Thất vọng vì chuối Nam Mỹ ở Đắk Lắk không được xuất khẩu

Việc chưa áp dụng đúng và đủ quy trình kỹ thuật đã khiến lứa chuối Nam Mỹ thu hoạch đầu tiên ở Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk không đạt giá trị như mong đợi.

Cách đây gần 1 năm, cây chuối Nam Mỹ được đưa vào trồng ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk theo đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương với mục tiêu chủ yếu là xuất khẩu. Tuy nhiên, ngay vụ  thu hoạch đầu tiên, sản phẩm chuối buồng chỉ có thể tiêu thụ nội địa chứ không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu dù doanh nghiệp sẵn sàng bao tiêu sản phẩm.

Gia đình ông Nguyễn Đức Buông, ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk là một trong những hộ đầu tiên ký hợp đồng với Công ty Cổ phần đầu tư Chuối Việt (thành phố Hồ Chí Minh) trồng 1,3 hachuối Nam Mỹ xuất khẩu.

Ông Buông cho biết, ông được Phòng Nông nghiệp huyện Buôn Đôn hỗ trợ một nửa giá cây giống, cán bộ chuyển giao kỹ thuật công ty thường xuyên thăm vườn và hướng dẫn chăm sóc theo quy trình.

Sau gần 1 năm chăm bón, chuối đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tuy nhiên, theo đánh giá, thành phẩm chuối của ông Buông chỉ đạt loại B, nghĩa là chỉ tiêu thụ nội địa chứ không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, do có những đốm nâu trên quả.

Cũng như gia đình ông Buông, gia đình ông Nguyễn Trung Thành, ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn hợp đồng với công ty Chuối Việt trồng 1 ha chuối Nam Mỹ. Sau những háo hức mong đợi thì ngay lứa thu hoạch đầu tiên, chuối chỉ được thu mua theo giá loại B khiến ông cảm thấy chán nản và có ý định từ bỏ cây chuối mặc dù theo hợp đồng thì thời gian trồng và thu hoạch chuối lên tới 5 năm.

Theo hợp đồng, khi trồng đúng theo quy trình thì các vườn có thể đạt 90% chuối loại A trở lên (giá thu mua là 5.000 đồng/kg); chỉ có khoảng 10% chuối loại B (giá 3.000 đồng/kg). Tuy nhiên thực tế tại huyện Buôn Đôn, trong số gần 30 ha chuối đã cho thu hoạch thì không có vườn nào đạt được loại A.

Ông Hoàng Thế Hiền, cán bộ chuyển giao kỹ thuật công ty cổ phần đầu tư Chuối Việt cho biết, dù đã được hướng dẫn chặt chẽ từng giai đoạn, nhưng người dân chưa thực sự làm đủ và đúng theo quy trình hướng dẫn. Do đó, thành phẩm chuối không đạt tiêu chuẩn như quy định, nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy được. Trong khi đây là sản phẩm xuất khẩu nên yêu cầu về chất lượng  rất ngặt nghèo.

Theo ông Hiền, người dân chưa áp dụng theo quy trình, chưa đầu tư sâu vào cây chuối nên tính chuyên nghiệp chưa cao. Vì thế, chuối không xuất khẩu được do làm sai quy trình, chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.

Mặc dù chuối đã thu hoạch chỉ đạt loại B nhưng theo hợp đồng, công ty vẫn đảm bảo thu mua toàn bộ sản lượng chuối. Và với mức giá và năng suất như hiện tại thì người trồng chuối vẫn có thể thu lãi từ 50 – 60 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận, việc chưa áp dụng đúng và đủ quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn đã khiến lứa chuối thu hoạch đầu tiên ở huyện Buôn Đôn không đạt giá trị như mong đợi. Đây cũng là bài học kinh nghiệm với nông dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm sao đem lại hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Nguồn: VOV được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Công nghệ nuôi trồng đông trùng hạ thảo đã sẵn sàng chuyển giao

Viện Bảo vệ thực vật vừa công bố nghiên cứu thành công nấm đông trùng hạ thảo. Đây là một tin vui với giới y học Việt Nam và đặc biệt là với người dân vì trong tương lai gần họ sẽ được chữa bệnh, bồi bổ sức khoẻ bằng thứ dược liệu trân quý “made in Vietnam” với giá thành rẻ hơn nhiều so  với đông trùng hạ thảo tự nhiên.

 Trong chuyến sang thăm một Trung tâm phòng chống ung thư ở Mỹ đang làm về nấm đông trùng hạ thảo, nhóm khoa học thuộc Trung tâm đấu tranh sinh học (Viện Bảo vệ thực vật) cho rằng Việt Nam cũng có thể tạo ra loại nấm này và từ năm 2011 Trung tâm bắt đầu thực hiện và đến nay đã thành công. Nhiều người cho rằng, đông trùng hạ thảo là sinh vật đặc biệt, ở dạng côn trùng vào mùa đông, còn mùa hè thì hóa thành cây cỏ nên mới có tên như vậy. Tuy nhiên theo giới khoa học, đông trùng hạ thảo là tên gọi chung cho một nhóm nấm ký sinh và gây bệnh trên côn trùng. Cuối mùa thu đầu đông, chúng ký sinh gây bệnh trên côn trùng. Đến mùa hạ, khi nhiệt độ tăng lên, nấm phát sinh thành quả, mọc thành dạng cây cỏ.

Đông trùng hạ thảo được nuôi cấy trên ký chủ nhộng tằm.

