Kỹ thuật trồng dưa hấu tháp bầu

Tháp bầu là ghép trên gốc cây bầu, cho hiệu quả cao. Việc sử dụng biện pháp kỹ thuật ghép trên gốc của một số họ bầu, bí… nói chung, sẽ phòng ngừa được bệnh chết héo do nấm Fusarium gây ra một cách hữu hiệu. Với cách làm cũng đơn giản, bà con có thể tự sản xuất giống dưa hấu tháp bầu.

GHÉP DƯA HẤU LÊN GỐC BẦU

Từ nhiều năm nay, cứ gần đến Tết, ông Nguyễn Văn Long, quê ở Tiền Giang lại lên An Ngãi, huyện Long Điền thuê đất trồng dưa hấu bán Tết. Khác với nhiều người, ông Long chỉ thuê đất cố định một chỗ để trồng dưa. Theo nhiều người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng dưa, cách làm này rất dễ bị thất bại do dưa bị bệnh. Nhưng thật bất ngờ, những năm dưa hấu bị thất mùa do bị chạy dây (bệnh héo dây) thì ruộng dưa của ông Long vẫn xanh tốt, không một dây dưa nào bị bệnh, thậm chí cho năng suất rất cao, bình quân mỗi năm ông thu hoạch từ 40 – 45 tấn dưa/ha, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 100 triệu đồng. Bí quyết của ông Long là dùng giống dưa hấu ghép lên gốc bầu, trước khi xuống giống ông đã cùng vài người khác thuê hẳn một nhân công từ Long An lên chuyên ghép ngọn dưa vào gốc bầu. Theo nhiều người trồng dưa hấu, đa phần các hộ trồng dưa lại là những người đi thuê đất nên tâm lý chung là ít đầu tư, khi đất bị nhiễm bệnh họ chỉ cần bỏ đất và đi thuê đất nơi khác là tránh được bệnh này. Ngoài ra họ cũng ít chọn phương pháp ghép vì sợ tốn công và tăng chi phí.

Chị Trần Thị Đèo (Thạnh Phú, Bến Tre) đang ghép cây dưa hấu trên gốc cây bầu

Theo tính toán của ông Long, chi phí ươm bầu và ghép ngọn dưa đến khi đem trồng tốn khoảng 1.500 đồng/cây con giống, chi phí này cao hơn cách làm bình thường không ghép khoảng 900 đồng/cây. Nếu tính ra trên 1 ha chi phí tăng thêm từ 7,2 – 8 triệu đồng, nhưng chắc ăn vì dưa hấu kháng hoàn toàn bệnh chạy dây, năng suất ruộng dưa cao hơn trước đây từ 6 – 7 tấn/ha do gốc bầu mạnh, hấp thu nhiều dinh dưỡng hơn. “Điều quan trọng là trồng theo cách này, người trồng dưa hoàn toàn yên tâm với bệnh chạy dây do nấm Fusarium hoành hành như hiện nay. Nhờ vậy, bảo tồn được đồng vốn, luôn có lãi hơn so với cách trồng dưa hấu không ghép” – ông Long khẳng định.

Kỹ thuật ghép: Dùng lưỡi dao lam sắc cắt bỏ ngọn cây bầu phía trên 2 lá mầm khoảng 2mm, đồng thời cắt xiên lấy ngọn dưa hấu cách 2 lá mầm khoảng một cm về phía dưới. Dùng một chiếc ghim tre vót hơi dẹp nhọn xiên chéo sát bên lá mầm cây bầu khoảng 4 – 5mm rồi cắm ngọn cây dưa vào đó. Chú ý đường kính cây ghim tre chỉ lớn vừa bằng thân cây dưa hấu khi để vào để chúng tiếp hợp tốt thì tỷ lệ ghép sống mới cao, đồng thời khi đặt ngọn dưa hấu vào ghép phải chọn sao cho hai lá mầm của ngọn dưa hấu nằm chéo hình chữ thập với hai lá mầm gốc bầu. Sau đó, các bầu cây đã ghép được đặt trong trại che kín gió 2 – 3 ngày. Hàng ngày, tưới nhẹ, giữ đủ ẩm cho ngọn dưa hấu không bị héo. Khi cây dưa hấu đã liền sẹo, vén mái che kín dần dần lên để đưa cây ra thích nghi với ánh sáng và nắng cho đến khi có 2 – 3 lá thật thì đem ra ruộng trồng. Thời gian từ ngâm ủ hạt cho tới khi bầu dưa hấu đạt tiêu chuẩn trồng khoảng 18 – 20 ngày. Chỉ nên ghép vào lúc trời mát, không mưa, và cứ ghép 5 – 10 cây thì nhúng dao lam, ghim tre vào dung dịch Benlat 1% để khử trùng, tránh nhiễm khuẩn từ cây này sang cây khác trong khi ghép. Với kỹ thuật ghép này, mỗi ngày có thể ghép được khoảng 2.000 – 2.500 cây dưa hấu giống.

DỄ LÀM, HIỆU QUẢ CAO

Theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư: Cách ghép dưa lên gốc bầu rất đơn giản, người trồng dưa chỉ cần tham gia một lớp tập huấn ngắn hạn là có thể ghép được. Điều quan trọng là phải chịu khó thực hành để quen tay và mạnh dạn đầu tư. Nếu bà con tự ghép chi phí này sẽ thấp hơn nhiều.

Mô hình trồng dưa hấu tháp bầu

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, dưa hấu là cây trồng rất nhạy cảm với dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh: héo dây, thối rễ…, dẫn đến thất thoát lớn và mất thu nhập. Dưa trồng trên những chân đất đã có mầm bệnh nếu cứ tiếp tục trồng mầm bệnh tích lũy trong đất ngày càng cao, tỷ lệ dưa bị thiệt hại do bệnh tăng lên đến 60 – 70%. Vì vậy, muốn dưa hấu đạt được kết quả cao cần chú ý chọn giống kháng bệnh, chọn thời điểm xuống giống thích hợp, nắm vững quy trình chăm sóc, đặc biệt phải ghép trên gốc bầu để kháng bệnh héo dây chứ không cần phải thay đổi đất như cách suy nghĩ của nhiều người. Ngoài ra, thị trường dưa hấu hiện nay rất chú trọng đến sản phẩm sạch, do vậy cũng phải tổ chức sản xuất theo quy trình GAP… để sản phẩm sản xuất ra đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như đạt chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng dưa hấu vụ Tết

Dưa hấu là loại trái cây thường dùng quanh năm và cũng là loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả chưng tết theo phong tục của ông bà ngày xưa, với mong muốn năm mới luôn có những điều tốt đẹp, may mắn đến với gia đình. Vì vậy, ngoài chất lượng thơm ngon, người tiêu dùng còn quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài của dưa. Để có trái dưa hấu to tròn, ngon và đẹp, thu hoạch đúng dịp Tết, nông dân cần chú ý đến nhiều yếu tố trong kỹ thuật canh tác dưa hấu.

Dưa hấu là loại màu ngắn ngày dễ trồng, có thể trồng quanh năm; Tuy nhiên với điều kiện tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, dưa hấu có thể trồng từ cuối mùa mưa cho đến hết mùa nắng (khoảng tháng 10 – tháng 4 âm lịch), chia làm 3 vụ là vụ dưa sớm, dưa Tết và dưa lạc hậu, trong đó dưa tết là vụ chính trong năm thường được trồng từ giữa tháng 10 âm lịch, thu hoạch trước Tết nguyên đán vài ngày. ÔngTrương Minh Chiến, ở Ấp Béc Tôn, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú cho biết: “Thường khoảng rằm tháng 10 âl là tiến hành xuống giống vụ dưa tết, đến khảng 25 tết cắt bán, vụ dưa tết đa số người trồng thường chọn trái tròn cao, xanh bóng”.

Chăm sóc dưa hấu vụ Tết

Ngoài đạt năng suất, trồng dưa hấu tết cần nhất là mẫu mã đẹp, trái to tròn đều, dòn ngọt. Để đạt được điều này việc chọn giống là rất quan trọng ; Theo kinh nghiệm của nông dân thì trồng vụ tết nên chọn các giống như dưa hấu An Tiêm có sức sinh trưởng mạnh, dễ ra hoa, đậu trái, năng suất cao và phẩm chất tốt, trọng lượng trái 3 – 6 kg, năng suất 25 – 45 tấn/ha, hiện nay đã có các giống An Tiêm 94, An Tiêm 95, An Tiêm 98, An Tiêm 100; Hay như giống Tiểu Hắc Long vỏ đen, hạt lép, chất lượng ngon, ngọt, chưng lâu không bị úng, mỗi trái nặng từ 3 – 8kg nên được người trồng và người tiêu dùng ưa chuộng; Giống Hồng Cúc vỏ vàng thích hợp để người trồng sáng tạo nhiều hình dạng đẹp mắt, phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.

Về mật độ trồng, do dưa hấu là loại thân thảo, thân chính dài từ 1 – 6 m, nên khoảng cách giữa các liếp trồng từ 5 – 6m, bề rộng liếp từ 1 – 1,1 m, mật độ giữa cây với cây phải thưa để tiện lợi cho dây dưa bò và các công đoạn sửa dây tuyển trái sau này, liếp trồng cao 30 – 40m, đảm bảo thoát nước tốt vì dưa hấu chịu úng rất kém. Về chế độ chăm sóc sau khi gieo hạt, kỹ sư Thạch Lai – Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Từng giai đoạn cây dưa hấu cần lượng nước khác nhau, từ giai đoạn xuống giống đến khi ra hoa, từ khi gieo hạt đến 20 – 25 ngày sau nên tưới nước thật đều, đối với những ruộng khôngcó màng phủ thì ngày tưới 2 lần. Giai đoạn dưa mang trái thì tăng lượng nước lên và tùy vào điều kiện từng vùng. Về phân bón, nếu có màng phủ nên bón phân lót liếp, ví dụ chúng ta sử dụng 100kg phân tổng hợp NPK, thì bón lót trước 50kg, còn lại thì bón thúc cho trái phát triển”.

Sửa dây là một kỹ thuật cần thiết trong việc trồng dưa hấu, bà con cần điểu chỉnh cho các dây bò song song nhau theo thứ tự thẳng góc với hàng trồng, không để dây quấn chồng lên nhau, gây khó khăn trong việc tuyển trái và ảnh hưởng khả năng quang hợp của cây, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.

Hằng năm Sóc Trăng trồng khoảng 400 ha dưa hấu, tập trung nhiều ở các xã Phú Tân, Phú Tâm huyện Châu Thành, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú và xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên;  Một số nơi trong tỉnh, bà con còn áp dụng thành công mô hình trồng dưa hấu dưới ruộng thay cho làm lúa vụ 3 do chủ động được nguồn nước.

Thu hoạch dưa hấu

Hiện tại các rẫy dưa đang kỳ cho trái, đây là thời gian bà con bắt đầu công đoạn tuyển trái, để cho trái dưa to, tròn đều thì mỗi dây chỉ để lại một trái trên dây chính. Việc tuyển trái sẽ được tiến hành khoảng 40 – 45 ngày sau khi gieo hạt. Đây là công đoạn quan trọng, quyết định đến chất lượng mẫu mã của trái dưa hấu tết. Kỹ sư Thạch Lai – Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Ở giai đoạn khi trái bằng trái chanh hoặc lớn hơn, khoảng 30 – 35 ngày sau khi trồng, đây là giai đoạn quyết định để tuyển trái. Cách chọn là khi dưa hâu chấm nụ, bà con nên để lại 2 trái/dây, khi trái bằng trái chanh thì tuyển lại lấy 1 trái/dây, tránh trường hợp mình để trái lớn quá mình tuyển thì làm yếu dây dưa. Chọn trái xong cần chỉnh sửa cho trái nằm ngay ngắn, lót bên dưới trái bằng rơm hoặc lá chuối, giai đoạn trái khoảng 2 – 3 kg mình sửa thêm lần nữa, thì sẽ có được trái dưa hấu như ý”.

Theo các nhà khoa học khuyến cáo dưa hấu được thu hoạch khi có độ chín 80-90%, tức là khoảng 60-70 ngày sau khi trồng, tuỳ điều kiện vận chuyển đến thị trường tiêu thụ xa hay gần. Cần ngưng nước 4-5 ngày trước khi thu hoạch giúp dưa ngon ngọt, để được lâu và ít bị bể khi vận chuyển. Việc ngưng tưới phân và phun thuốc 10 ngày trước khi thu hoạch nhằm bảo đảm phẩm chất dưa sạch cho người tiêu dùng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Tìm hiểu quy trình trồng dưa lưới bằng công nghệ cao

Dưa lưới thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae) là ra ăn quả có thời gian sinh trưởng ngắn, trồng được nhiều vụ trong năm với năng suất khá cao. Dưa có thời gian sinh trưởng và phát triển nhanh thường có thời gian từ khi gieo trồng đến thu hoạch 85 – 90 ngày (tùy vào giống). Dưa lưới có nguồn gốc từ Ấn Độ và Châu Phi, ngày nay dưa lưới được trồng ở nhiều nơi trên thế giới và chủ yếu được bán tươi, dưa lưới được xem là loại thực phẩm có giá trị dinh duỡng cao. Dưa lưới là nguồn chứa chất chống oxy hóa dạng polyphenol, là chất có lợi cho sức khỏe trong việc phòng chống bệnh ung thư và tăng cường hệ miễn dịch. Các chất này điều tiết sự tạo thành nitric oxit, một chất quan trọng đối với nội mạc và hệ tim mạch khỏe mạnh.

           Quy trình trồng dưa lưới bằng công nghệ cao

Dưa lưới phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ấm và khô, nhiều ánh sáng. Nhiệt độ phát triển tối ưu từ 18 – 28oC, phát triển chậm khi nhiệt độ dưới 12oC. Dưa có thể chịu nhiệt độ lên tới 40oC nhiều giờ mỗi ngày. Cây dễ chết trong điều kiện sương giá. Độ ẩm cao làm cây chậm phát triển, ảnh hưởng đến chất lượng quả và gây ra bệnh trên lá. Cây phát triển tốt trên đất nhiều mùn, pH=6-7, không chịu được đất quá axit và úng nước.

Mật độ trồng trồng dưa lưới

Hiện nay, có nhiều nghiên cứu cho thấy dưa lưới có nhiều mật độ trồng khác nhau và cho năng suất trái khác nhau. Theo nghiên cứu gần đây của Nguyễn Thị Lan và Phạm Tiến Dũng (2006), hàng cách hàng 65 cm, cây cách cây 60 cm (25.000 cây/ha). Theo Khánh Thị Bích Thủy (2012), mật độ trồng dưa lưới ở đồng ruộng: nếu trồng giàn thì lượng giống từ 1 – 1,2kg/ha. Cây cách cây 0,5m, hàng cách hàng 1,5m. Trồng hàng đôi, mật độ 25.000 cây/ha. Còn trồng bò trên đất, lượng giống từ 400 – 500 gram/ha. Cây cách cây 0,5m, hàng cách hàng 4m. Trồng hàng đôi, mật độ cây từ 9.000-10.0000 cây/ha.

Chế độ tưới nước cho dưa lưới

Theo Tekiner và cs (2010), với ba khoảng thời gian tuới khác nhau (I1 = 4 ngày, I2 = 8 ngày và I3 = 12 ngày) và bốn hệ số bốc thoát hơi nuớc khác nhau (Kcp1 = 0,50; Kcp2 = 1,00; Kcp3 = 1,50; Kcp4 = 2,00) được sử dụng dể tính toán lượng nước tưới thì tổng lượng nước tưới dao dộng từ 168-871 mm và năng suất thu được khác nhau từ 14,20-49,04 tấn/ha. Năng suất cao nhất thu được từ nghiệm thức có khoảng thời gian lưới lớn nhất với hệ số bốc thoát hơi nuớc thấp nhất (I3Kcp1).

Kỹ thuật bấm ngọn cây dưa lưới

Theo công ty MIYOWA, Nhật Bản (2012): dưa lưới sau khi trồng có 4 lá thật thì tiến hành bấm ngọn để cây ra nhánh cấp 1, giữ lại 2 nhánh sinh truởng tốt. Tỉa bỏ nhánh cấp 2 từ vị trí lá thứ 11 trở về gốc, từ lá thứ 12 – 17 để nhánh ra quả, sau khi nhánh ra quả để thêm 1 lá nữa thì bấm ngọn nhánh. Ở mỗi nhánh cấp 1, chọn để 2 quả, số quả trên cây là 4 quả. Số quả thu được trên 1 cây là từ 1 – 4 quả. Sau dó tỉa hết các cành nách cho thông thoáng, các cành ở vị trí lá thứ 23-25 sẽ để lại 1 – 2 lá và bấm ngọn cành. Khi dưa lưới đạt khoảng 25 lá thì tiến hành bấm ngọn 2 nhánh cấp 1.

Chế độ  (phân bón) cho cây dưa lưới

Dưa lưới (Cucumis melo L.) duợc xem là loại trái cây số một tại Châu Âu và chiếm giữ vị trí quan trọng trên thị trường này trong suốt 25 năm qua. Trong dó, Galia muskmelon (Cucumis melo L. var. Reticulatus Ser.) là giống dưa lai F1 nổi tiếng và được ưa chuộng nhất. Kể từ khi được giới thiệu ra thị trường năm 1973 bởi nhà chọn giống người Israel (Zvi Karchi), “Galia” đã trở thành tên thương mại để gọi chung cho hơn 60 giống dưa lưới có hình dạng tương tự (vỏ quả màu xanh hoặc hơi vàng, vỏ có lưới, ngọt và có mùi thơm). Dưa lưới được trồng nhiều ở Tây Ban Nha, Thổ Nhi Kỳ, Ma Rốc, Ai Cập, Trung Ðông và một số quốc gia Châu Á. Trong đó, Tây Ban Nha, Thổ Nhi Kỳ, Ma Rốc và Israel là những quốc gia xuất khẩu dưa lưới hàng đầu cho thị truờng Châu Âu.

Nghiên cứu ảnh huởng của kali đối với năng suất và chất luợng của dưa lưới trồng trong nhà kính tại Thổ Nhi Kỳ cho thấy việc thay đổi hàm lượng K2O ở các mức 200, 400, 600 ppm không làm ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, số quả và độ chắc của quả ở công thức bón 400, 600 ppm cao hơn công thức còn lại. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng để tác động lên năng suất không cần thiết phải sử dụng K2O vượt qua mức 300 ppm. Thế nhưng với mục tiêu cải thiện chất lượng quả có thể tăng hàm lượng K2O lên tới 600 ppm mà không làm ảnh hưởng đến năng suất.

Các tài liệu công bố về công thức phân bón cho dưa lưới cũng có sự khác nhau. Trường Ðại học Florida đưa ra công thức phân bón dùng cho dưa lưới trồng trong nhà màng tưới qua hệ thống nhỏ giọt với nồng độ N nguyên chất thay dổi tăng dần từ 80 – 180 ppm theo giai đoạn sinh trưởng của cây, K2O từ 150-225 ppm và P2O5 là 50 ppm. Hartz và cs (1999), cho biết tổng lượng nước tưới nhỏ giọt cho dưa lưới thực hiện năm 1995 và 1996 tương ứng là 530 và 490 mm, dung dịch phân bón với tỷ lệ N:P:K là 5:3:8 và vi chất dinh dưỡng, tất cả được hòa tan vào nước rồi bón cho cây thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt, tổng lượng phân N khoảng 0,035 kg/m2.

Thu hoạch dưa lưới

Dưa nên được thu hoạch đúng thời điểm dựa trên chỉ số chín (dựa vào các yếu tố như thời gian từ lúc trồng, độ tạo lưới, độ nứt của cuống) để quả đạt chất lượng tốt nhất khi đến tay người dùng, kéo dài thời gian tồn trữ. Trái dưa lưới sau khi thu hoạch thường chứa các loại nấm bệnh như Fusarium, Geotrichum, Rhizopus hoặc các vi khuẩn gây bệnh như Salmonella spp, E. Coli nên phải được xử lý trước khi đóng gói, bảo quản hoặc đưa ra thị trường. Một số kết quả nghiên cứu trên thế giới tập trung vào xử lý bằng dung dịch H2O2 nồng độ từ 10 – 50 ppm, chlorine nồng độ 100 ppm, nhúng quả bằng nước nóng và các hóa chất như sulphat đồng, chlorine, borat natri. Hoặc sử dụng màng bao sinh học, kiểm soát thành phần không khí, khí ethylene, v.v… Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao hiện xử lý bằng chlorine ở nồng độ 50 – 100 ppm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam