Bí quyết vươn lên làm giàu từ sầu riêng

Những vụ sầu riêng gần đây, nhiều nông hộ được mùa, trúng giá, tiêu thụ nhanh gấp nhiều lần so với trước.

Nhân viên của Syngenta hướng dẫn kỹ thuật canh tác và cách quản lý sâu bệnh hại sầu riêng

Thời tiết khá thuận lợi cộng với việc bà con đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón phân cân đối kèm theo một số bí quyết trị sâu bệnh nên cây sầu riêng phát triển, cho năng suất cao. Đã có khá nhiều hộ khá lên nhờ loại cây trồng đặc sản này.

Niềm vui chung từ… sầu riêng

Gia đình ông Trần Hữu Phong ở Mỹ Vĩnh, Cai Lậy, Tiền Giang trước đây trồng màu trên đất vườn tạp, thu nhập rất bấp bênh. Gần 20 năm trước, ông Phong chuyển sang trồng sầu riêng và đến giờ, ông vẫn thấy đây là sự thay đổi cây trồng hợp lý. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên diện tích sầu riêng Ri6, Monthong của gia đình ông Phong cho năng suất bình quân 2,5-3 tấn/công (1.000m2). Đặc biệt, quả sầu riêng có gai đều, đầy hộc rất được thương lái ưa chuộng.

Với giá bán như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông Phong thu lãi hàng trăm triệu đồng. Từ một hộ khó khăn, gia đình ông Phong đã vươn lên có thu nhập khá, có điều kiện cho con cái ăn học đàng hoàng.

Niềm vui của ông Phong cũng là niềm vui chung của nhiều bà con nông dân trồng sầu riêng ở Tiền Giang, đặc biệt là nông dân vùng chuyên canh, khi loại trái cây đặc sản này mang lại cho bà con nguồn lợi kinh tế rất lớn.

Không chỉ ở Tiền Giang, đến thăm gia đình ông Phạm Văn Hoán ở xã Hòa Trung, huyện Di Linh, Lâm Đồng, ông Hoán dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê trồng xen với sầu riêng gần 10 năm tuổi của mình.

Ông Hoán cho biết cà phê là cây ưa bóng, sầu riêng lại là cây có tán rộng, khi trồng xen canh với mật độ thích hợp sẽ có tác dụng hỗ trợ cho nhau. Sầu riêng không chỉ giúp che nắng mà còn tận dụng được lượng nước và phân dư thừa bón cho cây cà phê. Những vườn cà phê trồng dưới tán sầu riêng vẫn cho năng suất ổn định từ 5 – 5,5 tấn/ha.

Bắt đầu trồng sầu riêng từ năm 2012, đến nay ông Hoán đã có 300 cây sầu riêng, trong đó có 30 cây đang cho thu hoạch với năng suất trung bình 200kg/1 cây, tương đương 18-20 tấn/ha. Hằng năm, lợi nhuận thu được từ sầu riêng của gia đình ông Hoán khoảng 300 triệu đồng.

Ông Hoán nhận thấy việc trồng xen sầu riêng với cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, ông vẫn không trồng độc canh mà chỉ xen canh, mùa nào quả đấy.

Ông Hoán phấn khởi cho biết, không chỉ được mùa, được giá mà nông dân phấn khởi vì hiện thương lái đến tận vườn đặt cọc thu mua sầu riêng nên người ông hoàn toàn yên tâm về đầu ra cho sản phẩm.

Giống như những cây trồng khác, những nông hộ canh tác cây sầu riêng đều canh cánh nỗi lo sâu bệnh. Tuy tốc độ gây hại của bệnh không tức thời như đối với các cây trồng khác như cây tiêu hay cây cà phê, nhưng nếu không chú ý, thiệt hại do bệnh trên cây sầu riêng sẽ lớn hơn do loại cây này có thời gian phục hồi lâu hơn, tốn thời gian và công sức hơn.

Bí quyết trị bệnh nằm ở đâu?

Theo ông Phong, lúc mới chuyển sang trồng sầu riêng, ông cũng phải đi học hỏi nhiều nơi, nhất là tại các hội thảo dành cho nông dân. Tại đây, ông được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn khá tỉ mỉ về quy trình, cách chăm sóc cây. Ông được biết trong số các bệnh trên cây sầu riêng, mối quan tâm của các nhà vườn là bệnh do nấm Phytophthora gây ra. Bệnh này gây ra tình trạng thối nứt thân xì mủ và đặc biệt là thối rễ. Nấm phát triển và lây lan mạnh trong đất làm cho bộ rễ bị hư hại, làm giảm khả năng hấp thu nước và chất dinh dưỡng dẫn đến hiện tượng nứt thân xì mủ, có thể gây chết cây hàng loạt.

Cũng nhờ có các chuyên gia nông nghiệp, ông mới biết một trong những tác nhân làm trung gian lây lan bệnh trên cây sầu riêng chính là tuyến trùng. Triệu chứng khi bị tuyến trùng gây hại là rễ cây có nhiều vết sưng hoặc vết thương, khi đó, nấm Phytophthora sẽ “lần theo” nhưng vết thương này để tấn công làm thối rễ, dẫn đến giảm hay mất khả năng hấp thu, khiến cây vàng lá, thiếu dinh dưỡng và chết dần, đặc biệt là bệnh có thể gây hại cả cây con.

Trên thực tế, tuyến trùng luôn hiện diện trên đất trồng, khó lòng diệt trừ triệt để. Nếu muốn tránh nấm Phytophthora lây lan qua con đường tuyến trùng, nhà vườn cần đồng thời áp dụng nhiều biện pháp.

Ông Phong cho biết: Đầu tiên, phải chú ý khâu chọn giống sạch nấm bệnh, làm đất kỹ, thiết kế hệ thống cấp và thoát nước hợp lý, tránh ngập úng, tăng cường bón phân hữu cơ và vôi bột hàng năm, quản lý cỏ dại… Nếu đã làm tốt những khâu này thì nguy cơ bệnh hại là rất thấp. Tuy nhiên, một khi bệnh xuất hiện thì lúc đó phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ nấm và tuyến trùng.

Ông Phong kể: “Lúc đầu tôi cũng không biết bí quyết gì đâu. Một lần tham dự khóa tập huấn cho nông dân trong hợp tác xã, tôi may mắn được một chuyên gia của Syngenta bày cho sử dụng Tervigo 020 SC tưới gốc để trị tuyến trùng trên cây sầu riêng. Tôi đã từng nghe là Tervigo 020SC có hiệu quả đối với cà phê, hồ tiêu, thanh long… nhưng không ngờ, với cây sầu riêng, hiệu quả cũng rõ rệt luôn. Tôi được biết là tuyến trùng thường chỉ xâm nhập ở tầng đất mặt từ 0-20cm và cũng là nơi mà rễ tơ của cây sầu riêng phát triển mạnh, gặp Tervigo, tuyến trùng đúng là gặp khắc tinh luôn đó”.

Tervigo là sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, với hoạt chất Abamectin, đặc trị tuyến trùng, khi tưới gốc sầu riêng kèm theo loại thuốc trừ nấm đặc hiệu sẽ giúp ngăn ngừa thối sưng rễ và vàng lá. Do được sản xuất bằng công nghệ huyền phù đậm đặc nên khi tưới vào đất Tervigo sẽ được duy trì quanh vùng rễ, nhờ đó hiệu lực trừ tuyến trùng kéo dài, giúp tiết kiệm chi phí, tối ưu hiệu quả đầu tư.

“Nhiều người cứ hỏi tôi bí quyết khiến cây sầu riêng khỏe, xanh mướt. Thực ra do Tervigo được sản xuất theo công nghệ Chelate sắt, nên ngoài khả năng diệt tuyến trùng hiệu quả sản phẩm còn cung cấp thêm vi lượng sắt cho cây, đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp nên diệp lục tố, gián tiếp kích thích cây trồng ra rễ mạnh hơn sau khi được tưới vào vùng rễ. Đây là lý do vì sao mà sau khi tưới Tervigo, cây sầu riêng khỏe, xanh lá, ra nhiều rễ non,cuối cùng là vườn sầu riêng cho năng suất cao”, ông Phong nói.

“Qua kinh nghiệm sử dụng thực tế, tôi nhận thấy Tervigo ít ảnh hưởng đến giun và các vi sinh vật đất, do vậy rất yên tâm sử dụng. Thực ra bí quyết của tôi chỉ có vậy thôi, rất đơn giản và ai cũng có thể áp dụng được”, ông Phong cười.

Còn theo ông Hoán, khi thực hiện mô hình trồng xen cây cà phê và sầu riêng, ông được tư vấn kỹ thuật và cách quản lý sâu bệnh hại trên cà phê và sầu riêng rất tỉ mỉ.

“Lúc mới trồng, một số cây cứ vàng lá, rồi cây con cứ phát triển được một thời gian là chết yểu, tôi cũng lo lắm. Sau mới biết thủ phạm là nấm, mà tác nhân trung gian là tuyến trùng nên tôi đã sử dụng ngay sản phẩm Tervigo kết hợp với thuốc trừ nấm. Các kỹ sư của Syngenta đã hướng dẫn tỉ mỉ cho tôi quy trình canh tác, đặc biệt là hướng dẫn cách sử dụng thuốc BVTV tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo an toàn cho sức khỏe nông dân cũng như cây trồng, tránh dư lượng trên sản phẩm,” ông Hoán nói.

Ông Nguyễn Huy Cường – đại diện Công ty Syngenta cho biết hiện đang bước vào đầu mùa mưa, ẩm, thời điểm dễ phát sinh các dịch bệnh trên cây trồng. Nếu không chăm sóc sầu riêng hợp lý, dịch bệnh có thể bùng phát làm ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Để cây sầu riêng cho năng suất, chất lượng cao bà con cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp trồng và chăm sóc khác nhau, cải tạo đất canh tác tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho cây sầu riêng phát triển.

Để hạn chế nấm Phytophthora palmivora lây lan, bà con cần thăm vườn thường xuyên để phát hiện nấm bệnh, chú ý vệ sinh vườn thường xuyên, sử dụng thuốc BVTV đúng liều lượng.

“Không riêng gì với cây sầu riêng, Syngenta mong muốn hỗ trợ bà con chăm sóc tất cả các loại cây trồng thông qua các sản phẩm hiệu quả, chi phí hợp lý, cho năng suất cao. Sự tin tưởng của bà con khi lựa chọn sản phẩm của Syngenta Việt Nam chính là thước đo cho những thành quả mà chúng tôi đạt được trong suốt thời gian qua. Chúng tôi mong bà con trồng sầu ai cũng giàu, mà không ai rầu cả”, ông Cường nhấn mạnh.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Sử dụng phân bón lá cho Sầu Riêng giai đoạn nuôi trái

Ngoài việc áp dụng kỹ thuật xử lý để cho sầu riêng ra hoa, đậu trái sai, thì việc chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng cho cây giữ vai trò rất quan trọng.

Bổ sung phân bón cho lá trong giai đoạn nuôi trái của cây sầu riêng là yếu tố hết sức cần thiết

Tùy từng giai đoạn mà nhà vườn sử dụng cách bón phân như thế nào cho hiệu quả nhất, đặc biệt là giai đoạn mang trái.

Theo Phó giáo sư, TS Trần Văn Hưu – trường Đại học Cần Thơ, nhà vườn thường hay sử dụng phân bón qua lá trong điều kiện cây bị khô hạn hoặc ngập nước – khi cây không thể hấp thu dinh dưỡng qua đường rễ. Trong giai đoạn nuôi trái, cây lại cho năng suất trái cao, việc hấp thu dinh dưỡng qua rễ sẽ kém, do đó nhà vườn nên bổ sung dinh dưỡng cho cây qua lá, như thế sẽ giúp cây hấp thu nhanh và nuôi trái tốt hơn.

Loại phân được sử dụng trong thời điểm trước khi hoa nở là Bo. Thời điểm sau hoa nở, nhà vườn sử dụng các loại phân thuộc canxi Bo giúp chống rụng trái non. Đối với loại sầu riêng hạt lép – Ri6, việc này sẽ giúp cây giảm hiện tượng cháy múi.

Sau khi đậu trái từ 10 – 15 ngày, với sầu riêng hạt lép, để giảm hiện tượng rụng trái non, nhà vườn dùng thuốc phun qua lá GA3 theo hướng dẫn,… đây là loại thuốc điều hòa sinh trưởng.

Lưu ý: Trong giai đoạn này, cây sầu riêng có nhu cầu bổ sung kali cao và bổ sung một số chất trung vi lượng cần thiết như sắt, kẽm, đồng.

Giai đoạn sau đậu trái khoảng 2 tháng, cần tăng cường thuốc Nitrat Canxi với nồng độ 0,2%, giúp chất lượng trái tốt, giảm hiện tượng trái bị sượng.

Sau 2 tuần, phun tiếp magie cũng với nồng độ 0,2% giúp cơm trái phát triển đầy đủ, hạn chế sượng.

Trước thu hoạch 1 tháng, cần bổ sung thêm thuốc Nitrat kali với nồng độ 0,1% giúp chất lượng trái tốt hơn.

Trong giai đoạn phát triển trái, lưu ý không sử dụng phân có lượng đạm cao vì sẽ làm trái bị sượng.

Quả sầu riêng rất bắt mắt khi được chăm sóc đúng kỹ thuật

Như vậy, ngoài việc bón phân đầy đủ qua gốc, việc bón phân qua lá giai đoạn nuôi trái ở cây sầu riêng sẽ hỗ trợ quá trình phát triển trái và quyết định năng suất, chất lượng của trái, tăng hiệu quả kinh tế khi thu hoạch.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trung Quốc tranh nhau mua: Sầu Riêng tăng giá kỷ lục

Nguồn cung khan hiếm do nghịch vụ, Trung Quốc lại đang tìm kiếm nguồn hàng khiến giá sầu riêng Việt Nam tăng cao kỷ lục, đắt hơn cả giá sầu riêng nhập khẩu.

Giá sầu riêng tăng cao, đắt hơn cả giá sầu riêng nhập khẩu

Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, trong tháng 11/2017, giá sầu riêng trên thị trường đang tăng cao, đạt mức giá 130.000-160.000 đồng/kg. Với mức giá này, giá sầu riêng Việt Nam đang cao hơn sầu riêng nhập khẩu từ 20.000-30.000 đồng/kg.

Theo Bộ này, nguyên nhân tăng giá là do sản lượng giảm bởi điều kiện thời tiết bất lợi khiến năng suất giảm, trong khi đó nhu cầu lại tăng cao đặc biệt từ phía thị trường Trung Quốc. Mặt khác, người tiêu dùng ưa chuộng sầu riêng nội địa hơn là sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan vì vậy thị trường trong nước tiêu thụ sầu riêng mạnh hơn.

Thực tế, một số nhà vườn tại Bến Tre và Tiền Giang cho biết, tuy sầu riêng hạt lép chất lượng không được như năm trước, song họ vẫn thu lợi nhuận khoảng 200 triệu/1.000m² do giá sầu riêng loại 1 xuất bán  tại vườn đạt 90.000 đồng/kg, loại 2 bán được với giá 70.000 đồng/kg.

Trước đó, vào thời điểm đầu tháng 6 năm nay, giá sầu riêng ở ĐBSCL và Lâm Đồng cũng tăng cao mức kỷ lục lên 45.000-55.000 đồng/kg. Thế nhưng, tại thời điểm bây giờ giá sầu riêng bất ngờ vọt tăng lên gần gấp đôi so với thời điểm giữa năm.

Tương tự, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 11 cũng tăng cao, đạt mức kỷ lục trong nhiều năm qua. Theo đó, hiện tại gía ca tra đang dao động ở mức 26.000-28.500 đồng/kg tùy theo chất lượng cá, kích cỡ và phương thức thanh toán; có vùng giá cá lên tới 29.000-30.000 đồng/kg như Đồng Tháp, Vĩnh Long vì khan hiếm nguyên liệu.

Tại An Giang cá tra nguyên liệu trong trọng lượng 0,8-0,9 kg/con, thịt trắng đứng ở mức cao 26.000-27.000 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, giá trung bình cá tra thịt trắng trong tuần này đã lên mức cao nhất là 29.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg so với tháng trước.

Đồng thời, giá cá tra giống cũng đang ở mức cao gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 40.000 – 60.000 đồng/kg (loại 20 con/kg) và 30.000–45.000 đồng/kg (loại 30-35 con/kg). Nguyên nhân khiến giá cá giống tăng mạnh là do nhiều hộ đã chủ động thả nuôi khiến nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung lại hạn chế.

Trong khi đó, tháng 11 này do ảnh hưởng của bão, thị trường rau củ cũng biến động tăng mạnh trong những tuần đầu nhưng vào những ngày cuối tháng thị trường mặt hàng này đã có xu hướng “nguội dần” do nguồn cung đã có dấu hiệu hồi phục. Cụ thể, một số loại rau nhưng bắp cải, hoa lơ, cà chua đã giảm nhẹ khoảng 5.000đồng/kg so với mức đầu tháng.

Theo vietnamnet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Người Trung Quốc “cuồng” Sầu Riêng Malaysia

Chính quyền Malaysia đang tích cực xúc tiến xuất khẩu sầu riêng tươi khi người dân Trung Quốc ngày càng mê loại quả này.

Sầu riêng được bán tại một siêu thị Walmart ở Trung Quốc

Theo số liệu của Liên hiệp quốc, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng trung bình 26% mỗi năm trong thập kỷ qua, đạt giá trị 1,1 tỷ USD vào năm 2016. Thái Lan đang thống trị thị trường này. Tuy nhiên, các chính trị gia Malaysia kỳ vọng rằng ngoại giao sầu riêng có thể thúc đẩy cơ hội cho sầu riêng tươi nước này, bên cạnh dòng sản phẩm đông lạnh.

Hồi đầu tháng 11, một lễ hội sầu riêng đã được tổ chức tại Nanning, miền nam Trung Quốc, thu hút khoảng 165.000 người đến ăn thử sầu riêng tươi giống Musang King.

“Một số người nói rằng bây giờ ở Trung Quốc có hai thứ mà người ta sẽ xếp hàng để mua là iPhone X và sầu riêng Malaysia”, Bộ trưởng Nông nghiệp Malaysia – Ahmad Shabery Cheek, nhân lễ hội sầu riêng ở bang Pahang (Malaysia). Sự kiện này cũng đã thu hút đông đảo người Trung Quốc đến tham dự.

Tại Malaysia, sầu riêng được mệnh danh là vua của các loại trái cây. Khách Trung Quốc đến nước này luôn háo hức tìm các vườn sầu riêng để thưởng thức loại quả thường xuyên bị cấm tại các sân bay, khách sạn và phương tiện giao thông công cộng vì mùi đặc trưng của nó.

Sầu riêng là loại trái cây bị phân cực cảm xúc mạnh mẽ giữa yêu và ghét. Người mê nó thì cảm thấy cuốn hút bởi vị béo ngậy như hòa trộn của đường bột, caramel và kem. Còn người ghét nó thì chỉ ngửi ra mùi của củ hành hay tất bẩn. Theo chuyên gia về thực phẩm và đồ uống Loris Li thuộc công ty nghiên cứu thị trường Mintel Group (Thượng Hải), người Trung Quốc dùng sầu riêng trong nhiều món ăn khác nhau, từ sữa chua, cà phê đến bánh quy và cả pizza.

Theo thứ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia – Ahmad Maslan, sầu riêng và các sản phẩm liên quan đến sầu riêng nằm trong top những sản phẩm được tìm kiếm nhiều nhất trên trang thương mại điện tử Alibaba.com.

Hiện 45.500 nông dân nước này đang bị cấm xuất khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc, mà phải xuất dạng tách múi sẵn. Nguyên nhân là do họ chờ sầu riêng chín và rụng xuống đất để nhặt thay vì chủ động hái trước từ trên cây. Điều này làm Trung Quốc lo ngại nguy cơ dơ bẩn và côn trùng tiếp cận vào quả sầu riêng.

Tuy nhiên, theo ông Ahmad Shabery, các cuộc đàm phán với Trung Quốc có thể giúp cho sầu riêng tươi nước này xuất khẩu trong vòng một năm nữa. Nước này đã hướng dẫn nông dân làm mạng lưới dây để buộc quả sầu riêng, tránh nó rơi chạm đất khi chín.

“Chúng tôi hy vọng sầu riêng nguyên quả sẽ sớm có mặt ở Trung Quốc. Có nhiều loại sầu riêng ở Trung Quốc nhưng mùi vị rất khác với sầu riêng Malaysia, đơn cử như giống Musang King”, Churan Qiang, khách du lịch tham dự liên hoan sầu riêng Pahang đến từ Tây An cho biết. Theo Qiang, một quả sầu riêng thường tách ra được 5 khía, mỗi khía ở Trung Quốc có giá khoảng 100 nhân dân tệ, tương đương 15 USD.

Dù chưa xuất sang Trung Quốc quả tươi trực tiếp thì các nhà vườn sầu riêng Malaysia cũng đang hốt bạc. Du khách nước này lũ lượt kéo sang ăn sầu riêng khiến các trang trại ngày một có giá. Theo đại lý bất động sản Eric Lau, tùy thuộc vào vị trí, một trang trại sầu riêng 6 năm tuổi tại Pahang sẽ có giá tầm 400.000 ringgit mỗi hécta, tương đương gần 100.000 USD. Các trang trạng sầu riêng tuổi đời 10 – 12 năm thì có giá gấp đôi.

Bản thân giá trị của sầu riêng cũng rất béo bở. Theo ông Ahmad Shaber, vườn sầu riêng có thể mang lại 100.000 ringgit mỗi hécta mỗi năm, so với 30.000 đến 40.000 ringgit cho một hécta dầu cọ, loại cây trồng chính của Malaysia.

Với khoảng 400 cây sầu riêng Musang King ở Raub, Eddie Yong là nhà vườn khá nổi tiếng của bang Pahang. Vườn cây của ông cách Kuala Lumpur khoảng 107 km và cách Singapore 460 km. Ông đang buộc phải hạn chế đón 150 khách mỗi ngày sau khi du khách từ Hong Kong và Trung Quốc tăng vọt. “Người ta đi ra khỏi Singapore đến đây chỉ để ăn sầu riêng. Họ đến vào sáng sớm và lái xe trở về trong ngày”, ông Yong cho biết

Gần đây, ông đã từ chối một đề nghị mua lại vườn sầu riêng 4 hécta với giá 5 triệu ringgit từ một nhà đầu tư Trung Quốc. “Họ cho tôi một mức giá tốt, nhưng tôi không muốn bán. Đây là cuộc sống, là niềm đam mê của tôi”, ông Yong nói.

Nguồn: Theo kinhdoanh.vnexpress.net được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.