Truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh

Giải pháp này tự động khớp lệnh 3 bên giữa người sản xuất, người bán và người mua. Khi được phổ biến rộng rãi, nó có thể làm thay đổi tập quán trong sản xuất nông nghiệp và tập quán tiêu dùng của người Việt Nam.

Khi người tiêu dùng lựa chọn giải pháp mua thực phẩm qua điện thoại thông minh, sẽ truy xuất được nguồn gốc thực phẩm đến từng sản phẩm, từng thửa ruộng, từng người trồng, từng đơn vị chế biến.

Sản phẩm sẽ được giao đến tận nhà với giá rẻ nhất. Vì các cửa hàng thực phẩm sạch, các shipper chuyên nghiệp luôn ở gần nhất để có thể giao hàng nhanh nhất trong vòng 32 phút. Các giao dịch giữa người mua, cửa hàng và shipper được khớp lệnh tự động, với đầy đủ chi tiết của đơn hàng.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng sản phẩm

Truy xuất nguồn gốc giám sát nguồn gốc thực phẩm từ quá trình nuôi trồng cho đến khi lên bàn ăn. Hàng hóa tham gia phải trong chuỗi và được bên thứ ba kiểm soát độc lập về chất lượng, an toàn. Khi đạt tiêu chuẩn mới được cấp tem. Đây là giải pháp giúp chứng minh được sản phẩm tốt, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đúng giá trị.

Giải pháp giúp tối ưu hóa chuỗi nông sản và nâng cao sức cạnh tranh, làm tăng giá trị cho người nông dân. Với người tiêu dùng thì được sử dụng sản phẩm sạch. Thay đổi nông nghiệp là giải pháp tương lai, là xu thế tất yếu. Điện thoại thông minh có thể làm thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp và tập quán tiêu dùng.

Đây là giải pháp đồng bộ, có thể gọi là Win – Win. Các bên tham gia từ nông dân, người bán, người mua đều có lợi. Giải pháp mới liên quan đến nhận thức người tiêu dùng, chính sách Nhà nước và có tính xã hội cao nên rất cần xã hội chung tay góp sức.

Hiện nay giải pháp này đang được triển khai thí điểm tại Tp. HCM, Lâm Đồng, Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Nam.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Đầu tư 170 tỷ đồng phát triển cà phê chất lượng cao

Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” với mục tiêu phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu cà phê hàng hóa chất lượng cao quy mô lớn. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 170 tỷ đồng.

Đề án có nội dung nâng cao chuỗi thu nhập của người trồng cà phê trên đơn vị diện tích gieo trồng thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm cà phê: Đến năm 2020 tăng 5% và đến 2023 là 7% so với mức thu nhập bình quân niên vụ 2013-2014.

Bên cạnh đó, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ cà phê, xây dựng được thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và XK; nâng giá cà phê XK của Việt Nam đến 2020 tương đương với các nước trong khu vực và quốc tế trong cùng nhóm chất lượng.

Cụ thể, đề án sẽ hỗ trợ tối thiểu 10 DN hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến ướt (sử dụng enzim và vi sinh vật) nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch; hỗ trợ tối thiểu 5-10 DN xây dựng mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao. Tổng giá trị các mô hình cho thu nhập tương đương 2.000 tỷ đồng/năm, trong đó quy môi mỗi dự án sản xuất thử nghiệm cà phê chất lượng cao đạt không dưới 100 tỷ đồng/năm…

Theo đề án đưa ra, vùng nguyên liệu phát triển cà phê chất lượng cao sẽ có hệ thống sấy, kho bảo quản và nhà máy chế biến phù hợp với quy mô sản xuất. Năng suất cà phê vối đạt 2,7 tấn/ha, cà phê chè đạt 2,0 tấn/ha.

Về kết quả đạt được, đề án đặt ra có ít nhất 10 DN tham gia đầu tư sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm cà phê chất lượng cao theo chuỗi từ giá trị sản xuất, chế biến đến thương mại, đảm bảo được giá trị gia tăng cho ngành cà phê giai đoạn 2020-2030.

Xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm có 50% DN đầu ngành gắn thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao trên bao bì sản phẩm trong giao dịch, mua bán trên thị trường trong nước và thế giới…

Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 170 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 110 tỷ đồng (khoảng 35 tỷ đồng nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm, đào tạo trong mô hình; 45 tỷ đồng phát triển vùng nguyên liệu, hợp tác công tư, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường; 25 tỷ đồng hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất của các đơn vị và 5 tỷ đồng cho các hoạt động khác).

Ngân sách từ các DN, nông dân, vốn vay tín dụng là 60 tỷ đồng (khoảng 30 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất 200-300 nghìn ha cà phê chất lượng cao tại các vùng nguyên liệu hàng hóa; 20 tỷ đồng hỗ trợ hệ thống sấy, kho bảo quản, chế biến; 10 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường).

Thời gian thực hiện đề án là giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn đến năm 2030.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Những mô hình nuôi lươn không bùn kết hợp trồng rau thủy canh lợi nhuận cao

Anh Trần Thiện Phi ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đã trải qua nhiều nghề khác nhau như làm ruộng, nuôi gà, vịt, cá… nhưng cuối cùng đã chọn con lươn để làm giàu.

Anh Phi kể: Ban đầu bắt tay vào nghề nuôi chỉ có 25m2 nuôi trong 2 bể, sau nhiều vụ thành công và rút kinh nghiệm, hiện anh sở hữu 20 bể lươn tương đương với 500m2. Ngoài nuôi lươn thương phẩm, anh còn nhân giống, bình quân mỗi năm sản xuất trên 100.000 con giống.

Mô hình nuôi lươn của anh Phi kết hợp trồng rau thủy canh mang lại hiệu quả cao

Theo tính toán của anh, với 20 bể nuôi, mỗi năm thu hoạch từ 8 – 12 tấn lươn thương phẩm, sau khi trừ chi phí thu về trên 1 tỷ đồng/năm. Nhờ thả nuôi nhiều đợt nên lươn thu hoạch quanh năm. Ngoài nuôi lươn, anh còn sáng kiến trồng rau cần nước (cần ống) trên mặt bể và các loại rau răm, rau om, mướp xen kẽ vào các khoảng đất trống theo mô hình chăn nuôi khép kín giúp tăng thêm thu nhập khoảng 15 – 20 triệu đồng/vụ (lươn nuôi 6 – 8 tháng). Chỉ riêng rau cần ống, mỗi tuần anh cũng thu hoạch khoảng 20kg/bể, bán với giá 15.000đ/kg. Trồng rau hoàn toàn không dùng phân hóa học và thuốc BVTV.

Còn ông Lê Văn Bút ở cùng xã Thạnh Phú sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi lươn không bùn và không ngừng mở rộng thêm bể nuôi, đến nay đã sở hữ 6 bể với diện tích gần 150m2.

Ông Bút cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu sống bằng nghề nông chỉ với khoảng 3.000m2 đất canh tác lúa, làm lụng cực khổ, vất vả nhiều năm nhưng thu nhập không đáng là bao, cuộc sống lao đao, thiếu thốn đủ đường. Thấy bà con nhiều nơi nuôi lươn đem lại lợi nhuận khá cao, tôi cũng chuyển sang nuôi lươn. Lúc đầu gặp không ít khó khăn nhưng nhờ siêng năng, chịu khó, ham học hỏi… dần dà tay nghề cũng khá lên”.

Nuôi lươn không bùn phát triển mạnh ở Cờ Đỏ

1 bể nuôi lươn 20m2 (4 x 5m), ông Bút thả 50kg lươn giống (loại 30 con/kg), mật độ thả 75 con/m2, tỷ lệ sống 70%. Sau 7 tháng nuôi và chăm sóc, lươn đạt trọng lượng từ 180 – 200gram/con, thu hoạch khoảng 200kg lươn thịt, bán với giá bình quân 180.000 đồng/kg. Ước tính, nếu trừ đi các khoản chi phí về (con giống, thức ăn, dụng cụ làm bể bạt, công chăm sóc…), ông thu gần 16 triệu đồng.

Ông Bút chia sẻ kinh nghiệm, để nuôi lươn tốt nên chọn vị trí yên tĩnh, ít người qua lại, có bóng mát, dễ lấy nước vào và thoát nước ra, làm mái che hoặc làm giàn trồng cây leo che nắng, gió. Cắm trụ, dùng bạt nilon loại dày không thoát nước quây quanh các trụ tạo thành bể. Diện tích bể 20m2, chiều cao bể 1 – 1,2m. Nước được lọc và diệt khuẩn, diệt ký sinh trùng mới đưa vào bể. Mực nước tốt nhất trong bể từ 20 – 30cm. Thả rau cần ống và trà tre tạo bóng râm và nơi trú ẩn cho lươn.

Nuôi lươn không bùn được siêu thị Metro Cần Thơ bao tiêu sản phẩm

Vấn đề chọn thả con giống rất quan trọng, nên chọn lươn màu vàng sẫm để nuôi vì đây là loại lươn có tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt. Lươn giống 30 – 60 con/kg thả 1 bể là phù hợp. Giống quá nhỏ, lươn khó chăm sóc, dễ chết, thời gian nuôi kéo dài. Giống lớn (10 – 20 con/kg) thì khi mua phải để ý nguồn gốc, vì cỡ này hay bị chết sau khoảng một tháng nuôi do giãn cột sống lúc bị đánh bắt. Lươn giống thả nuôi phải đồng cỡ, không xây xát, khỏe mạnh. Mật độ thả tốt nhất là 60 – 80 con/m2. Trước khi thả nuôi cần tắm lươn bằng nước muối loãng trong 3 – 5 phút để sát trùng và loại bỏ những con yếu.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trung Quốc, Ấn Độ “bắt chước” mô hình nông nghiệp 4.0 từ châu Âu

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tham vọng với những tiến bộ của các công nghiệp khác sẽ hỗ trợ liên minh công nông, áp dụng khái niệm nông nghiệp 4.0 từ châu Âu…

Ấn Độ

Theo Rishi Nair (Công ty Khoa học Nông nghiệp Zuari, 2015), Nông nghiệp 4.0 vẫn còn xa đối với toàn Ấn Độ, vì những lý do:

1. Tiếp cận nguồn dữ liệu: Nguồn dữ liệu tuy đã mạnh nhưng vẫn còn nhiều bất cập như các dữ liệu về các hóa chất nông học, hạt giống, và những vật tư đầu vào khác không hoàn toàn được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật, nên công tác thống kê về thương mại gặp nhiều khó khăn. Ngay cả số liệu chính xác về số doanh nghiệp ở từng địa phương cũng khó chính xác.

2. Việc giải mã dữ liệu và tối ưu hóa vật tư đầu vào cũng đang gặp khó khăn.

3. Các hoạt động ngoài đồng ruộng: Vẫn còn rất nhiều thách thức trong công tác khuyến nông tới nông dân. 2015 mới có 30% (350 triệu người) chủ đăng ký sử dụng internet. Có tất cả 750 loại ngôn ngữ được sử dụng ở Ấn Độ nên rất khó thống nhất ngôn ngữ cho tất cả mọi người (Nair, 2015).

Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tham vọng với những tiến bộ của các công nghiệp khác sẽ hỗ trợ liên minh công nông, áp dụng khái niệm nông nghiệp 4.0 từ châu Âu, nông dân Trung Quốc thế kỷ 21 sẽ thực hiện nông nghiệp 4.0. Tầm nhìn của liên minh tại kế hoạch 5 năm lần thứ 13, đã định hướng tương lai nông thôn Trung Quốc sẽ phải đạt: 1) Nền nông nghiệp mới kết nối 6 ngành công nghiệp vào sản xuất, chế biến và phân phối lương thực, thực phẩm; 2) Nông dân mới tức là nông dân chuyên nghiệp, thay thế nông dân nông hộ nhỏ, làm việc bán thời gian, hoặc nông dân nghèo đói; 3) Ruộng vườn nông thôn mới hài hòa với thành thị (Dimsumsat, 2015).

Hiện nay ở Trung Quốc, theo hướng nông nghiệp 4.0, nhiều ngành công nghiệp đang được đẩy mạnh như các ngành công nghiệp chế tạo máy kéo công suất cao, máy gặt đập thông minh; ứng dụng thiết bị bay không người lái (Drone); công nghiệp phục vụ chăn nuôi thông minh 4.0; trồng cây trong nhà…

Khả năng của một số nước Đông Nam Á

Theo ADB: Việt Nam có hơn 24 triệu lao động nông nghiệp (46% tổng lao động). Myanmar có 20 triệu lao động (hơn 70%), Indonesia có gần 40 triệu lao động (35%), Campuchia có gần 5 triệu lao động (64%), Philippines có 12 triệu lao động (31%), Thái Lan có gần 16 triệu lao động (41%), Lào có 2 triệu lao động (70%). Malaysia và Singapore có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều. Toàn vùng ước khoảng 100 triệu lao động trực tiếp trong nông nghiệp (không kể lao động gia đình giúp đỡ khi cần thiết).

Theo BBC, 70 triệu người, thuộc lực lượng này dễ bị tổn thương. Do lực lượng này có các đặc điểm canh tác rất khác nhau trong khối ASEAN và mức độ tiếp thu công nghệ, khả năng tiếp cận công nghệ cũng rất khác nhau và dễ mẫn cảm với tự động hóa. Nghĩa là còn nhiều việc cần thiết để thiết lập hệ thống tự động hóa kết nối vạn vật (IoT). Tuy nhiên một số đối tác thuộc các nước công nghiệp liên quan đến khối ASEAN như Úc, Mỹ, Nhật đang cạnh tranh gay gắt về IoT và canh tác tự động hóa ở đây. Như vậy, với nhiều nước ASEAN, nông nghiệp 4.0 đang trên đường tiến triển, tuy còn khó khăn nhất định. Trong 15 năm tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp canh tác thông minh ở vùng nông thôn, tùy thuộc vào chính phủ và sự đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối vạn vật.

