Cà Mau: Xây dựng mô hình trồng chuối già Philippines để xuất khẩu

Cà Mau chú trọng trồng chuối già Philippines chất lượng cao, phấn đấu tới năm 2020 đạt tới 6000 ha trồng chuối.

6.000 cây chuối già Philippines nuôi cấy mô sạch bệnh được triển khai trên quy mô 100ha đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là mục tiêu của dự án: “Ứng dụng khoa học công nghệ cấy mô sản xuất giống cũng phát triển mô hình trồng chuối cho năng suất cao và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại vùng U Minh Hạ” thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2016 -2025 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt triển khai tại Cà Mau từ năm 2017.

Trồng chuối giống mới ở Cà Mau.

Theo Ban quản lý dự án Chuối già Philippines có tên gọi là Cavendish (còn gọi chuối già Nam Mỹ) là loại chuối cho cho buồng, trái to. Từ nuôi cấy mô sạch bệnh, 6000 cây chuối này sẽ được trồng và hoàn thiện quy trình nhân chuối ở Cà Mau với năng suất dự kiến đạt khoảng 30 tấn/năm/ha. Theo tính toán, mỗi hécta chuối cho lợi nhuận hơn 150 triệu đồng, góp phần tạo ra thu nhập ổn định cho những người dân sống ở miệt rừng Cà Mau.

Được biết hiện tỉnh Cà Mau đang thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp tới năm 2020. Ngoài giống lúa và một số sản phẩm nông nghiệp khác, Cà Mau chú trọng trồng chuối già Philippines chất lượng cao, phấn đấu tới năm 2020 đạt tới 6000 ha trồng chuối.

Nguồn: Khoahocvaphattrien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Chế phẩm vi sinh từ nuôi cho đến bảo quản

Ở Quảng Nam mô hình sử dụng chế phẩm sinh học EM chuối và chế phẩm dịch chiết gừng bảo quản sản phẩm tôm đã chứng minh tính thiết thực và hiệu quả cao có thể hướng đến nhân rộng để ngành sản xuất tôm bền vững.

EM chuối trộn vào thức ăn tăng cường sức đề kháng cho tôm.

Nuôi tôm cho sản lượng cao, an toàn

Lâu nay, nông dân Nguyễn Xuân Cần (thôn Kỳ Trần, xã Bình Hải, Thăng Bình) nuôi tôm không nhiều nhưng được những hộ khác khâm phục vì các vụ nuôi luôn thành công. Ở vụ vừa qua, với 6 ao nuôi có tổng diện tích 18.000m2, ông Cần thu hoạch 10 tấn tôm, bán được 1,6 tỷ đồng, qua đó thu lợi 1 tỷ đồng.

Bí quyết thành công của nông dân này là ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm. “Sử dụng hóa chất và kháng sinh không phải là giải pháp nuôi tôm bền vững vì gây hại môi trường và sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thay vào đó tôi sử dụng chế phẩm sinh học EM chuối – sản phẩm độc đáo xuất xứ từ Nhật Bản” – ông Cần chia sẻ.

Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm và bảo quản sản phẩm tôm nuôi đang là lựa chọn hiệu quả và hướng đến bền vững.

Chế biến EM chuối theo cách ông Cần hướng dẫn cũng khá đơn giản: xay nhuyễn 1kg chuối tây đã lột vỏ rồi khuấy đều với 1 lít EM trong bình có nắp đậy chặt. Sau 24 giờ có thể sử dụng 1 lít chế phẩm sinh học EM chuối trộn với 10kg thức ăn nuôi tôm. Nguyên tắc sử dụng chế phẩm sinh học của ông Cần là sử dụng đúng liều lượng, thời gian sử dụng vào buổi sáng, khoảng 8 – 10 giờ, lúc nắng ấm là phù hợp nhất vì hàm lượng ô xy hòa tan cao. Chế phẩm EM chuối có tác dụng tăng cường sức đề kháng và khả năng chống chịu của tôm nuôi khi có các điều kiện ngoại cảnh bất lợi, tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn cho tôm. Bên cạnh đó, EM chuối còn giúp tiêu diệt vi sinh vật có hại, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Nuôi tôm ở vùng triều có nhiều hạn chế về nguồn nước, nhưng cũng nhờ sử dụng chế phẩm sinh học, hộ các ông Nguyễn Nam, Đỗ Văn Lành (khối phố Phú Sơn, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) vẫn thu được sản lượng lớn, lãi hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ nuôi.

Ông Nguyễn Nam cho biết, ông sử dụng chế phẩm sinh học trong toàn bộ quá trình nuôi tôm, từ giai đoạn cải tạo ao nuôi đến khi thu hoạch. “Ban đầu tôi nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hình thức quảng canh vì vùng triều ven sông không có lợi thế về quản lý môi trường nuôi tôm như trên cát. Sau đó, tôi đã chuyển sang thâm canh nhờ sử dụng chế phẩm sinh học có tính tương thích cao nên nuôi tôm rất trúng vụ” – ông Nam nói.

Ông Đỗ Văn Lành cho biết thêm, thời tiết càng khắc nghiệt nông dân càng nên dùng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm. Như chuẩn bị cho vụ nuôi mới năm 2018, ông sẽ dùng chế phẩm sinh học để xử lý bùn đáy hồ bằng cách pha với nước phun tiêu độc trong vòng 10 ngày. Tùy theo từng vụ nuôi, ông dùng các loại chế phẩm sinh học khác nhau phù hợp, được kiểm chứng kỹ càng.

Hiệu quả bảo quản

Mới đây, cơ sở thu mua tôm thương phẩm Thúy Ty (xã Tam Anh Bắc, Núi Thành) tiến hành thu mua tôm thẻ chân trắng ở ao nuôi của bà Nguyễn Thị Luận (xã Tam Hải, Núi Thành). Thay vì chỉ dùng đá ướp lạnh như mọi khi, doanh nghiệp này đã sử dụng chế phẩm sinh học gồm 50% dịch chiết gừng trong cồn 50%, cùng 50% dịch chiết riềng trong cồn 60% và các phụ gia an toàn là nisin nồng độ 200ppm, chitosan có nồng độ 0,5% để bảo quản sản phẩm theo tỷ lệ 1 lít chế phẩm sinh học pha với 2 lít nước biển và 7kg nước đá để bảo quản cho 10kg tôm thương phẩm.

Kết quả là tôm không có điểm đen nào trên thân; không bị rách vỏ; thịt tôm có màu sắc đặc trưng, săn chắc; đầu tôm dính chặt vào thân và không dập nát. Cơ sở Thúy Ty cho biết, nếu bảo quản bằng nước đá đơn thuần, chỉ sau 2 ngày tôm sẽ suy giảm chất lượng, giá bán ra bị giảm đến 30%. Trong khi đó, bảo quản bằng chế phẩm sinh học, thời gian giữ chất lượng sản phẩm tôm lâu hơn.

Nguồn: Báo Quảng Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lá chuối và lá ngô giúp bảo vệ da cá

Việc bổ sung thêm chất bổ sung lá chuối và ngô không có tác dụng làm tăng hiệu quả tăng trưởng của cá nhưng lại có tác dụng bảo vệ biểu bì của da cá chống lại tác nhân gây bệnh Aeromonas hydrophila.

Bổ sung lá chuối (Musa nana) và lá ngô (Zea mays) vào thức ăn giúp bảo vệ da cá
Cơ sở khoa học

Hiện nay, các chủng vi khuẩn Aeromonas hydrophila đang gây bệnh trên khắp mọi nơi có liên quan đến ở viêm loét da cá, đặc biệt trong điều kiện căng thẳng. Nó có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt và đặc biệt phổ biến ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Lá tươi từ ngô và chuối đã được các nông dân nuôi cá ở Việt Nam sử dụng làm thức ăn bổ sung và người ta đã báo cáo rằng họ có thể có lợi ích phòng bệnh từ nguồn gốc thực vật.

Trong nghiên cứu này, một thử nghiệm cho ăn được tiến hành để đánh giá các lợi ích của việc cung cấp ngô và lá chuối như là thức ăn bổ sung: để xác định xem chúng đã tác động như thế nào đối với hệ thống miễn dịch và tiêu hóa bởi cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella), nếu sự hấp thu này dẫn đến hiệu suất tăng trưởng tốt hơn, và nếu bổ sung lá có thể bảo vệ cá khi gây nhiễm thực nghiệm với vi khuẩn A. hydrophila bằng phương pháp tiêm thì đây là một nguyên liệu hết sức gần gũi với người nông dân.

Kết quả

Kết quả tất cả cá đều được cho ăn một tỷ lệ giống nhau về thức ăn viên thương phẩm có liên quan đến sinh khối. Tuy nhiên, 12/18 bể cá có khẩu phần này được bổ sung bằng lá chuối tươi hoặc lá ngô tươi cho thấy việc bổ sung lá làm tăng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn tổng thể (FCR).

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các nhóm cá không có ý nghĩa thống kê (P<0,005). Những thay đổi đối với thành phần đồng vị của cá thể hiện sự hấp thu dinh dưỡng của lá. Tác dụng bảo vệ cá bằng việc cho ăn lá chuối hoặc lá ngô được phát hiện chống lại nhiễm trùng với A. hydrophila nhưng cao hơn không có ý nghĩa thống kê so với đối chứng, và khẩu phần ăn không làm thay đổi hematocrit cá.

Tuy nhiên, việc bổ sung lá ngô làm giảm đáng kể mức độ tổn thương của da ở cá, dấu hiệu lỡ loét cũng được quan sát có dấu hiệu giảm rõ rệt, có thể cải thiện giá trị thương phẩm thị trường của cá.

Kết luận

Việc bổ sung thêm chất bổ sung lá chuối và ngô không có tác dụng làm tăng hiệu quả tăng trưởng của cá nhưng lại có tác dụng bảo vệ biểu bì của da cá chống lại tác nhân gây bệnh Aeromonas hydrophila.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lai tạo giống chuối kháng bệnh Panama

Các nhà nghiên cứu của Đại học Công nghệ Queensland đã phát triển và trồng giống chuối Cavendish cải tiến kháng lại loài nấm gây bệnh nhiệt đới TR4, còn gọi là bệnh héo rũ Panama ở cây chuối.

Trong một thử nghiệm đầu tiên được thực hiện trên đất bị nhiễm mầm bệnh TR4, giống chuối Cavendish chuyển đổi bằng một gen lấy từ chuối tự nhiên vẫn hoàn toàn không có mầm bệnh TR4. Các kết quả vừa được đăng tải trong tạp chí Nature Communications.

Những điểm chính của nghiên cứu:

  • Giống chuối Cavendish Grand Nain đã được cải biến với gien RGA2 lấy từ các phân loài chuối tự nhiên của Đông Nam Á là Musa acuminata ssp malaccensis kháng mầm bệnh TR4.
  • Giống chuối Cavendish cải tiến (RGA2-3) vẫn không mang mầm bệnh TR4 trong ba năm thử nghiệm.
  • Ba giống chuối khác được biến đổi với RGA2 cho thấy sức đề kháng mạnh, với 20% hoặc ít hơn các cây có biểu hiện bệnh trong ba năm.
  • Ngược lại, 67% -100% các giống chuối khác sau ba năm cây sẽ chết hoặc bị nhiễm TR4, bao gồm một biến thể Giant Cavendish 218 được tạo ra thông qua nuôi cấy mô ở Đài Loan và cho thấy có khả năng chịu được TR4.

Cuộc thử nghiệm thực địa kéo dài từ năm 2012 đến năm 2015 do Giáo sư James Dale, Trung tâm trồng cây nhiệt đới và các sản phẩm sinh học của Đại học Công nghệ Queensland chủ trì thực hiện. Nghiên cứu đã được thực hiện trên một trang trại chuối thương mại bên ngoài Humpty Doo thuộc miền bắc Úc trước đây bị ảnh hưởng bởi TR4. Đất trồng cũng bị tái nhiễm nặng nề với dịch bệnh do thử nghiệm.

Giáo sư Dale cho biết kết quả là một bước đi quan trọng để bảo vệ ngành chuối xuất khẩu toàn cầu trị giá 12 tỷ USD, vốn đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi bệnh TR4. Ông nói: “Những kết quả này rất thú vị vì nó có nghĩa là chúng ta có một giải pháp có thể được sử dụng để kiểm soát căn bệnh này”.

TR4 có thể tồn tại trong đất trong hơn 40 năm và không có biện pháp kiểm soát hóa học hiệu quả. Căn bệnh này là một vấn đề rất lớn, nó đã tàn phá các đồi trồng chuối Cavendish ở nhiều nơi trên thế giới và nó đang lan rộng khắp Châu Á. Đó là một mối đe dọa rất lớn đối với sản xuất chuối thương mại trên toàn thế giới

Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm trên đồng ruộng ở miền bắc nước Úc, phát triển 4 dòng chuối RGA2 cho thấy sự đề kháng với mầm bệnh cũng như những dòng mới được cải tiến của giống chuối biến đổi gien Cavendish Grand Nain và Williams.

Giáo sư Dale nói: “Mục tiêu là chọn dòng Grand Nain tốt nhất và dòng Williams tốt nhất để đưa vào sản xuất thương mại. Trong khi ở Úc, chúng tôi chủ yếu trồng giống chuối Williams, ở những nơi khác trên thế giới, giống chuối Grand Nain rất phổ biến”.

Giáo sư Dale cho biết mối tương quan giữa hoạt động của gien RGA2 và sức đề kháng TR4 đã giúp mở ra những nghiên cứu mới.

Nguồn: Mard.gov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nông sản Việt “hái” tiền đô nhờ công nghệ Nhật

Sản xuất, chế biến theo công nghệ Nhật Bản giúp nông sản Việt Nam dễ dàng chinh phục các thị trường khó tính.

Từ sự hợp tác tận tình của đối tác Nhật Bản trong chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn công nghệ của Nhật và gặt hái thành công.

Trồng hoa xuất sang Nhật bằng… cảm biến

Nắm thông tin về thị trường tiêu thụ hoa khổng lồ của Nhật Bản với 9 tỉ USD mỗi năm từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), Công ty Pan Saladbowl đã chọn hoa cúc với 40 giống có màu sắc và kiểu hoa khác nhau làm sản phẩm chiến lược để đầu tư công nghệ Nhật, xuất khẩu sang Nhật. Đây là một trong những thị trường khắt khe nhất và khó nhằn với bất kỳ doanh nghiệp xuất khẩu nào.

Theo bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch HĐQT Công ty Pan Saladbowl, không phải tự nhiên Pan Saladbowl đi vào con đường khó mà có sự tính toán rất chi tiết và cẩn trọng. “Tại điểm khởi đầu, công ty đã tìm hiểu các cơ hội, nắm bắt nhu cầu thị trường, có đối tác cam kết tiêu thụ đầu ra, rồi mới tiến hành xây dựng nhà kính, đầu tư máy móc, công nghệ. Cách làm này sẽ không đặt doanh nghiệp vào thế rủi ro do đầu tư quá lớn nhưng không bán được hàng hóa” – bà My chia sẻ.

Một nhóm chuyên gia Nhật đã hỗ trợ Pan Saladbowl từ phân tích vùng trồng, thổ nhưỡng cho đến tư vấn kỹ thuật sản xuất. Theo đó, toàn bộ diện tích hoa trồng trong nhà kính với khả năng kiểm soát môi trường và khí hậu tối đa cho cây trồng thông qua các cảm biến và hệ thống máy tính tự động.

Quy trình trồng, chế biến chuối theo công nghệ Nhật được theo dõi rất chặt chẽ. Có khi chỉ một vài trái xấu phải bỏ cả nải chuối.

Một công nghệ hiện đại của Nhật Bản được công ty ứng dụng là sử dụng công nghệ IT, điện thoại thông minh vào quản lý, sản xuất nông nghiệp. Với việc áp dụng công nghệ này, người quản lý không cần ra đồng vẫn nắm bắt, biết được công nhân đang làm gì và hiệu quả công việc ra sao. Mỗi công nhân được trang bị một điện thoại thông minh đã cài sẵn chương trình quản lý.

Ví dụ, khi bắt đầu công việc thì nhấn vào nút bắt đầu, như bắt đầu lên luống hoặc tra hạt, chăm sóc… đến khi dừng công việc thì ấn vào nút kết thúc. Tất cả thông tin về quy trình đó sẽ lập tức được gửi về máy chủ và người quản lý sẽ biết được các công việc hay tình hình đang diễn ra.

“Suất đầu tư lên đến 10 tỉ đồng cho 1 ha nhà kính nhưng đổi lại, mô hình này đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật, đảm bảo hoa đạt chất lượng đồng đều, màu sắc, trọng lượng, tuổi thọ kéo dài 6-7 tuần” – bà My tiết lộ.

Hiện nay, Pan Saladbowl sản xuất một năm hơn bảy triệu cành hoa cúc và cẩm chướng, xuất khẩu hết sang thị trường Nhật. “Các đối tác Nhật cho biết nếu công ty tăng thêm sản lượng gấp 2-3 lần thì thị trường Nhật vẫn bao tiêu hết” – bà My chia sẻ tin vui.

Khổ trước nhưng sướng sau

Không chỉ hoa mà gần đây, nhiều trang trại, doanh nghiệp Việt đã áp dụng thành công công nghệ Nhật để trồng rau, quả… Là đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện nay xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản, ông Khưu Nhon Hiếu, Tổng Giám đốc Koyu&Unitek, cho biết để có kết quả này công ty đã phải trải qua các điều kiện, thủ tục thú y mất gần ba năm.

“Đặc biệt, công ty phải bỏ ra 6 triệu USD nhập dây chuyền máy móc, công nghệ từ Nhật Bản để xây dựng nhà máy có công suất chế biến 50.000 con gà/ngày” – ông Hiếu cho hay.

Ông Nguyễn Minh Kha, chủ trang trại gà đang cung ứng gà cho Công ty Koyu&Unitek, cho biết thêm để xuất khẩu được hàng đi Nhật cần tuân thủ các điều kiện rất khắt khe về chất lượng. Theo đó, toàn bộ gà giống phải được nhập khẩu từ Pháp và Mỹ.

“Trong quá trình nuôi không được xảy ra các dịch bệnh cúm gia cầm, bệnh dịch tả và không tồn dư kháng sinh. Ngay cả một số kháng sinh mà Việt Nam cho phép dùng trong chăn nuôi, Nhật cũng không cho sử dụng” – ông Kha kể.

Thành công với việc xuất khẩu thương hiệu chuối Fohla sang Nhật, Hàn Quốc và Singapore, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, chia sẻ phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, thất bại nhiều lần mới đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính này vì trước đây doanh nghiệp chủ yếu xuất dễ sang Trung Quốc.

Ông Huy nhấn mạnh: “Dù khó khăn nhưng khi đã áp dụng theo các tiêu chuẩn, quy trình công nghệ Nhật thì doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân công, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm hư hỏng nông sản sau thu hoạch… Quan trọng nhất là uy tín, chất lượng, thương hiệu được bảo đảm”.

Lợi cho nông dân

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, cho rằng nông nghiệp Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với công nghệ hiện đại, sản xuất sạch. Những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật đang chọn Việt Nam nơi có điều kiện thổ nhưỡng tương đồng, thích hợp để hợp tác đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp. Đây cũng là hướng phát triển mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới, hợp tác trực tiếp với Nhật để làm theo đơn đặt hàng.

Tuy vậy, theo GS Xuân, ngoài áp dụng công nghệ Nhật thì cần phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp như Nhật với khả năng thực hiện đa nhiệm vụ. Cụ thể, một hợp tác xã có thể kinh doanh hàng loạt dịch vụ kinh tế-xã hội như cung cấp nguyên liệu đầu vào, tổ chức thị trường đầu ra, cho vay tín dụng, cung cấp dịch vụ bảo hiểm, phân phối hàng tiêu dùng…“Hợp tác xã kiểu Nhật cũng là đầu mối áp dụng khoa học kỹ thuật hợp tác chuyển giao với các doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra, bảo vệ quyền lợi cho nông dân” – GS Võ Tòng Xuân gợi ý.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng lời giải việc tăng giá trị nông sản, mang lại lợi nhuận cao nằm ở việc phát triển công nghệ trong nông nghiệp. Câu chuyện hàng Việt áp dụng công nghệ Nhật là kinh nghiệm tốt. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết hiện nay Bộ đang phối hợp với bộ, ngành liên quan đẩy nhanh các mô hình liên kết nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực rau quả nói riêng, trồng trọt nói chung phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nguồn: Tintucnongnghiep.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Làm giàu từ nông nghiệp: 8X du học ở Mỹ, về quê làm…giống cấy mô

Có bố mẹ là doanh nhân kinh doanh vàng bạc nổi tiếng ở đất cảng Hải Phòng, lại học thạc sĩ về quản trị kinh doanh ở 1 trường đại học có tên tuổi ở Mỹ, những tưởng chàng trai 8X Nguyễn Mạnh Hiếu sẽ lao vào khởi nghiệp một ngành gì đó tương đồng. Ai dè, Hiếu đứng ra lập Công ty CP Công nghệ sinh học Hoa Việt, chuyên sản xuất và phân phối các loại giống cây trồng nuôi cấy mô.

Duyên với cây giống mô

Từ quận 10, TP.HCM, chúng tôi mất gần 2 tiếng đồng hồ để đến Nhà máy sản xuất cây giống công nghệ sinh học ở ấp Rừng Sến, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa (Long An). Đây là “đại bản doanh” sản xuất giống cây trồng cấy mô của Công ty Hoa Việt. Trên xe có Hiếu và thạc sĩ Tô Thị Nhã Trầm – Giám đốc kỹ thuật của công ty. Đường khá xa, thỉnh thoảng lại kẹt xe nhưng câu chuyện khởi nghiệp đầy thú vị của 2 bạn trẻ đã làm cho thời gian gần như rút ngắn lại.

Giám đốc Nguyễn Minh Hiếu và Thạc sĩ Tô Thị Nhã Trầm trong phòng nuôi cấy mô của Công ty Hoa Việt. 

Cả Hiếu và Trầm đều có chung niềm đam mê với cây giống cấy mô, nhưng con đường đến với nghề này của cả 2 lại khác nhau. Hiếu kể, cậu học ở Mỹ về, nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Trường đại học Winconsin. Về Việt Nam,  không biết run rủi thế nào, Hiếu lại gặp cậu bạn đang ấp ủ ý định khởi nghiệp với loại giống cây nuôi cấy mô – lĩnh vực vô cùng tiềm năng nhưng vẫn còn  rất mới mẻ với những người trẻ như Hiếu. Nghe bạn say sưa câu chuyện đó, Hiếu  thử tìm tài liệu đọc và mê lúc nào không biết.

Đúng lúc đó, Hiếu gặp Trầm – cô thạc sĩ đã có hơn 10 năm nghiên cứu trong lĩnh vực nhân giống vô tính các loại cây trồng. Hiếu lập tức mời Trầm cùng cộng tác. Cũng dễ hiểu vì sao Trầm lại có “sức hút” với Hiếu như vậy. Trầm xuất thân từ gia đình làm nông ở Bình Thuận. Từ nhỏ, máu làm nông đã ăn vào da thịt cô, nên hễ có điều kiện là cô lại mày mò nghiên cứu các loại giống. Đến khi vào học Đại học Nông lâm TP.HCM và sau này là giảng viên của trường, Trầm càng có cơ hội được nghiên cứu về giống cây trồng. Có lần, khi Trầm đề xuất với thầy chủ nhiệm khoa làm đề tài nghiên cứu về cây chè đột biến ở xứ Lâm Đồng, không ít người đã cho rằng đầu óc cô “có vấn đề”. Nào ngờ Trầm làm thật và thành công.

 Nhờ sự sáng tạo, say mê nghiên cứu, Trầm đã gặt hái được hàng loạt các giải thưởng uy tín, như Giải thưởng VIFOTEX 2007; Giải Quả cầu Vàng toàn quốc 2011; Giải Eureka toàn quốc 2007, Giải thưởng Lương Định Của 2013…Có niềm đam mê chung, thế là cả 2 cùng bắt tay vào câu chuyện khởi nghiệp mà không ai nghĩ sẽ gắn bó lâu dài với mình: Sản xuất các loại giống nuôi cấy mô cho thị trường.

Mải nói chuyện, xe đến Nhà máy sản xuất cây giống của công ty lúc nào không hay. Trông bề ngoài, nhà máy thật khiêm tốn, nhưng vào trong mới thấy quy mô bế thế của nó. Phòng lad rộng hơn 1.000m2 với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại; vườn ươm giống 20.000m2; vườn thuần 4.000m2…Làm việc tại công ty, lúc cao điểm có 60 công nhân viên. Dưới sự chỉ huy của Hiếu, Trầm, họ chính là những người duy trì sản xuất giống cây nuôi cấy mô và phân phối đi khắp nơi.

Những giống tiêu, chuối…sạch bệnh 

Phòng nuôi cấy mô của Công ty Hoa Việt.

Theo lời kể của Hiếu, khi bắt đầu khởi nghiệp, Hoa Việt cũng gặp rất nhiều khó khăn, lý do chính thời điểm đó chưa định vị được sản phẩm chính của công ty. Lúc này, khách hàng đặt mua giống gì là Trầm và nhóm kỹ sư của công ty lại bắt tay vào nuôi cấy mô và nhân giống. Cây nào cũng làm. Nhưng qua một thời gian, lãnh đạo công ty và Trầm nhận thấy nếu làm thế sẽ đặt công ty vào thế bị động, phải chạy theo khách hàng và quan trọng là Hoa Việt sẽ không có sản phẩm tiêu biểu để định vị thương hiệu.

 Nghĩ vậy, Hoa Việt định hướng đi vào 3 loại giống chính: Chuối, tiêu và đinh lăng. Vì sao vậy? Trầm cho biết: Cây chuối mấy năm nay rất phát triển, nhiều nước đã nhập khẩu loại quả này của Việt Nam. Tuy nhiên, yếu thế của ta là phải nhập giống từ nước ngoài hoặc sử dụng giống trong nước nhưng chất lượng không đồng đều. Trong khi đó, nếu nuôi cấy mô giống chuối  sẽ tạo được chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của sản xuất trong nước.

Còn cây tiêu, đường đến với nó phức tạp hơn. Trầm chia sẻ, cây tiêu là “vàng đen”, cho thu nhập lớn nhưng  rủi ro vì dịch bệnh luôn tiềm ẩn xuất hiện. Thực tế là từ thủ phủ cây tiêu ở Chư Sê (Gia Lai), xuống các huyện của Đồng Nai, rồi ra tận miền Trung, nông dân đã bao lần lao đao, tán gia, bại sản vì dịch bệnh.  “Nếu Hoa Việt có sản phẩm tốt, sạch bệnh và nguồn gốc rõ ràng thì không lý gì chúng tôi không định hướng lại sản xuất cho người dân”- Trầm khẳng định.  Những năm qua, Trầm và các đồng nghiệp đã nghiên cứu và phát triển ra loại tiêu Sri Lanka và tiêu Vĩnh Linh sạch bệnh, ngoài cung cấp cho các hộ nông dân còn đủ sức phục vụ cho những dự án quốc gia. Với 2 giống tiêu này, Hoa Việt đặt tham vọng sẽ khôi phục nền nông nghiệp hồ tiêu sạch và khoẻ, giảm thiểu chi phí và đạt giá trị thương phẩm cao.

Để có một sản phẩm cây giống mô ra thị trường, câu chuyện về quy trình sản xuất của nó không hề đơn giản. Lấy ví dụ từ sản xuất giống chuối, các kỹ sư ở đây đã phải áp dụng quy trình tuyển chọn nguồn giống khắt khe và ứng dụng dây chuyền sản xuất giống công nghệ cao. Giai đoạn cây chuối cấy mô được chăm sóc trong nhà lưới  khoảng 1 tuần. Yêu cầu độ thoáng cao, nhiệt độ lý tưởng từ 25 – 30 độ C, cung cấp độ ẩm cho không khí và cho cây bằng cách tưới phun sương. Suốt quá trình này, các kỹ sư  phải kiểm tra sự thích nghi của cây chuối với môi trường sống, độ cứng cáp của cây và khả năng tiếp nạp dinh dưỡng của rễ.

“Hiện, hàng trăm nghìn cây chuối giống mô, với các chủng loại như chuối cau, chuối tiêu Nam Mỹ, chuối Laba, chuối Xiêm, chuối đỏ… của chúng tôi đã được đưa đến khắp mọi miền Tổ quốc và xuống giống thành công. Tỷ lệ cây giống sinh trưởng và phát triển khoẻ mạnh luôn đạt ngưỡng trên 95%” –  Trầm khẳng định.

Sứ mệnh thay đổi nền nông nghiệp

Sau khi thăm khu nuôi cấy mô, rồi vườn ươm, khu làm giống, chúng tôi đến một khu vườn chuối được cấy mô tế bào khá đẹp. Những cây chuối  cao chừng 1m, đều tăm tắp, được trồng trên những luống đất được cày xới thẳng hàng, vuông vức. Phía trên là những màng lưới để che nắng cũng như để giữ độ ẩm cây. Cùng với đó là hệ thống tưới nhỏ giọt luôn đủ cung cấp nước cho chuối. Hóa ra, đây là vườn chuối cấy mô của ông Út Huy (ông Võ Quan Huy- vua chuối ở Long An) được công ty Hoa Việt ươm thử nghiệm mấy tháng nay. Theo lời Hiếu, “vua” chuối út Huy hiện là đơn vị xuất khẩu chuối lớn (thị trường chính là Nhật Bản),  nhưng cơ sở  này  chưa chủ động được nguồn giống, nên hàng năm  phải nhập khẩu từ nước ngoài, do đó chi phí và an toàn dịch bệnh không được đảm bảo.

 Chính vì thế, Hiếu đã có sáng kiến xuống tận vườn của ông Út Huy, tuyển lựa các cây giống đầu nguồn tốt nhất rồi cho tiến hành nuôi cấy mô. “Chỉ năm sau thôi là chúng tôi có thể chủ động được nguồn giống cho ông Út Huy. Lúc đó, cơ sở này không còn lo chuyện nhập khẩu giống nữa. Giống chuối này đảm bảo năng suất như giống chuối nhập khẩu, sạch bệnh và đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật mà đối tác đặt hàng”- Hiếu khẳng định.

Nghe Hiếu kể chuyện, tôi bấm máy gọi điện luôn cho ông Út Huy. Đầu dây bên kia, giọng ông Út Huy  nghe sang sảng: “Bọn nó được lắm chú ơi. Anh em nó xuống đây lấy giống đầu nguồn về làm mô suốt, làm rất tốt,  có tâm. Có Hoa Việt, anh cũng khỏe”. Nghe ông nói thế, tôi cũng mừng. Cùng với cấp giống chuối cho ông Út Huy, hiện Hoa Việt mỗi năm có thể đưa ra thị trường 3 triệu cây giống mô  các loại, đương nhiên chủ yếu vẫn là các loại chuối, tiêu, đinh lăng.

Kết thúc chuyến thăm trung tâm cũng là lúc mặt trời bắt đầu đứng bóng. Chúng tôi lên xe về lại thành phố. Đi cả buổi cũng khá mệt, nhưng Hiếu vẫn râm ran  chuyện làm nông, làm giống. Đại thể,  Hiếu cho rằng, Việt Nam sở hữu một nền nông nghiệp có quá nhiều lợi thế, về tự nhiên, khí hậu, nhưng quá trình trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch lại gặp quá nhiều bất lợi như cây trồng kém chất lượng, sâu bệnh hại và một số biến đổi bất lợi về sinh thái.  Chính vì thế, mục tiêu của Hoa Việt là phải tạo ra được những loại giống  nuôi cấy In vitro với khả năng chống chọi dịch bệnh, sinh trưởng mạnh và mang lại hiệu quả cao. Muốn làm được vậy, cây giống của Hoa Việt phải tạo ra nhiều sự khác biệt, trong đó giống được tuyển chọn nuôi cấy mô phải là giống đầu dòng, được kiểm tra virus và kiểm tra di chuyền qua 3 thế hệ.  Trên cơ sở này, các kỹ sư của Hoa Việt sẽ sử dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất cây giống đồng đều cả về số lượng, chất lượng. Cây giống đảm bảo sự tăng trưởng tốt, khả năng chống chịu, khả năng kháng sâu bệnh tốt…

“Làm tốt các yêu cầu trên, chúng tôi tin rằng mình sẽ góp phần giúp nền nông nghiệp Việt Nam vươn lên những tầm cao mới. Lúc đó, thương hiệu nông sản Việt Nam không chỉ được tin yêu bởi chính người Việt mà còn vươn xa ra thế giới. Và cuộc hành trình này nhất định phải bắt đầu từ một chuẩn cây giống chất lượng”.

Nghe Hiếu chốt câu chuyện một cách quả quyết như vậy, tôi hoàn toàn tin  điều chàng trai này nói  sớm  muộn rồi cũng sẽ trở thành hiện thực. Và lúc đó, người  nông dân, khách hàng của Hiếu, của Trầm sẽ tin Hoa Việt chính là tinh hoa về giống của nền nông nghiệp nước nhà như cái cách mà 2 bạn trẻ này đặt tên cho công ty của mình.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa: Xót xa nhìn vườn chuối đổ như ngả rạ, nông dân mất tết

Đó là những lời than vãn, nghe rất xót xa của các hộ trồng chuối tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

Sau cơn bão số 12, PV Dân Việt đã đến khu vực xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, một vùng chuyên trồng chuối và được xem lớn nhất khu vực tỉnh Khánh Hòa. Toàn bộ những vườn chuối hiện đều bị bật gốc và ngã đổ, các cây chuối ngã tính không xuể. Đi đến nhà nào, người dân cũng đều lắc đầu than vãn mất trắng hết rồi chú ơi, chẳng còn gì nữa cả…

Ông Nguyễn Xuân Anh đang chặt các buồng chuối để vứt bỏ

Một buồng chuối bị bùn đất vùi lấp

Đang loay hoay bên vườn chuối 5 sào, ông Nguyễn Xuân Anh (xã Suối Cát, Cam Lâm) cho biết: “Vườn chuối 520gốc này là chuối cấy mô tôi trồng được hơn 1 năm, sau khi chăm sóc đã có trên 80% gốc chuối có buồng. Ông đang mừng thầm vì dự kiến bán vào thời điểm Tết này, mỗi buồng nhẩm tính giá từ 0,8 – 1 triệu đồng. Ai ngờ, cơn bão 12 đi qua đã cuốn sạch, chuối đã bị gãy nữa thân rất nhiều nằm la liệt trong vườn, chỉ còn cách chặt vứt bỏ”.

Ông nói, đau xót hơn là vườn diện tích 2ha chuối và xoài nằm trên đồi, bão qua đã cướp mất. Cả hai ngày nay ông không lên vườn này vì cảm thấy chán nản, bao nhiêu vốn liếng công sức giờ đã trở thành con số không. Gia đình ông thiệt hại ước tính khoảng gần 200 triệu đồng.

Chuối gãy nằm la liệt, tính không xuể

Nằm sát bên cạnh, bà Lê Thị Mai cho hay, gia đình có 3 sào chuối, mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng. Nhờ nguồn này mà có tiền nuôi con cái ăn học và trang trải trong gia đình. Cơn bão tràn vào đã làm cho vườn chuối hư hết, giờ gia đình không biết lấy nguồn nào để sống…

Bão số 12 đi qua đã làm cho nhiều diện tích chuối của người dân xã Suối Cát thiệt hại nặng

Theo đại diện địa phương cho biết, chuối là một trong những cây chủ lực, bà con có thu nhập chủ yếu từ trồng các giống chuối cau, chuối mốc, chuối mùi hương, với diện tích khoảng 1.000ha chuối. Cơn bão 12 đổ bộ làm cho nhiều hộ bị mất trắng, nhiều hộ lâm vào cảnh lao đao.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Thất vọng vì chuối Nam Mỹ ở Đắk Lắk không được xuất khẩu

Việc chưa áp dụng đúng và đủ quy trình kỹ thuật đã khiến lứa chuối Nam Mỹ thu hoạch đầu tiên ở Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk không đạt giá trị như mong đợi.

Cách đây gần 1 năm, cây chuối Nam Mỹ được đưa vào trồng ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk theo đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương với mục tiêu chủ yếu là xuất khẩu. Tuy nhiên, ngay vụ  thu hoạch đầu tiên, sản phẩm chuối buồng chỉ có thể tiêu thụ nội địa chứ không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu dù doanh nghiệp sẵn sàng bao tiêu sản phẩm.

Gia đình ông Nguyễn Đức Buông, ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk là một trong những hộ đầu tiên ký hợp đồng với Công ty Cổ phần đầu tư Chuối Việt (thành phố Hồ Chí Minh) trồng 1,3 hachuối Nam Mỹ xuất khẩu.

Ông Buông cho biết, ông được Phòng Nông nghiệp huyện Buôn Đôn hỗ trợ một nửa giá cây giống, cán bộ chuyển giao kỹ thuật công ty thường xuyên thăm vườn và hướng dẫn chăm sóc theo quy trình.

Sau gần 1 năm chăm bón, chuối đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tuy nhiên, theo đánh giá, thành phẩm chuối của ông Buông chỉ đạt loại B, nghĩa là chỉ tiêu thụ nội địa chứ không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, do có những đốm nâu trên quả.

Cũng như gia đình ông Buông, gia đình ông Nguyễn Trung Thành, ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn hợp đồng với công ty Chuối Việt trồng 1 ha chuối Nam Mỹ. Sau những háo hức mong đợi thì ngay lứa thu hoạch đầu tiên, chuối chỉ được thu mua theo giá loại B khiến ông cảm thấy chán nản và có ý định từ bỏ cây chuối mặc dù theo hợp đồng thì thời gian trồng và thu hoạch chuối lên tới 5 năm.

Theo hợp đồng, khi trồng đúng theo quy trình thì các vườn có thể đạt 90% chuối loại A trở lên (giá thu mua là 5.000 đồng/kg); chỉ có khoảng 10% chuối loại B (giá 3.000 đồng/kg). Tuy nhiên thực tế tại huyện Buôn Đôn, trong số gần 30 ha chuối đã cho thu hoạch thì không có vườn nào đạt được loại A.

Ông Hoàng Thế Hiền, cán bộ chuyển giao kỹ thuật công ty cổ phần đầu tư Chuối Việt cho biết, dù đã được hướng dẫn chặt chẽ từng giai đoạn, nhưng người dân chưa thực sự làm đủ và đúng theo quy trình hướng dẫn. Do đó, thành phẩm chuối không đạt tiêu chuẩn như quy định, nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy được. Trong khi đây là sản phẩm xuất khẩu nên yêu cầu về chất lượng  rất ngặt nghèo.

Theo ông Hiền, người dân chưa áp dụng theo quy trình, chưa đầu tư sâu vào cây chuối nên tính chuyên nghiệp chưa cao. Vì thế, chuối không xuất khẩu được do làm sai quy trình, chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.

Mặc dù chuối đã thu hoạch chỉ đạt loại B nhưng theo hợp đồng, công ty vẫn đảm bảo thu mua toàn bộ sản lượng chuối. Và với mức giá và năng suất như hiện tại thì người trồng chuối vẫn có thể thu lãi từ 50 – 60 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận, việc chưa áp dụng đúng và đủ quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn đã khiến lứa chuối thu hoạch đầu tiên ở huyện Buôn Đôn không đạt giá trị như mong đợi. Đây cũng là bài học kinh nghiệm với nông dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm sao đem lại hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Nguồn: VOV được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Chuối được mùa nhưng rớt giá, người dân Lào Cai chẳng buồn thu hoạch

Một thời gian dài, cây chuối được ví như cây bạc, cây vàng, giúp người dân làm giàu, đổi thay cả một vùng biên giới. Tuy nhiên, những ngày qua, giá xuất đi Trung Quốc rớt thê thảm, hàng trăm tấn chuối chín vàng nhưng người dân không buồn thu hoạch.


Giá chuối rớt xuống chỉ còn 1 nghìn đồng/kg

Mặc dù đang là chính vụ thu hoạch chuối, nhưng đến xã Bản Lầu vào những ngày này không còn bắt gặp cảnh tấp nập người mua, kẻ bán vốn có. Theo chính quyền xã Bản Lầu, chuối năm nay được mùa nhưng người dân không mấy mặn mà thu hoạch bởi giá bán xuống thấp kỷ lục. Nếu bỏ công thu hoạch cũng khó thu đủ vốn đầu tư chứ đừng nghĩ tới lãi.

Năm nay, gia đình anh Liều Seo Lý ở thôn Na Lốc 4 đầu tư trồng hơn 2 nghìn gốc chuối. Nếu giá chuối như mọi năm, khoảng 4 – 5 nhân dân tệ (tương đương 12 – 15 nghìn đồng/kg), gia đình anh sẽ thu về trên dưới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, những ngày gần đây giá chuối liên tục giảm, khiến cho những kế hoạch của anh Lý bị phá sản hoàn toàn. Với giá mua chuối của thương lái Trung Quốc dao động khoảng hơn 1 nghìn đồng/kg thì dù có thu hoạch về bán cũng chẳng đủ tiền trả thuê nhân công chứ chưa nói đến hoàn trả tiền phân bón và cây giống.

“Bây giờ chuối đã đến kỳ thu hoạch mà giá thì cứ giảm thế này, không thu về thì chuối chín thối rụng hết. Hôm qua có thương lái ở dưới xuôi lên đặt mua mấy tấn với giá cũng 1 nghìn đồng/kg, nhưng bù lại bán cho họ không phải mất công ra nải, không phải vận chuyển xuống tận sát biên giới… Thôi thì bán được đồng nào hay đồng ấy”, anh Lý buồn rầu.

Chị Sùng Thị Chư cùng thôn Na Lốc 4 trồng có 3.000 gốc chuối, năm 2016 với diện tích chuối này gia đình chị thu về gần 150 triệu đồng. Từ đầu vụ chuối, thương lái thu mua với giá quá thấp (bình quân 3 nghìn đồng/kg), tuy vậy với giá này chị Chư cũng như bà con trồng chuối trừ tất cả chi phí còn thu về được chút ít.


Chuối chín vàng trên nương nhưng người dân không thu hoạch

Nhưng một tuần trở lại đây, giá chuối giảm xuống còn 1 nghìn đồng/kg, chị Chư không có đủ tiền để thuê nhân công thu hoạch. “Nhà mình ít người, mọi năm thu hoạch chuối đều phải thuê người về chặt, bây giờ giá chuối rẻ quá nếu mà chặt về thì không có đủ tiền trả cho họ. Mấy hôm nay chuối chín rụng nhiều, mang về cho lợn ăn cũng chẳng hết được, tiếc lắm mà chẳng biết làm thế nào”, chị Chư thở dài.

Ông Phạm Đăng Năm, Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu cho biết, năm 2017 diện tích trồng chuối toàn xã tăng gần 100ha so với năm 2016. Trong đó, chuối trồng tại xã khoảng 500ha, cùng hơn 100ha người dân đi thuê đất ở xã Nậm Chảy để trồng. Nhìn chung, vụ chuối năm nay bà con nông dân khá vất vả bởi ngay từ đầu năm do ảnh hưởng thiên tai, đặc biệt là dịp tháng 6 và tháng 7 vừa qua, gió lốc làm gãy đổ khoảng 40ha chuối của bà con.

Tuy nhiên, đánh giá chung thì chuối năm nay được mùa, quả to đẹp, nếu tính bình quân sản lượng khoảng 25 tấn/ha thì toàn xã cũng có 15 nghìn tấn chuối. Giá chuối năm nay được thương lái Trung Quốc thu mua thấp hơn so với mọi năm, thời điểm cao nhất giá chuối đạt 5 nghìn đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay bà con đã thu hoạch được 1/2 tổng sản lượng chuối.

Những ngày gần đây, giá chuối giảm mạnh khiến cho việc tiêu thụ hết sức khó khăn. “Với giá dao động 1 nghìn đồng/kg, các hộ nương chuối ở xa, phải thuê nhân công nữa thì sẽ lỗ lên rất nhiều hộ bỏ mặc chuối chín trên cây không thu hoạch vì càng thu hoạch thì càng lỗ”, ông Năm cho biết.

Để tháo gỡ khó khăn cho bà con, cấp ủy, chính quyền xã Bản Lầu cũng đã báo cáo thực trạng và đề nghị huyện Mường Khương kêu gọi các doanh nghiệp trong nước về mua chuối cho bà con. Tuy nhiên, đến thời điểm này rất ít doanh nghiệp, thương lái ở xuôi lên mua chuối bởi hiện nay nguồn nguyên liệu chuối trong cả nước tương đối nhiều.


Khu tập kết chuối để xuất khẩu đến mùa thu hoạch nhưng không một bóng người

“Về giải pháp lâu dài, căn cơ thì chúng tôi đã thống nhất sẽ không khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng chuối, dứa nữa mà chuyển sang trồng các cây có giá trị kinh tế khác như quế, sa nhân, mít Thái Lan… Bởi những năm gần đây đầu ra của chuối và dứa ở Bản Lầu phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, giá cả biến động liên tục nên rất khó khăn cho người nông dân”, Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu cho chia sẻ.

Nguồn : Báo NNVN, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Sâu hại trên cây chuối

Sâu vòi voi

Sùng đục củ và thân chuối hay sâu vòi voi thân củ (Cosmopolites sordidus):
Đây là loại sâu nguy hiểm gây hại cho vườn chuối. Quan sát vườn chuối thấy trên thân cây chuối có nhiều lỗ nhỏ xì mủ ra đó là sâu đục thân chuối. Sâu đục thân chuối làm trái không phát triển, nếu vào sâu trong lõi chuối sẽ làm gãy đổ buồng chuối … sử dụng Furadan hay Basudin rải trên gốc chuối, hoặc dùng bả mồi là những khúc thân chuối bổ đôi úp quanh gốc để bắt thành trùng, kết hợp phun xịt thuốc.

Rầy mềm


Rệp muội hay rầy mềm (Pentalonia nigronervosa):
Có kích thước rất nhỏ, dài khoảng trên 1mm, màu nâu đen, có cánh hoặc không có cánh. Rệp thường sống tập trung trong các bẹ lá già gần mặt đất, khi mật độ cao rệp bám cả trên ngọn chuối và cây chuối con, chích hút nhựa làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây chuối và truyền bệnh virus. Chất bài tiết của rệp là môi trường cho nấm bồ hóng phát triển làm đen lá và buồng chuối. Vòng đời rệp rất ngắn, trung bình chỉ 10-13 ngày nên khi gặp điều kiện thuận lợi rệp phát triển số lượng khá nhanh. Trong vườn chuối bị bệnh sẽ phát hiện thấy có rệp.
Đây là một trong những tác nhân chính làm lây lan bệnh chùn đọt chuối và bệnh khảm lá chuối.
Trong trường hợp vườn chuối đã bị bệnh và đang có chiều hướng lây lan rộng, cần tiến hành ngay một số biện pháp như:
– Vệ sinh vườn sạch sẽ thông thoáng, cắt bỏ và thu gom các lá già ra ngoài vườn để tiêu hủy, không tủ vào gốc.
– Đào bỏ các cây bị bệnh nặng, nhặt hết cả củ, đồng thời phun trừ rệp bằng các loại thuốc Sherpa, Pyrinex, Fenbis, Sago super. Phun ướt đều lên cả lá, thân và gốc cây chuối.
Không dùng cây con ở vườn đã bị bệnh để làm giống. Nếu vườn bị bệnh nặng phải phá bỏ trồng cây khác trong khoảng 1 năm mới trồng lại chuối được.

Bù lạch

Bù lạch (Chysannoptera thripidae): Thành trùng rất nhỏ, có màu nâu hay đen thường tập trung ở các lá bắc để chích hút các trái non, làm trái có những chấm màu nâu đen.

Sâu cuốn lá

Sâu cuốn lá  (Erionata thorax): Xịt thuốc hoặc ngắt bỏ các lá bị cuốn và giết sâu.

Bọ giáp

Bọ giáp ( Basilepta robusta): Bọ hình bầu dục dài khoảng 8 -10mm có cánh màu nâu sẫm hoặc xanh đen óng ánh. Bọ trưởng thành ban ngày thường giả chết, tập trung ở các ngọn chuối ăn lá non, quả chuối mới trổ tạo thành các vết xước ở quả chuối, khi quả lớn thành sẹo, hay những vết ghẻ làm giảm giá trị khi bán.

Tuyến trùng hại rễ

Bằng cách loại cây bệnh ra khỏi vườn, rải Basudin hay Furadan, Mocap… vừa phòng trị sâu vòi voi và tuyến trùng. Phải khử đất và xử lý con chuối giống trước khi trồng

Quản lý cỏ dại và vệ sinh vườn chuối

Trong năm đầu tiên trồng chuối, nông dân có thể tận dụng đất để trồng những cây họ đậu khác để hạn chế cỏ dại. Không nên trồng những cây họ bầu bí, cà, ớt.

Nguồn : Khuyến nông Lâm Đồng, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam