 60 – 75 độ C, giúp tiêu diệt các mầm bệnh, đồng thời góp phần phân hủy các nguyên liệu thành chất mùn được nhanh hơn để tạo ra một loại phân bón tơi, xốp, không mùi, tốt cho cây trồng.

“Canh tác hữu cơ không có năng suất cao nên chưa thể là giải pháp về thực phẩm cho tất cả mọi người. Hiện tại, mỗi ngày chúng tôi thu hoạch khoảng 100kg rau. Năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để ổn định năng suất trong mùa mưa và mở thêm một vườn mới trên Măng Đen để đa dạng sản phẩm. Dự kiến sản lượng năm 2018 sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2017. Người tiêu dùng tại TP.HCM có thể mua rau tại các cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ hoặc đặt hàng online”, chị Trần Ngọc Diệp bộc bạch.
Chọn giống thuần chủng của địa phương để có sức đề kháng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, địa lý của địa phương. Ươm giống từ 15 – 20 ngày đem ra cấy hoặc sạ.

Khi cấy cây non thì khoảng cách giữa các cây là 5cm, hàng cách hàng 10cm; còn sạ thì dùng cào quanh theo chiều ngang luống để hạt chìm xuống, rồi dùng giá thể xơ dừa phủ lên trên tăng độ ẩm, dùng lưới màu trùm lên để giảm bớt ánh sáng cho cây phát triển, khi cây được 1 tuần tuổi, bón phân hữu cơ để tăng thêm dinh dưỡng.

Để hạn chế cỏ dại phải thường xuyên nhổ cỏ bằng tay, trồng các loại cây họ cúc, xả, bồ ngót Nhật… để xua đuổi côn trùng tạo điều kiện sinh thái để hấp dẫn các thiên địch tự nhiên như chim sâu, bọ rùa, bọ ngựa… Che chắn cho rau để phù hợp khả năng sinh trưởng và bảo vệ nguồn dinh dưỡng, nguồn oxy cho cây.

“Đối với nước tưới quan trọng là độ pH trong nước, muốn nâng độ PH chúng tôi dùng một đệm vi sinh để trong bể nước và bơm nước trong vòng 24h khi vi sinh hoạt động thì độ pH sẽ được nâng lên gần 7 thì hệ vi sinh sẽ tốt”, chị Quỳnh Viên nhấn mạnh.

Ở đây, người nông dân không chỉ làm vườn, mà họ tự tay ghi chép vào sổ từng ngày gieo hạt, ngày bón phân…

Sau 40 – 45 ngày rau được thu hoạch về kiểm tra, khi sản phẩm rau đạt chỉ số an toàn được giữ trong khay phủ khăn ẩm, sáng sớm đóng gói và được phân phối đến các cửa hàng rau sạch và người tiêu dùng trước 9h sáng.

Vừa cung cấp rau hữu cơ, vườn rau Happy Vegi luôn là nơi được các bạn tình nguyện viên hòa bình từ các nước Mỹ, Đức, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản… lựa chọn làm nơi trải nghiệm nông nghiệp, cũng như mở cửa cho bất cứ khách hàng, nhà trẻ… đến trải nghiệm, tham quan.

Tình nguyện viên nước ngoài đến trải nghiệm tại vườn rau

Mong rằng sẽ có nhiều vườn rau như thế, để đem đến hạnh phúc cho mọi gia đình khi cùng nhau thưởng thức bát canh, đĩa rau, bát cháo ngon ngọt an lành, cũng như giúp cho người nông dân hàng ngày không phải tiếp xúc với những hóa chất độc hại, đem đến một hệ sinh thái tự nhiên.

Thu hoạch rau về kiểm tra trước khi đóng gói đem đến tay người tiêu dùng

Sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng rau sạch, rau hữu cơ

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

4 ha rau hữu cơ cho sản lượng 30 tấn mỗi năm tại Hà Nam

Hiện, bà con Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam canh tác khoảng 30 loại rau hữu, cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nam, Hà Nội và Nam Định.

Theo ông Nguyễn Văn Phóng – Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trác Văn ở thôn Tường Thụy, Xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng rau sạch của thị trường khá cao; trong khi thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với sự phát triển của nhiều loại nông sản, nguồn lao động tại chỗ lại dào dào, nên năm 2013, hợp tác xã thành lập tổ hợp tác chuyên trồng rau hữu cơ. Sau hơn 3 năm hoạt động, hiện, tổ hợp tác có 36 thành viên, canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ trên diện tích 4 ha.

Ruộng cà chua hữu cơ của bà con Trác Văn.

Theo ông Phóng, thời gian đầu khi phát triển mô hình rau hữu cơ, các thành viên trong tổ gặp không ít khó khăn. Một là, bà con còn gặp nhiều bỡ ngỡ khi chuyển đổi từ lối canh tác truyền thống sang phương pháp canh tác có sự kiểm tra, giám sát, thực hiện theo các tiêu chí kỹ thuật. Hai là, trong quá trình sản xuất rau hữu cơ, do không được phép sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón hóa học nên khi rau gặp sâu bệnh, bà con cũng lúng túng, chưa giải quyết được ngay.

Ngoài ra, mô hình trồng rau hữu cơ cho năng suất thấp, chỉ bằng 40-50% so với canh tác thông thường nên nhiều người còn e ngại, chưa nhiệt tình tham gia.

Bà con bón phân cho rau cải muộn. 

Để khắc phục những khó khăn trên, các cán bộ chuyên về trồng trọt được cử xuống tận nơi, hướng dẫn kỹ thuật canh tác rau hữu cơ cho bà con thông qua lớp tập huấn. Theo đó, ngoài đất trồng và nước tưới đảm bảo đạt chuẩn, để hạn chế sâu bệnh gây hại, bà con phải luân canh và xen canh nhiều loại rau, củ, quả.

Ngoài ra, cạnh luống rau, bà con còn được gợi ý trồng thêm các loài hoa có màu sắc rực rỡ để dẫn dụ thiên địch có lợi, từ đó, hạn chế sâu bướm đẻ trứng lên rau và gây hại. Khi gặp sâu bệnh, bà con dùng thuốc thảo mộc hoặc chế phẩm sinh học là hỗn hợp tỏi, ớt giã nhỏ trộn với rượu để phun cho rau.

Rau được trồng xen canh để hạn chế sâu bệnh.

Hiện, bà con Trác Văn canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ gồm cải ngồng, cải ngọt, cà rốt, cải chíp, cà chua, đậu cô ve, dưa chuột, su hào, bắp cải… Các giống rau này đều được nhập từ trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Về phân bón, người dân sử dụng phân bò, lợn, gà ủ cùng gốc rau thải cho hoai mục rồi đem bón. Đây là nguồn cung cấp dưỡng chất giúp rau phát triển tốt, đất tơi xốp, lại góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng các nguyên liệu thủ công, tự chế, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, mô hình rau hữu cơ Trác Văn đã được cấp chứng nhận PGS. Đây là chứng nhận về quy trình sản xuất rau hữu cơ ở Việt Nam, được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ IFOAM cấp phép.

Hiện, sản lượng rau hữu cơ của tổ hợp tác đạt khoảng 30 tấn mỗi năm; trong đó, 60-70% được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu, còn lại là bán lẻ cho người tiêu dùng. Giá rau ổn định ở mức 15.000 đồng một kg.

Ông Phóng chia sẻ, tổ hợp tác dự định hoàn thiện hệ thống tưới phun sương, xây nhà lưới hạn chế côn trùng và giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết tới sự sinh trưởng của các loại rau theo mô hình; góp phần nâng cao năng suất và sản lượng rau hữu cơ an toàn Trác Văn.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Rau hữu cơ Định Trung khẳng định thế mạnh OCOP

Cây rau ở xã Định Trung (TP Vĩnh Yên) lúc đầu chỉ có một vài hộ làm theo kiểu tự cung tự cấp. Dần dà, đây là hướng đi mới để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, quy hoạch vùng trồng rau. Phối hợp với ngành NN-PTNT tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, hỗ trợ giống, vốn, VTNN và bao tiêu một phần rau xanh cho nông dân…


Để rau Định Trung có đầu ra ổn định, khẳng định được chỗ đứng, với sự giúp đỡ của các cấp, ngành năm 2012, “Liên kết nhóm” trồng rau an toàn, theo hướng hữu cơ được hình thành. Ban đầu có 19 hộ tham gia với 1,5ha. Công ty CP XNK&SX nông sản sạch VietGarden trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu 50% sản phẩm.

Tháng 5/2017, HTX SX và TM Định Trung (HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc) thành lập với 25 hội viên, là những nông dân trồng rau hữu cơ tại xã Định Trung. HTX hợp tác với các DN, nhằm liên kết, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình SX rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, giám sát SX để có những sản phẩm đạt VSATTP, từng bước hỗ trợ SX và tiêu thụ rau hữu cơ cho bà con với giá cao hơn, hoặc ít nhất bằng giá thị trường.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng rau hữu cơ, bà Nguyễn Thị Hương Hồi, PGĐ kỹ thuật HTX cho biết, để rau, củ, quả hữu cơ, an toàn, bà con tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “5 không”, gồm không dùng phân hóa học; không dùng chất biến đổi gen; không dùng chất kích thích sinh trưởng để phun, tưới; không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu.

Thay vào đó, bà con dùng ớt, tỏi, gừng giã nhuyễn ngâm với rượu rồi phun lên rau hoặc dùng phương pháp dẫn dụ bắt thủ công. Để bổ sung dinh dưỡng cho cây thì dùng đu đủ chín, mướp đắng, chuối chín, cá trộn với đường (mùa đông 21 ngày, mùa hè 15 ngày) sau đó lọc lấy nước phun. Hiện tại HTX có 3 ha đang SX tại cánh đồng Đường Hiên, mỗi ngày làm ra từ 400 – 800kg rau, củ, quả…

Còn theo bà Hoàng Thị Tám, PGĐ HTX phụ trách thị trường, hiện tại rau HTX đã được tiêu thụ rộng rãi, tại nhiều của hàng và công ty như: Công ty CP XNK&SX nông sản sạch VietGarden (Hà Nội), Cửa hàng thực phẩm sạch Bảo Phúc, Cửa hàng thực phẩm sạch Tĩnh Liên (khu chung cư Vinaconex Xuân Mai, phường Liên Bảo), Thực phẩm sạch T-Food (Trần Phú, Liên Bảo), Sông Hồng thủ đô… Tuy nhiên lượng tiêu thụ qua HTX chỉ đạt 40 – 50%, còn lại các hộ vẫn phải tự lo đầu ra.

Vừa tranh thủ chăm sóc ruộng bắp cải, bà Trịnh Thị Vinh ở thôn Đậu, xã Định Trung, xã viên HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc cho biết: “Gia đình tôi có 3 sào bắp cải, su hào, cà chua theo hướng hữu cơ. Với 1 sào bắp cải trên 1.000 cây, trồng 2,5 đến 3 tháng cho thu hoạch, giá hiện tại 10.000 đồng/cây, trừ chi phí cũng thu được 7 triệu/đợt/sào. Tuy nhiên giá còn bấp bênh, như tầm này năm trước, mỗi cây bắp cải chỉ 2.000- 3.000 đồng, phải bán tống, bán tháo hoặc chặt cho bò, lợn, cá ăn”.

Còn theo chị Nguyễn Thị Hải ở thôn Gò, gia đình chị có 2 sào trồng rau, khi chưa thành lập HTX thì rau làm ra khó tiêu thụ, giá trị không cao. Khi vào HTX, các xã viên cùng chịu trách nhiệm nên chất lượng rau nâng lên, thu nhập tăng theo, bình quân 1 sào khoảng 30 – 35 triệu đồng/năm, cao hơn cây trồng khác. Tuy nhiên lượng tiêu thụ qua HTX còn thấp, hộ gia đình vẫn phải tự lo đầu ra 50% sản phẩm.

Với phương châm “Sạch từ tâm, ngon xứng tầm”, chị Đặng Thị Bảo Yến, chủ cửa hàng thực phẩm Bảo Phúc (khu chung cư Vinaconex Xuân Mai, phường Liên Bảo) cho biết, hàng ngày của hàng tiêu thụ trực tiếp khoảng 80kg rau, củ, quả của HTX. Ngoài bán trực tiếp, cửa hàng còn nhận giao hàng tận nơi khách hàng yêu cầu.

Nhanh tay chọn cho mình những túi rau tươi ngon mang nhãn hiệu HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc, chị Phan Thị Minh Thu ở khu 10, phường Liên Bảo tâm sự: “Tôi thường xuyên mua rau cửa hàng Bảo Phúc vì rau ở đây tươi ngon, sạch, được chứng nhận đảm bảo VSATTP, hơn nữa giá cả hợp lý”.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giá rau hữu cơ tiêu chuẩn pgs gấp 3 lần rau thông thường

Với phương pháp trồng theo hệ thống PGS, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, rau hữu cơ Lương Sơn có giá gấp 2-3 lần so với rau trồng thông thường.

PGS là hệ thống quản lý chất lượng có sự tham gia của các bên liên quan vào toàn bộ quá trình bảo đảm chất lượng cho sản phẩm. Để tham gia vào nhóm sản xuất này, các hộ nông dân thành viên đều phải trải qua quá trình đào tạo, tập huấn canh tác hữu cơ theo hệ tiêu chí chuẩn.

Trong hệ thống PGS, toàn bộ người tham gia vào quá trình sản xuất có thể tiến hành kiểm tra chéo lẫn nhau; đồng thời, cả nông dân, nhà quản lý và doanh nghiệp phải sự liên kết chặt chẽ. Theo đó, cứ 5 nông dân thành viên trở lên sẽ liên kết thành nhóm sản xuất; nhiều nhóm tập hợp lại tạo thành liên nhóm, gắn kết với nhau cùng hoạt động.

Việc xuất hiện các nhóm sản xuất hữu cơ áp dụng hệ thống PGS không chỉ góp phần tạo việc làm, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân, mà còn tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đảm bảo chất lượng lại không ảnh hưởng đến môi trường.

polyad

Hiện tại, huyện Lương Sơn vẫn là địa phương duy nhất của tỉnh Hòa Bình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng PGS trong sản xuất rau hữu cơ an toàn. Ảnh: Lương Sơn Organicfarm.

Hiện tại, tổng diện tích sản xuất rau hữu cơ của huyện Lương Sơn được cấp giấy chứng nhận PGS là hơn 67.000 m2, do 114 hộ thành viên (chia thành 16 nhóm) cùng canh tác.

Trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn GPS, các thành viên liên nhóm đều phải đảm bảo đồng bộ quy định như nguồn giống rau chất lượng; chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai mục 3-6 tháng để bón cho cây; phòng trừ sâu bệnh bằng hỗn hợp nguyên liệu gồm tỏi, ớt, gừng ngâm với rượu trong 5-7 ngày. Bên cạnh đó, nước tưới rau phải là nước dẫn từ suối xuống ruộng hoặc nước bơm từ giếng khoan đã được kiểm định chất lượng…

Trước đây, khi canh tác rau đơn thuần, người dân địa phương gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra. Tuy nhiên, từ khi áp dụng hệ thống với sự tham gia kết nối của doanh nghiệp, nhà quản lý, ngoài một phần nhỏ cung cấp cho thị trường bán lẻ trong và ngoài huyện, khối lượng lớn rau hữu cơ (60-80 tấn) được các doanh nghiệp thu mua thông qua hợp đồng mỗi năm. Hiện tại, 3 doanh nghiệp đối tác mà liên nhóm rau hữu cơ Lương Sơn thực hiện kết nối là Công ty TNHH Tâm Đạt, Tràng An và Vinagap.

Theo thỏa thuận với doanh nghiệp, rau hữu cơ Lương Sơn đang được bán với giá 14.000 đồng một kg. So với rau trồng theo phương pháp truyền thống, giá rau hữu cơ cao hơn 2-3 lần. Với thời gian lao động 2-3 tiếng mỗi ngày, người trồng rau hữu cơ có thể thu nhập 3,5-4 triệu đồng mỗi tháng.

Phong Vân

Theo Vnexpress, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam