Kỹ thuật trồng ớt Tiela hiệu quả cao

“Ớt lai Tiela thu bạc tỷ”, theo yêu cầu của bạn đọc, nay chúng tôi giới thiệu qui trình kỹ thuật trồng giống ớt này nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ớt lai Tiela thu bạc tỷ

Đây là giống có khả năng thích ứng rộng, trồng được ở nhiều vùng, nhiều vụ trong năm.

Chuẩn bị đất

Làm sạch cỏ, cày bừa đất tơi xốp, lên luống thoát nước, bón 30-50 kg vôi/1.000m2. Sau khi bón vôi 10-15 ngày thì tiến hành bón lót, lên luống. Ở khu vực miền Nam có thể sử dụng luống sẵn có, cần bón vôi bổ sung để cải tạo đất.

Khoảng cách trồng: hàng cách hàng 0,8-1,2 m. Cây cách cây 0,4-0,5 m.

Ươm cây con

Lượng hạt cần cho 1.000m2: Khoảng 20-25 g (4-5 gói), riêng khu vực Tiền Giang do tập quán trồng dày nên cần 30-35 g (6-7 gói).

Nên gieo hạt trong vườn ươm hoặc trong khay. Trước khi trồng một tuần, cần “luyện” cho cây con cứng cáp bằng cách tháo hết lưới che cho cây tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Để cây bắt đầu hơi héo mới tưới nước và mỗi lần tưới cần tưới thật đẫm.

Trồng cây con từ 20-30 ngày tuổi. Nên tưới đẫm nước trước khi trồng 2-3 giờ.

Bón phân

Tùy thuộc vào điều kiện đất đai và mùa vụ trồng để lựa chọn loại phân và liều lượng bón cho thích hợp. Dưới đây là lượng phân bón tham khảo cho 1.000m2:

+ Bón lót: 2-3 m3 phân chuồng, có thể thay thế bằng các loại phân hữu cơ sinh học hoặc hữu cơ vi sinh, 10-15 kg NPK 16-16-8, 30-50 kg super lân

+ Bón thúc lần 1 (sau trồng 20-25 ngày): 20-25 kg NPK 16-16-8, 3-5 kg urê, 2-3 kg KCl, 2 kg Calcium nitrat.

+ Bón thúc lần 2 (sau trồng 40-50 ngày): 20-25 kg NPK 16-16-8, 3-5 kg urê, 7-9 kg KCl, 2 kg Calcium nitrat.

+ Bón thúc lần 3 (sau khi thu 2-3 lứa): 15-20 kg NPK 16-16-8 + 3-5 kg urê và 7-9 kg KCl, 2 kg Calcium nitrat.

Kết hợp các lần bón phân với vun gốc. Giai đoạn đầu nếu rễ kém phát triển, sử dụng thêm các loại phân kích thích rễ để tưới hoặc phun như Roots 2, Orgo Root, Bio 8…

Ruộng ớt Tiela trong giai đoạn ra hoa

Chú ý: Có thể sử dụng thêm phân bón lá có chứa Ca và các chất vi lượng. Khi sử dụng phân bón lá cần chú ý hàm lượng đạm, lân, kali ghi trên bao bì. Giai đoạn cây mang trái thì không sử dụng các loại phân bón lá có hàm lượng đạm cao, nhất là trong mùa mưa vì sẽ tăng bệnh thán thư (nông dân thường gọi là nổ trái). Lúc cây ra hoa nên phun CaCl2 hoặc CaBo theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.

Phòng trừ sâu bệnh

Sâu hại:

+ Bọ trĩ, rầy mềm, nhện đỏ, bọ phấn chích hút: Cần phòng ngừa bằng cách dọn sạch cỏ dại, tỉa bớt cành nhánh để cây được thông thoáng, hạn chế điều kiện ẩn nấp của rầy và dễ xịt thuốc. Xịt thuốc ngay khi phát hiện trên ruộng có các côn trùng chích hút bằng các loại thuốc như: Confidor, Radian, Voliam targo, Actara… Dùng luân phiên các loại thuốc để tránh kháng thuốc, không nên pha trộn nhiều thuốc để phun.

+ Các loại sâu ăn lá và sâu đục trái (sâu xanh, sâu ăn tạp…). Phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, phun các loại thuốc: Nockthrin, Proclaim, Voliam targo…

Bệnh hại:

+ Để phòng trừ bệnh hại cần chú ý bón phân đầy đủ và cân đối, trồng với mật độ vừa phải, vệ sinh đồng ruộng cho thông thoáng, làm đất tơi xốp, thoát nước tốt, kịp thời cắt bỏ và tiêu hủy phần cây bị bệnh để tránh lây lan.

+ Bệnh héo xanh do vi khuẩn: Để phòng ngừa cần đảm bảo đất thoát nước tốt. Khi phát hiện cây có triệu chứng nhiễm bệnh cần nhổ bỏ và tiêu hủy, rải vôi nơi cây bị bệnh. Cần luân canh với các cây không thuộc họ cà như bắp, đậu, các loại rau ăn lá, lúa…

+ Bệnh thán thư: Dùng luân phiên các loại thuốc trừ nấm như Ridomil gold, Score, Amistar, Amistar top…

+ Bệnh cháy lá, thối ngọn: Bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa. Sử dụng các loại thuốc diệt nấm như Mancozeb, Kasuran, Ridomil gold, Score, Revus opti, Amistar top…

                                                Nguồn: Báo Nông Nghiệp, kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Bón phân đúng cách, lợi nhuận trồng Ớt thấy rõ

Ít được nhắc đến như nhiều loại cây trọng điểm khác, nhưng cây ớt dần được nông dân lựa chọn. Cây ớt cho lợi nhuận khá nếu biết áp dụng đúng kỹ thuật gieo trồng cũng như chăm sóc bằng dòng phân bón thích hợp.

Nhánh ớt được thu hoạch từ mô hình tại ruộng ớt của anh Tâm

Bà con ở ấp 3 xã An Phong, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp vui tươi rộn ràng bởi chương trình trình diễn phân bón trên cây ớt của Đạm Cà Mau đến giai đoạn tổng kết, thu hoạch. Nếu như tập quán canh tác cũ cho lợi nhuận bấp bênh thì dịp này, bà con được sử dụng công thức bón mới mang lại hiệu quả cao, ổn định mà chi phí thấp bằng việc sử dụng trọn bộ phân bón dinh dưỡng Đạm Cà Mau, trong đó có loại cao cấp NHumate + TE Cà Mau.

Vào mùa con nước rút trả lại phù sa màu mỡ là thời điểm tốt nhất cho cây ớt sinh trưởng phát triển. Trên cánh đồng thực nghiệm chia đôi, hai tập quán canh tác cùng hạt giống, thời điểm và kỹ thuật nhưng chăm sóc bằng dòng phân bón khác nhau đã cho kết quả hoàn toàn khác biệt.

“Gia đình tui canh tác nhiều năm nay nên nắm rõ đặc tính của cây ớt. Nhưng để SX đạt hiệu quả cao thì vẫn đang loay hoay. Đợt thực nghiệm tui bón đúng cách hướng dẫn của công ty và các kỹ sư Đạm Cà Mau cho bộ sản phẩm phân bón đã mở ra cách nhìn mới, phải thay đổi tập quán SX cũ, tiếp thu kỹ thuật mới thì mới giảm chi phí mà nhanh giàu”, chủ hộ Lê Chí Tâm, xã An Phong, huyện Thanh Bình chia sẻ.

4 công ruộng của anh Tâm được chia đôi, sau hơn 60 ngày trồng thực nghiệm, giữa tháng 1/2018, gia đình anh đã có thể thu hoạch rộ, chi phí giảm 8% lại cho lợi nhuận gấp rưỡi. Số trái ở ruộng trình diễn trung bình 85 trái/cây so với ruộng đối chứng là 77 trái/cây. Trên phần ruộng thực hiện mô hình, nếu phần ruộng đối chứng bón urea, DAP khác và NPK năng suất 2,1kg thì ruộng thực nghiệm dùng N.Humate chủ lực, kết hợp DAP, Kali Cà Mau theo giai đoạn bón cho năng suất đến 2,4 kg.

N.Humate Cà Mau hầu như đáp ứng đủ điều kiện phát triển của cây ớt, không chỉ giúp bộ rễ chùm phát triển nhanh mạnh, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng để ra hoa đều mà còn tăng số nhánh trên cây, phần nào quyết định đến số lượng trái.

Anh Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Đồng Tháp phát biểu tổng kết mô hình

Với mô hình thực nghiệm này, anh Tâm tiết giảm tổng chi phí vật tư và nhân công, tính ra giá thành sản xuất chỉ 6.390 đ/kg ít hơn so với 7.775 đ/kg trước đây, trái ớt to, chắc mẩy bán được giá thu về lợi nhuận gần 321 triệu đồng/ha cao hơn so với 257 triệu đồng/ha vụ cũ.

Niềm vui được mùa xen lẫn niềm vui xuân mới, anh Tâm phấn khởi trước cánh đồng ớt rực đỏ như hồng thêm nét mặt của hy vọng. Anh tâm huyết chia sẻ với bà con tại hội thảo tổng kết mô hình trình diễn vừa rồi như vừa khoe thành tích lại vừa mong mỏi bà con áp dụng cách trồng từ những hướng dẫn này.

Từ đây, cả anh và bà con trong vùng có thể tin tưởng vào một hướng đi mới cho cây ớt quê nhà, thay đổi tập quán cũ, canh tác bằng kiến thức mới và thành tựu nông nghiệp hiện đại sẽ trúng mùa, lời đậm từ loài cây tưởng nhỏ bé như ớt.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.