Nuôi trồng đông trùng hạ thảo không phải là chuyện dê dàng. Bởi vì đặc tính sinh học của chúng chỉ phát triển trên các cao nguyên lạnh giá quanh năm như cao nguyên Thanh Tạng, Tây Tạng ở Trung Quốc (có độ cao trung bình trên 4000m so với mặt nước biển). Ngoài đặc tính ở trên, chúng còn đòi hỏi nguồn dinh dưỡng, vật ký sinh phù hợp … để phát triển thành đông trùng hạ thảo. Vượt qua bao khó khăn mày mò nghiên cứu, gần đây Ngô Kim Lai đã nghiên cứu thành công “nấm” đông trùng hạ thảo (đông trùng hạ thảo gồm 2 phần, phần thân sâu và phần nấm). Nay các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu và phát triển thành công đông trùng hạ thảo chính hiệu gồm phần nấm và phần sâu. Trên thế giới, đông trùng hạ thảo khai thác ngoài tự nhiên rất hiếm, chủ yếu ở độ cao 3.200 mét thuộc dãy núi Himalaya và vùng Tây Tạng. Mỗi năm sản lượng thu được chỉ 80 kg nên giá thành rất cao từ 1,2 đến 1,6 tỷ đồng một kg. Trên thị trường Hà Nội, nấm đông trùng hạ thảo chủ yếu là do nuôi trồng. Nhóm khoa học Viện Bảo vệ thực vật đã nhập giống nấm với chi phí hơn 1.000 USD một mẫu để nhân nuôi và nghiên cứu. Tiến sĩ Phạm Văn Nhạ, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, đông trùng hạ thảo chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng cao, trong đó nhóm tập trung vào hai hợp chất chính là Cordycepin có chức năng phòng chống u xơ, tiền ung thư và Adenosin là thuốc điều trị trong tim mạch. Sau khi nhập giống về, nhóm tập trung nghiên cứu công nghệ nuôi trồng, trong đó đi sâu tìm hiểu về thành phần môi trường dinh dưỡng; các yếu tố tác động như sinh thái, thời tiết, nhiệt độ, ánh sáng; từ đó tạo điều kiện trong phòng thí nghiệm phù hợp cho nấm phát triển. Các nhà khoa học nuôi đông trùng hạ thảo bằng hai phương pháp ở môi trường nhân tạo nhân sinh khối lượng và nuôi trực tiếp trên ký chủ là con nhộng tằm. “Với ký chủ là nhộng tằm, chúng tôi có thể chủ động được nguồn cung cấp và nó là loài côn trùng làm thức ăn cho con người nên không gây hại”, ông Nhạ nói. Trong môi trường nhân tạo, có hai thành phần dinh dưỡng chính là dinh dưỡng nuôi nấm đông trùng hạ thảo phát triển và giá thể để đỡ thường là gạo lứt. Các nhà khoa học đã khử trùng hết yếu tố vi sinh vật bên ngoài, sau đó mới cấy nấm đông trùng hạ thảo vào bên trong với thời gian phát triển 60-75 ngày sẽ có được sản phẩm hoàn thiện.

Đông trùng hạ thảo được nuôi cấy trên môi trường nhân sinh khối.

Công nghệ nuôi trồng đã sẵn sàng chuyển giao Nhóm nghiên cứu Viện bảo vệ thực vật sẵn sàng chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo cho các bên có khả năng và mong muốn nhân rộng sản phẩm để bán tới người tiêu dùng. “Là nhà khoa học, hơn ai hết chúng tôi mong muốn các nghiên cứu sẽ được thương mại hóa để đưa sản phẩm tới nhiều người tiêu dùng. Vì vậy chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho cá nhân hay doanh nghiệp có nhu cầu”, tiến sĩ Phạm Văn Nhạ, Phó giám đốc Trung tâm đấu tranh sinh học (Viện Bảo vệ thực vật) – đơn vị vừa thành công trong nghiên cứu về nấm đông trùng hạ thảo – loại dược liệu quý hiếm cho biết. Đây được cho là động thái tích cực để đưa loại dược liệu quý hiếm tới nhiều người tiêu dùng. Bởi từ trước đến nay, do giá thành của đông trùng hạ thảo rất cao, trong khi ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt nên nhiều đơn vị không muốn chuyển giao công nghệ ra ngoài, mà thường giữ độc quyền phân phối. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nhạ, không phải doanh nghiệp hay cá nhân, tổ chức nào cũng có thể tiếp nhận công nghệ này vì để nhân nuôi nấm đông trùng hạ thảo, cần phải có chuyên môn nhất định về vi sinh vật, côn trùng, sinh học và có cơ sở phòng thí nghiệm đảm bảo. Nhà khoa học này cho rằng, nếu chuyển giao kỹ thuật, các doanh nghiệp nhân nuôi và bán ra thị trường với khối lượng lớn, giá thành của đông trùng hạ thảo có thể giảm xuống nhưng không nhiều, vì hiện ở Việt Nam rất ít nơi có thể tạo ra sản phẩm này, trong khi chi phí bỏ ra sản xuất lại cao.

Còn trong môi trường nuôi cấy trên ký chủ, Viện Bảo vệ thực vật sử dụng nhộng tằm còn sống và đặt ở cơ sở uy tín không sử dụng hóa chất. Sau thời gian cấy vào bên trong nhộng, đông trùng hạ thảo sẽ phát triển thành hệ kín bên trong ký chủ và sinh ra hệ thống quả thể là các đầu tua ra bên ngoài với độ cao 4-5 cm. Màu đỏ tươi trên quả thể chính là chỉ thị của chất Cordycepin có chức năng phòng chống u xơ. Tiến sĩ Nhạ cho biết, trong khi các sản phẩm bên ngoài được bán với giá một tỷ đồng mỗi kg thì Viện chỉ bán 100-120 triệu/kg với sản phẩm trên con ký chủ; và ở dạng môi trường nhân tạo tương đương 7 triệu đồng/kg. Ông Nhạ cảnh báo, trên thị trường hiện nay có tới 70% là nấm đông trùng hạ thảo giả. Trước đây có rất nhiều cách nhận biết như nhìn vào các chân của côn trùng; hoặc ăn vào có mùi tanh của tằm; hoặc nhận biết bằng cách bẻ côn trùng ra sẽ có ruột. Nhưng hiện nay các cách này đều không có tác dụng khi các thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi hơn. “Thậm chí đến giới khoa học cũng khó có thể nhận biết đông trùng hạ thảo thật và giả”, ông Nhạ nói. Về thành phần dinh dưỡng trong đông trùng hạ thảo mà nhóm nghiên cứu tạo ra, ông Nhạ cho biết, do điều kiện kinh phí, mặt khác không có mẫu so sánh trong tự nhiên, nên Trung tâm chỉ tập trung vào hai hợp chất chính là Cordycepin có chức năng phòng chống u xơ, tiền ung thư và Adenosin là thuốc điều trị trong tim mạch. Kết quả Cordycepin đạt 0,14 mg/gram sinh khối và Adenosine là 0,32mg/gram sinh khối. Kết quả này cao hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ Trung Quốc đang phân phối trên thị trường. “Nấm đông trùng hạ thảo của Trung tâm còn có ưu điểm là các thành phần tạo ra đều có nguồn gốc thiên nhiên, không có hóa chất, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”, ông Nhạ nói thêm và cho biết, hiện nhóm đã có sản phẩm bán tới người tiêu dùng, nhưng không có đại lý phân phối, nên người có nhu cầu có thể đến Viện Bảo vệ thực vật (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) để đặt mua.

Nguồn : dongtrunghathao.com, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Vì sao cá chình được nhiều người miền Tây thích nuôi?

Phong trào nuôi cá chình trong lồng bè hay ao đất ở miền Tây đang phát triển mạnh bởi loài này đầu ra ổn định, giá bán cao, đem về thu nhập khá.
Vùng đầu nguồn, đặc biệt ở huyện An Phú, thị xã Tân Châu là nơi nuôi cá chình trong lồng bè lớn nhất tỉnh An Giang. Cá chình có thịt ngon, ngọt nên được thị trường rất ưa chuộng.

Ông Lý Văn Phú, ở ấp Tân Thạnh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú nuôi 5 bè cá chình gần 10.000 con cho hay, sau 24 tháng nuôi, cá có khả năng đạt cân nặng từ 2 đến 4 kg/con và thu hoạch được. Càng nuôi lâu, cân nặng cá càng lớn, giá trị càng cao. Cá giống càng lớn, thời gian nuôi càng rút ngắn. Mức tăng trọng bình quân đối với loại cá này, ông Phú cho biết, khoảng 1 – 1,5 kg/con nếu người nuôi cho ăn đầy đủ. Theo lời ông, cá chình có giá trị kinh tế cao, được thị trường chuộng mà người nuôi ít bị rủi ro hơn so với nuôi các loại khác như các basa, cá tra. Trung bình một năm, ông Phú bắt bán một đợt từ 15 đến 20 tấn. Trừ chi phí, ông lãi trên dưới 400 triệu đồng.


Thu hoạch cá chình ở An Giang. 

Ở ấp Phú Quý, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, anh Lê Quang Thống là một trong những người nuôi nhiều cá chình, với 6 lồng, mỗi lồng 800 – 1.000 con. Mỗi năm, anh xuất bán 2 lần. Cá được nuôi theo kiểu luân canh, bán hết lứa này người nuôi lại đi tìm mua con giống khác về thả. Chi phí đầu tư thức ăn cũng không quá cao vì cá chủ yếu ăn mồi xay nhuyễn trộn cám vào 2 lần sáng và chiều.

Hiện nay, các nhà hàng nổi tiếng ở Long Xuyên, TP. Cần Thơ và TP.HCM đang săn tìm mua cá chình với số lượng lớn để chế biến thành nhiều món ăn đặc sản. Không chỉ bán trong nước, anh Thống còn mở thêm công ty thu mua cá bống tượng, bông lau và cá chình. Sau đó, anh đemlên thành phố, liên kết với một công ty chế biến thủy sản tại TP.HCM xuất bán qua thị trường Nhật, Trung Quốc…

Cá chình loại sống khỏe và có thể nuôi ghép với nhiều loại khác cùng trong bè để tăng nguồn lợi nhuận. Ông Phan Văn Tâm, ở xã Phú Hội, huyện An Phú cho biết, ông có 2 bè cá chình nuôi ghép với chạch lấu, cá heo. Những loại cá này có cùng “khẩu vị” nên người nuôi sẽ tiết kiệm được tiền thức ăn khi thả chung cả 3 vào một lồng. Việc thả chung như vậy cũng giúp cá phát triển tốt, ít bệnh. Từ việc nuôi chung 3 loại cá một lồng, mỗi năm, ông thu về trên 600 triệu đồng lợi nhuận.

Tại vùng bán đảo Cà Mau, mô hình nuôi cá chình trong ao đất cũng đem lại kết quả khả quan. Ông Huỳnh Văn Tuấn (ngụ ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A) cho biết, loại cá này dễ nuôi, ít bệnh, chi phí thấp và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Người nuôi có thể tận dụng cá, ốc… trong tự nhiên để làm thức ăn cho cá chình.

Chị Lê Thị Oanh, thương lái mua cá chình ở tại chợ Châu Đốc cho biết, cá càng to thì giá càng cao. Loại trên 2 kg/con có thể từ 380.000 đến 450.000 đồng/kg, nhỏ hơn cũng khoảng 320.000 đồng/kg. Hiện tại, các thương lái cũng phải cạnh tranh nhau, đặt tiền trước cho chủ nuôi để mua được hàng.

Thành “tỷ phú” nhờ nuôi cá chình, ông Nguyễn Hữu Ánh (Tân Thành, TP.Cà Mau) vẫn khiêm nhường và tiếp tục giúp đỡ những người khác cùng nuôi loài cá này để vươn lên làm giàu.


Cá chình nuôi càng lâu năm cá càng có giá trị cao.

Giá trị thương phẩm cao, đem lại hiệu quả nhưng chi phí đầu tư loại cá này tương đối lớn, đòi hỏi người nuôi phải có vốn mạnh. Con giống cá chình cũng là vấn đề khó khăn khi hiện tại, người nuôi chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), bà con nông dân cho biết đang nuôi 2 loại phổ biến là cá chình bông và chình mun, nhưng khó khăn nhất là mua con giống. Giá giống ngoài việc rất cao còn mang tính hên xui, khi người nuôi mua trên thị trường trôi nổi. Nguồn cung giống hiện tại chủ yếu là các đại lý ở miền Trung đem vào bán với giá 500.000 đồng/kg loại 20 con/kg.

Theo các hộ nuôi cá chình ở huyện Hồng Dân, vừa qua có một công ty của Hàn Quốc đã xuống địa phương để tham quan mô hình. Theo đánh giá của phía Hàn Quốc, vùng đất Hồng Dân rất phù hợp để con cá chình phát triển. Dự tính thời gian tới, phía đối tác sẽ cho xây dựng một nhà máy chế biến thịt cá chình thương phẩm tại địa phương. Ngoài ra, đối tác sẽ cung cấp nguồn cá giống, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao quy trình nuôi cá chình theo hướng công nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Nguồn : Zing.vn, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Chuối được mùa nhưng rớt giá, người dân Lào Cai chẳng buồn thu hoạch

Một thời gian dài, cây chuối được ví như cây bạc, cây vàng, giúp người dân làm giàu, đổi thay cả một vùng biên giới. Tuy nhiên, những ngày qua, giá xuất đi Trung Quốc rớt thê thảm, hàng trăm tấn chuối chín vàng nhưng người dân không buồn thu hoạch.


Giá chuối rớt xuống chỉ còn 1 nghìn đồng/kg

Mặc dù đang là chính vụ thu hoạch chuối, nhưng đến xã Bản Lầu vào những ngày này không còn bắt gặp cảnh tấp nập người mua, kẻ bán vốn có. Theo chính quyền xã Bản Lầu, chuối năm nay được mùa nhưng người dân không mấy mặn mà thu hoạch bởi giá bán xuống thấp kỷ lục. Nếu bỏ công thu hoạch cũng khó thu đủ vốn đầu tư chứ đừng nghĩ tới lãi.

Năm nay, gia đình anh Liều Seo Lý ở thôn Na Lốc 4 đầu tư trồng hơn 2 nghìn gốc chuối. Nếu giá chuối như mọi năm, khoảng 4 – 5 nhân dân tệ (tương đương 12 – 15 nghìn đồng/kg), gia đình anh sẽ thu về trên dưới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, những ngày gần đây giá chuối liên tục giảm, khiến cho những kế hoạch của anh Lý bị phá sản hoàn toàn. Với giá mua chuối của thương lái Trung Quốc dao động khoảng hơn 1 nghìn đồng/kg thì dù có thu hoạch về bán cũng chẳng đủ tiền trả thuê nhân công chứ chưa nói đến hoàn trả tiền phân bón và cây giống.

“Bây giờ chuối đã đến kỳ thu hoạch mà giá thì cứ giảm thế này, không thu về thì chuối chín thối rụng hết. Hôm qua có thương lái ở dưới xuôi lên đặt mua mấy tấn với giá cũng 1 nghìn đồng/kg, nhưng bù lại bán cho họ không phải mất công ra nải, không phải vận chuyển xuống tận sát biên giới… Thôi thì bán được đồng nào hay đồng ấy”, anh Lý buồn rầu.

Chị Sùng Thị Chư cùng thôn Na Lốc 4 trồng có 3.000 gốc chuối, năm 2016 với diện tích chuối này gia đình chị thu về gần 150 triệu đồng. Từ đầu vụ chuối, thương lái thu mua với giá quá thấp (bình quân 3 nghìn đồng/kg), tuy vậy với giá này chị Chư cũng như bà con trồng chuối trừ tất cả chi phí còn thu về được chút ít.


Chuối chín vàng trên nương nhưng người dân không thu hoạch

Nhưng một tuần trở lại đây, giá chuối giảm xuống còn 1 nghìn đồng/kg, chị Chư không có đủ tiền để thuê nhân công thu hoạch. “Nhà mình ít người, mọi năm thu hoạch chuối đều phải thuê người về chặt, bây giờ giá chuối rẻ quá nếu mà chặt về thì không có đủ tiền trả cho họ. Mấy hôm nay chuối chín rụng nhiều, mang về cho lợn ăn cũng chẳng hết được, tiếc lắm mà chẳng biết làm thế nào”, chị Chư thở dài.

Ông Phạm Đăng Năm, Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu cho biết, năm 2017 diện tích trồng chuối toàn xã tăng gần 100ha so với năm 2016. Trong đó, chuối trồng tại xã khoảng 500ha, cùng hơn 100ha người dân đi thuê đất ở xã Nậm Chảy để trồng. Nhìn chung, vụ chuối năm nay bà con nông dân khá vất vả bởi ngay từ đầu năm do ảnh hưởng thiên tai, đặc biệt là dịp tháng 6 và tháng 7 vừa qua, gió lốc làm gãy đổ khoảng 40ha chuối của bà con.

Tuy nhiên, đánh giá chung thì chuối năm nay được mùa, quả to đẹp, nếu tính bình quân sản lượng khoảng 25 tấn/ha thì toàn xã cũng có 15 nghìn tấn chuối. Giá chuối năm nay được thương lái Trung Quốc thu mua thấp hơn so với mọi năm, thời điểm cao nhất giá chuối đạt 5 nghìn đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay bà con đã thu hoạch được 1/2 tổng sản lượng chuối.

Những ngày gần đây, giá chuối giảm mạnh khiến cho việc tiêu thụ hết sức khó khăn. “Với giá dao động 1 nghìn đồng/kg, các hộ nương chuối ở xa, phải thuê nhân công nữa thì sẽ lỗ lên rất nhiều hộ bỏ mặc chuối chín trên cây không thu hoạch vì càng thu hoạch thì càng lỗ”, ông Năm cho biết.

Để tháo gỡ khó khăn cho bà con, cấp ủy, chính quyền xã Bản Lầu cũng đã báo cáo thực trạng và đề nghị huyện Mường Khương kêu gọi các doanh nghiệp trong nước về mua chuối cho bà con. Tuy nhiên, đến thời điểm này rất ít doanh nghiệp, thương lái ở xuôi lên mua chuối bởi hiện nay nguồn nguyên liệu chuối trong cả nước tương đối nhiều.


Khu tập kết chuối để xuất khẩu đến mùa thu hoạch nhưng không một bóng người

“Về giải pháp lâu dài, căn cơ thì chúng tôi đã thống nhất sẽ không khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng chuối, dứa nữa mà chuyển sang trồng các cây có giá trị kinh tế khác như quế, sa nhân, mít Thái Lan… Bởi những năm gần đây đầu ra của chuối và dứa ở Bản Lầu phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, giá cả biến động liên tục nên rất khó khăn cho người nông dân”, Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu cho chia sẻ.

Nguồn : Báo NNVN, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng Xoài cát Hòa Lộc sạch không dùng thuốc BVTV

Xoài cát Hòa Lộc ở xã Cam Thành Nam, Cam Lâm, Khánh Hòa đã trở thành thương hiệu xoài sạch, chất lượng. Đạt được thành quả đó là nhờ bà con trong xã đã áp dụng quy trình kỹ thuật trồng xoài sạch của Trung tâm khuyến nông khuyến ngư đưa ra.

Xoài cát Cam Lâm là 1 trong 3 loại xoài được dán tem chứng nhận nhãn hiệu

Quy trình kỹ thuật gồm 5 bước như sau :

   Bước 1: Khi thu hoạch xong xoài vụ trước vào khoảng đầu tháng 8 âm lịch thì tiến hành bón phân phục hồi cho xoài theo công thức: 1kg sunphat + 1kg lân + 0,5 kg kali/1 gốc xoài, và tưới nước cho tan phân cây dễ hấp thu chất dinh dưỡng. Sau đó, cắt tỉa cành bị sâu bệnh, cành vượt, cành vô hiệu, tạo độ thông thoáng cho cây xoài, tăng nguồn ánh nắng chiếu vào tán cây nhằm hạn chế sâu bệnh ẩn nấp và cây đỗ ngã mùa mưa bão.

   Bước 2: Vào đầu tháng 12 âm lịch, tiến hành bấm ngọn cho ra lộc mới, nên bấm đồng loạt thì xoài sẽ ra ngọn, ra bông đồng loạt. Tiếp theo, bón 2 kg phân lân + 1 kg kali + 0,5 kg sunphat, và tưới nước cho tan phân cây dễ hấp thu chất dinh dưỡng. Bón phân ở giai đoạn này nhằm tạo ra những ngọn cây mập và khỏe mạnh, đồng thời dự trữ chất dinh dưỡng để nuôi hoa sau này.

Đến cuối tháng 1 âm lịch năm sau thì xoài bắt đầu ra cơi 2, sau đó khoảng 10 ngày thì ta phun thuốc trị sâu, rầy, bọ trĩ. Nếu gặp trời mưa thì phun thuốc trị bệnh thán thư cho xoài để hạn chế lây lan về sau. Sử dụng thuốc đặc trị có nguồn gốc sinh học, phun 03 lần, mỗi lần cách nhau 4 ngày. Vì trong thời kỳ này xoài ra ngọn nhiều, khi phun thuốc xong ta tiến hành tỉa bớt ngọn, chỉ để 1 – 2 ngọn mập và khỏe cho đủ sức nuôi hoa sau này tốt hơn.

     Bước 3: Vào tháng 2 âm lịch tiến hành bón phân tiếp theo công thức: 2kg kali + 1kg sunphat + 0,5 kg lân. Vào giai đoạn này cây xoài tập trung phát triển mầm hoa, do đó cần bón thêm 0,5 kg KNO3/1gốc cây, và tưới nước cho tan phân cây dễ hấp thu chất dinh dưỡng, tích lũy để phân hóa mầm hoa. Kết hợp với bón vôi để khử chua và cung cấp canxi cho cây.

     Bước 4: Khi cây xoài đã ra cơi 2 hoàn chỉnh, lá bắt đầu chuyển sang màu phớt hồng thì sử dụng thuốc gói Paclobutrazol loại 20% tưới kích cho cây. Hòa 1kg thuốc Paclobutrazol loại 20% tưới cho khoảng 8 – 10 cây xoài, tùy theo tán lớn nhỏ và độ tuổi của cây. Tưới cách gốc 5 tấc theo vành máng chứa rồi giữ ẩm liên tục từ 8 – 15 ngày và ngưng. Siết khô xong ta kiểm tra xem đọt xoài đã ra cựa gà chưa. Nếu thấy cây nhú cựa gà khoảng 80 – 90% thì phun thuốc trị sâu rầy, bọ trĩ hoặc nếu gặp mưa thì phun thuốc phòng ngừa thán thư hại bông sau này. Sau khi siết khô hạn được 10 – 15 ngày thì ta bón thêm 2 đợt KNO3 nữa để kích ra hoa đồng loạt, kèm theo bón phân vi lượng và trung lượng.

     Bước 5: Khi xoài ra hoa rộ và đậu quả bằng trứng cá hay trứng cút thì ta bắt đầu chọn loại bỏ bớt để xoài mau lớn trái. Đến khi trái xoài to bằng quả trứng gà hoặc lớn hơn thì chọn loại bỏ lần 2, chỉ để lại từ 1 – 2 trái/chùm mà thôi. Sau đó, tiến hành bao trái ngay để hạn chế ruồi vàng và sâu đục quả. Trong thời gian này ta bón phân kích thích lớn trái có thành phần kali, canxi làm cho trái xoài chắc, đẹp mã, nặng ký, giá cao và được thị trường ưa chuộng.

Nguồn : Khuyến nông Khánh Hòa, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Dưa hấu tí hon có màu lạ vỏ đỏ sọc trắng

Khác với loại “dưa hấu chuột” vỏ xanh quen thuộc có vị chua, dưa hấu vỏ đỏ có quả tròn truyền thống, vị ngọt dịu và vỏ màu đỏ sọc trắng.

Dưa hấu tí hon vỏ đỏ có xuất xứ Đà Lạt (Lâm Đồng) hiện được một cửa hàng cây cảnh online rao bán, với mức giá 20.000 đồng một cây. Khác với loại “dưa hấu chuột” vỏ xanh quen thuộc có vị chua, dưa hấu vỏ đỏ có quả tròn truyền thống, vị ngọt dịu và vỏ màu đỏ sọc trắng.

Theo chủ cửa hàng này, dưa hấu tí hon vỏ đỏ sinh trưởng trong điều kiện thường và khá phù hợp với thời tiết Việt Nam. Đây là loại cây leo thành giàn, thân mảnh, cho trái quanh năm. Do cây ưa nắng nên được khuyến cáo trồng vào cuối vụ xuân. Loại dưa này có thể sống được với thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều ở Việt Nam. Sau khi gieo hạt, 45-60 ngày sau cây sẽ ra hoa, và mất thêm 1 tháng để quả chín.

 

Loại dưa hấu tí hon mới đang được trồng thử nghiệm tại Đà Lạt có vỏ màu đỏ sọc trắng.

Quả non của loại dưa này có màu xanh như dưa hấu tròn truyền thống, sau đó sẽ chuyển màu đỏ khi chín. Mỗi vụ, một cây trưởng thành cho khoảng 15-20 quả, có thể ra nhiều vụ một năm. Ngoài dùng ăn sống trong món salad, dưa hấu vỏ đỏ tí hon có thể dùng làm cảnh, do quả tươi lâu và cây có thể sống được tới 9 tháng.

Chủ cửa hàng cho biết, đây là giống cây mới và độc quyền. “Hiện nhà vườn đang trồng thử nghiệm và nhân giống đại trà. Những khách hàng đầu tiên có thể phải chờ thêm một tháng nữa mới có thể nhận cây con. Mức giá dự kiến là 20.000 đồng một cây, chưa tính phí chuyên chở và giao hàng”.

Trước đó, những loại dưa hấu tí hon vỏ xanh hoặc vàng cũng được nhiều khách hàng tại Việt Nam ưa chuộng. Quen thuộc nhất là “dưa hấu chuột” có hình dáng dài, vỏ xanh, vị chua, giá bán lên tới 1,3 triệu đồng/kg quả. Còn loại dưa hấu vỏ vàng giống Nam Mỹ (lớn bằng quả dưa lê, ruột vàng, không hạt) vị ngọt đậm được bán với giá 20.000 đồng một hạt giống.

Nguồn: Zing được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Kỳ lạ giống dưa hấu ‘bạch tuộc’ cho ra 131 quả chỉ trong 90 ngày

Đây là cây dưa hấu “mắn” nhất trên thế giới và được ghi vào kỉ lục Guiness.

Một cây dưa hấu bình thường cho ra từ 1 đến 4 quả một vụ, nhưng mới đây các nhà khoa học nông nghiệp làm việc tại đơn vị giống cây trồng ở Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc đã lai tạo thành công một cây dưa hấu rất “mắn”, có khả năng cho trới 131 quả chỉ trong 90 ngày.

Thông thường, các cây dưa hấu khác có cho đến 10 trái/cây thì sau cùng cũng chỉ có vài trái khỏe nhất sống sót đến cuối cùng, còn lại đều khô héo dần và chết. Thế nhưng, nhà khoa học Zhenzhou và các cộng sự của ông đã trồng cây dưa hấu sai quả nhất mà không quả nào bị hỏng. Đây là cây dưa hấu đầu tiên trên thế giới cho số lượng quả nhiều đến vậy, và đương nhiên nó được ghi danh vào sách Kỷ lục Guiness thế giới.

Không những cho năng suất cao, cây dưa hấu này còn phát triển nhanh chóng mặt. Nó được trồng trong một vườn ươm rộng 100m2 vào ngày 26/4. Đến ngày 1/5 thì cây bắt đầu hình thành và ra hoa vào 1/6. Nó có 7 nhánh dây leo chính và khá nhiều nhánh phụ lan tỏa xung quanh, nhánh cây dài nhất là 5m. Phía cuối mỗi nhánh đều cho ra một quả dưa hấu. Đến ngày 1/7 là người ta có thể thu hoạch, quả to nhất nặng 19kg và quả bé nhất nặng 5kg. Tính ra trọng lượng trung bình của mỗi quả dưa trên cây là 10kg.

Giống cây dưa hấu này có tên mã là ‘Tianlong 1508″. Nó được giới thiệu là giống dưa có khả năng kháng bệnh cao và phát triển mạnh ngay cả trên đất cát. Ông Zhenzhou lưu ý về nhiệt độ nước tưới cho giống dưa này để cho năng suất cao nhất, đó là không tưới nước lạnh. Mỗi buổi sáng ông và đồng nghiệp lại dùng tay tách các nhánh dưa không để xoắn vào nhau.

Hiện tại giống cây này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, chưa được nhân rộng. Tổ chức sách kỷ lục Guinness thế giới đã trao tặng danh hiệu ‘cây dưa hấu cho quả nhiều nhất trong một mùa vụ’ cho cây dưa hấu đặc biệt này.

Nguồn: Dịch từ SH được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Trồng cây ăn quả có múi ở Hưng Yên thu 100 tỷ đồng/năm

Từ năm 2015 đến nay các nhà nông xã Đồng Thanh luôn có nguồn thu ổn định 100 tỷ đồng/năm từ cây có múi.
Xã Đồng Thanh được coi là “mỏ” cây ăn quả có múi mới nổi của huyện Kim Động, Hưng Yên. Hiện địa phương có 205ha cây có múi đang ở thời kỳ khai thác kinh doanh. Sản lượng quả thu hoạch mỗi năm ước đạt 6.000 tấn, trong đó có 3.200 tấn cam đường, 1.800 tấn cam Vinh, hơn 300 tấn bưởi Diễn. Tổng giá trị sản lượng thu được khoảng 100 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 70 – 80 tỷ đồng.

Cam trồng trên đất chuyển đổi ở Đồng Thanh

Các cơ sở thôn thường xuyên thu được sản lượng quả có múi lớn là Thanh Sầm và Bùi Xá. Trung bình mỗi hộ dân ở đây thu được 2 – 3 tấn quả có múi. Nhiều gia đình thu từ 10 – 15 tấn. Một số hộ thuê nhượng được thêm đất trồng cam ở các huyện miền núi tỉnh Hòa Bình có thu trên 100 tấn quả.
Anh Lê Văn Phú là một trong số chủ hộ ở xã Đồng Thanh trồng cây múi từ năm 2000 đến nay. Ban đầu gia đình anh chỉ trồng thử nghiệm 1 – 2 sào cam Vinh. Sau khi thấy cây cam phù hợp với đồng đất địa phương, hiệu quả thu nhập đạt gấp 5 – 6 lần so với cấy lúa cùng diện tích, anh Phú đã quyết định chuyển đổi toàn bộ hơn 1 mẫu đất chuyên lúa sang trồng các cây có múi (cam Vinh, cam Canh, bưởi Diễn).
Toàn bộ tiền lãi thu được hàng năm anh Phú đều dành cho thuê nhượng đất canh tác để mở rộng diện tích trồng cây có múi. Kết quả sau 17 năm chuyên cần SX, anh Phú có được gần 1,5ha cam, bưởi ở quê nhà và 2,5ha cam Canh tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Tổng giá trị lợi nhuận năm 2016 thu được gần 2 tỷ đồng. Dự kiến năm 2017 gia đình anh Phú sẽ có thu hoạch trên 100 tấn cam Canh, 35 tấn cam Vinh và 18.000 quả bưởi Diễn, ước doanh thu 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận 2,3 tỷ.
Biết gia đình anh Phú trồng cây có múi thu được lợi nhuận cao, ngay từ năm 2010 các hộ dân ở xã Đồng Thanh đã đua nhau chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả các loại. Các thôn Bùi Xá và Thanh Sầm, đến hết tháng 9/2017 đã chuyển đổi được lần lượt là 87% và 73% diện tích đất chuyên lúa sang trồng cây có múi. Các thôn khác cũng đang dấy lên phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị. Hiệu quả thu được đều cao gấp 4 – 6 lần so với cấy lúa cùng chân ruộng.
Ông Nguyễn Văn Bắc, trưởng thôn Bùi Xá cho biết, hầu hết nhà nông ở đây chỉ giữ lại một ít diện tích cấy lúa lấy gạo đủ ăn cho gia đình trong năm, còn lại đều chuyển đổi sang trồng cây ăn quả hoặc rau các loại.

Nông dân chăm sóc cam

Ông Bắc so sánh, cam Vinh là cây dễ cho quả nhất, chỉ sau 3 năm trồng, chăm sóc tốt sẽ cho thu 1,2 – 1,4 tấn quả/sào, với giá bán buôn tại vườn hiện nay 25.000 đồng/kg, thì 1 sào cam Vinh đã cho thu hoạch 30 – 35 triệu đồng, trừ hết mọi khoản chi phí đầu tư (khoảng 3 – 4 triệu đồng), lãi thuần vẫn đạt trên 30 triệu đồng/sào canh tác, cao gấp 6 lần cấy lúa. Đây chính là đòn bẩy thúc đẩy các gia đình chuyển đổi mạnh mẽ sang trồng các cây có múi.
Cũng theo ông Bắc, để các cánh đồng quả cho thu nhập bền vững, nhà nông cần tránh lạm dụng phân bón hoá học và hoá chất BVTV. Gia tăng phân bón hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh. Phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại đặc biệt là rầy chổng cánh (môi giới truyền bệnh vàng lá gân xanh). Khai thác lượng quả hợp lý tuỳ khả năng sinh trưởng của từng cây…
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, phong trào trồng cây có múi ở xã Đồng Thanh đã góp phần đẩy lùi căn bản các loại cam Trung Quốc chất lượng thấp, chưa kiểm soát dịch bệnh, nhập vào thị trường Hưng Yên qua đường tiểu ngạch.

Nguồn : Nông nghiệp VN, được kiểm duyệt bới Farmtech Vietnam

Trồng cam mật không hạt theo hướng hữu cơ ở Hậu Giang

Cây ăn trái không hạt được nhiều nhà vườn có xu hướng lựa chọn để canh tác vì nhiều ưu điểm vượt trội. Mới đây, UBND huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã cho nhà khoa học trồng thử nghiệm cam mật không hạt trên địa bàn để tìm thêm một loại cây mới có hiệu quả kinh tế cao cho người dân áp dụng.

Ông Trần Văn Tiên cải tạo 7 công vườn tạp để trồng thử nghiệm cam mật không hạt.
Thạc sĩ Lê Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, chủ nhiệm dự án “Xây dựng mô hình trồng cam mật không hạt theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang”, cho hay dự án được thực hiện tại xã Hòa An, với quy mô 5ha. Mục tiêu của dự án là mong muốn xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình trồng cam mật không hạt theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Phụng Hiệp. Cùng với đó là tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc để nông dân dần làm quen với phương pháp canh tác cam mật không hạt theo hướng hữu cơ.

Anh Tiên bỏ vườn tạp để trồng cam mật không hạt

Được biết, sở dĩ chủ nhiệm dự án chọn nơi đây thử nghiệm, bởi Phụng Hiệp luôn là một trong 3 địa phương có diện tích và sản lượng cây có múi lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, sản phẩm cây có múi của Phụng Hiệp còn yếu sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Mà nguyên nhân cốt lõi là do kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đồng bộ, tỷ lệ trái đạt tiêu chuẩn quốc tế còn thấp. Ngoài ra, do nông dân quen canh tác theo tập quán, công nghệ lạc hậu, còn sử dụng giống tạp và chịu ảnh hưởng bởi thiên tai nên năng suất thấp. Hơn nữa, chi phí sản xuất cao làm giảm tính cạnh tranh và việc quảng bá hình ảnh còn hạn chế…
Với những vấn đề còn tồn tại trên, dự án của thạc sĩ Hạnh sẽ hướng người dân đến một phương pháp canh tác mới tốt hơn để cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc đầu tiên là chọn cây giống chất lượng, sạch bệnh được nhân giống tại Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Vị trí trồng thử nghiệm cam được tiến hành phân tích các chỉ tiêu như độ pH, hữu cơ, Arsen (As), Cadimi (Cd), chì (Pb), đồng (Cu), kẽm (Zn). Nước tưới thì phân tích độ pH, thủy ngân (Hg), Cadimi (Cd), Arsen (As), chì (Pb) để đảm bảo độ an toàn. Đất trồng được cải tạo cẩn thận, dọn cỏ, xới đất, đào rãnh thoát nước, xây dựng vùng đệm cách ly giữa khu canh tác theo kiểu thông thường và khu canh tác theo hướng hữu cơ…
Thạc sĩ Trần Quốc Dẹn, cán bộ kỹ thuật dự án, cho biết: “Mô hình được bố trí với mật độ trồng 4 x 5m. Mỗi cây đều được đắp bầu với đường kính từ 0,4-0,6m. Khi đắp bầu cần lưu ý sử dụng lớp đất mặt và đất nền được phơi khô ít nhất là 1 tháng, dùng 1kg vôi bột rắc lên bầu đất để xử lý vi khuẩn gây hại và hạ phèn. Phân bón lót là phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh (từ 3-5kg/gốc cam). Trồng xong gốc cam được phủ cỏ khô để chống thoát hơi nước”.
Được biết, phương pháp tiên tiến được áp dụng trong mô hình là tưới phun mưa. Các nông dân tham gia mô hình cũng được tập huấn kỹ thuật lắp đặt và vận hành hệ thống tưới để thuận tiện trong việc canh tác. Ông Trần Văn Tiên, ở xã Hòa An, chia sẻ: “Hồi trước tưới bằng tay cực lắm, bây giờ trồng thử thấy tưới bằng hệ thống mới rất nhẹ công. Nhờ tham gia mô hình này mà tôi biết được kỹ thuật trồng cam không hạt đúng kỹ thuật, an toàn theo hướng hữu cơ là như thế nào”.

Cam mật không hạt

Tham gia dự án, ông Tiên đã trồng thử 7 công đất vườn nhà mình. Ông Tiên bày tỏ thêm: “Cũng nghe nói chanh không hạt, cam không hạt nhưng đây là lần đầu trồng thử nên cũng rất háo hức. Bước đầu tôi muốn áp dụng để chuyển đổi cây tạp trong vườn, kế đó là sản xuất cam theo hướng an toàn, muốn cung cấp cho các siêu thị”. Ngoài ông Tiên, ông Huỳnh Văn Thế, ở cùng xã cũng đang kỳ vọng cho vườn cam nhà mình sai trái, cho thu nhập cao, hướng đến chuẩn GAP để xuất khẩu ra nhiều nước.
Như vậy, bước đầu trồng thử nghiệm, mô hình đã được nhiều nhà vườn đón nhận. Cam mật không hạt sẽ là giải pháp cho sự chọn lựa giống cây trồng thích hợp để khuyến khích người dân phát triển nhằm hạn chế rủi ro từ dịch bệnh vàng lá gân xanh. Hơn nữa, việc áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững. Người dân trong vùng dự án còn tiếp cận được kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bớt phụ thuộc vào tự nhiên và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về nông sản của thế giới, để từng bước xây dựng một vùng nguyên liệu chất lượng, đủ tiêu chuẩn để vươn ra thị trường quốc tế.

Nguồn : Báo Hậu Giang, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Bèo tây: thức ăn cho heo ở Việt Nam sang Nhật Bản thành đặc sản

Trong khi ở Việt Nam, bèo tây đa số chỉ được sử dụng để làm thức ăn cho lợn, thậm chí ở một số địa phương còn phải chi tiền để vớt bỏ chúng vì ảnh hưởng đến sản xuất thì ở Nhật Bản, chúng được bán với giá đắt đỏ.

Theo đó, vừa qua, trên mạng xã hội gây bất ngờ khi xuất hiện bức ảnh thùng bèo với nội dung in giá của một cây bèo là 80 yên Nhật, tức khoảng 16.000 đồng/cây nhỏ. Mức giá này được xem là vô cùng đắt đỏ khi bèo tây sống đầy ao hồ ở Việt Nam.

Bèo tây được bán ở Nhật Bản

Ở Nhật Bản người dân còn thường xuyên mua bèo tây trong siêu thị về ăn, làm gỏi, chữa bệnh hoặc dùng để lọc nước. Cây bèo tây được phát hiện ra có công dụng rất tốt khi đắp vết thương, mụn nhọt, giảm sưng tấy, chống viêm hiệu quả.

Ở Việt Nam, bèo tây được một số địa phương khai thác làm hàng thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên, số lượng không nhiều. Một số ít nữa là các vựa trái cây dùng bèo tây để kê đệm hoa quả cho đỡ dập nát khi vận chuyển. Còn lại, đa phần bèo tây được dùng để làm thức ăn cho gà, vịt, lợn,… Người dân có thể tha hồ vớt bèo miễn phí về làm thức ăn chăn nuôi.

Bèo tây được sử dụng làm đồ mỹ nghệ

Hay mới đây, một bộ phận rất nhỏ người dân ở Hà thành thường tìm nguồn bèo tây sạch về chế biến thành các món ăn như: canh bèo tây, nộm bèo tây, bèo tây xào thịt bò, xào tôm hay dùng bèo tây làm rau ăn lẩu. Song, kiểu ăn này được cho là kỳ quặc, chơi trội,… khi đây là thứ chuyên dành cho gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, ở Việt Nam, lượng bèo tây được khai thác là không đáng kể so với tốc độ sinh sản và phát triển mạnh như hiện nay.

Thế nên, một số địa phương đã phải bỏ công sức, tiền của ra vớt bèo tây bỏ đi. Hay mới đây, UBND TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) vừa phê duyệt mức kinh phí lên tới 800 triệu đồng để vớt bèo tây trên hồ Đầm Vạc nhằm đảm bảo cảnh quan cho hồ điều hòa lớn nhất TP Vĩnh Yên và cũng để đảm bảo luồng lạch trước mùa mưa bão.

Bèo tây xâm hại khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân

Trước đó, đơn vị chức năng của thành phố này cũng đã vớt hơn 14ha bèo tây trôi nổi trên mặt hồ. Tuy nhiên, do tốc độ sinh sản và phát triển quá nhanh nên bèo tây vẫn phủ kín mặt hồ Đầm Vạc.

Theo y học cổ truyền, ngoài tác dụng làm thực phẩm, bèo tây còn có vị nhạt, tính mát, có tác dụng chữa sưng tấy, viêm đau như sưng bắp chuối bẹn, tiêm bị áp xe, chín mé, sưng nách, viêm tinh hoàn, viêm khớp ngón tay, viêm hạch bạch huyết,… Dân gian thường dùng phần phồng của cuống lá giã nát, thêm muối (5-8g trong 100g bèo) đắp, bó.

Nhiều chuyên gia trong ngành cũng cho biết, bèo tây có rất nhiều công dụng. Thế nhưng, ở Việt Nam, bèo tây còn được sử dụng quá ít. Đặc biệt, ngay trong cách sử dụng đơn giản nhất là dùng bèo tây sạch (mọc ở những nguồn nước sạch) để ăn cũng ít người biết tới.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.