Quá nhiều rào cản phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Tuy nhiên, hiện ở nhiều nơi nguồn đất, nước đã bị nhiễm các hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng phân bón hóa học. Cùng với đó, việc thay đổi tập quán sản xuất của nông dân vẫn là rào cản lớn nhất để phát triển NNHC…

 

Bài 1: Khó thay đổi nhận thức, giải pháp canh tác

 

Theo quy định của Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, một sản phẩm hữu cơ phải đảm bảo được nguyên tắc 5 không: Không hóa chất bảo vệ thực vật, không phân hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không sản phẩm đột biến gen và không sử dụng thuốc diệt cỏ.

Hiện Việt Nam mới có 40 tỉnh, thành có diện tích trồng trọt hữu cơ (chiếm 0,7% tổng diện tích đất trồng trọt cả nước). Số tỉnh có chăn nuôi hữu cơ là 24, và chỉ 4 tỉnh có nuôi trồng thủy sản hữu cơ.

 

Quá nhiều rào cản

Vườn rau hữu cơ tại quận Bình Tân (TP.HCM)

 

Dự thảo đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020 – 2030 của Bộ NNPTNT đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào top 15 nước có nền NNHC phát triển nhất thế giới, với diện tích sản xuất hữu cơ chiếm 7 – 10% diện tích sản xuất nông nghiệp cả nước.

Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Hồng – nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Việt Nam có rất nhiều điều kiện để phát triển NNHC như khí hậu, độ ẩm ướt, gió mùa… tác động các chất hữu cơ chuyển hóa tốt thành khoáng chất cung cấp cho cây trồng. Rồi phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú… Không phải ngẫu nhiên Liên đoàn các phong trào NNHC quốc tế (IFOAM) đã công nhận Việt Nam có sản xuất NNHC.

Tuy nhiên, IFOAM cũng cho rằng, Việt Nam “chưa có quy định pháp luật về NNHC” nên dẫn tới những khó khăn, thách thức đối với con đường phát triển NNHC (hiện mới có Nghị định về NNHC số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018).

Ông Nguyễn Văn Chữ – Giám đốc Công ty Nam Thành, một đơn vị liên kết với các trang trại sản xuất, chế biến thịt lợn, gà đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ tại Hà Nội, thừa nhận, để chứng nhận các nguyên liệu như đậu tương, ngô được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ không hề đơn giản khi mẫu đất, nước phải đảm bảo không tồn dư hóa chất.

Ông Trần Hoàng Ý – Giám đốc Công ty Xuất khẩu điều Việt Hàn (có nhà máy ở Bình Dương và Bình Phước) cho rằng, diện tích nhỏ lẻ làm NNHC rất khó khăn, ngay đầu tiên đã gặp vấn đề nhiễm chéo từ những diện tích không làm hữu cơ khác.

Bắt đầu làm nông nghiệp hữu cơ từ năm 2013, bà Phạm Phương Thảo – Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ thực phẩm hữu cơ Organica cho biết, các vườn rau hữu cơ của Việt Nam thường có diện tích nhỏ, khoảng 2 – 3ha, với khoảng 10 loại rau luân canh, một phần do diện tích đất sạch không nhiều.

Ngoài yếu tố đất, nước thì các yếu tố đầu vào khác như giống, phân bón hữu cơ cũng là một khó khăn với các nhà sản xuất hữu cơ. Ông Nguyễn Ngọc Luân – Giám đốc HTX nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai) lý giải, để sản xuất NNHC thì phải có nguồn giống, phân bón, bảo vệ thực vật hữu cơ, nhưng HTX của ông thường không có đủ phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất do việc nhập khẩu phân hữu cơ thủ tục khá phức tạp, mất nhiều thời gian.

 

Nông dân chưa mặn mà

Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, muốn phát triển NNHC cần quan tâm đến người nông dân, lực lượng sản xuất chính: “NNHC không phải mạnh ở doanh nghiệp mà là ở nông dân, đặc biệt khi quy mô sản xuất hữu cơ còn nhỏ lẻ”. Ông Luân cho rằng ý thức làm hữu cơ của người nông dân là một vấn đề cần được tuyên truyền. Ở các nước, người nông dân làm hữu cơ vì chính sức khỏe của họ, còn hầu hết nông dân mình chưa quan tâm đến điều này.

Còn bà Phạm Phương Thảo thì cho rằng, để nông dân gắn bó với sản xuất hữu cơ, cần đảm bảo cho họ 2 vấn đề: Giải pháp canh tác và thị trường đầu ra.

Sau 6 năm tham gia làm hữu cơ, những khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào của bà Thảo đã được giảm đáng kể, tuy nhiên vấn đề nhân lực vẫn là một trăn trở lớn. “Nếu mình không bán được hàng cho họ thì dù có chứng nhận hữu cơ, nhiều nông dân vẫn sẵn sàng bỏ để quay về sản xuất truyền thống như trước” – bà Thảo nhận xét.

Bà Thảo có một đối tác nông dân ở Đà Lạt, gia đình dành phần lớn diện tích canh tác để trồng hoa. Mấy năm gần đây, người chồng cảm thấy sức khỏe có vấn đề, mỗi lần đi xịt thuốc trừ sâu cho hoa đều thấy ghê sợ, nên bà Thảo đã gợi ý họ chuyển qua trồng rau hữu cơ để khỏe mạnh hơn.

Mặc dù đã được bà Thảo hỗ trợ tài chính để yên tâm trồng trọt nhưng sau một thời gian, cặp vợ chồng lại tỏ ý băn khoăn. Họ thấy trồng hữu cơ vất vả, tốn công bắt sâu, nhổ cỏ, phải thuê thêm nhân công mà lợi nhuận không bằng trồng hoa nên lại muốn chuyển về trồng hoa.

Thực tế, theo thống kê của Bộ NNPTNN, chi phí cho sản xuất hữu cơ thường cao hơn sản xuất thông thường khoảng 130% trong khi sản lượng chỉ bằng 80-90% (có bảng so sánh kèm theo). Ngoài ra, việc nhận thức chưa đúng về hữu cơ của nhiều người sản kinh doanh cũng là một khó khăn cho phát triển ngành này.

Trong một hội nghị về xúc tiến nông sản hữu cơ do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.HCM hồi tháng 9/2019, nhiều người tham dự vẫn nhầm lẫn giữa sản xuất hữu cơ với sản xuất thực phẩm an toàn công nghệ cao, cho rằng làm hữu cơ không cần đất và nước. Bà Thảo cũng kể rằng nhiều lần mình nhận được các đề nghị hợp tác từ những nông dân sản xuất, nhưng tìm hiểu thì thấy họ không có giấy chứng nhận hữu cơ mà chỉ là những chứng nhận sản phẩm an toàn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nấm sạch Tuấn Linh khẳng định chất lượng

Được thành lập năm 2016, Hợp tác xã Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh ở xã Sơn Lộc (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã thành công trong việc trồng các loại nấm và sản xuất các sản phẩm từ nấm.

Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Tuấn Linh cho biết: Trong giai đoạn 2016 – 2018, HTX đã ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao cho hệ thống máy móc, nhà xưởng phục vụ sơ chế, chế biến.

“Từ khâu giống, nguyên liệu, bịch phôi, nấm thành phẩm, đến chế biến nấm ra các sản phẩm hàng hóa là quy trình khép kín. Qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho các thành viên”, ông Hưởng nói.

Định hướng của HTX là quyết tâm đưa thực phẩm an toàn để phục vụ tốt cho người tiêu dùng trên khắp mọi miền và hướng đến thị trường xuất khẩu. Từ định hướng này, HTX đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm và ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các loại giống bấm, nấm ăn và nấm dược liệu…

Ngoài ra còn có các sản phẩm chế biến sâu như trà linh chi, rượu linh chi. Sản phẩm sản xuất sạch theo quy trình khép kín, bảo đảm các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ. Qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX.

 

Sản xuất Nấm sạch tại HTX Tuấn Linh

Theo ông Hưởng, hằng năm, HTX sản xuất 170 vạn bịch nấm/năm. Sản lượng 170 tấn nấm (gồm các loại nấm linh chi, nấm sò, mộc nhĩ, kim phúc, hoàng đế, nấm rơm…). Tổng doanh thu khoảng 7 tỷ đồng.

Vừa qua, HTX Tuấn Linh đã được Sở Công thương Quảng Bình công nhận là doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm nấm linh chi, nấm mộc nhĩ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, HTX thực hiện dự án đầu tư phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu giữa HTX với các hộ dân, tổ hợp tác (THT) trồng nấm. Đầu tư nâng cao năng lực thiết bị chế biến và chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường.

Để bảo đảm nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nấm, Sở NN-PTNT Quảng Bình tổ chức ký kết bao tiêu sản phẩm chuỗi sản xuất nấm giữa các THT và doanh nghiệp. Đến nay, HTX đã liên kết trực tiếp với 28 THT trên địa bàn huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh,Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch…

HTX cung cấp nấm giống theo yêu cầu của các đối tác. Dự kiến nấm linh chi khoảng 150.000 bịch phôi/năm; nấm sò 30 triệu bịch và nấm mộc nhĩ 28 triệu bịch. Đồng thời, sản phẩm nấm do các THT sản xuất sẽ được HTX Tuấn Linh thu mua, bao tiêu sản phẩm.

Qua đó, tạo công ăn việc làm cho hơn 360 lao động ở các địa phương với mức thu nhập bình quân mỗi người 4 triệu đồng/tháng. Từ kết quả này, tháng 2/2018, HTX Tuấn Linh đã được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tặng Bằng khen điển hình liên kết, sản xuất nông nghiệp.

Sản phẩm nấm sạch, chất lượng cao của HTX Tuấn Linh đã được thị trường chấp nhận. HTX đã ký kết hợp đồng và liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm thương phẩm với các Công ty, Siêu thị Co.opmart Quảng Bình, Co.opmart Hà Tỉnh, Co.opmart Huế , Co.opmart Quảng Trị, các cửa hàng nông sản trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm từ nấm đã được đa dạng hóa như nấm linh chi quả thể, nấm linh chi thái lát, nấm linh chi bột…

 

Sản phẩm của HTX Tuấn Linh có mặt ở nhiều siêu thị lớn

Theo bà Ngô Thị Kim Liên, Giám đốc điều hành HTX Tuấn Linh, hiện đã có sản phẩm trà uống có lợi cho sức khỏe con người. “Đó là các sản phẩm trà xanh linh chi, trà linh chi, trà cà gai leo linh chi. Ngoài ra còn có nhiều dạng sản phẩm khác như nấm mộc nhĩ quả thể khô, nấm mộc nhĩ thái sợi, nấm sò tươi, nấm sò khô, nấm hương khô, nấm hoàng đế, nấm kim phúc, rượu nấm linh chi, cao linh chi”, bà Liên giới thiệu thêm.

Cũng theo bà Liên, hiện HTX đã dùng bã thải nấm để trồng rau má quy trình hữu cơ và đã sản xuất ra sản phẩm trà thảo mộc rau má túi lọc.

Từ những sản phẩm đầu tiên, HTX đã chú trọng đến việc thiết kế bao bì, nhãn mác. Lãnh đạo HTX luôn lắng nghe các phản hồi của khách hàng để điều chỉnh bao bì, nhãn mác phù hợp với nhu cầu của thị hiếu. Nhờ vậy, các sản phẩm của HTX được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả thị trường nước ngoài (Thái Lan, Lào, Nga) tin tưởng, lựa chọn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Trồng Cà Rốt đều tăm tắp, nhà nông Cẩm Giang thu tiền tỷ

Trước đây, bà con nông dân xã Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương) chuyên trồng lạc, ngô nhưng do hiệu quả kinh tế kém nên đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cà rốt.

Dự án trồng cà rốt an toàn được người dân triển khai từ năm 2007. Đến nay, Đức Chính đã trở thành một trong những vựa cà rốt sạch lớn nhất miền Bắc, sản phẩm không chỉ tiêu thụ nhiều trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Nhờ cây cà rốt, nhiều hộ đã trở thành tỷ phú.

Để có được những củ cà rốt to đẹp, chất lượng thơm ngon, người dân Đức Chính đã phát triển các vùng trồng chuyên canh tập trung, áp dụng quy trình chăm sóc, bón phân cẩn thận. Báo NTNN xin giới thiệu với bà con một số kỹ thuật trồng cà rốt của nông dân xã Đức Chính.

Nông dân Đức Chính, Huyện Cẩm Giang thu hoạch Cà Rốt vụ Đông

  1. Thời vụ gieo trồng:

Cà rốt được gieo trồng từ tháng 8 đến đầu tháng 2 năm sau; thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau; và có thể phân ra thành 3 trà:

– Trà sớm gieo hạt từ: Đầu tháng 8-15.10, cho thu hoạch từ tháng 11.

– Trà chính vụ gieo hạt từ: 16.10 -15.12, thu hoạch xung quanh tết âm lịch.

– Trà muộn gieo hạt từ: 16.12 đến 30.1 năm sau, thu hoạch đến tháng 5.

  1. Chọn giống:

Có rất nhiều giống, tuy nhiên hiện nay nông dân tại 2 xã Cẩm Văn và Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) và các vùng phụ cận trồng chủ yếu 2 giống cà rốt lai là: Super VL-444 F1 và Ti-103 (Nhật Bản). Giống này có thời gian sinh trưởng từ 100-130 ngày. Năng suất trung bình đạt 1,5 tấn/sào, cao hơn có thể đạt 3 tấn/sào.

  1. Kỹ thuật làm đất:

– Nên chọn đất bãi bồi ven sông là đất thịt nhẹ, đất cát pha hoặc đất phù sa để trồng cà rốt là tốt nhất. Đất phải được dọn sạch cỏ dại, sau đó cày bừa kỹ, phay nhỏ, san phẳng rồi lên luống. Chiều rộng của luống từ: 85-90cm (trà sớm) và 80-85cm (trà chính vụ và trà muộn); độ cao từ: 20-25cm; rãnh rộng từ: 25-30cm.

– Sau khi san phẳng mặt luống, kẻ 3 hàng trên mặt luống theo chiều dọc và sâu khoảng 5cm, hàng cách hàng từ 13-15cm. (Nếu gieo bằng máy thì máy tự kẻ hàng).

  1. Phân bón:

* Cách bón:

Cây cà rốt là cây lấy củ nên cần bón phân sớm, bón tập trung và bón cân đối; hạn chế bón đạm, nhất là bón đạm muộn; không nên phun các chất kích thích sinh trưởng. Cụ thể cách bón và liều lượng bón như sau:

– Trộn toàn bộ phân chuồng ủ mục hoặc phân vi sinh với phân lân supe Lâm Thao rồi đem bón lót bằng cách rắc đều trên mặt luống, nếu lượng phân ít có thể chỉ rắc theo 3 đường kẻ trên mặt luống- Bón thúc lần 1 khi cây có lá thật (xoay lá); bón thúc lần 2 sau khi tỉa cây sơ bộ (khi cây có 3-4 lá thật); bón thúc lần 3 sau khi tỉa định cây lần cuối (rễ đã phát triển to bằng que đan). Bón thúc lần 4 sau khi củ đã hình thành (bón kali từ: 3-4kg/sào), hoặc chỉ bón (tưới) dặm những chỗ cây có biểu hiện thiếu đạm.

  1. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh:

* Phủ rơm, rạ:

Phủ một lớp rơm, rạ mỏng trên mặt luống nhằm hạn chế đất bị đóng váng (bề mặt bị lỳ do mưa, tưới); ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm đồng thời phủ rơm còn có tác dụng giữ ẩm, hạn chế cỏ dại và giữ cho cây không bị đổ khi còn nhỏ.

* Tưới nước:

– Sau khi phủ rơm, rạ xong nên tưới nhẹ bằng vòi sen, tưới phun mưa hoặc thùng doa; đảm bảo cho độ ẩm của đất từ 84-90% để cho cây mọc đều và phát triển tốt. Nếu ruộng có tỷ lệ cát cao, kết hợp với thời tiết hanh khô thì phải tưới hàng ngày. Khi thời tiết có mưa nhỏ, mưa phùn thì không phải tưới.

– Giai đoạn cây con từ 3 lá đến tỉa định cây lần cuối: Áp dụng phương pháp tưới rãnh (hạn chế tưới ẩm quá bề mặt -> củ ngắn).

– Giai đoạn phát triển củ cho đến trước khi thu hoạch: Duy trì độ ẩm đất khoảng từ: 60-75%. Không được tưới rãnh, không được tưới quá ẩm, khi có mưa ruộng phải thoát nước và cũng không được để ruộng quá khô (vì để quá khô khi gặp mưa lớn, nước nhiều, ẩm độ cao sẽ gây nứt củ).

* Thuốc trừ cỏ:

Sau khi gieo hạt, phủ rơm – rạ, tưới nước từ 1 – 3 ngày cho bề mặt đất ổn định mới phun thuốc trừ cỏ. Sử dụng thuốc với liều lượng theo đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Đặc biệt lưu ý, khi hạt cà rốt đã mọc thì không được sử dụng thuốc trừ cỏ nữa.

* Nhổ, tỉa cố định cây:

– Khi cây mọc cao 4-5cm cần nhổ tỉa bỏ các cây mọc dày, không để 2 cây cùng 1 hốc, cây cách cây từ 7-8cm;

– Khi cây cao 7-10 cm, rễ đã to bằng que đan… ta tỉa định cây lần cuối.

– Khi tỉa nhổ cây kết hợp dọn, nhổ bỏ cỏ dại.

* Phòng trừ sâu, bệnh

Cây cà rốt có rất nhiều đối tượng sâu, bệnh (dịch hại) gây hại:

– Ở giai đoạn đầu, giai đoạn cây con, cần chú ý: Sâu hại rễ, bệnh lở cổ rễ và chuột hại. Ở giai đoạn phát triển thân lá: Thường xuất hiện giòi hại lá, sâu khoang, sâu đo xanh, bệnh phấn trắng, bệnh nấm hạch, bệnh sương mai… Ở giai đoạn phát triển củ cho đến trước khi thu hoạch: Cũng vẫn xuất hiện các đối tượng dịch hại như thời kỳ phát triển thân lá và bệnh thối đen, thối khô, thối nhũn. Ở giai đoạn này cần chú ý các bệnh về thối củ…

– Để phòng trừ các đối tượng dịch hại trên, nông dân nên sử dụng những loại thuốc đặc hiệu, ít độc, thân thiện với môi trường:

+ Đối với giòi hại lá nên sử dụng các loại thuốc có hoạt chất là Abamectin và Cyromazine.

+ Đối với sâu ăn lá có thể lựa chọn được rất nhiều loại thuốc có hoạt chất có tính đặc hiệu, ít độc như các dòng thuốc: Sinh học, thảo mộc, vi sinh, ức chế điều hòa sinh trưởng, dầu khoáng…

+ Đối với nấm bệnh, cần chú trọng các biện pháp canh tác như: Thời vụ, phân bón (đạm) và độ ẩm. Thuốc nên chọn thuốc có độ độc thấp, mang tính đặc hiệu như Valydamycin; Carbenzadim; Difenoconazole…

  1. Thu hoạch:

Cây cà rốt có thời gian sinh trưởng từ 100-130 ngày. Căn cứ vào thời vụ và nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, bà con tiến hành thu hoạch khi cà rốt đạt kích cỡ củ trung bình dài 18-22cm, đường kính 3-4cm. Sau khi nhổ củ, cắt bỏ dọc, chọn lọc củ không mấu, tật, nứt, thối, thu gom đóng bao và tiêu thụ. Nếu thời tiết hanh khô có thể tưới ẩm trước khi nhổ từ 10-12 tiếng; để đất ẩm rễ nhổ (thu hoạch).

Cây cà rốt là cây trồng không thể thay thế được tại xã Đức Chính và Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng. Do đất đai tại địa phương có hạn cho nên nhiều gia đình tại đây phải đi thuê đất trồng cà rốt ở các vùng đất bãi ven sông Thái Bình, Kinh Thầy… Để tăng hiệu quả kinh tế, giảm chi phí nên việc gieo trồng cà rốt đã không ngừng được cải tiến và áp dụng cơ giới hóa ở tất cả các khâu như: Làm đất, lên luống, gieo hạt, tưới nước…

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam

Xây dựng thương hiệu ớt sạch Hồng Thủy

Ngoài sản xuất cây lúa, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã chỉ đạo thành lập các tổ hợp tác tập trung phát triển diện tích đất màu với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong đó, cây ớt đang được xem có hiệu quả nhất.

Tuy nhiên vấn đề cần nhất là xây dựng thương hiệu ớt sạch Hồng Thủy, nâng cao chất lượng sản phẩm. Dự án chuỗi giá trị ớt sạch bước đầu áp dụng các biện pháp sản xuất ớt sạch và xây dựng theo mô hình VietGAP. Tổ chức sản xuất theo tổ hợp tác để trồng tập trung và chuyên canh, thống nhất quy trình trồng, chăm bón, thu hoạch. Làm mẫu mã bao bì, đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết kế nhãn hiệu, đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tháng 11/2018, sản phẩm ớt Hồng Thủy được UBND huyện phê duyệt dự án xây dựng chuỗi giá trị ớt sạch cho cơ sở nông sản Thánh Gái và được Trạm khuyến nông huyện Lệ Thủy tập huấn quy trình sản xuất ớt sạch theo tiêu chuẩn VietGAP cho các thành viên tổ hợp tác trồng ớt. Đây là tín hiệu phấn khởi cho hợp tác xã và người trồng ớt nơi đây.

Từ khi tổ hợp tác được thành lập vào năm 2018, phụ nữ xã Hồng Thủy đã có thêm cơ hội để giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất, góp phần vào xây dựng thương hiệu ớt Hồng Thủy. Tham gia với tổ hợp tác trồng ớt do Hội liên hiệp Phụ nữ xã thành lập trong dự án xây dựng thương hiệu ớt sạch Hồng Thủy, các thành viên đã được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ thị trường tìm kiếm đầu ra.

Hiện nay tổ hợp tác trồng ớt Hồng Thủy có 15 thành viên tham gia với hơn 3ha, hầu hết các chị em đều có kinh nghiệm trồng ớt lâu năm, sản xuất có hiệu quả, sản lượng/vụ ước đạt từ 20-30 tấn/ha, thu lãi 70-80 triệu đồng/ha, với đặc trưng về độ nồng, cay, thơm, ngon, ớt Hồng Thủy là sản phẩm được ưa chuộng.

Lợi ích của tổ là quản lý được đầu vào đến sơ chế, chế biến, đầu ra. Ớt sau khi thu hoạch được cơ sở Nông sản Thánh Gái thu mua từ các thành viên trong tổ hợp tác, sau đó tập hợp về tại cơ sở của mình để sơ chế và chế biến. Từ đó, hình thành các dịch vụ nghề ớt như thu mua ớt, vận chuyển, hái ớt trái, lặt cuống ớt, phân loại ớt, phơi (sấy)…

Nhờ vậy, bà con nông dân trồng ớt có nguồn tiêu thụ ổn định và thu nhập cao. Bên cạnh đó, cơ sơ Nông sản Thánh Gái đầu tư mặt bằng xây dựng nhà xưởng, phòng trưng bày sản phẩm, kho đựng, sân phơi được xây dựng tại thôn Thạch Trung, xã Hồng Thủy với diện tích 350m2.

Để cây ớt bền vững, tránh cung vượt cầu, tổ hợp tác đã tổ chức mô hình liên kết, quy hoạch vùng trồng ớt từ nay đến năm 2020. Xây dựng vùng trồng ớt chuyên canh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với quy mô 03 ha trong vụ thứ nhất làm ra 70 tấn ớt và phát triển lên 04 ha trong vụ thứ hai với 90 tấn trong vùng dự án. Trong đó khoảng 50% sơ chế và bán tươi, 50% chế biến dưới các dạng ớt bột, tương ớt, ớt muối.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

 

Trồng bí đao, trồng ớt sừng vàng thu 200 triệu mỗi năm

Với số tiền 170 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, các thành viên Tổ hợp tác (THT) trồng màu khu vực Phú Thạnh, phường Tân Phú, quận Cái Răng (TP.Cần Thơ) đã xây dựng được mô hình trồng màu hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Làm ruộng mà thiếu vốn

Nguồn vốn hỗ trợ THT trồng màu khu vực Phú Thạnh là từ Quỹ Hỗ trợ nông dân quận Cái Răng và nguồn xây dựng quỹ này từ Hội ND dân phường Tân Phú. Tuy quy mô nguồn vốn còn khiêm tốn nhưng đã phát huy hiệu quả đối với nông hộ trồng màu và có liên kết với nhau thông qua hình thức THT.

Nhờ vay được nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân quận Cái Răng, ông Đặng Văn Hên đã có thu nhập ổn định

Năm 2017, THT trồng màu khu vực Phú Thạnh được thành lập với diện tích 5,8ha và có 12 thành viên tham gia. Do thiếu vốn, nhiều thành viên THT gặp khó khăn trong sản xuất. Năm 2017, Hội ND quận Cái Răng và Hội ND phường Tân Phú tạo điều kiện cho các thành viên trong tổ vay 170 triệu đồng để phát triển sản xuất.

Ông Đặng Văn Hên (ở Phú Thạnh), vui mừng cho biết: “Nói làm ruộng nhưng thiếu vốn thì nông dân cực lắm. Tôi vay được 10 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân quận để đầu tư mua giống, phân thuốc trồng màu. Nhờ có số tiền này, gia đình tôi mua hạt giống, phân, thuốc để đầu tư trồng 3,5 công màu. Đến nay, trung bình mỗi năm gia đình thu nhập gần 200 triệu đồng từ các loại rau củ quả…”.

Ông Hên cho hay, 3,5 công màu của gia đình trước đây trồng 3 vụ lúa/năm nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao bởi chi phí lớn, trong khi giá bán lúa không ổn định. Từ cuối năm 2016, ông Hên chuyển sang trồng màu chuyên canh, thu nhập gia đình được cải thiện rõ rệt.

Trong các loại cây màu, ông Hên tâm đắc nhất là bí đao vì nhẹ công chăm sóc nhưng cho thu nhập khá cao. Ông Hên cho biết: “1 công bí đao có thể đạt năng suất từ 3 – 6 tấn. Tùy thời điểm, bí đao bán được giá từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi công trồng bí đao cho thu nhập không dưới 50 triệu đồng/năm, cao gấp 5 lần so với trồng lúa, trong khi đó chi phí nhân công, phân, thuốc đều giảm đi nhiều so với làm lúa…”.

Hiện tại, gia đình ông Hên trồng màu quanh năm, vụ trồng bí đao, dưa leo, vụ khác lại trồng ớt, rau xanh. Các loại sản phẩm rau màu ông Hên làm ra được các thương lái đến thu mua nên không phải lo đầu ra và an tâm sản xuất. Từ khi chuyển sang trồng màu, cánh đồng của THT trồng màu khu vực Thạnh Phú lúc nào cũng ngan ngát màu canh của rau trái. Không khí lao động, sản xuất của mỗi hộ thành viên theo đó cũng phấn chấn, tạo động lực cho THT phát triển.

Trợ lực để nông dân sản xuất hàng hóa

Cũng được vay 15 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân quận Cái Răng, hộ ông Nguyễn Văn Hùng (ở Phú Thạnh), cho biết: “Năm 2018, tôi trồng gần 300 gốc ớt sừng vàng thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Thấy cây ớt sừng vàng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên gia đình tôi thuê thêm 1 công đất để trồng giống ớt này. So với làm lúa, trồng ớt sừng vàng cho thu nhập khá hơn, trong đó lại nhẹ công chăm sóc… Thêm vào đó, phần đầu tư cây giống, phân thuốc được vay từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân nên chúng tôi cũng phấn khởi…”. Ngoài ớt sừng vàng, ông Nguyễn Văn Hùng còn trồng thêm các loại rau xanh, rau cải bán để có nguồn thu nhập hàng ngày.

Theo tập quán sản xuất truyền thống, nông dân thấy cây màu nào trồng cho thu nhập cao là phát triển với diện tích lớn, dẫn đến tình trạng thừa hàng, dội chợ thu nhập không cao, thậm chí còn bị thua lỗ. Nhận thấy được điều đó, năm 2017, nhiều nông dân khu vực Thạnh Phú đã liên kết với nhau và thành lập THT trồng màu.

Nhờ liên kết sản xuất, các thành viên trong tổ được các cấp Hội ND quan tâm, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Đến nay, nhiều thành viên trong THT trồng màu khu vực Thạnh Phú đã mạnh dạn phát triển mô hình trồng màu chuyên canh và cung cấp ra thị trường với số lượng lớn dưa leo, rau cải…

Ông Phạm Thanh Dũng -Chủ tịch Hội ND phường Tân Phú, cho biết: “Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân quận Cái Răng và nguồn xây dựng quỹ này của Hội ND phường đã giúp cho các thành viên trong THT trồng màu Thạnh Phú có điều kiện phát triển sản xuất. Ngoài ra, Hội ND phường còn phối hợp các ngân hàng, tạo điều kiện cho 295 hộ vay gần 10 tỷ đồng.

“Các thành viên trong Tổ Hợp tác trồng màu khu vực Thạnh Phú sau khi tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, có thu nhập ổn định, đời sống từng bước được nâng cao. Qua đó, ý nghĩa của Quỹ Hỗ trợ nông dân và vai trò của Hội được nâng lên…” – Ông Phạm Thanh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân
phường Tân Phú cho hay.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Kỳ vọng từ mô hình trồng mướp đắng theo hướng hữu cơ

Với lợi thế thuận lợi về điều kiện tự nhiên, những năm qua nhiều hộ dân ở thôn Bản Cầy, xã Như Cố, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) đã mạnh dạn đầu tư vốn, kỹ thuật để hình thành mô hình trồng mướp đắng tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là sản xuất trà mướp đắng theo hướng hữu cơ.

Mô hình trồng mướp đắng được triển khai tại hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Như Cố với diện tích 5000m2. Sau thời gian trồng thử nghiệm, nhờ tuân thủ đúng quy trình và kỹ thuật nên năng suất, sản lượng tăng đều so với các năm trước đây. Đặc biệt, mướp đắng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Trồng mướp đắng đem lại thu nhập cao cho bà con

Anh Lường Đình Hùng thành viên hợp tác xã cho biết, mướp đắng là cây dễ trồng lại rất phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương. Hạt giống được ủ, ươm hom, đóng bầu, sau khi cây đã phát triển và cao tầm 10cm thì đem ra đất trồng. Tận dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương là tre, nứa để làm giàn, hệ thống lưới che. Trong quá trình làm giàn lưu ý chỉ để giàn cao tầm 1,5m thuận tiện cho việc thu hoạch.

Đây là loại cây có sức sống khá dẻo dai và không hề tốn nhiều công chăm sóc. Muốn cây sinh trưởng, phát triển tốt luôn giữ độ ẩm khoảng 65%, chủ yếu bón bằng phân chuồng như phân trâu, bò. Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh người dân thực hiện phương pháp dụ côn trùng và bắt sâu. Hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học như gừng, tỏi, ớt. Khoảng thời gian 120 ngày cây sẽ cho thu hoạch, trung bình cứ 1ha sẽ đạt năng suất 20 tấn quả, một năm thu hoạch 15 – 20 lứa. Sau đó, sản phẩm được người dân thu gom về, thái lát thủ công, sấy khô tư nhiên và đóng gói.

Kỹ thuật trồng đơn giản, cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương nên chưa hề phát hiện ra sâu bệnh

Tham gia mô hình ngoài lợi ích về môi trường, bà con còn thấy rõ hiệu quả về kinh tế. Trước đây, với sản phẩm tươi người dân đem ra chợ bán với giá thành rất rẻ chỉ từ 7000 – 10.000 đồng/ kg. Tuy nhiên, khi chế biến sản phẩm thành trà giá thành của trà mướp đắng lên tới 500.000 đồng/ kg khô cao hơn gấp nhiều lần so với mướp đắng tươi thông thường. Đồng thời, vừa bảo quản được lâu mà lại dễ dàng vận chuyển. Nhờ đó, đã đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho bà con.

Hiện hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Như cố đang sản xuất ra nhiều sản phẩm an toàn và hướng hữu cơ như trà mướp đắng, mật ong rừng, bún khô, rượu Khuổi Chủ, Gạo nếp nương ( khẩu nua rầy), rau củ quả (Rau Bò Khai, Dưa lê, dưa hấu, cà chua…). Đặc biệt, trong đó trà mướp đắng được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Bắc Kạn năm 2018. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nông sản sạch thì hiệu quả, giá trị lại càng cao và sản phẩm càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, ưa chuộng.

Sản phẩm trà mướp đắng được bày bán trên thị trường

Anh Hà Văn Cường, giám đốc hợp tác xã cho biết, theo nghiên cứu trà mướp đắng rừng rất tốt cho sức khỏe, giúp thanh lọc cơ thể, mát gan, giải độc, phòng chống ung thư, bệnh tiểu đường, cao huyết áp…Ngoài ra, kỹ thuật trồng đơn giản, cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa ngô. Do đó, diện tích trồng trên địa bàn xã càng ngày càng tăng và góp phần tăng cho thu nhập cho người dân. Hiện, sản phẩm có mặt và được bày bán ở nhiều cửa hàng, siêu thị trong tỉnh nói riêng và trên cả nước nói chung.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Nhà nông Thanh Đa trồng rau an toàn, thu 600 triệu đồng/ha

Tham gia mô hình trồng rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP, hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ (TP.Hà Nội) không chỉ nâng cao thu nhập mà góp phần đưa xã nhà thành địa chỉ sản xuất, cung ứng RAT uy tín trên địa bàn thành phố.

Thu nhập tăng, sức khỏe đảm bảo

Là 1 trong những chủ vựa rau lớn ở thôn Phú An, xã Thanh Đa, ông Nguyễn Đình Thân cho biết: “Trước kia, người dân chủ yếu canh tác rau theo phương thức truyền thống, tự phát, cơ cấu cây trồng, mùa vụ không rõ ràng, thiếu định hướng nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi chuyển sang làm RAT, mỗi sào rau đem lại cho nông dân 15 – 20 triệu đồng/năm, nhờ đó cuộc sống khấm khá hơn nhiều. Từ nguồn thu nhập được coi là phụ, hiện nay, rau đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ trong xã”.

Thời gian tới, TP.Hà Nội tập trung phát triển chuỗi RAT gắn sản xuất với sơ chế, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm

Sở NNPTNT Hà Nội sẽ tham mưu thành phố có thêm cơ chế, chính sách về sản xuất, tiêu thụ RAT, theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ RAT; chuyển giao, tập huấn kỹ thuật cho nông dân sản xuất tốt hơn.

Cũng ở thôn Phú An, bà Nguyễn Thị Thủy trồng 2 sào RAT các loại. Bà Thủy cho biết, để phòng trừ sâu bệnh, bà sử dụng các loại bẫy bả sinh học, dẫn dụ bướm và các loại côn trùng vào bẫy. Mỗi sào ruộng, bà đặt 7 miếng bẫy (giá 10.000 đồng/miếng), nhiều bướm sâu tơ, ruồi đục quả, bọ phấn… bị thu hút và dính bẫy. Diệt bướm là biện pháp tốt nhất để không phát sinh sâu hại cây trồng và giảm sử dụng thuốc trừ sâu.

Không chỉ có hộ gia đình ông Thân, bà Thủy, hàng trăm hộ dân ở Thanh Đa đều có cuộc sống khấm khá hơn hẳn khi chuyển từ canh tác truyền thống sang trồng RAT. Chủ tịch UBND xã Thanh Đa Nguyễn Văn Mạnh cho hay: Nằm ven sông Hồng, khu đất Bãi Nổi tại thôn Phú An thường xuyên được phù sa bồi đắp màu mỡ nên rất thuận lợi cho trồng RAT. Năm 2009, xã tiến hành quy hoạch 30ha tại khu đồng Bãi Nổi để trồng rau.

Bắt tay vào thực hiện, xã được thành phố quan tâm hỗ trợ vật tư nông nghiệp, hạt giống rau, tập huấn kỹ thuật thông qua các lớp IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp) cho các hộ sản xuất. Đặc biệt, thành phố còn đầu tư hơn 19 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng quy hoạch sản xuất RAT, gồm: 7km bêtông nội vùng, xây dựng nhà sơ chế, trạm bơm, bể chứa, trạm điện và hệ thống đường dây, lắp đặt hệ thống tưới đến từng ruộng. Đến nay, sau hơn 9 năm triển khai, vùng RAT thôn Phú An đã tăng lên 50ha với 330 hộ tham gia sản xuất. Hiệu quả kinh tế đạt trung bình trên 600 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa và trồng rau truyền thống.

Theo ông Mạnh, để duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất vùng RAT, xã thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giám sát quá trình sản xuất của nông dân; hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại, cách ly đúng thời gian, bỏ bao bì vào thùng chứa đúng nơi quy định… Điều đáng mừng là RAT thôn Phú An đã được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp chứng nhận chất lượng RAT, được đăng ký mã số, mã vạch để quản lý, bước đầu tạo được uy tín, thương hiệu tại thị trường Thủ đô.

Trước nhu cầu sử dụng rau sạch tăng cao, nhiều hộ dân Phú An đã mạnh dạn xây dựng hệ thống nhà lưới để nâng cao năng suất, chất lượng rau. Xã Thanh Đa chỉ đạo HTX Nông nghiệp Phú An, các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cây, con giống mới vào sản xuất. UBND xã cũng đang liên kết với các công ty, doanh nghiệp triển khai hệ thống nhà kính sản xuất RAT.

Thêm cơ chế hỗ trợ phát triển RAT

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP.Hà Nội đã có hơn 5.000ha diện tích rau được chứng nhận an toàn, hơn 300ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và hàng trăm ha trồng rau hữu cơ.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề khó khăn đối với sản xuất, kinh doanh RAT nói riêng và các sản phẩm nông sản an toàn theo chuỗi nói chung là cần phải có nguồn vốn lớn. Trong khi đó, hệ thống hỗ trợ, phân phối sản phẩm nông sản chưa đủ mạnh, giá thành sản phẩm còn cao… gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này.

Để RAT phát triển mạnh trong thời gian tới, ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, Sở sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh theo hướng giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thảo dược để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ RAT truy xuất nguồn gốc đến hộ gia đình gắn với hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng; siết chặt công tác quản lý vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Hướng dẫn chi tiết nhất cách trồng măng tây trong thùng xốp ngay tại nhà.

Cây măng tây có hàm lượng dinh dưỡng cao và có nhiều công dụng trong chữa bệnh và làm đẹp. Vậy tại sao chúng ta không thử trồng cây măng tây trong thùng xốp ngay tại nhà mình nhỉ? Mời bạn xem hướng dẫn dưới đây để có món măng tây sạch ngon tuyệt nhé !

1. Giá trị dinh dướng của cây măng tây

Trong măng tây có chứa rất nhiều lượng vitamin, axit amin, các loại khoáng chất, sắt giúp bổ máu, canxi giúp chắc xương, kẽm, chất xơ, chất đạm,… Bên cạnh đó, măng tây cũng có thể chữa rất nhiều bệnh như ung thư, tiểu đường, tim mạch, đường ruột,…

Măng tây có tác dụng chữa bệnh viêm bàng quang, ngừa sỏi thận, mật…có hợp chất chống oxy hóa, măng tím có chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa hơn màu khác…

Ngăn ngừa lão hóa: Măng tây có chứa một chất chống oxy hóa gọi là glutathione, có tác dụng bảo vệ da trước tác hại gây ra từ ánh nắng mặt trời.

Ngăn ngừa loãng xương: Măng tây là nguồn dồi dào vitamin K, giúp cho quá trình đông máu nhanh hơn, đồng thời giúp tăng cường sức khỏe của xương.

Giảm cân: Măng tây là một loại thực phẩm thấp calories nên măng tây rất hữu dụng trong “công cuộc”giảm cân

Tốt cho thai nhi: Do có chứa nhiều folate nên măng tây rất có lợi cho thai phụ, vì folate là loại vitamin cần thiết cần thiết cho việc hình thành ống thần kinh thai nhi, ngăn ngừa dị tật ở thai nhi.

Đẹp da: Măng tây chứa rất nhiều vitamin C và vitamin A. Đây là 2 chất kháng oxy hóa hàng đầu bảo vệ da vững vàng trước sự xâm lăng của những gốc tự do. Vitamin C còn giúp cho sự tổng hợp collagen. Collagen là một loại protein có tác dụng nâng đỡ da và ngăn ngừa sự lão hóa da.

Ngăn ngừa ung thư: Ung thư và các chứng bệnh có liên quan sẽ được giảm thiểu nếu bạn ăn nhiều măng tây. Chất glutathione – một chất chống oxy hóa có khả năng phòng ngừa và điều trị bệnh ung thư – có rất nhiều trong măng tây.

Vì là loại thực phẩm có giá trị kinh tế rất cao nên măng tây được rất nhiều người trồng tại nhà. Tuy nhiên muốn trồng măng tây cho hiệu quả cao cần hết sức kiên trì với thời gian thu hoạch tận 9 tháng. Măng tây là loại cây ưa khí hậu mát, ưa sáng và cần cung cấp nhiều nước. Ở nhiệt độ 25 – 30 độ C là điều kiện thích hợp nhất để trồng loại cây này.

Thường thì người ta gieo trồng măng tây vào 2 vụ thu đông từ tháng 8 – tháng 3 và vụ xuân hè từ tháng 2 – tháng 6 dương lịch.

2. Cách trồng măng tây trong thùng xốp ngay tại nhà

Măng Tây.

Chuẩn bị:

Trồng măng tây trong loại đất phù sa, đất thịt nhẹ hoặc đất cát. Để cây phát triển nhanh và cho chất lượng tốt cần bón lót trước khi trồng. Tỉ lệ bón phân 2 phần đất, 1 phần phân hữu cơ, 1 phần tro trấu hoặc rơm khô…

Chuẩn bị một thùng xốp to để tiến hành trồng cây.

Ươm hạt: Hạt giống măng tây lớn và có vỏ rất dày vì thế trước khi ươm cần phơi nắng to cho khô để tăng độ hút ẩm của hạt. Sau đó xả bằng nước lạnh, rửa sạch bụi bẩn ở hạt, loại bỏ những hạt lép, hỏng.

Khi ủ, ủ trong khăn tối màu ở nhiệt độ 30 – 40 độ C trong 1 tuần, để nơi kín gió và ánh sáng. Cứ khoảng 12 tiếng lại tưới nước ấm 1 lần cho hạt. Khi ủ trong vòng từ 9 đến 12 ngày thì hạt sẽ nút nanh và có thể đem trồng.

Khi trồng măng tây trong thùng xốp ta gieo hạt sâu từ 1 – 2,5 cm. Phủ lên hạt một lớp đất mỏng rồi tưới nước. Cây măng tây khá ưa ẩm nên cần tưới nước thường xuyên hàng ngày khi thấy đất khô.

Chăm sóc: Bón phân chuồng, phân lân, phân NPK theo cho kỳ 10 – 15 ngày để cây phát triển tốt, cho cây mập và giàu chất dinh dưỡng.

Thu hoạch: Khi thấy măng tây chồi lên cao khỏi mặt đất từ 20 – 30 cm thì tiến hành thu hoạch măng để sử dụng.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Chi tiết A – Z kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà chua bạch tuộc.

Vì có quá nhiều nhánh, nhiều ngọn tỏa ra từ một gốc và cho sản lượng quả cực kỳ ấn tượng, nên cây cà chua đang được nhiều người hết sức quan tâm.

 

Cây cà chua bạch tuộc.

Chiều cao của cây có thể đạt được 4m và thậm chí cao hơn, các tán cây có thể phủ rộng 40-50m2. Năng Suất cà chua leo giàn rất cao 32.000 quả với trọng lượng 522kg trên cùng 1 thân cây.

Tán của cây cà chua cây giống như con bạch tuộc (Heirloom Tomato) xoắn xung quanh toàn bộ khung được làm cho cây, cây cho năng xuất cao và kháng bệnh rất tốt. Hệ thống rễ cây mạnh mẽ và phát triển tốt

Quá trình tăng trưởng của cà chua kéo dài khoảng 2-2.5 năm. Cây cho quả sau 3 tháng và quả ra liên tục cho đến hết quá trình sinh trưởng. Những cây cà chua bạch tuột này là sản phẩm lai tạo từ một cây cà chua và nho. Thế nhưng nó chỉ lai cách phát triển theo giàn của nho chứ quả thì vẫn nguyên cà chua.

Cà chua leo giàn là nguồn cung cấp vitamin A và C tuyệt vời giúp ngăn ngừa bệnh quáng gà và tăng thị lực cho đôi mắt của bạn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hàm lượng vitamin A cao của cà chua có thể ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, một bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến mù mắt.

Hơn nữa, cà chua có thể giảm nguy cơ đục thủy tinh thể. Trong cà chua còn có các chất chống oxy hóa như lycopene, lutein và zeaxanthin.

Quả cà chua đỏ mọng.

Thời vụ trồng cây

Thời gian sinh trưởng khoảng từ 100 – 120 ngày, có thể trồng được 4 vụ trong năm: vụ xuân hè (tháng 3-4), vụ sớm (tháng 8), vụ chính (tháng 10), và vụ muộn (tháng 11).
Có thể gieo hạt vào bầu, vào khay xốp hoặc trên luống ươm rồi nhổ đi trồng sau 20 – 22 ngày tuổi, khi cây có 3 – 5 lá thật cứng cáp, không bị sâu bệnh.

Kỹ thuật ươm hạt

Trước khi gieo hạt nên ngâm hạt trong nước ấm 40-50oC trong khoảng 3 giờ. Sau đó, cho hạt vào túi vải bọc giấy kín. Để ở chỗ kín. Sau khoảng 3-4 ngày rễ mọc thì đem gieo vào giá thể ươm hạt.

Sau khi gieo hạt, rải 1 lớp tro mỏng, trên phủ một lớp rơm mỏng và tưới nước để có đủ độ ẩm. Sau khi gieo khoảng 30-40 ngày, cây đạt 5-6 lá, có thể đem trồng.

+ Nên trồng cà chua vào buổi chiều

+ Sau khi trồng ấn nhẹ đất vào gốc cây và làm bằng phẳng đất chung quanh gốc.

+ Trồng xong tưới nước cho cà chua ngay

Đất trồng

Cà chua có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng bạn nên tham khảo các loại đất hữu cơ vừa sạch sẽ, vừa đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng trong chậu. Cà chua đòi hỏi đất trồng phải thật giàu chất dinh dưỡng hữu cơ.

Đất trồng như các loại đất cát pha, đất thịt nhẹ, giàu mùn, tơi xốp, dễ thoát nước, có độ pH từ 6,2 – 6,8 là thích hợp nhất, và cần thêm nhiều phân xanh hữu cơ đã ủ cho mục nát, lớp phân này dày khoảng 6 – 8cm. Cách đơn giản là bạn trộn đất và trấu cùng phân cá đã ủ mục hoặc phân gà (có loại phân hữu cơ nào dùng loại đó). Nếu bạn không thể tự ủ phân xanh hữu cơ tại nhà thì có thể mua sẵn ở các cửa hàng

Những cây cà chua có hình thái rễ chạy dọc lên cả phần thân, do đó có thể trồng chúng sâu xuống đất, chỉ để phần lá non nổi trên mặt đất. Đừng lấp đất vào bất kỳ phần lá nào, điều này có thể khiến lá cây bị thối và dễ mắc bệnh.

Ánh sáng: Cà chua là cây ưa sáng, vì thế mà vị trí trồng lý tưởng nhất cho cây cà chua là nơi có đầy đủ ánh nắng mặt trời, ít nhất là 6 – 7 tiếng/ngày. Cà chua cần rất nhiều ánh nắng ấm áp để có hương vị thơm ngon.

Lưu ý trong giai đoạn ươm hạt là bạn nên để trên cao hoặc có biện pháp phòng tránh chuột tha mất hạt. Thời gian nẩy mầm của các giống cà chua trung bình từ 7 đến 14 ngày.

Chọn chậu cây có chiều cao khoảng 20 – 25cm, chiều rộng
cần ít nhất 30cm.

Kỹ thuật chăm sóc cây

Bón lót phân Tribat trộn cùng supe lân, và đạm urê sau khi cây được 30 ngày.

Khi cây lớn cần tỉa nhánh: Tỉa bỏ nhánh phụ và lá già cho cây thông thoáng.

Mỗi cây chỉ để lại 1 thân chính và 2 nhánh cấp 1 ở sát dưới chùm hoa thứ nhất, để cây ra nhiều nhánh cho nhiều hoa, đậu nhiều lứa trái. Chú ý tưới nước đủ ẩm cho cà chua bi, không để chậu cây bị úng ngập hoặc độ ẩm quá lớn.

Thường xuyên phát hiện sâu bệnh và phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho cà chua.

Tưới nước: Trong 7 – 10 ngày đầu tiên sau khi trồng cần tưới đều đặn hàng ngày khoảng 500ml nước ấm 25 – 30 độ C cho mỗi cây, thời gian lý tưởng nhất là vào buổi sáng hoặc tầm 4-5 giờ chiều để cây khô ráo trước khi trời tối.

Khi cây cà chua được 1,5-2 tháng tuổi là lúc bạn cần làm gian hoặc cọc để đỡ thân cây. Có thể dùng cọc tre, gỗ, ống nước hoặc sắt để giúp nâng đỡ thân cây cà chua không bị đổ gập hoặc gẫy khi ra nhiều quả.

Nếu chỉ trồng trong chậu nhỏ với cây cà chua anh đào thì chỉ cần một cái cọc dựng lên để đỡ cây, nhưng nếu là giống cây giống lớn hoặc trồng trong vườn thì phải dựng giàn đỡ, khung đỡ nhé.

Trong thời tiết nắng nóng bạn có thể lót một lớp rơm hoặc cỏ khô 2-3cm lên bề mặt chậu cây để giữ ẩm cho đất. Khi cây ra hoa nhiều, bạn lắc nhẹ hoa để hỗ trợ quá trình thụ phấn đậu quả của cà chua.

Thu hoạch cà chua bạch tuộc.

Thu hoạch: Trung bình, cây sẽ cho quả ngọt sau 7 – 8 tháng khi đã phát triển hết tán và cho khoảng hơn 14.000 quả mỗi vụ một cây.

Để có được một cây cà chua trĩu quả sẽ phải mất từ 1,2 đến 1,5 năm cây mới có được kích thước ấn tượng như vậy.

Nguồn: kythuatnuoitrong.edu.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Kinh nghiệm trồng cà hiệu quả.

Cà là cây truyền thống của nhiều địa phương đã được nông dân thâm canh nhiều trở lại bởi nó là cây dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế khá cao trong những năm gần đây.

Ruộng cà vụ sớm đang giai đoạn ra hoa đậu quả.

Song nhiều vùng trồng cà nông dân vẫn chưa biết cách giữ cho bền cây, sai quả vì bị nhiều sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh chết rũ ở các vùng chuyên canh. Hiện đang là thời vụ chính trồng cà. Xin chia sẻ một số kinh nghiệm đúc rút được khi thâm canh cây trồng này như sau:

1. Thời vụ trồng:

Cà (cà pháo, cà bát, cà dài) là cây ưa ánh sáng mạnh nên có thể trồng được quanh năm (trồng từ tháng 7 đến tháng 4 năm sau tùy theo các loại).

2. Giống:

Người trồng có thể sử dụng các giống cà địa phương có năng suất cao, kháng bệnh tốt để trồng. Tùy theo mục đích sử dụng mà có thể lựa chọn cà bát, cà pháo hay cà quả dài. Ngoài ra, có thể mua giống cà Thái từ các công ty cung ứng giống sẽ cho năng suất cao, giống sạch bệnh.

3. Đất trồng:

Cà có bộ rễ khỏe, ăn sâu, tán rộng, lá nhiều nên cần đất có tầng canh tác dày, giàu dinh dưỡng, dễ thoát nước… Tốt nhất nên chọn đất thịt nhẹ hoặc pha cát để trồng cà. Đất trồng được cày lật, phơi ải và được xử lý nấm bệnh và tuyến trùng trước khi trồng là tốt nhất.

4. Gieo ươm cây con và trồng:

Hạt giống sau cất trữ hoặc khi mua về cần được ngâm nước ấm 540C trong 30 phút, tiếp tục ngâm nước sạch 1 ngày đêm để hạt hút no nước rồi mới đem gieo (vì hạt cà có vỏ dày). Tốt nhất nên làm vườn ươm có bón lót phân chuồng mục và NPK để gieo cây cà giống rồi mới nhổ cây con trồng ra ruộng sản xuất. Lượng hạt gieo 2 – 3g/m2 (150-180g/sào BB).

Khi cây có 1-2 lá thật thì tỉa bỏ cây xấu, giữ lại khoảng cách 2 – 3cm/cây. Cây cao 5 – 6cm tỉa lần hai giữ lại khoảng cách 5 – 6cm/cây. Sau mỗi lần tỉa cần xử lý nấm bệnh gây chết thắt thân hoặc thối rễ cây con, sau 2 ngày nữa thì tưới thúc phân hữu cơ pha loãng hoặc NPK (13-13-13+TE) với lượng 50-100g/thùng 20lít. Khi cây giống được 20-30 ngày tuổi thì nhổ đem trồng.

Cần huấn luyện cây con trước nhổ bằng cách ngừng tưới nước trước đó 4-5 ngày rồi tưới đẫm và nhổ cây. Để cây không bị nấm bệnh xâm hại rễ trước trồng nên nhúng rễ các cây con vào dung dịch thuốc trừ nấm đã pha. Lượng còn lại dùng để xử lý đất trồng.

Đất trồng cà cần được cày sâu, bừa kĩ, lên luống cao 25-30cm, rộng 1,4-1,5m. Luống được bố trí trồng hai hàng theo kiểu nanh sấu. Tùy theo các loại cà khác nhau mà bố trí mật độ sao cho phù hợp (50x 60cm hay 60x 80cm).

5. Chăm sóc, bón phân:

Cà có bộ rễ ăn sâu và rộng lại cho thu quả kéo dài vì cà ra hoa đậu quả quanh năm nên việc chăm sóc sao cho cây đạt tiêu chuẩn khỏe mạnh là khâu then chốt để nâng cao hiệu quả khi trồng. Người trồng cà muốn có năng suất cao cần phải giữ cho cây vừa bền lại sai quả. Đồng nghĩa rằng chế độ dinh dưỡng cần phải được cân đối và hệ vi sinh vật trong đất trồng cà cần được cân bằng. Cho nên, trước khi trồng cà nông dân cần ưu tiên sử dụng các chế phẩm phân bón vi sinh hay các chế phẩm nấm đối kháng, cộng sinh để bổ sung vào luống đất trồng trong các giai đoạn (lót, thúc định kì). Tuyệt đối không nên lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học sẽ làm cây nhanh bị tàn lụi.

Lượng phân lót cho 1 sào Bắc Bộ (360m2) là 0,8 – 1 tấn phân chuồng hoặc 80 -100 kg phân hữu cơ vi sinh + 18 – 20kg NPK (16-16-8+TE.

* Lưu ý: Phân chuồng nếu có cần được trộn cùng chế phẩm nấm đối kháng hay nấm cộng sinh theo liều lượng khuyến cáo để bộ rễ cà được phát triển rộng dài và vi sinh vật có hại ít xâm nhập gây hại. Giữa các lần bón thúc phân nuôi cây và quả sau này cũng cần bổ sung một trong hai chế phẩm này vào vùng rễ cà để giữ cho cây khỏe.

* Bón thúc:

– Sau trồng 12-15 ngày, xới nhẹ mặt luống lần đầu, bón thúc 8-10kg NPK 13-13-13+TE/sào Bắc Bộ.

– Lần 2 vun xới cách lần 1 từ 15- 20 ngày kết hợp với bón phân NPK với loại và liều lượng như lần 1.

– Từ khi cây thu lứa quả đầu đến cuối vụ. Thời kì này cần bón phân định kì nhiều lần để giữ cho cây ra hoa, nuôi quả liên tục đảm bảo năng suất cà quả. Nên ưu tiên loại phân NPK 12-3-10 hoặc 12-5-10 hay 16-16-8, 13-13-13+TE với liều lượng khuyến cáo trên bao bì để thúc nuôi quả và cây.

* Tưới nước: Cà là cây có tán rộng, cành lá rậm rạp lại liên tục ra hoa đậu quả nên cần được dưỡng ẩm thường xuyên. Độ ẩm đất không đủ sẽ làm cây ít hoa dễ bị rụng hoa, quả… Người trồng không nên để cà quá hạn rồi mới tưới nước sẽ làm cho rễ bị đứt vi sinh vật gây bệnh xâm nhập làm thối hỏng. Cần vun gốc để thúc rễ phát triển và giữ ẩm cho gốc cà, chống đổ ngã cho cây bằng cách dùng cọc chống.

* Tỉa cành, lá: Cà có 7- 9 lá bắt đầu ra quả khi đó những nhánh dưới chùm hoa thứ nhất cần vặt bỏ. Ngoài ra khi cây phát tán ra hoa đậu quả cũng cần vặt bỏ bớt các lá già, lá mọc chen chúc trong tán. Việc làm này sẽ hạn chế cho cây bị rệp hại và bệnh hại thân lá. Tùy theo loại cà được trồng mà nông dân có thể để từ 2- 3 cành/cây.

* Phòng trừ sâu bệnh: Cà trồng ở vụ chính thường hay bị rệp, sâu đục quả, đục ngọn, bệnh lở cổ rễ, sương mai, héo xanh, héo vàng gây hại. Cần áp dụng phương pháp phòng trừ tổng hợp, ưu tiên các loại thuốc trừ sâu bệnh sinh học để phòng trừ nhất là khi cây đang ra hoa, thu quả để đảm bảo an toàn cho sản phẩm.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.