Kỹ thuật trồng Đậu Tương ở miền núi

Cây đậu tương được trồng rộng rãi ở các vùng sinh thái khác nhau. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cây đậu tương được trồng với diện tích lớn như Bắc Giang (8.700 ha), Sơn La (8000 ha), Cao Bằng (7.500 ha). Tuy nhiên, diện tích trồng cây đậu tương có thể phát triển nhiều hơn nữa trên nhiều loại đất khác nhau của miền núi (đồi, gò, nương rẫy…) có thể trồng xen với cây ăn quả, cây rừng chưa khép tán, cây công nghiệp ngắn ngày như mía và trồng luân canh với cây lương thực như  ngô, lúa nương.

Đậu tương

Một số giống đậu tương có khả năng phát triển tốt ở miền núi:

Giống đậu tương ĐT80

Giống đậu tương ĐT80 có thời gian sinh trưởng 90-100 ngày, hoa màu tím, chống đổ tốt, ít phân cành, chịu hạn khá. Khối lượng 100 hạt đạt từ 12-13 kg, có thể đạt năng suất 21,0-22,5 tạ/ha, thích hợp cho vụ Hè ở miền núi.

Giống đậu tương ĐT84

Giống đậu tương ĐT84 có thời gian sinh trưởng 80-85 ngày, cây sinh trưởng khoẻ, cây cao 40-50 cm, ít phân cành, hoa màu tím, khối lượng 1.000 hạt 180-220 g màu vàng sáng, năng suất trung bình từ 13-18 tạ/ha, năng suất cao có thể đạt 25 tạ/ha. Thích hợp cho vụ Xuân muộn và Hè-Thu ở miền núi.

Giống đậu tương VX9-3

Giống đậu tương VX9-3 có thời gian sinh trưởng 90-95 ngày, cây cao 40-45 cm, thân to khoẻ phân cành mạnh, khối lượng 1.000 hạt đạt 150-160 g, năng suất đạt 18-25 tạ/ha. VX93 chịu hạn, úng và bệnh trung bình, chịu rét khá, ưa thâm canh. ở Trùng Khánh, Cao Bằng cho năng suất từ 2,5-3,0 tạ/ha.

Giống đậu tương AK05

Cây sinh trưởng khoẻ, cây cao 50-60 cm, thời gian sinh trưởng 90-95 ngày, hoa màu trắng, hạt vàng sáng đẹp, khối lượng 1.000 hạt đạt 130-140 g, năng suất trung bình 13-15 tạ/ha. Khả năng chống bệnh trung bình, chịu rét khá, chịu hạn trung bình.

Giống đậu TL57

Thời gian sinh trưởng vụ Xuân 100-110 ngày, vụ Hè, Đông 95-100 ngày, cây cao 40-70 cm, bản lá to, xanh đậm, cây cứng có khả năng chống đổ tốt, hoa màu trắng, hạt vàng sáng, rôn hạt màu nâu nhạt, số quả trên cây 20-30 quả. Khối lượng 100 hạt đạt 15-16 g. Năng suất trung bình 15-20 tạ/ha, nhiễm nhẹ bệnh gỉ sắt.

Giống đậu tương ĐT93

Giống ĐT93 sinh trưởng tốt trong cả 3 vụ Xuân, Hè, Đông, cây cao 45-60 cm, thời gian sinh trưởng 75-85 ngày. Hoa màu tím, hạt dạng tròn hơi bầu, màu vàng sáng, khối lượng 1.000 hạt đạt 130-140 g, năng suất trung bình 12-14 tạ/ha. ĐT93 là giống nhiễm gỉ sắt trung bình, có khả năng chịu nhiệt, chịu hạn và chịu lạnh khá.

Quy trình kỹ thuật sản xuất chung cho các giống đậu tương:

Thời vụ

Vụ Xuân: Gieo hạt khi có mưa xuân thường từ ngày 15/2-15/3.

Vụ Hè-Thu: Gieo hạt từ ngày 10/6 đến 5/8, tuỳ thuộc từng vùng để có thời vụ thu hoạch vào lúc nắng ráo.

Phân bón và cách bón

Bón lót: 350-400kg supe lân ủ với 5-6 tấn phân chuồng để bón cho 1 ha.

Bón thúc lần 1: 60-70kg đạm urê và 100-120kg kali cho 1 ha vào lúc cây có 2-3 lá kép kết hợp xới lần 1 và vun nhẹ.

Bón thúc lần 2: 200kg vôi bột cho 1 ha lúc cây chớm ra hoa, vun đất cao 10-12cm.

Chuẩn bị hạt giống và mật độ gieo

Lượng giống cần cho 1 ha: Do không có sự chênh lệch lớn về kích cỡ hạt giữa các giống nên lượng giống khuyến cáo chung đủ trồng cho 1 ha là 60kg.

Về chất lượng giống: Trước khi gieo phải kiểm tra lại tỷ lệ nảy mầm, ít nhất phải đạt 85%, hạt đồng đều về kích cỡ và màu sắc, đảm bảo độ thuần, hạt không bị mọt và sâu bệnh.

Chọn hạt giống có khả năng nảy mầm tốt

Vụ Xuân: Mật độ gieo 35-40 cây/m2 (hàng cách hàng 35-40cm, cây cách cây 7-8cm).

Vụ Hè-Thu: Đảm bảo mật độ 30-35 cây/m2 (hàng cách hàng 35-40cm và cây cách cây 7-10cm).

Chăm sóc

Xới cỏ lần 1 khi cây có 2-3 lá kép kết hợp bón thuốc đạm và kali. Vun nhẹ đất vào gốc.

Xới cỏ lần 2 khi cây chớm ra hoa, kết hợp bón bổ sung vôi bột và vun cao đất.

Tưới nước: Ngoài độ ẩm cần thiết khi gieo hạt, vào mùa khô nếu có điều kiện thì tưới vào hai thời kỳ chính là trước khi ra hoa và làm quả.

Phòng trừ dòi đục lá, thân, quả, sâu cuốn lá, sâu khoang, rệp bằng Sumicidin 0,2%, trừ bọ xít bằng Bassa 0,1% + Dipterex.

Phun định kỳ lúc cây 2 lá đơn, 4-5 lá kép (lá thật), trước ra hoa, khi làm quả, phun thuốc có hiệu quả tốt nhất vào lúc chiều mát.

Thu hoạch và bảo quản

Thu hoạch khi 2/3 số quả chuyển sang mầu nâu sẫm. Thu hoạch vào những ngày nắng ráo, sau đó phơi khô đến khi tách hạt thì đập lấy hạt, làm sạch hạt, phơi khô đến khi cắn tách dọc hạt được dễ dàng.

Hạt sau khi phơi để nguội rồi vào bảo quản trong chum kín hay bao nilon 2 lớp.

Nguồn: 2lua.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng Đậu Tương

Đậu tương hay đỗ tương, đậu nành (tên khoa học Glycine max) là loại cây họ Đậu (Fabaceae), là loài bản địa của Đông Á. Loài này giàu hàm lượng chất đạm protein, được trồng để làm thức ăn cho người và gia súc.

Cây đậu tương

Cây đậu tương là cây thực phẩm có hiệu quả kinh tế lại dễ trồng. Sản phẩm từ cây đậu tương được sử dụng rất đa dạng như dùng trực tiếp hạt thô hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa đậu nành, okara… đáp ứng nhu cầu đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày của người cũng như gia súc.

1. Cơ cấu giống

Căn cứ trình độ thâm canh và đặc điểm sinh thái của mỗi vùng để lựa chọn bộ giống thích hợp cho từng địa phương.

– Các giống chín sớm và trung bình như: DT84, DT92, DT96, DT99….Lượng giống sử dụng 50-60 kg/ha.

– Tất cả các giống trước khi gieo phải thử sức nảy mầm (hạt giống đủ tiêu chuẩn phải có tỷ lệ nảy mầm trên 70%).

2. Thời vụ

– Căn cứ đặc điểm thời gian sinh trưởng của từng giống mà bố trí thời vụ thích hợp để đậu tương sinh trưởng phát triển thuận lợi (lưu ý đến yếu tố thời tiết vào thời kỳ ra hoa – đậu quả). Tại ĐBSCL, cây đậu nành có thể trồng trên nhiều vùng đất khác nhau và được sản xuất quanh năm, nhưng thời điểm xuống giống thuận lợi nhất là vụ Đông Xuân và Xuân Hè, phổ biến nhất là trong vụ Xuân Hè. Thông thường, vào khoảng giữa tháng 2 dương lịch, sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, bà con tiến hành dọn sạch cỏ, cắt gốc rạ và dọn đất để xuống giống đậu nành.

– Nên luân canh, xen canh đậu tương với cây trồng khác họ (không trồng đậu tương qua nhiều vụ trên cùng một chân đất hoặc vụ trước đã trồng cây họ đậu).

3. Đất trồng

– Đậu tương là cây không kén đất, nhưng để có năng suất cao nên ưu tiên đất có thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình, giữ ẩm và thoát nước tốt: đất thịt nhẹ, đất cát pha, phù sa ven sông,…

– Đất phải được cày bừa kỹ, sạch cỏ dại; Đất dốc phải thiết kế thành băng chống sói mòn. Đất phải lên luống tạo rãnh thoát nước kịp thời khi mưa to (mặt luống rộng 1,0-1,2 m, cao 15-20 cm, rãnh rộng 25-30 cm).

4. Mật độ, khoảng cách trồng

– Lượng giống gieo/ sào (360m2): Đậu tương 2,0 – 2,2kg.

– Khoảng cách gieo: Hàng cách hàng 60 – 65cm. Cây cách cây 15cm. Mật độ 3.600 – 4.000 khóm/sào.

– Cách gieo: Chọc lỗ sâu 1,5 – 2cm, bỏ hạt, lấp đất; gieo 2 hạt/hốc, khoảng cách hốc 15cm. Thông thường có 03 cách gieo hạt giống:

+Phương pháp gieo vãi: Thông thường gieo vãi áp dụng với ruộng cao, đất chỉ cần cày lên là có thể gieo vãi. Mật độ gieo 3kg/sào gieo đều là đảm bảo.

+Phương pháp tra rạch: Gặt sát gốc rạ, sau gặt tạo rãnh thoát nước bằng cày, cuốc, các rãnh cách nhau 1,5m (bằng bề ngang luống). Sau đó dùng nông cụ tạo rạch ngang luống sâu 2-3cm, các rạch cách nhau 30-35cm và tra hạt vào rạch, hạt cách hạt 3-5cm.

+Phương pháp tra gốc rạ: Thu hoạch lúa xong tạo rãnh thoát nước như trường hợp gieo vãi. Dùng tay gạt nghiêng gốc rạ, tra mỗi gốc rạ 1-2 hạt vào kẽ, tiếp xúc giữa đất và gốc rạ, tuyệt đối không tra vào giữa gốc rạ hạt đậu sẽ không hút được ẩm để nảy mầm

Chú ý: Không gieo hạt vào những ngày mưa to, hạt bị trương nước làm giảm sức nảy mầm; Phơi lại hạt giống trước khi gieo, phơi trên nong, nia, dưới nắng nhẹ để kích thích nảy mầm.

5. Chăm sóc

Trừ cỏ:

– Trước gieo đậu 5 – 7 ngày, cần làm sạch cỏ dại, cắt bỏ các lá khô, lá vàng, lá sâu bệnh và lá già khuất sáng trên cây ngô, gom hủy tàn dư thực vật, tạo sự thông thoáng trong ruộng ngô, kết hợp phun thuốc phòng trừ cỏ dại. Có thể sử dụng 1 trong các loại thuốc trừ cỏ như Cariza 5EC, Gromoxone 20SL, Wisdom 12 EC…

– Khi cây có 1 – 2 lá thật, kiểm tra tỉa bỏ các cây còi cọc, cây sâu bệnh… chỉ để lại 1 – 2 cây đậu khỏe/khóm.

Bón phân:

– Bón đủ phân hữu cơ hoai mục (nếu không có phân chuồng hoặc phân rác hoai mục có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh), bón cân đối N-P-K và đủ lượng canxi.

Toàn bộ phân hữu cơ, phân lân, vôi bột nên trộn đều, rồi ủ vài ngày trước khi bón để tăng hiệu quả sử dụng phân.

– Không cần bón phân qua rễ. Vì, cây đậu dưới 3 lá thật, có thể sinh trưởng, phát triển tốt nhờ dư lượng phân bón trong đất từ cây trồng trước đó. Đậu tương từ 4 – 5 lá thật trở lên, sẽ tự tổng hợp được dinh dưỡng cho nhu cầu sinh trưởng của cây thông qua hệ vi khuẩn nốt sần hình thành trên rễ.

– Phun bón lá kết hợp với chế phẩm tăng ra hoa đậu quả 6 lần: Trước, trong thời gian ra hoa. Sau đó, cứ 7 ngày 1 lần phun nhắc lại. Có thể sử dụng một số phân bón lá, chế phẩm đậu quả như: Atonik 1.8 DD, Grow more, Agriseed-Mg, thuốc đậu quả Bo TRS-108…

Lưu ý:  Những vùng đất chua nên bón phân lân nung chảy.

Phòng trừ sâu bệnh:

– Sau khi gieo, cần kiểm tra để lấp kín toàn bộ hạt.

– Các lần bón thúc cho đậu tương, cần kết hợp với xới xáo làm cỏ, tạo độ thoáng khí để vi khuẩn nốt sần hoạt động tốt, đậu tương phân cành sớm. Đặc biệt sau khi mưa rào phải xáo phá váng ngay, giúp bộ rễ phát triển thuận lợi.

– Khi cây đậu tương bắt đầu ra hoa có thể phun các loại phân bón qua lá để bổ sung vi lượng cho cây.

– Giai đoạn từ khi cây mọc đến khi đậu tương phân cành cần chú ý sự xuất hiện và gây hại của sâu xám, dòi đục thân, bệnh lở cổ rễ.

– Giai đoạn từ khi cây ra hoa đến cuối vụ cần chú ý: dòi đục hoa, sâu đục quả, sâu cuốn lá, bệnh gỉ sắt,…

+ Phòng trừ dòi đục thân, sâu khoang, sâu xám…: Rải Regent 3G trên mặt luống 2 lần (khi gieo đậu và sau cây mọc 5 – 7 ngày)

+ Phòng trừ sâu cuốn lá, đục quả: Sử dụng thuốc Sherpa 2%, Motox 5 EC… Phun 3 lần (kết hợp với phân bón lá): Trước ra hoa 5 – 7 ngày, trong giai đoạn cây ra hoa, sau hoa rộ lần đầu 5 – 7 ngày (cây đậu tương sau hoa rộ 5 – 7 ngày). Nếu sâu hại phát sinh gia tăng, cần tăng số lần phun thuốc.

6. Thu hoạch

– Thu hoạch khi có 2/3 số quả trên cây chuyển màu nâu, bộ lá chuyển màu vàng và rụng dần từ dưới lên (sau trồng 80 – 90 ngày). Nên thu hoạch vào ngày thời tiết nắng ráo để tiện vận chuyển và phơi. Không thu đậu vào lúc mưa, hạt dễ bị thối, mốc.

– Cắt gom cây rải phơi trên sân gạch/bê tông 3 – 4 nắng, tuốt lấy hạt trên máy tuốt lúa đạp chân, sàng, sảy.

– Phân loại: những cây chín nhiều (khô) phơi riêng, cây còn nhiều quả xanh có thể ủ thêm 2-3 ngày cho chín tiếp. Cây khô đập tách lấy hạt, phân loại để bảo quản hoặc tiêu thụ.

– Nếu bảo quản dài ngày, cần phơi khô hạt trên nong, nia, cót, bạt,… tới thủy phần 14% (cắn hạt không dính răng, nghe tiếng kêu giòn cốp là được). Không phơi hạt trực tiếp trên nền xi măng, nền gạch. Gom lại hạt đậu, để nơi thoáng mát 4 – 6 giờ cho nguội, đóng bao bì, bảo quản nơi khô ráo và chủ động biện pháp phòng trừ mọt đục hạt.

7. Để giống

– Chọn những ruộng tốt, không bị bệnh, năng suất cao, đúng giống thu riêng và phơi riêng cho đến khô (đến khi độ ẩm của hạt ≤12%), quạt sạch vỏ, loại bỏ hạt xấu, hạt bị sâu bệnh. Bảo quản trong chum, vò, lọ sành, sứ, đáy và miệng lọ lót một lớp lá xoan khô hoặc tro bếp dày 2 – 3cm, đậy nắp kín, cất nơi khô ráo, thoáng mát.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Nghệ nhân Chè búp tím

Gần cả đời gắn bó với cây chè ở vùng chè nổi tiếng thuộc xã Tức Tranh (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), kỹ năng làm chè của ông Phạm Văn Dung đã được người dân phong vào hàng nghệ nhân.

Ông Phạm Văn Dung giới thiệu về quy trình chăm sóc, chế biến đặc biệt đối với chè búp tím

Gần đây, việc nhân giống và phát triển thành công cây chè tím của ông Dung lại được người dân gán cho ông tên gọi “Tể tướng chè tím”.

Dù đã ngoại thất thập nhưng ngày ngày, ông vẫn lặn lội trên đồi, dưới bãi chăm lo cho từng cây, từng luống chè. Chè Tức Tranh vốn đã nổi tiếng nay lại càng nức hương bởi loại chè được coi là biệt dược này.

Say nghề

Gia đình ông Dung có gần 10.000m2 đất chè thuộc làng nghề chè truyền thống xóm Minh Hợp. Trong đó, ông có 4.000m2 chè Tri 777, 3.000m2 chè Trung du. Diện tích còn lại, ông làm vườn ươm các loại chè giống bán cho người dân.

Ông kể, khi chăm sóc cho hàng nghìn mét vuông chè trung du, nhận thấy có cây chè khác lạ, ngọn non và lá có màu tím, phát triển mạnh hơn với những cây chè khác. Qua tìm hiểu trên sách báo, tivi rồi mạng xã hội, cùng với sự giúp đỡ của giảng viên, sinh viên ĐH Nông lâm Thái Nguyên, biết được cây chè tím có nhiều tác dụng chữa bệnh khác nhau, ông đã quyết định nhân giống để trồng.

Đưa chúng tôi lên thăm vườn chè tím, cẩn thận nâng một cây giống còn trong bầu lên cao, ông Dung giới thiệu, ngọn chè tím có màu tím giống như màu mận chín, cuống lá non màu đỏ, có khi búp lá cũng đỏ hoặc tím.

Ban đầu, chỉ từ một vài cây mọc xen kẽ với những cây chè trung du trong vườn chè giống, ông bắt đầu tìm hiểu và nhân cành ra để trồng. Sau hơn 5 năm kiên trì nhân giống trồng và chăm sóc, đến nay diện tích vườn chè tím của gia đình ông Dung đã lên đến gần 2.000m2. Chè tím được bán với giá gấp 2, gấp 3 lần so với chè thông thường được làm tại đây. Ông Dung không giấu diếm bí quyết, trái lại, ông đã tiếp tục nhân ra hàng vạn hom giống để cung cấp cho người làm chè cùng trồng.

Thành quả từ nỗ lực phục tráng và phát triển giống chè tím được ông Dung khoe không phải là giá trị từ nương chè mà chính là việc sản phẩm chè tím đã góp phần chữa được căn bệnh hiểm nghèo cho chính người anh ruột của mình.

Năm 2013, ông Phạm Văn Đúp (xóm Bái Xuyên, Minh Tân, Phú Xuyên, Hà Nội – anh trai của ông Dung) được Bệnh viện U Bướu chuẩn đoán bị bệnh ung thư xương. Sau xạ trị và truyền hóa chất xong về nhà, ông Đúp được ông Dung gửi chè tím xuống.

Uống thuốc của bệnh viện kết hợp với uống chè tím được một thời gian, ông Đúp đi xét nghiệm lại, thì tình trạng bệnh tình của ông đã dần ổn định, các chỉ số máu đã trở lại bình thường, tế bào ung thư không còn phát triển. Từ đó, ông duy trì uống chè hàng ngày và kết hợp theo chỉ dẫn của các bác sỹ trong bệnh viện. Cứ 3 tháng đi tái khám một lần, các chỉ số đều đảm bảo.

Phát triển vườn chè thuốc

Rót chén chè tím mời khách, ông Dung giải thích, chè búp tím nước vàng sóng sánh, vị đượm, được nước. Ngon nhất là nước thứ hai, sau 5 – 7 lần châm nước, chè vẫn giữ được vị. Chè búp tím mới uống có vị chát, sau thì ngọt và lưu lại vị ngọt đặc trưng sau khi uống từ 20 – 30 phút. Chỉ cần pha một ấm thì có thể nhâm nhi cả ngày.

Coi chè tím như một vườn thuốc biệt dược, ông Dung đã thay đổi phương thức sản xuất, chế biến chè. Năm 2014, ông đề nghị hình thành nhóm hộ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông được bầu làm tổ trưởng tổ sản xuất chè VietGAP. Hơn 5.000m2 chè kinh doanh của gia đình ông được đưa vào thực hiện theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.


Bên căn nhà cấp 4 đã được xây dựng từ lâu của gia đình ông là khu vực chế biến với các máy móc, thiết bị vào loại hiện đại bậc nhất của xã Tức Tranh cũng như của huyện Phú Lương hiện nay. Trang thiết bị để sản xuất chè an toàn bằng inox gồm 3 tôn quay và 2 máy vò chè; hệ thống quạt hút khói bụi tại khu chế biến rộng cả trăm mét vuông; hệ thống máy sấy, tủ sấy hương, máy hút chân không, máy gắn mép, máy dập chữ số và hạn sử dụng.

Ông Dung cho đào và xây một ao trữ nước với diện tích khoảng hơn 300m2, tạo nguồn nước mạch sạch liên tục và hệ thống máy bơm nước tự động để tưới cho chè. Sản phẩm chè của gia đình ông Dung đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Giá bán được nâng cao, sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó.

Riêng vườn chè tím, ngoài đáp ứng theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Dung còn đảm bảo theo quy trình sản xuất hữu cơ. Ông cho hay, sản xuất chè tại Tức Tranh chính là cái nôi đầu tiên cho nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, việc thực hiện là không khó, cái khó là người làm chè có nhận thức được sự cần thiết, tất yếu phải làm hay không.

Nghĩ thế, ông cho mua một máy nghiền đỗ tương. Hạt đỗ tương mua về được xay thành bột để bón cho những gốc chè búp tím. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học thuộc ĐH Nông lâm Thái Nguyên, bột đỗ tương có chứa rất nhiều đạm, có thể sử dụng làm phân hữu cơ bón cho cây ăn quả, rau màu các loại, đặc biệt nguồn dinh dưỡng có trong bột đỗ tương không bị bay hơi, khi gặp mưa sẽ ngấm dần xuống đất làm cho đất tơi xốp, cây trồng tốt hơn.

Trong khi đó, giá thành để làm phân hữu cơ từ bột đỗ tương còn thấp hơn so với phân vô cơ. Cái chính là tạo ra được sản phẩm an toàn. Ông Dung triết lý, chè có thể chưa sạch nhưng chè thuốc thì phải an toàn tuyệt đối!


Ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết, trong lễ hội chè huyện Phú Lương lần thứ Nhất năm 2017 vừa được tổ chức, cá nhân ông Phạm Văn Dung cũng như sản phẩm chè tím của ông đã được BTC lễ hội vinh danh.

Hiện tại, sản phẩm chè búp tím của gia đình ông đã được nhiều khách hàng trong cả nước đặt mua. Mô hình phát triển chè búp tím của ông Dung không chỉ khẳng định vị thế mũi nhọn của cây chè nói chung trên địa bàn huyện mà góp phần làm phong phú, đa dạng các sản phẩm từ chè.

Mô hình cũng có sức lan tỏa và ông Dung cũng sẵn sàng là người hướng dẫn, cung ứng giống để nhân rộng, phát triển cây chè búp tím.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyêt bởi Farmtech VietNam.

Bệnh thối gốc thân ở cây thuốc lá

Thối gốc thân là bệnh thường gặp ở cây thuốc lá, do một loại nấm có tên khoa học là Rhizoctonia solani gây ra. Bệnh có thể xảy ra đối với cây con trong vườn ươm hoặc cây trên đồng ruộng.

Triệu chứng

– Đầu tiên xuất hiện một vùng nhỏ trên gốc thân bị sũng nước (rất khó phát hiện nếu không quan sát kỹ).

– Vùng nhiễm bệnh sẽ nhanh chóng ngả sang mầu sẫm tối và bị lõm xuống. Diện tích của vùng bị nhiễm có thể vẫn như lúc đầu hoặc lan rộng ra chung quanh gốc thân.

– Có thể quan sát thấy sợi nấm xuất hiện ngay ở giữa vùng bị nhiễm bệnh.

Tác hại

Khi đã bị nhiễm bệnh, cây sẽ không còn khả năng phát triển bình thường. Có hai xu hướng sau xảy ra:

– Vùng nhiễm bệnh sẽ tiếp tục lan rộng và bị thối mục, lan sang cả những lá gốc. Sau 25

– 30 ngày, cây sẽ bị héo rũ, lá khô dần và chết.

– Nếu chỉ bị nhiễm bệnh nhẹ, cây vẫn phát triển nhưng dễ bị héo khi trời nắng và thân cây rất dễ bị đổ khi có gió to, bộ rễ không có khả năng phát triển bình thường.

Cách phòng bệnh

Để tránh sự tấn công của bệnh, cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau:

– Sử dụng ánh nắng mặt trời để diệt trừ các mầm bệnh trong đất vườn ươm trước khi ươm.

– Áp dụng lượng hạt gieo vừa phải (tránh tình trạng cây quá dày).

– Quản lý việc tưới tiêu, tránh tình trạng thừa nước. Tránh tình trạng cây con bị trầy sướt khi vận chuyển từ vườn ươm sang ruộng trồng.

Lưu ý: Đối với bệnh này cách xử lý tốt nhất vẫn là phòng ngừa. Khi cây đã nhiễm bệnh, nên nhổ bỏ và dùng dung dịch Benlace C 0,1% phun lên ruộng để phòng ngừa sự lây lan của mầm bệnh.

Loại nấm gây ra bệnh thối gốc thân chủ yếu cư trú trong đất. Do vậy khâu vệ sinh đất trồng có ý nghĩa rất lớn trong việc đề phòng sự tấn công của bệnh, tạo ra những cây con khỏe và bảo đảm cây sau khi trồng sẽ phát triển tốt.

Nguồn: Nông thôn ngày nay được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hướng dẫn trồng cây Thuốc Lá từ hạt

Cây thuốc lá là loại cây công nghiệp dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Hiểu về Điều kiện Đất trồng và Khí hậu

Lá cây thuốc lá sẽ lớn lên trong mọi loại đất. Cây thuốc lá là loại cây cực kỳ dễ trồng. Cây trồng được ở nhiều nơi và thậm chí cả ở nơi của cây trồng khác, mặc dù, theo quy luật ngón tay cái thì thuốc lá sẽ phát triển tốt hơn trong điều kiện đất khô. Điều quan trọng cần chú ý là cây thuốc lá dễ chịu ảnh hưởng bởi từng loại đất trồng; đất sáng hơn sẽ cho thuốc lá với màu sắc nhạt hơn, đất tối hơn sẽ cho thuốc lá với màu sắc đậm hơn.

Để có kết quả tốt nhất, hãy trồng thuốc lá ở nơi có khí hậu khô và ấm. Loại cây này yêu cầu giai đoạn không sương giá khoảng 3 đến 4 tháng giữa thời gian cấy và thu hoạch. Để có kết quả tốt nhất, cây thuốc lá nên đúng độ chín khi không có lượng mưa lớn; dư nước sẽ làm cho cây mỏng manh và yếu ớt. Nhiệt độ lý tưởng để trồng cây là từ 20° đến 30°C.

Trồng và Cấy Thuốc lá

Rắc hạt cây thuốc lá trên mặt hỗn hợp đất giống và tưới một ít nước. Hãy chắc chắn rằng bạn đã đặt hỗn hợp đất giống trong chậu hoa, và phải có một vài lỗ nhỏ dưới đáy chậu. Hạt giống nên được trồng trong chậu khoảng 4-6 tuần

Hỗn hợp đất giống gồm phân trộn và nhiều dưỡng chất khác giúp hạt giống phát triển khỏe mạnh. Chúng hoàn toàn có sẵn trong hầu hết các cửa hàng đồ dùng chăm sóc vườn tược nhà cửa.

Hạt cây thuốc lá rất nhỏ (không lớn hơn mũi ghim), vì thế đảm bảo không gieo hạt quá dày nhằm tạo không gian thích hợp giữa các hạt giống để tránh cây mọc chen chúc.
Chính vì hạt cây thuốc lá quá nhỏ, chúng ta không nên gieo bên ngoài khi mới bắt đầu trồng. Ngoài ra, yêu cầu dưỡng chất của chúng khác với nhiều loại cây, vì thế tốt hơn là nên thêm sỏi hoặc phân bón đặc biệt dành cho cây thuốc lá.

Nhiệt độ thích hợp để hạt cây thuốc lá nảy mầm là từ 24-27°C. Nếu bạn không trồng trong nhà kính thì đảm bảo rằng khu vực bên trong nhà bạn phải đáp ứng được yêu cầu nhiệt độ trên.

Đừng lấp hạt giống trong đất vì chúng cần ánh sáng để nảy mầm; lấp hạt có thể làm chậm hoặc ngăn cản quá trình nảy mầm. Hạt giống sẽ bắt đầu nảy mầm trong khoảng từ 7-10 ngày.

Tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm cho hạt nhưng đừng để úng nước.Cũng đừng để đất khô hoàn toàn.

Thật cẩn thận khi tưới nước bởi vì lượng nước có thể làm cây con mới mọc bị bật gốc và chết.

Nếu có thể, hãy tưới cây con từ đáy chậu. Nếu bạn sử dụng chậu hoa có nhiều lỗ dưới đáy, hãy đặt chậu lên phía trên của khay nước. Để một vài giây để nước ngấm vào đất. Điều này sẽ giúp tưới cây con mà không làm ướt lá.

Sau 3 tuần, hãy cấy cây con sang chậu lớn hơn. Lúc này, cây con sẽ đủ lớn cho việc cấy nếu bạn đã tưới nước và chăm sóc đúng phương pháp.

Cấy cây con sang chậu lớn sẽ giúp hệ thống rễ của chúng phát triển khỏe mạnh.
Để xem cây con đủ lớn hay chưa, thử nắm lấy chúng. Nếu bạn có thể dễ dàng nắm giữa ngón cái và ngón trỏ thì chúng đã sẵn sàng để được cấy. Nếu chúng còn quá nhỏ, hãy để chúng tiếp tục quá trình nảy mầm cho đến khi đủ lớn.

Cấy cây thuốc lá rễ trần (không đất) trực tiếp từ chậu cây giống vào trong vườn là phương pháp dễ dàng hơn vì chỉ cần một lần cấy. Tuy nhiên, một khi được trồng trong vườn, cây rễ trần có thể bị “sốc cấy” làm cho hầu hết lá lớn nhất của chúng chuyển sang màu vàng và rũ xuống. Sau một tuần, cây thuốc lá bắt đầu phát triển trở lại, nhưng nói chung tránh sốc cấy sẽ giúp bạn tiết kiệm một tuần chờ đợi vì cây được trồng trong chậu có thể bắt đầu phát triển ngay khi được cấy.

Tưới cây con với dung dịch phân bón thực vật hoặc phân bón tảo biển/cá biển dạng sữa được xem như phép màu trong trồng trọt. Điều này sẽ cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây cho đến khi chúng sẵn sàng được trồng trong vườn sau khoảng 3-4 tuần.

Nếu cây bắt đầu vàng úa và trông còi cọc, có thể cây cần liều lượng phân bón khác. Hãy tiết kiệm lại, cho dù thế nào thì khi quá nhiều chất dinh dưỡng trong chậu có thể đốt cháy rễ cây hoặc dẫn đến cây mọc tràn ra và mảnh khảnh.

Chuẩn bị đất vườn để cấy cây lớn hơn. Đảm bảo rằng khu vực mà bạn trồng cây thuốc lá tiếp xúc liên tục với ánh nắng mặt trời, ráo nước và đã được canh tác.

Thiếu ánh nắng mặt trời sẽ làm cho cây mảnh khảnh, kém phát triển, và lá mỏng manh. Điều này có thể không trở thành vấn đề nếu bạn muốn trồng thuốc lá để làm lá áo xì gà, vì trồng cây dưới bóng râm có thể tạo ra đặc tính lá nổi bật mà bạn muốn.

Ngoài ra, hãy kiểm tra độ pH trong vườn nhà bạn. Cây thuốc lá cần được trồng trong đất với nồng độ axit vừa phải, nếu không chúng sẽ không phát triển được. Đất nên có độ pH là 5,8. Kém phát triển hoặc rối loạn phát triển có thể xảy ra nếu độ pH trong đất là 6,5 hoặc cao hơn.

Tránh sử dụng đất bị nhiễm bệnh và giun tròn. Giun tròn là loài ký sinh trùng sẽ ăn thuốc lá và cực kỳ khó để diệt trừ một khi chúng tràn vào.

Chuyển cây thuốc lá sang đất vườn khi cây con cao từ 15-20 cm. Khoảng cách tối thiểu giữa các cây trong một hàng là 0,6-1 m. Khoảng cách giữa các hàng từ 1-1,2 m.
Cây thuốc lá là “kẻ ăn nhiều”, nghĩa là chúng sẽ hút hết chất dinh dưỡng từ đất trong khoảng 2 năm. Để ngăn cản điều này, tận dụng luân canh cây trồng 2 năm trên khu đất hiện tại bằng cách trồng thuốc lá trong vòng 2 năm trên khu đất khác và chờ 1 năm trước khi trồng lại ở vị trí cũ.

Thay vì để trống đất vườn, bạn có thể thay thuốc lá bằng loại cây khó bị nhiễm bệnh bởi trùng gây hại phổ biến trong đất như ngô hoặc đậu nành.

Kỹ thuật sản xuất cây con Thuốc Lá

Sản xuất cây con tốt, khỏe, sạch sâu bệnh và đủ số lượng theo kế hoạch là yếu tố thành công trong bước khởi đầu một vụ trồng.

Cây con khỏe đạt tiêu chuẩn là tiền đề cho một vụ mùa thắng lợi. Để sản xuất con giống vụ đông xuân việc gieo ươm cây con rơi vào lúc thời tiết có mưa nhiều, trời nhiều mây gây thiếu ánh sáng, ẩm độ không khí cao nên dễ phát sinh sâu bệnh. Do đó, công tác gieo ươm cần được chú trọng thật kỹ các khâu kỹ thuật nhằm hạn chế thiệt hại, tạo cây con phát triển tốt nhất. Qui trình kỹ thuật này đều áp dụng cho tất cả các sản xuất con
giống thuốc lá như: thuốc lá nâu, thuốc lá vàng sấy, thuốc lá burley.

I. GIAI ĐOẠN VƯỜN ƯƠM:

1. Chọn địa điểm:

Đất làm vườn ươm phải đạt các yêu cầu sau: Vụ trước không trồng các cây họ cà, các cây rau như dưa chuột, đậu bắp… Cao thoát nước tốt, dốc

2. Bón phân:

Cách ngày gieo 2 – 3 ngày, bón phân lót vào các luống ươm, rải đều lên bề mặt rồi dùng cào xới chôn sâu khoảng 7 – 8 cm. Phân hữu cơ vi sinh (phân chuồng hoai): 5 kg NH4NO3 : 100g Super lân : 300g K2SO4 : 150g Furadan : 70g (Có thể dùng vimoca 20ND pha trong 30 lít nước tưới đều lên mặt luống để trừ kiến, sâu đất, tuyến trùng…) Dùng tấm PE đậy lại chờ gieo.

3. Gieo hạt:

Dỡ tấm bạt, tạo gờ và làm bằng mặt luống bằng cách đầm nhẹ để chống xói mòn.

Lượng hạt gieo: 1,0 – 1,2g/ 10m2 (tỉ lệ nảy mầm > 85%) Hạt được xử lý bằng CuSO4 1% trong 15 phút. Vớt hạt cho vào túi vải rửa sạch bằng nước lã. Ngâm hạt trong điều kiện nhiệt độ bình thường từ 12 – 24 giờ để hạt hút trương nước. Lấy ra rũ nước và ủ ở nhiệt độ không khí 27 – 28oC trong vòng 2 – 3 ngày hạt nứt nanh trắng. Chú ý không nên để nứt nanh quá dài khó gieo, dễ dính chùm. Trước khi gieo phải tưới cho luống ươm đủ ẩm. Cho hạt đã nứt nanh vào thùng gieo khuấy đều, hay trộn với cát sạch, tiến hành gieo đều trên mặt luống. Phủ lên bề mặt đã gieo một lớp tro trấu hay phân hữu cơ vi sinh 1 lớp dày 0,5 cm.

Tưới nước giữ ẩm cho mặt luống.

4. Làm dàn che:

Thực hiện làm giàn che ngay sau khi gieo hạt. Dùng tre cột uốn cong
hình vòm từ mặt luống cách đỉnh 50 – 60cm (cung tre phải có độ dài
2,4m).

5. Chăm sóc cây con:

Tưới nước: Sau khi gieo mặt luống cần phải giữ ẩm liên tục và vừa phải, nếu để thiếu nước hạt đang nứt nanh dễ bị thui chột. Trong suốt thời kỳ sinh trưởng cây con cần cung cấp đủ nước. Từ khi gieo hạt đến khi mọc 2 lá mầm, bộ rễ chưa đủ bám chặt vào đất nên dễ bị trôi dạt; do đó phải sử dụng búp sen có tia thật mịn để tưới cho cây con.

Sau khi gieo mỗi ngày cần tưới 2 – 3 lần (mỗi lần 20 – 30 lít nước/10m2) cho đến khi hạt mọc mầm đều và giảm dần còn từ 1 – 2 lần/ ngày tùy theo độ ẩm mặt luống.

Tỉa cây, làm cỏ: Sau khi cây mọc từ 5 – 7 ngày cần tiến hành làm cỏ ngay, kết hợp tỉa bỏ
cây con những chỗ có mật độ dày. Mật độ cây con từ 500 – 550 cây/ 1m2 nếu cây con cấy bầu, từ 350 – 400 cây/ 1m2 nếu cây con trồng thẳng. Trước và sau khi tỉa bỏ cây hay làm cỏ phải tưới nước thật đẫm trên mặt luống để ổn định bộ rễ cây con. Dọn vệ sinh trong và ngồi vườn ươm sạch sẽ.

Điều khiển mái che: Từ khi cây con có 2 lá thật rất cần ánh sáng để phát triển bộ rế, thiếu ánh sáng cây dễ bị vống, yếu, dễ bị bệnh nên giai đoạn này cần luôn điều chỉnh mái che để cho cây hưởng ánh sáng tối đa. Những ngày nắng nóng lưu ý phải che phủ mái che cản bớt ánh nắng khoảng từ 11 – 14 giờ tránh gây tổn thương cho cây.

Tưới thúc: đôi khi cây con bị xấu, kém phát triển có thể thúc bằng cách hòa tan 50 – 100 gr NH4NO3 trong 20 lít nước tưới đều trên mặt luống ươm.

Rửa lại bằng nước sạch.

6. Phòng trừ sâu bệnh:

Các loại sâu thường hại vườn ươm: sâu xanh (Heliothis armigera), sâu khoang (Prodenia litura), sâu đục thân (Phthorimaea operculella), bọ trĩ (Thrips tabasi), rệp muội (Myzus persicae)…

Phòng trừ các loại thuốc BVTV như: Confidor 100SL pha nồng độ 6- 8cc/8lít nước, hoặc

II. Chăm sóc cây bầu:

1. Tưới nước:

Những ngày đầu cây bầu được che nắng và giữ ẩm rất quan trọng, thông thường nên tưới 2 – 3 lần/ngày với lượng nước tước 20 – 30 lít/10m2/lần, tránh tưới vào thời điểm trưa nắng gắt cây đang héo. Thời gian tưới 7 – 8h sáng, 10 –11h và 15 – 16h chiều. Sau khi cấy bầu 4 – 5 ngày sau, cây đã phục hồi. Dần dần giảm bớt lượng nước tưới. Số lần
tưới và kết hợp mở dần dàn che để huấn luyện cây con. Nếu cây chậm phát triển có thể tưới thúc với các loại phân sau: Urê: 30 – 50g hoặc Nitrat (NH4NO3) 50g/luống (10m2 ) sau đó tưới lại bằng nước lã để rửa lá.

2. Dặm cây con:

Sau 3 – 5 ngày cấy dặm những cây con bị yếu khó phục hồi.

3. Xén lá:

Xen lá để tạo cây đồng đều và tăng đường kính thân, chú ý các thao tác sau: Nên cắt, xén lá vào buổi sáng trời khô ráo và có nắng. Loại bỏ những cây bị bệnh trước khi xén lá. Chọn cây cao nhất làm chuẩn, cắt theo mặt phẳng, cách đỉnh ngọn cây từ 1 – 2cm. Xử lý kéo và tây vào nước xà phòng hoặc dung dịch có chứa đồng để tránh nhiễm bệnh. Cắt khoảng 1 m2 phải xử lý kéo 1 lần.

4. Tập chịu hạn:

Nhằm tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển mạnh, sâu, rộng và tăng cường khả năng chống chịu hạn bằng cách khi cây 15 – 17 ngày cho ngưng tưới nước, khi nào thấy cây thuốc vào khỏang 10 giờ héo cho tưới lại, lặp lại cách này ít nhất 3 lần.

5. Phòng trừ sâu bệnh:

Sâu: các loại sâu thường gây hại trong vườn ươm: sâu xanh, sâu xám, sâu khoang, sâu đo, sâu đục thân sử dụng các loại thuốc trừ sâu như : sec sài gòn, Mosplan, Mospilan, lancer 75Sp, lannat, biocin, dragon… theo sự hướng dẫn ghi trên nhãn.

Bệnh: Bệnh do nấm: chết rạp cây con: thối đen rễ, lở cổ rễ… nên xử lý bằng Ridomil MZ 72, Benlat C… Bệnh do vi khuẩn: thối nhũn, héo vi khuẩn… nên sử dụng thuốc Kasuran, Kasumil, Boocdo

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

“Đổi đời” nhờ trồng cây thuốc lá

Mô hình trồng cây thuốc lá ở xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) chính là một trong những hướng đi hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững cho địa phương. Do là cây công nghiệp ngắn ngày lại cho thu nhập cao nên nhiều năm nay, các hộ gia đình ở xã đã “thay da đổi thịt”, từng bước xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc.

Cây thuốc lá phủ xanh Phù Ngọc

Phù Ngọc là xã vùng 2 của huyện Hà Quảng, có 856 hộ dân chiếm phần đông là người dân tộc Tày, Nùng, Mông nên việc thay đổi tập quán và tư duy canh tác là rất khó. Nhận biết được điều đó, năm 2012 xã Phù Ngọc đã kết hợp với Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cho trồng thử nghiệm 160ha cây thuốc lá. Đến nay cây thuốc lá đã lan rộng khắp toàn xã với diện tích là 169ha. Trong đó có 18ha cây thuốc lá chất lượng cao tập trung ở bản Bó và bản Chá với hơn 80 hộ dân tham gia.

Anh Nông Văn Hùng ở bản Cốc Chủ cho biết: “Mỗi vụ gia đình tôi trồng 1000 cây thuốc lá, trừ đầu tư cũng lãi được 15 triệu đồng. Năm vừa rồi mỗi cân lá thuốc lá phơi khô có giá là bán 45 nghìn đồng, công ty họ đến tận vườn mua nên gia đình tôi cũng có của ăn của để, không lo đói như trước kia nữa”.

Theo anh Hùng, đây là một trong những cây mũi nhọn giúp bà con thoát nghèo, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Hiện bản Cốc Chủ có hơn 100 hộ dân, đa số các hộ dân trồng cây thuốc lá. Để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, hiện bản Cốc Chủ đã cho xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng. Với loại cây ưa nước này, việc đáp ứng nhu cầu tưới tiêu là rất quan trọng. Ngoài xã Phù Ngọc, các xã khác như Đào Ngạn, Hạ Thôn… cũng đang áp dụng mô hình và mở rộng diện tích.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện và Chi nhánh Viện Kinh tế – Kỹ thuật Thuốc lá tại Cao Bằng còn chủ động đến tận vườn hướng dẫn cách lên luống, che phủ nilon để giữ độ ẩm cho đất, hạn chế cỏ mọc, dùng thuốc diệt chồi hợp lý… theo từng giai đoạn. Đặc biệt, bà con được hỗ trợ giống, nilon che phủ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Tương tự ở bản Cốc Chủ, các hộ dân ở bản Bó cũng đang tích cực chăm sóc đồng ruộng của nhà mình. Chị Đàm Thị Xuân đang cuốc đất, chia sẻ với chúng tôi: “Nhà tôi năm nay trồng hơn 4000 cây thuốc lá. Do bản Bó có chất đất tơi xốp lại hợp với thổ nhưỡng nên cây thuốc lá tăng trưởng rất nhanh. Mọi năm cứ đến cuối tháng ba (âm lịch) là cây thuốc lá đã cho thu hoạch rồi, năm nay hạn hán nên cây phát triển chậm hơn.

Riêng năm ngoái, thu nhập từ cây thuốc lá gia đình tôi được 30 triệu đồng. Sau khi thu hoạch xong bà con lại tập trung cấy thêm một vụ lúa nữa. So với trồng lúa nước, trồng cây thuốc lá kinh tế hơn rất nhiều”.

“Lột xác” nhờ cây thuốc lá

Hiện tại trên toàn xã, cây thuốc lá hầu như đã phủ kín khắp ruộng đồng. Với loại cây đem lại hiệu quả kinh tế như hiện nay, bà con dân tộc thiểu số đã từng bước thay đổi tư duy, tin tưởng vào chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cũng vì lý do đó nên nhiều gia đình ở xã Phù Ngọc đã phất lên, giàu có trông thấy. Nhiều hộ đã sắm được ti vi, xây được nhà, đời sống của bà con nhân dân đã từng bước xóa được nghèo. Các hộ gia đình coi đây là cây thu nhập chính, không thể thay thế bằng cây khác.

Theo chị Xuân, hàng năm cứ đến vụ thu hoạch, Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá (Vinataba) lại đến tận vườn thu mua. Hiện tại họ còn đầu tư phân bón, khâu chăm sóc và kỹ thuật nên bà con rất tin tưởng. Về khâu chăm sóc kỹ thuật, chỉ cần thấy cây thuốc phát bệnh là có cán bộ đến ngay. Gia đình chị Xuân có hơn 2000 mét vuông đất tốt nên khâu chăm sóc cũng như quá trình áp dụng khoa học kỹ thuật, về cơ bản chị đã nắm được thuần thục.

Kế ruộng của gia đình chị Xuân, ông Dương Văn Năm (Phó thôn kiêm công an viên bản Bó) đang dẫn nước vào ruộng. Khi được trò chuyện, ông Năm cho hay: “Nhà tôi năm nay trồng 5000 cây thuốc lá nên tốn rất nhiều công chăm sóc. Quá trình chăm sóc cũng phải trải qua bốn đến năm tháng mới cho thu hoạch. Được cái giá cả ổn định nên bà con họ rất tin tưởng vào chủ trương của cấp ủy, chính quyền. Hiện ít mưa, đất lại khô cằn nên tôi cứ phải tưới nước thường xuyên. Năm vừa rồi giá cả ổn định, trừ chi phí đầu tư, cây thuốc lá cũng cho thu nhập chính là 40 triệu đồng”.

Theo ông Năm, ở bản Bó có 91 hộ dân, trong đó có 50 hộ dân tham gia vào việc phát triển kinh tế từ cây thuốc lá. Nhờ vậy, nhiều năm qua cuộc sống của bà con đã thay đổi. Hiện trong bản chỉ còn 30 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo sẽ tiếp tục giảm từ mô hình trồng cây thuốc lá.

Chủ tịch xã Phù Ngọc Lã Hoài Bắc cho biết: “Năm 2015, xã Phù Ngọc gieo trồng 169ha thuốc lá, đạt 103,7% kế hoạch (KH), tăng 5,6ha so với năm 2014. Tuy nhiên, do thời tiết hạn hán kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển cây trồng, năng suất đạt 22,2 tạ/ha, đạt 94,5% KH; sản lượng 375,2 tấn, đạt 97,8% KH”.

Theo ông Bắc, xã Phù Ngọc đang phối hợp với Viện Kinh tế Kỹ thuật thuốc lá tập huấn cho nông dân 14 xóm về áp dụng khoa học kỹ thuật trồng thuốc lá; cung ứng 147.380kg phân bón, 800 lọ thuốc diệt chồi; hỗ trợ vay 195 ống dẫn nhiệt lò sấy. Năm 2016, xã Phù Ngọc phấn đấu mở rộng diện tích trồng thuốc lá với 530 hộ đăng ký trồng. Xã cũng đã cung ứng cho nhân dân 125,44kg phân bón, 1.000 lọ thuốc diệt chồi.

Để đảm bảo cho vụ sản xuất thuốc lá năm 2016 đạt và vượt kế hoạch, xã đã chỉ đạo, vận động nhân dân đăng ký giống, hướng dẫn bà con thực hiện tốt các chính sách đầu tư, quy trình kỹ thuật đảm bảo thâm canh cây thuốc lá, tăng giá trị trên đơn vị diện tích; phối hợp với đơn vị bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá cả hợp lý.

Qua quá trình thực hiện mô hình, cây thuốc lá đã mang lại hiệu quả nổi bật cho địa phương. Hiện xã Phù Ngọc có nhiều hộ như Hoàng Văn Lương, Hoàng Thị Nậm, Hoàng Văn Đồng đã cho thu nhập từ 45 – 100 triệu đồng/năm. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc phát triển kinh tế từ cây thuốc lá nên đời sống của bà con đã thay đổi từng ngày. Việc trồng cây thuốc lá cũng chính là chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần thực hiện hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở địa phương.

Nguồn: Baophapluat.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng cây Thuốc Lá Vàng Sấy

Cây thuốc lá vàng sấy không khó trồng, phù hợp với nhiều loại đất và khí hậu khu vực Nam trung bộ và cao nguyên trung bộ, giá trị kinh tế cao, được bao tiêu ổn định. Vì vậy nên đưa cây thuốc lá vàng sấy vào cơ cấu cây trồng để người nông dân có thêm sự lựa chọn cho sự phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

1. Chọn đất và làm đất trồng:

– Chọn đất: Cây thuốc lá phù hợp với đất thịt nhẹ, thịt trung bình, cát pha, đất bãi bồi. Đất không chua, nhiễm mặn, phèn. Không chọn đất bị ngập, úng. Để có năng suất cao và giảm chi phí đầu tư chọn đất gần nguồn nước tưới, gần lò sấy.

– Làm đất: Đất tơi, xốp, sạch cỏ và lên luống trước khi trồng là điều kiện rất quan trọng để cây thuốc lá phát triển tốt, giảm nhẹ công lao động khi xới xáo, bón phân và tưới tiêu nước. Đất cày 2 lần vuông góc nhau, mỗi lần cách nhau ít nhất 10 ngày cho ải đất, chết cỏ. Lần 3 cày lên luống, đỉnh luống này cách đỉnh luống kia 0,8 – 1,0 m, mương luống rộng 0,2 -0,3 m. Nên cày bằng máy cày đại để đất cày được sâu (20-30cm) và lên luống được to. Khi cày lên luống nên tính trước mương tưới, mương tiêu. Sửa vét lại luống và nhặt sạch cỏ trước khi trồng.

2. Trồng:

– Nếu trời mưa nhẹ, đất đủ ẩm trồng thẳng giữa sườn luống.

– Nếu đất khô, dẫn nước vào rãnh cho ngập khoảng 1/3 – 1/2 luống, trồng ngay mép nước.

– Mật độ trồng: Đất tốt trồng thưa (22.000- 25.000 cây/ha) khoảng cách trồng 0,5 m cây, đất xấu trồng dầy (27.000-30.000 cây/ha) khoảng cách trồng 0,4 m cây, hàng cách hàng 0,8m.

– Cách trồng: Cây giống nhổ lên phải ngắt bỏ các lá vàng, lá nhiễm bệnh để nơi mát và trồng xong trong ngày. Trồng bằng cách cuốc lổ, dùng cây chọc lổ hoặc cấy bằng tay. Trồng sâu 4-5cm, dùng tay bóp nhẹ.

– Sau 5-7 ngày trồng dặm những cây chết.

3. Làm cỏ, bón phân, vun gốc:

– Bón phân: Lượng phân cần bón trung bình cho 1ha : Nitrat amôn 200kg + Kaly sulfat 400 kg + lân 400kg Chia làm 2-3 lần bón tuỳ thuộc tính chất đất, chất lượng làm đất ( có hướng dẫn của cán bộ kỷ thuật).

– Làm cỏ, vun gốc: Từ 2-3 lần kết hợp với bón phân, lần 1 xới nhẹ, vun thấp, lần 2,3 xới mạnh vun càng cao càng tốt nhưng không lấp lá. Để đất khô 2-3 ngày cho cỏ chết trước khi tưới nước.

– Thời gian làm cỏ, bón phân, vun gốc: Nếu bón 2 lần:

+ Lần 1: 10 – 15 ngày sau trồng, 25% đạm + 25% kaly + 100% lân. Bón cách gốc 5cm

+ Lần 2: 30 – 35 ngày sau trồng, 75% đạm + 75% kaly. Bón cách gốc 15cm.
Nếu bón 3 lần:

+ Lần 1: 10 – 15 ngày sau trồng, 25% đạm + 25% kaly + 100% lân. Bón cách gốc 5cm

+ Lần 2: 20 – 25 ngày sau trồng, 25% đạm + 25% kaly. Bón cách gốc 10cm.

+ Lần 3: 30 – 35 ngày sau trồng, 50% đạm + 50% kaly. Bón cách gốc 20cm.

Chú ý: Chỉ trộn lẫn các loại phân nói trên ngay trước khi bón, lấp đất sâu 5- 10cm.

4. Tưới và tiêu nước:

Không thể có năng suất cao, chất lượng tốt nếu cây thuốc lá bị thiếu nước hoặc dư nước (ngập úng 1 – 2 ngày cây héo rủ, chết). Số lần tưới và lượng nước tưới tuỳ thuộc độ ẩm đất và thời tiết. Kể từ sau trồng đến 10 ngày ẩm độ đất thích hợp 80 – 90%, từ 10 – 40 ngày ẩm độ đất 60 – 65% (giữ cho hơi thiếu ẩm để tạo hệ thống rể phát triển và xuống sâu), từ 40 – 60 ngày là thời gian thân lá phát triển mạnh cần nhiều nước độ ẩm đất thích hợp 80 – 85%, từ sau 60 ngày giữ ẩm độ đất từ 65 – 70%. Sau mỗi lần bón phân, bẻ thuốc nếu đất khô phải tưới nước ngay.

Khi tưới nước theo rãnh chỉ để nước ngập từ ½ đến ¾ luống, không để nước tràn lên mặt luống.

Vụ Đông xuân thường nhẹ tưới nước nhưng dễ ngập úng, khắc phục bằng cách lên luống cao, làm mương tiêu trước khi trồng, khi mưa to phải có mặt ngay tại ruộng thuốc lá để khơi mương rãnh, chống úng.

5. Phòng trừ sâu bệnh:

– Khi sâu bệnh xuất hiện cây đã bị ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng, việc xử lý càng tốn kém và ít hiệu quả khi cây càng lớn.Vì vậy việc phun thuốc đúng lúc là biện pháp hữu hiệu, kinh tế, an toàn nhất để phòng trừ sâu bệnh.

– Sâu: Các loại sâu hay cắn phá gây hại cho cây thuốc là sâu xanh, sâu khoanh, sâu chùm, bọ trĩ, rệp, rầy mền… Để xử dụng thuốc hoá học có hiệu quả cần nhất là phải phát hiện sớm, phun thuốc khi sâu rầy tuổi còn non.

– Bệnh: Các loại bệnh thường hay gặp và gây ảnh hưởng lớn là: Lở cổ rễ, Thối đen rễ, Đốm mắt cua, Đốm nâu…Triệu chứng bệnh thường khi tiềm ẩn trong cây mắt thường không phát hiện được, khi biểu hiện ra thì đã nặng gây hậu quả không khắc phục được.
Việc phun thuốc định kỳ phòng trừ bệnh rất tốt, và có tác dụng phòng trừ sâu, rầy. Việc kết hợp giữa thuốc sâu + bệnh nhằm giảm bớt công lao động. Chú ý chỉ phối hợp thuốc với những loại thuốc có thể kết hợp (theo hướng dẫn được ghi ở nhãn thuốc hoặc của cán bộ kỹ thuật )

LỊCH PHUN THUỐC CHO RUỘNG THUỐC LÁ

Lần phun Ngày sau trồng Đối tượng phòng trừ Hỗn hợp và nồng độ

( Dùng cho bình 16 lít )

Lượng thuốc

cần/bình16lít

(cho 1000 m)

Lần1 10 Sâu, bệnh 30ml Carbosan +16 gr Norshield 1
Lần2 25 Sâu bệnh 20ml Brightin + 40gr ToMet 2
Lần3 40 Sâu, bệnh 20ml Permecide + 16gr Norshield 2
Lần4 60 Sâu, bệnh 20ml Secure + 40gr ToMet 3

Khi phát hiện có sâu rầy cần xác định đúng thời điểm cần phun thuốc, bảng dưới đây xác định ngưỡng xử lý thích hợp nhất :

CÔN TRÙNG NGƯỠNG XỬ LÝ
Sâu xanh Xử lý khi 10% cây điều tra có sâu non ký sinh.
Sâu xám Xử lý khi 5% cây điều tra bị sâu cắn phá.
Bọ cánh cứng Khi cây nhỏ: Xử lý lúc có 10% số cây điều tra có chồi ngọn bị cắn phá.

Khi xử lý khi cây có hiện tượng rách hoặc tưa lá.

Sâu sừng Xử lý khi 10% số cây điều tra có sâu non. Không kể số sâu đã kéo kén hay số xác kén còn vương trên lá. Trường hợp tính sâu đã kéo kén thì tính 5 kén = 1 sâu.
Rệp muội Xử lý khi 10% số cây điều tra có ít nhất 50 con trên mỗi lá.

* Cách pha hỗn hợp thuốc như sau: Cho 1/3 nước hoà tan thuốc bột trước, rồi cho thuốc nước vào khuấy đều, sau đó cho số nước còn lại vào.

* Việc phun thuốc chỉ có hiệu quả cao nếu phun thuốc đúng nồng độ, đúng liều lượng và khi sâu, rầy còn non. Vì vậy cần thường xuyên thăm ruộng để phát hiện sâu, rầy sớm và phun thuốc ngay khi tới ngưỡng xử lý. Xử dụng thuốc khi sâu, rầy đã trưởng thành, già tuổi hiệu quả rất kém và ruộng thuốc lá đã bị phá hoại.

* Tuỳ thuộc tình hình thực tế các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh có thể thay đổi chủng loại.

* Sản phẩm thuốc lá được con người xử dụng trực tiếp vì vậy để an toàn cho bản thân và người tiêu thụ bà con nông dân chỉ nên xử dụng những loại thuốc được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tuyệt đối không xử dụng tuỳ tiện. Chúng tôi không chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm nếu phát hiện có những hoá chất độc hại tồn dư vượt quá giới hạn cho phép trong lá thuốc.

6. Đánh nhánh, ngắt ngọn:

Biện pháp này làm tăng 20% năng suất so với ruộng không đánh nhánh ngắt ngọn, chi phí thực hiện rẽ (chỉ bằng khoảng 10% hiệu quả đem lại), dễ thực hiện. Ngắt ngọn ngay khi cây vừa chớm nhú đỉnh ra hoa, ngắt xong nhỏ thuốc diệt chồi thuốc lá Accotab 330EC nồng độ 1% lên đỉnh vừa ngắt (dùng 2 lít Accotab 330 EC pha với 200 lít nước cho vào chai nhựa (chai nước khoáng, chai xà phòng… trên nắp gắn một van ruột xe đạp làm vòi chảy) nhỏ cho 1 ha. Nhỏ từ đỉnh ngọn vừa ngắt cho nước thuốc Accotab chảy ngấm xuống khoảng hơn ½ cây. )

7. Thu hoạch:

Sau trồng 60 ngày có thể bắt đầu thu hoạch, mỗi lần bẻ 3 – 4 lá, mỗi vụ bẻ 5 – 6 lần. Bẻ lá đúng độ chín thuốc sấy mới vàng đẹp, hái non hoặc để quá chín sấy sẽ ra màu xanh hoặc đen không bán được. Lá vừa chín có màu xanh trắng, rìa mép lá hơi ửng vàng, gân lá chuyển qua màu trắng, lá hơi rủ xuống.

Phương pháp bẻ: Người bẻ thuốc đi giữa luống hai tay bẻ hai hàng, mỗi hàng bẻ một bên, mỗi cây bẻ 1 – 2 lá; nắm vừa đủ nắm mỗi tay thì xếp dọc hai bên luống, cuống lá quay xuống giữa mương. Bẻ hết luống quay lại ôm có thứ tự dồn vào đầu chỗ mát chờ chuyển đi. Khi vận chuyển dùng dây mền, tấm bạt, bao tải… bó thành từng bó vừa đủ ôm, phải đảm bảo lá thuốc được xếp thứ tự đầu đuôi, xếp từng lớp một, lá thuốc không bị gẫy, dập, kéo lê, phơi nắng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Trồng Mè VietGAP, lãi 26 triệu đồng/ha chỉ sau 80 ngày

Vừa qua, Trạm Khuyến nông thành phố Vĩnh Long thực hiện dự án “Xây dựng vùng sản xuất rau màu quy mô lớn theo hướng GAP gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2016 – 2020” với mô hình trồng mè (vừng) trên nền đất lúa theo hướng VietGAP.

Nông dân trao đổi kinh nghiệm trồng mè trên nền đất lúa ngay tại ruộng.

Quy mô của mô hình là 15 ha tại xã Tân Ngãi, nông dân tham gia vùng dự án được hỗ trợ 100% chi phí giống mè, 30% phân hữu cơ sinh học. Ngoài ra nông dân trong vùng dự án được tập huấn chuyển giao gói kỹ thuật về sản xuất mè theo hướng VietGAP, bao gồm: hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ và quản lý nước theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, thu hoạch đúng độ chín và bảo quản đúng cách.

Qua thực tế sản xuất, nông dân thường xuyên thăm đồng, quan sát sự sinh trưởng của cây mè, điều tra mật độ sâu hại và thiên địch để phòng trị sớm. Các hộ nông dân thường xuyên trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp tác động phù hợp, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng.

Kinh nghiệm của nông dân là đào nhiều rãnh thoát nước để hạn chế cỏ dại cũng như tránh ngập úng cho cây mè, bón lót phân hữu cơ vi sinh để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho đất.

Sau thời gian canh tác từ 75 -80 ngày mè cho thu hoạch, năng suất mè đạt từ 1,2 – 1,3 tấn/ha. Tổng chí phí đầu tư cho 1 ha khoảng 21 triệu đồng, với giá bán hiện tại là 36.000 đồng/kg, nông dân thu lãi gần 26 triệu đồng/ha, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa cùng thời vụ.

Mô hình đã giúp nông dân nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống, hướng đến sản xuất tập trung hình thành vùng nguyên liệu, giải quyết đầu ra cho sản phẩm trên cơ sở chuyên canh lúa không bền vững và kém hiệu quả.

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông quốc gia được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình canh tác Mè trên nền đất Lúa đạt hiệu quả kinh tế cao

Huyện Cao Lãnh có diện tích tự nhiên 49.082,47ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 40.798 ha với trên 70% dân số sinh sống bằng nghề nông. Ngoài lúa là cây chủ lực hàng đầu với diện tích 32.000 ha, hàng năm diện tích trồng màu của huyện khoảng 4.000 ha chủ yếu là cây đậu nành, cây mè và một số cây công nghiệp ngắn ngày khác.

Hoa màu cũng là thế mạnh của vùng, để tạo nguồn thu nhập cao hơn cho người dân trong sản xuất với mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Định hướng phát triển theo hướng tập trung với 2 loại cây trồng chính là: cây mè, đậu nành và một số cây công nghiệp ngắn ngày khác.

Trong những năm gần đây, diện tích trồng đậu nành ngày càng giảm dần do cây đậu nành sâu bệnh nhiều, giá cả không ổn định. Trong năm 2010 diện tích trồng đậu nành của huyện là 1.442 ha đến nay chỉ còn khoảng 400 ha. Ngược lại, diện tích trồng mè tăng lên hàng năm từ 537 ha năm 2010 đến nay tăng vọt lên 1.012 ha. Song song với việc phát triển diện tích, trình độ canh tác của bà con nông dân đã tiến bộ rõ nên năng suất luôn tăng, trước kia trồng mè năng suất bình quân khoảng 1,1 tấn/ha bây giờ tăng lên từ 1,2 – 1,4 tấn/ha.

Cây mè thích hợp cho cơ cấu luân canh 2 lúa – 1 màu, vùng đất có cơ cấu nhẹ, thoát nước tốt. Đây cũng là loại cây trồng ít tốn công chăm sóc, có khả năng chịu hạn tốt, chịu được điều kiện biến đổi khí hậu, thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi rộng nên có triển vọng thay thế cây đậu nành, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa trong thời gian tới. Ngoài ra, sản phẩm từ cây mè không những chỉ dùng trong thực phẩm mà nó còn được dùng trong các mục đích khác nhau như dược phẩm, công nghiệp, kỹ nghệ và xa hơn là sản xuất dầu sinh học (biodiesel).

Xuất phát từ tình hình trên, từ nguồn kinh phí Khuyến nông tỉnh năm 2012, Trạm Khuyến nông kết hợp với UBND xã Bình Hàng Trung triển khai Mô hình canh tác mè trên nền đất lúa vụ Xuân hè 2012 với qui mô 40 ha/50 hộ. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật như: sử dụng một loại giống mè đen, chất lượng hạt giống tốt, mật độ sạ đúng theo khuyến cáo từ 4 – 5 kg/ha, xuống giống tập trung, bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh kịp thời và thu hoạch đúng độ chín nên mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao. Năng suất bình quân 1,4 tấn/ha, giá bán 32.000 đồng/kg, tổng thu nhập 44.800.000 đồng/ha. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 29 triệu đồng/ha.

Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng mè cao hơn nhiều so với lúa Hè thu vì lúa năng suất bình quân 5,8 tấn/ha, giá bán 5.400 đồng/kg, tổng thu nhập 31.320.000 đồồng/ha. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 11.020.000 đồng/ha. Như vậy, nếu so sánh với lúa Hè thu thì hiệu quả cây mè cao hơn khoảng 18.330.000 đồng/ha, quan trọng hơn là mô hình này còn mang lại hiệu quả kép vừa nâng cao thu nhập cho người dân vừa cắt đứt mầm bệnh lưu tồn trên ruộng lúa, cải tạo đất đai, tạo điều kiện tốt cho sản xuất lúa vụ Thu đông.

Luân canh một vụ màu giữa hai vụ lúa, nguồn thu nhập của người dân cao hơn nhiều so với độc canh cây lúa. Mặt khác, trồng cây mè khối lượng nước chỉ bằng 1/3 – 1/5 so với cây lúa nhưng thu nhập lại cao gấp 2 – 3 lần.

Theo đánh giá của phòng NN & PTNT huyện, vụ mè năm nay bà con nông dân đều trúng mùa và trúng giá. Từ hiệu quả của mô hình luân canh này, ngành nông nghiệp huyện Cao Lãnh đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả như: xây dựng đê bao khép kín, bơm nước ra xuống giống lúa Đông xuân sớm, tạo điều kiện xuống giống cây màu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển cây màu chủ lực của huyện từ 2011 đến năm 2015 sẽ nâng diện tích trồng mè lên 2.045 ha và định hướng đến năm 2020 mở rộng diện tích sản xuất hoa màu toàn huyện lên 7.200 ha tập trung ở các xã: Phong Mỹ, An Bình, Mỹ Thọ, Mỹ Hội, Nhị Mỹ, Bình Hàng Trung và thị trấn Mỹ Thọ.

Nguồn: Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.