Sử dụng phân bón lá cho Sầu Riêng giai đoạn nuôi trái

Ngoài việc áp dụng kỹ thuật xử lý để cho sầu riêng ra hoa, đậu trái sai, thì việc chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng cho cây giữ vai trò rất quan trọng.

Bổ sung phân bón cho lá trong giai đoạn nuôi trái của cây sầu riêng là yếu tố hết sức cần thiết

Tùy từng giai đoạn mà nhà vườn sử dụng cách bón phân như thế nào cho hiệu quả nhất, đặc biệt là giai đoạn mang trái.

Theo Phó giáo sư, TS Trần Văn Hưu – trường Đại học Cần Thơ, nhà vườn thường hay sử dụng phân bón qua lá trong điều kiện cây bị khô hạn hoặc ngập nước – khi cây không thể hấp thu dinh dưỡng qua đường rễ. Trong giai đoạn nuôi trái, cây lại cho năng suất trái cao, việc hấp thu dinh dưỡng qua rễ sẽ kém, do đó nhà vườn nên bổ sung dinh dưỡng cho cây qua lá, như thế sẽ giúp cây hấp thu nhanh và nuôi trái tốt hơn.

Loại phân được sử dụng trong thời điểm trước khi hoa nở là Bo. Thời điểm sau hoa nở, nhà vườn sử dụng các loại phân thuộc canxi Bo giúp chống rụng trái non. Đối với loại sầu riêng hạt lép – Ri6, việc này sẽ giúp cây giảm hiện tượng cháy múi.

Sau khi đậu trái từ 10 – 15 ngày, với sầu riêng hạt lép, để giảm hiện tượng rụng trái non, nhà vườn dùng thuốc phun qua lá GA3 theo hướng dẫn,… đây là loại thuốc điều hòa sinh trưởng.

Lưu ý: Trong giai đoạn này, cây sầu riêng có nhu cầu bổ sung kali cao và bổ sung một số chất trung vi lượng cần thiết như sắt, kẽm, đồng.

Giai đoạn sau đậu trái khoảng 2 tháng, cần tăng cường thuốc Nitrat Canxi với nồng độ 0,2%, giúp chất lượng trái tốt, giảm hiện tượng trái bị sượng.

Sau 2 tuần, phun tiếp magie cũng với nồng độ 0,2% giúp cơm trái phát triển đầy đủ, hạn chế sượng.

Trước thu hoạch 1 tháng, cần bổ sung thêm thuốc Nitrat kali với nồng độ 0,1% giúp chất lượng trái tốt hơn.

Trong giai đoạn phát triển trái, lưu ý không sử dụng phân có lượng đạm cao vì sẽ làm trái bị sượng.

Quả sầu riêng rất bắt mắt khi được chăm sóc đúng kỹ thuật

Như vậy, ngoài việc bón phân đầy đủ qua gốc, việc bón phân qua lá giai đoạn nuôi trái ở cây sầu riêng sẽ hỗ trợ quá trình phát triển trái và quyết định năng suất, chất lượng của trái, tăng hiệu quả kinh tế khi thu hoạch.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trung Quốc tranh nhau mua: Sầu Riêng tăng giá kỷ lục

Nguồn cung khan hiếm do nghịch vụ, Trung Quốc lại đang tìm kiếm nguồn hàng khiến giá sầu riêng Việt Nam tăng cao kỷ lục, đắt hơn cả giá sầu riêng nhập khẩu.

Giá sầu riêng tăng cao, đắt hơn cả giá sầu riêng nhập khẩu

Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, trong tháng 11/2017, giá sầu riêng trên thị trường đang tăng cao, đạt mức giá 130.000-160.000 đồng/kg. Với mức giá này, giá sầu riêng Việt Nam đang cao hơn sầu riêng nhập khẩu từ 20.000-30.000 đồng/kg.

Theo Bộ này, nguyên nhân tăng giá là do sản lượng giảm bởi điều kiện thời tiết bất lợi khiến năng suất giảm, trong khi đó nhu cầu lại tăng cao đặc biệt từ phía thị trường Trung Quốc. Mặt khác, người tiêu dùng ưa chuộng sầu riêng nội địa hơn là sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan vì vậy thị trường trong nước tiêu thụ sầu riêng mạnh hơn.

Thực tế, một số nhà vườn tại Bến Tre và Tiền Giang cho biết, tuy sầu riêng hạt lép chất lượng không được như năm trước, song họ vẫn thu lợi nhuận khoảng 200 triệu/1.000m² do giá sầu riêng loại 1 xuất bán  tại vườn đạt 90.000 đồng/kg, loại 2 bán được với giá 70.000 đồng/kg.

Trước đó, vào thời điểm đầu tháng 6 năm nay, giá sầu riêng ở ĐBSCL và Lâm Đồng cũng tăng cao mức kỷ lục lên 45.000-55.000 đồng/kg. Thế nhưng, tại thời điểm bây giờ giá sầu riêng bất ngờ vọt tăng lên gần gấp đôi so với thời điểm giữa năm.

Tương tự, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 11 cũng tăng cao, đạt mức kỷ lục trong nhiều năm qua. Theo đó, hiện tại gía ca tra đang dao động ở mức 26.000-28.500 đồng/kg tùy theo chất lượng cá, kích cỡ và phương thức thanh toán; có vùng giá cá lên tới 29.000-30.000 đồng/kg như Đồng Tháp, Vĩnh Long vì khan hiếm nguyên liệu.

Tại An Giang cá tra nguyên liệu trong trọng lượng 0,8-0,9 kg/con, thịt trắng đứng ở mức cao 26.000-27.000 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, giá trung bình cá tra thịt trắng trong tuần này đã lên mức cao nhất là 29.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg so với tháng trước.

Đồng thời, giá cá tra giống cũng đang ở mức cao gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 40.000 – 60.000 đồng/kg (loại 20 con/kg) và 30.000–45.000 đồng/kg (loại 30-35 con/kg). Nguyên nhân khiến giá cá giống tăng mạnh là do nhiều hộ đã chủ động thả nuôi khiến nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung lại hạn chế.

Trong khi đó, tháng 11 này do ảnh hưởng của bão, thị trường rau củ cũng biến động tăng mạnh trong những tuần đầu nhưng vào những ngày cuối tháng thị trường mặt hàng này đã có xu hướng “nguội dần” do nguồn cung đã có dấu hiệu hồi phục. Cụ thể, một số loại rau nhưng bắp cải, hoa lơ, cà chua đã giảm nhẹ khoảng 5.000đồng/kg so với mức đầu tháng.

Theo vietnamnet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Người Trung Quốc “cuồng” Sầu Riêng Malaysia

Chính quyền Malaysia đang tích cực xúc tiến xuất khẩu sầu riêng tươi khi người dân Trung Quốc ngày càng mê loại quả này.

Sầu riêng được bán tại một siêu thị Walmart ở Trung Quốc

Theo số liệu của Liên hiệp quốc, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng trung bình 26% mỗi năm trong thập kỷ qua, đạt giá trị 1,1 tỷ USD vào năm 2016. Thái Lan đang thống trị thị trường này. Tuy nhiên, các chính trị gia Malaysia kỳ vọng rằng ngoại giao sầu riêng có thể thúc đẩy cơ hội cho sầu riêng tươi nước này, bên cạnh dòng sản phẩm đông lạnh.

Hồi đầu tháng 11, một lễ hội sầu riêng đã được tổ chức tại Nanning, miền nam Trung Quốc, thu hút khoảng 165.000 người đến ăn thử sầu riêng tươi giống Musang King.

“Một số người nói rằng bây giờ ở Trung Quốc có hai thứ mà người ta sẽ xếp hàng để mua là iPhone X và sầu riêng Malaysia”, Bộ trưởng Nông nghiệp Malaysia – Ahmad Shabery Cheek, nhân lễ hội sầu riêng ở bang Pahang (Malaysia). Sự kiện này cũng đã thu hút đông đảo người Trung Quốc đến tham dự.

Tại Malaysia, sầu riêng được mệnh danh là vua của các loại trái cây. Khách Trung Quốc đến nước này luôn háo hức tìm các vườn sầu riêng để thưởng thức loại quả thường xuyên bị cấm tại các sân bay, khách sạn và phương tiện giao thông công cộng vì mùi đặc trưng của nó.

Sầu riêng là loại trái cây bị phân cực cảm xúc mạnh mẽ giữa yêu và ghét. Người mê nó thì cảm thấy cuốn hút bởi vị béo ngậy như hòa trộn của đường bột, caramel và kem. Còn người ghét nó thì chỉ ngửi ra mùi của củ hành hay tất bẩn. Theo chuyên gia về thực phẩm và đồ uống Loris Li thuộc công ty nghiên cứu thị trường Mintel Group (Thượng Hải), người Trung Quốc dùng sầu riêng trong nhiều món ăn khác nhau, từ sữa chua, cà phê đến bánh quy và cả pizza.

Theo thứ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia – Ahmad Maslan, sầu riêng và các sản phẩm liên quan đến sầu riêng nằm trong top những sản phẩm được tìm kiếm nhiều nhất trên trang thương mại điện tử Alibaba.com.

Hiện 45.500 nông dân nước này đang bị cấm xuất khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc, mà phải xuất dạng tách múi sẵn. Nguyên nhân là do họ chờ sầu riêng chín và rụng xuống đất để nhặt thay vì chủ động hái trước từ trên cây. Điều này làm Trung Quốc lo ngại nguy cơ dơ bẩn và côn trùng tiếp cận vào quả sầu riêng.

Tuy nhiên, theo ông Ahmad Shabery, các cuộc đàm phán với Trung Quốc có thể giúp cho sầu riêng tươi nước này xuất khẩu trong vòng một năm nữa. Nước này đã hướng dẫn nông dân làm mạng lưới dây để buộc quả sầu riêng, tránh nó rơi chạm đất khi chín.

“Chúng tôi hy vọng sầu riêng nguyên quả sẽ sớm có mặt ở Trung Quốc. Có nhiều loại sầu riêng ở Trung Quốc nhưng mùi vị rất khác với sầu riêng Malaysia, đơn cử như giống Musang King”, Churan Qiang, khách du lịch tham dự liên hoan sầu riêng Pahang đến từ Tây An cho biết. Theo Qiang, một quả sầu riêng thường tách ra được 5 khía, mỗi khía ở Trung Quốc có giá khoảng 100 nhân dân tệ, tương đương 15 USD.

Dù chưa xuất sang Trung Quốc quả tươi trực tiếp thì các nhà vườn sầu riêng Malaysia cũng đang hốt bạc. Du khách nước này lũ lượt kéo sang ăn sầu riêng khiến các trang trại ngày một có giá. Theo đại lý bất động sản Eric Lau, tùy thuộc vào vị trí, một trang trại sầu riêng 6 năm tuổi tại Pahang sẽ có giá tầm 400.000 ringgit mỗi hécta, tương đương gần 100.000 USD. Các trang trạng sầu riêng tuổi đời 10 – 12 năm thì có giá gấp đôi.

Bản thân giá trị của sầu riêng cũng rất béo bở. Theo ông Ahmad Shaber, vườn sầu riêng có thể mang lại 100.000 ringgit mỗi hécta mỗi năm, so với 30.000 đến 40.000 ringgit cho một hécta dầu cọ, loại cây trồng chính của Malaysia.

Với khoảng 400 cây sầu riêng Musang King ở Raub, Eddie Yong là nhà vườn khá nổi tiếng của bang Pahang. Vườn cây của ông cách Kuala Lumpur khoảng 107 km và cách Singapore 460 km. Ông đang buộc phải hạn chế đón 150 khách mỗi ngày sau khi du khách từ Hong Kong và Trung Quốc tăng vọt. “Người ta đi ra khỏi Singapore đến đây chỉ để ăn sầu riêng. Họ đến vào sáng sớm và lái xe trở về trong ngày”, ông Yong cho biết

Gần đây, ông đã từ chối một đề nghị mua lại vườn sầu riêng 4 hécta với giá 5 triệu ringgit từ một nhà đầu tư Trung Quốc. “Họ cho tôi một mức giá tốt, nhưng tôi không muốn bán. Đây là cuộc sống, là niềm đam mê của tôi”, ông Yong nói.

Nguồn: Theo kinhdoanh.vnexpress.net được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Mách bạn cách chọn Sầu Riêng ngon, nhiều cơm ít hạt

Sầu riêng là một trong những loại quả được nhiều người “nghiện” và tìm mua. Tuy nhiên, đây là loại quả với giá khá cao so với nhiều quả khác nên công đoạn chọn sầu riêng rất quan trọng. Các mẹo nhỏ trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn chọn được quả sầu riêng ngon, nhiều cơm ít hạt.

Sầu riêng

Dựa vào hình dáng của quả sầu riêng:

Khi chọn sầu riêng không quan trọng kích thước to hay nhỏ mà quan trọng là phần eo quả phải phình to đều, không bị vẹo vọ. Quả có phân thành các múi rất to và rõ ràng. Những quả sầu riêng đã già và bắt đầu chín đều có vỏ ngoài hơi nứt, tỏa ra một mùi thơm đặc trưng. Không nên chọn những quả sầu riêng trông quá cứng nhắc, tròn như bóng bầu dục mà không hề phân chia thành múi.

Quả sầu riêng có múi rất ngon

Kiểm tra gai của quả sầu riêng:

Quả sầu riêng đã già thì có những gai nở to, rất cứng nhưng đầu gai hơi tròn chứ không nhọn hắt và nhỏ xíu. Khi bóp hai gai gần nhau của quả sầu riêng mà thấy nó không óp lại gần nhau thì nó đã già, ngược lại nếu khi bóp hai gai này mà thấy nó mềm thì là quả còn non hoặc chín ép nên khi ăn sẽ không ngọt ngon và rất dễ bị sượng.

Dựa vào tiếng động khi gõ vào quả:

Bạn có thể mượn cây khui chuyên dụng của người bán hàng hoặc cầm quả sầu riêng lắc nhẹ. Khi gõ mà thấy tiếng bộp bộp hoặc bịch bịch phát ra rất chắc chắn thì đó là quả có phần cơm dày và hạt lép. Còn khi gõ vào quả mà thấy phát ra tiếng bong bong thì sẽ là quả nhiều hạt, không ngon. Đây là một mẹo hay và khá chính xác để mua được quả sầu riêng ưng ý.

Cách tách múi sầu riêng:

Quan sát cách tách múi sầu riêng của những người bán hàng cũng sẽ tiết lộ cho ta phần nào về chất lượng của quả sầu riêng. Những quả đã già, chín tới thì phần múi của nó đã tự tách ra và người bán chỉ cần dùng cây khui chuyên dụng nhẹ nhàng tách rất đơn giản. Còn những quả non thì sẽ rất mất sức mới có thể tách được múi .Những quả như vậy thì không nên mua. Hãy chú ý quan sát người bán hàng khi tách múi sầu riêng sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc lựa chọn một trái sầu riêng như ý.

Cách nhận biết quả sầu riêng ngon

Màu sắc của quả sầu riêng:

Những quả sầu riêng có cơm vàng sữa, hạt lép thì có vỏ màu xanh rêu hoặc màu xanh rêu hanh vàng. Gai sầu riêng cũng cứng và thưa hơn nhiều so với những quả non. Sầu riêng ăn ngon nhất là khoảng 2 đến 3 ngày sau khi thu hoạch, không nên ăn sớm hơn cũng không nên để lâu quá sẽ mất đi vị ngọt và thơm đặc trưng.

Quan sát cuống sầu riêng:

Quả sầu riêng đã già, chín đều và ngon thì có phần cuống cứng và vẫn xanh tươi. Tuyệt đối không chọn quả đã bị mất cuống hoặc có cuống héo sẽ không ngon hoặc là loại thu hoạch đã để lâu nên mới héo. Cũng nên chú ý phần đầu cuống bởi có thể sầu riêng thu hoạch đã lâu, phần đầu cuống đã quắt lại nhưng người bán lại cắt bỏ phần đó đi thường xuyên để trông nó như sầu riêng mới thu hoạch.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Loạn giá giống cây sung Mỹ

Quả sung Mỹ có công dụng tốt cho sức khỏe, không ít người săn tìm cây giống về trồng với giá có khi lên đến vài trăm nghìn đồng một cây.

Vài năm trước, được người quen tặng một số cành về trồng thử, đến nay, anh Nguyễn Ngọc Khuyến (quận 12, TP HCM) đã ươm được vài trăm giống cây sung Mỹ.

Vốn là cây ôn đới, sung Mỹ (sung ngọt) có thể cao đến 6m, là loại cây ôn đới, lá to có 3 hoặc 5 thùy. Quả chín có vị ngọt thanh. Nếu như ở Mỹ mỗi năm chỉ có một vụ thu hoạch, khi trồng tại Việt Nam, điều làm anh Khuyến bất ngờ là loại cây ôn đới này có thể ra quả quanh năm, cho thu hoạch sau vài tháng

Một cây giống sung Mỹ đang có nhiều mức giá bán khác nhau trên thị trường. Ảnh: N.K
Gần đây, rất nhiều người từ các địa phương khác gọi điện hỏi mua. Không ít người từ các tỉnh phía Bắc cũng lặn lội tìm vào tận nhà để tham quan và đặt hàng. “Giá thị trường mình không rành nên chỉ lấy vài chục ngàn đồng một cây để họ thoải mái”, anh Khuyến cho hay.

Anh cho biết khách hàng mua cây có người về trồng làm cảnh, nhưng không ít người đang muốn thử nghiệm để làm trang trại thu hoạch quả chế biến thành mứt, siro, ngâm rượu để bán ra thị trường. Lý giải về nhu cầu tìm mua giống cây này, theo anh Khuyến, có thể do cây trồng mới nên lạ, quả ăn ngon, lại đang được quảng cáo có tác dụng tốt cho sức khỏe nên nhiều người tò mò.

Hiện, anh Khuyến đang ươm một lứa giống mới, khoảng 2 tháng nữa có thể cung cấp ra thị trường. “Mình chỉ cung cấp giống cho những người yêu thích cây trồng. Còn việc loại cây này có được đưa vào quy hoạch cây công nghiệp của Việt Nam hay không là việc của các nhà quản lý. Nhưng bước đầu cho thấy sung Mỹ khá phù hợp với điều kiện tự nhiên của nước mình”, anh nói.

Một lần tình cờ lên mạng, anh Vương Văn Thành (quận Tân Bình) thấy nhiều người hỏi tìm mua cây sung Mỹ. Sẵn tại vườn nhà có khoảng hơn 10 cây, anh rao bán với giá 300.000 đồng một cây. “Tôi cũng không rõ họ cần mua về làm gì, nhưng thấy rất nhiều người hỏi nên bán. Thậm chí có người sẵn sàng trả 500.000 đồng để mua cây 2 năm tuổi. Do thị trường có nhu cầu, nên tôi cũng tính nhân rộng số lượng cây này thời gian tới”, vị này cho hay.

Tại một số diễn đàn về nông nghiệp, cây sung Mỹ là một trong những topic thu hút sự quan tâm của nhiều thành viên. Ngoài việc trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc, không ít thành viên đang giao dịch giống loại cây này với giá dao động 50.000-100.000 đồng một cây.

Nickname Liennt không giấu diếm kế hoạch làm giàu từ loại cây này. Thành viên này cho biết qua tìm hiểu loại cây này mỗi năm cho ra 2 đợt quả. Một cây to sản lượng có thể trên dưới cả chục tấn quả trong một năm. Khi quả chín không cần chế biến chỉ cần phơi hoặc sấy khô, đóng gói đã có thể bán.

“Chắc chắn thời gian tới nhu cầu về trái sung rất lớn vì tốt cho sức khỏe.Mình đang tính trồng thử khoảng trăm cây xem thế nào. Nếu chưa thể làm giống cây thì có thể sấy quả để bán”, chị chia sẻ. Song, điều chị băn khoăn là trên thị trường chưa có cơ sở nào sản xuất giống quy mô lớn. Nếu mua lẻ thì mỗi nơi mỗi giá nên khá đắt.

Do tốt cho sức khỏe nên sung Mỹ sấy đang được bán với giá khá đắt.

Không chỉ giống cây được săn lùng, sản phẩm trái sung Mỹ sấy nhập khẩu bán online cũng khá đắt khách dù có nhiều mức giá khác nhau. Theo một nhân viên bán hàng tại một web chuyên bán các loại hạt nhập khẩu, nếu như trước đây mặt hàng này chủ yếu cung cấp cho các khách sạn, hiệu thuốc Đông y, thì thời gian gần đây đơn hàng từ khách lẻ cũng tăng đột biến.

“Có ngày mình nhận order cả vài chục kg”, anh cho biết. Do vậy, thay vì nhận đơn mới lấy hàng thì nay, địa chỉ này luôn có sẵn hàng để bán và giao hàng toàn quốc. Giá bán một kg sung Mỹ tại đây được bán với giá 600.000 đồng.

Cùng trọng lượng một kg, trong khi đó, tại một số địa chỉ khác, giá bán lại dao động từ 480.000-530.000 đồng. Theo các nhân viên tư vấn, nếu như quả sung ta kích thước nhỏ và có vị chát thì sung Mỹ khá to, có vị ngọt bùi. Thành phần quả nhiều có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nên ngoài sử dụng, khách hàng đặt mua làm quà tặng, quà biếu cũng khá nhiều.

“Không ít người ăn chay cũng mua về để làm thực phẩm hàng ngày. Ngoài ra, có thể làm đồ tráng miệng hoặc chế biến các món nước uống giải khát tùy thích”, một nhân viên cho hay. Cũng theo các địa chỉ bán hàng, hầu như sản phẩm không được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị, chủ yếu chỉ bán qua kênh trực tuyến do đó lượng hàng không nhiều.

Nguồn: Vnexpress.net được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật chiết, giâm, và ghép cành Sung Mỹ

Sung mỹ là loại trái giàu chất dinh dưỡng và có giá trị cao. Để nhân giống cây sung Mỹ có nhiều cách. Fman xin giới thiệu một số cách sau:

Chiết cành:

– Chọn những cây có cành khỏe mạnh, dạng bánh tẻ, đường kính thân khoảng 0,7cm (bằng cây bút chì). Chiều dài của cành chiết (từ ngọn đến bầu chiết) 0,15 – 0,4m (tùy cây).

– Xử lý hỗn hợp để bó cành chiết: rễ lục bình phơi khô, rửa nước sạch (tránh trường hợp lục bình ở nơi nước phèn, ánh hưởng đến việc ra rễ). Có thể thay lục bình bằng bụi xơ dừa hoặc hỗn hợp rơm mục, tro trấu, phân bờ, đất mùn.

– Mở da cành chiết: dùng dao bén cắt khoanh phần vỏ cành chọn chiết, chiều dài vỏ ước tính bằng chu vi cành cắt, bóc bỏ phần vỏ. Xử lý kích thích tố và không xử lý kích thích tố. Trộn hỗn hợp xong, tạo độ ẩm đắp xung quanh vết bóc vỏ

– Bó theo hai cách: bó kín va bó hở:

+ Bó kín: sau khi bóc vỏ cành hoặc thân cây, để hai ngày sau hoặc có thể bó ngay. Dùng lục bình khô đã ngâm nước trước bóp nhẹ cho nước chảy ra và quấn quanh nơi bóc vỏ. Bên ngoài bầu, dùng miếng nylon đã cắt sẵn có kích thước phủ trọn bầu lục bình, quấn phủ hai đầu, xong đùng hai sợi dây nylon cột lên chặt hai đầu lục bình.

+ Bó hở: kỹ thuật cũng giống như bó kín, nhưng thay vì bó kín hai đầu lục bình chúng ta chí cột dây ở giữa miếng nylon đã quấn bầu lục bình có thể dùng sợi dây nylon lớn cột.

Phương pháp này cần tưới nước thường xuyên lên bầu lục bình để giữ ẩm độ, nhất là lúc trời nắng.

Giâm cành:

– Sử dụng 2 phương pháp: giâm cành trong chậu và giâm cành trực tiếp trên luống.

– Xử lý đất phân: khử trùng nấm bệnh bằng formol hoặc furadan. Trộn hỗn hợp trồng theo tỷ lệ đất: tro trấu : phân là 2 : 1 : 1 cho hỗn hợp vào chậu hoặc vào luống, nén chặt đều.Tưới đẫm nước hỗn hợp trồng 1 – 2 giờ rước khi tiến hành giâm cành. Lấy cành giâm tại chỗ trong vườn, neeus di chuyển ra cần có cách bảo quản cho tốt (giữ ấm, tránh nắng trực tiếp, tránh va chạm). Chọn cành giâm dạng bánh tẻ, dùng dao bén cắt cành giâm thành các đoạn dài 12- 15cm, không được cất dập cành giâm.

– Cành giâm: có thể giữ nguyên lá hoặc cắt bỏ một phần hoặc cắt bỏ hết lá.

Tiến hành giâm theo 2 cách:

+ Cách 1 : có xử lý kích thích tố ra rễ (ANA, AIA, AIB,… )

+ Cách 2: không xứ lý kích thích tố ra rễ.

Phần gốc cành giâm cắm sâu vào hỗn hợp trong 2 – 3,5cm, nén chặt xung quanh gốc. Sau khi tiến hành thao tác giâm xong, tưới phun sương bằng hơi nước thường (chỉ tưới ướt phần trên lá hoặc thân cây mà thôi). Trong vòng 20 ngày đầu, chỉ phun sương nước thường ở phần trên của lá. Sau 20 ngày có thể tưới dung dịch dinh dưỡng (hoặc ure) cho cây (1 lần/1 tuần).

Điều kiện ra rễ:

+ Nhiệt độ xung quanh: 25 – 30oC.

+ Độ ẩm xung quanh: 70 – 80 %

+ Ánh sáng; 50%.

Thời gian ra rễ : tùy loại cây , trung bình 15- 30 ngày.

Ghép cành:

– Chuẩn bị gốc ghép trước khi ghép 1 – 2 tháng cần chuẩn bị gốc ghép sẵn, gốc ghép phải thẳng, rê trụ đều (không hình cổ thiên nga).

– Chuẩn bị lấy mắt ghép, cành ghép: trước khi ghép 1 tuần, cần chọn cành ghép của cây mẹ có sẵn để xử lý bằng cách bấm ngọn.

Sung Mỹ. vị trí ghép 10 – 15 cm từ gốc lên.

– Trước khi ghép: tưới đẫm gốc ghép trước 1 – 2 ngày.

+ Ghép mắt: Chọn những mắt đã lộ chồi non từ nách lá của cây mẹ, dùng dao bén nhọn xén mắt ghép ra, nên làm việc này vào lúc sáng sớm hoặc xế chiều, khi khí trời mát mể. Và hễ tách mắt ghép ra là phải đem ghép ngay vào gốc ghép mới tốt. Trên gốc ghép, dùng dao nhọn rạch hình chữ T có bề cạnh cờ 1 cm ở ngoài lớp vỏ. Kế đó, tách 2 mép vỏ rộng ra để nhét vừa vặn mắt ghép vào. Dùng dây nylon cột chặt lại nhiều vòng (trừ phần mắt ghép ra) để tránh nước mưa cũng như nước tưới xâm phạm vào.

+ Ghép nêm: Chọn cành ghép và cành gốc ghép có đường kính bằng nhau. Bỏ hết lá cành gốc ghép, cắt bỏ phần ngọn non, rồi dùng dao bén vạt sâu vào theo hình chữ V, cành dùng ghép được vạt hình lưỡi búa. Đứt đầu nhọn của lưỡi búa lọt khít vào hình chữ V của gốc ghép là được. Bên ngoài, dùng dây nylon cột chặt lại để giữ yên chỗ nối.

– Sau khi ghép: không được tưới 2 – 3 ngày, nhất là nơi ghép (để tránh làm thối mắt ghép).

– Thời gian thành công: Sung Mỹ 10 – 15 ngày.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng Cây Sung Mỹ

Do rất thích hợp với điều kiện nhiệt độ ở Việt Nam nên hiện nay khá nhiều người áp dụng kỹ thuật trồng cây sung Mỹ tại nhà vừa làm cảnh vừa có quả ăn thơm ngon.

Do rất thích hợp với điều kiện nhiệt độ ở Việt Nam nên hiện nay khá nhiều người áp dụng kỹ thuật trồng cây sung Mỹ tại nhà vừa làm cảnh vừa có quả ăn thơm ngon.

Cây sung Mỹ có tên khoa học là Ficus carica, thuộc họ dâu tằm (Moraceae) được trồng nhiều ở vùng khí hậu Địa Trung Hải như Ý, Tây Ban Nha nhất là ở bang California của Hoa Kỳ. Tại Việt Nam sung Mỹ được thử nghiệm trồng từ năm 2003 tại Lâm Đông và hiện nay 1 số tỉnh đã có cây sung này chủ yều theo còn đường xách tay.

Vốn là cây ôn đới, sung Mỹ (sung ngọt) có thể cao đến 6m, là loại cây ôn đới, lá to có 3 hoặc 5 thùy. Quả chín có vị ngọt thanh có thể ra quả quanh năm. Quả sung Mỹ đối với chúng ta không chỉ là loại trái cây mới lạ hấp dẫn mà còn mang lại ý nghĩ sung túc. Sung Mỹ được trồng ở vườn làm cây ăn trái, làm cảnh hoặc trồng trong chậu.

Nói tới kỹ thuật trồng cây sung Mỹ cũng khá đơn giản bởi đây là giống cây cho trái rất sớm từ 6-8 tháng đã bắt đầu ra quả và rất sai, chăm sóc đơn giản, ít sâu bệnh cũng như có thể làm bonsai.

Cây sung Mỹ có quả chín ăn ngon ngọt được nhiều người săn tìm và mua.

Ánh sáng và đất trồng thích hợp của cây sung Mỹ

Sung Mỹ không thích hợp với những nơi có ánh sáng gay gắt, vì vậy nên để cây ở những nơi có cường độ ánh sáng thấp. Sung không kén đất, thích hợp với nhiều loại đất miễn là đất không bị khô hạn từ đất đỏ ba zan, đất cát pha, đất thịt đến đất thấp hơi phèn. Nên bón lót với vôi, phân chuồng hoai mục, phân lân rồi phơi ải từ 15 – 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Hạt giống và thời vụ trồng cây sung Mỹ

Vì chưa được trồng phổ biến ở khắp nơi nên khi mua hạt giống nhất định phải tới cửa hàng uy tín. Khi lựa chọn phải quan sát độ mẩy của hạt, tỉ lệ nảy mầm cao, không sâu bệnh.

Về thời vụ, cây sung Mỹ có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất là đầu mùa mưa (giữa tháng 5 – 6).

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sung mỹ

Khi mua hạt giống tại các cửa hàng về nên xử lý bằng cách ngâm hạt trong khoảng 15 phút cho hạt ngấm đủ nước, sau đó bạn có thể gieo hạt vào trong bầu đất đã chuẩn bị sẵn trước đó. Lưu ý khi gieo hạt xong nên tưới nước ẩm cho hạt nhanh mọc mầm.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sung Mỹ đơn giản, quả vẫn sai và ngon.

Chỉ khoảng 1 tuần mầm cây sung Mỹ đã bắt đầu mọc mầm. Thời gian này nên duy trì tưới nước đầy đủ nhất là vào mùa khô. Sung Mỹ không thích hợp với những nơi có anh sáng gay gắt, vì vậy nên để cây ở những nơi có cường độ ánh sáng thấp.

Khi trồng cây sung được khoảng một thời gian ngắn nên bổ sung chất dinh dưỡng bằng cách bón phân cho cây sinh trưởng nhanh. Ngoài việc bón phân cũng cần cắt tỉa cành lá để cây tiếp tục ra nhiều nhánh mới, mầm tốt và xanh.

Nếu bạn muốn quả ra nhanh chóng hãy kích thích sung bằng cách ngừng tưới nước nửa tháng, đồng thời vặt bỏ lá. Sau khi cây ra đợt lá mới sẽ tiếp tục chăm sóc và cây cho ra nụ hoa, ra quả như ý mong muốn.

Tác dụng của quả sung Mỹ

Dù là cây lâu năm nhưng trồng sung Mỹ cho thu hoạch quả cũng khá nhanh chỉ cần nửa năm. Sở dĩ hiện được nhiều người tìm mua không chỉ bởi sung Mỹ tạo được cảnh quan trong vườn nhà mà quan trọng là quả sung ngọt đã được dùng để chữa trị đủ mọi loại bệnh từ thời xa xưa.

Sung Mỹ chứa nhiều khoáng chất và có tính ‘kiềm’ hơn các trái cây khác, sung giúp tạo năng lượng và kích thích vui sống. Quả Sung tươi hay khô đều rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp nhuận truờng trị táo bón do chứa nhiều mucin và những hạt rất nhỏ của quả giúp thu tiêu các độc tố, chất nhày trong ruột và tống xuất ra ngoài cơ thể.

Các nghiên cứu sinh học cho thấy sung Mỹ còn giết đuợc các vi khuẩn độc hại trong ruột đồng thời giúp sự tăng truởng của các vi khuẩn acidophilus (vi khuẩn tốt cho ruột). Những người không uống đuợc sữa nên ăn sung vì sung chứa lượng Calcium khá cao và đây là dạng calcium mà cơ thể rất dễ hấp thu.

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Quả sung to như trứng vịt ăn ngọt mát khiến chị em săn tìm

Quả to bằng quả trứng vịt, chín có vị ngọt thanh mát, khác hoàn toàn vị sung Việt Nam nên sung Mỹ được nhiều người đặt mua dù giá đắt đỏ, tới 350.000 đồng/kg. Một số nhà vườn còn phải từ chối bớt khách vì không đủ hàng để cung cấp.

Hơn 8 giờ sáng, vừa vào facebook cá nhân để thông báo đã có 30 hộp sung Mỹ (15kg) về đến cửa hàng cho khách đặt mua, quay đi quay lại trong vòng nửa tiếng, toàn bộ số sung Mỹ của chị Trương Thị Mai – một đầu mối chuyên bán các loại quả độc lạ ở Nguyễn Thị Định (Cầu Giấy, Hà Nội) – đã được khách khuân hết sạch.

Chị Mai cho biết, trên thị trường, cây giống sung Mỹ được bày bán khá nhiều. Thế nhưng, quả sung Mỹ thương phẩm thì rất ít cửa hàng bán vì nguồn cung của các nhà vườn rất hạn chế. Hiện chủ yếu các nhà vườn phía Nam trồng loại sung này, miền Bắc chưa có nhà vườn trồng cho quả thương phẩm.

Sung Mỹ đang được thị trường ưa chuộng với giá bán từ 300.000-350.000 đồng/kg
“Đây là loại quả khá mới mẻ, ăn có vị rất đặc biệt, khác hoàn toàn với sung của Việt Nam”, chị Mai nói. Nếu sung của Việt Nam chỉ bằng đầu ngón tay cái, có vị chát nên thường chỉ dùng làm món sung muối, thì sung Mỹ quả rất to, nhiều quả bằng nắm tay, nặng tới 2 lạng/quả. Đặc biệt, khi sung vừa chín ăn có vị ngọt thanh rất dễ ăn, chín tới bên trong sẽ chảy mật ra (giống như kiểu mật trong khoai lang) ăn sẽ ngọt đậm đà.

Một hộp sung 6 quả có giá 150.000-170.000 đồng, tùy trọng lượng. Tính ra, giá bán là 350.000 đồng/kg.

Dù loại sung này khá đắt đỏ nhưng khách lại mua về ăn rất nhiều. Lần nào sung về tới cửa hàng cũng hết ngay lập tức. Chị Mai cho hay, mới đầu chị còn nhận đặt hàng trước, nhưng rồi “vỡ trận”. Bởi, sung mỗi tuần chỉ về một lần, mỗi lần được 15-20kg. Trong khi, khách đặt mua ồ ạt, hàng về không đủ trả đơn lại phải hẹn khách lần sau.

Loại sung này quả khá to, có quả nặng gần 2 lạng.

Thế nên, hai tháng nay, cứ có sung về chị mới thông báo để khách đặt mua luôn trong ngày, chị Mai chia sẻ.

Tương tự, chị Uyên Lê, chủ một cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Bà Lê Chân (quận 1, TP.HCM) cũng thừa nhận, sung Mỹ đang là loại quả rất hot và được nhiều người đặt mua. Cửa hàng của chị luôn trong tình trạng cháy hàng.

Sung Mỹ này đắt gấp khoảng 15-20 lần sung Việt, với mức giá 300.000 đồng/kg. Khách muốn ăn phải đặt trước ít nhất 1-2 ngày.

Nguồn cung loại sung này trên thị trường chưa nhiều. Hiện đầu mối nhà vườn trên Đà Lạt chỉ cung cấp 2 lần mỗi tuần cho cửa hàng chị, số lượng ít nhiều tùy vào sung có chín rộ không. Ít thì về khoảng 10 kg, nhiều nhất cũng chỉ 15 kg.

Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Nguyễn Văn Tuyển, chủ của vườn sung Mỹ rộng 700m2 ở Lạc Dương (Lâm Đồng), cho biết, anh biết đến cây sung Mỹ từ năm 2008, 1 năm sau anh bắt đầu nhập giống về trồng thử. Kết quả, cây phát triển khá tốt nhưng ít quả.

Sau đó, anh chuyển sang nhập giống sung khác cũng của Mỹ về trồng thì sung cho quả nhiều hơn. Thế nên, hơn một năm nay, cây đã cho quả thương phẩm bán ra thị trường.

Sung Mỹ rất dễ trồng. Chúng là cây ưa khô (phù hợp trồng trong nhà kính), cần nhiều ánh sáng. Cây trồng khoảng 2 tháng bắt đầu bói quả, từ đó đến lúc quả chín mất khoảng 1 tháng.

Nguồn cung sung Mỹ trên thị trường hiện nay chưa nhiều. Thế nên, một số nhà vườn trồng sung Mỹ thường phải từ chối bớt khách

“Sung Mỹ cho quả quanh năm. Tuy nhiên, vì là cây thích hợp với điều kiện khô, nắng nên thời điểm từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau sẽ cho quả rộ nhất”. Anh Tuyển nói thêm, không giống sung Việt Nam cho quả theo chùm, sung Mỹ cho quả đơn. Cứ mỗi kẽ lá có một quả. Mỗi cây sung Mỹ cho từ 300-350 quả/năm.

Sung to bằng quả trứng vịt, trung bình khoảng 15-16 quả được 1kg. Khi sung chín, ăn có vị ngọt thanh mát rất đặc biệt. Quan trọng là, khi bổ ra, sung Mỹ không có côn trùng nên rất sạch.

Khoảng 3 tháng nay, vườn sung bắt đầu cho thu hoạch nhiều hơn với số lượng 15-20kg/ngày. Số sung thu hoạch được được anh phân phối cho các chủ hàng ở Đà Lạt, TP.HCM.

“Số hàng này chỉ đủ bán sỉ cho vài mối, với 1-2 lần/tuần”. Anh Tuyển chia sẻ, các mối lấy sung hiện đều là mối quen thân. Nhiều khách ở Hà Nội đăng ký lấy thường xuyên nhưng anh đều từ chối vì không đủ hàng. Thỉnh thoảng có đợt chín rộ, thu hoạch được nhiều anh mới gửi ra Hà Nội.

Nguồn: VietNam.net được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc Cây Chôm Chôm cho sai quả

Chôm chôm là loại trái cây được nhiều người ưa thích nhờ hương vị thơm ngon. Thịt chôm chôm chứa rất nhiều chất xơ giúp cơ thể dễ dàng loại bỏ chất thải, tiêu diệt ký sinh trùng, loại bỏ độc tố trong thận, bổ máu, giảm đau đầu, chữa lỵ, làm đẹp, giảm cân…

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và hạt giống

Đất trồng

Cây chôm chôm ưa phát triển trên đất không bị nhiễm mặn, đất thịt pha cát hay sét, tầng canh tác dày, thoát nước tốt và có độ pH từ 4,5 – 6,5.

Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 15 – 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Đào hố có kích thước 50cm x 50cm x 50cm, khi đào hố để riêng đất trên mặt ra một bên. Mỗi hố bón từ 10 – 15kg phân chuồng đã ủ hoai, 200 – 300g lân, trộn đều với đất mặt xung quanh.

2. Chọn giống và trồng cây

Hiện nay trên thị trường có nhiều giống chôm chôm như chôm chôm tróc, chôm chôm thái, chôm chôm nhãn… Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn có thể mua sẵn cây giống ở vựa giống.

Dùng cuốc đào một lỗ nhỏ giữa hố trồng sâu hơn chiều cao túi đựng cây giống khoảng 2 – 3cm. Lấy dao sắc rạch một đường xung quanh túi nilon, cách đáy 2 – 3cm, bóc lấy đáy túi ra. Xem xét bộ rễ, cắt bỏ tất cả các phần rễ cái, rễ con ăn ra khỏi bầu đất, sau đó mới đem cây đặt vào hố trồng.

Dùng tay lấp và ém chặt lớp đất xung quanh để cố định gốc cây con không bị gió lay, chú ý đặt cây vào hố trồng sao cho sau khi trồng cổ rể ngang với mặt đất xung quanh, không trồng âm hay lấp phần thân cây. Sau khi trồng làm bồn đường kính 1 – 1,2 m, để khi tưới nước không chảy ra ngoài.

Trồng xong nhất thiết phải lấy cọc cắm, buộc cành vào cọc tránh gió lay gốc. Tưới nước giữ ẩm cho cây.

3. Chăm sóc

Tưới nước ngay sau khi trồng (trồng vào đầu hay giữa mùa mưa sẽ đỡ công tưới nước). Nếu trồng trong mùa khô phải tưới nước thường xuyên cho chôm chôm ít nhất 1 tháng đầu. Tuy nhiên, trồng trong điều kiện ngập úng, đất đóng váng hay tưới quá nhiều nước dễ dẫn đến thoái hóa rễ do đó chúng ta nên xem xét tưới khi nào cần thiết.

Trong năm đầu, việc cắt tỉa cành nhằm mục đích là tạo cho cây có hình dáng khỏe mạnh, đầy đặn, cành lá tỏa đều quanh cây. Sau khi trồng nên cắt ngọn ở độ cao 60 – 70cm. Sau khi ngọn bị cắt sẽ có những cành mọc ra từ gốc và thân cây, nên chọn để lại những cành khỏe mập mọc cách xa nhau vừa phải, khoảng từ 4 – 5 cành mọc đều quanh thân, cành thấp nhất phải cao hơn mặt đất ít nhất là 70cm. Khi các cành này mọc dài ra thì cắt ngọn chỉ chừa lại chiều dài khoảng 30 – 40 cm tính từ chỗ chạc lên.

Việc cắt tỉa được tiến hành đều đặn trong suốt 18 tháng đầu. Sau đó không cắt tỉa nữa mà để cây mọc tự nhiên và chỉ cắt tỉa những cành vô ích như: Cành cong queo, cành mọc chồng chéo nhau, cành sâu bệnh…

Bón phân:

Năm thứ 1: Sau khi trồng cứ 1 – 1,5 tháng bón phân 1 lần, bón cho mỗi gốc 50 – 100g NPK (15:15:15).

Năm thứ 2: Lượng bón cho một gốc là 100g N+50g K2O (200g urê+80g KCl). Chia làm 2 lần để bón vào đầu và cuối mùa mưa.

Năm thứ 3: Cây bắt đầu cho quả, lượng bón cho một cây là 1,5 phân NPK theo tỷ lệ 2:1:2. Chia ra bón 2 lần vào trước ra hoa và sau khi thu hoạch.

Năm thứ 4: Lượng phân tăng so với năm trước 0,5-1,0 kg/cây. Giữ nguyên tỷ lệ NPK là 2:1:2. Chia thành 4 lần để bón:

+ Lần 1: sau khi thu hoạch quả tiến hành tỉa cành, bón toàn bộ lân, 1/3N và 1/3 K2O.

+ Lần 2: trước khi nở hoa: bón 1/3N.

+ Lần 3: khi quả có đường kính 1-2cm. Bón 1/3 N và 1/3 K2O.

+ Lần 4: trước khi thu hoạch 1 tháng: Bón 1/3 kali.

Những năm sau để đảm bảo cây cho quả ổn định, lượng phân bón được tăng dần lên:2-3 kg NPK cho một cây trong 1 năm và 10-30 kg phân chuồng.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chôm chôm cho quả sai trĩu trịt – Ảnh 4

Chôm chôm chín.

4. Thu hoạch

Tùy giống mà thời gian thu hoạch chôm chôm sẽ khác nhau. Thông thường khoảng 3 – 5 năm sau khi trồng là chôm chôm bắt đầu cho trái bói.

Sau thu hoạch đợt trước tỉa bỏ hoàn toàn các phát hoa đã cho trái, cắt bỏ cành khô, chồi vượt, bón phân hóa học, phân hữu cơ để cây nhanh phục hồi.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.