Trồng bí đao, trồng ớt sừng vàng thu 200 triệu mỗi năm

Với số tiền 170 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, các thành viên Tổ hợp tác (THT) trồng màu khu vực Phú Thạnh, phường Tân Phú, quận Cái Răng (TP.Cần Thơ) đã xây dựng được mô hình trồng màu hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Làm ruộng mà thiếu vốn

Nguồn vốn hỗ trợ THT trồng màu khu vực Phú Thạnh là từ Quỹ Hỗ trợ nông dân quận Cái Răng và nguồn xây dựng quỹ này từ Hội ND dân phường Tân Phú. Tuy quy mô nguồn vốn còn khiêm tốn nhưng đã phát huy hiệu quả đối với nông hộ trồng màu và có liên kết với nhau thông qua hình thức THT.

Nhờ vay được nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân quận Cái Răng, ông Đặng Văn Hên đã có thu nhập ổn định

Năm 2017, THT trồng màu khu vực Phú Thạnh được thành lập với diện tích 5,8ha và có 12 thành viên tham gia. Do thiếu vốn, nhiều thành viên THT gặp khó khăn trong sản xuất. Năm 2017, Hội ND quận Cái Răng và Hội ND phường Tân Phú tạo điều kiện cho các thành viên trong tổ vay 170 triệu đồng để phát triển sản xuất.

Ông Đặng Văn Hên (ở Phú Thạnh), vui mừng cho biết: “Nói làm ruộng nhưng thiếu vốn thì nông dân cực lắm. Tôi vay được 10 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân quận để đầu tư mua giống, phân thuốc trồng màu. Nhờ có số tiền này, gia đình tôi mua hạt giống, phân, thuốc để đầu tư trồng 3,5 công màu. Đến nay, trung bình mỗi năm gia đình thu nhập gần 200 triệu đồng từ các loại rau củ quả…”.

Ông Hên cho hay, 3,5 công màu của gia đình trước đây trồng 3 vụ lúa/năm nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao bởi chi phí lớn, trong khi giá bán lúa không ổn định. Từ cuối năm 2016, ông Hên chuyển sang trồng màu chuyên canh, thu nhập gia đình được cải thiện rõ rệt.

Trong các loại cây màu, ông Hên tâm đắc nhất là bí đao vì nhẹ công chăm sóc nhưng cho thu nhập khá cao. Ông Hên cho biết: “1 công bí đao có thể đạt năng suất từ 3 – 6 tấn. Tùy thời điểm, bí đao bán được giá từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi công trồng bí đao cho thu nhập không dưới 50 triệu đồng/năm, cao gấp 5 lần so với trồng lúa, trong khi đó chi phí nhân công, phân, thuốc đều giảm đi nhiều so với làm lúa…”.

Hiện tại, gia đình ông Hên trồng màu quanh năm, vụ trồng bí đao, dưa leo, vụ khác lại trồng ớt, rau xanh. Các loại sản phẩm rau màu ông Hên làm ra được các thương lái đến thu mua nên không phải lo đầu ra và an tâm sản xuất. Từ khi chuyển sang trồng màu, cánh đồng của THT trồng màu khu vực Thạnh Phú lúc nào cũng ngan ngát màu canh của rau trái. Không khí lao động, sản xuất của mỗi hộ thành viên theo đó cũng phấn chấn, tạo động lực cho THT phát triển.

Trợ lực để nông dân sản xuất hàng hóa

Cũng được vay 15 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân quận Cái Răng, hộ ông Nguyễn Văn Hùng (ở Phú Thạnh), cho biết: “Năm 2018, tôi trồng gần 300 gốc ớt sừng vàng thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Thấy cây ớt sừng vàng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên gia đình tôi thuê thêm 1 công đất để trồng giống ớt này. So với làm lúa, trồng ớt sừng vàng cho thu nhập khá hơn, trong đó lại nhẹ công chăm sóc… Thêm vào đó, phần đầu tư cây giống, phân thuốc được vay từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân nên chúng tôi cũng phấn khởi…”. Ngoài ớt sừng vàng, ông Nguyễn Văn Hùng còn trồng thêm các loại rau xanh, rau cải bán để có nguồn thu nhập hàng ngày.

Theo tập quán sản xuất truyền thống, nông dân thấy cây màu nào trồng cho thu nhập cao là phát triển với diện tích lớn, dẫn đến tình trạng thừa hàng, dội chợ thu nhập không cao, thậm chí còn bị thua lỗ. Nhận thấy được điều đó, năm 2017, nhiều nông dân khu vực Thạnh Phú đã liên kết với nhau và thành lập THT trồng màu.

Nhờ liên kết sản xuất, các thành viên trong tổ được các cấp Hội ND quan tâm, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Đến nay, nhiều thành viên trong THT trồng màu khu vực Thạnh Phú đã mạnh dạn phát triển mô hình trồng màu chuyên canh và cung cấp ra thị trường với số lượng lớn dưa leo, rau cải…

Ông Phạm Thanh Dũng -Chủ tịch Hội ND phường Tân Phú, cho biết: “Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân quận Cái Răng và nguồn xây dựng quỹ này của Hội ND phường đã giúp cho các thành viên trong THT trồng màu Thạnh Phú có điều kiện phát triển sản xuất. Ngoài ra, Hội ND phường còn phối hợp các ngân hàng, tạo điều kiện cho 295 hộ vay gần 10 tỷ đồng.

“Các thành viên trong Tổ Hợp tác trồng màu khu vực Thạnh Phú sau khi tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, có thu nhập ổn định, đời sống từng bước được nâng cao. Qua đó, ý nghĩa của Quỹ Hỗ trợ nông dân và vai trò của Hội được nâng lên…” – Ông Phạm Thanh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân
phường Tân Phú cho hay.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Bí ngồi – loại bí ngọt nhất trong họ nhà bí

Bí ngồi không những là loại quả ngon ngọt nhất trong họ nhà bí mà còn rất dễ trồng, cũng là loại cây trái lý tưởng để khuyến khích con trẻ em bắt đầu làm quen với công việc vườn tược.

Bí ngồi xanh

Bí ngồi (còn có tên gọi là bí ngòi, bí xanh) là giống bí có chứa nhiều vitamin và các khoáng vi lượng tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, nó còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giảm cholesterol, chống ung thư, giảm cân… Đây cũng là loại thực vật xanh lý tưởng có hình dáng lạ mắt, dễ thu hoạch để khuyến khích trẻ em bắt đầu làm quen với công việc vườn tược.

Bí ngồi vàng

Để  trồng bí ngồi, bạn cần chuẩn bị những dụng cụ sau:

– Hạt giống bí ngồi: Bạn có thể mua hạt giống bí ngồi xanh hoặc bí ngồi vàng ở các cửa hàng bán hạt giống.

– Đất trồng: Có thể dùng đất tribat hoặc đất hỗ hợp có trộn phân chuồng hoai mục, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa…

– Chậu trồng bí: Thùng xốp hoặc chậu có bán kính rộng từ 12 – 15cm, có đục lỗ thoát nước ở đáy.

Cách trồng bí ngồi:

1. Gieo hạt giống bí ngồi

– Trộn hỗn hợp đất + chất dinh dưỡng (đất tribat) vào trong thùng xốp hoặc chậu…. Sau đó tưới nước đủ ẩm. Trong thùng xốp hoặc chậu có bán kính rộng từ 12 – 15cm gieo 3 – 4 hạt, vùi hạt sâu khoảng 1,5cm. Sau đó phủ đất kín đợi hạt giống bí ngồi nảy mầm.

Khoảng 3 – 5 ngày sau khi gieo thì hạt bí ngồi nảy mầm

Cây con được khoảng 15 ngày thì chọn 1-2 cây khỏe để trồng, tỉa bớt cây xấu.

2. Bón phân cho bí ngồi

– Cây có 2 lá thật khoảng 17 ngày, sau khi hạt giống bí ngồi nảy mầm thì bón phân vào gốc.

– Bón bổ sung phân cho cây phát triển nhanh lúc cây được 22 ngày tuổi. Tiếp đó, cứ 16 ngày lại bón phân hữu cơ hoặc phân chuồng mục một lần để cây mau ra hoa, đậu quả.

– Nếu 32 ngày tuổi mà bí ngồi chưa ra hoa thì cần phải bổ sung thêm phân đạm, lân hòa tan với nước, tưới đều lên cây bí ngồi, quan trọng là chỗ ra nhánh hoa (cách gốc 5cm).

3. Tưới nước và chăm sóc cây bí ngồi

– Vào buổi sáng, chiều mát thì tưới nước cho cây. Cần tưới đủ nước khi cây ra hoa, ra quả vì lúc này cây phải cung cấp đủ nước cho hoa để quả dễ đậu.

– Không được bón phân khi bí ngồi đang ra hoa. Khi cây đã đậu quả thì nên tỉa bớt nhánh, cành hoa đực đi để cây tập trung nuôi trái.

4. Thu hoạch

Cây bí ngồi thường ra quả sau khoảng 60 ngày trồng, bạn có thể thu hoạch khi hoa ở đầu quả bí đã khô và rụng, không nên để lâu quá quả sẽ già và ăn không ngon.

Bí ngồi ra trái

Một số món ăn ngon từ bí ngồi mà các mẹ, các chị có thể trổ tài chế biến cho gia đình:

Bí ngồi nhồi tôm thịt

Bí ngồi sốt nấm

Bí ngồi xào thịt bò

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Những lưu ý khi trồng bí ngô

Bí ngô là cây cho sinh khối lớn, song cũng cần rất nhiều chất dinh dưỡng và đầy đủ, cân đối. Với năng suất 30 tấn/ha, cây bí lấy đi từ đất khoảng 125kg N, 60kg P2O5, 75kg K2O, 200kg CaO, 25kg SiO2, 10kg S và các chất vi lượng.

Bí ngô

Đặc tính của cây bí ngô

Cây bí ngô (bí đỏ) dễ trồng, có thể trồng được trên nhiều chân đất, đặc biệt trên đất lúa sau khi thu hoạch lúa mùa sớm. Tùy theo khả năng về vốn và kỹ thuật thâm canh mà có thể trồng trên giàn, hoặc trồng bò trên đất.

Đặc điểm của cây bí là thân lá phát triển mạnh, nhiều nhánh, phân nhánh rất nhiều cấp. Ngoài rễ gốc, trên các đốt thân có thể ra rễ bất định. Bí có khả năng chịu hạn khá do thân lá rất nhiều lông và nhờ hệ rễ khá phát triển và thường ăn rộng, ăn nông.

Cây bí không chịu được ngập úng nhưng lại rất cần nước, cho nên phải chủ động hệ thống tưới tiêu nội đồng tốt. Trong mỗi thời kỳ sinh trưởng nên tưới tiêu hợp lý, bảo đảm đủ ẩm thì sẽ cho năng suất cao, chất lượng tốt.

Bí ngô có thể trồng ở đất thịt vừa, hơi nặng, song tốt nhất ở trên đất thịt nhẹ và phù sa, pH thích hợp 6,5 – 8. Trên chân đất chua phải bón vôi và lân cải tạo đất, đồng thời đầu tư nhiều phân hữu cơ hoai mục và cân đối các chất dinh dưỡng trung vi lượng để có năng suất cao, chất lượng tốt.

Nếu bón phân đơn, hoặc phân NPK thông thường, cây bí thiếu các chất dinh dưỡng trung lượng như canxi, magie, silic, lưu huỳnh cùng các chất vi lượng như kẽm, bo, đồng, mangan, cây bí phát triển không cân đối, cây yếu, khả năng đậu quả kém, dễ nhiễm các loại sâu bệnh, vỏ quả mỏng, ruột nhiều, thời gian bảo quản ngắn.

Cách chăm bón

Căn cứ nhu cầu dinh dưỡng cây trồng, Cty CP Phân bón Văn Điển đã cho ra các loại sản phẩm phân bón như sau:

Loại NPK 5:10:3 dạng viên có hàm lượng N 5%. P2O5 10%, K2O 3%, Mg 9%, SiO2 14%, CaO 15% và các chất B, Mn, Zn, Co, Cu, Mo… tổng hàm lượng các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng trên 60%.

Loại NPK 12:5:10 dạng viên có hàm lượng N 12%, P2O5 5%, K2O 10%, Mg 2%, SiO2 4%, CaO 5%… và các chất B, Mn, Zn, Co, Cu, Mo … tổng hàm lượng các chất dinh dưỡng gần 50%.

Sử dụng mỗi sào bí ngô (360m2) khoảng 2 – 4 tạ phân hữu cơ ủ mục + 20 – 25kg NPK 5:10:3 chuyên bón lót (bón trước khi gieo hạt hoặc khi đặt bầu) và 25 – 35kg NPK 12:5:10 chuyên bón thúc.

Từ khi cây mọc đến khi cây ngả ngọn bò cần chú ý xới đất phá váng 2 – 3 lần kết hợp với vun gốc cho cây.

Chăm sóc bí ngô đúng cách cho ra quả sai nặng trĩu

Bón thúc vào 3 giai đoạn chính:

Giai đoạn cây có 5 – 6 lá và ngả ngọn bò, bón thúc mỗi sào 10 – 15kg NPK 12:5:10 để thúc cây vươn lóng và ngoi ngọn. Bón xa gốc 15 – 20cm, xới nhẹ kết hợp vun gốc

Giai đoạn ra hoa rộ, mỗi sào cần bón thúc thêm 7 – 10kg NPK 12:5:10 để tăng khả năng đậu quả và lấy lứa hoa tiếp theo.

Khi cây có quả rộ bón thêm 7 – 10kg NPK 12:5:10 để nuôi quả.

Ở nhiều địa phương, nông dân tranh thủ lấy ngọn, lá non và quả non đầu vụ sớm làm rau xanh, sau đó mới lấy bí già thì cần bón thêm 5 – 7kg phân bón thúc, vừa để thêm lứa quả cuối vụ, vừa giúp cây tốt bền và tăng năng suất, chất lượng quả lứa cuối. Bón phân đa yếu tố NPK Văn Điển sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu các yếu tố dinh dưỡng cho cây bí đạt năng suất cao, chất lượng tốt.

Chăm sóc khác

– Tưới nước: Không để ruộng bí quá ẩm để phát sinh bệnh phấn trắng. Nhưng giai đoạn bí ra hoa, đậu quả cần phải đủ nước để cây bí phát triển.

– Khi thân cây bí bò ra dài 50cm, thì lấy đất lấp lên ở vị trí các đốt. Cứ cách 1 – 2 đốt lại lấp chặn lên một đốt để cây ra nhiều rễ bất định, hướng cho ngọn bí bò từ hốc này qua hốc kia. Nếu cho bí leo thì sau đó mới nương dây cho bí bò lên giàn. Dùng lạt mềm buộc thân bí vào giàn, buộc ở vị trí dước nách lá.

– Bấm ngọn, thụ phấn bổ sung: Khi dây bí dài 1m thì bấm ngọn để cây ra nhiều nhánh; khi bí ra hoa rộ dùng hoa đực úp vào hoa cái vào lúc 7 – 9 giờ sáng để tăng đậu quả. Sau khi cây thụ phấn thì cần cắt bỏ bớt hoa đực, tỉa bỏ các nhánh con làm rau xanh, tỉa bỏ các lá già, lá sâu bệnh để tạo độ thông thoáng cho cây và tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Nếu trên cây đậu nhiều quả thì phải tỉa bớt quả non để tăng cường chất lượng cho các quả bí.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng bí đỏ lấy ngọn cho năng suất cao

Bí đỏ ăn ngọn (bí ngô) được các chuyên gia Đông y ví là “rau toàn năng” vì nó có chất dinh dưỡng cao hơn tất cả các loại rau. Món rau này không chỉ ngon miệng mà còn là một vị thuốc rất quý giá.

Cây bí đỏ con

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và hạt giống

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng những dụng cụ có sẵn như khay, chậu, bao xi măng, thùng xốp hoặc mảnh đất trống ở nhà.

Đất trồng

Bí đỏ lấy ngọn ưa đất tốt, giàu mùn, tơi xốp, có cấu tượng nhẹ, dễ thoát nước. Bạn có thể mua sẵn hoặc trộn đất với vỏ trấu, xơ dừa, phân bò, phân gà, phân chim, vịt ngan ngỗng, phân cá…

Hạt giống

Bạn nên tới siêu thị hoặc các của hàng bán đồ nông sản để chọn mua hạt giống bí siêu ngọn cao sản để gieo trồng.

2. Ngâm ủ và gieo hạt

Hạt giống mua về bạn có thể trồng trực tiếp. Tuy nhiên, ngâm ủ hạt trước khi gieo thì tỷ lệ nảy mầm sẽ cao hơn.

Ngâm hạt giống bí đỏ vào vào nước ấm ở nhiệt độ từ 30-35 độ C trong vòng 4-5 giờ, sau đó vớt ra ủ trong khăn ẩm cho nứt nanh rồi đem gieo (thông thường hạt bắt đầu nảy mầm khoảng 20-28 giờ sau khi ủ).

Trồng bí đơn giản tại nhà

Sau khi ngâm ủ xong, bạn tiến hành gieo hạt hạt vào thùng xốp hoặc khay. Hạt giống được gieo hạt cách hạt 0,2-0,25m, hàng cách hàng 5m. Xong khi gieo hạt xong, phủ lớp đất mỏng khoảng 1cm. Tưới nước bằng vòi phun nhẹ.

Nếu mật độ cây con quá dày, nên bứng tỉa để trồng những nơi khác (tỉa trồng khi cây có từ 2-3 lá nhám).

3. Chăm sóc

Ngày tưới 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Không nên tưới nước vào giữa trưa nắng nóng. Thoát nước trong mùa mưa để bí đỏ không bị úng nước.

Đọt bí khi được chăm sóc tốt

Khi cây bí đỏ ra được 2-3 lá thật thì bón thúc đợt 1 bằng phân bò, phân gà, trùn quế… hoặc phân hữu cơ. Cứ 7-10 bón 1 lần.

4. Thu hoạch

Bí đỏ ăn ngọn có thể thu hoạch sau 35-40 ngày trồng.

Đọt bí không những thơm ngon mà còn nhiều dinh dưỡng

Thu hái lứa đầu bằng cách dùng dao cắt tất cả các ngọn, để lại cách gốc 30-45cm. Khi các chồi gốc đã nảy mầm, ngắt bỏ những chồi nhỏ, yếu, giữ lại mỗi gốc 2-3 chồi khỏe nhất.

Sau khi thu hoạch xong, tiến hành vun gốc cho cây. Các lứa tiếp theo thu hoạch khi ngọn mới đã vươn dài từ 60-70cm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng bí đao tại nhà cho năng suất cao

Bí đao có tác dụng làm tiêu nước dư trong cơ thể, giảm béo, giảm cân, giữ eo thon… Hơn thế nữa, giống bí này rất dễ trồng, cho năng suất cao và ít sâu bệnh.

Cây bí đao con

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và hạt giống

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng những dụng cụ có sẵn như khay, chậu hoặc thùng xốp hoặc mảnh đất trống.

Đất trồng

Cây bí đao có thể trồng trên nhiều loại đất, tuy nhiên phát triển tốt nhất trên đất dày, tơi xốp, đất trung tính, tốt nhất là đất cát pha, đất thịt nhẹ và có độ pH từ 6,5-7. Đất bạn có thể mua sẵn hoặc trộn đất với vỏ trấu, xơ dừa, hân bò, phân gà, phân chim, vịt ngan ngỗng, phân cá…

Hạt giống

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại hạt giống bí đao như bí đao chanh, bí đao xanh… Hạt giống bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán đồ nông sản hoặc siêu thị.

2. Ngâm ủ, gieo hạt và cấy cây

Ngâm ủ

Hạt giống ngâm vào nước có nhiệt độ khoảng 54 độ C trong 2-3 giờ. Sau đó rửa sạch nhớt trên vỏ hạt, để ráo. Cho vào khăn vải ẩm bọc lại ủ hạt, nếu trời lạnh có thể để dưới bóng đèn vàng cho hạt mau mọc.

Hằng ngày thăm xem bọc vải có đủ ẩm không, nếu khô thì rưới nước vào nhưng tránh quá ẩm, hạt sẽ khó mọc. Khoảng 2 ngày, hạt bí đao sẽ lú rễ mầm thì đem gieo ngay, nếu để rễ dài đem gieo rễ sẽ bị gẫy.

Gieo hạt

Sau khi hạt nứt nhanh thì tiến hành ươm hạt vào bầu, chậu hoặc thùng xốp. Phủ một lớp đất mỏng và tiến hành tưới nước bằng vòi phun nhẹ.

Hạt có thể gieo trực tiếp xuống đất, rồi phủ đất có trộn phân chuồng. Tuy nhiên, ngâm ủ hạt trước khi gieo thì tỷ lệ nảy mầm sẽ cao hơn.

Cấy cây con

Khi cây con ra được 1-2 lá thật thì tiết hành cấy cây con. Sau khi cấy che phủ chừng 5 ngày để cây con không bị cháy lá. Tưới nước thường xuyên cho cây.

3. Chăm sóc

Tưới nước ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều tối để cây phát triển tốt hơn. Khi cây con ra được 3-4 lá thật thì tiến hành bón lót cho cây bằng phân bò, phân trùn quế, phân gà, phân dê hoặc phân hữu cơ. Cứ 15-20 ngày lại tiến hành bón đợt tiếp theo.

Bí đao ra hoa

Ở thời kỳ cây con có 3-4 lá đến 7-8 lá thật thì vun xới cho cây. Khi cây bắt đầu xuất hiện tua cuốn thì làm giàn cho bí leo. Giàn có thể làm bằng tre hoặc lưới. Tỉa nhánh gốc và nhánh nhỏ, lá già, sâu bệnh giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái.

4. Thu hoạch

Sau khoảng 50-60 ngày sau khi gieo là có thể thu hoạch bí. Bí non có thể thu ở giai đoạn 25-35 ngày tuổi (sau khi đậu). Số lần thu hoạch tùy thuộc vào việc chăm sóc cây.

Thu hoạch bí đao

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

3 bước thụ phấn nhân tạo cho họ Bầu, Bí

Khi trồng các loại cây dây leo như bầu, bí dưa chuột…muốn cây sai quả chúng ta cần tiến hành thụ phấn nhân tạo cho cây. Tuy nhiên, nhiều người lúng túng vì chưa biết cách thụ phấn nhân tạo.

Thụ phấn nhân tạo giúp bầu bí đậu quả nhiều hơn

Bước 1: Phân biệt hoa đực hay hoa cái

Muốn thụ phấn bạn cần xác định được đâu là hoa đực hay hoa cái. Sau đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết khá dễ dàng.

Hoa đực thường mọc ở nách nhánh. Mỗi nách nhánh có một cụm nhiều hoa đực. Hoa đực ngắn hơn và không phát triển bầu nhỏ phía dưới giống như hoa cái.

Hoa cái thường mọc từ nách lá. Mỗi nách thông thường có 1 hoa cái tùy loại giống. Hoa cái có một bầu nhỏ, nếu được thụ phấn, bầu này sẽ phát triển thành quả.

Bước 2: Kiểm tra hoa trước khi tiến hành thụ phấn

Trước khi tiến hành thụ phấn cho hoa bạn cần kiểm tra kỹ xem nhị phấn của hoa đực đã chín chưa. Bạn lấy tay dí vào nhị nếu thấy phấn vàng dính vào tay là đã được.

Đối với hoa cái bạn cũng dùng tay kiểm tra nếu thấy nhụy dính đồng nghĩa với việc đã thụ phấn được.

Tiếp đến bạn cần kiểm tra để chọn được bông hoa tốt giúp kết quả thụ phấn tốt hơn. Với hoa đực bạn nên chọn hoa to, đẹp, không sâu bệnh, nhị đực phân thuỳ có bao phấn to màu vàng sáng.

Chọn những hoa cái hoàn chỉnh, nhụy hoa có đầy đủ đài hoa, núm nhuỵ, cánh hoa. Hoa không bị sâu, bệnh hại ở những vị trí định cho đậu quả để thụ phấn.


Cách thụ phấn nhân tạo cho bầu bí

Bước 3: tiến hành thụ phấn

Dùng tay hay kéo cắt lấy hoa đực có đoạn cuống dài 5cm.

Cắt hoặc vặt hết cánh hoa cho khỏi vướng đầu nhị có bao phấn.

Chấm nhẹ đầu nhị của hoa đực vào núm nhụy của hoa cái sao cho hạt phấn màu vàng mịn từ hoa đực bám vào núm nhụy hoa cái là đạt yêu cầu.

Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể dùng chổi sơn loại nhỏ hoặc bông tai quét phấn từ hoa đực rồi bôi sang nhụy hoa cái.

Lưu ý

– Lấy hoa đực ở cây này để thụ phấn cho hoa cái cây kia để phát huy được ưu thế lai. Như vậy quả sẽ to, đẹp hơn là thụ phấn cho hoa cùng gốc.

– Hoa mướp nở rộ vào khoảng 7-8 giờ sáng với vụ xuân hè và 9-10 giờ sáng với vụ thu đông. Còn đối với bầu (hoa trắng), hoa lại nở vào tầm tối. Đây là những thời điểm thụ phấn bổ sung tốt nhất.

-Trước và sau khi thụ phấn cho cây cần cung cấp đủ nước tưới và dinh dưỡng cho cây như thế sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.