Lào và Campuchia trong 10 năm tới khó đề cập đến nông nghiệp thông minh. Tuy nhiên tại Thái Lan hay Đài Loan có sự khác biệt. Thái Lan, đang có định hướng theo nông nghiệp 4.0 và đất nước Thái 4.0 như trình bày dưới đây. Hay tại Đài Loan, tự hào là một trong những nơi cung cấp các thiết bị cho nông nghiệp 4.0 trên thế giới.

Thái Lan sẵn sàng

Bộ Nông nghiệp và HTX Thái Lan công bố rằng, mọi điều kiện đã sẵn sàng tạo đà cho nông dân Thái tiến theo hướng “Nông dân thông minh – Smart farmers”. Thứ trưởng Bộ NN và HTX Thái Lan Anekwit, cho rằng Chính phủ có chính sách đối với nông nghiệp cùng đổi mới công nghệ để sao cho thế hệ trẻ trở thành “nông dân thông minh” cùng với chính sách của Chính phủ Thái về Thái 4.0.

Chính phủ Thái định hướng nông nghiệp và thực phẩm của Thái theo Nông nghiệp 4.0 đó là thực phẩm và thành phần thực phẩm thông minh để SX những sản phẩm nâng cao giá trị trong chuỗi giá trị, nông nghiệp thông minh để có chất lượng hảo hạng trong điều kiện biến đổi khí hậu và xã hội già hóa. Chương trình hành động của Bộ NN và HTX Thái Lan là sẽ hình thành các trung tâm nông nghiệp và thực phẩm theo hướng 4.0, đó là:

1) Trung tâm Nông nghiệp Thực phẩm phía Bắc Thái Lan gồm các trang trại thông minh nhằm sản xuất sữa bò đạt tiêu chuẩn quốc tế và thực phẩm chức năng

2) Vùng Đông Bắc có Trung tâm Nông nghiệp Thực phẩm gồm các trang trại trồng trọt thông minh, chăn nuôi gia súc thông minh

3) Khu Đại học ở miền Trung Thái Lan gồm các thực phẩm chức năng và thực phẩm cho người già

4) Trung tâm Nông nghiệp Thực phẩm phía Nam Thái Lan gồm các hải sản, thực phẩm ăn chay, cao su tự nhiên

Để đạt được, Bộ NN và HTX Thái cho rằng, phải tập trung vào con người là nhân tố chủ yếu thông qua hình thành 883 trung tâm đào tạo huấn luyện ở tất cả các tỉnh để tăng cường hiệu quả SX nông nghiệp thông qua đổi mới công nghệ. Hơn nữa, Bộ sẽ giới thiệu “Bản đồ Nông nghiệp”, phân định ranh giới giữa các vùng nông nghiệp ở tất cả các tỉnh. Bản đồ nông nghiệp đáp ứng cho từng cây trồng theo đất canh tác. Từng tổ chức thuộc Bộ phải thống nhất trong chương trình đào tạo và hỗ trợ công nghiệp nông nghiệp.

Đài Loan sẽ là xứ sở của chuỗi cung ứng thiết bị Nông nghiệp 4.0

Theo Matthew Ryan (2017), Đài Loan nổi tiếng về công nghệ chế tạo và có nhiều sản phẩm cơ điện trên đầu người hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, đó là:

1) Các bộ cảm biến kết nối vạn vật (IoT): Đài Loan tự hào là nơi tập trung các thiết bị công nghệ kết nối vạn vật do có lượng lớn các nhà máy sản xuất bán dẫn, chủ yếu ở Công viên Hsinchu. 25% sản lượng bán dẫn của thế giới được chế tạo, sản xuất tại Đài Loan.

2) Đài Loan có nền công nghiệp đèn LED đứng thứ 2 trên thế giới. Vì nông nghiệp trong nhà thúc đẩy công nghệ đèn LED, nó đòi hỏi sự chính xác cao của đèn LED để tạo điều kiện sinh trưởng và năng suất tối ưu nhất.

3) Robot. Đài Loan là một trong những nơi đi đầu về công nghệ robot, đang đặt mục tiêu trở thành một trong những nơi khả năng nhất về công nghệ robot vào 20 năm tới.

4) Tế bào năng lượng mặt trời: Là nơi lớn nhất thế giới sản xuất tế bào năng lượng mặt trời. Đài Loan có thể cung ứng nguồn năng lượng cho các dự án lớn về nông nghiệp trên quy mô lớn.

5) Thiết bị bay không người lái: 10% lượng thiết bị bay không người lái được chế tạo SX tại Đài Loan. Dự kiến hàng năm sẽ tăng 10% đến 2025.

6) Canh tác trong nhà, thủy sản kết hợp thủy canh: Đài Loan có nhiều kinh nghiệm về đèn LED, nên nhiều công ty có thể cung ứng đầy đủ các giải pháp cho canh tác trong nhà, thủy sản kết hợp thủy canh, thủy canh.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng thanh long công nghệ mới Israel, năng suất có thể đạt 80 – 100 tấn/ha

Một số nông dân ở vùng chuyên canh thanh long huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) và huyện Châu Thành (Long An) mạnh dạn đầu tư SX thanh long theo công nghệ Israel nhằm tiết kiệm diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng trái hướng tới xuất khẩu sang thị trường khó tính…Thanh long leo giàn sắt

Chợ Gạo thời điểm này đang mùa xông đèn thanh long. Anh Nguyễn Hữu Phúc ở ấp An Thị, xã Mỹ Tịnh An chia sẻ: “Trồng thanh long theo phương pháp truyền thống bằng trụ bê tông mỗi trụ cách nhau tới 3m, nay áp dụng kỹ thuật mới trồng theo giàn chữ T, mỗi gốc chỉ cách nhau 0,4m, vừa tiết kiệm diện tích đất lại giảm công chăm sóc”.

Áp dụng biện pháp bao trái thanh long nhằm tránh sâu bệnh hại

Theo anh Phúc, mô hình trồng thanh long theo giàn được Viện Cây ăn quả miền Nam hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật. Trước đó, với mỗi công đất (1.000m2) trồng trụ bê tông chỉ trồng được khoảng 440 hom. Nay áp dụng phương pháp mới có thể trồng được tới 1.170 hom/công. Hơn nữa, cùng diện tích này trồng kiểu truyền thống chỉ thu lãi khoảng 5 triệu/công, còn trồng giàn cho lãi 12 triệu đồng/công.

Ưu điểm của mô hình trồng thanh long kiểu chữ T có sự khác biệt so với kiểu trồng truyền thống là hệ thống cành phân tán đều, ít bệnh hơn. Lượng hom giống ban đầu gấp đôi so với bình thường nên cành nhiều hơn, năng suất cũng cao hơn. Ước tính ban đầu đạt khoảng 80 tấn/ha/năm.

Do mô hình trồng thanh long leo giàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh Phúc tiếp tục mở rộng thêm 2.500m2 trồng thanh long ruột đỏ và cải tiến kỹ thuật phù hợp hơn nhằm tiết kiệm chi phí.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở ấp Long Hòa, xã Long Trì, huyện Châu Thành cũng trồng thanh long ruột đỏ (685 trụ) trên diện tích 5.000m2, trong đó 2.000m2 áp dụng công nghệ giàn sắt.

Ông Minh giới thiệu về giàn sắt hình chữ A sau khi cải tiến từ giàn chữ T trồng thanh long

Ông Minh tâm sự: “Lúc đầu tôi cũng chỉ trồng theo kiểu truyền thống nhưng sau khi tham khảo phương pháp trồng mới, tôi đã quyết định đầu tư áp dụng theo công nghệ giàn sắt và lắp đặt hệ thống phun tưới tự động nhỏ giọt bằng đường ống”.

Từ mô hình trồng thanh long bằng trụ bê tông và giàn sắt hình chữ T, ông Minh đã tự điều chỉnh thiết kế bằng giàn sắt hình chữ A cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội, năng suất cao hơn so với trồng trụ, hạn chế sâu bệnh, thu hoạch thuận tiện hơn và tránh được bão gió.

Hướng sản xuất mới

Một trong những mô hình mới đang được nông dân quan tâm là trồng thanh long ruột đỏ bằng giàn theo công nghệ Israel.

Vườn thanh long của gia đình ông Minh lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm

Hàng chục năm nay, với 16.000m2 đất, ông Trần Văn Năm ở xã Long Trì, huyện Châu Thành chỉ tập trung canh tác thanh long ruột trắng. Gần đây thanh long ruột trắng giá thấp, đầu ra bấp bênh nên ông mạnh dạn chuyển hơn 6.000m2 sang trồng thanh long ruột đỏ theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.

Ông Năm cho biết, đến nay toàn bộ diện tích thanh long ruột đỏ của gia đình đều được áp dụng công nghệ tưới phân, nước nhỏ giọt tự động có kiểm soát. Trên vườn mỗi trụ cho từ 30 – 35 trái. Mùa vụ vừa qua, thanh long ruột đỏ có giá 45.000 đồng/kg cho gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng, gấp đôi so với thanh long ruột trắng.

SX thanh long CNC là hướng đi mới

Ông Nguyễn Văn Đà ở ấp Long Thuận, xã Long Trì có 7.000m2 trồng thanh long (khoảng 1.000 trụ thanh long ruột trắng) tâm sự: “Công nghệ cao làm giàn sắt đầu tư kinh phí khá cao nên chờ thêm thời gian xem hiệu quả thực tế ra sao thì bà con mới dám làm”.

Tuy nhiên, Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo, nếu nông dân mạnh dạn áp dụng mô hình này thì khả năng sẽ cho năng suất cao hơn từ 2 – 3 lần so với trồng trụ bê tông, có thể đạt từ 80 – 100 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Hôn, cán bộ UBND thị trấn Tầm Vu cho biết: “Địa phương đang khuyến khích nông dân trồng thanh long theo công nghệ mới, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng những thị trường khắt khe về chất lượng. Việc quy hoạch vùng trồng, áp dụng công nghệ cao SX thanh long leo giàn sắt đang mở ra hướng sản xuất mới, giúp nông dân thu nhập khá hơn”.

Ông Minh điều khiển hệ thống tưới tự động cho vườn thanh long

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình nông nghiệp 4.0 và khả năng áp dụng ở Việt Nam: Nông nghiệp 4.0 là gì?

Nông nghiệp 4.0 còn được coi là hàm số của Nông nghiệp thông minh x Công nghệ thông minh x Thiết kế thông minh x Doanh nghiệp thông minh. Ở châu Á, Ấn Độ khó áp dụng cách mạng nông nghiệp 4.0 đầy đủ

Cà chua ứng dụng công nghệ điện toán đám mây “Akisai” có độ ngọt tự nhiên và hàm lượng dinh dưỡng cao gấp 3 lần so với sản phẩm thông thường, Viện nghiên cứu rau quả.

Tuy nhiên Thái Lan đang phấn đấu còn Đài Loan tự hào là nơi cung cấp thiết bị cho nông nghiệp 4.0 chỉ sau một vài nước phát triển.

Việt Nam chưa có mô hình hoàn chỉnh về nông nghiệp 4.0, mới có một số mô hình thông minh thông qua hợp tác quốc tế về canh tác lúa, rau. Chính phủ cần kịp thời định hướng cho nghiên cứu, triển khai mô hình nông nghiệp 4.0 đầy đủ.

Khái niệm và xuất xứ của nông nghiệp 4.0

Theo khái niệm của Hiệp hội Máy Nông nghiệp Châu Âu (European Agricultural Machinery, 2017):

1) Nông nghiệp 1.0 xuất hiện ở đầu thế kỷ 20, vận hành với hệ thống tiêu tốn sức lao động, năng suất thấp. Nền nông nghiệp đó có khả năng nuôi sống dân số nhưng đòi hỏi số lượng lớn các nông hộ nhỏ và một phần ba dân số tham gia vào quá trình sản xuất nguyên liệu thô.

2) Nông nghiệp 2.0, đó là cách mạng xanh, bắt đầu vào những năm 1950, khởi đầu là giống lúa mì lùn cải tiến, nhưng phải dựa nhiều vào bón thêm đạm, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học tổng hợp, cùng với máy móc chuyên dùng, cho phép hạ giá thành và tăng năng suất, đem lại lợi nhuận cho tất các các bên tham gia.

3) Nông nghiệp 3.0, từ chỗ nâng cao hiệu quả đến nâng cao lợi nhuận nhờ chủ động và sáng tạo hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đưa ra sản phẩm khác biệt. Bắt đầu khi định vị toàn cầu (GPS) được ứng dụng đầu tiên để định vị và định hướng. Thứ hai là điều khiển tự động và cảm biến (sensor) đối với nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, dinh dưỡng, từ những năm 1990, máy gặt đập liên hợp được gắn thêm màn hình hiển thị năng suất dựa vào định vị GPS. Thứ ba là tiến bộ công nghệ sử dụng các thiết bị không dây (Telematics).

4) Nông nghiệp 4.0, thuật ngữ được sử dụng đầu tiên tại Đức.

Tương tự với “Công nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp 4.0” ở châu Âu được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị (có thể hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp). Nghĩa là thông tin ở dạng số hóa dành cho tất cả các đối tác và các quá trình SX, giao dịch với các đối tác bên ngoài đơn vị như các nhà cung cấp và khách hàng tiêu thụ được truyền dữ liệu, xử lý, phân tích dữ liệu phần lớn tự động qua mạng internet. Sử dụng các thiết bị internet có thể tạo điều kiện quản lý lượng lớn dữ liệu và kết nối nội bộ với các đối tác bên ngoài đơn vị. Một số thuật ngữ khác thường được sử dụng như “Nông nghiệp thông minh” và “Canh tác số hóa”, dựa trên sự ra đời của các thiết bị thông minh trong nông nghiệp. Các thiết bị thông minh bao gồm các cảm biến, các bộ điều tiết tự động, công nghệ có thể tính toán như bộ não và giao tiếp kỹ thuật số. Nông nghiệp 4.0 mở đường cho sự tiến hóa tiếp theo, bao gồm những hoạt động không cần có mặt con người trực tiếp và dựa vào hệ thống thiết bị có thể đưa ra những quyết định một cách tự động.

Theo tổng kết ở Mỹ đến nay các thành phần chủ yếu của nông nghiệp 4.0 thường được hiểu như sau:

1). Cảm biến kết nối vạn vật (IoT Sensors): Từ dinh dưỡng đất kết nối với máy chủ và các máy kết nối khác là thành phần chủ yếu của nông nghiệp hiện đại.

2). Công nghệ đèn LED đang trở thành tiến bộ không thể thiếu để canh tác trong nhà vì sự đáp ứng sinh trưởng và năng suất tối ưu.

3). Người máy (Robot) đang thay việc cho nông dân thường làm. Người máy cũng có cả các bộ phân tích nhờ các phần mềm trợ giúp phân tích và đưa ra xu hướng trong các trang trại.

4). Tế bào quang điện (Solar cells). Phần lớn các thiết bị trong trang trại được cấp điện mặt trời và các bộ pin điện mặt trời trở nên quan trọng.

5). Thiết bị bay không người lái (Drones) và các vệ tinh (satellites) được sử dụng để thu thập dữ liệu của các trang trại.

6). Canh tác trong nhà/hệ thống trồng cây – nuôi cá tích hợp/Thủy canh (khí canh): Hiện nhiều giải pháp đã được hoàn thiện.

7). Công nghệ tài chính phục vụ trang trại (Farm Fintech): Fintech nghĩa là kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ. Fintech được sử dụng chung cho tất cả các công ty tài chính sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư. Farm Fintech bao gồm dịch vụ cho vay, thanh toán, bảo hiểm.

Bên cạnh đó, nhiều sự kiện khác đang diễn ra như: Các sản phẩm vật chất được nâng cao giá trị gia tăng nhờ các dịch vụ với những thuật toán dùng để biến đổi dữ liệu thành thông tin gia tăng giá trị, tối ưu hóa sản phẩm, các quá trình nông học, giảm thiểu rủi ro và hạn chế những nguy hiểm do tác động của máy móc cơ giới hư hỏng, thời tiết hoặc dịch bệnh gây ra. Hay nông nghiệp sinh thái (tương tự mô hình VAC ở Việt Nam), với những hệ điều hành kết hợp được nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, từ các bộ cảm biến (có thể cảm nhận nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, dinh dưỡng đất để phát tín hiệu cho người sản xuất), thiết bị, từ nguồn dữ liệu thu thập từ đồng ruộng hay trang trại. Nông dân/chủ trang trại điều hành thông qua bảng điều khiển có thông tin thời gian thực và gần thực, và đưa ra các quyết định dựa trên các giả thiết định lượng để tăng hiệu quả tài chính.

Nội hàm của nông nghiệp 4.0

Nông nghiệp 4.0 bao hàm nghĩa rộng của cả trồng trọt, chăn nuôi (có thể hiểu rộng hơn sang cả thủy sản và lâm nghiệp) về nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất. Nông nghiệp hiện đại quan tâm đến độ bền vững và các giải pháp an toàn. Canh tác (Farming) là thực hiện những kỹ thuật như làm đất, gieo cấy, tỉa cành, luân canh, chăm sóc, thu hoạch, với mục tiêu đạt năng suất cao hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn, dựa vào tiến bộ công nghệ kỹ thuật số. Thuật ngữ Canh tác 4.0 (Farming 4.0) xuất hiện vào những năm 2010. Đó là các canh tác năng động và hiệu quả.

Theo khái niệm của Mạng lưới Chuyên đề Canh tác Thông minh Châu Âu, canh tác thông minh là ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại (ICT) vào nông nghiệp (Cách mạng Xanh lần thứ ba). Cuộc cách mạng này phối hợp ICT như các thiết bị chính xác, kết nối vạn vật (IoT), cảm biến, định vị toàn cầu, quản lý dữ liệu lớn (Big data), thiết bị bay không người lái (Drone), người máy (robot)…, tạo điều kiện cho nông dân tăng thêm giá trị dưới dạng đưa ra được những quyết định khai thác, quản lý hiệu quả hơn, đó là: 1). Hệ thống thông tin quản lý, đáp ứng nhu cầu thu thập, xử lý và lưu giữ, cung cấp dữ liệu cần thiết để thực hiện những chức năng của trang trại. 2). Nông nghiệp chính xác, thông qua các hệ thống có thể quản lý độ biến động theo không gian và thời gian để cải thiện hiệu quả kinh tế đầu tư và giảm thiểu tác hại của môi trường.

Nông nghiệp chính xác còn được hiểu là nền nông nghiệp có thể nuôi sống cả dân số thế giới dự báo 10 tỉ người vào năm 2050. Nông nghiệp chính xác, tức ngành nông nghiệp sử dụng cảm biến và các thuật toán thông minh để phân phối nước, phân bón và thuốc trừ sâu, đáp ứng cho cây khi cây thực sự cần, nhằm đảm bảo tính sinh lời, tính bền vững và bảo vệ môi trường. Nông dân có thể quyết định tưới tiêu khi thực sự cần thiết và tránh việc lạm dụng thuốc trừ sâu, họ sẽ có thể tiết kiệm được chi phí và nâng cao sản lượng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nông sản Việt “hái” tiền đô nhờ công nghệ Nhật

Sản xuất, chế biến theo công nghệ Nhật Bản giúp nông sản Việt Nam dễ dàng chinh phục các thị trường khó tính.

Từ sự hợp tác tận tình của đối tác Nhật Bản trong chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn công nghệ của Nhật và gặt hái thành công.

Trồng hoa xuất sang Nhật bằng… cảm biến

Nắm thông tin về thị trường tiêu thụ hoa khổng lồ của Nhật Bản với 9 tỉ USD mỗi năm từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), Công ty Pan Saladbowl đã chọn hoa cúc với 40 giống có màu sắc và kiểu hoa khác nhau làm sản phẩm chiến lược để đầu tư công nghệ Nhật, xuất khẩu sang Nhật. Đây là một trong những thị trường khắt khe nhất và khó nhằn với bất kỳ doanh nghiệp xuất khẩu nào.

Theo bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch HĐQT Công ty Pan Saladbowl, không phải tự nhiên Pan Saladbowl đi vào con đường khó mà có sự tính toán rất chi tiết và cẩn trọng. “Tại điểm khởi đầu, công ty đã tìm hiểu các cơ hội, nắm bắt nhu cầu thị trường, có đối tác cam kết tiêu thụ đầu ra, rồi mới tiến hành xây dựng nhà kính, đầu tư máy móc, công nghệ. Cách làm này sẽ không đặt doanh nghiệp vào thế rủi ro do đầu tư quá lớn nhưng không bán được hàng hóa” – bà My chia sẻ.

Một nhóm chuyên gia Nhật đã hỗ trợ Pan Saladbowl từ phân tích vùng trồng, thổ nhưỡng cho đến tư vấn kỹ thuật sản xuất. Theo đó, toàn bộ diện tích hoa trồng trong nhà kính với khả năng kiểm soát môi trường và khí hậu tối đa cho cây trồng thông qua các cảm biến và hệ thống máy tính tự động.

Quy trình trồng, chế biến chuối theo công nghệ Nhật được theo dõi rất chặt chẽ. Có khi chỉ một vài trái xấu phải bỏ cả nải chuối.

Một công nghệ hiện đại của Nhật Bản được công ty ứng dụng là sử dụng công nghệ IT, điện thoại thông minh vào quản lý, sản xuất nông nghiệp. Với việc áp dụng công nghệ này, người quản lý không cần ra đồng vẫn nắm bắt, biết được công nhân đang làm gì và hiệu quả công việc ra sao. Mỗi công nhân được trang bị một điện thoại thông minh đã cài sẵn chương trình quản lý.

Ví dụ, khi bắt đầu công việc thì nhấn vào nút bắt đầu, như bắt đầu lên luống hoặc tra hạt, chăm sóc… đến khi dừng công việc thì ấn vào nút kết thúc. Tất cả thông tin về quy trình đó sẽ lập tức được gửi về máy chủ và người quản lý sẽ biết được các công việc hay tình hình đang diễn ra.

“Suất đầu tư lên đến 10 tỉ đồng cho 1 ha nhà kính nhưng đổi lại, mô hình này đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật, đảm bảo hoa đạt chất lượng đồng đều, màu sắc, trọng lượng, tuổi thọ kéo dài 6-7 tuần” – bà My tiết lộ.

Hiện nay, Pan Saladbowl sản xuất một năm hơn bảy triệu cành hoa cúc và cẩm chướng, xuất khẩu hết sang thị trường Nhật. “Các đối tác Nhật cho biết nếu công ty tăng thêm sản lượng gấp 2-3 lần thì thị trường Nhật vẫn bao tiêu hết” – bà My chia sẻ tin vui.

Khổ trước nhưng sướng sau

Không chỉ hoa mà gần đây, nhiều trang trại, doanh nghiệp Việt đã áp dụng thành công công nghệ Nhật để trồng rau, quả… Là đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện nay xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản, ông Khưu Nhon Hiếu, Tổng Giám đốc Koyu&Unitek, cho biết để có kết quả này công ty đã phải trải qua các điều kiện, thủ tục thú y mất gần ba năm.

“Đặc biệt, công ty phải bỏ ra 6 triệu USD nhập dây chuyền máy móc, công nghệ từ Nhật Bản để xây dựng nhà máy có công suất chế biến 50.000 con gà/ngày” – ông Hiếu cho hay.

Ông Nguyễn Minh Kha, chủ trang trại gà đang cung ứng gà cho Công ty Koyu&Unitek, cho biết thêm để xuất khẩu được hàng đi Nhật cần tuân thủ các điều kiện rất khắt khe về chất lượng. Theo đó, toàn bộ gà giống phải được nhập khẩu từ Pháp và Mỹ.

“Trong quá trình nuôi không được xảy ra các dịch bệnh cúm gia cầm, bệnh dịch tả và không tồn dư kháng sinh. Ngay cả một số kháng sinh mà Việt Nam cho phép dùng trong chăn nuôi, Nhật cũng không cho sử dụng” – ông Kha kể.

Thành công với việc xuất khẩu thương hiệu chuối Fohla sang Nhật, Hàn Quốc và Singapore, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, chia sẻ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, thất bại nhiều lần mới đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính này vì trước đây doanh nghiệp chủ yếu xuất dễ sang Trung Quốc.

Ông Huy nhấn mạnh: “Dù khó khăn nhưng khi đã áp dụng theo các tiêu chuẩn, quy trình công nghệ Nhật thì doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân công, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm hư hỏng nông sản sau thu hoạch… Quan trọng nhất là uy tín, chất lượng, thương hiệu được bảo đảm”.

Lợi cho nông dân

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, cho rằng nông nghiệp Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với công nghệ hiện đại, sản xuất sạch. Những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật đang chọn Việt Nam nơi có điều kiện thổ nhưỡng tương đồng, thích hợp để hợp tác đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp. Đây cũng là hướng phát triển mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới, hợp tác trực tiếp với Nhật để làm theo đơn đặt hàng.

Tuy vậy, theo GS Xuân, ngoài áp dụng công nghệ Nhật thì cần phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp như Nhật với khả năng thực hiện đa nhiệm vụ. Cụ thể, một hợp tác xã có thể kinh doanh hàng loạt dịch vụ kinh tế-xã hội như cung cấp nguyên liệu đầu vào, tổ chức thị trường đầu ra, cho vay tín dụng, cung cấp dịch vụ bảo hiểm, phân phối hàng tiêu dùng…“Hợp tác xã kiểu Nhật cũng là đầu mối áp dụng khoa học kỹ thuật hợp tác chuyển giao với các doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra, bảo vệ quyền lợi cho nông dân” – GS Võ Tòng Xuân gợi ý.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng lời giải việc tăng giá trị nông sản, mang lại lợi nhuận cao nằm ở việc phát triển công nghệ trong nông nghiệp. Câu chuyện hàng Việt áp dụng công nghệ Nhật là kinh nghiệm tốt. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết hiện nay Bộ đang phối hợp với bộ, ngành liên quan đẩy nhanh các mô hình liên kết nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực rau quả nói riêng, trồng trọt nói chung phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nguồn: Tintucnongnghiep.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa: Thủ phủ hoa cúc Ninh Giang căng mình phục hồi sau bão

Thủ phủ hoa cúc Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) không chỉ cung ứng hoa cho các tỉnh thành trong cả nước, mà còn xuất bán sang Campuchia trong dịp tết. Tuy nhiên, cơn bão số 12 đi qua đã gây thiệt hại nặng nề cho người trồng hoa nơi đây.

Phường Ninh Giang có khoảng 300 hộ trồng hoa, mỗi nhà trồng bình quân từ 200 – 1.000 chậu. Cơn bão số 12 đi qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và tình hình sản xuất của bà con nông dân của phường. Bão đổ bộ, nước lũ dâng cao khiến một số diện tích hoa bị ngập úng; số khác bị đổ ngã, hư hỏng do gió bão kèm mưa lớn. Tuy đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ hoa nhưng làng hoa vẫn bị thiệt hại khoảng 30%, ước tính hơn 1 tỉ đồng.

Nông dân làng hoa cúc Ninh Giang đang nỗ lực hết sức để phục hồi cho cây hoa sau bão. 

Về làng hoa sau một tuần cơn bão đi qua, chúng tôi bắt gặp những diện tích hoa bị đổ, ngã, hư hỏng và bị vàng lá khá nhiều. Hiện nay, người dân đang tất bật khắc phục hậu quả sau bão. Những chậu cúc ngã đổ trong mưa bão đang được người dân dựng lại, uốn nắn và chăm sóc.

Không chỉ tốn công khắc phục những cây bị lỏng gốc sau bão, nông dân còn phải căng mình để phục hồi diện tích hoa bị bệnh vàng lá do ngập lụt. Người dân cho biết tuy có thể phục hồi sức sống cho hoa nhưng không thể bằng lúc trước, khiến giá trị cây hoa bị giảm sút.

Mưa bão đã làm một số chậu hoa bị bể, hư hỏng hoàn toàn.

Ông Trần Minh Tự – người trồng hoa ở phường Ninh Giang – cho biết: “Sau bão lại bị mất điện nên chúng tôi phải thuê máy phát điện với giá 300.000 đồng và tốn 10 lít xăng cho một đêm để chong đèn cho hoa. Nhưng nếu không chong đèn, hoa vào nụ sớm thì nông dân sẽ đứng trước nguy cơ trắng tay”.

Cây hoa cúc bị đổ ngã, xiêu vẹo trong gió bão khiến chậu hoa mất dáng được tạo trước đó. 

Ngoài ra, các chủ vườn hoa còn tốn thêm các kinh phí khắc phục, thuê nhân công để uốn lại nhánh, bơm xịt thuốc trừ sâu bệnh để hạn chế thiệt hại. Anh Thanh Nhàn – phường Ninh Giang – cho hay, những chậu hoa trước bão đã được cắm cây, tạo dáng nhưng sau bão bị đổ ngã, siêu vẹo nên phải dựng và chống đỡ lại cho từng cây.

Nhiều cây bị chết, héo úa. 

Những cây bị gãy, buộc phải cắt bỏ, chỉ còn trơ lại gốc.

Nông dân làng hoa còn phải căng mình khắc phục diện tích bị vàng lá do ngập lụt.

Dù trước đó đã được cắm cây, tạo dáng, nhưng sau bão, hoa bị ngã đổ, siêu vẹo nên nông dân phải thực hiện chống đỡ lại cho cây.

Nguồn: Báo Lao động được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong nông nghiệp và thực phẩm

Ở Nhật và một số nước khác trên thế giới, nông nghiệp đang tiến đến sử dụng công nghệ cao và các máy móc hiện đại. Tuy nhiên những người trẻ làm nông nghiệp đang ngày càng giảm, do vậy những người nông dân lớn tuổi đang đối mặt với nhiều khó khăn trong tiếp cận công nghệ mới.

Trong thế giới công nghệ cao,việc người nông dân lớn tuổi gặp khó khăn trong sử dụng các tiện ích công nghệ cao cho cây trồng hay còn gọi là mù thông tin được các chuyên gia gọi là “khoảng cách số”, là hệ quả của sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin và trở thành một vấn đề quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.

“Đây chỉ là một trong những thách thức của công nghệ thông tin và truyền thông trong nông nghiệp”, Tiến sĩ Masayuki Hirafuji, Giám đốc Trạm Nghiên cứu Nông nghiệp vùng cao Memuro – Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Hokkaido thuộc Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp và Thực phẩm Nhật Bản cho biết.

Gần đây, trong buổi hội thảo quốc tế tại Bangkok, Thái Lan về “Quản lý thông minh công nghệ thông tin và truyền thông cho chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở châu Á”, Tiến sĩ Hirafuji đã trình bày bài viết với tựa đề “Công nghệ thông tin và truyền thông đối với hiện tại và triển vọng đối với nông nghiệp và thực phẩm trong tương lai”. Trong bài trình bày của mình, ông đã giải thích rằng, mù thông tin là một quá trình lịch sử bắt đầu từ thập kỷ trước, khi người nông dân lớn tuổi không biết làm thế nào để sử dụng máy tính bỏ túi. Bây giờ vấn đề được lặp lại với việc sử dụng điện thoại thông minh. Như các nhà khoa học Nhật Bản giải thích: “Công nghệ thông tin và truyền thông trong giai đoạn mới rất quan trọng bởi vì hệ thống sản xuất nông nghiệp cực kỳ phức tạp. Nhiều loại dữ liệu như bản đồ thủy lợi, bản đồ phân bón, bản đồ năng suất và dữ liệu về chuỗi thời gian không thể thiếu cho việc ra quyết định. Người nông dân phải cố gắng ứng dụng các công nghệ và các thiết bị mới và chấp nhận rủi ro nếu họ muốn sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông có hiệu quả trong công việc của họ”.

Hiện nay các trang trại công nghệ cao ở một số nước trên thế giới như Nhật Bản sử dụng công nghệ mới để đo lường độ ẩm đất, nhiệt độ đất,… trên các đồng ruộng khác nhau tại những thời điểm cụ thể trong ngày. Mọi người đều có thể xem dữ liệu bằng cách sử dụng một điện thoại thông minh bất cứ nơi nào.

Theo Tiến sĩ Hirafuji, hầu hết các chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp ở Nhật Bản đã già, và nói chung, người già không muốn sử dụng các công nghệ mới. Một số người trong số đó rất ghét công nghệ thông tin và truyền thông vì nó nằm ngoài sự hiểu biết của họ. Nông dân lớn tuổi thường quen với nông nghiệp quy mô nhỏ. Công nghệ thông tin và truyền thông thông thường không được hữu ích trong nông nghiệp quy mô nhỏ mà thường phổ biến cho nông nghiệp quy mô lớn.

Vấn đề của sự lỗi thời

Cũng giống như công nghệ điện thoại thông minh đang phát triển nhanh chóng, sự phát triển của công nghệ truyền thông đang tiến triển rất nhanh. Trong bài báo của mình, TS. Hirafuji giải thích rằng sự tiến bộ của công nghệ thông tin thường được gọi là định luật Moore. Trong lịch sử, cứ sau 2 năm số lượng máy thu bán dẫn trên mạch điện tích hợp tăng gấp đôi. Tiến bộ nhanh chóng này gây ra các vấn đề lỗi thời. Người tiêu dùng phải mua các thiết bị và các phần mềm mới. Ngược lại, sự tiến bộ của công nghệ khác chậm hơn nhiều. Điều này trở nên rất khó khăn, đặc biệt là đối với nông dân.

Ví dụ, dữ liệu được ghi lại bằng cách sử dụng công nghệ thông tin đối với chương trình khai thác gỗ sẽ không thể tiếp cận khi định dạng dữ liệu hoặc bất kỳ tiêu chuẩn được thay đổi. Một số vấn đề có thể được giải quyết bằng công nghệ thông tin và truyền thông mới như điện toán đám mây.

Công nghệ sắp tới

Hiện tại, công nghệ canh tác mới đang được Nhật Bản và các nước trên thế giới quan tâm. Trong bài trình bày của TS. Hirafuji, ông đã nói lên những mong đợi trong công nghệ thực phẩm và nông nghiệp trong những năm tiếp theo. Có thể kể đến là kính Google, qua đó nông dân có thể nhận được thông tin bằng cách sử dụng giao diện đơn giản.

Một công nghệ được sử dụng mới nữa là phương tiện trên không (máy bay không người lái UAV), được sử dụng để theo dõi sự tăng trưởng của cây trồng, côn trùng gây hại, bệnh dịch đối với động thực vật, thiên tai và như vậy đây là một công cụ chi phí thấp cho các cảm biến từ xa thay vì các vệ tinh. Các UAV có thể hiển thị toàn bộ sinh trưởng phát triển của cây trồng. Ngoài ra, UAV có thể được sử dụng như một máy nông nghiệp chi phí thấp để gieo hạt và phun thuốc trừ sâu thay vì máy bay và trực thăng.

Điện toán đám mây lưu trữ số lượng lớn các dữ liệu trong hệ thống máy chủ doanh nghiệp và điều hành bởi các công ty công nghệ thông tin như Amazon và Google cũng đang được sử dụng. Đối với một số dữ liệu đo độ ẩm của đất, nhiệt độ đất…, có thể được ghi lại trên các đồng ruộng khác nhau theo từng giờ.

TS. Hirafuji thừa nhận sự phát triển của các ứng dụng cho nông nghiệp quy mô nhỏ là khó khăn hơn nhiều so với quy mô lớn. Công nghệ thông tin và truyền thông gần đây như điện thoại thông minh, máy tính bảng, các mạng xã hội, công nghệ cảm biến, mạng cảm biến, điện toán mặc, điện toán đám mây,… dần dần được thay đổi. Yếu tố quan trọng nhất, theo ông, là tận dụng công nghệ thông tin để thu thập dữ liệu một cách toàn diện từ trang trại đến người tiêu dùng. Nếu xu hướng này tiếp tục và nông dân thực sự thấy nó hữu ích, các nhà khoa học sẽ luôn luôn tìm cách để điều chỉnh công nghệ phù hợp với các công nghệ theo nhu cầu của người dân.

Nguồn: Trung tâm khuyến nông quốc gia.

Giải mã giống lúa nước mặn của Trung Quốc

Lần đầu tiên, lúa trồng trên nước biển pha loãng ở quy mô thương mại đã được sử dụng trong các bữa ăn hằng ngày của người Trung Quốc. Điều như không tưởng đã trở thành sự thật…

Loại lúa được trồng ở khu vực nước mặn

Điều đặc biệt, loại gạo này không được trồng theo cách truyền thống ở những cánh đồng nước ngọt, mà nó sinh trưởng trong môi trường nước mặn, cụ thể là khu vực bờ biển Hoàng Hải tại thành phố Thanh Đảo, Sơn Đông.

Trung Quốc có khoảng 1 triệu km diện tích đất lãng phí, nơi cây cối rất khó phát triển bởi độ mặn hoặc độ kiềm cao trong đất. Do đó, nhà khoa học nông nghiệp Yuan Longping (87 tuổi), được mệnh danh là “cha đẻ của các giống lúa lai”, đã tìm ra cách trồng lúa trong điều kiện đất đai hạn chế. Ông cho hay, 1/10 diện tích nêu trên dùng để trồng lúa chịu mặn thì tổng sản lượng gạo của Trung Quốc sẽ tăng lên gần 20%. Họ có thể sản xuất 40 tấn lương thực, đủ để nuôi sống 200 triệu người với diện tích đất ấy.

Ông Yuan Longping (ở giữa) và nhóm nghiên cứu đi khảo sát tại cánh đồng lúa nước mặn ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

Vào giai đoạn giữa những năm 1970, lo lắng về việc làm thế nào để cung cấp lương thực cho một quốc gia tăng trưởng nhanh và đông dân nhất thế giới, Trung Quốc đã bắt đầu cho nghiên cứu một loại lúa có thể sống được trên những cánh đồng nước mặn.

Những phát hiện ban đầu trong lĩnh vực này thuộc về nhà nghiên cứu Chen Risheng ở tỉnh Quảng Đông khi ông vô tình tìm thấy một loại lúa dại màu đỏ trong rừng ngập mặn tại huyện Toại Khê, thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông.

Sau nhiều thập kỷ tiến hành lựa chọn tính trạng, lai giống và sàng lọc di truyền, các nhà nghiên cứu đã phát triển được ít nhất 8 giống lúa có thể trồng trên nước mặn, nhưng năng suất của chúng vẫn thấp, chỉ 2 tấn/hecta, bằng 1/3 năng suất gạo thông thường, nên không đủ để trồng trên diện rộng.

Mới đây, tại cánh đồng lúa nước mặn lớn nhất Trung Quốc ở Thanh Đảo, thành quả từ đội nghiên cứu của ông Yuan tỏ ra rất khả quan khi thu hoạch về 4,5 tấn gạo/hecta đất.

Lúa nước mặn được thu hoạch

Công nghệ Sinh học Yuan Ce, một công ty khởi nghiệp tại Thanh Đảo, đối tác của nhóm nghiên cứu khoa học của ông Yuan, đã mở một cửa hàng gạo điện tử và đặt tên “Yuan Mi” cho sản phẩm của mình để vinh danh thành tựu của “cha đẻ” dự án.

Loại gạo được bày bán hiện tại được thu hoạch từ năm ngoái. Vụ mùa năm nay sẽ chính thức bắt đầu vào tháng tới. Mỗi kilo-gram gạo Yuan Mi có giá 7,5USD (tương đương 170.000 đồng), cao hơn 8 lần so với giá gạo thông thường. Tháng trước, gần 1.000 người đã đặt mua loại gạo này và cửa hàng Yuan Ce cho tới nay đã bán được 6 tấn gạo nước mặn kể từ tháng Tám.

“Mục tiêu doanh số bán hàng của chúng tôi là 10 triệu nhân dân tệ (34,3 tỷ đồng) vào cuối năm nay”, người phụ trách kinh doanh của Yuan Ce nói.

Giáo sư Huang Shiwen dẫn đầu một đội nghiên cứu các loại bệnh dịch trên lúa gạo tại viện Nghiên cứu Gạo Quốc gia Trung Quốc ở Hàng Châu, Chiết Giang cho biết, nước biển là một chất làm sạch tự nhiên, có thể làm giảm hoặc loại trừ sự lây truyền một số bệnh do vi khuẩn gây ra.

“Để tồn tại được trong môi trường khắc nghiệt, dòng lúa mới phải có một số gene “cứng rắn” giúp nó kháng cự tốt hơn với các cuộc tấn công của bệnh dịch hoặc các loài sâu bọ, đặc biệt là những bệnh ở gốc hoặc phần thân dưới của cây”, Giáo sư nói.

Giống lúa được phát triển bởi ông Yuan và các nhóm khoa học khác trước đó không phải được trồng hoàn toàn trên nước biển mà nó sẽ được hòa lẫn với nước ngọt để giảm nồng độ muối xuống còn 6 gram trên mỗi lít nước. Thông thường, trung bình mỗi lít nước biển chứa khoảng 30 gram muối.

Các nhà nghiên cứu cho hay sẽ mất nhiều năm nữa mới có thể phát triển giống lúa trồng được trên nước biển nguyên chất.

Nguồn: Nguoiduatin.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.