Trồng Mè VietGAP, lãi 26 triệu đồng/ha chỉ sau 80 ngày

Vừa qua, Trạm Khuyến nông thành phố Vĩnh Long thực hiện dự án “Xây dựng vùng sản xuất rau màu quy mô lớn theo hướng GAP gắn với nhãn hiệu hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2016 – 2020” với mô hình trồng mè (vừng) trên nền đất lúa theo hướng VietGAP.

Nông dân trao đổi kinh nghiệm trồng mè trên nền đất lúa ngay tại ruộng.

Quy mô của mô hình là 15 ha tại xã Tân Ngãi, nông dân tham gia vùng dự án được hỗ trợ 100% chi phí giống mè, 30% phân hữu cơ sinh học. Ngoài ra nông dân trong vùng dự án được tập huấn chuyển giao gói kỹ thuật về sản xuất mè theo hướng VietGAP, bao gồm: hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ và quản lý nước theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, thu hoạch đúng độ chín và bảo quản đúng cách.

Qua thực tế sản xuất, nông dân thường xuyên thăm đồng, quan sát sự sinh trưởng của cây mè, điều tra mật độ sâu hại và thiên địch để phòng trị sớm. Các hộ nông dân thường xuyên trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp tác động phù hợp, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng.

Kinh nghiệm của nông dân là đào nhiều rãnh thoát nước để hạn chế cỏ dại cũng như tránh ngập úng cho cây mè, bón lót phân hữu cơ vi sinh để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho đất.

Sau thời gian canh tác từ 75 -80 ngày mè cho thu hoạch, năng suất mè đạt từ 1,2 – 1,3 tấn/ha. Tổng chí phí đầu tư cho 1 ha khoảng 21 triệu đồng, với giá bán hiện tại là 36.000 đồng/kg, nông dân thu lãi gần 26 triệu đồng/ha, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa cùng thời vụ.

Mô hình đã giúp nông dân nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống, hướng đến sản xuất tập trung hình thành vùng nguyên liệu, giải quyết đầu ra cho sản phẩm trên cơ sở chuyên canh lúa không bền vững và kém hiệu quả.

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông quốc gia được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình canh tác Mè trên nền đất Lúa đạt hiệu quả kinh tế cao

Huyện Cao Lãnh có diện tích tự nhiên 49.082,47ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 40.798 ha với trên 70% dân số sinh sống bằng nghề nông. Ngoài lúa là cây chủ lực hàng đầu với diện tích 32.000 ha, hàng năm diện tích trồng màu của huyện khoảng 4.000 ha chủ yếu là cây đậu nành, cây mè và một số cây công nghiệp ngắn ngày khác.

Hoa màu cũng là thế mạnh của vùng, để tạo nguồn thu nhập cao hơn cho người dân trong sản xuất với mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Định hướng phát triển theo hướng tập trung với 2 loại cây trồng chính là: cây mè, đậu nành và một số cây công nghiệp ngắn ngày khác.

Trong những năm gần đây, diện tích trồng đậu nành ngày càng giảm dần do cây đậu nành sâu bệnh nhiều, giá cả không ổn định. Trong năm 2010 diện tích trồng đậu nành của huyện là 1.442 ha đến nay chỉ còn khoảng 400 ha. Ngược lại, diện tích trồng mè tăng lên hàng năm từ 537 ha năm 2010 đến nay tăng vọt lên 1.012 ha. Song song với việc phát triển diện tích, trình độ canh tác của bà con nông dân đã tiến bộ rõ nên năng suất luôn tăng, trước kia trồng mè năng suất bình quân khoảng 1,1 tấn/ha bây giờ tăng lên từ 1,2 – 1,4 tấn/ha.

Cây mè thích hợp cho cơ cấu luân canh 2 lúa – 1 màu, vùng đất có cơ cấu nhẹ, thoát nước tốt. Đây cũng là loại cây trồng ít tốn công chăm sóc, có khả năng chịu hạn tốt, chịu được điều kiện biến đổi khí hậu, thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi rộng nên có triển vọng thay thế cây đậu nành, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa trong thời gian tới. Ngoài ra, sản phẩm từ cây mè không những chỉ dùng trong thực phẩm mà nó còn được dùng trong các mục đích khác nhau như dược phẩm, công nghiệp, kỹ nghệ và xa hơn là sản xuất dầu sinh học (biodiesel).

Xuất phát từ tình hình trên, từ nguồn kinh phí Khuyến nông tỉnh năm 2012, Trạm Khuyến nông kết hợp với UBND xã Bình Hàng Trung triển khai Mô hình canh tác mè trên nền đất lúa vụ Xuân hè 2012 với qui mô 40 ha/50 hộ. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật như: sử dụng một loại giống mè đen, chất lượng hạt giống tốt, mật độ sạ đúng theo khuyến cáo từ 4 – 5 kg/ha, xuống giống tập trung, bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh kịp thời và thu hoạch đúng độ chín nên mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao. Năng suất bình quân 1,4 tấn/ha, giá bán 32.000 đồng/kg, tổng thu nhập 44.800.000 đồng/ha. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 29 triệu đồng/ha.

Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng mè cao hơn nhiều so với lúa Hè thu vì lúa năng suất bình quân 5,8 tấn/ha, giá bán 5.400 đồng/kg, tổng thu nhập 31.320.000 đồồng/ha. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 11.020.000 đồng/ha. Như vậy, nếu so sánh với lúa Hè thu thì hiệu quả cây mè cao hơn khoảng 18.330.000 đồng/ha, quan trọng hơn là mô hình này còn mang lại hiệu quả kép vừa nâng cao thu nhập cho người dân vừa cắt đứt mầm bệnh lưu tồn trên ruộng lúa, cải tạo đất đai, tạo điều kiện tốt cho sản xuất lúa vụ Thu đông.

Luân canh một vụ màu giữa hai vụ lúa, nguồn thu nhập của người dân cao hơn nhiều so với độc canh cây lúa. Mặt khác, trồng cây mè khối lượng nước chỉ bằng 1/3 – 1/5 so với cây lúa nhưng thu nhập lại cao gấp 2 – 3 lần.

Theo đánh giá của phòng NN & PTNT huyện, vụ mè năm nay bà con nông dân đều trúng mùa và trúng giá. Từ hiệu quả của mô hình luân canh này, ngành nông nghiệp huyện Cao Lãnh đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả như: xây dựng đê bao khép kín, bơm nước ra xuống giống lúa Đông xuân sớm, tạo điều kiện xuống giống cây màu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển cây màu chủ lực của huyện từ 2011 đến năm 2015 sẽ nâng diện tích trồng mè lên 2.045 ha và định hướng đến năm 2020 mở rộng diện tích sản xuất hoa màu toàn huyện lên 7.200 ha tập trung ở các xã: Phong Mỹ, An Bình, Mỹ Thọ, Mỹ Hội, Nhị Mỹ, Bình Hàng Trung và thị trấn Mỹ Thọ.

Nguồn: Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.