Kỹ thuật trồng dưa hấu

Dưa hấu là một trong những cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, từ trồng đến thu quả dao động từ 60 đến 75 ngày. Năng suất cao, trung bình 1 sào Bắc bộ đạt từ 1,0 đến 1,2 tấn  quả, thu nhập từ 2,5 đến 3,0 triệu đồng. Vì vậy có thể nói dưa hấu là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng cánh đồng 50 – 100 triệu đồng/ha.

CHỌN ĐẤT

Đất trồng dưa hấu cần cao ráo, bằng phẳng, tưới và tiêu thoát nước dễ dàng, pH = 6-7.

Đất trồng dưa phải được luân canh với lúa hoặc cây trồng khác. Không nên trồng trên những ruộng vừa được trồng cây họ bầu bí.

CHỌN GIỐNG

Trong sản xuất chủ yếu trồng các  giống dưa hấu lai F1 nhập nội từ Mỹ, Thái Lan, Đài Loan…và Việt nam, các giống này có ưu điểm sinh trưởng khỏe, kháng được một số sâu bệnh nguy hiểm, năng suất, chất lượng sản phẩm tốt như giống Siêu Nhân, Hoa sen (VL 64 ,VL 68), Trang Nông (TN010, TN012, TN308…), Simeli (S&G 221, SS 1900, S&G 227…), Long Hoàng Gia, Kim Cô Lương….

THỜI VỤ GIEO TRỒNG

Miền Bắc có các vụ trồng chủ yếu:

  • Vụ Xuân: trồng đầu tháng 2 thu hoạch vào cuối tháng 4 (80-85 ngày)
  • Vụ Hè trồng từ đầu tháng 4 thu hoạch cuối tháng 5 (55-60ngày).
  • Vụ Hè – Thu trồng từ đầu tháng 6 thu hoạch cuối tháng 7 (55-60ngày).
  • Vụ Thu -Đông trồng từ đầu tháng 8 thu hoạch cuối tháng 9 (55-60ngày).
  • Có thể trồng Vụ Đông từ đầu tháng 10 thu hoạch cuối tháng 11 (nếu thời tiết ấm)

KỸ THUẬT TRỒNG

1. Chuẩn bị hạt giống và cây con

Để trồng 1 sào Bắc bộ ( 360 m2 ) cần 20 gam hạt giống (1 vỉ hạt giống 20g ).

Xử lý hạt giống: Trước khi ngâm hạt giống cần phơi lại dưới nắng nhẹ 2 – 3 giờ sau đó ngâm hạt trong nước ấm 40ºC từ 10 đến 12 giờ tuỳ theo thời vụ. Vớt ra rửa sạch, để ráo nước. Bọc hạt trong khăn sạch ẩm rồi cho vào túi nilon cột chặt miệng ủ ấm ở nhiệt độ 28 – 30o C trong vòng 30 – 36 giờ. Kiểm tra thấy hạt nứt nanh (nhú mầm trắng) đem gieo ngay.

Gieo hạt: Nên gieo hạt đã nảy mầm vào bầu bằng lá chuối  hoặc bầu nilon 5cm x10 cm.(bầu nilon phải đục lỗ xung quanh và dưới đáy để thoát nước). Hỗn hợp đất làm bầu gồm: 2/3 đất tơi xốp không có mầm bệnh, 1/3 phân chuồng hoai mục và 10 kg lân vi sinh/m3 hỗn hợp. Cần 360-400 bầu để trồng cho một sào (360 m2).

Trước khi gieo tưới ướt bầu. Đặt mầm rễ xuống dưới sâu khoảng 1 cm, phủ đất bột cho kín hạt. Trong 3 -4 ngày đầu tưới nước giữ ẩm (phun bằng bình phun thuốc trừ sâu 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát; các ngày sau có thể dùng ô doa để tưới).  Khi cây có 1-2 lá thật (12-15 ngày tuổi với vụ xuân và  5-7 ngày tuổi các vụ khác) đem trồng ra ruộng.

2.  Bón phân, lên luống, trải màng phủ nông nghiệp

Lên luống và trải màng phủ nông nghiệp

Chọn đất thịt nhẹ, cát pha chủ động nước, cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ. Lên luống cao 30 – 40 cm, rộng 2,5 – 2,8 m. Trồng cây phía mép trong 2 luống liền kề, mép ngoài 2 luống  là rãnh tiêu thoát nước . Cây cách cây 35 – 40 cm. Mỗi sào Bắc bộ trồng 380 – 420 cây.
Sau khi lên luống và bón lót tiến hành phủ vải nhựa, mặt bạc hướng lên trên, mặt đen xuống dưới, dùng đất lấp lên 2 mép để tránh bị gió lật. Trước khi trồng đục lỗ theo khoảng cách cây, đường kính lỗ khoảng 10cm.

Phân bón cho 1 sào Bắc bộ (360 m2): Kỹ thuật bón phân (tính cho 1 sào Bắc Bộ 360m2)

Sử dụng phân bón thâm canh:  3-5 tạ phân chuồng + 30 kg phân lân + 25 kg phân lân vi sinh sông giang + 14,0 kg đạm ure + 12 kg kali. Ph­ương pháp bón:
Lót 100%  phân chuồng + 100% phân lân + 10 kg đạm + 9 kg kali
Thúc nhử lần 1 sau trồng 3 ngày 0,5 kg đạm
Thúc nhử lần 2 sau trồng 7 ngày 1,5 kg đạm
Thúc nhử lần 3 sau khi định trái 2,0 kg đạm + 3,0 kg kali

Sử dụng phân bón tổng hợp NPK 12:8:13 con cò (Việt-Pháp):  3-5 tạ phân chuồng + 15-20 kg phân lân vi sinh sông giang + 30-32kg phân NPK Con cò. Ph­ương pháp bón:
Lót 100%  phân chuồng và phân lân vi sinh sông giang + 30 kg phân NPK Con cò 13:8:12
Thúc nhử lần 1 sau trồng 3 ngày 0,5 kg đạm
Thúc nhử lần 2 sau trồng 7 ngày 1,5 kg đạm
Thúc nhử lần 3 sau khi định trái  2kg urê + 3,0 kg kali

Chú ý:

Bón lót phân chuồng hoai mục và phân con cò phải được bón sâu 5 – 7 cm trước khi tiến hành trải màng phủ nông nghiệp.
Không tưới trực tiếp vào  thân và lá của cây, để tránh chết sót cây non và xém thân lá.

3.  Chế độ tưới nước cho dưa

Dưa hấu là cây chịu được hạn, rất sợ úng,  tuy nhiên dưa hấu cần nhiều nước là lúc cây bắt đầu lan dây, ngả ngọn và cần nhiều hơn khi cây ra hoa đậu quả. Đặc biệt là thời kỳ nuôi quả. Khi dưa nuôi quả không được để thiếu nước.

Khi tưới cần lưu ý, lúc ruộng ngấm đủ nước cần tháo ngay. Không được ngâm nước thường xuyên trong ruộng quá cao dễ bị mắc bệnh. Trước khi thu hoạch 5 – 7 ngày phải dừng tưới nước để nâng cao chất lượng và vận chuyển dễ dàng.

4.  Tỉa nhánh, sửa dây, bấm ngọn

Khi cây có 5 – 6 lá thật tiến hành bấm ngọn, tạo 2  cành cấp 1 sát gốc, khi dưa bò từ trên 0,6m thì tiến dùng dây dưa để đè dây dưa khỏi bị gió lật dây. Khi dưa ngả ngọn để dưa bò theo chiều ngang của luống.

5.  Chọn nụ, thụ phấn, tuyển quả

Thụ phấn và bấm ngọn:

Khi dưa hấu được 4-5 lá phải tiến hành bấm ngọn, sau đó chỉ để hai cành cấp 1 khoẻ đối xứng hai bên, còn các cành khác phải ngắt bỏ.

Khi bắt đầu ra hoa cái, loại bỏ hết hoa cái số 1 và số 2 chỉ lấy hoa cái số 3 trở ra (cách gốc 1,5m trở lên); mỗi dây lấy 1 quả, sau khi quả đậu, phải loại bỏ hết các hoa cái khác trên dây và bấm ngọn ngay. Thời tiết nắng ấm vào buổi sáng từ 7h-9h là điều kiện tốt nhất để tiến hành thụ phấn; nếu buổi sáng thời tiết không tốt thì có thể thụ vào buổi chiều có nắng.

Mỗi cây phải thụ ít nhất từ hai quả trở nên; trên 1 dây hoặc trên hai dây/gốc có hai hoa cái ra cùng một lúc và cùng số thì phải thụ cả hai.

Định quả và loại bỏ quả:

Sau khi quả đậu to bằng ngón chân cái thì phải tiến hành định quả ngay. Loại bỏ những quả ngắn, tròn, méo, vẹo, dị dạng. Chỉ lấy những quả thuôn dài, mỡ màng, màu non, dạng quả đẹp.

Trên 1 gốc: Về nguyên tắc chỉ lấy 1 quả thuôn dài, mỡ màng, màu non, dạng quả đẹp. Tuy nhiên có thể lấy hai quả trên gốc (mỗi dây 1 quả) khi hai dây có hai quả cùng số (ở cùng vị trí trên thân) và thụ cùng ngày (quả dài, đẹp và to gần bằng nhau) thì lấy cả hai quả khi cây đó to mập lá đẹp không sâu bệnh.

Trên 1 dây, nếu có 2 quả (Q2 và Q3) thì ưu tiên lấy quả 3 nếu hai quả đẹp hoặc xấu gần bằng nhau; Trên dây có hai quả cùng số và thụ cùng ngày (quả dài, đẹp và to gần bằng nhau) thì lấy cả hai quả khi dây đó to mập lá đẹp không sâu bệnh.

Nếu trên 1 dây có 2 quả (Q1 và Q2 hoặc Q2 và Q3), nếu Q1 đẹp thì loại bỏ Q2; nếu Q1 và Q2 (xấu, đẹp) gần tương đương nhau thì lấy Q2.

6. Phòng trừ sâu bệnh hại

Sâu hại

Sâu vẽ bùa : Thường xuất hiện gây hại trên lá, nhất là vào Vụ xuân, dùng Mã Lực (TQ) hoặc Song mã nồng độ 0,15 – 0,2% để phun ngay sau khi xuất hiện.
Sâu xám, sâu khoang, sâu ăn lá và các loại sâu khác (kể cả bọ xít, rày, rệp…) dùng thuốc Actara 5S hoặc Tiper Anpha 5SC 0,20-0,25% (20-30ml/bình 10 lít) + Dipterec 0,25% (25 gam/bình 10 lít).

Rệp, sau ăn lá, ruồi đục quả: dùng Marshel 200SC 0,2% Sherpa (0,2-0,3%); trừ bọ phấn dùng Butyl  + Conphai phun 0,1% -0,15%.

Bệnh hại dưa

Bệnh đốm lá gốc và nứt thân chảy mủ: Bệnh dễ lây lan khi bón nhiều phân đạm và sau những trận mưa. Phòng trị: Dùng Derosal, Scor,  Aliett 80 WP, Tilsuper 300DD.

Bệnh thối rễ héo dây: Dưa héo vào buổi trưa, tươi lại vào buổi sáng và chiều tối . Sau 5 – 7 ngày dưa chết, khi tách phía gốc thân ra thấy mạch dẫn bị đen. Phòng trị: Dùng Kasumin 1 gói + 1 gói lục phong pha cho 1 bình (mỗi sào cần 2 bình).

Bệnh Mốc sương: Phòng trừ tốt nhất bằng thuốc Ridomil MZ 72WP, Dithane M-45 80WP  Một sào phun 2 bình (25-30g thuốc/10 lít), vào lúc trời nắng ráo, phun đều trên 2 mặt lá

Bênh đốm lá, quả, thán thư..: dùng Bellkute 40EC phun với nồng độ 0,1%; Ridomil MZ 72WP phun nồng độ 0,25%; hoặc Dithane M-45 80WP  0,25%, phun 2 lần khi đậu quả, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày. Sau khi định quả xong nếu thời tiết không thuận (mưa nhiều) thì dùng Rampart (8 gam/bình 10lít)hoặc Validacin 0,3% phun để hạn chế bệnh phun để hạn chế đốm và thối quả (nếu thân lá quá tốt và làm cây cằn lại).

Chú ý: Phòng bệnh cho dưa tốt nhất là dùng nhiều phân chuồng hoai mục, tưới nước hợp lý không để độ ẩm quá cao trong ruộng. Nếu bón phân đơn thì hạn chế dùng đạm.

THU HOẠCH

 Sau khi đậu quả khoảng 28-30 ngày với vụ xuân và 24-25 ngày đối với vụ hè, thu-đông và vụ đông, khi quả dưa hấu đã to và chuyển màu là có thể thu hoạch được.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

 

Kỹ thuật trồng dưa hấu tháp bầu

Tháp bầu là ghép trên gốc cây bầu, cho hiệu quả cao. Việc sử dụng biện pháp kỹ thuật ghép trên gốc của một số họ bầu, bí… nói chung, sẽ phòng ngừa được bệnh chết héo do nấm Fusarium gây ra một cách hữu hiệu. Với cách làm cũng đơn giản, bà con có thể tự sản xuất giống dưa hấu tháp bầu.

GHÉP DƯA HẤU LÊN GỐC BẦU

Từ nhiều năm nay, cứ gần đến Tết, ông Nguyễn Văn Long, quê ở Tiền Giang lại lên An Ngãi, huyện Long Điền thuê đất trồng dưa hấu bán Tết. Khác với nhiều người, ông Long chỉ thuê đất cố định một chỗ để trồng dưa. Theo nhiều người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng dưa, cách làm này rất dễ bị thất bại do dưa bị bệnh. Nhưng thật bất ngờ, những năm dưa hấu bị thất mùa do bị chạy dây (bệnh héo dây) thì ruộng dưa của ông Long vẫn xanh tốt, không một dây dưa nào bị bệnh, thậm chí cho năng suất rất cao, bình quân mỗi năm ông thu hoạch từ 40 – 45 tấn dưa/ha, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 100 triệu đồng. Bí quyết của ông Long là dùng giống dưa hấu ghép lên gốc bầu, trước khi xuống giống ông đã cùng vài người khác thuê hẳn một nhân công từ Long An lên chuyên ghép ngọn dưa vào gốc bầu. Theo nhiều người trồng dưa hấu, đa phần các hộ trồng dưa lại là những người đi thuê đất nên tâm lý chung là ít đầu tư, khi đất bị nhiễm bệnh họ chỉ cần bỏ đất và đi thuê đất nơi khác là tránh được bệnh này. Ngoài ra họ cũng ít chọn phương pháp ghép vì sợ tốn công và tăng chi phí.

Chị Trần Thị Đèo (Thạnh Phú, Bến Tre) đang ghép cây dưa hấu trên gốc cây bầu

Theo tính toán của ông Long, chi phí ươm bầu và ghép ngọn dưa đến khi đem trồng tốn khoảng 1.500 đồng/cây con giống, chi phí này cao hơn cách làm bình thường không ghép khoảng 900 đồng/cây. Nếu tính ra trên 1 ha chi phí tăng thêm từ 7,2 – 8 triệu đồng, nhưng chắc ăn vì dưa hấu kháng hoàn toàn bệnh chạy dây, năng suất ruộng dưa cao hơn trước đây từ 6 – 7 tấn/ha do gốc bầu mạnh, hấp thu nhiều dinh dưỡng hơn. “Điều quan trọng là trồng theo cách này, người trồng dưa hoàn toàn yên tâm với bệnh chạy dây do nấm Fusarium hoành hành như hiện nay. Nhờ vậy, bảo tồn được đồng vốn, luôn có lãi hơn so với cách trồng dưa hấu không ghép” – ông Long khẳng định.

Kỹ thuật ghép: Dùng lưỡi dao lam sắc cắt bỏ ngọn cây bầu phía trên 2 lá mầm khoảng 2mm, đồng thời cắt xiên lấy ngọn dưa hấu cách 2 lá mầm khoảng một cm về phía dưới. Dùng một chiếc ghim tre vót hơi dẹp nhọn xiên chéo sát bên lá mầm cây bầu khoảng 4 – 5mm rồi cắm ngọn cây dưa vào đó. Chú ý đường kính cây ghim tre chỉ lớn vừa bằng thân cây dưa hấu khi để vào để chúng tiếp hợp tốt thì tỷ lệ ghép sống mới cao, đồng thời khi đặt ngọn dưa hấu vào ghép phải chọn sao cho hai lá mầm của ngọn dưa hấu nằm chéo hình chữ thập với hai lá mầm gốc bầu. Sau đó, các bầu cây đã ghép được đặt trong trại che kín gió 2 – 3 ngày. Hàng ngày, tưới nhẹ, giữ đủ ẩm cho ngọn dưa hấu không bị héo. Khi cây dưa hấu đã liền sẹo, vén mái che kín dần dần lên để đưa cây ra thích nghi với ánh sáng và nắng cho đến khi có 2 – 3 lá thật thì đem ra ruộng trồng. Thời gian từ ngâm ủ hạt cho tới khi bầu dưa hấu đạt tiêu chuẩn trồng khoảng 18 – 20 ngày. Chỉ nên ghép vào lúc trời mát, không mưa, và cứ ghép 5 – 10 cây thì nhúng dao lam, ghim tre vào dung dịch Benlat 1% để khử trùng, tránh nhiễm khuẩn từ cây này sang cây khác trong khi ghép. Với kỹ thuật ghép này, mỗi ngày có thể ghép được khoảng 2.000 – 2.500 cây dưa hấu giống.

DỄ LÀM, HIỆU QUẢ CAO

Theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư: Cách ghép dưa lên gốc bầu rất đơn giản, người trồng dưa chỉ cần tham gia một lớp tập huấn ngắn hạn là có thể ghép được. Điều quan trọng là phải chịu khó thực hành để quen tay và mạnh dạn đầu tư. Nếu bà con tự ghép chi phí này sẽ thấp hơn nhiều.

Mô hình trồng dưa hấu tháp bầu

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, dưa hấu là cây trồng rất nhạy cảm với dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh: héo dây, thối rễ…, dẫn đến thất thoát lớn và mất thu nhập. Dưa trồng trên những chân đất đã có mầm bệnh nếu cứ tiếp tục trồng mầm bệnh tích lũy trong đất ngày càng cao, tỷ lệ dưa bị thiệt hại do bệnh tăng lên đến 60 – 70%. Vì vậy, muốn dưa hấu đạt được kết quả cao cần chú ý chọn giống kháng bệnh, chọn thời điểm xuống giống thích hợp, nắm vững quy trình chăm sóc, đặc biệt phải ghép trên gốc bầu để kháng bệnh héo dây chứ không cần phải thay đổi đất như cách suy nghĩ của nhiều người. Ngoài ra, thị trường dưa hấu hiện nay rất chú trọng đến sản phẩm sạch, do vậy cũng phải tổ chức sản xuất theo quy trình GAP… để sản phẩm sản xuất ra đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như đạt chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam