Ba giống Ngô ưu việt

Những giống Ngô lai đơn VINO 688, VINO 678 và VINO 812 đều do Công ty TNHH Việt Nông nghiên cứu lai tạo và đưa vào sản xuất.

 

Các giống Ngô mới của Việt Nông

Giống VINO 688

Đây là giống ngô trung ngày (từ 98 – 105 ngày ở Nam bộ và 105 – 115 ngày ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc). VINO 688 chịu hạn tốt, sinh trưởng và phát triển trên nhiều loại đất khác nhau, sinh khối đạt 50 – 60 tấn/ha; bộ lá đứng, thích hợp cho việc trồng dày. Chiều cao cây trung bình từ 200 – 220 cm, độ cao đóng trái từ 100 – 110 cm. Cây vẫn giữ được bộ lá xanh khi thu hoạch.

Giống VINO 688 có thể trồng với mật độ 65.000 – 70.000 cây/ha mà vẫn cho năng suất ổn định. Bắp có chiều dài từ 19 – 20 cm, 12 – 16 hàng hạt, dạng hạt đá, màu hạt vàng cam rất bắt mắt. Đặc biệt tỷ lệ hạt/bắp khá cao (khoảng 79%). Năng suất hạt trung bình đạt từ 9 – 11 tấn/ha. Giống VINO 688 có phổ trồng rộng, có thể trồng tất cả các vùng trong cả nước và có thể trồng quanh năm.

“Tôi ấn tượng với 2 giống ngô VINO 678 và VINO 688. Tôi trồng cả 2 giống thấy thân cây to, khỏe, tốc độ phát triển cũng như khả năng chịu hạn rất tốt”, ông Lò Văn Thanh (xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn) chia sẻ tại hội thảo trình diễn 3 giống ngô mới của Công ty TNHH Việt Nông tại Sơn La.

Giống VINO 678

Giống VINO 678 được lựa chọn theo định hướng vừa có thể thu hạt, vừa thu cây lấy thân làm thức ăn cho gia súc. Là giống ngô dài ngày: 100 – 104 ngày ở Đông Nam Bộ, 103 – 114 ngày ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Giống đạt sinh khối lấy thân có thể đạt 60 – 70 tấn/ha, mật độ trồng từ 57.000 – 65.000 cây/ha.

Giống có bộ lá xanh, rễ chân kiềng phát triển, cây cao từ 220 – 235 cm, chiều cao đóng trái từ 110 – 115 cm. Vì là giống có sinh khối lớn nên trong quá trình trồng cần đảm bảo cung cấp đủ nước để cây phát triển tốt. Giống VINO 678 có thể kháng sâu bệnh hại khá tốt.

Bắp ngô VINO 678 có chiều dài đạt 20 – 22cm, 14 – 16 hàng hạt, đường kính 4,4 – 4,7 cm, tỷ lệ hạt trên trái đạt 78%, hạt dạng bán đá, có màu cam. Giống thích hợp trồng vụ đông xuân, hè thu và thu đông. Năng suất hạt của giống đạt từ 10 – 12 tấn/ha.

Ông Lò Văn Luyện (xã Chiềng On, huyện Yên Châu) cho biết: “Năm vừa qua tôi trồng 2 giống ngô VINO 688 và VINO 812. Ưu điểm ở 2 giống ngô này mà tôi ấn tượng nhất là khả năng chống chịu sâu bệnh và tốc độ phát triển nhanh trên đất đồi. Đặc biệt bắp to, màu sắc rất đẹp.”

Giống VINO 812

Đây là giống khá đặc biệt, được kết hợp giữa 2 dòng bố mẹ có sức sinh trưởng mạnh và thích thích nghi tốt nhất trong bộ nguồn của Công ty TNHH Việt Nông hiện có. Giống có tiềm năng đạt năng suất cao: 11 – 12 tấn/ha, năng suất lấy thân đạt 55 – 60 tấn/ha.

Bộ lá xanh, lá dày và thân cây lớn, bắp to là những nhận xét của người dân Sơn La về giống ngô này. Giống VINO 812 là giống bắp dài ngày, 100 – 105 ngày ở Đông Nam Bộ, 110 – 120 ngày ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Giống có chiều dài trái 20 – 21 cm, đường kính trái 5,0 – 5,2 cm, dạng hạt răng ngựa, màu vàng. Tỷ lệ hạt/trái cao: từ 80 – 81%. Bắp có từ 16 – 20 hàng hạt. Giống VINO 812 có thể trồng quanh năm và rất thích hợp trồng ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Mặc dù mới đưa vào trồng thử nghiệm trong vòng 1 năm trở lại đây nhưng người dân Sơn La đều đánh giá rất cao 3 giống ngô trên. Ông Lò Văn Phái (xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn) có 5.000 m2 trồng thử nghiệm, đã nhận xét: “Trong năm nay, người dân tại địa phương rất hứng thú với 3 giống ngô của Việt Nông. Kháng sâu bệnh tốt là đặc điểm mà bà con quan tâm nhất vì thời gian gần đây trồng ngô phải đối mặt với nạn sâu keo mùa thu”.

Năm 2019, xã Chiềng Sung trồng hơn 1.000 ha ngô, trong đó người dân gieo hơn 2.000 kg hạt giống của Công ty TNHH Việt Nông. Dự báo trong năm 2020, con số đó sẽ tăng lên đến 8.000 – 10.000 kg.

“Bắp của 3 giống ngô đều có màu vàng đẹp, bắp to, mang lại năng suất cũng như hiệu quả kinh tế rất cao. Vì chất lượng hạt giống tốt nên đối với người nông dân quá trình trồng khá đơn giản. Giá thương lái thu mua hiện khoảng 2.800 – 2.900 đ/kg, tương đương 38 – 40 triệu/ha”, ông Lò Văn Phái chia sẽ.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Ngô sinh khối thu về 150 tỷ/năm tại Nghệ An

Ông Nguyễn Bá Trường, người trực tiếp quản lý và thu mua nguyên liệu làm thức ăn cho trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung của Tập đoàn TH ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết: Hiện đàn bò sữa của TH ở huyện Nghĩa Đàn đã vượt qua mốc 45.000 con, cung cấp sữa tươi nguyên liệu để SX các sản phẩm sữa mang thương hiệu TH true MILK. Tổng đàn lớn như vậy thì mỗi năm đàn bò sữa “ngốn” tới vài trăm ngàn tấn thức ăn thô xanh (chưa kể việc phải nhập khẩu cỏ Alfalfa chịu lạnh để kích thích tiết sữa và các loại thức ăn tinh).

Trong khi đó, diện tích ngô, cỏ Monbasa, hoa hướng dương, cây cao lương, cỏ Mulato II… của trang trại TH mới cung cấp được khoảng 60% nhu cầu thức ăn thô xanh của cả đàn bò. Bởi thế, những năm trước đây, mỗi năm TH phải nhập khẩu thêm các loại cỏ của Mỹ, Australia, Brazil… về để đáp ứng nhu cầu thức ăn xanh cho đàn bò. Điều đáng nói là khi hàng trăm nghìn tấn cỏ này về đến trang trại thì giá đội lên rất cao.

Người dân trồng ngô cung cấp cho đàn bò sữa của TH

Để giảm bớt gánh nặng tài chính, Tập đoàn TH đã chủ động lấy mẫu rơm, rạ tại các địa phương ở Nghệ An về phân tích độ an toàn và hàm lượng chất dinh dưỡng của chúng và sau đó triển khai mua mỗi năm hàng trăm tấn rơm rạ/năm về chế biến ủ chua cho đàn bò.

Năm 2014, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH đã chủ động mở ra một hướng đi mới để giải quyết vấn đề này. Đó là phối hợp với địa phương để liên kết với nông dân trong vùng dự án và các huyện lân cận để SX ngô sinh khối. Trước mắt bà con trực tiếp ký hợp đồng liên kết với trang trại TH để trồng ngô. Sau đó, nếu bà con thấy có lợi ích thực sự thì sẽ tiến tới việc thành lập HTX. Theo đó, từng hộ nông dân sẽ là cổ đông chỉ chuyên SX các loại thức ăn thô xanh cung cấp cho đàn bò sữa của TH.

Ông Nguyễn Bá Trường tâm sự: “Khi chúng tôi đến các HTX để bàn với họ triển khai thực hiện chủ trương này thì đa số bà con không ủng hộ phương án trồng ngô cung cấp cho TH vì họ chưa quen với tập quán canh ngô sinh khối mà chỉ trồng ngô lấy hạt dùng cho chăn nuôi hoặc bán ra thị trường.

Kiên trì vận động rồi cuối cùng một số bà con mới chịu bắt tay vào SX ngô sinh khối vụ đông. Khi ngô vừa chín sáp, tập đoàn tiến hành thu mua với giá từ 850.000 – 900.000 đồng/tấn ngay tại ruộng, ngay trong năm đầu thu nhập của bà con đã tăng gấp rưỡi”.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, cứ thế, vụ sau người dân vùng dự án và các huyện lân cận bắt đầu mở rộng diện tích. Trồng ngô sinh khối, do trồng dày hơn ngô lấy hạt nên năng suất đạt bình quân từ 39 – 40 tấn/ha, thu nhập từ 32 – 34 triệu đồng/ha. Bà con không phải lo xử lý sản phẩm sau thu hoạch, đất đai lại giải phóng nhanh nên có thêm thời gian để tăng vụ.

Chị Trần Thị Lệ, trú tại xóm Tân Lâm, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn phấn khởi cho biết: “Nhà tôi có 4ha đất đồi, sau khi cam hết chu kỳ, tôi đều chuyển sang trồng ngô sinh khối cho TH. Hàng năm nếu thuận lợi, tôi trồng 3 vụ ngô/năm. Do đất đồi, hạn hán và chất dinh dưỡng trong đất kém nên mỗi vụ chỉ được 34 – 39 tấn/ha (tùy vụ). Năm 2016, tôi trồng được 3 vụ thu nhập trên 200 triệu đồng, trừ giống, phân bón và công cày còn lãi hơn 100 triệu.

Ngô non sinh khối được trồng rất nhiều để cung cấp thức ăn cho bò sữa

Năm nay, do thời tiết không ổn định nên tôi chỉ trồng 2 vụ nhưng vẫn thu được 160 triệu, trừ chi phì còn lãi trên 80 triệu. Nói chung, nếu so với trồng mía thì trồng ngô sinh khối cho lãi gấp 1,5 lần nên tôi và bà con rất yên tâm”, chị Lệ nói.

Ông Võ Quang Niên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nghĩa Thịnh (Nghĩa Đàn) khi nghe chúng tôi đề cập đến việc liên kết SX ngô sinh khối cho TH thì phấn khởi nói: “HTX chúng tôi có 75ha đất màu thì có tới 65ha đất trồng ngô sinh khối. Bình quân mỗi năm làm 3 vụ chắc ăn, mỗi vụ thu được từ 40 – 50 tấn/ha. Giá bán tại ruộng TH thu mua là 860.000 đồng/tấn, doanh thu bình quân 105 – 110 triệu đồng/ha/năm. So với SX ngô hạt thương phẩm lãi ít nhất gấp 1,5 lần, nông dân không phải lo lắng về thời tiết, giá cả, thất thoát sau thu hoạch…”.

Khi được hỏi hàng năm có phải vận động bà con làm ngô sinh khối hay không? Ông Niên nói chắc nịch: “Hoàn toàn không! Sau khi nông dân thực hiện chương trình trồng ngô bán nguyên cả cây và bắp cho TH, mọi việc tiến hành thuận lợi, có thu nhập tốt và ổn định, bà con đều tự giác đăng ký SX”.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Phòng trừ sâu đục thân ngô

Ở nước ta sâu đục thân ngô (bắp) thường gây hại rất nặng cho bắp quanh năm và ở mọi vùng trồng bắp. Ở khu vực ĐBSCL sâu thường tập trung hại nặng vào vụ hè thu từ tháng 5 đến tháng 9 vì vào dịp này thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, lá bắp rậm rạp tạo điều kiện cho sâu phát triển.

Sâu đục thân gây hại cho cây bắp từ giai đoạn cây được 1 tháng đến suốt thời kỳ sinh trưởng cho đến kỳ thu hoạch. Bị hại nhiều nhất là từ khi cây trổ cờ đến hình thành bắp. Ruộng bắp bị sâu đục thân nặng làm số cây bị hại có khi lên  80-90%, dẫn đến năng suất bị giảm sút nghiêm trọng. Khi lớn sâu đục vào thân và ăn hết phần mềm trong cây, thải phân ra ngoài qua các vết đục.

Sâu đục thân gây hại cho ngô

Thân rỗng làm cho quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng và nước bị nhưng trệ làm cây suy yếu, còi cọc, nếu gặp gió to cây sẽ bị gẫy ngang. Cây thường bị gãy ở ngay trên hoặc dưới bắp, nếu cây bị gãy dưới bắp thì cây đó coi như thất thu hoàn toàn. Nếu cây gãy trên bắp sẽ làm bắp kém phát triển, hạt bị lép, làm giảm năng suất và chất lương hạt do không còn chất khô quang hợp từ lá vận chuyển về hạt. Khi bắp hình thành, chúng cắn râu làm quá trình thụ phấn bị ảnh hưởng và chui vào bắp cắn phá khiến bắp bị cong queo, hạt không chắc.

Thành trùng cái sâu đục thân dài khoảng 12-15 mm, sải cánh rộng 25-30 mm, cánh trước mầu vàng nhạt. Con trưởng thành đực nhỏ hơn, mầu nâu đến nâu vàng. Ban ngày thường ẩn nấp trong bẹ lá hay trong nõn lá non và hoạt động về đêm. Con cái đẻ trứng thành từng ổ ở mặt sau của những lá bánh tẻ gần gân chính, mỗi ổ có vài chục trứng, đôi khi lên đến hàng trăm trứng. Một con cái có thể đẻ đến hàng ngàn trứng, khi mới đẻ trứng có mầu trắng sữa.

Sâu nở phá hoại cây ngô rất nghiêm trọng

Trứng sâu nở sau một tuần, trứng thường nở vào buổi sáng. Khi còn nhỏ sâu non cắn nõn lá non hay cuống hoa đực, khi lá mở ra sẽ thấy trên lá có những lỗ thủng thẳng hàng nhau. Nếu bị hại nặng sẽ làm rách lá. Khi sâu lớn chui vào thân cây và ăn phần mô mềm trong thân và thải phân ra ngoài, chúng làm thân cây bị rỗng. Quan sát trên cây ngô sẽ thấy nhiều lỗ thủng sâu chui vào kèm theo nhiều cục phân sâu thải ra bám quanh lỗ thủng. Sâu non của loài sâu này có 5 tuổi. Khi gần hóa nhộng sâu dài trên 20 mm, chúng hóa nhộng ở trong đường đục trong thân cây hoặc trong bẹ lá, lõi bắp, lá bao.

Biện pháp phòng trừ:

Kiểm tra đồng ruộng nếu thấy mật độ trứng cao (khoảng 0,3-0,4 ổ/m²) thì nên dùng một trong số các loại thuốc sau: Sherpa 0,1%, Sumidicin 0,1%, Nuvacron polytril 440 Regent 800WG 0,08-0,12% hoặc một số thuốc đặc hiệu khác để phun với liều lượng 0,5-1 lít/ha.

Theo khuyến cáo của Viện Nghiên cứu Ngô, nếu mức hại của sâu chưa đến ngưỡng thì không phải trừ bằng thuốc hóa học mà có thể đi bắt bằng tay. Nếu mức hại đã quá ngưỡng cho phép (cấp hại 5, số lá bị hại 4, đường kính lỗ đục 5mm, điểm 2,25) thì có thể phun Nuvacron 0,1-0,15% để diệt sâu, song phải phun trước khi ngô trổ cờ ít nhất 10 ngày (trong trường hợp để giống). Tốt nhất cần xác định thời điểm sâu nở để phun thuốc có hiệu quả nhất. Trong trường hợp ngô thu hoạch để làm rau thì ngừng phun thuốc trước khi ngô nhú bắp ít nhất 5-10 ngày.

Luân canh với cây trồng nước như lúa, các loại rau trồng nước… để cắt đứt nguồn thức ăn liên tục của sâu trên đồng ruộng. Ở những vùng thường xuyên bị sâu gây hại nặng nên chọn những giống ngô có khả năng ít bị nhiễm sâu đục thân…

Không nên trồng nhiều vụ bắp liên tục trong năm để cắt đứt vòng đời của sâu. Không trồng bắp cùng với những cây ký chủ khác như kê, cao lương, đay… trên một cánh đồng vì sẽ luôn duy trì nguồn sâu trên đồng.

Sau khi thu hoạch, sử dụng thân cây ngô cho trâu bò ăn, làm chất đốt càng sớm càng tốt, để tiêu diệt những con sâu, con nhộng còn nằm bên trong thân cây, hạn chế sâu truyền qua vụ sau.

Ngắt ổ trứng sâu trên ruộng rồi tiêu hủy.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyện bởi Farmtech Vietnam.

Hiệu quả trồng ngô lai trên đất lúa

Vụ HT 2017 Trung tâm Khuyến nông tỉnh TT – Huế phối hợp với Trạm Khuyến Nông lâm ngư huyện A Lưới và UBND xã Hồng Quảng triển khai mô hình trồng 5ha ngô lai trên đất lúa giúp bà con chuyển đổi cây trồng và sử dụng toàn bộ diện tích thiếu nước để SX hiệu quả.

Ngô gieo trồng từ giữa tháng 6, sau khi thu hoạch vụ ngô trước đó. 39 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc BVTV. Bên cạnh đó còn được tập huấn kỹ thuật làm đất, gieo hạt, bón phân chăm sóc.

Trồng ngô lai trên đất lúa mang lại hiệu quả cao

Kết quả cho thấy giống ngô lai LVN 10 có thời gian sinh trưởng 120 ngày, chiều cao cây trung bình 120cm, phù hợp với điều kiện SX của địa phương. Năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha.

Về hiệu quả kinh tế, trên 1ha diện tích đất SX, với chi phí bỏ ra thấp hơn so với làm lúa, thực hiện mô hình trồng ngô lai cho thu nhập 16.050.000đ/ha, cao hơn 3.260.000 đ/ha và lợi nhuận 10.050.000 đ/ha, cao hơn 4.460.000 đ/ha so với trồng lúa thịt.

Theo Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Chế biến thân lá ngô dùng làm thức ăn cho trâu bò

Thân lá ngô khi còn xanh có thể cho trâu bò ăn ngay, song thường khi thu hoạch thì ta có một lượng nhiều nên trâu bò không thể tiêu thụ hết trong một thời gian ngắn.


Chúng tôi xin giới thiệu phương pháp ủ chua yếm khí thân lá ngô với bạn đọc. Thân lá ngô sau khi thu hoạch bắp loại chưa già, lá ngô còn xanh. Thân lá ngô (TLN) lúc này có vật chất khô (VCK) khoảng 25-27%, protein thô (CP) khoảng 9%, vật chất hữu cơ (OM) khoảng 92-94%. Thân lá ngô thu về chặt nhỏ (4-5 cm), chúng được chia ra để ủ theo mấy cách sau:
– TN0: Thân cây ngô đã chặt nhỏ không cho thêm rỉ mật và urê.
– TN1: Thân lá ngô đã chặt nhỏ + 5% rỉ mật.
– TN2: Thân lá ngô đã chặt nhỏ + 2,5% rỉ mật + 0,5% urê.
Ở TN1 và TN2 hỗn hợp TLN, rỉ mật và urê được trộn đều. Tiếp theo từng hỗn hợp của TN1, TN2 và TN0 được cho vào các bao nylon riêng (có thể sử dụng bao với kích cỡ khác nhau, tùy thuộc vào lượng TLN mà ta cần ủ), lèn thật chặt (nếu bao lớn thì cho từng lớp một để dễ nén chặt) cho đến khi gần đầy bao thì thôi, cố gắng lùa hết không khí ra, cuối cùng dùng dây buộc kín và chặt miệng túi. Chú ý khi cho TLN vào túi và lèn tránh không làm bao bị rách. Để bao TLN ủ nơi dâm mát.
Qua kiểm tra để xác định chất lượng khối ủ thông qua các chỉ tiêu pH, hàm lượng VCK, CP và OM tại 0, 7, 14, 21 ngày ủ và thu được kết quả: pH từ 4,9-5,1 (0 ngày) giảm còn 3,54-4,30 (21 ngày), pH như thế này là rất tốt cho tiếp tục bảo quản. VCK gần như giữ nguyên: từ 24,6-26,4% (0 ngày) đạt 25,6-26,2% ở 21 ngày. OM cũng gần như giữ nguyên: từ 93,3-94,0% (0 ngày) đạt 92,1-93,7% ở 21 ngày. Protein thô cũng gần như được giữ nguyên: từ 8,7-12,6% (0 ngày) đạt 8,5-12,0% ở 21 ngày. Đặc biệt, nhờ có bổ sung urê mà CP ở khối ủ TN2 cao hơn hẳn TN0 và TN1, 12,0-12,6% so với 8,5-9,0%. Rõ ràng, quá trình ủ chua yếm khí không làm giảm chất lượng TLN, mà còn bảo quản được lâu dài hơn và nếu có bổ sung 0,5% urê thì cải thiện chất lượng rõ rệt.
Kiểm tra khối ủ TLN ở 21 ngày ủ bằng các chỉ tiêu cảm quan chúng tôi thấy: TN0 có màu sẫm, thơm và chua nhẹ, nhưng bị nhiễm một ít nấm mốc; TN1 có màu vàng, thơm và chua nhẹ, không bị nhiễm nấm mốc; TN2 màu vàng sáng, thơm và chua nhẹ, không bị nhiễm nấm mốc. Về cảm quan khối ủ TN2 tốt nhất, TN0 kém nhất và bị nhiễm nấm mốc nên không bảo quản được lâu.
Kiểm tra đánh giá khả năng tiêu hóa vật chất của các khối TLN ủ tại dạ cỏ của bò đã thu được kết quả: Từ sau khi ăn vào 8 giờ đến 96 giờ, tỷ lệ tiêu hóa VCK, OM và CP trong TLN ủ của TN0, TN1 và TN2 đều tăng dần. Tiêu hóa VCK từ 31,4-44,6% ở thời điểm 8 giờ tăng lên 72,4-76,5% ở 96 giờ, tốt nhất là khối ủ TN1. Tiêu hóa OM từ 30,2-44,4% ở 8 giờ tăng lên 73,6-76,8% ở 96 giờ, tốt nhất là khối ủ TN1. Tiêu hóa CP từ 44,2-67,7% ở 8 giờ tăng lên 86,2-91,9% ở 96 giờ, tốt nhất là khối ủ TN2.


Thân lá ngô còn tươi xanh sau khi thu hoạch bắp, ủ yếm khí có thể bảo quản được trong thời gian khá lâu (21 ngày hoặc dài hơn) vẫn không bị hư hỏng, vẫn sử dụng làm thức ăn cho trâu bò tốt. Nếu có điều kiện nên trộn thêm 2,5 hoặc 5% rỉ mật và 0,5% urê thì chất lượng của thân lá ngô ủ sẽ được cải thiện. Ủ thân lá ngô yếm khí điều quan trọng nhất là phải nến nén chặt, buộc kỹ để bảo đảm điều kiện yếm khí. Mỗi lần lấy TLN ủ ra cho trâu bò ăn, chỉ lấy lượng vừa đủ cho bữa ăn đó, rồi lại phải nén chặt khối ủ và buộc kỹ miệng túi để giữ cho khối ủ yếm khí.

Nguồn : báo Nghệ An, tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Những hình ảnh cho thấy chúng ta đã ăn ngô, dưa hấu biến đổi gen từ cả nghìn năm nay

Trước khi có thuyết tiến hóa của Darwin thì người nông dân đã biết lựa chọn những đặc tính riêng để lai tạo ra những giống mới mà mình mong muốn.

Bạn có bao giờ thắc mắc về tổ tiên của chúng trước đây như thế nào không? Những hình ảnh sau chắc chắn sẽ khiến bạn không khỏi ngạc nhiên và thích thú.

Dưa hấu

2.000 năm TCN, dưa hấu được phát hiện ra ở vùng đông bắc Châu Phi sau đó lan dần sang Địa Trung Hải. Theo các sách cổ miêu tả lại: Lúc chín, ruột dưa có màu vàng cam, sau đó bằng cách lai giống chọn lọc, kết hợp gen màu đỏ và gen quyết định lượng đường mà mà ruột dưa đã dần chuyển sang màu đỏ như ngày nay.

Chuối

Lịch sử của chuối có thể từ 7.000 đến 10.000 năm trước đây tại khu vực Đông Nam Á. Chuối ngày nay có nguồn gốc từ chuối rừng và chuối hột , quả ngắn và hạt to cứng hơn bây giờ.

Cà rốt

Cà rốt được tìm thấy lần đầu tiên ở Ba Tư và Tiểu Á vào thế kỷ 10. Lúc đầu, nó được cho là có màu tím hoặc trắng với gốc nhỏ, bị tách đôi. Dần dần nó mất sắc tố và chuyển thành màu vàng, củ phình to, mọng nước hơn.

Cà tím

Cà tím ngày nay có tổ tiên là những quả tròn màu vàng, xanh, trắng, tím và có gai. Chúng được trồng rất sớm bởi những người Trung Quốc và hiện nay phiên bản cà tím đã hoàn toàn khác xa với tổ tiên chúng.

Bắp ngô

Tiền thân là cây teosinte hầu như không ăn được nhưng nhờ lai tạo được bởi những người Bắc Mỹ 7.000 năm TCN.

Kích thước ngô ngày nay gấp 1.000 lần và dễ dàng bóc hạt hơn, ngoài ra nó cũng chứa 6.6% lượng đường, cao hơn hẳn so với ngô tự nhiên chỉ có 1.9%.

Hình dáng cây cũng khác nhau

Bắp cải, súp lơ, su hào có nguồn gốc từ cây mù tạt dại

Trước khi có thuyết tiến hóa của Darwin thì người nông dân đã biết lựa chọn những đặc tính riêng để lai tạo ra những giống mới mà mình mong muốn.

Do vậy, từ một cây mù tạt hoang dã, họ đã cho ra thành công các loại súp lơ, cải xoăn, cải bắp và su hào như hiện nay.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Nuôi cấy giống ngô có tính chống chịu mặn cao

                                         Nuôi cấy giống ngô có tính chống chịu mặn cao

Trung tâm dinh dưỡng thực vật thuộc Đại học Giessen, Đức tuyên bố vừa nuôi cấy thành công giống ngô mới cho năng suất cao đồng thời có khả năng chống chịu mặn rất tốt.

Những nghiên cứu trước đó cho thấy các giống ngô khác nhau sẽ có khả năng chống chịu mặn khác nhau.

Trong thí nghiệm lần này, các nhà khoa học đã tạp giao nhiều loại ngô có tính chống chịu mặn tốt và cuối cùng đã nuôi cấy thành công một giống ngô mới có tính chống chịu mặn rất tốt và cho năng suất cao.

Tại nhiều khu vực trên thế giới đặc biệt là những khu vực khô hanh, hiện tượng nhiễm mặn đã làm giảm đi sự màu mỡ của đất, gây ảnh hưởng đến các cây trồng kinh tế.

Kết quả nghiên cứu này sẽ có lợi cho việc thúc đẩy công tác nghiên cứu đối với các cây trồng kinh tế khác trên các vùng đất nhiễm mặn./.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam