Xây dựng thương hiệu ớt sạch Hồng Thủy

Ngoài sản xuất cây lúa, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã chỉ đạo thành lập các tổ hợp tác tập trung phát triển diện tích đất màu với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong đó, cây ớt đang được xem có hiệu quả nhất.

Tuy nhiên vấn đề cần nhất là xây dựng thương hiệu ớt sạch Hồng Thủy, nâng cao chất lượng sản phẩm. Dự án chuỗi giá trị ớt sạch bước đầu áp dụng các biện pháp sản xuất ớt sạch và xây dựng theo mô hình VietGAP. Tổ chức sản xuất theo tổ hợp tác để trồng tập trung và chuyên canh, thống nhất quy trình trồng, chăm bón, thu hoạch. Làm mẫu mã bao bì, đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết kế nhãn hiệu, đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tháng 11/2018, sản phẩm ớt Hồng Thủy được UBND huyện phê duyệt dự án xây dựng chuỗi giá trị ớt sạch cho cơ sở nông sản Thánh Gái và được Trạm khuyến nông huyện Lệ Thủy tập huấn quy trình sản xuất ớt sạch theo tiêu chuẩn VietGAP cho các thành viên tổ hợp tác trồng ớt. Đây là tín hiệu phấn khởi cho hợp tác xã và người trồng ớt nơi đây.

Từ khi tổ hợp tác được thành lập vào năm 2018, phụ nữ xã Hồng Thủy đã có thêm cơ hội để giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất, góp phần vào xây dựng thương hiệu ớt Hồng Thủy. Tham gia với tổ hợp tác trồng ớt do Hội liên hiệp Phụ nữ xã thành lập trong dự án xây dựng thương hiệu ớt sạch Hồng Thủy, các thành viên đã được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ thị trường tìm kiếm đầu ra.

Hiện nay tổ hợp tác trồng ớt Hồng Thủy có 15 thành viên tham gia với hơn 3ha, hầu hết các chị em đều có kinh nghiệm trồng ớt lâu năm, sản xuất có hiệu quả, sản lượng/vụ ước đạt từ 20-30 tấn/ha, thu lãi 70-80 triệu đồng/ha, với đặc trưng về độ nồng, cay, thơm, ngon, ớt Hồng Thủy là sản phẩm được ưa chuộng.

Lợi ích của tổ là quản lý được đầu vào đến sơ chế, chế biến, đầu ra. Ớt sau khi thu hoạch được cơ sở Nông sản Thánh Gái thu mua từ các thành viên trong tổ hợp tác, sau đó tập hợp về tại cơ sở của mình để sơ chế và chế biến. Từ đó, hình thành các dịch vụ nghề ớt như thu mua ớt, vận chuyển, hái ớt trái, lặt cuống ớt, phân loại ớt, phơi (sấy)…

Nhờ vậy, bà con nông dân trồng ớt có nguồn tiêu thụ ổn định và thu nhập cao. Bên cạnh đó, cơ sơ Nông sản Thánh Gái đầu tư mặt bằng xây dựng nhà xưởng, phòng trưng bày sản phẩm, kho đựng, sân phơi được xây dựng tại thôn Thạch Trung, xã Hồng Thủy với diện tích 350m2.

Để cây ớt bền vững, tránh cung vượt cầu, tổ hợp tác đã tổ chức mô hình liên kết, quy hoạch vùng trồng ớt từ nay đến năm 2020. Xây dựng vùng trồng ớt chuyên canh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với quy mô 03 ha trong vụ thứ nhất làm ra 70 tấn ớt và phát triển lên 04 ha trong vụ thứ hai với 90 tấn trong vùng dự án. Trong đó khoảng 50% sơ chế và bán tươi, 50% chế biến dưới các dạng ớt bột, tương ớt, ớt muối.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

 

Trồng bí đao, trồng ớt sừng vàng thu 200 triệu mỗi năm

Với số tiền 170 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, các thành viên Tổ hợp tác (THT) trồng màu khu vực Phú Thạnh, phường Tân Phú, quận Cái Răng (TP.Cần Thơ) đã xây dựng được mô hình trồng màu hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Làm ruộng mà thiếu vốn

Nguồn vốn hỗ trợ THT trồng màu khu vực Phú Thạnh là từ Quỹ Hỗ trợ nông dân quận Cái Răng và nguồn xây dựng quỹ này từ Hội ND dân phường Tân Phú. Tuy quy mô nguồn vốn còn khiêm tốn nhưng đã phát huy hiệu quả đối với nông hộ trồng màu và có liên kết với nhau thông qua hình thức THT.

Nhờ vay được nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân quận Cái Răng, ông Đặng Văn Hên đã có thu nhập ổn định

Năm 2017, THT trồng màu khu vực Phú Thạnh được thành lập với diện tích 5,8ha và có 12 thành viên tham gia. Do thiếu vốn, nhiều thành viên THT gặp khó khăn trong sản xuất. Năm 2017, Hội ND quận Cái Răng và Hội ND phường Tân Phú tạo điều kiện cho các thành viên trong tổ vay 170 triệu đồng để phát triển sản xuất.

Ông Đặng Văn Hên (ở Phú Thạnh), vui mừng cho biết: “Nói làm ruộng nhưng thiếu vốn thì nông dân cực lắm. Tôi vay được 10 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân quận để đầu tư mua giống, phân thuốc trồng màu. Nhờ có số tiền này, gia đình tôi mua hạt giống, phân, thuốc để đầu tư trồng 3,5 công màu. Đến nay, trung bình mỗi năm gia đình thu nhập gần 200 triệu đồng từ các loại rau củ quả…”.

Ông Hên cho hay, 3,5 công màu của gia đình trước đây trồng 3 vụ lúa/năm nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao bởi chi phí lớn, trong khi giá bán lúa không ổn định. Từ cuối năm 2016, ông Hên chuyển sang trồng màu chuyên canh, thu nhập gia đình được cải thiện rõ rệt.

Trong các loại cây màu, ông Hên tâm đắc nhất là bí đao vì nhẹ công chăm sóc nhưng cho thu nhập khá cao. Ông Hên cho biết: “1 công bí đao có thể đạt năng suất từ 3 – 6 tấn. Tùy thời điểm, bí đao bán được giá từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi công trồng bí đao cho thu nhập không dưới 50 triệu đồng/năm, cao gấp 5 lần so với trồng lúa, trong khi đó chi phí nhân công, phân, thuốc đều giảm đi nhiều so với làm lúa…”.

Hiện tại, gia đình ông Hên trồng màu quanh năm, vụ trồng bí đao, dưa leo, vụ khác lại trồng ớt, rau xanh. Các loại sản phẩm rau màu ông Hên làm ra được các thương lái đến thu mua nên không phải lo đầu ra và an tâm sản xuất. Từ khi chuyển sang trồng màu, cánh đồng của THT trồng màu khu vực Thạnh Phú lúc nào cũng ngan ngát màu canh của rau trái. Không khí lao động, sản xuất của mỗi hộ thành viên theo đó cũng phấn chấn, tạo động lực cho THT phát triển.

Trợ lực để nông dân sản xuất hàng hóa

Cũng được vay 15 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân quận Cái Răng, hộ ông Nguyễn Văn Hùng (ở Phú Thạnh), cho biết: “Năm 2018, tôi trồng gần 300 gốc ớt sừng vàng thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Thấy cây ớt sừng vàng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên gia đình tôi thuê thêm 1 công đất để trồng giống ớt này. So với làm lúa, trồng ớt sừng vàng cho thu nhập khá hơn, trong đó lại nhẹ công chăm sóc… Thêm vào đó, phần đầu tư cây giống, phân thuốc được vay từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân nên chúng tôi cũng phấn khởi…”. Ngoài ớt sừng vàng, ông Nguyễn Văn Hùng còn trồng thêm các loại rau xanh, rau cải bán để có nguồn thu nhập hàng ngày.

Theo tập quán sản xuất truyền thống, nông dân thấy cây màu nào trồng cho thu nhập cao là phát triển với diện tích lớn, dẫn đến tình trạng thừa hàng, dội chợ thu nhập không cao, thậm chí còn bị thua lỗ. Nhận thấy được điều đó, năm 2017, nhiều nông dân khu vực Thạnh Phú đã liên kết với nhau và thành lập THT trồng màu.

Nhờ liên kết sản xuất, các thành viên trong tổ được các cấp Hội ND quan tâm, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Đến nay, nhiều thành viên trong THT trồng màu khu vực Thạnh Phú đã mạnh dạn phát triển mô hình trồng màu chuyên canh và cung cấp ra thị trường với số lượng lớn dưa leo, rau cải…

Ông Phạm Thanh Dũng -Chủ tịch Hội ND phường Tân Phú, cho biết: “Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân quận Cái Răng và nguồn xây dựng quỹ này của Hội ND phường đã giúp cho các thành viên trong THT trồng màu Thạnh Phú có điều kiện phát triển sản xuất. Ngoài ra, Hội ND phường còn phối hợp các ngân hàng, tạo điều kiện cho 295 hộ vay gần 10 tỷ đồng.

“Các thành viên trong Tổ Hợp tác trồng màu khu vực Thạnh Phú sau khi tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, có thu nhập ổn định, đời sống từng bước được nâng cao. Qua đó, ý nghĩa của Quỹ Hỗ trợ nông dân và vai trò của Hội được nâng lên…” – Ông Phạm Thanh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân
phường Tân Phú cho hay.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Nguyên nhân đằng sau việc Malaysia ngừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp chế biến Malaysia (MOA) đã thông báo tạm dừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam với lý do dư lượng thuốc trừ sâu tối đa (MRL) vượt quá ngưỡng cho phép của nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ngày 11/10, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, ông Phạm Quốc Anh cho biết có hai vấn đề cần lưu ý đằng sau việc Malaysia ngừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam.

Đó là không phải tất cả các đơn vị xuất khẩu ớt của Việt Nam đều vi phạm tiêu chuẩn MRL của Malaysia và quyết định tạm dừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam rất có thể liên quan đến chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trẻ do Chính phủ Malaysia bảo trợ.

Ông Phạm Quốc Anh cho biết mới đây, MOA rất quan tâm đến các hộ nông dân trồng ớt của Malaysia, đặc biệt là các nông dân trẻ tham gia chương trình bảo trợ của chính phủ, đồng thời bày tỏ mong muốn các nông dân Malaysia có thể cạnh tranh được với các nông dân trồng ớt nước ngoài.

Với lý do này, MOA đã quyết định cử đoàn công tác đến Việt Nam và Thái Lan, hai nước xuất khẩu ớt số lượng lớn vào Malaysia, để tìm hiểu thực địa.

Song song với việc trên, MOA cũng đã tiến hành một loạt hoạt động thanh kiểm tra đối với các sản phẩm ớt nhập khẩu được bán trên thị trường Malaysia.

Kết quả cho thấy không có hành động bán phá giá, song rõ ràng giá bán ớt nhập khẩu thấp đã gây áp lực lên các sản phẩm trong nước.

Ví dụ như ớt được trồng tại bang Johor được bán với giá 8 ringgit/kg (khoảng 45.000 VND), ớt dầu đỏ giá 6,5 ringgit/kg, trong khi giá ớt nhập từ Việt Nam chỉ ở mức 3,9 ringgit/kg.

Các cuộc thanh kiểm tra cũng nhằm xác định xem các sản phẩm ớt nhập khẩu có vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn của Malaysia hay không. Thông báo tạm ngừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam được đưa ra sau các cuộc thanh kiểm tra nói trên.

Trong khi đó, ông Trần Văn Hân, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu ớt sang Malaysia cho biết quyết định trên khiến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam bị đình trệ.

Lệnh cấm không chỉ ảnh hưởng đến người trồng ớt Việt Nam mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng Malaysia vì họ không được phép tiếp cận với các sản phẩm ớt nhập khẩu giá rẻ của Việt Nam trong bối cảnh thị trường Malaysia nhập khẩu đến 80% để đáp ứng nhu cầu về ớt trong nước.

Trước tình hình trên, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia đã có công văn gửi Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản Việt Nam, theo đó đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản chính thức yêu cầu phía Malaysia làm rõ tiêu chuẩn về tiêu chuẩn dư lượng thuốc trừ sâu cho phép để làm cơ sở cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tham khảo.

Bên cạnh đó, hai bên cần thảo luận để đi đến công nhận lẫn nhau về vấn đề kiểm định chất lượng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn của Malaysia được tiếp tục cấp phép xuất khẩu sản phẩm vào nước này.

Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia cần có biện pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp xuất khẩu ớt của Việt Nam, cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng Malaysia.

Các doanh nghiệp Việt Nam rất cần những thông tin công khai của phía Malaysia về tiêu chuẩn nhập khẩu ớt, nhất là các tiêu chí về dư lượng thuốc trừ sâu cho phép, để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện hoạt động xuất khẩu sản phẩm của mình vào thị trường này.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Trái ớt Việt Nam bất ngờ bị Malaysia “chê”

Phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nhiều lô ớt Việt Nam quá giới hạn cho phép nên quyết định tạm dừng nhập khẩu từ giữa tháng 9.

Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ NN&PTNN) cho biết đã nhận được thông báo của Cục Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và chế biến nông sản) Malaysia về việc sẽ tạm dừng cấp phép nhập khẩu ớt của Việt Nam từ ngày 14-9-2018.

Nguyên nhân là sau khi kiểm tra, cơ quan kiểm tra và kiểm dịch nước này phát hiện nhiều lô ớt của Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép của Malaysia.

Đơn vị thuộc Bộ NN&PTNN đã có công văn gửi các Chi cục Kiểm dịch thực vật, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản sang Malaysia và các tổ chức, cá nhân liên quan về việc này.

Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu, theo dõi và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm của Malaysia, tránh gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín của nông sản Việt Nam.

Các doanh nghiệp trong nước cũng phải rà soát quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm kiểm soát nguồn hàng từ ban đầu để tránh tái diễn sự cố.

Ngoài ớt xuất khẩu sang Malaysia, Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết cơ quan cũng nhận được thông báo từ cơ quan chức năng Hàn Quốc về việc phát hiện một số lô hàng đu đủ đã chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang là sản phẩm chuyển gen.

Theo quy định của Hàn Quốc, các loại thực phẩm chuyển gen không được sử dụng tại nước này, buộc phải tiêu hủy hoặc tái xuất.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech VietNam

Bón phân đúng cách, lợi nhuận trồng Ớt thấy rõ

Ít được nhắc đến như nhiều loại cây trọng điểm khác, nhưng cây ớt dần được nông dân lựa chọn. Cây ớt cho lợi nhuận khá nếu biết áp dụng đúng kỹ thuật gieo trồng cũng như chăm sóc bằng dòng phân bón thích hợp.

Nhánh ớt được thu hoạch từ mô hình tại ruộng ớt của anh Tâm

Bà con ở ấp 3 xã An Phong, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp vui tươi rộn ràng bởi chương trình trình diễn phân bón trên cây ớt của Đạm Cà Mau đến giai đoạn tổng kết, thu hoạch. Nếu như tập quán canh tác cũ cho lợi nhuận bấp bênh thì dịp này, bà con được sử dụng công thức bón mới mang lại hiệu quả cao, ổn định mà chi phí thấp bằng việc sử dụng trọn bộ phân bón dinh dưỡng Đạm Cà Mau, trong đó có loại cao cấp NHumate + TE Cà Mau.

Vào mùa con nước rút trả lại phù sa màu mỡ là thời điểm tốt nhất cho cây ớt sinh trưởng phát triển. Trên cánh đồng thực nghiệm chia đôi, hai tập quán canh tác cùng hạt giống, thời điểm và kỹ thuật nhưng chăm sóc bằng dòng phân bón khác nhau đã cho kết quả hoàn toàn khác biệt.

“Gia đình tui canh tác nhiều năm nay nên nắm rõ đặc tính của cây ớt. Nhưng để SX đạt hiệu quả cao thì vẫn đang loay hoay. Đợt thực nghiệm tui bón đúng cách hướng dẫn của công ty và các kỹ sư Đạm Cà Mau cho bộ sản phẩm phân bón đã mở ra cách nhìn mới, phải thay đổi tập quán SX cũ, tiếp thu kỹ thuật mới thì mới giảm chi phí mà nhanh giàu”, chủ hộ Lê Chí Tâm, xã An Phong, huyện Thanh Bình chia sẻ.

4 công ruộng của anh Tâm được chia đôi, sau hơn 60 ngày trồng thực nghiệm, giữa tháng 1/2018, gia đình anh đã có thể thu hoạch rộ, chi phí giảm 8% lại cho lợi nhuận gấp rưỡi. Số trái ở ruộng trình diễn trung bình 85 trái/cây so với ruộng đối chứng là 77 trái/cây. Trên phần ruộng thực hiện mô hình, nếu phần ruộng đối chứng bón urea, DAP khác và NPK năng suất 2,1kg thì ruộng thực nghiệm dùng N.Humate chủ lực, kết hợp DAP, Kali Cà Mau theo giai đoạn bón cho năng suất đến 2,4 kg.

N.Humate Cà Mau hầu như đáp ứng đủ điều kiện phát triển của cây ớt, không chỉ giúp bộ rễ chùm phát triển nhanh mạnh, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng để ra hoa đều mà còn tăng số nhánh trên cây, phần nào quyết định đến số lượng trái.

Anh Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Đồng Tháp phát biểu tổng kết mô hình

Với mô hình thực nghiệm này, anh Tâm tiết giảm tổng chi phí vật tư và nhân công, tính ra giá thành sản xuất chỉ 6.390 đ/kg ít hơn so với 7.775 đ/kg trước đây, trái ớt to, chắc mẩy bán được giá thu về lợi nhuận gần 321 triệu đồng/ha cao hơn so với 257 triệu đồng/ha vụ cũ.

Niềm vui được mùa xen lẫn niềm vui xuân mới, anh Tâm phấn khởi trước cánh đồng ớt rực đỏ như hồng thêm nét mặt của hy vọng. Anh tâm huyết chia sẻ với bà con tại hội thảo tổng kết mô hình trình diễn vừa rồi như vừa khoe thành tích lại vừa mong mỏi bà con áp dụng cách trồng từ những hướng dẫn này.

Từ đây, cả anh và bà con trong vùng có thể tin tưởng vào một hướng đi mới cho cây ớt quê nhà, thay đổi tập quán cũ, canh tác bằng kiến thức mới và thành tựu nông nghiệp hiện đại sẽ trúng mùa, lời đậm từ loài cây tưởng nhỏ bé như ớt.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Một số bệnh quan trọng trên cây Ớt

Dưới đây là một số bệnh hại trên cây ớt và biện pháp phòng trừ

1. Héo rũ gốc mốc trắng

– Tác nhân gây bệnh: Do nấm Sclerotium rolfsii.

– Triệu chứng bệnh: Triệu chứng điển hình của bệnh được thể hiện rõ nhất từ khi cây ra hoa – hình thành quả – thu hoạch. Nấm xâm nhiễm vào phần thân cây sát mặt đất, vết bệnh lúc đầu nhỏ màu nâu tươi hơi lõm, về sau vết bệnh lan rộng có thể dài tới vài centimet bao quanh thân, gốc, lan rộng xuống tận cổ rễ dưới mặt đất. Mô vết bệnh dần dần bị phân hủy, các lá dưới gốc héo vàng và rụng trước, sau đó lan lên các lá phía trên, cuối cùng dẫn tới các lá héo rũ, cây khô toàn thân. Khi cây mới nhiễm bệnh thì rễ cây vẫn bình thường, sau đó rễ dần dần hóa nâu, thâm nâu và thối mục.

Trong điều kiện nhiệt độ tương đối cao, ẩm độ cao thì trên bề mặt vết bệnh sát mặt đất sẽ xuất hiện lớp nấm màu trắng phát triển mạnh, sợi nấm mọc đâm tia lan dần ra mặt đất chung quanh gốc cây, tạo thành một đốm tản nấm màu trắng xốp, một vài ngày sau trên tản nấm đó sẽ hình thành nhiều hạch nấm. Khi còn non hạch có màu trắng sau chuyển dần sang màu nâu giống hạt cải. Bệnh xuất hiện có thể rải rác hoặc từng vạt trên ruộng tùy theo điều kiện ngoại cảnh đất đai và quá trình chăm sóc.

– Đặc điểm phát sinh gây hại của bệnh

Đây là loại nấm đa thực gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau, phát sinh phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao nhưng thích hợp nhất là nhiệt độ 25-30oc. Hạch nấm có thể tồn tại 5 năm trong đất khô nhưng chỉ tồn tại 2 năm trên đất ẩm. Sợi nấm chỉ sống được vài tuần và chết khi nguồn dinh dưỡng được sử dụng hết. Nấm gây bệnh được bảo tồn trong đất và các tàn dư cây trồng bằng hạch nấm hoặc sợi nấm, có khả năng sinh sống và nảy mầm ở độ sâu khoảng 5-8cm, nếu bị vùi lấp sâu hơn sẽ không có khả năng nảy mầm. Nấm không thể tồn tại trên đất bỏ hoang khoảng 2 năm. Sự có mặt của tàn dư cây trồng chưa bị phân hủy trên ruộng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và xâm nhiễm của nấm bệnh. Bệnh thường phát sinh nặng hơn khi lượng lá rụng trên ruộng tích tụ quá nhiều chung quanh gốc.

2. Héo rũ thối đen

Do nấm Phytophthora capsici. Bệnh gây hại trên cây ớt trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển. Tùy từng giai đoạn và điều kiện ngoại cảnh khác nhau mà mức độ gây hại của bệnh cũng khác nhau. Ở thời kỳ cây con, vết bệnh lúc đầu là là một chấm nhỏ màu nâu hoặc màu đen ở rễ gốc thân. Sau đó vết bệnh lan lên phía trên làm hại thân lá và lan xuống phía dưới gây hại rễ chính, gây thối rễ, cây chết gục. Khi gặp trời mưa độ ẩm cao toàn cây bị thối nhũn ra, bề mặt mô bệnh thường có một lớp nấm màu trắng.Trời hanh khô cây bệnh nâu đen héo và chết. Khi cây lớn, trên gốc thân có vết màu đen kéo dài về phía trên và dưới. Khi chẻ phần thân thấy lõi có màu nâu đến nâu đen, nhưng đặc điểm này không có ở những vị trí cao hơn.

– Đặc điểm phát sinh gây hại của nấm

Nấm phát sinh gây hại trong phổ nhiệt độ rộng 12-300c. Bệnh phát triển gây hại mạnh khi thời tiết nóng ẩm và đất ướt, lượng mưa lớn hay tưới nước quá mức, nhất là khi trên ruộng đã có cây bị bệnh thì đây là điều kiện để bệnh lây lan ra cả ruộng, vì du động bào tử của nấm gây bệnh có thể bơi được trong nước.

3. Bệnh héo xanh vi khuẩn

Bệnh do vi khuẩn Ralstonia solanacearum gây ra. Bệnh héo xanh thường thể hiện triệu chứng ngay sau khi vi khuẩn xâm nhập vào rễ hoặc phần thân sát mặt đất. Ở cây bị bệnh ban ngày lá cây mất màu nhẵn bóng, tái xanh héo cụp xuống, về ban đêm có thể hồi phục lại. Sau 2-3 ngày lá cây bị bệnh không thể hồi phục được nữa, các lá gốc tiếp tục héo rũ và toàn cây bị héo rũ rồi chết, cắt ngang thân thấy bó mạch dẫn hóa nâu hoặc nâu đen, nhúng đoạn thân vào cốc nước sạch sẽ thấy dịch vi khuẩn chảy ra màu trắng sữa (đây là đặc điểm để phân biệt bệnh do vi khuẩn và các đối tượng gây hại khác). Trong điều kiện ẩm độ cao, thân cây bệnh dần thối mềm, gãy gục.

– Điều kiện phát sinh phát men của bệnh:

Bệnh gây hại mạnh trong điều kiện nóng ẩm, nhất là khi gặp nắng mưa xen kẽ.
Nguồn bệnh vi khuẩn có thể sống trong đất 5-6 năm, còn trên cây ký chủ và trong hạt giống là 7 tháng.

Vi khuẩn chủ yếu tồn tại trong đất, tàn dư cây bệnh để trở thành nguồn bệnh cho vụ sau, năm sau.

Bón đạm quá nhiều, tưới nước quá ẩm, nhất là khi trên ruộng có cây bị bệnh sẽ thuận lợi cho bệnh lây lan và gây hại.

† Biện pháp quản lý bệnh các loại bệnh trên

+ Dọn sạch tàn dư cây bệnh trên đồng ruộng.

+ Luân canh với cây không cùng ký chủ, tốt nhất là lúa nước.

+ Chọn hạt giống khỏe sạch bệnh để trồng, giống trên ruộng không bị bệnh.

+ Tránh gây tổn thương rễ trong quá rinh trồng trọt, chăm sóc.

+ Khi trồng cần lên luống cao sâu rộng để dễ thoát nước khi gặp mưa lớn.

+ Bón phân cân đối hợp lý tránh bón đạm quá nhiều.

+ Thường xuyên kiểm tra phát hiện cây bị héo rũ để nhổ bỏ kịp thời, phải hạn chế tưới nước, tránh bệnh lây lan trên ruộng.

+ Sử dụng giống chống chịu bệnh, giống ít bị bệnh.

+ Đối với bệnh do nấm Sclerotium rolfsii có thể cày sâu 10-13 cm để vùi lấp hạch nấm và dùng một số loại nấm đối kháng như: Trichoderm, Gliocladium…

+ Biện pháp hóa học thường hiệu quả thấp do tác nhân gây bệnh tồn tại chủ yếu trong đất, xâm nhiễm gây hại ở bộ phận rễ, cổ rễ thân sát mặt đất. Tuy nhiên, trong những trường hợp thực sự cần thiết có thể dùng một số loại thuốc phun để tăng cường sức đề kháng cho cây và hạn chế bệnh lây lan như: Rovral, Viroval, Hạt vàng, Carbendazim, Benlat… (dùng đối với bệnh do nấm Sclerotium rolfsii); Aliette, Ridomil, Phosacide… (dùng đối với bệnh do nấm Phytophthora capsici); Streptomycine 50-200ppm, Kasamin, Starner… (dùng đối với bệnh do vi khuẩn).

4. Khi cây ớt bị chết nhanh

Bà con nông dân ở vùng rẫy Long Hồ và Bình Minh có nhiều kinh nghiệm trong phòng trị các bệnh cho cây ớt- cây có giá trị kinh tế cao trong mùa mưa lũ như hiện nay. Trong mùa này, thủy cấp trong nhiều vùng ở đồng bằng dâng cao do đang vào mùa lũ và ẩm độ trong không khí cũng cao (mưa nhiều xen kẽ với nắng), nên không thích hợp với sự phát triển của cây ớt, vì là loại cây thích đất xốp thông thoáng. Bệnh gây thiệt hại lớn thường gặp trong lúc này của cây ớt là bệnh héo rũ khiến cây chết rất nhanh.

Theo bà con, bệnh do nấm gây ra (nấm Pythium sp. Và Fusarium sp.).Mầm bệnh thường lưu tồn trong đất, bã thực vật, nhất là các loại cây có mang bệnh này ở vụ trước. Rẫy ớt bị bệnh này thường là các rẫy thoát nước không tốt và việc luân canh cây trồng không hợp lý, nhất là vụ trước cũng trồng ớt. Trong rẫy ớt bị bệnh, rải rác có những cây có hiện tượng sáng và chiều lá vẫn tươi, nhưng trưa lại héo. Sau đó vài ngày, các cây ớt này nhanh chóng héo hoàn toàn, lá rụng và trái ớt bị giảm kích thước đáng kể. Nhổ cây ớt lên sẽ thấy rễ bị thối và có màu nâu.

Khi phát hiện trong rẫy ớt có hiện thượng này, phải lập tức nhổ bỏ các cây bệnh và tiêu hủy ngay để diệt mầm bệnh, tránh lây lan qua cây khác và cả các loại cây của vụ rẫy sau. Phòng và trị bệnh cho cây ớt lúc này bằng cách phun cho cây các loại phân bón lá giàu Can-xi như Caltrac, BoroCa, Hợp trí CaSi,… và phun các loại thuốc có gốc Fosetyl Alumium, Metalaxyl theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì, kết hợp việc khai nước ra cho ruộng thông thoáng. Trong bón phân, chú ý dùng phân cân đối, nên tăng cường phân hữu cơ, phân hữu cơ sinh học như Super Humic… Sẽ hiệu quả hơn nếu kết hợp với sử dụng các sản phẩm có chứa nấm đối kháng Trichoderma, nhằm tiêu diệt mầm bệnh trên rẫy. Tuy nhiên, biện pháp hóa học không mang lại hiệu quả hữu hiệu nhất, mà phải dùng biện pháp tổng hợp nói trên, chú ý tuyệt đối không dùng hạt giống có mầm bệnh (lấy ở rẫy có cây bị bệnh) và xử lý đất trước khi xuống giống bằng các loại thuốc gốc đồng có bán nhiều trên thị trường.

5. Bệnh thối xám hại ớt

Trong vụ đông, khi nhiệt độ xuống thấp, kèm theo những đợt mưa phùn kéo dài, tạo nên độ ẩm cao là điều kiện thích hợp cho các loại nấm bệnh phát sinh và phát triển, làm cho cây trồng dễ mắc một số bệnh. Gần đây, qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy cây ớt ở một số vùng thuộc các địa phương như Hà Tây, Hải Phòng, Hải Dương đã bắt đầu bị nhiễm bệnh do một loại nấm mốc màu xám gây ra. Bệnh phát triển khá nhanh, ở vùng bãi ven sông có xu hướng nặng hơn ở nội đồng. Đó là bệnh thối xám (gray mold hay botrytis cinerea). Nếu không kịp thời phòng trừ, trong thời gian tới khi có những giai đoạn mưa phùn kéo dài, bệnh sẽ có nguy cơ phát triển trên diện rộng.

Triệu chứng: Có thể tìm thấy các triệu chứng bệnh xuất hiện trên hoa, quả (trái) non, thân và lá ớt, kể cả ở phần cuống quả và đoạn cuống còn sót lại sau thu hoạch. Ngay từ đầu, những cánh hoa nhiễm bệnh sẽ chuyển màu xám và thối. Sau đó những quả ớt non trong diện tiếp xúc với những cánh hoa này sẽ có màu nâu đậm và bắt đầu mềm rũ. Quả non mang bệnh có nhiều khả năng bị rụng sớm. Trong khi đó, những quả ớt lớn hơn cũng có thể bị bệnh thông qua phần cuống của vòi nhụỵ. Quả bị nấm bệnh một thời gian sẽ bị mềm nhũn ra, biến màu nâu và thối. Vết bệnh trên thân cây thường phát sinh từ phần cuống quả của già còn sót lại sau thu hoạch hay do những cánh hoa bị bệnh bay trong gió và rơi xuống. Nấm mốc màu xám xuất hiện trên hầu hết các vết bệnh, nhưng các vết trên thân và lá không có nhiều nấm này như ở cánh hoa và quả non.

Nguyên nhân và điều kiện phát bệnh:

Nguồn gây bệnh ban đầu là các sợi nấm bay tới từ các ruộng bị bệnh ở kế bên, nhất là đầu hướng gió thổi tới, hay của các vụ trước còn sót lại trong đất. Khi gặp điều kiện thuận lợi như đã nhắc tới ở trên, chúng hình thành các bào tử đính (conidia) và bắt đầu phát tán, đồng thời tạo ra các vết bệnh mới. Nhiệt độ thích hợp nhất cho bệnh bùng phát là vào khoảng 14-200C. Bệnh không chỉ gây hại cho cây trồng ngoài ruộng mà còn có thể tấn công cả cây trong nhà lưới hoặc nhà kính của các trung tâm rau sạch.

Phòng trừ:

Khi trồng cần làm đất sạch, tơi xốp, khô thoáng và chọn trồng những cây non khỏe mạnh, không mang bệnh. Trồng ớt với mật độ vừa phải, không nên quá dày. Khi cần tưới nước, chỉ tưới vào gốc, tránh tưới trên tán lá ớt để hạn chế độ ẩm cao. Nếu phun bổ sung phân bón lá thì nên phun vào buổi sáng của ngày nắng ấm để nước dễ bay hơi. Khi nhiệt độ không khí xuống thấp và độ ẩm cao cần lưu ý phun thuốc phòng bệnh. Tốt nhất, nên phun thuốc phòng tối thiểu một lần trước khi bệnh xuất hiện, điều này rất đáng lưu ý trong phòng trừ bệnh nói chung. Sau đó có thể phun từng đợt, cách nhau 7 đến 14 ngày, tùy theo điều kiện thời tiết và mật độ vết bệnh phát hiện trên ruộng. Khi cây đã bị bệnh, cần xử lý bằng thuốc trừ bệnh. (Báo NNVN đã có dịp giới thiệu về thuốc phòng và trừ bệnh hại cây trồng trên số 1607 ngày 1/4/2003). Nên sớm loại bỏ các lá, quả và thân cây bị nhiễm bệnh vì chúng chính là nguồn gây bệnh cho các cây khoẻ mạnh khác. Có thể kể ra một vài tên hoạt chất (active ingredient) của các thuốc hóa học thường dùng phòng trừ bệnh này như: Folpet, Metalaxyl, Daconil, Benomyl v.v.

6. Bệnh thán thư ớt (còn gọi là bệnh đốm trái – nổ trái)

Triệu chứng bệnh

Vết bệnh lúc đầu là một đốm nhỏ hơi lõm, trên bề mặt vỏ quả. Vết bệnh, thường có hình bầu dục hoặc hình thoi, mầu nâu đen hoặc màu vàng trắng bẩn, kích thước vết bệnh có thể trên dưới 1cm tuỳ thuộc vào giống ớt. Phần ranh giới giữa mô bệnh và mô khoẻ thường có một đường vạch màu đen chạy dọc theo vết bệnh. Trên bề mặt mô bệnh có những chấm nhỏ màu đen đó là đĩa cành của nấm gây bệnh.

Bệnh thán thư làm thối chồi non, chết cây con vườn ươm, đặt biệt làm thối quả, cây bệnh ít quả, kém năng suất và giá trị kinh tế, xuất khẩu. Đặc biệt bệnh thán thư hại ớt cả trong thời kỳ bảo quản sau thu hoạch làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng hạt giống.

Tác nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh thán thư do nhiều loài nấm thuộc loại Colletotrichum gây ra, trong đó hại phổ biến là 2 loài Colletotrichum nigrum Ell et Hals và C. capsici (Syd) Butler and Bisby. Cả 2 loài nấm này thường cùng phá hại làm thối quả ớt rất nhanh. Về đặc điểm hình thái và sinh học của 2 loài nấm trên có những khác biệt, song về điều kiện sinh thái, chúng đều sinh trưởng phát triển thích hợp ở nhiệt độ 28 – 30oC và ẩm độ cao. Đặc biệt bào tử nấm thán thư có sức sống cao, có khả năng chịu đựng khô hạn, dễ dàng phát tán nhờ gió và côn trùng. Nấm gây bệnh tồn tại chủ yếu ở dạng sợi nấm và bào tử phân sinh trên tàn dư lá, thân cành, quả và hạt ớt bị nhiễm bệnh. Vì vậy tàn dư cây ớt bị nhiễm bệnh và hạt giống cũng là những con đường truyền lan bệnh chủ yếu trong tự nhiên.

Nếu vết bệnh có màu trắng trắng xám, bên trong có nhiều vòng đồng tâm nhô lên và có màu vàng nhạt, trên đó có những chấm nhỏ li ti màu vàng do nấm Colletotrichum spp. gây ra (Colletotrichum gloeosprioides; C. capsici; C. acutatum; C. coccodes).

Nếu vết bệnh có màu đen không có nhiều vòng đồng tâm, trong vết bệnh có nhiều chấm nhỏ li ti màu đen, và chỉ gây hại trên trái chín mà thôi, do nấm Volutella sp. gây ra.

Biện pháp phòng trị

– Xử lý hạt giống bằng KMnO4 (0,1%) trong 1 giờ hoặc xử lý nước nóng 52oC trong 2 giờ.
– Gieo trồng ớt ở mật độ thích hợp.

– Nấm tồn tại trong tàn dư thực vật, thu hái các trái bệnh đem thu huỷ.

– Luân canh, không trồng cây họ cà ớt trong vòng 2 – 3 năm.

– Chọn giống kháng bệnh, tăng cường bón thêm phân chuồng hoai mục cho ruộng ớt.

– Tránh trồng ớt trong mùa mưa. Nếu ớt gặp mùa mưa, xem cách chăm sóc và phòng trừ bệnh thán thư trên ớt trong mùa mưa.

– Phun thuốc Copper B 75 WP, Score 250 EC, Appencarb, FOLPAN 50SC, … nồng độ 0,2 – 0,5% khi bệnh gây hại.

– Bón cân đối NPK, đặc biệt để bổ sung đầy đủ nguyên tố vi lượng cho cây ớt có thể sử dụng chế phẩm Bayfolan khoáng chất 11 – 8 – 6 của Công ty Bayer với liều lượng 50ml/bình 16l. Chế phẩm Bayfolan dễ hấp thụ qua lá, thân, rễ cây, giúp cây ớt tăng sức đề kháng, tăng khả năng đậu quả, không rụng hoa và quả.

Trên cây ớt thường bị phá hại bởi các loại côn trùng, sâu ăn lá, sâu đục quả ớt, tạo các vết thương cơ giới rất thuận lợi cho nấm gây bệnh thán thư xâm nhập phá hại. Vì vậy có thể dùng thuốc Bulldock 025EC liều lượng 0,5 – 1lít/ha diệt sâu hại.

Để phòng trừ nấm gây bệnh thán thư ớt, cần sử dụng kịp thời một số thuốc trừ bệnh chủ yếu sau: Thuốc Antracol 70WP (liều lượng 2kg/ha) phun trực tiếp lên lá, cây hoặc quả khi bệnh mới xuất hiện. Thuốc Antracol 70WP ngoài tác dụng phòng trừ trực tiếp nấm gây bệnh thán thư còn có tác dụng bổ sung nguyên tố vi lượng kẽm (Zn++) tinh khiết cho cây ớt, làm tăng sức đề kháng, xanh và cứng cây, chống rụng hoa và quả, đồng thời làm quả ớt có màu sáng đẹp. Nhờ có vi lượng kẽm, thuốc Antracol 70WP còn phòng trừ rất tốt bệnh vàng lá.

Có thể phun luân phiên thuốc Antracol 70WP (1.5 – 2 kg/ha) với thuốc Nativo 750WG (liều lượng 0,12kg/ha), nhờ tác động kép giữa 2 hợp chất trừ bệnh của thuốc Nativo 750WG giúp cây ớt phòng trừ được tất cả các bệnh nấm hại cây và quả ớt kéo dài.

Ngoài 2 loại thuốc trên, người sản xuất cũng có thể dùng luân phiên với thuốc Melody DUO 66,75WP với liều lượng theo khuyến cáo (1kg/ha).

7. Bệnh chết cây con:

Nguyên nhân: Bệnh do nhiều loại nấm sinh sống và gây hại trong đất như Rhizoctonia solani, Pythium, Fusarium, Phytophthora spp. + Triệu chứng: Bệnh xảy ra trong giai đoạn cây con, triệu chứng dễ nhận diện do phần thân cây tiếp giáp với mặt đất bị thối khô có màu nâu đen, cây bị bệnh không đứng thẳng mà ngả sang một bên, lá rũ, còi cọc và chết. Bệnh chết cây con thường thấy khi ẩm độ và nhiệt độ cao. Bệnh thường xuất hiện khi gieo quá dày, tưới nước quá nhiều nhất là khi gieo hạt mùa mưa mà không có giàn che.Phòng trừ: – Không lập vườn nơi quá ẩm ướt không thoát nước tốt hay vườn tối, không đủ ánh sáng, nên làm giàn có mái che.

– Đất vườn ươm phải xử lý trước khi gieo như xử lý vôi, đốt rơm rạ, phơi nắng trước khi trồng…

– Nên bón phân hữu cơ đã hoai mục, hạn chế bón nhiều phân hóa học nhất là đạm.

– Luân canh với các cây trồng khác họ cà (cà, ớt, khoai tây…) để diệt nguồn bệnh.

– Xử lý hạt giống trước khi gieo: Trộn 10 gr thuốc Carbenzim 50WP trong 1 kg hạt giống hay ngâm hạt vào dung dịch nước thuốc với nồng độ 0,1% (pha 1 gr thuốc/1 lít nước) trong 1 – 2 giờ

– Phun thuốc hoá học: Khi thấy cây chớm bệnh phải phun thuốc trừ bệnh ngay, có thể sử dụng các loại thuốc sau: Carbendazim 500 FL, Mexyl MZ 72WP, Alpine 80WP. Nếu cây nhiễm bệnh nặng 5 – 7 ngày phun một lần

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật lấy hạt giống cây Ớt

Ớt là một loài cây kỳ diệu. Loài cây thú vị này tạo ra nhiều giống ớt đến khó tin, với rất nhiều hình dạng, kích thước, màu sắc, và mức độ cay. Nếu thu hoạch đúng cách, quả ớt là một nguồn hạt giống khả dĩ. Những hạt giống này có thể được cất giữ, bảo quản để tạo ra những cây ớt mới từ các giống ớt ưa thích của bạn cho năm tới.

Chọn quả để lấy được hạt giống khỏe mạnh

Để đảm bảo có cơ hội tốt nhất để lấy được những hạt giống khỏe mạnh, bạn phải đảm bảo rằng quả ớt được chọn đã chín hẳn trước khi hái. Quả ớt có thể cần vài tháng để chín hẳn.

Quả ớt sẽ có màu sắc cuối cùng khi nó chín hẳn, và khi đó là lúc tốt nhất để hái quả lấy giống. Màu sắc cuối cùng thường là đỏ hay vàng, nhưng nhiều giống ớt còn có thể có màu nâu, trắng, hồng/cam, cam, hay màu ngà. Quả ớt còn có thể thay đổi sang những màu khác trong quá trình chín. Một quả ớt còn xanh không thể cung cấp hạt giống khỏe mạnh

Nên chờ đợi thêm vài tuần để quan sát. ớt chín sẽ được bảo quản trên cây ớt, trừ khi bị phá hại, trong một khoảng thời gian dài.

Những quả ớt có hình thức khỏe mạnh, cho dù méo mó hay cân đối một cách hoàn hảo, là một nguồn hạt giống khỏe mạnh. Những quả ớt bị gãy, biến màu, và bị sâu ăn có thể bị bệnh/thối và chỉ nên dùng làm phương sách cuối cùng. Tuy nhiên, nếu không bị bệnh thì chúng cũng có thể là một nguồn hạt giống khỏe mạnh. Nhận thức hiện hành về di truyền học là lấy hạt giống ớt từ quả ớt có hình dạng lạ, hay nhỏ bé hơn sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào tới các thế hệ tương lai.

Tránh lấy hạt giống ớt từ những cây ớt bệnh, quả ớt bệnh, hay quả ớt bị mềm vì thối rữa hay bị mốc. Một số mầm bệnh/virut có thể được truyền sang thế hệ hạt ớt tiếp theo.

Chiết xuất và sấy khô hạt giống ớt

Cách sất khô hạt giống ớt rất quan trọng nến bạn muốn hạt giống của mình sống lâu và đảm bảo cây ớt tương lai được khỏe mạnh. Độ ẩm dư thừa còn lại trong hạt ớt khuyến khích sức sống của hạt và hạt giống sẽ chậm mất dưỡng chất và khỏe mạnh cho đến khi chết, hay đơn giản là thối rữa. Độ ẩm còn khuyến khích khuẩn mốc, mầm bệnh và nhiễm nấm và có thể truyền sang thế hệ cây tiếp theo nếu hạt giống không được sấy khô vừa đủ. Tài liệu khoa học về việc lấy hạt giống thường nêu ra rằng hạt giống phải được khử nước (sấy khô) cho đến khi lượng ẩm từ 8% trở xuống. Về thuật ngữ thực hành, nếu hạt giống không giòn sau khi sấy, chúng chưa đủ khô!

Hạt giống có thể được sấy khô bằng khí hoặc sấy khô bằng máy sấy. Cả hai phương pháp đều có ưu điểm và hạn chế mặc dù theo quan điểm thực hành, cách thứ nhất là dễ dàng nhất đối với người trồng ớt nghiệp dư và do đó được mô tả chi tiết trong hướng dẫn này.

Quy trình lấy hạt giống:

Bước 1 – Lựa chọn.

Chỉ chọn những quả ớt chín khỏe mạnh

Bước 2 – Chiết hạt

Hãy cẩn thận chiết hạt ớt từ quả ớt và đặt chúng lên một miếng khăn ăn. Khăn ăn sẽ làm khô hạt ớt để khử ẩm và mọi mảnh vụn bám vào hạt. Hãy kiểm tra hạt ớt và loại bỏ bất cứ hạt nào bị gãy hay phai màu ở giai đoạn này.

Bước 3 – Sấy khô

Có thể sấy hạt ớt trong những cốc nhựa đặt trong ngăn hong bát đĩa trong một vài tuần. Hoặc bạn có thể sấy hạt trên một tờ khay giấy ở đâu đó ấm áp (và ngoài ánh nắng mặt trời) và ngoài tầm tay trẻ em. Hãy đảo hạt ớt vài ngày một lần để đảm bảo lớp dưới cùng của hạt ớt được tiếp xúc với không khí. Không khí thoáng đãng rất quan trọng để đảm bảo hạt ớt khô đều và ngăn ẩm lại.

Bước 4 – Kiểm tra

Sau một tuần hãy kiểm tra hạt giống ớt về độ ẩm. Theo quy luật chung, nếu bạn không thể uốn cong hạt ớt thì chúng chưa đủ khô. Hạt ớt khô phải khá giòn và sẽ không có vết răng khi bạn cắn thử.

Điều cốt yếu để bảo quản hạt giống ớt được khỏe mạnh là duy trì nhiệt độ đều đặn và loại trừ độ ẩm dư thừa. Hạt giống được bảo quản đúng cách có thể duy trì sức sống trong nhiều năm mặc dù khả năng nảy mầm có xu hướng giảm xuống qua thời gian. Vì hầu hết các hạt ớt đều giống nhau, nhãn mác rõ ràng là rất cần thiết. Cũng như tên giống, nên ghi chi tiết nguồn hạt giống, ngày lấy giống và tỷ lệ nảy mầm thành công (nếu lô hạt giống này đã được sử dụng trước đó).

Để duy trì khả năng phát triển của hạt ớt, chúng phải được bảo quản ở nơi tối, mát, khô, thích hợp nhất là từ 2-10oC. Một cách thức ưa thích để bảo quản hạt giống ớt là bảo quản ở đáy tủ lạnh. Các điều kiện mát, tối tương tự như tự nhiên giúp làm chậm sự trao đổi chất của hạt giống ớt. Xin nhắc lại, hãy đảm bảo hạt giống ớt được sấy đủ khô trước khi bảo quản trong tủ lạnh vì lượng nước/ẩm dư thừa có thể phá hoại thành tế bào và hạt giống sẽ chết!

Hoặc hạt giống có thể được bảo quản trong một hộp thủy tinh kín gió với một lượng vừa đủ tác nhân chống ẩm như keo Silic hay Gạo. Tránh bảo quản hạt hộp đựng giống ớt ở những chỗ có ánh nắng mặt trời, gần các vật bức xạ nhiệt hoặc ở những nơi có độ ẩm cao.

Nguồn: Trang ớt tiêu được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng ớt tại Việt Nam

Dưới đây là một số kiến thức cơ bản về các kỹ thuật canh tác cây ớt nói chung ở điều kiện môi trường khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam.

1. Thời vụ trồng ớt:

– Ớt có thể trồng quanh năm ở những nơi có điều kiện thuận lợi;

– Ớt thích hợp nhiệt độ cao từ 25-30oC.

– Ớt có thể trồng được quanh năm nhưng thường tập trung vào 3 vụ chính:

– Ớt Thu Đông: Gieo vào tháng 9 thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 3 năm sau.

– Ớt Đông Xuân: Gieo vào tháng 11- 12 thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 6 năm sau.- Ớt Xuân Hè: Gieo vào tháng 2-3 thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 8 tháng 9.

2. Giống ớt tại Việt Nam:

Một số giống ớt cay phổ biến đang trồng hiện nay: Ớt Sừng Trâu, Chỉ Thiên, Ớt lai TN 255, TN 256… Về phương pháp trồng ớt ngọt, xem hướng dẫn cụ thể.

3. Chuẩn bị đất trồng.

– Chọn đất để trồng ớt:

+ Đất thoát nước tốt, có cơ cấu thoáng xốp như: Đất cát pha, đất thịt pha sét, đất phù sa ven sông và đất canh tác lúa.

+ Đất không hoặc ít nhiễm phèn mặn, có hàm lượng dinh dưỡng khá, pH đất = 5,5-6,5.

+ Có nguồn nước tưới tốt và giao thông vận chuyển sản phẩm thuận tiện.

Đất chuẩn bị trồng phải được luân canh lúa, bắp, đậu… tối thiểu 3 năm, vụ trước không trồng cây thuộc họ cà như: ớt, cà chua, cà tím,… để phòng nấm bệnh trong đất truyền cho ớt. Đất phải được cày bừa tơi xốp, sạch cỏ và thoát nước tốt. Mùa mưa cần phải lên líp cao kích thước trung bình: mặt liếp rộng 1m, chiều cao 20 – 30cm và mương thoát rộng 40 cm. Nên sử dụng màng phủ nông nghiệp (Plastic) để trồng ớt rất tốt. Dùng màng phủ nông nghiệp chiều ngang 1,2m trồng hàng đôi, cách làm đất, bón lót, trải màng phủ giống như trải trồng dưa hấu.

– Kỹ thuật làm đất:  Làm đất kỹ, cày xới sâu 20- 25cm, phơi ải 10-15 ngày, lên luống cao 20cm, rộng 1m.(có thể cao hoặc rộng hơn tuỳ theo vùng đất)

4. Gieo hạt:

– Ngâm ủ hạt giống:

Lượng hạt giống cần cho 1 ha tùy thuộc vào giống và tỷ lệ nảy mầm, trung bình khoảng 150 – 200g/ha.

Ngâm hạt giống trong nước sạch không bị phèn mặn từ 6 – 8 giờ, sau đó ngâm ướt với thuốc trừ nấm Funomyl (1g thuốc pha với 1 lít nước) trong 30 phút, vớt lên rửa sạch để ráo nước, lấy khăn ẩm gói hạt lại và cho vào bao nylon cột kín miệng để hạn chế bốc thoát hơi nước. Sau cùng đem gói giống ủ ở nhiệt độ từ 27 – 280C. Hầu hết các giống ớt bắt đầu nảy mầm từ 48 giờ sau. Đem gieo những hạt đã nứt mầm, đừng để hạt ra rễ quá dài, cây mầm sẽ lên yếu và khi gieo dễ bị gãy mầm.

Chuẩn bị gieo hạt: Nên gieo hạt vào bầu đất, bầu thường làm bằng nylon hay lá chuối. Thành phần đất trong bầu thông thường có tỷ lệ như sau:

– Đất mặt tơi xốp: 60%

– Phân chuồng hoai mục: 29%

– Tro trấu: 10%

– Phân lân: 0,5 – 1%

– Vôi: 0,2 – 0,3%

Trộn đều các thành phần trên và sàng kỹ để loại bỏ rác và cục đất to trước khi cho vào bầu.

Sau khi gieo hạt vào bầu, rải một lớp mỏng phân chuồng hoai sàng kỹ để lấp kín hạt, rải một lượt thuốc Basudin hạt đề phòng kiến và dế, sâu đất phá hại. Tưới đẫm nước, giữ ẩm để hạt dễ nảy mầm. Chăm sóc cây con phải phòng trừ sâu bệnh tốt, nếu cây thiếu phân có thể tưới NPK, DAP và Urê hoặc phân vi sinh ra rễ Bảo Đắc.

Khi cây có từ 4-5 lá thật (25-35 ngày sau gieo), chọn những cây phát triển tốt, không bị nhiễm sâu bệnh, có thể tiến hành đem ra trồng. Mật độ khoảng cách trồng tùy thuộc vào giống, đất đai và khí hậu, mật độ cao cây sẽ có sự cạnh tranh ánh sáng, phân bón, nhiều sâu bệnh ảnh hưởng đến năng suất.

Khoảng cách trồng – mật độ:

+ Vào mùa khô: hàng đôi cách hàng đôi 1,2 – 1,4m, hàng cách hàng của hàng đôi 0,6 mét, cây cách cây trên hàng 0,6m. Mật độ trung bình từ 1.700 – 1.900 cây/1.000m2.

+ Vào mùa mưa: hàng cách hàng từ 1,2 – 1,4m, cây cách cây trên hàng 0,7m. Mật độ trung bình từ 1.400 – 1.500 cây/1.000m2.

Lưu ý:

– Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh (như Thianmectin 0.5ME + Thane M 80WP ở liều nhẹ) 3 ngày trước khi đem trồng.

– Một ngày trước khi trồng phải cung cấp đủ nước để giúp cây con phát triển tốt ngoài đồng.

– Trồng cây con sao cho mặt bầu ngang bằng với mặt đất ngoài đồng. Sau khi trồng nên tưới phân vi sinh ra rễ Bảo Đắc để giúp cây ra rễ tốt và phòng bệnh chết cây con.

5. Chăm sóc ớt:

– Tưới nước: Mùa mưa cần đảm bảo thoát nước tốt, mùa nắng phải tưới nước đầy đủ. Tưới rãnh (tưới thấm) là phương pháp tốt nhất, tiết kiệm nước, không văng đất lên lá, giữ ẩm lâu, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. (Chú ý: Khi trên ruộng có cây bị bệnh do các tác nhân gây bệnh ở trong đất thì hạn chế phương pháp tưới này mà chuyển sang tưới hốc hoặc tưới phun và giảm tối đa lượng nước tưới). Trong thời gian cây ra hoa và kết trái cần cung cấp đủ nước để ngăn ngừa rụng bông rụng trái. Tưới quá ẩm hay để quá khô hạn dễ xảy ra các trường hợp sau:

+ Rụng hoa, rụng trái

+ Cây phát triển kém

+ Giảm số bông, giảm chất lượng trái, năng suất thấp

– Tỉa nhánh: Tỉa bỏ các cành, lá dưới điểm phân cành để cây ớt phân tán rộng và gốc được thông thoáng, hạn chế sâu bệnh phát triển – cho năng suất cao. Nên tỉa cành lúc nắng ráo.

– Làm giàn: Giàn được làm bằng cây hay dây ni lông. Giàn giữ cho cây đứng vững, dể thu trái, kéo dài thời gian thu hoạch, hạn chế trái bị sâu bệnh do đỗ ngã. Mỗi hàng ớt cắm 2 trụ cây lớn ở 2 đầu, dùng dây căng dọc theo hàng ớt nối với 2 trụ cây, khi cây ớt cao tới đâu căng dây tới đó để giữ cây đứng thẳng.

Cây ớt mang nhiều trái gặp gió mạnh dễ đổ ngã, nên cắm le (cây le dài khoảng 1m) chống đỡ, mỗi cây ớt cắm một cây le, cắm xiên buộc vào thân chính, có thể dùng dây nylon giăng dọc theo hàng để đỡ cành mang trái, hạn chế cành bị gãy khi mang trái nặng.

Bón phân:

– Lượng phân bón (500m2):

+ Phân chuồng: 500 – 1.000kg + NPK: 27- 29kg

+ Phân lân: 25kg + Kali: 10kg

+ Vôi: 50kg + Urê: 10kg

+ Ca(N03)2: 6kg

– Cách bón:

Bón lót (Trước khi trồng): 50kg vôi và 500 -1.000kg phân chuồng hoai, 25kg super lân, 1,5kg Kali, 1kg Calcium nitrat, 5 – 7kg phân NPK (16-16-8). Sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế cỏ dại, sâu bệnh, giảm hao hụt phân bón, nước tưới

Bón phân thúc: Phân nên chia làm 4 lần bón: (Có thể kéo dài hơn tuỳ theo thời gian thu hoạch).

+ Lần 1: 20 – 25 ngày sau khi trồng: 2kg Urê + 1,5kg Kali + 5kg NPK (16-16-8) + 1kg Calcium nitrat.

+ Lần 2: Khi ớt đã đậu trái đều: 3kg Urê + 2,5kg Kali + 5kg NPK (16-16-8) + 1kg Calcium nitrat.

+ Lần 3: Khi bắt đầu thu trái: 3kg Urê + 2,5kg Kali + 7kg NPK (16-16-8) + 1,5kg Calcium nitrat.

+ Lần 4: Khi thu hoạch rộ: 2kg Urê + 2kg Kali + 5kg NPK (16-16-8) + 1,5kg Calcium nitrat.

Chú ý: Trong giai đoạn nuôi trái, trái ớt thường bị thối đuôi do thiếu canxi. Vì vậy, cần phun bổ sung thêm Canxi, có thể bằng Clorua canxi (CaCl2) phun định kỳ 7-10 ngày/lần. Đồng thời, phun thêm phân vi lượng có Bo để ớt dễ đậu trái và ngừa trái bị sẹo.

Ghi chú:

– Kết hợp làm cỏ, lấp phân, vun gốc mỗi lần bón thúc phân. Rễ cây ớt rất mẫn cảm (dễ bị tổn thương) với phân bón do đó khi bón phân hóa học phải xa gốc, tưới phân và phun phân bón lá phải đúng liều lượng.

– Các lần bón thúc kế tiếp cứ cách 20 ngày bón 1 lần với loại, lượng phân như bón thúc lần 2 (trừ phân chuồng) (có thể ngâm phân, pha loãng với nước tưới gốc theo hàng).

– Lần bón thúc thứ 3 rải phân giữa 2 hàng đôi lấp phân.

– Lần bón thúc thứ 4, 5, 6… lặp lại thứ tự như lần bón thứ 2, 3 …

– Khi cây con còn nhỏ hoặc giữa 2 lần bón thúc, tưới NPK hoặc DAP với lượng pha loãng 2 – 3% với nước vào gần gốc nếu cần, kết hợp phun phân vi sinh phun lá Bảo đắc 15 ngày/lần.

– Khi trái ớt bắt đầu lớn, phun định kỳ CaCl2 khoảng 0,4% nửa tháng một lần để phòng bệnh thối đuôi trái.

6. Thu hoạch:

Thu hoạch ớt khi trái bắt đầu chuyển màu – trước khi chín, thu trái già chuyển màu có vết đỏ (bắt đầu chín) làm cho kích thích ra hoa nhiều tạo năng suất cao hơn cho đợt sau. Ngắt cả cuống trái, tránh làm gãy nhánh. Ớt cay cho thu hoạch 35- 40 ngày sau khi trổ hoa. Ở các lứa rộ, thu hoạch ớt mỗi ngày, bình thường cách 1-2 ngày thu 1 lần.
Thông thường từ 35 – 40 ngày sau khi đậu trái có thể bắt đầu chín và thu hoạch được. Nếu chăm sóc tốt, bón phân đầy đủ, ớt có thể cho nhiều đợt trái, năng suất có khả năng đạt trung bình từ 25 – 35 tấn/ha hoặc cao hơn.

Nguồn: Sites.google.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

7 loại thuốc trừ sâu thiên nhiên có thể tự chế tại nhà

1. Nước cây xoan (cây sầu đâu)

Người Ấn Độ cổ đại rất coi trọng chất dầu từ cây xoan bởi tác dụng đuổi các loài gây hại cho côn trùng. Thực tế, nước từ quả xoan và lá cây còn có thể làm dung dịch trừ sâu bởi chất đắng chứa bên trong.

Dầu từ cây xoan bởi tác dụng đuổi các loài gây hại cho côn trùng

Cụ thể, người dùng hòa 15 ml dầu xoan và một phần thìa cà phê nước rửa bát vào khoảng 1,9 lít nước ấm, khuấy đều rồi cho vào bình xịt. Dầu xoan có thể thay bằng dung dịch nước từ quả hoặc lá xoan phơi khô, nghiền nhỏ. Dung dịch này có hiệu quả với hầu hết các loại sâu, rệp.

2. Dầu khoáng nông nghiệp

Dầu khoáng được chưng cất từ dầu mỏ ở 30-40 độ C có khả năng trừ sâu mà không làm cháy lá cây. Để làm dung dịch diệt trừ sâu bọ, người dùng trộn khoảng 5-10 ml dầu khoáng với một lít nước, khuấy đều rồi cho vào bình xịt. Đây là thuốc trừ sâu hiệu quả với những loại côn trùng và trứng của chúng. Cụ thể, dầu giúp bịt các lỗ thở, làm sâu ngạt thở và chết, làm trứng sâu bị ung, đồng thời hạn chế sâu hại tìm đến cây chủ.

Nông dân thường dùng dầu khoáng để diệt trừ nhện hại, rầy, rệp, bọ trĩ và hạn chế ruồi, sâu đục quả. Tuy nhiên, người dùng không phun dầu khoáng trong giai đoạn cây ra hoa hoặc dưới trời nắng nóng.

3. Dung dịch từ ớt và tỏi, gừng

Các loại củ, quả như ớt, tỏi, gừng… chứa hàm lượng axit lớn, tác động đến các bộ phận như mắt, da của các sâu bọ và côn trùng hại. Để làm dung dịch này, người dùng băm nhỏ ớt, tỏi, gừng theo tỷ lệ 1: 1: 1, sau đó thêm khoảng 3 lít rượu vào hỗn hợp và để ngâm trong khoảng 15 ngày.

Các loại củ, quả như ớt, tỏi, gừng… chứa hàm lượng axit lớn, tác động đến các bộ phận như mắt, da của các sâu bọ và côn trùng hại

Khi phun, dung dịch được hòa với nước theo tỷ lệ 200ml tỏi gừng ót với 12 lít nước cho một sào. Loại thuốc trừ sâu thảo mộc này có thể để tới 4, 5 tháng.

4. Trà hoa cúc

Hoa cúc chứa một thành phần hóa học thực vật mạnh có tên gọi pyrethrin. Chất này sẽ xâm chiếm hệ thần kinh của côn trùng và làm chúng không hoạt động được.

Có thể chế tạo dung dịch thuốc trừ sâu từ hoa cúc

Người dùng có thể tự chế dung dịch thuốc trừ sâu từ hoa cúc bằng cách đun sôi 100 gram hoa cúc phơi khô với một lít nước trong vòng 20 phút, sau đó, lọc lấy nước, để nguội rồi cho vào bình xịt. Loại thuốc này hiệu quả đối với động vật có máu lạnh, côn trùng và động vật không xương sống. Nước hoa cúc giữ được tới 2 tháng. Người dùng có thể trộn thêm với dầu cây xoan để tăng hiệu quả.

5. Dung dịch từ thuốc lào

Dung dịch từ thuốc lào từng được sử dụng để tiêu diệt sâu hại, nhộng bướm, rệp và các loài nhuyễn thể như sên. Để điều chế, người dùng trộn thuốc lào hoặc lá, thân của cây thuốc lá đã phơi khô với 3,7 lít nước và ngâm hỗn hợp qua đêm. Sau 24 giờ, hỗn hợp ngâm có màu nâu nhạt, nếu dung dịch quá sẫm màu, người dùng nên thêm nước. Thời điểm thích hợp để phun dung dịch này là khi nhiệt độ khoảng trên 30 độ C. Hỗn hợp có thể dùng cho hầu hết các loại thực vật ngoại trừ các cây thuộc họ cà như cà chua, ớt, cà tím…

6. Cây ruốc cá

Cây ruốc cá (cây dây mật) được sử dụng để diệt trừ sâu bọ, côn trùng, rầy xanh, rệp bông… Tại một số vùng ở nước ta, người dân hái cây duốc cá tươi, làm thành vòng treo trên sừng những con trâu bị dòi hay có ký sinh.

Để điều chế thuốc trừ sâu rầy từ cây ruốc cá, bạn ngâm rễ cây rồi giã, vắt lấy nước, sau đó đem phun. Ngoài ra, hạt cây khi rang lên, giã thành bột cũng có thể đem ngâm nước rồi phun. Khoảng 7kg bột cây ruốc cá có thể ngâm với 400 – 500 lít nước và phun cho khoảng một ha.

Thuốc bảo vệ thực vật từ cây ruốc cá cho hiệu quả 70-80% với sâu ba ba hại rau muống, rầy xanh hại chè, rầy bông, tuy nhiên không độc với bọ rùa, ong mắt đỏ.

7. Cây nghể răm

Cây nghể răm không độc với người nhưng độc với các loài nhuyễn thể, giun, sán, rệp muội, các loại sâu ăn lá nên loại cây này còn được dùng để trị các bệnh về giun sán và tiêu hóa.

Người dùng lấy cây nghể răm giã nhuyễn, ngâm với khoảng 3 lít nước ấm (tỷ lệ pha 3 sôi : 2 lạnh) sau đó lọc, pha lại với 8 lít nước để phun cho diện tích 500m².

Ngoài ra, bạn có thể đun 4kg cây nghể răm trong 8 lít nước, sau khi sôi khoảng 20 phút thì tắt bếp để ngâm qua đêm, sau đó lọc và đem phun cho 500m2 ruộng. Để tăng hiệu quả, người dùng có thể pha thêm với dung dịch thuốc lào.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Ớt ngăn ngừa và chữa chứng loét dạ dày

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã công bố một báo cáo mới bất ngờ về công dụng của ớt, theo đó ớt là thức ăn tốt cho những người bị loét dạ dày.

Theo báo cáo nói trên, ớt không những không gây loét dạ dày như người ta vẫn tưởng, ngược lại có thể ngăn ngừa hoặc làm lành chỗ bị loét.

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được trong quả ớt có chất capsaicin có tác dụng ngăn chặn việc tạo ra axít chua, kích thích quá trình tạo kiềm và tăng lượng máu chảy vào niêm mạc dạ dày giúp ngăn ngừa tình trạng loét hoặc làm lành những vết loét.

Những nhà nghiên cứu trên còn dẫn một nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ bị loét dạ dày ở những người ăn nhiều ớt thấp 3 lần so với những người ăn ớt trung bình và chất capsaicin có tác dụng kích thích các tế bào thần kinh trong dạ dày tăng cường bảo vệ chống lại những kích thích có thể gây loét dạ dày.

 Ớt ngăn ngừa và chữa chứng loét dạ dày

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam