Sâu đục thân hại cây cà phê và biện pháp phòng trừ

Sâu đục thân hại cây cà phê và biện pháp phòng trừ

Có 2 loại sâu đục thân hại cây cà phê là sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes Chevrolat) và sâu đục thân mình hồng (Zeuze coffea Nietner). Chúng hoạt động quanh năm và phát triển mạnh ở những khu vực nhiệt độ cao và nhiều ánh sáng.

                            Sâu đục thân hại cây cà phê và biện pháp phòng trừ

  1. Sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes Chevrolat)
  •  Trưởng thành là 1 loại xén tóc nhỏ có màu xanh đen. Con trưởng thành đẻ trứng vào vết nứt của đoạn cành hoặc thân rải rác hoặc thành từng cụm. Sau khi nở, sâu non đục vào gỗ, rồi đục ngoằn nghèo quanh vòng cây, tiện ngang các mạch gỗ. Sâu đục tới đâu, đùn phân và mạt cưa bịt kín đến đó. Đến tuổi 5, tuổi 6 sâu đục ra phía gần vỏ tạo 1 khoảng rộng trong phần gỗ của cây và hoá nhộng tại đó.
  •  Vòng đời từ trứng – sâu non – trưởng thành – đẻ trứng là 200 – 211 ngày trong vụ đông và 126 – 176 ngày đối với vụ hè.
  •  Sâu phát triển quanh năm và thường gây hại nặng vào tháng 4, 5 và 10, 11. Trưởng thành ưa đẻ trứng vào những cây ít cành, thưa lá. Chúng hoạt động mạnh khi nhiệt độ cao, ánh sáng nhiều. Ruộng cà phê càng dãi nằng càng bị hại nặng.
  •  Cây cà phê bị sâu đục thân mình trắng gây hại có các biểu hiện sau:

+ Toàn bộ lá phía trên ngọn bị vàng héo, các lá phía dưới còn xanh tốt, cây mọc thêm nhiều chồi thân.

+ Trên thân có những đường lằn nổi lên theo vòng, vỏ bị nứt nẻ, có những lỗ đục đường kính 2-3 mm.

+ Cây dễ bị gãy gục tại chỗ bị sâu đục.

+ Chẻ dọc thân cây thấy có đường rãnh sâu đục, phát hiện có sâu non màu trắng ngà, không có chân, toàn thân gồm nhiều đốt.

2.Sâu đục thân mình hồng (Zeuze coffea Nietner)

  • Trưởng thành là loài bướm trắng với nhiều chấm nhỏ màu xanh biếc hoặc màu xanh đen, thân dài 20-30mm, màu đỏ và được phủ bằng lớp lông trắng. Sâu non đẫy sức dài 30-50mm màu hồng. Nhộng dài 15-34mm.
  • Bướm cái đẻ trứng vào vỏ cây, sâu non đục vào giữa thân cây và đùn mạt gỗ ra ngoài. Cây bị hại dễ bị gãy ngang.
  •  Sâu thường phá hại thân, hoặc cành cấp 1, cấp 2. Sâu có thể phá hại từ cây này sang cây khác hoặc cành này sang cành khác, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây thậm chí gây chết cây.
  •  Suốt vòng đời của sâu đục vào thân và sống bên trong đó, đến khi trưởng thành bay ra ngoài tìm những nơi cành lá xanh tốt xum xuê để đẻ trứng, trứng được đẻ thành từng ổ ở vỏ cây.
  •  Sâu phát triển thích hợp ở nhiệt độ 20-28oC, dưới 18oC sâu phát triển chậm, sâu thường gây hại ở cây có tán không cân đối, những vườn không có cây che bóng.
  1. Biện pháp phòng trừ
  •  Đối với vườn cà phê đang bị sâu đục thân phá hại, cần tiến hành cưa bỏ những đoạn cành, thân cây có sâu đục thân hại để tiêu diệt bằng cách đốt hoặc chẻ thân cây ra, thu sâu non để diệt.
  •  Con trưởng thành (bướm, xén tóc) thường bị kích thích và thu hút bởi ánh sáng vì thế có thể dùng bẩy đèn để bắt các con trưởng thành và tiêu diệt vào đầu mùa mưa. Thời điểm này chúng thường ghép đôi và sinh sản.
  •  Sử dụng một số loại thuốc BVTV sau để phun trừ: Hoạt chất Diazinon (Diazol 10G, liều lượng 15g/gốc; Diazan 50EC, liều lượng 2,5 lít/ha); Hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin (Tungcydan 55EC, liều lượng 1,0 lít/ha)… Lượng nước phun 800 lít/ha, phun lên thân cây 2-3 lần để diệt sâu non ngay từ khi mới nở. Chú ý phun ướt đều toàn bộ cây, đặc biệt phun kỹ thân cây, và phun vào sáng sớm hoặc chiều mát.
  •  Trồng cây che bóng làm giảm cường độ ánh sáng. Cắt tỉa cành để cây có được bộ tán lá cân đối và thân cây được che phủ từ trên xuống dưới. Bón phân cân đối, đầy đủ để cây phát triển tốt, tăng sức đề kháng cho cây.
  •  Bảo vệ thiên địch, loài ong Apenesia sahyadrica Azevedo & Waichert ký sinh trên giai đoạn sâu non của sâu đục thân mình trắng.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam       

Đặc điểm của cây chè dây dùng trị viêm loét dạ dày

Đặc điểm của cây chè Dây dùng trị viêm loét dạ dày

Chè dây hay bạch liễm là loại cây 2 lá mầm trong họ nho. Chè Dây sinh trưởng tự nhiên trên các triền núi. Thoạt nhìn chè dây có màu trắng như màu mốc, màu như vậy là do nhựa chè dây tiết ra với kinh nghiệm các nhà khoa học thì lá chè dây càng màu trắng thì chứng tỏ nhiều nhựa và rất tốt. Kết quả phân tích thành phần của chè dây cho thấy, đó là một loại dược liệu giàu chất flavoroid toàn phần chiếm 18.15 +_ 0.36% trong đó myricetin chiếm 5.32+_ 0.04% và tanin (10.82 -13.30%); chứa hai loại đường Glucase và Rhamnese.

chè Dây dùng trị viêm loét dạ dày

Kết quả nghiên cứu về tính an toàn cho thấy, thành phần hóa học của chè dây không có những nhóm chất thường có độc như: alcaloid, saponin…

Chè dây có tác dụng diệt vi trùng, vi khuẩn, giảm độ axit tại dạ dày, giúp cho bệnh viêm dạ dày tá tràng dễ liền sẹo; cắt cơn đau do viêm loét hành tá tràng đạt 93,4%, với Alusi (loại thuốc chuyên trị bệnh viêm loét hành tá tràng hiện nay) là 89%, thời gian cắt cơn đau trung bình của chè Dây từ 8 đến 9 ngày, và Alusi là 17 ngày.

Theo kinh nghiệm dân gian chè dây có giá trị về mặt dược liệu rất quý; giúp tiêu hoá tốt, dễ ngủ, những người bị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, uống một thời gian dài thấy bệnh đỡ dần và hết đau.

Cao chè dây không gây ngộ độc cấp tính, không ảnh hưởng tới các chỉ tiêu hóa sinh, huyết học, cổ truyền và sinh sản khi dùng thuốc trong thời gian dài. Các nghiên cứu trên lâm sàng cũng đều cho thấy chè dây không thấy có các tác dụng phụ như đầy bụng, nôn mửa hoặc khó chịu, mệt mỏi, nhức đầu hoặc các biểu hiện dị ứng.

Chè dây thường hái toàn thân cả lá vào lúc cây chưa có hoa quả đem về rửa sạch cắt nhỏ, phơi khô, sao qua rỗi hãm với nước đun sôi như pha chè uống thay nước. Phơi khô có mùi thơm nhẹ. Sau khi sao mùi thơm càng rỡ hơn. Nước chè dây có vị hơi ngọt, uống rất dễ chịu…

Chè dây thuộc loại thuốc “hàn lương” (mát lạnh) nên khi sử dụng bạn nên chia theo đợt: Hàng ngày lấy 30-50g uống thay nước. Mỗi đợt uống liên tục từ 15-20 ngày

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Trồng sen kết hợp nuôi cá

Trồng sen kết hợp nuôi cá ở Thừa Thiên Huế

Mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá ở huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp cải thiện môi trường. Ở huyện Phong Điền đã hình thành được một số vùng chuyên canh trồng sen kết hợp nuôi cá như ở các xã Phong An, Phong Thu và thị trấn Phong Điền với khoảng gần 70 ha. Người dân địa phương thường tận dụng ao, hồ, bàu, đầm… hoang hóa để trồng sen kết hợp nuôi cá rô phi, cá chép…

trồng sen kết hợp nuôi cá

Từ việc chuyển đổi được trên 20 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen, Chủ tịch UBND xã Phong An, Hồ Đôn cho biết, địa phương khuyến khích người dân khai phá ao, đầm hoang hóa hoặc ruộng lúa chỉ sản xuất được một vụ chuyển đổi sang trồng sen kết hợp nuôi cá. Mỗi năm, 1 ha sen cho thu nhập khoảng 50 – 60 triệu đồng, chưa kể khoản thu nhập từ bán giống, ngó, hoa, lá sen và cá. Qua những mô hình trồng sen, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo thêm việc làm giúp nhiều hộ thoát nghèo vừa giúp cải thiện môi trường.

Tại thành phố Huế sen trắng được trồng tập trung ở các hồ: Tịnh Tâm, Mân, Tàng Thơ… Ở huyện Quảng Điền, sen trồng nhiều ở các xã vùng thấp trũng như: Quảng An, Quảng Thọ… Những ngày này dọc các tuyến đường ở thành phố Huế như: Đinh Tiên Hoàng đoạn qua hồ Tịnh Tâm, Trần Hưng Đạo, Huỳnh Thúc Kháng hay ở các chợ Đông Ba, An Cựu đều có thể mua được nhiều sản phẩm từ sen. Tính theo giá bình quân hạt sen tươi chưa bóc vỏ trên 50.000 đồng/kg; sen bóc vỏ gần 200.000 đồng/kg; sen đã bóc vỏ, phơi khô từ 400.000 đồng/kg trở lên; Hoa sen 15.000 – 20.000/bó gồm 10 cành; ngó sen 7.000/kg.

Theo kinh nghiệm của những người trồng sen, đầu tháng Hai âm lịch, khi thời tiết ấm dần lên là thời điểm thích hợp để xuống giống sen. Nếu chăm sóc tốt, chỉ khoảng hơn một tháng sen sẽ ra hoa. Sen rất dễ trồng, ít công chăm sóc,chi phí phân bón thấp. Một thuận lợi với người trồng sen ở Thừa Thiên – Huế là đầu ra rất ổn định. Thương hiệu “sen Huế” cũng được nhiều người biết đến.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Trồng xen sả dưới tán cây cao su – hướng đi mới hiệu quả cho nông dân quảng trị

Trồng xen sả dưới tán cây cao su – hướng đi mới hiệu quả cho nông dân Quảng Trị

Gio Sơn là một xã miền núi thuộc huyện Gio linh tỉnh Quảng Trị, nổi tiếng với các nông trường cao su bạc ngàn. Trong những năm gần đây việc nông trường giao cao su cho người dân quản lí, khai thác, vệ sinh đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế từ mô hình trồng sen sả dưới tán cao su còn nhỏ.

Sả là loại cây trồng rất phổ biến ở thế giới, có thể trồng quanh nhà với quy mô hộ gia đình hay trồng lớn theo quy mô nông trường. Hiện nay trên thế giới có 9 giống sả, nhưng ở Việt Nam phổ biến nhất là 2 giống sả chanh và sả Java. Hiện ở vùng Gio Sơn, người dân phát triển trồng chủ yếu là cây sả chanh( sả tím) – sả tím là loại cây không kén đất, nhưng với đất đỏ ở vùng Gio Sơn thì rất thuận lợi để cây sả phát triển. Khi xen canh với cây cao su, nông dân có thể tận dụng công chăm sóc cao su để làm sạch đất cho sả. Sả với thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ tầm 3-4 tháng cho 1 vụ thu hoạch, tiềm năng kinh tế cao khi được dùng cho cả thực phẩm lẫn nấu tinh dầu phục vụ cho dược phẩm,…giá sả cũng khá ổn định, giao động từ 6000- 8000đồng /1kg sả thương phẩm và 7000-9000 đồng/1kg cho sả giống. với 1ha cao su, khi xen canh với cao su có thể thu hoạch được từ 7 – 8 tấn sả thương phẩm, mang lại thu nhập 50-70 triệu đồng 1 năm. Hiệu quả kinh tế lớn hơn rất nhiều so với trồng các loại cây trồng khác.

cây sả được trồng xen canh

Việc chăm sóc sả cũng không quá khó khăn vì sả cũng khá ít bệnh, chủ yếu là bệnh gỉ sắt do nấm , hay rệp, thối gốc,… những bệnh này dễ dàng xử lí , phòng ngừa được.

Bên cạnh đó, 1 số người dân trong vùng mở rộng thêm diện tích cũng như học thêm cách nấu tinh dầu sả để tận dụng lá sả trong quá trình thu hoạch, nâng cao giá trị kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm và tạo được thị trường ổn định hơn cho bà con nông dân.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Trồng cây lạc dại bổ sung hữu cơ và vi sinh vật tốt cho đất

Để đủ dinh dưỡng cho cây trồng và bảo vệ đất, ngoài tăng cường bón các loại phân hữu cơ, người ta còn phải sử dụng biện pháp phủ bổi (multring) bằng thân xác thực vật và trồng cây phủ đất

Lịch sử cây lạc dại

Ở Việt Nam, cây lạc dại được biết đến và trồng lần đầu tiên thẹo dự án nghiên cứu hệ thống nông nghiệp miền núi phía Bắc từ năm 1999 và bắt đầu nghiên cứu ứng dụng tại Bắc Kạn, được Bộ NN & PTNT công nhận công nhận tiến bộ kỹ thuật.

Theo Lê Quốc Doanh, năm 2007 Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã làm thí nghiệm với kết quả: trồng cây lạc dại trong một số vườn mận trên vùng sườn đồi tại huyện Mộc Châu có khả năng làm giảm 72,4% lượng đất bị xói mòn và năng suất mận tăng 25% khi thảm lạc dại đã phát triển mạnh. Trong những tháng khô hạn thì ẩm độ đất dưới thảm lạc dại bao giờ cũng cao hơn so với đối chứng từ 10 đến 50% tuỳ thuộc vào độ dày của thảm che phủ và điều kiện đất đai.

Sau khi trồng cây lạc dại được 6 tháng, tỉ lệ che phủ vườn đạt 100% và lượng chất khô thu được là 4.800 kg/ha. Năng suất xanh cây lạc dại ước đạt hơn 136 tấn/ha/năm tương đương 20 – 25 tấn chất khô. Hàm lượng đạm tổng số 2,87%, lân tổng số 0,95%, kali 1,78%. Cây lạc dại có khả năng cố định đạm từ 200 – 300 kg N/ha/năm hoặc với lượng chất xanh trên một năm cây lạc dại có thể trả lại cho đất lượng dinh dưỡng rất cao (595 kg N/ha, 140 kg P O /ha và 200 kg K O/ha).

 Kiểm tra một số chỉ tiêu của đất trong vườn tiêu, so sánh giữa lô có trồng lạc dại và lô đối chứng không trồng lạc dại, số liệu khảo sát một số chỉ tiêu của đất và biến động số lượng tuyến trùng trong đất trong sáu tháng mùa khô cho thấy:

  • Độ ẩm đất trong lô trồng lạc dại suốt trong mùa khô luôn cao hơn nhiều so với lô không trồng lạc dại
  •  Hợp chất hữu cơ đất được tăng dần trong lô trồng lạc dại

 Qua thực tiễn trồng cây lạc dại phủ đất trong vườn cây ở các nơi, chúng ta có nhận xét: Cây lạc dại có tranh dinh dưỡng với cây trồng, nhưng cuối cùng cây lạc dại đã bảo vệ, chống rữa trôi, giữ ẩm đất và đưa lại cho đất một khối lượng hữu cơ lớn.

Công dung của cây lạc dại

  •  cây lạc dại cố định lượng phân đạm rất lớn cho đất và cây trồng
  • Trồng cây phủ đất, đặc biệt là cây lạc dại, trong vườn cây là hình thức bón phân hữu cơ và bảo vệ đất rất hiệu quả cho cây trồng
  • Trồng cây lạc dại đã làm phong phú, đa dạng hóa sinh học có lợi
  • Làm giàu quần thể vi sinh vật có ích, vi sinh vật đối kháng
  •  Là tác nhân rất quan trọng, tăng sức sống và độ phì đất, làm tăng sức sống và sự đề kháng của cây trồng và quản lý dịch hại có hiệu quả

Thực trạng hiện nay

Trồng lạc dại xen lẫn cây tiêu

Hiện nay, có người còn phân vân rằng cây lạc dại cũng có sâu bệnh, nếu trồng xen sẽ lây bệnh cho cây trồng. Ý kiến này đúng, tuy nhiên kinh nghiệm trong nước và trên thế giới cho thấy, trồng cây lạc dại trong vườn cây đều đem lại lợi lớn cho cây trồng hơn là mặt có hại. Ở nước ta, việc trồng xen cây lạc dại đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Từ những lợi ích nói trên, trong vườn cây không nên làm sạch cỏ. Nên trồng cỏ có định hướng để bảo vệ và làm giàu cho đất. Không nên dùng thuốc trừ cỏ trong vườn cây. Thuốc trừ cỏ gây hại cho đất nhất là làm suy giảm hệ vi sinh vật, làm giảm đa dạng hóa sinh học đất. Sử dụng biện pháp trừ cỏ “lợi bất cập hại”.

Tiến bộ kỹ thuật trồng cây phủ đất trong vườn cây lâu năm đưa vào nước ta đã rất lâu, nhưng những nghiên cứu và khai thác còn quả hạn chế.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam