Ngâm ủ hạt giống lúa

Thực hiện tốt các khâu kỹ thuật ngâm ủ hạt giống sẽ có tỷ lệ nảy mầm cao, loại bỏ được một số loại bệnh hại và kí sinh trên hạt

Phơi lại hạt giống: Hạt giống cần phơi lại 6- 8 giờ trong nắng nhẹ (không phơi trực tiếp trên sân gạch hay sân xi măng). Phơi lại có tác dụng làm cho hạt hút nước nhanh, xúc tiến hoạt động của hệ thống men, tăng khả năng nảy mầm.

Thử tỷ lệ nảy mầm: Kiểm tra tỷ lệ nảy mầm của hạt giống bằng 2 cách là phương pháp tờ giấy và phương pháp bát cát (Xem thêm tại Tự kiểm tra chất lượng hạt lúa giống)

Chọn hạt tốt, loại bỏ hạt lép lửng bằng nhiều cách : Bằng quạt gió, sàng sảy hoặc trong quá trình ngâm nước cần vớt hết những hạt nổi và giữ lại hạt chìm (hạt tốt).

Xử lí hạt giống : Có thể sử dụng một trong các phương pháp sau:

+ Xử lí bằng nước nóng 540c ( pha tỷ lệ 3 sôi 2 lạnh): Ngâm hạt vào nước lạnh 24 giờ, sau đó đưa vào nước nóng 45- 470c trong 5 phút và cuối cùng là nước nóng 54- 550c trong 10 phút. Phương pháp này đơn giản nhất, có tác dụng trừ nấm bệnh và tuyến trùng trên hạt, tạo cho hạt hút nước nhanh

+ Xử lí bằng nước vôi: Hòa tan 1kg vôi sống vào 100 lít nước, ngâm 1-2 ngày ở vụ mùa, 3-4 ngày ở vụ xuân, đãi sạch rồi ủ thúc mầm.

+ Xử lí bằng hoá chất Formalin: Dung dịch 2% phun vào hạt giống ( 5 lít dung dịch cho 50 kg hạt giống), ủ kín 3 giờ, đãi sạch rồi thúc mầm.

Đối với hạt giống mới thu hoạch muốn gieo ngay cần áp dụng phương pháp xử lý phá ngủ để tăng độ nảy mầm. Dùng a xít nitric 0,2% (lượng dùng 100 ml dung dịch cho 1,2- 1,4 tạ hạt giống) để xử lý phá ngủ hoặc dùng supe lân để thay thế.

Ngâm ủ hạt giống

  • Ngâm hạt: Để hạt nảy mầm cần phải ngâm hạt hút đủ độ ẩm cần thiết. Thời gian ngâm tùy thuộc nhiệt độ, 1-2 ngày ở vụ mùa, 2-3 ngày ở vụ đông xuân. Trong quá trình ngâm, hạt hô hấp yếm khí, thiếu ô xy làm nước chua, cần phải thay nước mỗi ngày một lần.

  • Ủ thúc mầm: Sau khi hạt đã hút đủ nước, đem ủ, để hạt nảy mầm. Trong quá trình ủ, nên định kỳ vảy nước và trộn đảo hạt để hạt nẩy mầm đều.

  • Khi hạt đã nhú mầm, nên xen kẽ “ngày ngâm đêm ủ” để phát triển cân đối mầm và rễ. Vụ mùa, hè thu chỉ cần ủ nứt nanh, vụ đông xuân cần có mầm dài hơn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Sản lượng lúa Việt Nam giảm, nguyên nhân do đâu?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tự đánh giá “năm 2016 được xem là một năm u ám đối với ngành lúa gạo Việt Nam, với xuất khẩu gạo trì trệ kéo theo giá lúa, gạo giảm”. Nhưng bên cạnh đó, lúa gạo Việt Nam còn gặp phải nhiều vấn đề khác.

1. Khối lượng và giá trị xuất khẩu giảm sâu

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản xuất lúa cả năm 2016 sụt giảm cả về diện tích và năng suất so với năm 2015, đặc biệt là khu vực phía Nam. Diện tích gieo trồng lúa đạt 7,8 triệu ha, giảm 0,5%; năng suất ước đạt 56 tạ/ha, giảm 2,8%, là mức giảm năng suất mạnh so với bình quân hàng năm; do vậy sản lượng ước đạt 43,6 triệu tấn, giảm 3,3% so năm 2015.

Đặc biệt, khối lượng gạo xuất khẩu cả năm ước đạt 4,88 triệu tấn và giá trị 2,2 tỷ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015. Đây là mức giảm kỷ lục trong vòng 10 năm qua.

Hơn nữa, nhiều thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh trong năm qua như Philippines (giảm 65%), Malaysia (giảm 48%), Mỹ (giảm 33%), Singapore, Indonesia, Bờ Biển Ngà và Hong Kong đều đồng loạt giảm tiêu thụ gạo Việt trong năm 2016. Như vậy, sản lượng xuất khẩu gạo cả năm thấp hơn tới 1,6 triệu tấn so với dự báo mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra từ đầu năm.

Xuất khẩu gạo

Tính chung cả năm, lúa IR50404 tại An Giang đã giảm 450đ/kg, từ 4.850đ/kg xuống 4.400đ/kg; lúa IR50404 tại Vĩnh Long giảm 400-500đ/kg, từ 4.800đ/kg xuống 4.300- 4.400 đ/kg; lúa tẻ thường tại Kiên Giang giảm 500đ/kg, từ 5.900đ/kg xuống 5.400 đ/kg; lúa dài giảm 300 đ/kg, từ 6.100 đ/kg xuống 5.800đ/kg.

2. Vấn đề không chỉ ở con số xuất khẩu

Bức tranh ngành lúa gạo Việt Nam năm 2016 hiện rõ gam màu tối. Bởi vì Việt Nam trước đây vốn là 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới (gồm Việt Nam, Thái Lan Ấn Độ) với lượng xuất khẩu hàng năm từ 6 – 8 triệu tấn, mang về nguồn ngoại tệ cho đất nước khoảng gần 4 tỷ USD. Nhưng năm 2016 đã khép lại với kết quả xuất khẩu gạo quá thấp, tụt xa so với mục tiêu năm nay xuất khẩu 5,65 triệu tấn.

“Lúa gạo là sản phẩm quan trọng của Việt Nam nên cần có cơ chế đặc biệt cho sản phẩm này. Như ở Thái Lan, họ có 5-6 loại giống lúa tạo thương hiệu xuất khẩu trong khi ở Việt Nam có quá nhiều loại giống lúa khác nhau. Vì vậy rất khó để có thể canh tác và chế biến quy mô lớn. Thái Lan họ tiếp thị rất giỏi về thương hiệu của họ. Thái Lan gạo có thể bán với giá 800 USD trong khi gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 400 USD/tấn. Việt Nam cũng cần có các chiến dịch thương mại để đưa gạo Việt vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu và nâng giá trị dần dần để định vị thương hiệu gạo Việt Nam”- Ông Sergut Zorya, chuyên gia về nông nghiệp của WB.
Điều đáng nói là chỉ tiêu này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh giảm hồi giữa năm, từ mức 6,5 triệu tấn trước thực tế nhiều loại nông sản sụt giảm về khối lượng và giá trị. Đây cũng là tín hiệu cho thấy những khó khăn rất lớn mà ngành lúa gạo Việt Nam phải đối diện.

Trên bình diện kinh tế đối ngoại, nhu cầu gạo của thế giới vẫn tăng, đòi hỏi về chất lượng gạo ngày càng tăng, nhiều quốc gia cũng khát khao có được lợi thế đất lúa như của Việt Nam. Trong khi đó, từ một quốc gia lợi thế và nhiều năm đứng tốp 3 nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nay Việt Nam liên tục giảm mạnh khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo.

Mặc dù Chính phủ đã và đang nỗ lực dùng nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường lúa gạo. Nhưng các chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng, muốn phát huy thế mạnh tiềm năng nông nghiệp, trong đó có trồng lúa gạo, điều quan trọng là phải tái cơ cấu ngành xuất khẩu gạo theo hướng tập trung vào loại gạo có chất lượng, xây dựng thương hiệu cho ngành lúa gạo.

Bởi thực tế, dù gạo Việt đang ngày càng chật vật tìm đường xuất ngoại, thì tại thị trường trong nước, người dân Việt Nam ngày càng tìm đến “gạo ngoại” nhiều hơn, dù nhiều loại gạo giá đắt hơn hẳn gạo nội, nhưng bù lại chất lượng cao hơn. Áp lực cạnh tranh gia tăng không chỉ xuất khẩu mà ngay tại thị trường nội địa cũng nhãn tiền.

Như thế, trong bức tranh buồn của ngành lúa gạo năm nay, buồn hơn cả là giá trị xuất khẩu thấp, mặc dù khối lượng chưa phải quá bi đát. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu giá trị hạt gạo Việt Nam xuất khẩu được tăng lên thì dù khối lượng có suy giảm thì giá trị sẽ được bù đắp. Mà sự bù đắp giá trị này mới là cốt lõi của sự tăng trưởng bền vững.

Bởi suy cho cùng chủ nhân chính của nguồn cung lúa gạo phải là nông dân. Cho dù nhiều chính sách của Chính phủ can thiệp, nhưng nếu trồng lúa không đem lại hiệu quả thiết thực và mang lại sự cải thiện đời sống cho người nông dân thì nông dân sẽ ngày càng quay lưng với ruộng lúa là khó tránh.

Theo ông Steven Jaffee, Chuyên gia trưởng về kinh tế nông nghiệp của WB, tổng lượng gạo tiêu thụ của quốc gia và theo đầu người của Việt Nam bắt đầu suy giảm từ những năm 2000 và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp diễn trong hai thập kỷ sau đó trước khi đi ngang. Từ năm 2012, xu hướng chi đã dịch chuyển sang các sản phẩm cao đạm. Gạo chỉ chiếm một phần ba tổng chi cho bữa ăn, trong khi các sản phẩm chăn nuôi và thủy sản gộp lại chiếm đến 39%. Đây là một chỉ số đặc biệt quan trọng, bởi riêng thị trường Việt Nam đã có tới hơn 92 triệu dân vốn có thói quen bữa ăn không thiếu cơm.

Rõ ràng, chuyện của ngành lúa gạo Việt không phải chỉ loay hoay ở con số xuất khẩu bao nhiêu triệu tấn và thu về bao nhiêu tỷ USD, việc không kém quan trọng là cần phải nhìn vào xu hướng tiêu dùng, nhu cầu gạo cả trong nước và quốc tế, nhìn vào thực lực năng lực cạnh tranh của mình để tìm ra giải pháp thiết thực và bền vững.

3. Nguyên nhân sản lượng giảm

Hầu như nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nước, xâm mặn nghiêm trọng và bão làm giảm năng suất trung bình. Nông dân Việt Nam hiện đang thời gian cao điểm sản xuất vụ chính đông xuân. Đến giữa tháng 3/2017, hoạt động sản xuất vụ lúa đầu tiên và lớn nhất trong 3 vụ được báo cáo là phục hồi so với hoạt động sản xuất hồi năm ngoái, đạt diện tích gieo trồng 3,04 triệu ha.

Tại ĐBSCL, khu vực sản xuất chiếm một nửa sản lượng vụ đông xuân, vấn đề xâm mặn vẫn còn tác động và mưa đến trễ được cho là có thể làm giảm năng suất. Năm 2016, nguồn nước không đủ cho hệ thống thủy lợi và tình trạng xâm mặn đã làm giảm 10% năng suất trung bình vụ chính tại ĐBSCL xuống còn 6,4 tấn/ha.

Kết quả thu hoạch sớm cho thấy thậm chí năng suất còn có thể giảm thấp hơn trong năm nay. Tình hình sản xuất tại ĐBSH tốt hơn nhờ thời tiết tốt. Hiện khu vực ĐBSCL đang chuẩn bị xuống giống vụ hè thu. Tuy vậy, sự tụt giảm sản lượng trong vụ đầu bị trễ có thể duy trì mức giá lúa ở mức cao.

Đồng thời, qua thực tế nhiều năm cho thấy, việc phụ thuộc quá nhiều thị phần vào một thị trường nào đó đều sẽ là bất lợi, tiềm ẩn rủi ro cho ngành lúa gạo. Cho nên, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, Việt Nam phải cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, không để một mặt hàng quan trọng như gạo phụ thuộc vào một hoặc một vài thị trường nào đó.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đưa ra dự báo về sản xuất lúa gạo Việt Nam năm 2017 do cần theo dõi thêm liệu quỹ đạo giảm sản lượng có tiếp diễn trong vụ 3, xét đến định hướng của chính phủ muốn chuyển đổi 800.000ha đất lúa sang các mục đích khác đến năm 2020. Nhìn chung, FAO dự báo Việt Nam sẽ thu hoạch 44 triệu tấn lúa, tương đương 28,6 triệu tấn gạo trong năm 2017, tăng 1% so với sản lượng năm 2016.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hạn chế đẻ nhánh vô hiệu cho lúa

Cây lúa có khả năng đẻ nhánh rất lớn, tuy nhiên số nhánh hữu hiệu (nhánh cho bông), chỉ đạt tỷ lệ 20-30%. Những nhánh vô hiệu (nhánh không trổ bông) với số lượng lớn sử dụng nhiều dinh dưỡng làm tăng chi phí phân bón, tăng diện tích lá, tăng độ ẩm không khí trong ruộng là điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh phát sinh phát triển gây hại cho mùa màng.


Dưới đây là cách hạn chế đẻ nhánh vô hiệu cho lúa xuân.

Hạn chế đẻ nhánh vô hiệu bằng cách bón phân đạm sớm, bón tập trung:

Phân urê thường được bón lót sâu với lượng 30-50% (tổng lượng bón cho lúa vụ xuân 6-12kg/sào Bắc bộ 360m2) cho lúa trước khi cấy và bón thúc sớm 60-40% lượng đạm sau cấy 15-20 ngày khi lúa bén rễ hồi xanh. Tuy nhiên với những loại đất cát pha, đất cát khả năng giữ phân kém chỉ nên bón lót 20-30%, bón thúc lần 1 khoảng 50-60% chia làm 2 lần cách nhau 4-5 ngày để tăng hiệu quả của phân bón. Nên bón đạm sớm kết hợp với phân kali (tỷ lệ 2đạm/1kali).

Phân đạm dạng hỗn hợp thường được sử dụng phổ biến dưới dạng phân tổng hợp NPK. Phân tổng hợp NPK loại nhiều lân như NPK (5:10:3) thường được bón lót với lượng 15-25 kg/sào Bắc bộ. Phân NPK loại nhiều đạm ví dụ NPK (12:5:10) dùng để bón thúc đẻ với lượng 7-10 kg/sào. Phân tổng hợp NPK có nhiều ưu điểm, do mỗi thành phần dinh dưỡng được bao bọc bởi một lớp phụ gia đặc biệt nên quá trình hoà tan chậm, dinh dưỡng trong phân được giải phóng dần nên hiệu quả sử dụng phân cao (70-80%), thời gian sử dụng phân dài (35-40 ngày sau bón), lúa ít bị chết rét.
Tránh bón phân ure, phân NPK cho lúa muộn, bón nhiều lần làm thời gian lúa đẻ kéo dài, nhiều dảnh vô hiệu.

Hạn chế đẻ nhánh vô hiệu cho lúa bằng cách điều tiết nước:

Giữ mực nước ngập từ khi cấy đến sau cấy 30-35 ngày (sau khi bón thúc đợt 1 khoảng 10-15 ngày) từ 3-5 cm để phòng lúa bị chết rét, và kích thích lúa đẻ nhánh sớm. Từ 30-35 ngày sau cấy, nếu đếm trung bình 10 khóm giữa ruộng đạt 5-6 dảnh/khóm với lúa cấy mật độ 45-50 khóm/m2 và 7-8 dảnh/khóm với lúa cấy thưa 30-35 khóm/m2 thì tiến hành tháo cạn nước để khô nứt chân chim trong 10-12 ngày có tác dụng hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, oxy hoá các chất độc trong đất, kích thích rễ lúa ăn sâu hút được nhiều dinh dưỡng nuôi cây.

Nguồn: Trongtrot.lamnghenong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình sinh thái Ruộng lúa – bờ hoa

Thay vì phun thuốc trừ sâu, nhiều bà con nông dân vùng ĐBSCL đã áp dụng mô hình trồng hoa trên bờ ruộng, vừa quản lý tốt dịch bệnh, vừa nâng cao năng suất cây trồng.


Mô hình sinh thái ruộng lúa bờ hoa mang lại nhiều lợi ích cho bà con

ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Nơi đây hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Hàng năm, ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lương thực cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động trồng lúa tại ĐBSCL đang phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan và chịu áp lực lớn về tình hình sâu bệnh như rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh siêu vi khuẩn…

Trước kia, để kiểm soát dịch bệnh, tăng năng suất bà con nông dân thường sử dụng thuốc hóa học. Dù mang lại lợi ích trước mắt song về lâu dài sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng: Thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới sức khỏe con người…

Tuy nhiên vài năm trở lại đây, thay vì phun thuốc hóa học để diệt trừ sâu bệnh, người dân trồng lúa đã áp dụng chương trình IPM: Xuống giống lúa đồng loạt để “né” rầy, áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và đặc biệt là áp dụng công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch ăn các loại côn trùng có hại như: rầy nâu, sâu cuốn lá, nhện gié…

Ông Phan Văn Xích, nông dân trong vùng ĐBSCL chia sẻ: “Mô hình công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng dễ thực hiện, không tốn nhiều chi phí lại mang đến hiệu quả tích cực như ít sâu rầy hơn, cảnh quan đồng ruộng cũng đẹp hơn. Bởi vậy, tui đã truyền đạt lại cho bà con làng xóm để tiến hành thực hiện và nhận được sự ủng hộ tích cực của mọi người”.

Tại Cần Thơ, mô hình được triển khai từ năm 2013. Tại các ruộng lúa có bờ hoa, bà con nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu trong suốt vụ lúa hoặc có sử dụng nhưng đã giảm số lần phun một vụ. Qua 3 vụ triển khai thực hiện, chi phí sản xuất đã giảm từ khoảng 382 – 505 đồng/kg, lợi nhuận tăng trung bình từ 2,3 – 4,1 triệu đồng/vụ/ha (tùy theo vụ lúa).

Không chỉ tại Cần Thơ một số tỉnh như An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau bà con nông dân cũng tâm đắc với mô hình ruộng lúa bờ hoa bởi nó dễ thực hiện, tạo môi trường trong lành, khi thăm đồng ruộng thấy phấn khởi trước những màu sắc rực rỡ của nhiều loại hoa. Quan trọng hơn ruộng lại ít bị sâu hại do có khả năng dẫn dụ nhiều thiên địch.

Mô hình mang lại cảnh quan đẹp

Một số nơi, thay vì trồng các loại hoa thông thường như hướng dương, sao nhái, hoa cúc mặt trời, hoa cẩm tú, xuyến chi, hoa quỳ… bà con tiến hành trồng đậu bắp, đậu xanh, mè vừa giúp quản lý có hiệu quả dịch bệnh, vừa mang lại giá trị kinh tế, nâng cao thu thập.

Th.S Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho biết: “Mô hình trồng hoa trên bờ ruộng chính là việc tạo một hệ sinh thái phong phú, dẫn dụ được nhiều loại thiên địch trừ sâu bệnh, đồng thời tạo cảnh quan đẹp nơi đồng ruộng. Đây cũng là cách giúp nông dân giảm số lần phun xịt thuốc trừ sâu, từ đó giảm chi phí và tăng năng suất…”.

Tuy nhiên để áp dụng hiệu quả mô hình này, Th.S Lê Quốc Cường cũng lưu ý bà con cần thiết kế thửa ruộng có bờ cao, đủ lớn để trồng hoa, nhân giống hoa trước khi sạ lúa, chọn hoa dễ trồng, ra hoa quanh năm và nhiều hoa, nhiều màu sắc vì các loài hoa này thu hút thiên địch, từ đó góp phần làm giảm mật số rầy nâu và sâu cuốn lá từ 3 – 4 lần trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, trỗ đòng và lúa chín.

Thời gian tới, các tỉnh ĐBSCL tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng mô hình công nghệ sinh thái trên đồng ruộng để giúp bà con nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và môi trường, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật tưới nước tiết kiệm cho lúa bằng phương pháp tưới “ướt khô xen kẽ”

Tưới nước cho lúa bằng phương pháp tưới “ướt khô xen kẽ” không chỉ tiết kiệm được nước tưới mà còn giúp cho bộ rễ của cây lúa ăn sâu vào tầng canh tác huy động được nhiều dinh dưỡng, lúa cứng cây ít đổ ngã, ít nhiễm bệnh, năng suất cao hơn tưới ngập thường xuyên như cách tưới nước cho lúa lâu nay.

Dùng ống nhựa dài 20 cm có đục lỗ xung quanh đóng xuống ruộng 
để theo dõi mực nước, khi xuống âm 15 cm cho nước vào ruộng 3 – 5 cm 

Truyền thống tưới nước cho lúa của bà con ta lâu nay là tưới ngập, sau khi phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm vài hôm là cho nước vào và giữ nước thường xuyên trong ruộng. Thậm chí có nơi thấy nước vừa ráo mặt ruộng là bà con vội vàng cho nước vào ruộng. Cách tưới nước cho lúa như vậy vừa tốn nước tưới vừa không tốt cho cây lúa sinh trưởng, phát triển. Tưới ngập thường xuyên có mấy tác hại như sau: Cây lúa sinh trưởng chậm, đẻ nhánh kém, rễ lúa thiếu ô xy nên phát triển kém, đôi khi còn dễ bị hiện tượng nghẹt rễ, làm cho lúa bị bệnh vàng sinh lý. Ngoài ra, ruộng bị ngập nước thường xuyên còn gây nên việc thải nhiều khí hiệu ứng nhà kính như: CH4, N2O…

Các nhà khoa học nông nghiệp đã khẳng định cây lúa không phải lúc nào cũng cần tưới ngập, tưới ướt khô xen kẽ đúng phương pháp sẽ tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt hơn, năng suất cao hơn (cao hơn 10 -15% so với tưới ngập), tạo điều kiện cho rễ lúa ăn sâu huy động được nhiều dinh dưỡng, hạn chế đổ ngã. Cách làm như sau:
– Lúa sau sạ, phun thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm, cho nước vào ruộng khoảng 2- 3 cm, giai đoạn lúa đẻ nhánh đến làm đòng là giai đoạn thực hiện tưới ướt khô xen kẽ. Lúa sau khi bón phân thúc lần 1 (lúc bón phân trong ruộng phải có nước 2- 3 cm) để ruộng tự khô, khi nào thấy mặt ruộng nứt chân chim (đối với đất thịt nhẹ – thịt nặng) và se khô lớp mặt (đối với chân đất cát) cho nước vào 3 – 5 cm và để ruộng tự khô; lặp đi lặp lại nhiều lần càng tốt. Đến khi bón đóng đòng, cho nước vào 5 – 7 cm để bón phân và giữ mực nước này đến trước thu hoạch 10 ngày rút nước phơi ruộng.

– Việc xác định thời điểm cho nước vào sau khi phơi ruộng rất quan trọng, tốt nhất bà con dùng ống nhựa (ống nước bằng nhựa đường kính 5 – 8 cm), chiều dài 20cm đục các lỗ xung quanh ống rồi đóng xuống ruộng, mặt trên của ống ngang với mặt ruộng, phơi ruộng khi nào mực nước trong ống tuột xuống 15 cm so với mặt ruộng (- 15 cm) là tiến hành cho nước vào như trên.

Trong quá trình thực hiện việc tưới ướt khô xen kẽ nhưng đến thời kỳ bón phân thúc phải cho nước vào để bón, không được bón phân khi ruộng cạn nước. Nếu không thực hiện tưới ướt khô xen kẽ cho cả chu kỳ từ lúc lúa đẻ nhánh đến làm đòng thì trong giai đoạn này, cố gắng phơi ruộng được một vài lần cũng tốt hơn chúng ta tưới ngập thường xuyên.

Nguồn: BaoNgheAn.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Cách xử lý ngộ độc phèn, ngộ độc phân hữu cơ cho cây lúa

Hiện nay, nông dân trong tỉnh Bạc Liêu đang bắt tay vào sản xuất lúa hè thu. Song, thời điểm nông dân xuống giống cũng là lúc giao mùa nên cây lúa thường bị ngộ độc phèn, ngộ độc phân hữu cơ. Để cây lúa phát triển tốt, tăng năng suất, tránh bị ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ, bà con nông dân cần tuân thủ các biện pháp sau:

Cây lúa bị ngộ độc phân hữu cơ, ngộ độc phèn.

CÁCH XỬ LÝ NHIỄM ĐỘC PHÈN

Thay nước mới để xả lượng phèn trong ruộng ra. Nếu ruộng gò (bị xì phèn) thì cố gắng ép nước lên gò cho đủ. Có thể bón vôi từ 300 – 500kg/ha trước lúc bón phân lân 1 – 2 ngày sẽ tăng hiệu quả phân lân.

– Bón Super lân Long Thành hay lân nung chảy (Ninh Bình hoặc Văn Điển) từ 100 – 250kg/ha, tùy tình trạng cây lúa ngộ độc nhẹ hay nặng.

Xịt phân bón lá (có chứa dinh dưỡng, NPK có chứa lân nhiều như 15 – 30 – 15, hydrophos…). Hiện nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân xịt phân bón hữu cơ cao cấp của Hoa Kỳ là K-Humate 1 lít/ha (nhãn hiệu Vina Super Humate) có hiệu quả tức thời, cứu lúa và hạ độc phèn nhanh.

Chờ từ 3 – 7 ngày cho đến khi nhổ lúa lên thấy rạ rễ trắng là việc cứu lúa đã thành công.

– Bón phân chăm sóc tiếp tục theo quy trình (urê, DAP, kali…) cho cây lúa phục hồi.

Bà con cần lưu ý: Khi cây lúa bị ngộ độc phèn thì ngưng bón đạm (urê) ngay, nếu bón vào sẽ làm lúa chết nhanh.

CÁCH XỬ LÝ NHIỄM ĐỘC PHÂN HỮU CƠ

Ruộng lúa sau khi thu hoạch không kịp đốt rơm, không kịp làm đất thì rất dễ gây ngộ độc hữu cơ. Nguyên nhân chính là do rơm rạ, tàn dư thực vật của vụ trước chưa kịp phân hủy vì bị vùi lấp trong điều kiện ngập nước tạo ra các gốc phê-nol, a-xít hữu cơ gây độc cho cây lúa.

Triệu chứng rõ nhất là bộ rễ thối đen, cây lúa vàng và lùn, lúa phát triển kém, không bắt phân. Triệu chứng này thường xuất hiện từ 15 – 30 ngày sau sạ, có nơi sớm hơn khi lúa mới sạ vài ngày và gây thiệt hại nặng.

Cách xử lý: Khi thu hoạch lúa xong nên châm lửa đốt cho rơm cháy hết. Nếu không đốt được thì vận chuyển rơm tươi ra khỏi ruộng. Còn nếu để rơm rạ lại thì phun hoặc rải phân bón có chứa Trichoderma. Sau đó tiến hành làm đất: cày xới, phơi đất từ 7 – 15 ngày giúp khoáng hóa chất hữu cơ. Tiếp tục bón 300kg vôi bột (CaCO3) để rạ phân hủy nhanh. Đầu vụ bón lót lân nung chảy (Ninh Bình hoặc Văn Điển) từ 200 – 400kg/ha.

Bón phân đợt 1 sớm (từ 7 – 10 ngày sau sạ) gồm nhiều lân, đạm để giúp hạ phèn, mau ngấu rạ. Cụ thể, bón 50kg DAP + 50 – 70kg urê/ha. Bón phân Silica, Super Humic, phân bón lá K-Humate giúp lúa ra rễ, đẻ nhánh mạnh, hạ phèn nhanh, giải độc chất hữu cơ cho cây lúa.

Nguồn: Trongtrot.lamnghenong.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Gieo thẳng lúa bằng giàn kéo

Giàn kéo gieo thẳng lúa có nhiều ưu thế vượt trội so với phương pháp gieo mạ – cấy truyền thống, đặc biệt năng suất lao động rất cao (1 người sử dụng giàn kéo bằng 40 người cấy lúa).

Tuy nhiên đối với các vùng chưa dồn điền đổi thửa, ruộng đất còn manh mún thì việc gieo bằng giàn kéo khó khăn hơn so với gieo vãi bằng tay. Quá trình thực hiện, chúng tôi có kinh nghiệm sử dụng giàn kéo cần trao đổi như sau:

Thuận lợi:

– Gieo bằng giàn kéo rất nhanh, đảm bảo tính cấp thiết của thời vụ; tiết kiệm công lao động, giải quyết được khâu thiếu nhân lực lúc mùa màng.

– Lúa gieo mật độ đều, ruộng thông thoáng, ít bị bệnh nên năng suất sẽ cao hơn.

Khó khăn:

– Những nơi diện tích ruộng méo, nhỏ dưới 1 sào rất khó sử dụng giàn kéo, gieo vãi bằng tay sẽ tiện lợi hơn.

– Giàn kéo có ít, bình quân 1-3 thôn mới có 1 cái nên người dân đi lại mượn xa, mất thời gian, khi cần đến mượn lại không có giàn ở nhà. Nếu để tập trung HTXNN đứng ra làm dịch vụ cũng khó khăn vì người dân không chủ động, chờ đợi người đến gieo ruộng dễ bị khô, mầm khó bám vào đất.

– Ruộng của hộ gia đình gồm nhiều thửa, phân tán ở các xứ đồng khác nhau, không làm cùng một lúc, mỗi lần gieo lại phải mang giàn đi nên nảy sinh tâm lý ngại sử dụng.

– Giàn kéo khá cồng kềnh, ruộng xa phải mất công vận chuyển trong khi gieo bằng tay không phải lo khâu này.

– Chưa có các linh kiện thay thế.

– Về kỹ thuật: Việc ngâm mạ không đúng kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến việc gieo giàn. Mầm mạ bằng 1/3-1/2 hạt thóc, rễ ra vừa phải là vừa. Nếu ngâm ủ mạ mầm dài hoặc ngắn quá đều ảnh hưởng:

* Mầm ngắn quá khi gieo xuống nhiều dễ thiếu giống.

*Rễ mạ dài quá khi gieo mầm xuống ít gây thừa, lãng phí.

Các khâu: Ngâm ủ mạ đúng tiêu chuẩn, cày bừa, làm phẳng ruộng, lấy nước vào ruộng cấy, tháo nước ra, thời tiết (có mưa hay không?), thời điểm gieo… liên quan mật thiết và phải khớp với nhau. Chỉ cần một khâu chưa đúng sẽ ảnh hưởng đến quá trình gieo mạ bằng giàn kéo. Thông thường các khâu này nông dân thường làm đơn giản nên khi gieo giàn thấy trục trặc dẫn đến ngại sử dụng.

Vì những khó khăn trên nên các địa phương khi triển khai sử dụng giàn kéo để gieo thẳng cần đẩy nhanh quá trình dồn điền đổi thửa, ruộng càng vuông vắn, chủ động tưới tiêu thì sử dụng giàn kéo càng hiệu quả.

Đối với nhà sản xuất: Cần có đại lý bán giàn kéo ở từng vùng, có linh kiện thay thế, kích cỡ ốc vít nên bằng nhau, các điểm khớp nối phải thật chuẩn để dễ tháo lắp. Giàn kéo cần có các độ rộng khác nhau để người dân dễ chọn lựa. Hạ giá xuống từ 300.000đ – 400.000đ/giàn nhằm đạt mục đích 1-2 gia đình có 1 giàn để nông dân chủ động hoàn toàn trong sản xuất.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật phơi lúa trong lều

Một số hộ dân ở An Giang đã áp dụng kỹ thuật phơi lúa trong lều, ngay cả lúc gặp mưa mà vẫn rất nhàn nhã.

Trước đây mỗi khi vào vụ thu hoạch lúa hè thu tôi thường đem lúa ra lộ để phơi. Phơi trên lộ rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông và mấy năm nay Nhà nước cũng đã cấm phơi lúa trên lộ.

Từ khi  làm lều phơi lúa không lo lúa bị ướt hay nguy hiểm do tại nạn giao thông nữa. Cách làm lều che trên sân phơi lúa  bà con nông dân ở đây khá đơn giản. Lều được dựng trên nền sân phơi, xung quanh có hệ thống thoát nước dễ dàng. Lều được làm theo dạng một mái và hai mái.

Lều dạng 2 mái được làm như như hình tam giác trông như hai mái nhà. Thông thường bà con dùng tre hoặc cây gỗ tạp dựng thành một hàng cột giữa sân có chiều cao khoảng 2,5- 3 mét với số lượng từ 6-10 tùy theo chiều dài của sân, khoảng cách mỗi cột là 2 mét. Trên đầu cột này được buộc với một cây tre chạy dài suốt sân, cây tre có tác dụng như một nóc nhà. Hai bên lề của sân được đóng một hàng cọc chạy dài suốt sân, cao 20 cm và cách nhau 1 m. Sau đó dùng dây chì (số 3) hoặc dây ni-lon đen (loại dây có đường kính bằng chiếc tăm xe đạp) buộc từ cọc bên này đến cây tre trên nóc và kéo xuống cột chặt vào đầu cọc bên kia. Sau đó dùng tấm đệm có kích thước tương ứng với sân phơi phủ trùm lên trên rồi kéo 2 đầu tấm đệm xuống buộc vào các cọc phía ngoài sân phơi. Lúc trời nắng thì kéo tấm đệm về một phía để cho nắng vào sân phơi, khi gặp trời mưa thì kéo tấm đệm che sân lại rất nhẹ nhàng, nhanh chóng.

Đối với dạng lều che sân phơi một mái rất đơn giản: Treo một cây tre dài suốt chiều ngang của sân lên mái danh nhà trước. Sau đó cột các sợi dây ni-lon lên cây tre này rồi kéo xuống buộc chặt vào các cọc cây được đóng sẵn trước mặt ngoài sân phơi. Buộc một đầu của tấm đệm chạy dọc theo cây đòn tay của mái nhà. Đầu tấm đệm còn lại được luồn một cây tre nhỏ chạy dọc hết tấm đệm. Khi trời nắng bà con cuốn tấm ga lại và treo ngược lên cây đòn tay. Khi có mưa bà con chỉ cần tháo dây treo thì tấm ga sẽ tự động xổ xuống đến đầu cọc ở mặt đất, phủ trùm lên sân để bảo vệ số lúa không bị ướt.

Với cách làm lều như trên bà con đã tạo ra một mái che rất thuận lợi cho việc che lúa vào lúc trời mưa và chiều tối mà không cần phải kéo lúa lại. Gặp trời mưa nhiều ngày, với lượng lúa ít thì bà con cứ trải đều trên sân, lượng lúa nhiều thì cào lúa như những luống khoai, thỉnh thoảng đảo lúa hoặc có thể dùng quạt điện đặt ở một đầu theo hướng gió cho gió thổi làm lúa nhanh ráo vỏ sẽ giúp lúa không bị lên mộng.

Khi hết vụ phơi lúa trong mùa mưa bà con có thể tháo dây và tấm ga xuống cất vào nơi khô ráo để sử dụng cho những vụ lúa tiếp theo. Chi phí cho việc làm lều không cao lắm, tre thì đa số tự túc được, dây và tấm cho một sân 100 m2 khoảng 1- 1,2 triệu tùy theo bà con chọn loại tấm đệm giá cao hay thấp. Thời gian sử dụng của lều che này có thể kéo dài từ 5-7 năm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng lúa cấy (Phần 3)

8. Kỹ thuật chăm sóc lúa cấy

Làm cỏ
Khi cây lúa bén rễ hồi xanh thì bắt đầu làm cỏ kết hợp với sục bùn và bón thúc. Sau đó tuỳ vào giống lúa ngắn hay dài ngày có thể tiếp tục làm cỏ sục bùn từ 1-2 lần nữa và kết thúc trước khi lúa bước vào thời kỳ làm đòng. Làm cỏ sục bùn có tác dụng diệt cỏ dại, vùi phân tránh mất đạm, bổ sung ô xy cho rễ, làm đứt rễ già và kích thích ra rễ mới. Làm cỏ bằng tay, cào răng đẩy tay.

Trừ rong rêu: Những ruông lúa có nhiều rong rêu thì nên trừ bằng cách tháo cạn nước 5-6 ngày kết hợp bón vôi bột (5-10 kg/ha), hoặc phun CuSO4 5-10% vào ngày nắng từ 1-2 lần, mỗi lần cách nhau 2-3 ngày, hoặc dùng MCPA dung dịch 0,4% phun 500 lít/ha.
Bón thúc

– Bón thúc đẻ nhánh: Khi lúa bén rễ hồi xanh kết hợp với làm cỏ đợt I, bón 50 -60 % lượng đạm

– Bón đón đòng: Trước trỗ 30 -35 ngày. Bón đón đòng có tác dụng xúc tiến phân hóa gié và hoa nhằm đạt số hạt / bông cao.

– Bón nuôi đòng: Tiến hành vào thời gian trước trỗ 12-15 ngày. bón nuôi đòng có tác dụng tăng tỉ lệ hạt chắc và khối lượng hạt.
Để tăng hiệu quả của phân bón thúc nên bón sâu theo cách kết hợp với làm cỏ sục bùn, giữ nước vừa phải, không bón khi thời tiết xấu…có thể dùng phân viên tổng hợp bón tập trung vào gốc sẽ năng cao hiệu quả của phân.

Tưới nước
Tuỳ điều kiện cụ thể mà có thể đảm bảo chế độ nước phổ biến như sau: duy trì mức nước < 5 cm vào thời kỳ sau cấy đến thời kỳ đẻ nhánh hữu hiệu, > 20cm vào thời kỳ cuối đẻ nhánh để hạn chế đẻ nhánh vô hiệu.

Nếu lúa tốt, sinh trưởng mạnh thì nên rút nước phơi ruộng, hạn chế dinh dưỡng cũng có tác dụng làm giảm đẻ nhánh vô hiệu. Duy trì 5-10cm nước vào thời kỳ làm đòng đến chín sữa. Sau thời kỳ chín sữa có thể rút nước, lúa tiếp tục vào chắc, thuận lợi cho khâu thu hoạch.
Trường hợp lúa xấu hoặc trên đất chua , mặn, phèn, phải duy trì mực nước 5-6cm để hạn chế phèn, mặn.

Phòng trừ sâu bệnh
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

9. Thu hoạch và bảo quản

Thu hoạch lúa
– Thu hoạch thủ công: Liềm các loại là công cụ chủ yếu và được sử dụng phổ biến tại các hộ gia đình, trang trại nhỏ.

– Thu hoạch cơ giới: Sử dụng các máy gặt cải tiến loại vừa và nhỏ để thu hoạch lúa.

Thu hoạch lúa

– Đập, tuốt lúa: Đập lúa bằn tay, trục lúa bằng trục đá có trâu bò kéo, tuốt lúa bằng máy đạp chân, bằng máy tuốt thủ công nhỏ hoặc bằng máy tuốt lúa.

Nơi đập tuốt lúa phải được lót bạt, hoặc tực tiếp ở sân phơi, nhưng phải sạch rác, sạn và không được lẫn với giống khác.

Phơi sấy, cất trữ bảo quản
Phơi sấy: yêu cầu phơi khô để hạt có hàm lượng nước đạt < 13%, cũng như không cho mầm bệnh phát triển và hoạt động. Có thể sử dụng 2 phương pháp phơi sấy chủ yếu sau:

– Phơi bằng ánh sáng mặt trời: hạt lúa nói chung có thể được phơi bằng ánh sáng tự nhiên, độ dầy 3-7 cm, thường xuyên đảo hạt để hạt khô đều, tránh cường độ ánh sáng mạnh.

Người nông dân đang cùng nhau phơi lúa

– Phương pháp làm khô bằng hệ thống quạt không khí nóng: Hạt lúa có thể làm khô bằng hệ thống sấy có thổi không khí nóng với nhiệt độ 40 – 450c, thời gian sấy tùy thuộc vào ẩm độ hạt khi thu hoạch, nhiệt lượng cung cấp, cũng như khối lượng hạt cần xử lý.

Cất trữ bảo quản:

Sau khi lúa đã phơi khô, quạt sạch trấu, hạt lép, đóng vào bao để bảo quản trong kho chuyên dụng. Kho bảo quản phải được khử trùng, dọn sạch trước khi cất trữ.

Ở các hộ gia đình nên cho thóc vào bồ, thùng phi hoặc thùng tôn đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát. Thường xuyên kiểm tra ẩm mốc, mọt và chuột. Nếu bị dịch hại và ẩm mốc cần phải xử lí ngay.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng lúa cấy (Phần 2)

4. Làm đất gieo mạ

Mạ dược:
Chuẩn bị ruộng mạ: Chọn chân ruộng cao, chủ động tưới tiêu, đất cát pha hoặc thịt nhẹ và tiện chăm sóc.

Làm đất:
Đất cày ngả sớm, bừa 4-6 lần, nhuyễn và sạch cỏ. Nếu đất chua có thể bón vôi 15-20 kg/sào Bắc Bộ. Bón lót 3- 4 tạ phân chuồng, 7-10 kg supe lân, 2 kg urê và 3kg kali/sào.

Người dân làm đất gieo mạ lúa

Lên luống rộng 1,2 – 1,4 m, có rãnh thoát nước, mặt luống phẳng ở vụ đông xuân, mặt luống hơi vồng ở vụ mùa để dễ thoát nước.
Gieo mạ: Hạt giống sau khi xử lí, ngâm ủ nảy mầm đều là đem gieo

Mật độ và kỹ thuật gieo: Vụ đông xuân gieo 40-45 kg/sào Bắc bộ, vụ mùa ít hơn( tùy theo giống, thời vụ và khối lượng hạt). Gieo hơi chìm hạt, nhất là vụ đông xuân để chống rét, sau gieo có thể phủ một lớp tro mộc ( 8-10 kg/sào).

Mạ sân, mạ trên nền đất cứng:
Là giải pháp tình thế trước đây để khắc phục hiện tượng thiếu mạ trong vụ đông xuân, do thời tiết rét đậm kéo dài, mạ dược bị chết nhiều. Song hiện nay biện pháp này đã trở thành tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi.

Làm mạ sân hay mạ trên nền đất cứng không phức tạp chỉ cần chọn được nền đất cứng (bờ mương, ven đường, sân, vườn..), làm cho mặt đất phẳng, rải một lớp bùn hoặc đất bột mỏng lên sân hay nền đất cứng (Nếu đất xấu nên trộn thêm với phân chuồng hoai mục đã được ủ với lân để đảm bảo dinh dưỡng cho mạ), gieo hạt đã xử lí, ngâm ủ, nảy mầm đều.
Lượng gieo: 1,0 -1,5 kg hạt giống/m2. Tưới nước giữ ẩm.

5. Chăm sóc và quản lý ruộng mạ

Chăm sóc mạ dược:
Nước: Ở thời kỳ mạ non (từ gieo đến 3 lá), mặt luống cần được giữ ẩm để rễ phát triển thuận lợi. Khi mạ có 4 lá đến nhổ cấy tùy theo thời tiết và sinh trưởng của mạ để quyết định chế độ tưới nước. Khi cần chỉ tưới nước vào rãnh để luống mạ đủ ẩm. Trước khi nhổ có thể tưới trước 5-7 ngày cho đất mềm, dễ nhổ, tránh đứt rễ.

Phân bón: Bón thúc vào thời kỳ mạ 3-4 lá, Lượng bón từ 0,5- 1,0 kg Urê/ sào Bắc bộ tùy theo giống và độ phì đất. Trước khi nhổ cấy 3-5 ngày, có thể bón tiễn chân giúp cây mạ ra rễ mới. Mạ tốt, mạ già không nên bón thúc nhiều.

Phòng chống rét: Dùng các giống chịu rét. Gieo đúng thời vụ, gieo vào lúc trời ấm, gieo mật độ dày, tăng phân chuồng và lân, không bón đạm vào lúc trời rét, điều tiết nước và che phủ Nilon cho mạ trong những đợt rét.

Phòng chống mạ già, mạ ống: Mạ đông xuân rất mẫn cảm với nhiệt độ. Cần đề phòng mạ ống khi thời tiết ấm, nhiệt độ bình quân trên 20°c kéo dài và tích ôn đạt 500ºc . Điều kiện đất tốt, nước nhiều, gieo dày cũng dẫn tới mạ ống.

Biện pháp chống mạ già và ống: Rút nước để ruộng mạ khô, không bón đạm, bố trí thời vụ thích hợp và tránh tình trạng “mạ chờ ruộng”.

Phòng chống sâu bệnh cho mạ: Tiến hành phòng trừ khi sâu bệnh phát sinh rộ.

Tiêu chuẩn mạ tốt: Mạ cứng cây, khỏe, tỉ lệ bẹ/lá cao, đanh dảnh, màu sắc lá xanh vàng, tỉ lệ C/N thích hợp, mạ không bị ống, có sức ra rễ mạnh và không có sâu bệnh.

Đúng tuổi: Tuổi mạ cấy tùy thuộc vào giống, thời vụ và phương pháp làm mạ. Để tính tuổi mạ có thể dùng ngày tuổi hoặc số lá. Thí dụ, ở vụ mùa tính tuổi mạ theo ngày tuổi, còn ở vụ đông xuân theo số lá (mạ dược 5-6 lá, mạ sân hoặc mạ trên nền đất cứng 2-3 lá).

Chăm sóc mạ sân:
Đối với mạ sân, sau khi gieo hạt cần đặt biệt điều tiết nước và giữ ẩm cho mạ. Số lần tưới nước phụ thuộc vào nhiệt độ và cường độ ánh sáng trong ngày. Ở vụ mùa số lần tưới nước đòi hỏi nhiều hơn ở vụ xuân, đặc biệt vào những ngày nắng nhiều và nhiệt độ cao. Khi đó, cứ 20- 30 phút cần tưới nước một lần để giữ ẩm. Khi mạ có 2,5 – 3 lá là đủ tuổi để nhổ cấy.

6. Kỹ thuật làm đất cấy

Đất trồng lúa
Đất trồng lúa có hai dạng cơ bản:
Đất chuyên canh lúa: Thường có chân vàn hoặc chân trũng khó thoát nước. Loại đất này thường làm dầm, khi có điều kiện thì chỉ rút nước phơi ải sau khi đã thu hoạch xong vụ lúa mùa.
Đất luân canh lúa-màu: Là đất chân cao, cấy vụ mùa và làm màu vụ đông xuân. đất này không phơi ải mà chỉ làm dầm.

Kỹ thuật làm đất
Đất lúa cần phải cày sớm, ruộng làm dầm phải giữ nước. Ruộng làm ải cần được phơi kỹ, giữa đợt cày đảo ải. Làm ải có tác dụng cho đất thoáng, tiêu diệt được một số loại dịch hại trong đất. Nếu phơi ải gặp mưa lớn không có khả năng phơi lại thì phải giữ nước, chuyển sang làm dầm.
Làm đất lúa phải cày sâu, bừa kỹ cho đất nhuyễn, mặt ruộng phải phẳng thuận lợi cho khi cấy đồng đều và điều tiết nước.
Cày sâu tạo điều kiện cho bộ rễ lúa phát triển tốt, tăng nguồn dự trữ dinh dưỡng, có lợi cho các hoạt động của vi sinh vật vùng rễ phân giải các chất hữu cơ khó phân huỷ, tăng cường dinh dưỡng cho lúa.
Yêu cầu đất lúa trước khi cấy phải sạch gốc rạ, cỏ dại. đất lúa cấy mạ sân càng phải được làm kỹ hơn, mặt ruộng phẳng hơn và để mức nước nông để lúa cấy xong phát triển thuận lợi.

Bón lót
Trong quá trình làm đất sẽ kết hợp với bón lót. Bón lót phân chuồng, phân xanh, vôi và các loạ phân vô cơ như lân, kali, đạm…Bón lót sâu và hợp lí :
Bón lót phân xanh và vôi (nếu có) vào lúc cày ngả, phân chuồng và phân lân bón vào lúc cày lại, đạm và kali bón trước khi bừa cấy.
Vụ chiêm xuân nhiệt độ đầu vụ thấp cần quan tâm bón lót nhiều hơn vụ mùa.

Tận dụng phân chuồng để bón lót cho lúa

7. Kỹ thuật cấy

Mật độ và khoảng cách cấy
Mật độ có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành số bông. Xác định mật độ cấy hợp lý cần dựa vào các yếu tố sau:

Thời vụ cấy: vụ có nhiệt độ thấp cấy dày hơn vụ có nhiệt độ cao.

– Vụ xuân cấy mật độ: 45-55 khóm/m2, 2-3 dảnh /khóm

– Vụ mùa cấy mật độ: 40- 45 khóm/m2, 2-3 dảnh / khóm
Khoảng cách:

– Vụ xuân: 20 cm X 11cm hoặc 18 cm X 11 cm

– Vụ mùa: 20 cm X 11 cm.
Giống: loại hình nhiều bông cấy dày hơn loại hình to bông.

– Giống nhiều bông cấy 200 -250 dảnh cơ bản /m2

– Giống to bông: cấy 180 -200 dảnh cơ bản /m2

Đất và dinh dưỡng: Đất xấu, ít phân cấy dầy hơn nơi đất tốt và nhiều phân.

Tuổi mạ, chất lượng mạ: Mạ già chất lượng kém cấy dày hơn mạ non, mạ tốt.

Trình độ thâm canh: Nơi có trình độ thâm canh thấp cần cấy dầy hơn nơi có trình độ thâm canh cao.

Kỹ thuật cấy
Cấy thẳng hàng, cấy nông 3-4 cm( cấy sâu 5-6cm lúa sẽ phát sinh 2 tầng rễ), ở vụ chiêm xuân cấy sâu hơn vụ mùa.
Để cấy nông, cần làm đất kỹ, giữ nước nông, cấy ngửa tay. Cấy thẳng hàng dễ kiểm tra, bảo đảm mật độ và tạo điều kiện thuận lợi cho khâu chăm sóc sau này.

Người nông dân đang cấy lúa

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.