Bệnh phấn trắng hại cây xoài

Xoài là một trong những cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, có rất nhiều loại dịch hại làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng trái.

 

Cây xoài bị bệnh phấn trắng gây hại.

 

Một trong những dịch hại nguy hiểm thường xuất hiện trong mùa xoài ra lộc nụ non là bệnh phấn trắng hại xoài.

 

Triệu chứng, tác hại

Bệnh gây hại giai đoạn xoài ra cành, lá non và nụ, hoa, quả non. Toàn bộ phần bị hại được phủ một lớp bột phấn trắng, nhất là chùm nụ hoa quả non. Các bộ phận non bị hại sau đó sẽ thối, khô và bị rụng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất xoài. Khi lá ở giai đoạn đã có màu xanh nhạt, bệnh có thể phát triển cả mặt trên của lá. Lúc bệnh nặng, lá sẽ nhăn nheo khô và rụng, làm cây mất sức.

Trong điều kiện vườn rậm rạp, ẩm thấp, nấm cũng lan sang các lá già, tuy các lá này ít khi bị rụng, nhưng nấm bệnh đã gây ảnh hưởng lớn đến quang hợp của cây. Bệnh cũng làm chậm tốc độ sinh trưởng, hoặc có thể gây chết cây ở những vườn xoài giai đoạn kiến thiết cơ bản, vườn nhân và vườn ươm giống, nếu không phòng trừ.

 

Tác nhân gây hại và điều kiện phát triển

Bệnh phấn trắng do nấm Oidium sp. gây ra. Bệnh gây hại cây xoài ở mọi lứa tuổi, từ vườn kiến thiết cơ bản, đến vườn đang kinh doanh. Bệnh thường gây hại nặng vào giai đoạn xoài bắt đầu ra lộc, nụ, hoa, quả non từ cuối đến đầu năm sau, nhất là khi môi trường có điều kiện mát lạnh, ẩm thấp và sương mù nhiều.

 

Một số biện pháp phòng trừ đã được áp dụng và cho hiệu quả cao

– Chọn các giống ít nhiễm bệnh để trồng.

– Vệ sinh vườn xoài (thu gom các bộ phận bị rụng lại rồi đốt, hoặc rải vôi rồi chôn lấp).

– Bón phân cân đối, hợp lý. Chú ý tăng cường lượng phân Kali. Bón thêm lượng Canxi như phân SPC-Cal (calcium nitrate) để giúp cải tạo đất.

– Thăm vườn thường xuyên trong giai đoạn ra lộc, nụ, hoa, quả non để từ đó có quyết định phòng trị thích hợp, kịp thời.

– Qua kinh nghiệm phòng trừ bệnh phấn trắng nhiều năm của người dân, cần chú ý phun phòng đúng lúc, nhất là ở các vườn cây có nguy cơ nhiễm bệnh cao, hoặc những vườn xoài năm trước đã bị bệnh nặng, dễ để lại nhiều tàn dư bệnh hại trên cây.

Tiến hành phun phòng ngừa trong giai đoạn xoài ra lộc, nụ, hoa, quả non từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Khi vườn bị bệnh, tiến hành phun 2- 3 lần/đợt, mỗi lần cánh nhau khoảng 7-10 ngày. Loại thuốc có hiệu quả và phổ biến hiện nay mà nông dân thường sử dụng là SULOX 80WP, hoặc CLEARNER 75WP.

– Khi phun thuốc cho xoài, cần sử dụng đủ lượng nước phun và cần có thiết bị phun thuốc tơi sương tận ngọn cây mới có hiệu quả.

– Vận động những vườn chung quanh cùng phòng trừ để giảm bớt nguồn bệnh, tránh lây lan lẫn nhau.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Xoài Việt Nam ngon, ngọt không thua kém gì xoài Nhật.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán công sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết , thanh long ruột trắng và xoài cát chu đã mở đường cho hoa quả Việt Nam vào thị trường khó tính.

Xoài Việt ngon, ngọt không thua kém gì xoài Nhật.

Chiều 7/11, lô xoài tươi cát chu ( Đồng Tháp) 3,5 tấn đầu tiên đã được giới thiệu tại trung tâm thương mại AEON ( tỉnh Chiba, Nhật Bản ). Dự kiến từ nay đến Tết Dương Lịch, 80 tấn xoài sẽ được nhập khẩu tại thị trường này, theo đường biển,  hàng không.

Trong niềm vui với thành quả sau 4 năm theo đuổi và đàm phán thương vụ này, ông Nguyễn Trung Dũng đã có những chia sẻ.

Tôi rất vui. Vậy là sau gần 4 năm đàm phán, đại diện của cơ quan quản lý Nhà nước, cùng với sự chuẩn bị và hoàn thiện của nhà nông cũng như doanh nghiệp, chúng ta đã đưa được xoài tươi Việt vào thị trường Nhật.

Trung tâm thương mại AEON, tỉnh Chiba ( Nhật Bản) , nơi xoài của ta được tiêu thụ, mỗi ngày đón trung bình 50.000 khách. Quầy hàng xoài cát chu Việt Nam trong sự kiện giới thiệu sản phẩm đông nghịt khách.

Với quan sát và cảm nhận của tôi, không chỉ có người Nhật, mà ngay cả chính người Việt Nam tại đây, khi ăn thử, cũng tỏ ra rất ngạc nhiên vì chất lượng đồng đều, độ ngon ngọt , màu sắc đẹp của sản phẩm quê nhà. Tôi thật sự vui khi nhìn thấy điều đó.

Xoài tươi cát chu của Việt Nam được đón nhận tại hệ thống siêu thị AEON, Nhật Bản.

Xoài chu Việt Nam.

Chúng ta phải dành tới 4 năm để đi qua tất cả các khâu của quy trình từ kiểm tra, khảo sát vùng trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản tới khi hoàn tất đàm phán, đạt được thỏa thuận và vận chuyển tới thị trường Nhật.

Nói về công tác bảo quản xoài, chúng ta đã thành công trong việc quản lý xử khuẩn bằng hơi nước nóng. Đây là công nghệ chuyển giao của Nhật Bản, giúp thanh long ruột trắng trước đó, và nay là xoài vượt qua rào cản cuối để vào thị trường thành công.

Riêng về vận chuyển, trong đợt hàng đầu tiên, để đảm bảo chất lượng xoài tươi đáp ứng thị trường vào thời điểm ngon nhất, chúng ta phải chấp nhận đi đường hàng không. Chi phí vận chuyển này khá tốn kém. Trong thời gian tới, bằng cách tính toán thời gian hợp lý, ngoài đường hàng không, xoài có thể đi cả bằng đường biển.

Xoài là loại trái cây được yêu thích ở Nhật. Người Nhật cũng có xoài do chính họ trồng, đã có thương hiệu từ lâu. Tuy nhiên, xét về chất lượng, tôi đã trải nghiệm và thấy xoài của ta về độ ngon, ngọt, thơm và màu sắc không hề thua kém. Chưa kể giá loại quả này của Nhật bán tại các siêu thị cao hơn rất nhiều.

Thực tế, cuối tháng chín ,Việt Nam và Nhật Bản thông qua về nguyên tắc. Sau đó chỉ hơn một tháng, xoài Việt Nam chính thức lên kệ siêu thị Nhật.

Với tiến độ như vậy, đồng thời, bằng sự kiện Việt Nam gia nhập TPP, rất nhiều dòng thuế được giảm ngay sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy ngành nông, lâm, thủy sản nói chung, trái cây Việt Nam nói riêng có nhiều hơn cơ hội vào thị trường Nhật.

Nguồn: nongnghiepvietnam.edu.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa: Nguy cơ mất vụ xoài Tết

Thời gian qua, mưa bão đã khiến diện tích lớn xoài ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị rụng trái, hư hỏng. Người trồng xoài đang đứng trước nguy cơ mất vụ xoài Tết.

Ông Nguyễn Chí Hiếu (tổ dân phố Bãi Giếng Bắc, thị trấn Cam Đức) có hơn 2ha xoài Úc và xoài cát Hòa Lộc. Đợt cơn bão số 12 vừa qua, lượng lớn xoài cát Hòa Lộc của ông bị rụng trái, chỉ còn lại xoài Úc. Gia đình ông đang ra sức chăm sóc số xoài còn lại cho kịp bán vụ Tết thì mấy ngày qua, trời mưa to, gió lớn làm xoài rụng trái gần hết, những cây đang ra hoa cũng bị hư hỏng. Sản lượng xoài của gia đình ông bây giờ chỉ còn lại khoảng 20% đến 30% kịp phục vụ bán Tết. Tuy nhiên, nếu thời tiết vẫn tiếp tục mưa, gió lớn, nguy cơ mất trắng rất lớn. “Đến bây giờ, tôi may mắn còn giữ lại được một ít, chứ có nhiều nhà đã mất sạch, xoài rụng chỉ biết mang về ăn chứ bán được cho ai. Chắc năm nay người trồng xoài mất vụ Tết”, ông Hiếu nói.

Vườn xoài của ông Nguyễn Chí Hiếu chỉ còn lại hơn 20% sản lượng do mưa và gió lớn những ngày qua.

Ông Thái Minh Ngưu (thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây) cho biết, hơn 60 gốc xoài Úc của gia đình ông đang ra trái, chờ đến gần Tết thu hoạch đã bị mất một nửa trong cơn bão số 12; vừa qua, trời gió lớn đã khiến số xoài còn lại bị rụng gần hết. Ông Ngưu cho biết: “Bây giờ có làm cách nào cũng không kịp để cho xoài ra trái kịp vụ Tết. Chưa có năm nào thời tiết xấu như năm nay, người trồng xoài như tôi giờ không mất trắng thì cũng lỗ”.

Tại xã Cam Hòa, người dân trồng xoài cũng chịu chung tình cảnh. Ông Phùng Minh Vang – Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hòa cho biết, sau cơn bão số 12, diện tích xoài còn trái để phục vụ Tết của toàn xã chỉ còn khoảng 50ha, nhưng những ngày qua, mưa to và gió lớn đã khiến diện tích xoài này rơi rụng, hư hỏng hết. Xoài Úc hiện nay có giá 80.000 đồng/kg, đến gần Tết sẽ tăng lên hơn 100.000 đồng/kg. Đây không phải là vụ chính nhưng là thu nhập Tết của người trồng xoài, nhưng thời tiết xấu đã ảnh hưởng khá nhiều.

Khảo sát ở nhiều vườn, chúng tôi đều ghi nhận tình trạng trên. Nhiều người chạy đôn chạy đáo mua thuốc về xử lý, hy vọng gỡ gạc để kịp có xoài bán dịp Tết nhưng đều bất lực. Vườn xoài nào cũng xơ xác, bông, trái đều rụng hết. Bà Trần Thị Hải – thương lái thu mua xoài ở xã Cam Hiệp Bắc cho biết: “Với tình hình này thì xoài chắc chắn mất vụ Tết, giá xoài sắp tới sẽ cao. Không những người trồng mất mùa mà thương lái cũng không có mà bán”.

Ông Lê Đình Cường – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cam Lâm cho biết, vụ xoài chính thường bắt đầu từ tháng 4, sau Tết Nguyên đán, nhưng trước đó, hầu hết người dân trồng xoài đều xử lý cho ra bông sớm hơn, làm xoài trái vụ để lấy trái bán dịp Tết. Theo thống kê mới nhất của địa phương, năng suất xoài đang đạt 73,29 tạ/ha, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng với tình hình mưa, gió lớn những ngày qua, năng suất thực tế đã giảm thấp hơn rất nhiều. Qua cơn bão số 12, toàn huyện bị đổ ngã 1.733,8ha/5.021,5ha xoài, người trồng vừa khôi phục được phần nào thiệt hại thì lại thêm đợt mưa lớn và gió làm xoài bị rụng, nên nguy cơ người dân mất vụ xoài Tết rất cao.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giống xoài Úc Khánh Hòa: 3 năm liền được tôn vinh là sản phẩm tiêu biểu

Vừa qua, tại thủ đô Hà Nội, giống xoài Úc của Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Khánh Hòa được bình chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016. Đây là năm thứ 3 liên tiếp giống xoài Úc Khánh Hòa được tôn vinh.

Hoạt động tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông tổ chức. Qua đó, có 157 sản phẩm trong cả nước được công nhận danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016. Hoạt động này nhằm tôn vinh tài năng, công sức, sáng tạo của nông dân và doanh nghiệp trong việc làm ra sản phẩm có thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chất lượng đảm bảo, được người tiêu dùng tin cậy và đánh giá cao.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kiếm tiền tỷ từ thu hoạch xoài trái mùa

Những ngày này vườn xoài Úc rộng đến 12ha của ông Trong đã bắt đầu ra hoa sum xuê. Đây là kết quả của việc điều khiển xoài ra hoa theo ý muốn của ông, chứ theo lẽ tự nhiên, sau Tết Nguyên đán xoài mới đơm hoa kết trái.

Nhìn vườn xoài ra năm nay ra hoa nhiều hơn mọi năm ông Trong dự kiến sản lượng đạt trên 50 tấn, hứa hẹn sẽ cho bội thu trong dịp tết sắp tới.

Theo ông Trong, mặc dù điều khiển xoài ra dịp tết tuy cho sản lượng không cao bằng vụ đầu hè, nhưng giá bán cao gấp đôi, trên 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu lãi trên 1 tỷ đồng/vụ.

Tôi hỏi, “bí kíp” làm xoài ra trái nghịch vụ? Ông Trong chia sẻ, muốn làm xoài trái vụ, đến đầu tháng 8 ÂL, dùng các phương pháp “kích” cho xoài ra hoa. Tuy nhiên để cho xoài ra hoa thì phải làm cho xoài ra đọt non, sau đó phun thuốc kích thích nhằm tạo mầm ở đọt.

Bên cạnh đó việc bón phân đúng cách và đúng thời điểm cũng rất quan trọng, không chỉ giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, mà còn thuận lợi cho việc điều khiển. Theo đó, một năm vườn xoài nhà ông bón ba lần, cụ thể bón sau mỗi lần thu hoạch, khi xoài chuẩn bị ra hoa và khi xoài đã có quả cỡ vừa.

“Qua nhiều năm tôi trồng xoài đúc kết, nếu bón phân không đúng cách hoặc bón khi quả xoài còn nhỏ, thì sẽ gây rụng trái. Ngoài ra dịch bệnh, nhất là bọ trĩ – đối tượng gây hại nguy hiểm nhất trên xoài cũng gây rụng trái hàng loạt, do đó nếu người trồng không phòng trừ thì sẽ thiệt hại, giảm thu nhập”, ông Trong nói.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn xoài, ông Trong còn chia sẻ thêm về kỹ thuật làm cho quả xoài vỏ đẹp, sáng sạch để bán được giá cao. Muốn vậy, khi quả xoài đạt cỡ trung bình, cần tỉa cành lá xung quanh cho ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào quả xoài. Cách làm này không chỉ giúp quả xoài không bị trầy xước, mà hạn chế được sâu bệnh. Do đó, quả xoài Úc của vườn ông trồng luôn đạt yêu cầu có trọng lượng từ 0,7 – 1kg, vỏ có màu hồng đỏ, hạt nhỏ, thịt vàng có mùi thơm béo, vị ngọt thanh và rất ít xơ.

Xoài sai quả cho dù được trồng nghịch vụ

Ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây cho biết, với cách làm xoài sáng tạo mang lại hiệu quả của ông Trong hiện nhiều bà con trong vùng học hỏi và đã thu trái ngọt. Ngoài ra, ông Trong còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 10 – 15 lao động với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trong cho biết, trước đây, ông trồng xoài Canh nông, sau đó chuyển sang xoài cát Hòa Lộc, tuy nhiên do hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên vài năm trở lại đây ông chuyển sang trồng xoài Úc. Tuy nhiên giá trị của xoài Úc là khi thu trái nghịch. Do đó để điều khiển thành công, ông đã phải đi nhiều nơi học hỏi, mặc dù kỹ thuật này rất khó, nhất là khi thời tiết diễn biến phức tạp.

Để vườn xoài phát triển tốt, cho năng suất cao, ổn định, việc có kinh nghiệm không thôi là chưa đủ, mà cần đầu tư khoa học kĩ thuật. Hiện vườn xoài nhà ông Trong còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, đặt ngầm dưới 3.500 gốc xoài với kinh phí 500 triệu đồng. Nhờ hệ thống này mà những năm hạn vừa qua vườn xoài không bị áp lực về nguồn nước tưới, tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Bao trái cho cây ăn trái

Thực hiện kĩ thuật bao trái khi trồng cây ăn trái giúp trái cây cũng không bị côn trùng, sâu (sâu đục cuống, bọ xít, ruồi đục quả, bệnh thán thư, đốm nâu…) cắn, chính và làm vỏ trái cây màu sắc đậm, nhạt đẹp theo ý muốn, không có các vết rám do sâu bệnh hoặc bị sém nắng, không làm thay đổi chất lượng trái. Bao trái cũng làm giảm quả rụng do bị sâu bệnh gây, giảm số lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng.

Nên bao trái sau 30-40 ngày sau đậu trái đối với chôm chôm, cam quýt. Sau 45 ngày sau đậu trái đối với nhãn, xoài, sầu riêng.

Trước khi bao trái cắt tỉa những dé hoa còn sót không đậu quả, cắt bỏ các cành tăm, lá vô hiệu và những quả nhỏ đối với các giống trái chùm và phun thuốc trừ sâu bệnh 1 lượt để diệt hết trứng, sâu non và nấm bệnh có sẵn trên mặt trái.

Dùng bao to bao nguyên chùm: chuối, nho, nhãn, vải, chôm chôm, cam quýt, xoài chùm… Dùng bao nhỏ có kích thước phù hợp bao từng trái: xoài cát Hoà Lộc, bưởi, lê, ổi…

Dùng giấy có màu khác nhau để bao trái sẽ thu được những trái chín có màu đậm nhạt khác nhau.

Nếu bao bằng túi nilon màu trắng trong, màu sắc tự nhiên của quả không thay đổi giống như khi không bao trái. Bên trong nilong có thể lót giấy báo để bao trái làm cho trái khi chín sẽ có vỏ màu sáng.

Cách bao trái

Lồng bao bên ngoài trái hoặc chùm trái theo chiều từ dưới lên, buộc miệng túi phía trên bằng dây mềm. Đầu dưới túi để hở tự nhiên (túi thủng 2 đầu) hoặc đục lỗ (nếu dùng túi hở 1 đầu) để thoát nước, tản nhiệt.

Một số loại bao chuyên dụng được sản xuất có sẵn dây cột miệng túi.

Đối với ổi

Dùng bao nylon có kích thước 15 x 20 cm, đục mỗi bao 10 – 15 lỗ nhỏ, trong đó có một số lỗ ở đáy bao để thoát nước đọng khi mưa hoặc tưới. Khi ổi ra trái được 15 – 20 ngày (trái cỡ 2 cm), phun xịt một đợt thuốc trừ sâu, chờ 3-5 ngày sau thì bao trái.

Cách bao trái ổi

Đối với bưởi

Khi thu hoạch bưởi thường có trọng lượng từ 0,7 – 4 kg.

Khi quả bưởi lớn tới kích cỡ 2 – 3cm, dùng túi nilon có đường kính 20 – 40cm, dài 30 – 60cm để bao trái.

Dùng giấy sẫm màu lót bên trong nilon thì khi chín, bưởi sẽ cho trái màu vàng nhạt rất đẹp.

Cách bao quả bưởi

Đối với xoài

Nếu trái thu hoạch có trọng lượng 200 – 300g thì dùng túi kích cỡ 10 – 15cm x 20 – 30cm

Nếu trái thu hoạch có trọng lượng 0,5 – 1,5kg thì dùng túi kích cỡ 15 – 20cm x 50 – 60cm

Khi quả xoài đạt kích cỡ 2cm, dùng túi nilon để bao trái.

Có thể dùng giấy craft (loại giấy bao xi măng) lót thêm lớp giấy đen ở phía trong để bao loại xoài vỏ vàng.

Dùng giấy trắng bao các giống xoài có vỏ màu đỏ khi chín.

Bao buồng chuối

Khi các hoa chuối vừa nở hết, cắt phần hoa không có khả năng đậu quả sau, để vài ngày cho khô nhựa.

Cách bao buồng chuối

Tùy số nải có trong buồng chuối, mỗi nải chuối cần khoảng 20cm chiều dài túi, dùng túi nilon dài 1,8 – 2,5 m để bao trái.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Bảo quản và chế biến xoài

Bảo quản

Phần lớn xoài tiêu thụ trên thị trường hiện nay đều đựng trong sọt tre, thùng gỗ, thùng carton để trong điều kiện tự nhiên, vì vậy bị tác động bởi nhiệt độ, ẩm độ cao lại vận chuyển đi xa nên chỉ bảo quản được 7 – 10 ngày, tỷ lệ dập nát đến 20 – 25%, có khi tới 30%.

Bảo quản xoài thủ công

Các viện nghiên cứu, trường đại học đã nghiên cứu và ứng dụng thành công một số phương pháp bảo quản nhãn, xoài tươi như sau:

– Công nghệ bảo quản quả tươi ở nhiệt độ bình thường có sử dụng chất diệt nấm, vi sinh vật và côn trùng bằng xông khí SO2 và các phương pháp thay đổi thành phần môi trường bảo quản. Công nghệ này có thể bảo quản được 15 – 16 ngày, tỷ lệ hao hụt 10 – 12%, có thể vận chuyển đi xa từ các tình Nam Bộ ra miền Bắc.

– Công nghệ bảo quản quả tươi đối với xoài ở nhiệt độ thấp 10 – 12oC là phương pháp bảo quản hiệu quả nhất, thời gian bảo quản kéo dài trên 30 ngày, tỷ lệ hao hụt do dập nát 5 – 7%, có thể vận chuyển đi xa và xuất khẩu (trước khi bảo quản ở nhiệt độ thấp phải loại bỏ những quả thối, dập nát và xử lý các biện pháp như đã nêu trên). Với xoài bảo quản ở nhiệt độ tự nhiên (như ở nước ta) thời gian giữ được rất ngắn. Song bảo quản ở nhiệt độ thấp dưới 10oC, quả xoài gặp nhiều hạn chế: dễ bị tổn thương do nhiệt độ lạnh làm trái chuyển màu, thịt mềm, mùi vị không đặc trưng như chín bình thường. Xoài sau khi thu hoạch, phân loại, rửa sạch rồi ngâm trong dung dịch CaCl2 hoặc Ca(NO3)2, nồng độ sử dụng 4 – 6%, vớt ra để khô ở điều kiện tự nhiên, sau đó đựng trong túi nilông kích thước 15 x 25 cm, có 20 lỗ thoát ẩm trên túi. Bảo quản ở nhiệt độ 11 – 11,5oC là tốt nhất, thời gian bảo quản trên 30 ngày, xoài vẫn giữ được màu sắc, chất lượng tốt (VNCCAQ MN).

Xoài bảo quản thủ công vận chuyển xa dễ hư hỏng

– Về bao bì bảo quản xoài:

1. Một loại truyên thống dùng sọt tre, nứa, thùng gỗ (đóng từng thanh) có giá thành thấp nhưng tỷ lệ dập nát, thối nhũn cao.

2. Dùng thùng carton có đục lỗ thoát ẩm, giá thành tuy có cao hơn loại truyền thống song tỷ lệ hao hụt, dập nát, thối ít hơn nhiều nên hiệu quả cuối cùng vẫn cao.

Chế biến

Chế biến xoài sấy

Quy mô xưởng sấy từ 150 – 250kg nguyên liệu. Xoài được ủ ở nồng độ CaC2 (khí đá) 1%, thời gian ủ 36 giờ.

Xoài được rửa sạch, gọt vỏ, cắt lát, rồi xử lý ở nhiệt độ 80 – 900C trong 5 – 9 phút. Các miếng xoài được ngâm trong dung dịch nước đường có nồng độ 40 – 50%, thời gian ngâm 18 – 20 giờ. Sau đó xoài được rửa lại bằng nước ấm trước khi đem ra khay sấy. Nhiệt độ sấy 50 – 600C và sấy trong 14 -18 giờ. Sản phẩm phải có độ ẩm 16 -18%.

Chi phí đầu tư cho thiết bị này khoảng 160 triệu đồng.

Chế biến nước xoài

Nước đường (phụ phẩm sau chế biến xoài sấy) được phối chế với 20% bột xoài và nước ngâm dứa, bổ sung thêm 0,3 – ,5% acid citric. Sau khi được phối chế,dung dịch được bổ sung chất ổn định và được đồng hóa (10 phút) để tránh hiện tượng tách lớp. Dung dịch được bài khí bằng cách đun nóng trước khi rót chai ghép nắp và thanh trùng ở nhiệt độ 1000C trong 15 phút. Sản phẩm nước có mầu vàng tươi, mùi thơm tự nhiên…

Chi phí đầu tư cho quy trình này khoảng 60 triệu đồng.

Chế biến giấm xoài

Dung dịch nước đường trong chế biến xoài sấy được xử lý nhiệt trước khi phối chế với nước theo tỷ lệ 1/3, có bổ sung rượu. Hỗn hợp này được bơm vào thiết bị lên men liên tục, có sục khí nhằm cung cấp oxy cho hệ vi sinh vật thuần khiết đã được phân lập và được cấy trên giá thể xốp đặt trong thiết bị. Thời gian lên men là 7 – 10 ngày (ngắn hơn thời gian lên men thông thường 3 lần), độ chua của giấm là 5 – 6%. Giấm có độ trong cao, màu vàng nhạt, thoảng hương thơm trái cây.

Chế biến bánh xoài

Xoài để làm bánh tráng xoài được lựa chọn kỹ lưỡng, chín tự nhiên. Xoài chín được lột vỏ bằng tay, không gọt bằng dao để loại bỏ hẳn vỏ và làm bánh tráng xoài không bị xơ. Xoài sau khi lột vỏ được bào lấy nước cốt của xoài.

Đun nước xoài, được cho thêm ít đường và khoấy đều tay để dung dịch nước xoài không bị cháy, xít. Tiếp tục như vậy đển khi nước xoài trong nồi sôi và cô đặc thành dung dịch sền sệt là được.
Công đoạn phơi:

Nước xoài sau khi được đun chín, rưới tráng lên măm hoặc nia (một loại sàng bằng tre đan) đã phủ sẵn miếng lót nhựa nylon để dung dịch nước xoài không dính lên măm, nia và đảm bảo vệ sinh hơn. Sau đó, đem đi phơi dưới nắng gắt khoảng 2 ngày đến khi sờ vào tay không dính bánh mới đạt yêu cầu.

Nhờ độ chua tự nhiên của xoài cát và được chế biến theo phương pháp truyền thống (phơi sấy dưới nắng) nên bánh xoài có vị ngọt, chua và mùi thơm rất tự nhiện. Đặc biệt, bánh tráng xoài được bảo quản rất lâu trong điều kiện bình thường.

Những loại sâu, bệnh hại và các phòng trị ở xoài

Xoài là loài cây ăn quả xứ nhiệt đới phù hợp với khí hậu ở Việt Nam, là loài cây trồng có giá trị kinh tế.Ngoài ra xoài còn là loài cây che bóng, trang trí không gian vườn có giá trị thẩm mỹ cảnh quan rất cao.

Tuy nhiên, trong quá trình trồng trọt thường gặp một số sâu, bệnh hại như sau:

Sâu hại

1. Sâu đục trái

Đây là đối tượng gây hại rất nghiêm trọng trên xoài. Thành trùng là một loại bướm màu trắng ngà, sải cánh dài 2-3cm, hoạt động về đêm. Chúng đẻ trứng dưới lớp vỏ ở phần đít trái xoài, trứng nở ra sâu non có khoan hồng đậm, đục thẳng vào hột để ăn hột xoài. Sau khi sâu lớn sẽ buông mình xuống và chui vào đất để hoá nhộng, sau đó vũ hoá thành bướm gây hai tiếp. Tỉ lệ gây hại có khi đến 30-35%.

Sâu đục trái xoài

Phòng trị:

+ Phun các loại thuốc thuộc nhóm cúc tổng hợp, định kỳ 7 ngày/lần.

+ Loại bỏ các trái có dấu đục, không để rơi vãi trên mặt đất.

+ Dùng loại bao đặc biệt để bao trái lúc con nhỏ.

2. Ruồi đục trái

Gây hại trên xoài, táo, nhãn… Ấu trùng không những gây hại cho trái mà còn hạn chế khả năng xuất khẩu xoài sang các nước khác.Ruồi có kích thước nhỏ hơn ruồi nhà, màu nâu vàng, ngực có 2 sọc vàng, cánh không màu.Ruồi cái đục võ trái (lúc trái già) và đẻ trứng dưới lớp vỏ. Trứng nở thành giòi nhỏ, nằm bên trong ăn thịt trái. Trái bị giòi do bị bội nhiễm nấm nen bi lên men, thối rữa và rụng đi.

Ruồi đục trái xoài

Phòng trị:

+ Điều khiển xoài ra hoa sớm, tránh lúc mưa đầu mùa là thời điểm mật độ ruồi rất cao.

+ Bao trái, đây là biện pháp rất hiệu quả.

+ Tiêu huỷ trái rụng để diệt giòi.

+ Dùng bẫy bằng chất dẫn dụ (cây é tía hay chất trích ly từ cây é tía).

+ Phun thuốc theo định kỳ.

3. Rầy xoài

Còn gọi là rầy nhảy, hình dáng tương tự ve sầu nhưng nhỏ hơn. Rầy dài 3-5 mm, hơi nâu chích hút ở đọt, mặt dưới lá và phát hoa. Rầy còn tiết ra mật gây bệnh bồ hóng lá, làm cây phát triển kém. Hiện nay rầy là đối tượng gây hại số 1. Khả năng kháng các loại thuốc cũ như Bassa, Mipcin, Trebon rất cao.

Rầy xoài

Phòng trị:

Sử dụng thuốc Admire, Confidor, Applaud, Butyl.

4. Con cắt lá

Là loại côn trùng cánh cứng rất nhỏ bằng cọng chân nhang, dài 22 mm, có một vòi dài là 2 mảnh ghép lại dùng để cắt lá non. Chúng xuất hiện vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Chúng cắt cuống lá non vừa mới nhú hoặc lá chưa chuyển sang màu xanh, làm cho chồi non không có lá, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây.

Con cắt lá ở xoài

Phòng trị:

Trong giai đoạn cây ra lá non, cần theo dõi thường xuyên (2 ngày/lần). Nếu thấy có dấu hiệu gây hại lập tức phun thuốc trừ sâu nhóm cúc tổng hợp.

5. Sùng đục thân

Thành trùng là loài bọ cánh cứng có râu dài. Chúng thường đẻ trứng vào vết thương của cây, quanh gốc cây hoặc những nơi kín đáo nơi có lớp vỏ bong ra (cây già). Ấu trùng đục phần dưới lớp vỏ để ăn, sau đó hoá nhộng trong bao kén trắng nằm bên trong lớp vỏ cây. Ấu trùng gây ra vết thương tạo điều kiện để cho nấm xâm nhập và phát triển làm hư lớp vỏ quanh thân, nếu nặng cây có thể chết.

Phòng trị:

Nên thường xuyên kiểm tra quanh gốc xoài, nhất là ở những cây lâu năm có lớp vỏ bong ra. Nếu thấy có lớp mạt nhỏ ùn ra, dùng dao vạt vỏ, khi phát hiện dùng dây kẽm móc ra, trám đất sét lại.

6. Rệp sáp

Chích hút nhựa ở nhánh non và cuống trái. Đây là loại rệp hay chích hút trên cam quít.

Rệp sáp hại quả xoài

Phòng trị:

Bằng thuốc Supracide 40 ND.

Bệnh hại

1. Bệnh thán thư

Là loại bệnh nguy hiểm nhất, thường gây hại trong mùa mưa hoặc những lúc đêm có sương. Nấm bệnh tấn công cành non, lá non, hoa và trái.

Trên hoa, bệnh làm rụng hoa và hư phát hoa.

Bệnh thán thư ở xoài

Ở lá, đốm bệnh màu xám nâu, tròn hay góc cạnh, tạo đốm cháy lá và rách lá, cuối cùng lá bị rụng.

Trên trái, bệnh lúc đầu chỉ tạo các chấm nâu nhỏ, sau đó phát triển thành các đóm thối đen lõm xuống vỏ trái làm trái bị chín háp hoặc hư hỏng khi tồn trữ (nếu nhiễm muộn). Bào tử nấm có thể mọc mầm sau 6 giờ trong giọt nước nên gây hai rất nhanh.

2. Bệnh thối trái, khô đọt

Bệnh gây hại nặng trong điều kiện nóng ẩm, nhất là vào mùa mưa. Trên nhánh mang đọt xuất hiện các đốm sậm màu, lan dần trên các cành non, cuống lá làm lá biến màu nâu, bìa lá cuốn lên. Cành bị khô nhăn và có thể chảy mủ.Chẻ dọc cành bệnh, bên trong các mạch dẫn nhựa bị nhiễm nâu tạo thành các sọc màu nâu.

Bệnh thối trái, khô đọt

Bệnh thường tấn công trái trong giai đoạn tồn trữ hay vân chuyển, làm thối phần thịt trái nơi gần cuống trái hoặc những nơi có phần vỏ trái bị trầy trụa. Khi hái trái không chừa cuống, bệnh rất dễ xâm nhập và lây lan chỉ sau 2-3 ngày, nhất là khi gặp điều kiện ẩm.

Phòng trị:

Tránh làm dập trái hoặc rụng cuống khi hái trái. Phun Benlate (0,01%), Copper-B (0,1%) với số lượng 10 lít/cây khoảng 2 tuần trước khi thu hoạch. Trái sau khi hái phải xử lý bằng nước ấm (55OC) có chứa Benlate 0,06-0,1%, cách này có thể phòng cả bệnh thối trái và bệnh thán thư. Cũng có thể nhúng trái vào dung dịch gốc đồng hay dung dịch Borax (0,6%).Phòng trừ bệnh trên cây con ghép cần chọn mắt ghép trên cây khoẻ mạnh, sạch bệnh và nên vệ sinh kỹ dụng cụ ghép.

3. Bệnh cháy lá

Bệnh phát triển nặng trong mùa mưa, gây hại cả lá, nhánh và trái. Đốm bệnh lúc đầu nhỏ như đầu kim có màu vàng, sau lớn dần có màu nâu nhạt, sau chuyển thành màu nâu đậm, có viền màu tím sậm. Phần giữa vết bệnh có màu xám tro có các vết đen là những ổ nấm. Vết bệnh ở lá có hình bầu dục hay biến dạng, khi lan dần vào cuống lá làm chóp lá bị cháy khô.

Trên trái, đóm bệnh tròn úng nước, sau đó lan nhanh làm thối trái. Bệnh lây lan nhờ nước mưa.

Bệnh cháy lá ở xoài

Phòng trị:

Bằng cách cắt bỏ và tiêu huỷ các bộ phận bị bệnh để giảm nguồn lây lan. Phun Copper- Zine, Copper-B, Zineb hay Benomyl.

4. Bệnh đốm lá

Tấn công cả lá và trái qua vết thương hay vùng tiếp xúc. Trên lá, đốm bệnh có hình bầu dục to, màu nâu nhạt, tâm sáng trắng có thể làm rách lá. Trên trái, bệnh làm thành vùng nhiễm có màu nâu đen, vùng nhiễm bệnh nhăn nheo. Bệnh thường gây hai nhẹ, có thể phòng trị như ở bệnh cháy lá.

Ngoài ra trên cây xoài còn bị một số bệnh hại khác như: Bệnh bồ hóng, Bệnh phấn trắng, bệnh đốm vi khuẩn và bệnh da ếch…

Tổng hợp bởi Farmtech Viet Nam.

Kỹ thuật trồng Xoài cát Hòa Lộc sạch không dùng thuốc BVTV

Xoài cát Hòa Lộc ở xã Cam Thành Nam, Cam Lâm, Khánh Hòa đã trở thành thương hiệu xoài sạch, chất lượng. Đạt được thành quả đó là nhờ bà con trong xã đã áp dụng quy trình kỹ thuật trồng xoài sạch của Trung tâm khuyến nông khuyến ngư đưa ra.

Xoài cát Cam Lâm là 1 trong 3 loại xoài được dán tem chứng nhận nhãn hiệu

Quy trình kỹ thuật gồm 5 bước như sau :

   Bước 1: Khi thu hoạch xong xoài vụ trước vào khoảng đầu tháng 8 âm lịch thì tiến hành bón phân phục hồi cho xoài theo công thức: 1kg sunphat + 1kg lân + 0,5 kg kali/1 gốc xoài, và tưới nước cho tan phân cây dễ hấp thu chất dinh dưỡng. Sau đó, cắt tỉa cành bị sâu bệnh, cành vượt, cành vô hiệu, tạo độ thông thoáng cho cây xoài, tăng nguồn ánh nắng chiếu vào tán cây nhằm hạn chế sâu bệnh ẩn nấp và cây đỗ ngã mùa mưa bão.

   Bước 2: Vào đầu tháng 12 âm lịch, tiến hành bấm ngọn cho ra lộc mới, nên bấm đồng loạt thì xoài sẽ ra ngọn, ra bông đồng loạt. Tiếp theo, bón 2 kg phân lân + 1 kg kali + 0,5 kg sunphat, và tưới nước cho tan phân cây dễ hấp thu chất dinh dưỡng. Bón phân ở giai đoạn này nhằm tạo ra những ngọn cây mập và khỏe mạnh, đồng thời dự trữ chất dinh dưỡng để nuôi hoa sau này.

Đến cuối tháng 1 âm lịch năm sau thì xoài bắt đầu ra cơi 2, sau đó khoảng 10 ngày thì ta phun thuốc trị sâu, rầy, bọ trĩ. Nếu gặp trời mưa thì phun thuốc trị bệnh thán thư cho xoài để hạn chế lây lan về sau. Sử dụng thuốc đặc trị có nguồn gốc sinh học, phun 03 lần, mỗi lần cách nhau 4 ngày. Vì trong thời kỳ này xoài ra ngọn nhiều, khi phun thuốc xong ta tiến hành tỉa bớt ngọn, chỉ để 1 – 2 ngọn mập và khỏe cho đủ sức nuôi hoa sau này tốt hơn.

     Bước 3: Vào tháng 2 âm lịch tiến hành bón phân tiếp theo công thức: 2kg kali + 1kg sunphat + 0,5 kg lân. Vào giai đoạn này cây xoài tập trung phát triển mầm hoa, do đó cần bón thêm 0,5 kg KNO3/1gốc cây, và tưới nước cho tan phân cây dễ hấp thu chất dinh dưỡng, tích lũy để phân hóa mầm hoa. Kết hợp với bón vôi để khử chua và cung cấp canxi cho cây.

     Bước 4: Khi cây xoài đã ra cơi 2 hoàn chỉnh, lá bắt đầu chuyển sang màu phớt hồng thì sử dụng thuốc gói Paclobutrazol loại 20% tưới kích cho cây. Hòa 1kg thuốc Paclobutrazol loại 20% tưới cho khoảng 8 – 10 cây xoài, tùy theo tán lớn nhỏ và độ tuổi của cây. Tưới cách gốc 5 tấc theo vành máng chứa rồi giữ ẩm liên tục từ 8 – 15 ngày và ngưng. Siết khô xong ta kiểm tra xem đọt xoài đã ra cựa gà chưa. Nếu thấy cây nhú cựa gà khoảng 80 – 90% thì phun thuốc trị sâu rầy, bọ trĩ hoặc nếu gặp mưa thì phun thuốc phòng ngừa thán thư hại bông sau này. Sau khi siết khô hạn được 10 – 15 ngày thì ta bón thêm 2 đợt KNO3 nữa để kích ra hoa đồng loạt, kèm theo bón phân vi lượng và trung lượng.

     Bước 5: Khi xoài ra hoa rộ và đậu quả bằng trứng cá hay trứng cút thì ta bắt đầu chọn loại bỏ bớt để xoài mau lớn trái. Đến khi trái xoài to bằng quả trứng gà hoặc lớn hơn thì chọn loại bỏ lần 2, chỉ để lại từ 1 – 2 trái/chùm mà thôi. Sau đó, tiến hành bao trái ngay để hạn chế ruồi vàng và sâu đục quả. Trong thời gian này ta bón phân kích thích lớn trái có thành phần kali, canxi làm cho trái xoài chắc, đẹp mã, nặng ký, giá cao và được thị trường ưa chuộng.

Nguồn : Khuyến nông Khánh Hòa, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng và chăm sóc xoài Úc

Xoài Úc là một loại quả mang lại giá trị kinh tế cao. Với ưu điểm, quả to tròn, thịt cứng chắc, ít xơ, khi chín trên u vai quả có màu ửng hồng, khi ăn có hương vị ngọt nhẹ, mỗi quả nặng gần 1kg … giống Xoài Úc đã và đang được nhiều bà con đầu tư trồng trọt. Vậy kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Xoài Úc như thế nào để thu hoạch được quả có chất lượng tốt nhất.

Xoài Úc

Kỹ thuật trồng và chăm sóc xoài Úc đơn giản

  1. Mật độ trồng Xoài Úc

Hàng cách hàng 7m, cây cách cây 6m. Với kích thước trên mỗi ha trồng được khoảng 240 cây.

  1. Quy cách hố trồng cây

Hố trồng hình vuông rộng 0,5m, chiều sâu từ 0,5– 0,7m.

Xoài Úc là loại cây ăn quả rễ cọc nên cần đào hố sâu để định hướng cho bộ rễ ăn sâu xuống dưới, tránh đỗ ngã khi mùa mưa bão tới, đặc biệt là những cây con mới trồng.

  1. Cách trồng cây con

Mỗi hố chuẩn bị 10kg phân hữu cơ + 0,2kg DAP. Cho tất cả số phân này trộn đều với đất được đào lên rồi cho vào hố ủ để trồng cây.

Cây con xoài Út

Khi trồng cây dùng kéo cắt lớp bầu bên ngoài rồi đặt vào hố trồng sao cho mặt bầu cây con ngang với mặt hố, sau đó nén chặt đất và tưới nước để giữ độ ẩm cho đất.

  1. Tạo hình và tỉa cành

– Tạo hình:

Bấm ngọn cách gốc 70cm và chọn 3 chồi khỏe phân bố đều. Khi 3 chồi này được 2 tầng lá, bấm ngọn dưới đọt lá 2. Tương tự như vậy cho các đợt chồi kế tiếp trong khoảng 2 năm đầu.

– Tỉa cành:

Tiến hành tỉa cành sau mỗi vụ thu hoạch. Cắt bỏ những cành sâu bệnh, cành bên trong tán,  cành không có khả năng ra quả vào vụ sau… để đảm bảo cho cây xoài phát triển tốt và đem lại năng suất cao cho vụ sau.

  1. Bón phân

– 3 năm đầu sau khi trồng:

  • Trong khoảng thời gian này bà con dùng phân NPK công thức 20:20:15 để bón cho cây.
  • Hai năm đầu bón 0,5 kg/cây/năm; bước sang năm thứ ba bón 1 kg/cây/năm. Mỗi năm bón 2 lần: đợt 1 bón vào những lúc mưa giông, còn đợt 2 bón khi bắt đầu mùa mưa chính.

Xoài Úc phát triển tốt khi được chăm sóc đúng cách

– Giai đoạn thu hoạch trái:

Giai đoạn này bón phân cũng chia làm 2 phần: 2/3 số phân bón ngay sau thu hoạch, 1/3 số phân còn lại bón khi cây bắt đầu trổ bông.

  1. Phòng trừ sâu bệnh cho cây Xoài Úc

Giống Xoài Úc thường mắc những loại sâu bệnh chính như: rầy bông xoài, sâu đục trái, ruồi đục trái, bệnh thán thư,… Chính vì vậy trong quá trình chăm sóc cần chú ý quan sát để phát hiện ra những dấu hiệu lạ trên cây để khắc phục cho kịp thời. Đồng thời chú ý phun các loại thuốc phòng ngừa các loại bệnh cho cây.

Xoài Úc khi chín có thịt cứng chắc

Những thông tin cơ bản ở trên hi vọng có thể giúp ích được cho bà con trong quá trình trồng và chăm sóc cây xoài Úc đạt mùa bội thu.

Tổng hợp từ Farmtech Viet Nam.