Phòng trừ một số bệnh hại cây cà phê

Cà phê là một  cây công nghiệp chủ lực của nước ta, vào thời điểm thời tiết nóng ẩm dễ phát sinh nhiều loại sâu bệnh gây hại. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, nếu phòng trị bệnh theo các phương pháp sau, nông dân sẽ hạn chế và diệt được nhiều loại sâu bệnh hại cây cà phê.

Bệnh rệp sáp

– Rệp sáp cái trưởng thành hình bầu dục, không cánh, dài 4mm, thân phủ lớp sáp trắng. Rệp đực dài khoảng 3mm, có cánh, không có sáp trắng. Rệp sáp sống tập trung thành từng đàn, gây hại quanh năm. Chúng gây hại nhiều bộ phận của cây cà phê như kẽ lá, chồi non, cuống của chùm hoa, chùm quả, gốc cây. Trên chùm hoa và quả, rệp hút nhựa làm cuống hoa, quả khô rụng. Mùa khô, rệp bò xuống gốc cây, chích hút nhựa ở rễ và gốc làm cây phát triển kém, còi cọc, lá vàng chết từ từ.

– Để phòng trừ bệnh rệp sáp nên tỉa cành tạo sự thông thoáng cho vườn cây. Đồng thời, cắt bỏ những cành bệnh nặng, sát đất đem đi tiêu hủy tránh bệnh lây lan và phát sinh. Dọn sạch cỏ, rác xung quanh gốc cà phê để kiến khỏi trú ngụ mang mầm bệnh đi những cây khác. Vào mùa khô tưới nước đầy đủ cho cây, những chỗ bị rệp nhiều nên cho vòi nước phun thẳng vào, rửa trôi bớt rệp, tạo độ ẩm trên cây giảm mật số rệp.

– Thường xuyên thăm vườn kịp thời phát hiện bệnh rệp sáp. Nếu rệp xuất hiện dù mật độ ít cũng phải diệt trừ ngay, vì rệp sinh sản rất nhanh.

– Khi thấy rệp sáp trên lá, quả phun thuốc kỹ để thuốc thấm qua lớp sáp, mới diệt được rệp. Phun thuốc 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 7-10 ngày để diệt tiếp lứa rệp non còn sót lại. Có thể dùng nước rửa chén pha 15-20 ml/bình 8 lít phun ướt đều nơi rệp sáp bám rồi ngày sau mới phun thuốc đặc trị sẽ hiệu quả hơn. Các loại thuốc có thể dùng diệt rép sáp: Fipronil (Supergen 800 WG); Thiamethoxam (Fortaras 25 WG); Phenthoate (Elsan 50EC)…

– Nếu thấy rệp sáp xuất hiện ở gốc thì tưới ẩm gốc trước 1 ngày, sau đó rải thuốc hạt Basudin 10G ở gốc rễ.

 Bệnh rỉ sắt

– Bệnh này thường gây hại trên lá. Khi lá bị bệnh sẽ vàng và rụng hàng loạt, sau đó cành khô, cây sinh trưởng kém, năng suất giảm. Bệnh rỉ sắt do nấm Hemileia vastatrix gây ra. Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa và những vườn có nhiều cây che bóng.

– Cách phòng trừ bệnh hiệu quả nhất là tỉa cành cho cây thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ vườn cà phê, thu gom cành bệnh, rác trong vườn đem đi tiêu hủy để diệt mầm bệnh. Ngoài ra, cân đối bón phân đầy đủ cho cây để cây phát triển tốt tăng khả năng kháng bệnh.

– Khi phát hiện bệnh phải tiến hành phun xịt thuốc ngay để trị bệnh. Khi phun thuốc nên phun ướt đều cả hai mặt lá, nếu bệnh nặng phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày.

– Nhóm thuốc trị bệnh rỉ sắt thích hợp nhất là Carbendazim (Arin 25 SC); Bennomyl (Binhnomyl 50WP, Plant 50 WP); Bromuconazole (Vectra 100 SC, 200 EC)…

Bệnh nấm hồng

– Bệnh chủ yếu gây hại nơi phân cành giáp với thân. Nơi bị bệnh có một lớp bột màu hồng nhạt, rất mịn, đó là các bào tử nấm bệnh. Vết bệnh lớn dần chạy dọc theo cành và sau đó lan dần hết cả cành. Khi vết bệnh đã cũ thì chuyển sang màu trắng xám. Lá trên các cành bị nhiễm bệnh bị úa vàng, tiếp đến lá và quả sẽ bị rụng. Nếu bị bệnh nặng cành sẽ chết khô.

– Bệnh này thường xuất hiện trong các vườn rậm rạp, thời tiết nóng, ẩm độ cao.

– Cách phòng trừ: Dọn sạch cỏ dại trong vườn, tỉa cành tạo sự thông thoáng cho cây. Bón cân đối phân NPK và tăng cường bón phân hữu cơ ủ hoai mục.

– Khi bệnh mới phát sinh nên dùng các nhóm thuốc đặc trị như: Trichoderma spp (Fulhumaxin 6.15 SC); Carbendazim (Arin 25 SC), Eugenol ( Genol 0.3 DD, 1.2 DD)…

Bệnh khô cành, khô quả (bệnh thán thư)

– Bệnh khô cành, khô quả do nấm Colletotrichum coffeanum hoặc C.gloeosporioides gây ra.

– Khi bệnh mới xuất hiện trên lá thường là những vết đốm tròn màu nâu, sau lan rộng chuyển màu nâu xám. Các vết bệnh liên kết với nhau thành mảng khô trên phiến lá hoặc dọc theo mép lá. Nếu nấm bệnh xuất hiện trên quả sẽ tạo những đốm nâu lõm, sau đó quả khô đen và rụng. Bệnh trên cành sẽ tạo ra các vết nâu lõm làm vỏ biến màu nâu đen rồi khô dần. Trường hợp bệnh nặng, nấm xâm nhập ra cả thân làm rụng lá, cành trơ trụi, khô đen.

– Bệnh thường phát sinh gây hại từ giai đoạn cà phê ra hoa đến khi quả già và trong thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều. Bệnh thường phát triển nhanh, nặng ở các vườn cà phê chăm sóc kém và thiếu phân bón.

– Phòng trừ bệnh bằng cách bón phân đầy đủ và cân đối N, P, K. Cắt tỉa những cành lá bị bệnh nặng đem đi tiêu hủy.

– Các nhóm thuốc trị bệnh hiệu quả Ningnanmycin (Niclosat 2SL, 4SL, 8SL); Trichoderma spp. (Fulhumaxin 6.15 SC); Carbendazim (Arin 25 SC)…

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Những loại sâu, bệnh hại và các phòng trị ở xoài

Xoài là loài cây ăn quả xứ nhiệt đới phù hợp với khí hậu ở Việt Nam, là loài cây trồng có giá trị kinh tế.Ngoài ra xoài còn là loài cây che bóng, trang trí không gian vườn có giá trị thẩm mỹ cảnh quan rất cao.

Tuy nhiên, trong quá trình trồng trọt thường gặp một số sâu, bệnh hại như sau:

Sâu hại

1. Sâu đục trái

Đây là đối tượng gây hại rất nghiêm trọng trên xoài. Thành trùng là một loại bướm màu trắng ngà, sải cánh dài 2-3cm, hoạt động về đêm. Chúng đẻ trứng dưới lớp vỏ ở phần đít trái xoài, trứng nở ra sâu non có khoan hồng đậm, đục thẳng vào hột để ăn hột xoài. Sau khi sâu lớn sẽ buông mình xuống và chui vào đất để hoá nhộng, sau đó vũ hoá thành bướm gây hai tiếp. Tỉ lệ gây hại có khi đến 30-35%.

Sâu đục trái xoài

Phòng trị:

+ Phun các loại thuốc thuộc nhóm cúc tổng hợp, định kỳ 7 ngày/lần.

+ Loại bỏ các trái có dấu đục, không để rơi vãi trên mặt đất.

+ Dùng loại bao đặc biệt để bao trái lúc con nhỏ.

2. Ruồi đục trái

Gây hại trên xoài, táo, nhãn… Ấu trùng không những gây hại cho trái mà còn hạn chế khả năng xuất khẩu xoài sang các nước khác.Ruồi có kích thước nhỏ hơn ruồi nhà, màu nâu vàng, ngực có 2 sọc vàng, cánh không màu.Ruồi cái đục võ trái (lúc trái già) và đẻ trứng dưới lớp vỏ. Trứng nở thành giòi nhỏ, nằm bên trong ăn thịt trái. Trái bị giòi do bị bội nhiễm nấm nen bi lên men, thối rữa và rụng đi.

Ruồi đục trái xoài

Phòng trị:

+ Điều khiển xoài ra hoa sớm, tránh lúc mưa đầu mùa là thời điểm mật độ ruồi rất cao.

+ Bao trái, đây là biện pháp rất hiệu quả.

+ Tiêu huỷ trái rụng để diệt giòi.

+ Dùng bẫy bằng chất dẫn dụ (cây é tía hay chất trích ly từ cây é tía).

+ Phun thuốc theo định kỳ.

3. Rầy xoài

Còn gọi là rầy nhảy, hình dáng tương tự ve sầu nhưng nhỏ hơn. Rầy dài 3-5 mm, hơi nâu chích hút ở đọt, mặt dưới lá và phát hoa. Rầy còn tiết ra mật gây bệnh bồ hóng lá, làm cây phát triển kém. Hiện nay rầy là đối tượng gây hại số 1. Khả năng kháng các loại thuốc cũ như Bassa, Mipcin, Trebon rất cao.

Rầy xoài

Phòng trị:

Sử dụng thuốc Admire, Confidor, Applaud, Butyl.

4. Con cắt lá

Là loại côn trùng cánh cứng rất nhỏ bằng cọng chân nhang, dài 22 mm, có một vòi dài là 2 mảnh ghép lại dùng để cắt lá non. Chúng xuất hiện vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Chúng cắt cuống lá non vừa mới nhú hoặc lá chưa chuyển sang màu xanh, làm cho chồi non không có lá, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây.

Con cắt lá ở xoài

Phòng trị:

Trong giai đoạn cây ra lá non, cần theo dõi thường xuyên (2 ngày/lần). Nếu thấy có dấu hiệu gây hại lập tức phun thuốc trừ sâu nhóm cúc tổng hợp.

5. Sùng đục thân

Thành trùng là loài bọ cánh cứng có râu dài. Chúng thường đẻ trứng vào vết thương của cây, quanh gốc cây hoặc những nơi kín đáo nơi có lớp vỏ bong ra (cây già). Ấu trùng đục phần dưới lớp vỏ để ăn, sau đó hoá nhộng trong bao kén trắng nằm bên trong lớp vỏ cây. Ấu trùng gây ra vết thương tạo điều kiện để cho nấm xâm nhập và phát triển làm hư lớp vỏ quanh thân, nếu nặng cây có thể chết.

Phòng trị:

Nên thường xuyên kiểm tra quanh gốc xoài, nhất là ở những cây lâu năm có lớp vỏ bong ra. Nếu thấy có lớp mạt nhỏ ùn ra, dùng dao vạt vỏ, khi phát hiện dùng dây kẽm móc ra, trám đất sét lại.

6. Rệp sáp

Chích hút nhựa ở nhánh non và cuống trái. Đây là loại rệp hay chích hút trên cam quít.

Rệp sáp hại quả xoài

Phòng trị:

Bằng thuốc Supracide 40 ND.

Bệnh hại

1. Bệnh thán thư

Là loại bệnh nguy hiểm nhất, thường gây hại trong mùa mưa hoặc những lúc đêm có sương. Nấm bệnh tấn công cành non, lá non, hoa và trái.

Trên hoa, bệnh làm rụng hoa và hư phát hoa.

Bệnh thán thư ở xoài

Ở lá, đốm bệnh màu xám nâu, tròn hay góc cạnh, tạo đốm cháy lá và rách lá, cuối cùng lá bị rụng.

Trên trái, bệnh lúc đầu chỉ tạo các chấm nâu nhỏ, sau đó phát triển thành các đóm thối đen lõm xuống vỏ trái làm trái bị chín háp hoặc hư hỏng khi tồn trữ (nếu nhiễm muộn). Bào tử nấm có thể mọc mầm sau 6 giờ trong giọt nước nên gây hai rất nhanh.

2. Bệnh thối trái, khô đọt

Bệnh gây hại nặng trong điều kiện nóng ẩm, nhất là vào mùa mưa. Trên nhánh mang đọt xuất hiện các đốm sậm màu, lan dần trên các cành non, cuống lá làm lá biến màu nâu, bìa lá cuốn lên. Cành bị khô nhăn và có thể chảy mủ.Chẻ dọc cành bệnh, bên trong các mạch dẫn nhựa bị nhiễm nâu tạo thành các sọc màu nâu.

Bệnh thối trái, khô đọt

Bệnh thường tấn công trái trong giai đoạn tồn trữ hay vân chuyển, làm thối phần thịt trái nơi gần cuống trái hoặc những nơi có phần vỏ trái bị trầy trụa. Khi hái trái không chừa cuống, bệnh rất dễ xâm nhập và lây lan chỉ sau 2-3 ngày, nhất là khi gặp điều kiện ẩm.

Phòng trị:

Tránh làm dập trái hoặc rụng cuống khi hái trái. Phun Benlate (0,01%), Copper-B (0,1%) với số lượng 10 lít/cây khoảng 2 tuần trước khi thu hoạch. Trái sau khi hái phải xử lý bằng nước ấm (55OC) có chứa Benlate 0,06-0,1%, cách này có thể phòng cả bệnh thối trái và bệnh thán thư. Cũng có thể nhúng trái vào dung dịch gốc đồng hay dung dịch Borax (0,6%).Phòng trừ bệnh trên cây con ghép cần chọn mắt ghép trên cây khoẻ mạnh, sạch bệnh và nên vệ sinh kỹ dụng cụ ghép.

3. Bệnh cháy lá

Bệnh phát triển nặng trong mùa mưa, gây hại cả lá, nhánh và trái. Đốm bệnh lúc đầu nhỏ như đầu kim có màu vàng, sau lớn dần có màu nâu nhạt, sau chuyển thành màu nâu đậm, có viền màu tím sậm. Phần giữa vết bệnh có màu xám tro có các vết đen là những ổ nấm. Vết bệnh ở lá có hình bầu dục hay biến dạng, khi lan dần vào cuống lá làm chóp lá bị cháy khô.

Trên trái, đóm bệnh tròn úng nước, sau đó lan nhanh làm thối trái. Bệnh lây lan nhờ nước mưa.

Bệnh cháy lá ở xoài

Phòng trị:

Bằng cách cắt bỏ và tiêu huỷ các bộ phận bị bệnh để giảm nguồn lây lan. Phun Copper- Zine, Copper-B, Zineb hay Benomyl.

4. Bệnh đốm lá

Tấn công cả lá và trái qua vết thương hay vùng tiếp xúc. Trên lá, đốm bệnh có hình bầu dục to, màu nâu nhạt, tâm sáng trắng có thể làm rách lá. Trên trái, bệnh làm thành vùng nhiễm có màu nâu đen, vùng nhiễm bệnh nhăn nheo. Bệnh thường gây hai nhẹ, có thể phòng trị như ở bệnh cháy lá.

Ngoài ra trên cây xoài còn bị một số bệnh hại khác như: Bệnh bồ hóng, Bệnh phấn trắng, bệnh đốm vi khuẩn và bệnh da ếch…

Tổng hợp bởi Farmtech Viet Nam.

Bệnh hại trên cây dưa hấu

Chết héo cây con

– Tác nhân gây hại: do nấm Rhizoctonia solani
– Triệu chứng:
Nấm xâm nhập vào cổ rễ cây con chỗ giáp mặt đất, vết bệnh có màu nâu đen, bệnh tấn công làm cổ rễ teo tóp lại và thối cổ rễ, lá vẫn còn xanh sau héo dần, cây ngã ngang và chết. Bệnh thường phát sinh gây hại chủ yếu ở giai đoạn cây con.
Nấm tồn lại trên tàn dư cây trồng và trong đất trong vài năm, khi gặp điều kiện thuận lợi nấm sẽ xâm nhập vào gốc cây và gây hại. Điều kiện thời tiết nóng, ẩm độ cao rất thích hợp cho nấm phát triển mạnh.


Bệnh chết héo cây con

– Biện pháp phòng trị:
+ Vệ sinh đồng ruộng, cày phơi đất và xử lý đất, thu gom và tiêu hủy các tàn dư thực vật trước khi gieo trồng.
+ Luân canh với các loại cây trồng khác họ
+ Khi phát hiện bệnh, có thể phun các loại thuốc sau: DITHANE M45 80WP, MANTHANE M46- 80WP, CHAMPION 77WP, HECWIN 5SC, JACK M9 72WP. . .

Bệnh nứt thân chảy nhựa (bệnh bả trầu)

Bệnh bã trầu

– Tác nhân gây hại: do nấm Mycosphaerella melonis
– Triệu chứng:
+ Trên lá: vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu nâu nằm thành từng đám như bị phun cổ trầu lên lá, bệnh thường xuất hiện từ bìa lá lan vào theo những mảng hình vòng cung, trên đó có các ổ bào tử màu đen, lá bị cháy, khô rụng.
+ Trên thân: nhất là nhánh thân, đốm bệnh có hình bầu dục, màu xám trắng, hơi lõm, làm khuyết thân hay nhánh nơi bị bệnh. Trên vết bệnh nhựa cây ứa ra thành giọt, sau đó đổi thành màu nâu đen và khô cứng lại, vỏ thân nứt ra. Bệnh làm héo dây và nhánh.
+ Trên trái: lúc đầu có những đốm nhũn nước, sau đó đốm bệnh khô, có màu nâu và bị nứt nẽ. Ngoài ra bệnh còn gây hại trên cuống trái làm cho trái không phát triển được hoặc bị rụng.
Nấm tồn tại trong tàn dư cây bệnh, lây lan bằng bào tử. Thời tiết nóng và mưa nhiều thích hợp cho bệnh phát triển. Bệnh lây lang nhanh, nếu không phòng trị kịp thời có thể làm thất thu.
– Biện pháp phòng trị:
+ Thu gom và tiêu hủy tàn dư cây trồng
+ Bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm
+ Kiểm tra ruộng dưa thường xuyên, khi phát hiện bệnh tiến hành phun ướt đều hai mặt lá bằng các loại thuốc phòng trị sau: DITHANE M45 80WP, MANTHANE M46- 80WP, CHAMPION 77WP, SUPER ONE 300EC, JACK M9 72WP. . .

Bệnh đốm phấn

Bệnh đóm phấn

– Tác nhân gây hại: do nấm Pseudoperonospora cubensis
– Triệu chứng:
Bệnh gây hại chủ yếu trên lá. Ở mặt trên lá, đốm bệnh lúc đầu nhỏ, có màu xanh nhạt, sau đó biến dần sang màu vàng rồi màu nâu nhạt và thường bị giới hạn giữa các gân phụ của lá, nên đốm bệnh có dạng hình góc cạnh.
Trong điều kiện ẩm ướt, nấm tạo ra lớp phấn màu xám đậm hoặc tím đỏ ở mặt dưới lá nơi có vết bệnh. Lá bị vàng khi có nhiều đốm, các đốm này sẽ liên kết lại tạo thành những vùng cháy màu nâu nhạt và chổ bệnh dễ bị rách. Cây nhiễm nặng có thể chết và cho trái kém giá trị.
Trái ít bị tấn công, nhưng trái sẽ nhỏ và có vị nhạt.
– Biện pháp phòng trị:
+ Thu dọn tàn dư cây trồng đem tiêu hủy
+ Ngắt bỏ các lá bị bệnh
+ Phun ngừa bằng các loại thuốc sau: DITHANE M45 80WP, MANTHANE M46- 80WP, CHAMPION 77WP, SUPER ONE 300EC, JACK M9 72WP. . .

Bệnh thán thư:

Bệnh thán thư

– Tác nhân gây hại: do nấm Colletotrichum lagenarium
– Triệu chứng:
+ Bệnh gây hại chủ yếu trên lá, thường xuất hiện ở các lá già bên dưới trước, vết bệnh lúc đầu hình tròn nhỏ, màu xanh xám, sau lớn lên, xung quanh màu nâu vàng, ở giữa vết bệnh màu nâu đậm hơn và có các đường vòng đồng tâm. Nếu trời ẩm, sẽ thấy lớp mốc màu hồng nơi vết bệnh, vết bệnh khô và rách.
+ Trên thân: vết bệnh có màu nâu xám, hơi lõm, bệnh nặng làm cho thân cháy khô và teo lại.
+ Trên trái: đốm bệnh tròn, úng nước, màu nâu đen đến đen, lõm vào vỏ, giữa vết bệnh nứt ra và cũng có lớp mốc hồng nơi vết bệnh. Bệnh nặng các vết bệnh liên kết thành mảng lớn gây thối quả, nhũn nước.
Nấm bệnh lưu tồn trên tàn dư cây bệnh và hạt giống truyền bệnh sang năm sau. Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng, mưa nhiều, khi cây dưa đã lớn đến thu hoạch.

– Biện pháp phòng trị:
+ Xử lý đất bằng cách bón vôi trước khi trồng
+ Luân canh với các cây trồng khác họ bầu bí dưa
+ Tiêu hủy các tàn dư thực vật từ vụ trước
+ Bón phân cân đối, tránh bón quá nhiều phân đạm, tăng cường phân kali
+ Phun ướt đều cả 2 mặt lá bằng thuốc đặc trị: ZIFLO 76WG, NOVA 70WP, DITHANE M45 80WP, MANTHANE M46- 80WP, SUPER ONE 300EC . . .

Bệnh héo vàng

Bệnh héo vàng

– Tác nhân gây hại: do nấm Fusarium oxysporium
– Triệu chứng:
Nấm xâm nhập phá hại gốc cây làm gốc và rễ bị thối đen. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là dây dưa bị héo rũ vào buổi trưa nắng và tươi tỉnh lại vào buổi chiều hay sáng sớm. Cây héo từng phần xảy ra trong vài ngày rồi lan ra cả cây, làm cây chết. Trước khi héo, cây có triệu chứng sinh trưởng kém, sau đó các lá biến vàng từ gốc trở lên. Khi chẻ dọc phần thân thấy mạch dẫn bên trong bị thâm đen, có sọc nâu chạy dọc theo mạch nhựa.
Nấm tồn tại ở trong đất ở dạng sợi và bào tử. Trong đất nấm sống rất lâu tới vài năm.
– Biện pháp phòng trị:
+ Xử lý đất bằng cách bón vôi trước khi trồng
+ Luân canh với các cây trồng khác họ bầu bí dưa
+ Nhổ bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh
+ Tránh để ruộng dưa bị ngập úng, phòng trừ tuyến trùng gây hại rễ bằng các sản phẩm thuốc rãi như: TASODANT 12G, NOKAPH 10GR.
+ Phun phòng trị bệnh bằng các sản phẩm sau: DITHANE M45 80WP, MANTHANE M46- 80WP, CHAMPION 77WP, SUPER ONE 300EC, JACK M9 72WP. . .

Bệnh héo xanh

Bệnh héo xanh

– Tác nhân gây hại: do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra
– Triệu chứng:
Vi khuẩn trong đất xâm nhập vào rễ cây rồi phát triển rất nhanh trong các mạch dẫn, ngăn cản sự hấp thu vận chuyển nước làm cây bị héo.
Triệu chứng điển hình nhất là cây đang sinh trưởng bình thường thì đột ngột bị héo rũ trong khi các lá vẫn còn xanh. Ban ngày khi trời nắng cây héo, ban đêm cây xanh lại, sau 2- 3 ngày cây không hồi phục nữa và chết. Cắt ngang gốc thân cây bị bệnh, thấy các mạch dẫn bị nâu đen, ấn mạnh vào chỗ gần mặt cắt sẽ thấy chất dịch vi khuẩn màu trắng đục chảy ra.
– Biện pháp phòng trị:
+ Giử cho đất luôn ráo nước, tránh bị ngập úng trong mùa mưa
+ Xử lý đất thật kỹ trước khi trồng, lưu ý phòng trừ tuyến trùng gây hại rễ bằng các sản phẩm thuốc rãi như: TASODANT 12G, NOKAPH 10GR.
+ Nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bị bệnh để tránh lây lang
+ Phun ngừa bệnh bằng thuốc CHAMPION 77WP hoặc phun thuốc đặc trị vi khuẩn LOBO 8WP.

Bệnh bướu rễ

Bệnh bướu rễ

– Tác nhân gây hại: do tuyến trùng Meloidogyne sp gây ra
– Triệu chứng:
+ Tuyến trùng sống trong đất, chích vào rễ cây tạo thành các u bướu, sống và phát triển trong đó.
+ Biểu hiện của bệnh bướu rễ là trên rễ xuất hiện các khối u bướu màu trắng hoặc vàng nhạt, kích thước và hình dạng không cố định tùy theo số lượng tuyến trùng nhiều hay ít. Rễ phát triển kém làm cây cằn cỗi, lá nhỏ, vàng và rụng, bị hại nặng cây có thể chết.
Tuyến trùng phát triển thích hợp trong đất cát hơn trong đất thịt, tuyến trùng có thể sống từ 1- 2 năm trong đất.
– Biện pháp phòng trị:
+ Cày ải phơi đất, xử lý đất thật kỹ trước khi trồng
+ Luân canh với những cây trồng trồng khác họ
+ Thu gom và tiêu hủy tàn dư thực vật của vụ trước
+ Nhổ bỏ các cây bị bệnh nặng
+ Sử dụng thuốc trừ tuyến trùng TASODANT 12G, NOKAPH 10GR.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nghiên cứu thành công thuốc diệt nấm sinh học trị bệnh thán thư

Các nhà khoa học của trường Đại học tự trị quốc gia Mexico (UNAM) đã nghiên cứu thành công và đăng ký bằng sáng chế một loại thuốc diệt nấm sinh học có khả năng phòng ngừa bệnh thán thư gây hại cho cây trồng.

Theo phóng viên tại Mexico, chuyên gia Leobardo Serano Carreón thuộc nhóm nghiên cứu trên, cho biết thuốc diệt nấm Fungifree AB® được bào chế từ một loại vi khuẩn tách ra từ tán lá cây xoài, hoàn toàn không có độc tính và có thể dùng thay thế các loại hóa chất tổng hợp thường được sử dụng trong nông nghiệp.

Fungifree AB® có thế sử dụng cho 20 loại cây ăn quả.Fungifree AB® có thế sử dụng cho 20 loại cây ăn quả.

Fungifree AB® có khả năng phòng chống các loại sâu bệnh cũng như giúp cây trồng tự bảo vệ và phát triển.

Loại thuốc này đã được tiến hành thử nghiệm nhiều lần với nhiều cách khác nhau trên nhiều loại cây ăn quả và kết quả rất hữu hiệu.

Fungifree AB® có thế sử dụng cho 20 loại cây ăn quả như xoài, bơ, đu đủ, cam, chanh, bưởi và quýt…

Loại thuốc này cũng đang được nghiên cứu sử dụng để phòng bệnh nấm ở cây cà phê.

Ngoài dự án này, các nhà khoa học của UNAM cũng đang tiến hành nghiên cứu kỹ thuật phân tích hình ảnh nhằm đánh giá tác hại của bệnh thán thư trên cây xoài, giúp xác định dễ dàng hơn diện tích cây trái bị ảnh hưởng bởi bệnh này.

Bệnh thán thư là bệnh nguy hiểm nhất trên cây xoài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng của cây và năng suất trái.

Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra, nấm bệnh phá hại trên cả lá, cành, chồi non và quả non.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam