Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khoai tây.

Ở Việt Nam, khoai tây là một trong những cây thực phẩm quan trọng và đặc biệt là một cây hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao. Chỉ trong vòng 90 ngày, từ khi trồng đến khi thu hoạch, cây khoai tây cho giá trị thu nhập cao gấp từ 2 đến 3 lần giá trị thu nhập so với cây lúa. Khoai tây được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc, Vùng Bắc Trung bộ, Tây Nguyên.

Cây khoai tây.

1. Chọn đất, chuẩn bị đất và giống

a) Chọn đất

Cây khoai tây thích hợp với chân đất tơi xốp, đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa ven sông với thành phần cơ giới nhẹ thoát nước và giữ ẩm tốt, quy hoạch tập trung, gọn vùng, chủ động tưới tiêu, tốt nhất là ruộng luân canh với lúa nước.

b) Làm đất

Vơ sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng vụ trước. Nếu đất còn ướt áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu. Nếu đất khô tiến hành cày bừa và lên luống. Đất sau khi gặt lúa xong, cắt rạ sát gốc, tiến hành cày rãnh để thoát nước và chia luống.

Luống đơn trồng bằng 1 hàng, luống rộng 60 – 70 cm, cao 20 – 25 cm.

Luống đôi trồng 2 hàng, luống rộng 120 – 140 cm, rãnh rộng: 30 – 40 cm, sâu 15 – 20 cm.

Việc làm rãnh nhằm mục đích thoát nước, tránh không để úng nước ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây khoai tây.

c) Chuẩn bị giống

Giống khoai tây có thể để nguyên cả củ trồng nếu là loại củ giống nhỏ. Nếu củ giống to (khối lượng≥ 50 g/củ) nên cắt củ giống trước khi trồng. Ngoài biện pháp cắt củ giống, xử lý bằng cách nhúng vào bột xi-măng, tro bếp, có thể áp dụng biện pháp cắt dính. Phương pháp này bao gồm các bước sau đây:

Chuẩn bị củ giống:

– Củ giống được đem cắt phải có độ trẻ về sinh lý. Tốt nhất là dùng củ giống từ nguồn nhập khẩu hoặc củ giống được bảo quản trong kho lạnh.

– Củ giống khi cắt phải hết thời gian ngủ nghỉ (đã phát mầm).

Chuẩn bị vật liệu và xử lý dao cắt:

– Vật liệu xử lý: Khi áp dụng cắt củ giống thì việc xử lý dao cắt phải rất chú ý; có thể xử lý dao bằng cồn công nghiệp, lửa đèn cồn hay lửa ngọn nến hoặc nước đun sôi bằng bình siêu tốc.

– Dao cắt: Phải sắc và mỏng, không được dùng dao có bản dày, để tránh làm dập nát tế bào ở chỗ cắt.

-Sau mỗi lần cắt nhất thiết phải xử lý lại dao cắt để tránh lây lan bệnh từ củ bị bệnh sang củ sạch bệnh.

Phương pháp và tiêu chuẩn miếng cắt:

-Cắt dọc củ theo chiều của mầm đỉnh với tiết diện miếng cắt phải là nhỏ nhất, để tránh gây thương tổn không cần thiết.

– Cắt củ giống phải tuân thủ tuyệt đối theo phương pháp cắt dính, nghĩa là miếng cắt không rời hẳn ra mà còn dính lại khoảng 2 – 3 mm.

– Cắt củ xong, phải úp ngay hai miếng cắt còn dính lại với nhau (như trước khi cắt) rồi xếp vào khay đựng hoặc rổ, rá và không được cho vào bao tải ẩm ướt.

– Không cần xử lý củ giống sau cắt với bất kỳ loại hoá chất nào.

– Để đảm bảo năng suất khoai tây, mỗi miếng cắt phải có ít nhất 2 mầm trở lên.

– Mỗi củ giống chỉ nên cắt đôi, không nên cắt làm 3 hay 4.

Phương pháp và thời gian bảo quản củ giống sau cắt:

– Sau khi cắt, củ giống phải được bảo quản trong điều kiện 18 – 20 độC, thoáng khí.

– Thời gian để miếng cắt lành lại vết thương mất khoảng 7 – 10 ngày. Trước khi trồng 1 – 2 ngày nên tách hẳn miếng cắt ra làm đôi để’ miếng cắt lành hoàn toàn.

2. Thời vụ trồng

a) Vùng Đồng bằng Bắc bộ: Có 3 vụ:

– Vụ Đông Xuân sớm: Trồng đầu tháng 10, thu hoạch vào tháng 12.

– Vụ chính: Trồng từ 15/10 – 15/11, thu hoạch vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm sau.

– Vụ Xuân: Trồng tháng 12, thu hoạch vào đầu tháng 3 năm sau.

b) Vùng miền núi phía Bắc

– Vùng núi thấp <1000 m: Vụ Đông trồng tháng 10, thu hoạch tháng 1 năm sau. Vụ Xuân trồng tháng 12, thu hoạch cuối tháng 3.

– Vùng núi cao >1000 m: Vụ Thu Đông trồng đầu tháng 10, thu hoạch tháng 1. Vụ Xuân trồng tháng 2, thu hoạch tháng 5.

c) Vùng Bắc Trung bộ

Chỉ trồng vụ Đông: Trồng đầu tháng 11, thu hoạch cuối tháng 1.

d) Vùng Tây Nguyên (Lâm Đồng)

Vùng chuyên canh sản xuất khoai tây tại Tây Nguyên chủ yếu là ở tỉnh Lâm Đồng. Lâm Đồng có thể sản xuất khoai tây quanh năm nhưng mùa vụ thuận lợi nhất vẫn là vụ Đông xuân và vụ Xuân, kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

3. Mật độ, khoảng cách

– Lượng giống: Trung bình 830 – 1.100 củ/ha. Có thể trồng với lượng củ cao hơn tùy thuộc vào tập quán từng vùng và loại củ giống.

– Mật độ: Với củ nhỏ: Cứ 1 m2 trồng 10 củ, cách nhau 17 – 20 cm. Với củ bình thường: 1 m2 trồng 5 – 6 củ, cách nhau 25 – 30 cm.

4. Cách trồng

a) Cách trồng khoai tây nguyên củ

Bón lót phân chuồng hoặc rải một lớp rơm rạ đã ủ hoai mục, đạm và lân xuống đáy rồi lấp 1 lớp đất mỏng lên phân. Đặt củ giống so le nhau, nằm ngang và mầm khoai hướng lên trên. Chú ý không để củ giống tiếp xúc với phân, nhất là phân hóa học. Phủ một lớp đất mỏng (3-5 cm) lên củ giống; sau đó dùng rơm rạ phủ lên mặt luống. Tưới nước ướt đều lên mặt luống làm ẩm rơm rạ và đất; nếu độ ẩm đất còn cao không cần tưới. Có thể dùng đất đè lên rơm rạ tránh rơm rạ bay nếu gió mạnh.

b) Cách trồng khoai tây bổ củ

Rạch hàng trên mặt luống, rải toàn bộ phân chuồng hoai mục và lân vào rạch trộn đều với đất trong rạch. Đặt củ giống hay miếng bổ vào rạch, chú ý tuyệt đối không để mặt cắt của miếng bổ tiếp xúc trực tiếp với phân, đặt mầm hướng lên trên, rồi phủ kín mầm bằng 1 lớp đất dày từ 3 – 4 cm, không được để hở mầm.

Gieo củ.

5. Bón phân

a) Lượng phân bón

– Lượng phân bón bình quân cho 1 ha: Phân chuồng loại mục: 15 – 20 tấn; Đạm urê: 250 – 300 kg; Lân supe: 350 – 400 kg; Kali clorua: 150 – 200 kg. Chú ý: tùy thuộc vào chất đất có thể điều chỉnh lượng phân bón cao lên hoặc thấp đi.

Nếu dùng phân NPK cần đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì và quy đổi về dạng phân đơn để điều chỉnh lượng bón cho phù hợp và cân đối.

Nếu bón phân NEB 26 thì giảm đi 50% đạm (trộn 7 ml NEB 26 với 1 kg đạm để bón sẽ có tác dụng như 2 kg đạm). Không phun NEB26 lên lá và không trộn NEB26 với phân khác ngoài đạm.

b) Cách bón

– Bón lót: Rải toàn bộ phân chuồng và lân + 1/3 đạm + 2/3 kali lên trên mặt luống giữa hai hàng khoai.

– Bón thúc lần 1: Sau khi cây mọc cao 15 – 20 cm: 1/3 đạm, 1/3 kali. Bón vào mép luống hoặc giữa 2 khóm khoai, không bón trực tiếp vào gốc cây vì dễ làm cây chết.

– Bón thúc lần 2: Sau thúc lần 1: 15 – 20 ngày: 1/3 đạm, 1/2 kali.

Chú ý: Bón lót nhiều kali sẽ cho củ to, mẫu mã đẹp. Không bón phân chuồng tươi vì có nhiều vi khuẩn nấm bệnh làm cho mã củ không đẹp và khoai dễ bị thối. Chỉ dùng phân chuồng hoai mục.

6. Chăm sóc

a) Phủ luống

Sau trồng có thể phủ luống khoai tây bằng chất liệu hữu cơ như: rơm, rạ hoặc mùn mục để tạo độ tơi xốp cho đất, giúp cho việc trao đổi chất.

b) Xới xáo, làm cỏ, vun gốc

– Khi cây mọc lên khỏi mặt đất 7 – 10 ngày, cao khoảng 15 – 20 cm tiến hành chăm sóc lần 1 bằng cách xới nhẹ, làm sạch cỏ, bón thúc đợt 1 rồi vun luống, kết hợp tỉa cây để lại 2 – 3 mầm chính.

Cách lần 1 từ 15 – 20 ngày khi đã qua tưới nước lần 2 thì tiến hành xới nhẹ, làm cỏ và vun luống lần cuối, lấy đất ở rãnh vun cho luống to và cao, dày cố định luôn, vun luống không đủ đất sẽ làm vỏ củ bị xanh hoặc mọc thành cây. Vét đất ở rãnh để khi ruộng bị nước sẽ nhanh khô.

c) Tưới nước

Thường xuyên giữ đất đủ ẩm, dùng nguồn nước sạch để tưới. Trong 60 – 70 ngày đầu khoai rất cần nước, nếu thiếu nước hoặc nước trong ruộng không đồng đều lúc khô, lúc ẩm làm củ bị nứt, chất lượng củ và năng suất giảm.

Có hai phương pháp tưới cho khoai tây:

– Tưới gánh: Không tưới nước trực tiếp vào gốc khoai mà tưới xung quanh gốc. Có thể kết hợp tưới với phân đạm và kali nhưng phải chú ý lượng phân hòa với nước, thùng 10 – 12 lít chỉ pha 1 nắm phân nhỏ là vừa. Không kết hợp tưới nước với phân chuồng vì có nhiều nấm gây thối củ.

– Tưới rãnh: Với ruộng phẳng, cho nước ngập 1/2 rãnh, khi nước ngấm đều thì tháo kiệt, tránh để nước đọng ở rãnh trong thời gian dài sẽ làm phát sinh và lây lan nguồn bệnh. Đặc biệt, kh iphát hiện trên ruộng có bệnh héo xanh vi khuẩn thì tuyệt đối không được tưới rãnh vì sẽ tạo điều kiện cho bệnh lây lan rộng. Từ khi trồng đến khi khoai 60 – 70 ngày thường có 3 lần tưới nước. Tưới phải kết hợp với xới xáo, làm cỏ, bón phân thúc.

• Tưới lần 1: Sau trồng khoảng 2 – 3 ngày, khi khoai mọc cao khoảng 20 – 25 cm, nếu đất khô có thể dẫn nước vào ruộng, mỗi lần chỉ cho vào 3 – 4 rãnh, khi đủ nước thì cho tiếp vào 3 – 4 rãnh khác, lấp đầy rãnh củ, tháo đầu rãnh mới để nước thêm đều vào luống. Đất cát pha cho ngập1/2 luống; đất thịt nhẹ cho ngập 1/3 luống, cho nước vào cùng một lúc nhiều rãnh hơn.

• Tưới lần 2: Khoảng 2 – 3 tuần sau lần 1, đất cát pha cho nước ngập 2/3 luống, đất thịt nhẹ cho ngập 1/2 luống làm như lần 1. Kết hợp bón thúc đợt 1 và khử lẫn cây lẫn giống, nhổ bỏ cây bệnh.

• Tưới lần 3: Sau lần tưới 2 khoảng 15 – 20 ngày tiến hành tưới nước lần 3. Đợt tưới nước này cũng là kết thúc cho chu kỳ sản xuất khoai tây, kết hợp bón thúc đợt 2 và khử lẫn cây lẫn giống, nhổ bỏ cây bệnh.

Chú ý: Trước khi thu hoạch khoảng 2 tuần cần ngừng tưới nước. Nếu trời mưa phải tháo nước kịp thời để đất khô ráo tuyệt đối.

7. Phòng trừ sâu bệnh hại chính

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và khuyến khích áp dụng các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp (sử dụng giống kháng bệnh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, kỹ thuật làm đất, bón phân, luân xen canh cây trồng hợp lý, vệ sinh đồng ruộng…).

Chú ý các loại sâu chính hại khoai tây là sâu xám, nhện trắng, bọ trĩ, rệp, sâu hà khoai tây; các bệnh chính hại khoai tây như: bệnh vi rút xoăn lùn, bệnh vi rút khảm, bệnh vi rút cuốn lá (PLRV), bệnh héo xanh, bệnh mốc sương. Dùng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ theo đúng hướng dẫn trên bao bì của mỗi thuốc. Chú ý cách sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng nồng độ, liều lượng).

8.Thu hoạch và bảo quản

a) Thu hoạch

– Trước khi thu hoạch cần loại bỏ cây bệnh, cắt bỏ thân lá để hạn chế bệnh hại truyền về củ giống. Thu hoạch khoai tây ở thời điểm phù hợp khi thấy lá vàng, cây rạc dần với thời tiết khô ráo. Khoai tây giống thu hoạch sớm hơn 5 – 7 ngày so với khoai thương phẩm.

– Khi thu hoạch, cần phân loại cỡ củ, củ to và nhỏ riêng rẽ, để nhẹ nhàng cho vào sọt ngay trên đồng ruộng để tránh sự sây sát.

b) Bảo quản

– Loại bỏ những củ bị dập, không nguyên vẹn. Bảo quản ở nơi khô, tối và thoáng khí.

– Khoai thương phẩm đóng gói trong bao bì, vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại quan trọng trên cây rau họ thập tự.

Trên cây rau họ thập tự thường xuất hiện một số sâu bệnh hại: sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang, bọ nhảy, bệnh thối nhũn, bệnh đốm vòng, bệnh thối hạch… Để phòng trừ hiệu quả, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, theo dõi phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

1. Biện pháp canh tác:

– Vệ sinh đồng ruộng: Thu gom và tiêu huỷ tàn dư cây trồng mang nguồn bệnh như các bệnh thối nhũn, thối hạch, sương mai,… hại rau họ thập tự, cỏ dại ký chủ sâu hại, hạn chế nguồn lây lan…

– Sử dụng giống khoẻ, sạch sâu bệnh, sử dụng giống chống chịu:

+ Chỉ sử dụng giống khoẻ, hạt có tỷ lệ nảy mầm cao, sạch sâu bệnh.

+ Nên gieo giống trên giá thể khay bầu, đảm bảo chất lượng cây giống cho ruộng sản xuất.

– Chăm sóc:

+ Phân bón: Bón phân đúng kỹ thuật, bón vừa đủ và cân đối cho từng loại/ giống rau, từng loại đất, từng mùa vụ, đúng thời kỳ tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tôt, tăng sức đề kháng với sâu bệnh (1 ha bón khoảng 20-30 tấn phân chuồng hoai mục, 100-150 kgN, 30-50 kg P2O5, 40-60 Kg K2O, chú trọng phân hữu cơ khoáng, phân lân vi sinh…)

+ Tưới nước: Luôn đảm bảo ruộng rau đủ ẩm, không đọng nước.

– Thời vụ: Lựa chọn loại rau/giống phù hợp với từng mùa vụ để cây sinh trưởng thuận lợi.

– Mật độ gieo trồng: Gieo trồng mật độ hợp lý, đảm bảo ánh sáng và không khí lưu thông tốt, hạn chế sâu bệnh phát sinh

– Xen canh: Xen canh với cây trồng khác họ, hạn chế nguồn ký chủ và xua đuổi sâu hại (cà chua xen rau thập tự để xua đuổi sâu tơ)

– Luân canh: với lúa nước, các cây khác họ không cùng ký chủ sâu, bệnh hại làm gián đoạn nguồn thức ăn của sâu bệnh hại

– Bẫy cây trồng: Trồng xen cây khác không thu hoạch trên diện nhỏ để thu hút sâu hại và phun trừ chúng (cây hướng dương hấp dẫn sâu khoang).

Lựa chọn loại rau và giống phù hợp với từng mùa vụ để cây sinh trưởng thuận lợi.

2. Biện pháp thủ công:

Sử dụng bẫy đèn, bẫy dính màu vàng, màu xanh bắt và tiêu diệt rệp có cánh, ruồi đục lá, bọ nhảy; ngắt ổ trứng sâu, bắt giết sâu non, tiêu huỷ cây bị sâu bệnh, xử lý nhiệt hạt giống,…

3. Biện pháp sinh học: Khai thác và sử dụng những sinh vật có lợi (thiên địch, kẻ thù của sâu hại), các sản phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại cây.

– Bảo vệ thiên địch: Các loài bọ rùa ăn rệp, ăn sâu hại; Các loài ong ký sinh trứng, sâu non, nhộng của sâu hại; Các loài kiến, bọ cánh cứng, nhện,… ăn sâu hại

– Sử dụng bẫy Pheromone giới tính: Thu hút sâu hại trưởng thành vào bẫy rồi tiêu diệt (trưởng thành sâu khoang, sâu xanh bướm trắng, sâu tơ,…)

– Sử dụng thuốc sinh học và thuốc thảo mộc:

+ Các chế phẩm sinh học Bacillus thuringiensis phòng trừ sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, nấm ký sinh côn trùng Beauveria, Metarhizium,…

+ Thuốc thảo mộc Azadirachtin, Rotenone,… được dùng phòng trừ, xua đuổi và gây ngán nhiều sâu hại trên rau.

+ Nấm đối kháng Trichoderma hạn chế một số loại nấm bệnh.

4. Biện pháp hoá học: Sử dụng các chất hoá học để phòng trừ sâu bệnh hại cây, chỉ nên sử dụng những loại thuốc sau trong trường hợp cần thiết.

– Các loại thuốc chọn lọc, ít độc hại cho con người và môi trường

– Các loại thuốc nhanh phân hủy

– Các loại thuốc nhóm độc thấp (nhóm 3, 4)

– Áp dụng biện pháp xử lý hạt giống và cây con. Sử dụng thuốc phải theo nguyên tắc 4 đúng:

1. Đúng lúc: Phun lúc sâu non tuổi nhỏ, vết bệnh mới xuất hiện. Giai đoạn sinh trưởng của cây. Phun sáng sớm hoặc chiều mát, không mưa,…

2. Đúng thuốc: Cho từng đối tượng dịch hại, luân phiên các loại thuốc,…

3. Đúng cách: Thực hiện thao tác pha-phun đúng hướng dẫn của từng loại thuốc,…

4. Đúng liều lượng, nồng độ: Theo đúng hướng dẫn của từng loại thuốc (về lượng dùng, lượng nước pha)

NHỮNG SÂU BỆNH HẠI CHÍNH TRÊN RAU HỌ THẬP TỰ

1. Sâu tơ (Plutella xylostella:) Là đối tượng gây hại nguy hiểm, có khả năng chống thuốc rất nhanh. Hại nặng từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

2. Sâu xanh bướm trắng (Pieris rapae): Phát sinh quanh năm nhưng hại nặng từ tháng 8-10 và từ tháng 2- 4. Vòng đời 20-30 ngày .

3. Sâu khoang (Spodoptera litura): Trưởng thành đẻ trứng thành ổ. Sâu non mới nở sống tập trung dưới mặt lá (rất dễ phát hiện), tuổi 3 trở đi sâu mới phát tán và ăn khuyết lá, lúc này sâu hay đục vào nõn.

* Phòng trừ các loại sâu ăn lá: Xử lý cây con, hạt giống trước khi trồng. Trên ruộng: ngắt ổ trứng, ổ sâu non mới nở, thu sâu to, nhộng, bẫy pheromone, sử dụng luân phiên các loại thuốc sinh học với các thuốc hoá học và các thuốc thảo mộc (Một số loại thuốc thông dụng: Delfin WG – 32 BIU; Elincol 12 ME; V-Bt; Proclaim; Xentari 35WDG; Pegasus 500SC; Amate 150EC; Mach 050EC; Vinaneem 2SL; Vertimex 1.8EC; Fortenone 5WP; Success 25EC, Enasin 32WP, Atabron 5 EC,…)

4. Rệp xám (Brevicoryne brassicae), Rệp đào (Myzus percicae): Rệp phát triển mạnh trong điều kiện khô hạn. Nếu không sớm phát hiện, rất khó trừ về sau.

5. Bọ nhảy sọc cong (Phyllotreta striolata): Sâu non hại rễ cây, trưởng thành ăn lá tạo thành những lỗ thủng. Chúng phát sinh quanh năm, trưởng thành sống từ 2-3 tháng hoặc lâu hơn, đẻ trứng lai rai nên không thành lứa rõ rệt, nhiệt độ thích hợp 25-300C.

* Phòng trừ rệp, bọ nhảy: Cần theo dõi phát hiện sớm, xử lý các cây giống trước khi trồng. Đặt bẫy dính, chọn một trong các loại thuốc: Chế phẩm nấm Beauveria, Metarhizium, Elincol 12 ME, Sokupi 0,36AS, Oshin 20WP, Elsin 10EC, Ecasi 20EC,…

6. Bệnh thối nhũn: Do Vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra. Bệnh thường xuất hiện khi cây đã lớn và lây nhiễm rất nhanh, gây thối nhũn, có mùi khó chịu. Bệnh thường hại nặng vào cuối vụ muộn, kể cả trong khi bảo quản bệnh cũng phát triển nhanh.

7. Bệnh đốm vòng: Do nấm Alternaria brassicae gây ra, phá hại trên cải bắp, su hào và gây hại nặng cả khi cây đã lớn. Vết bệnh hình tròn, nhiều vòng tròn đồng tâm, có khi liên kết với nhau , trên mặt có một lớp mốc khi độ ẩm cao

8. Bệnh thối hạch: Do nấm Sclerotinia sclerotiorum gây ra trên cải bắp. Cây con bị bệnh dễ thối nhũn gốc và đổ rạp. Cây lớn bị bệnh, bệnh lan từ thân lên bắp đang cuốn làm thối từ ngoài vào trong, cây có thể chết thối khô trên ruộng. Bệnh phát triển mạnh khi ẩm độ cao.

* Phòng trừ bệnh: Xử lý hạt giống, cây con, dọn sạch tàn dư cây bệnh để tiêu hủy.

Các thuốc sử dụng trừ bệnh đốm vòng: Bellkute 40WP, Score 250EC, Daconil 75WP, Validacin 3L,…

Các thuốc phòng trừ bệnh thối hạch, thối nhũn: Kasai 21,2 WP, Kasuran 50WP, Bavistin 50SL, Ensino 40SC, Cantox-D50WP,…

Nguồn: khuyennongvn.gov.vn được kiểm dịch bởi FarmTech VietNam.

Hướng dẫn trồng rau sạch tại nhà.

Hiện nay, tình trạng thực phẩm bẩn do một số người chạy đua theo năng suất và lợi nhuận đã lạm dụng, sử dung không đúng cách thuốc BVTV gây tồn dư chất độc hóa học trên nông sản, đang xuất hiện tràn lan và đầy rẫy trên thị trường, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.. Vậy tại sao chúng ta không tự cứu lấy mình thoát khỏi vấn nạn này bằng cách trồng rau sạch tại nhà để sử dụng?

HƯỚNG DẪN TRỒNG RAU SẠCH

1.Chuẩn bị giống rau:

Bạn nên tìm đến những cửa hàng giống cây trồng uy tín nơi mình sinh sống, để tìm mua những giống rau năng suất cao chất lượng tốt.Tránh tình trạng mua phải những giống kém chất lượng, ảnh hưởng đến sự phát triển cây rau, gây giảm năng suất và chất lượng của vườn rau.

2. Chuẩn bị đất trồng:

a. Đất vườn:

Đất thích hợp để trồng rau là những loại đất như đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa. Đất cao, dễ thoát nước tránh ngập úng.

Đối với những bạn có diện tích đất vườn rộng thì nên làm đất cày bừa kỹ, tơi xốp và phơi ải dưới ánh nắng mặt trời để làm giảm mầm mống sâu bệnh trong đất.

Sau đó lên luống (liếp) tạo điều kiện cho rễ phát triển, dễ dàng trong chăm sóc và để thoát nước chống úng. Luống có chiều rộng 1-1,2 m, cao khoảng 15cm, luống cách luống từ 20-25cm.

Luống rau.

Bón lón 1 – 2kg/1m2 phân bón hữu cơ vi sinh dành cho rau màu. Những loại phân này cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết nhất cho rau màu phát triển.

b. Trồng trong khay, thùng xốp (thường áp dụng với những người có diện tích đất hẹp như ở thành phố trồng trên sân thượng, ban công,…)

Thùng xốp có đục lỗ để thoát nước.

Vật liệu cần chuẩn bị:
– Thùng xốp, khay nhựa,…có đục lỗ ở đáy để thoát nước, nên tận dụng các vật dụng trong gia đình để tiết kiệm chi phí.
– Giá thế, chất độn (như xơ dừa, mùn cưa, phụ phẩm nông nghiệp,…)
– Đất trồng chọn những loại đất sạch, không bị ô nhiễm và tốt, giàu chất hữu cơ như đất phù sa, đất thịt nhẹ…
– Nơi đặt thùng xốp cần thông thoáng, có đủ ánh sáng (sân thượng, ban công,…) để cho rau sinh trưởng phát triển.
– Lót một lớp giá thế (xơ dừa, mùn cưa, phụ phẩm nông nghiệp,…) dưới đáy thùng rồi đổ đất lên trên (dày khoảng 10-15cm) trộn thêm 2 kg/thùng phân chuồng hoai mục hoặc từ 1 -2kg/thùng phân hữu cơ vi sinh.
Lưu ý : tùy vào kích thước của thùng to hay nhỏ mà bổ sung thêm phân bón cho hợp lý.

3. Xuống giống:

Thời vụ : có thể trồng quang năm với nhiều loại rau khác nhau, luân canh nhau để đảm bảo có rau cung cấp trong suốt một năm, không cần phải đi mua vừa tiết kiệm chi phí vừa an toàn cho sức khỏe của gia đình.

Gieo hạt
– Để hạt rau nảy mầm đồng đều, tỷ lệ nảy mầm cao cần ngâm hạt giống trong nước ẩm với tỷ lệ 2 sôi – 3 lạnh trong khoảng từ 2-6 giờ.Sau đó vớt ra và rửa sạch, để ráo nước rồi đem đi gieo lên đất đã chuẩn bị sẵn. Hoặc có thể ủ trong khăn từ 12-48h khi thấy hạt giống nứt vỏ thì đem đi gieo (thường áp dụng khi trồng trong thùng xốp).

– Rải đều hạt giống với mật độ vừa phải, không gieo với mật độ quá dày và dùng một lớp đất mỏng hoặc rơm rạ phủ lên hạt giống để giữ độ ẩm giúp hạt giống nảy mầm tốt hơn.

Trồng cây con
Cây con mua tại các cửa hàng có uy tín, giống có chất lượng tốt, giống khỏe và sạch bệnh hoặc có thể tự gieo hạt để lấy cây con (giống như gieo bằng hạt, sau khi rau mọc được 3 lá thì đem trồng). Mật độ khoảng các trồng tùy từng loại rau.Nên đa dạng hóa vườn rau (rau cải, rau xà lách, rau muốn, ớt, hành, tỏi, ngò,…) để bữa ăn trong gia đình thêm đa dạng và phong phú.

4. Chăm sóc:

Khi cây rau được 3 lá (đối với rau gieo bằng hạt) và sau trồng 5-6 ngày (đối với rau trồng bằng cây con) thì bón thêm 0,5 – 1kg/1m2 (0,5kg/thùng xốp) phân bón hữu cơ vi sinh.
Tùy vào thời gian sinh trưởng của từng loại rau mà bón phân cho hợp lý, để ý nếu lượng phân còn đủ cho cây sử dụng thì có thể kéo dài thời gian giữa 2 lần bón cho phù hợp.

Tưới nước : Nếu trời nắng nên tưới ngày 2 lần (sáng sớm và buổi chiều tối). Trời mưa thì không cần tưới và chú ý chống úng. Để ý không nên tưới quá nhiều nước rau sẽ dễ bị bệnh, luôn giữ độ ẩm thích hợp cho đất, không để đất khô hoặc quá ướt.

Rau trồng quá dày cần tỉa thưa.

Đối với rau gieo bằng hạt khi rau có từ 2-3 lá với mật độ dày thì cần tỉa thưa, vừa lấy để làm rau ăn sống vừa để tập trung dinh dưỡng, tạo độ thông thoáng và không gian cho những cây còn lại sinh trưởng và phát triển.

Xới đất để cho đất thông thoáng và nhổ bỏ cỏ dại. Thường xuyên kiểm tra phát hiện sâu có thể dùng tay bắt giết sau hại, có thể trồng xen với một số cây gia vị như hành, tỏi, gừng,… có tác dụng xua đuổi để hạn chế sâu bệnh hại.

5. Thu hoạch:

Thời điểm và cách thu hoạch tùy thuộc vào từng loại rau và mục đích sử dụng (rau ăn lá, rau mầm, hay ăn củ…).

Không thu hoạch khi quá non hoặc quá già như vậy sẽ làm giảm chất lượng và làm giảm hương vị của rau ăn sẽ không ngon.

Nguồn: Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

 

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây rau ngót.

Cây rau ngót (Sauropus androgynus (L) Merr.) là cây trồng không kén đất, có đặc tính sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh hại, tuy nhiên để cây cho năng suất cao, cần chú ý những biện pháp kỹ thuật sau:

1. Chuẩn bị đất trồng:

– Rau ngót có khả năng sinh trưởng trên nhiều loại đất, nhưng muốn có năng suất cao, cần chọn đất thịt nhẹ, thịt trung bình, đất cát pha, không bị úng ngập nhưng không quá khô, độ pH từ 5,5- 7,0, vùng đất chủ động nước tưới. Tốt nhất là nên chọn loại đất thịt pha đất sét vừa dễ canh tác mà lại giữ ẩm tốt.

– Cày xới đất tơi xốp và bón lót phân hữu cơ hoai mục kết hợp hỗn hợp phân đạm, lân, kali để giúp cây phát triển ngay giai đoạn đầu sau khi bén rễ.

2. Chuẩn bị giống:

2.1. Giống

Có 2 loại:

– Rau ngót lá to: Sinh trưởng khỏe, thân lá màu xanh đậm, phiến lá to và mỏng, phẩm chất ngon.

– Rau ngót lá nhỏ: Thân, lá có màu xanh nhạt, phiến lá nhỏ và dày, đường gân giữa cuống lá có màu xanh nhạt, ít bị sâu bệnh hại.

2.2. Phương pháp nhân giống:

– Nhân giống hữu tính (từ hạt): Tỷ lệ nảy mầm của hạt thường rất thấp và thời gian bắt đầu cho thu hoạch lâu.

– Nhân giống vô tính (giâm cành): Hiện đa số nông dân áp dụng phương pháp này. Để nhân giống đạt nên chú ý những vấn đề sau:

+ Chọn cành khỏe không bị sâu bệnh hại, cành không già, không non (cành vừa hóa nâu) để làm cành giống.

+ Dùng tro trấu hoặc trấu đã được ủ hoai để làm giá thể giâm cành. Liếp giâm tùy theo kích thước vườn, thường liếp giâm có chiều rộng 1-1,2m, chiều cao mặt liếp khoảng 10cm.

+ Cắt xéo từng đoạn cành dài 20 – 25 cm đem giâm, cành đặt nghiêng so với mặt liếp khoảng 450, vùi đất sâu 2/3 đoạn cành rồi lấp đất kỹ để cây nảy nhiều chồi. Để cành mau ra rễ, trước khi giâm ta nhúng cành vào dung dịch NAA (Naphthaleneacetic acid).

Chọn cành khỏe, không bị sâu bệnh hại, cành vừa hóa nâu để làm giống.

3. Thời vụ:

– Rau ngót có thể trồng quanh năm, tốt nhất là vào mùa mưa. Thời vụ trồng tốt nhất là vụ Xuân khoảng từ tháng 2 – 4 và vụ Thu từ tháng 8 – 9.

– Rau ngót được trồng bằng phương pháp nhân vô tính, trồng một lần và thu hoạch 2-3 năm.

Cây rau ngót sau giâm cành 15 ngày.

4. Mật độ, khoảng cách:

– Chia luống 1,3- 1,5m, mặt luống rộng 1,0- 1,2m, rãnh 0,3 m; trồng với khoảng cách cây cách cây 25- 30cm, hàng cách hàng 50- 60 cm, mỗi hố có thể trồng 2 cây.

– Chuẩn bị giống từ 9,5- 10 vạn hom/ha, cũng có thể tách thân từ cây gốc của năm trước để nhân thẳng ra ruộng.

5. Phân bón:

– Lượng phân bón tính cho 1.000 m2 (tùy theo nền đất có thể tăng hoặc giảm lượng phân vô cơ) như sau:

+ Phân chuồng hoai mục: 1,5 – 2 tấn (đã trộn ủ với 1-1,5 kg chế phẩm nấm Trichoderma)

+ Phân vô cơ: Urê 20- 24 kg + Super lân 40- 50 kg + Kali clorua 6- 8 kg.

– Cách bón:

Bón lót (kết hợp khi làm đất): Toàn bộ lượng phân hữu cơ hoai mục và Super lân + 3- 4 kg Kali clorua.

Bón thúc chia làm 2 lần bón:

+ Lần 1: Sau trồng 15- 20 ngày, sử dụng phân Urê 7- 8 kg. Trong thời gian này, người trồng có thể kết hợp sử dụng thêm phân bón lá NPK 30-10-10 để bổ sung vi lượng cho cây.

+ Lần 2: Sau lần 1 từ 10- 15 ngày với liều lượng còn lại. Có thể bón theo hàng hoặc bón theo hốc, bón cách gốc 15- 20cm, kết hợp làm cỏ, vun gốc cho cây.

Lưu ý: Do cây rau ngót thu hoạch liên tục kéo dài 2- 3 năm, do vậy sau mỗi đợt thu hoạch, cần bón bổ sung từ 0,5- 0,7 tấn phân chuồng hoai mục vào gốc, kết hợp tưới NPK để bổ sung dinh dưỡng cho cây.

Bên cạnh việc sử dụng các loại phân hữu cơ và phân hóa học thì người nông dân còn sử dụng kết hợp thêm các chất điều hòa sinh trưởng thực vật thuộc nhóm auxin và gibberellin (GA3). Xử lý GA3 có tác dụng kích thích gia tăng chiều cao chồi rau ngót nhưng không ảnh hưởng đến hàm lượng diệp lục tố (chlorophyll) và trọng lượng tươi rau ngót giai đoạn thu hoạch. Một kết quả nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng GA3 với nồng độ từ 10- 80 ppm phun trên rau ngót, thời gian cách ly (PHI) 7 ngày, không để lại dư lượng GA3 trên rau khi thu hoạch.

– Nguồn nước tưới: Sử dụng nguồn nước sạch để tưới (nước sông hoặc nước giếng khoan). Tuyệt đối không được sử dụng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước bị ô nhiễm, nước thải từ bệnh viện. Luôn giữ độ ẩm đất 80-85%.

– Thường xuyên vệ sinh vườn và làm cỏ. Khi bón phân kết hợp vun gốc và tưới giữ ẩm cho vườn cây thường xuyên.

– Khi thu hoạch cần kết hợp cắt cành tỉa tán, tạo cho cây có bộ khung cân đối, giúp vườn rau thông thoáng và hạn chế sâu bệnh hại.

– Vào tháng 11-12 hàng năm, khi thấy cây đã cao (20- 25 cm), lá hơi vàng và ít lá (thời kỳ cây ngừng sinh trưởng) ta nên thực hiện biện pháp sau:

+ Trẻ hóa cây: Nhằm giúp cây đâm nhiều chồi, tăng năng suất bằng cách đốn cây. Dùng dao hay kéo cắt sát gốc cách mặt đất 15cm, các lần cắt sau cách vết cắt cũ 7-10 cm, tỉa thưa bớt các cành già.

+ Xới rãnh sâu 10- 15cm giữa 2 hàng, bón bổ sung lượng phân như sau (tính cho 1.000 m2): 0,7- 1 tấn phân chuồng hoai mục + 7- 8 kg Urê + 10- 15 kg Super lân + 5- 7 kg Kali clorua, trộn đều, lấp đất lại và tưới đủ ẩm để cây bung các đợt chồi mới, vườn rau được trẻ hoá, sung sức hơn.

7. Phòng trừ sâu bệnh:

7.1. Sâu hại chính

– Rầy xanh (Empoasca sp.): Gây hại nặng vào các tháng nắng nóng, khô hạn. Phòng trừ bằng các loại thuốc có hoạt chất như Cypermethrin (Sherpa 20EC, Cyperan 25EC), Fipronil (Regent 800WG) hoặc chế phẩm nấm xanh,…

– Nhện đỏ (Tetranychus sp.): Sống tập trung dưới mặt lá, gây hại nặng trong điều kiện khô hạn. Cần phát hiện sớm để phòng trừ bằng các loại thuốc có hoạt chất như Propargite (Comite 73EC), Diafenthiuron (Pegasus 500SC), Fenpyroximate (Ortus 5SC).

– Bọ phấn (Bemisa myricae): Vừa gây hại, vừa là môi giới gây bệnh virut, cần phòng trừ triệt để bằng các loại thuốc có hoạt chất như Cypermethrin (Sherpa 20EC), Lambda -cyhalothrin (Karate 2,5EC),…

– Bọ trĩ (Thrip sp.): Phòng trừ bằng các loại thuốc có hoạt chất như Emamectin benzoate (Dylan 2EC), Imidacloprid (Admire 50EC, Confidor 100SL), Cyfluthrin (Baythroid 50 SL).

7.2. Bệnh hại chính

– Bệnh phấn trắng (Erysiphe sp.): Gây hại nặng trong điều kiện khô hạn, nắng ấm. Phòng trừ khi bệnh mới xuất hiện bằng các thuốc có hoạt chất như: Metalaxyl + Mancozeb (Vinomyl 72BTN), Carbendazim (Vicarben 50HP), Hexaconazole (Anvil 5SC), Cyfluthrin (Bayfidan 25EC).

– Bệnh xoăn lá (virut): Cần diệt trừ môi giới truyền bệnh là bọ phấn; nên nhổ bỏ những cây bị bệnh ra khỏi vườn để tránh lây lan; nếu nặng thì phá bỏ trồng lại.

Lưu ý:

– Rau ngót có đặc tính sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh hại, thường hay bị một số sâu hại chủ yếu như cuốn lá, sâu xanh, rầy rệp nên áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp với phương châm phòng là chính. Áp dụng đúng kỹ thuật canh tác để hạn chế phát sinh gây hại:

+ Chọn giống từ vườn sạch bệnh.

+ Thường xuyên vệ sinh vườn, cắt tỉa bỏ cành già, cành bị sâu bệnh hại đem tiêu hủy.

+ Sử dụng phân hữu cơ hoai mục kết hợp trộn ủ chế phẩm sinh học (nấm Trichoderma) diệt trừ nguồn bệnh và trứng sâu.

– Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:

+ Chúng ta nên thực hiện tốt quy tắc 4 đúng (đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách); ưu tiên sử dụng các thuốc có nguồn gốc sinh học.

+ Phải đảm bảo thời gian cách ly từ 7- 14 ngày trước thu hoạch.

8. Thu hoạch:

– 45- 60 ngày sau trồng có thể tiến hành thu hoạch đợt đầu tiên, các đợt tiếp theo cách nhau 25- 35 ngày.

– Thu hoạch rau ngót bằng cách lấy kéo hoặc dao cắt cành hoặc hái lá. Sản phẩm sau thu hoạch phải được đựng trong bao bì chuyên dụng.

Dùng kéo cắt cành để thu hoạch rau ngót.

Nguồn: khuyennongvn.gov.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Nông dân Thừa Thiên Huế trồng đậu bắp cho thu nhập cao

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nông dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát triển diện tích trồng đậu bắp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đậu bắp được huyện Quảng Điền xác định là một trong những cây trồng chủ lực

Trên cánh đồng xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) phủ một màu xanh bát ngát của đậu bắp. Người dân địa phương cho biết, đây là loại cây khá dễ trồng, chi phí đầu tư thấp nhưng mang lại giá trị kinh tế cao; có thể cho thu hoạch thường xuyên và liên tục, đem lại thu nhập từ 5 – 10 triệu đồng/sào.

“Nhà tôi trồng đậu bắp từ mấy năm nay. Trước đây trồng đậu phụng và sắn nhưng thu nhập không cao, lại hay bị tư thương ép giá. Từ khi chuyển qua trồng đậu bắp, tôi thấy hiệu quả tăng lên rõ rệt, nhiều hộ trong xã cũng chuyển sang trồng cây này. Năm vừa rồi, đậu bắp cho thu nhập cao gấp 3 lần so với cây khác, nếu chăm bón tốt có thể gấp 5 lần. Đây thực sự là cây trồng phù hợp trên đồng đất của xã Quảng Thọ”, bà Trần Thị Thanh Hương (50 tuổi) cho hay.

Theo bà Hoàng Thị Thu Thủy-Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Thọ: Đậu bắp là món ăn giàu chất dinh dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra còn có tác dụng chữa bệnh xương khớp, tiểu đường và mỡ trong máu. Hiện nay, đậu bắp được đưa đi tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn toàn tỉnh và còn đóng đi các tỉnh lận cận;

Mở rộng diện tích trồng cây đậu bắp không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giải quyết việc làm cho chị em toàn xã, điển hình như chị Võ Thị Thu Phượng, Hoàng Thị Tâm…; giúp đời sống nhiều chị em được nâng lên đáng kể, việc chăm lo cho con cái được tốt hơn; tạo điều kiện để tham gia các hoạt động xã hội.

Ông Phan Văn Lự, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Quảng Điền cho biết, đậu bắp khá dễ trồng và bố trí thời vụ cũng không khắt khe; năng suất trung bình từ 18 – 20 tấn/ha/vụ. Hiện toàn huyện đã đưa vào trồng 11,6 ha; trong đó nhiều nhất là xã Quảng Thọ 9,2 ha, còn lại được phân bổ rãi rác ở các xã Quảng Phú, Quảng Thành. Tuy hiệu quả cao, nhưng loại cây này mới được đưa vào trồng nên kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăm sóc của bà con chưa cao. Phòng NN-PTNT huyện đã có kế hoạch mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; khuyến khích mở rộng diện tích trồng đậu bắp trong thời gian tới.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Nông dân đam mê nhân giống cây khoai mỡ

Đó là anh Lê Việt Hà ở ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Qua tìm tòi, học hỏi để chọn giống mới sạch bệnh, anh đã tìm đến với kỹ thuật nhân giống khoai mỡ bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Được biết, cây khoai mỡ chủ yếu được người dân nhân giống theo cách truyền thống là giữ lại củ của vụ trước, đợi đến thời điểm xuống giống thì được người dân đem ra cắt các củ thành từng mặt khoai có kích thước khoảng 4 x 5 (cm) và ủ cho mọc mầm trước khi đặt xuống đồng ruộng. Với cách giữ giống này, sau nhiều năm liên tục sẽ làm cây sinh trưởng yếu, tính kháng sâu bệnh giảm, do đó làm ảnh hưởng đến năng suất.

Anh Lê Việt Hà canh tác 3ha khoai mỡ từ năm 1997. Tuy nhiên cây khoai mỡ ngày càng bị nhiều loại sâu bệnh hại, trong đó bệnh làm “đau đầu” nhất là hiện tượng mục đầu khoai, gây ảnh hưởng đến phẩm chất khoai và thất thu năng suất. Năm 2010 anh Hà nghiên cứu sách vở tìm ra phương pháp hạn chế hiện tượng này là xử lý nước nóng “3 sôi, 2 lạnh” để khử tuyến trùng gây mục đầu khoai, hiệu quả chiếm trên 90%. Từ đó đến nay, anh Hà đã có nguồn giống khoai sạch bệnh để bán cho bà con nông dân trong xã và khu vực Bến Kè Long An với sản lượng trên 100 tấn giống.

Không dừng lại, anh còn tìm đến Trung tâm Công nghệ Sinh học tỉnh Tiền Giang học hỏi phương pháp nuôi cấy mô trên khoai mỡ nhằm cải thiện nguồn giống bệnh mục đầu. Năm 2013, kỹ sư Văn Thị Thúy Hoa đã nhận nuôi cây mô giống khoai mỡ cho anh. Sau 1 năm anh nhận 100 cây giống về trồng, rồi tiếp tục nhân ra bằng việc sử dụng phân hữu cơ, tro trấu, xơ dừa. Một năm chăm sóc tiếp theo, anh Hà đã có khoảng 150kg khoai mỡ sạch bệnh. Đến năm 2016 anh đã cung cấp giống khoai nuôi cấy mô cho nhiều hộ sản xuất khoai mỡ trong xã Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ và Bến Kè Long An.

Với sự nhiệt tình tâm quyết của mình, năm 2018, anh tiếp tục liên hệ các nhà khoa học của Viện Cây ăn quả Miền Nam nhờ nhân giống nuôi cấy mô từ 3kg khoai mỡ tím của gia đình với giá 5000đồng/bầu. Đến 9/2018 này anh sẽ nhận về nhân giống để tiếp tục có nguồn giống mới, sạch bệnh phục vụ cho bà con nông dân.

Anh Hà tâm sự: “Khi thấy khoai mỡ bị bệnh mục đầu nhiều mà cây bệnh ảnh hưởng trong đất, trong giống nên tôi luôn trăn trở tìm giống mới. Bên cạnh nguồn giống tốt, tôi nghĩ cần xây dựng quy trình trồng khoai mỡ để hạn chế sâu bệnh, giúp tăng thu nhập cho mình và người dân trồng khoai xung quanh”.

Anh Lê Việt Hà bên ruộng khoai trồng được 4 tháng của gia đình

Từ năm 2017 đến nay anh Hà canh tác khoai mỡ sau khi nuôi cấy mô. Thời gian trồng 5 tháng thì củ to từ 1 – 1,2 kg, không mục đầu, sức sinh trưởng cây mạnh, hạn chế việc sử dụng phân hóa học. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 16 – 18 tấn khoai/ha/5 tháng. Giống khoai của nhà anh cung cấp cho bà con nông dân đồng đều, giá bán giống là 20.000 đồng/kg khoai giống, so với khoai hàng chợ 16.000 đồng/kg nhưng được nhiều bà con lựa chọn. Hiện nay anh đang trồng 3ha khoai giống để cung cấp giống tốt cho bà con trong vụ tới.

Từ một nông dân canh tác khoai mỡ lâu đời trên vùng đất nhiễm phèn, sâu bệnh hại ngày một nhiều gây ảnh hưởng năng suất cây trồng nhưng với ý chí nhiệt tình học hỏi, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, anh Lê Việt Hà đã thành công trên mô hình trồng nhân giống khoai mỡ cho hiệu quả kinh tế cao. Anh là tấm gương để nông dân gần xa học tập.

 Nguồn: Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Cả ngành rau quả Việt Nam xuất khẩu thua trái kiwi của New Zealand

Trong 10 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỉ USD. So với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng khoảng 15,4 %.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruits), 10 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỉ USD (tháng 10 ước đạt 330 triệu USD). So với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng khoảng 15,4 %. Như vậy, tốc độ xuất khẩu của rau quả Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại khi các năm trước đây thường tăng khoảng 30-40% so với cùng kỳ.

Theo Vinafruits, so với các mặt hàng nông sản khác, tỉ lệ tăng trưởng trên 15% vẫn còn khá cao. Tốc độ tăng đang có sự suy giảm là do giá trị mặt hàng này đã khá lớn (trên 3 tỉ USD) nên không thể giữ ở mức tăng trưởng cao mãi như khi giá trị còn thấp.

Xét về giá trị xuất khẩu, so với cùng kỳ đã tăng tới gần 500 triệu USD, tức gần 50 triệu USD mỗi tháng. Để có thể tăng trưởng nhanh hơn nữa, các doanh nghiệp cần chuẩn bị rất lớn cho tiếp thị mở rộng thị trường, lên kế hoạch mở rộng vùng sản xuất để cung cấp nguyên liệu.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết dư địa cho xuất khẩu của trái cây Việt Nam còn rất lớn, quan trọng cần có chiến lược phát triển ở tầm quốc gia và định hướng của các doanh nghiệp trong nước.

Nhìn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc với trên 70%, 9 thị trường cao cấp tiếp theo chiếm khoảng 15%. Nếu các doanh nghiệp tập trung làm hàng chất lượng cao cho Mỹ, Eu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… thì giá trị sẽ tăng lên nhiều.

Sơ chế xoài xuất khẩu sang Nhật Bản

Còn theo ông Mai Xuân Thìn, CEO của Red Dragon, năm 2017 chỉ một trái kiwi của New Zealand đã có giá trị xuất khẩu 3,5 tỉ USD, bằng xuất khẩu của cả ngành rau quả Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng khoảng 20-30% thì trái kiwi của New Zealand đã tăng trên 89%. Như vậy, trái kiwi đã bứt phá lên trên và nếu giữ tốc độ trên, năm nay loại trái cây này sẽ vượt cả ngành rau của Việt Nam về giá trị xuất khẩu một khoảng cách không nhỏ.

Xuất khẩu rau quả trong 9 tháng đầu năm 2018

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nguyên nhân đằng sau việc Malaysia ngừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp chế biến Malaysia (MOA) đã thông báo tạm dừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam với lý do dư lượng thuốc trừ sâu tối đa (MRL) vượt quá ngưỡng cho phép của nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ngày 11/10, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, ông Phạm Quốc Anh cho biết có hai vấn đề cần lưu ý đằng sau việc Malaysia ngừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam.

Đó là không phải tất cả các đơn vị xuất khẩu ớt của Việt Nam đều vi phạm tiêu chuẩn MRL của Malaysia và quyết định tạm dừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam rất có thể liên quan đến chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trẻ do Chính phủ Malaysia bảo trợ.

Ông Phạm Quốc Anh cho biết mới đây, MOA rất quan tâm đến các hộ nông dân trồng ớt của Malaysia, đặc biệt là các nông dân trẻ tham gia chương trình bảo trợ của chính phủ, đồng thời bày tỏ mong muốn các nông dân Malaysia có thể cạnh tranh được với các nông dân trồng ớt nước ngoài.

Với lý do này, MOA đã quyết định cử đoàn công tác đến Việt Nam và Thái Lan, hai nước xuất khẩu ớt số lượng lớn vào Malaysia, để tìm hiểu thực địa.

Song song với việc trên, MOA cũng đã tiến hành một loạt hoạt động thanh kiểm tra đối với các sản phẩm ớt nhập khẩu được bán trên thị trường Malaysia.

Kết quả cho thấy không có hành động bán phá giá, song rõ ràng giá bán ớt nhập khẩu thấp đã gây áp lực lên các sản phẩm trong nước.

Ví dụ như ớt được trồng tại bang Johor được bán với giá 8 ringgit/kg (khoảng 45.000 VND), ớt dầu đỏ giá 6,5 ringgit/kg, trong khi giá ớt nhập từ Việt Nam chỉ ở mức 3,9 ringgit/kg.

Các cuộc thanh kiểm tra cũng nhằm xác định xem các sản phẩm ớt nhập khẩu có vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn của Malaysia hay không. Thông báo tạm ngừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam được đưa ra sau các cuộc thanh kiểm tra nói trên.

Trong khi đó, ông Trần Văn Hân, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu ớt sang Malaysia cho biết quyết định trên khiến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam bị đình trệ.

Lệnh cấm không chỉ ảnh hưởng đến người trồng ớt Việt Nam mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng Malaysia vì họ không được phép tiếp cận với các sản phẩm ớt nhập khẩu giá rẻ của Việt Nam trong bối cảnh thị trường Malaysia nhập khẩu đến 80% để đáp ứng nhu cầu về ớt trong nước.

Trước tình hình trên, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia đã có công văn gửi Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản Việt Nam, theo đó đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản chính thức yêu cầu phía Malaysia làm rõ tiêu chuẩn về tiêu chuẩn dư lượng thuốc trừ sâu cho phép để làm cơ sở cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tham khảo.

Bên cạnh đó, hai bên cần thảo luận để đi đến công nhận lẫn nhau về vấn đề kiểm định chất lượng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn của Malaysia được tiếp tục cấp phép xuất khẩu sản phẩm vào nước này.

Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia cần có biện pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp xuất khẩu ớt của Việt Nam, cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng Malaysia.

Các doanh nghiệp Việt Nam rất cần những thông tin công khai của phía Malaysia về tiêu chuẩn nhập khẩu ớt, nhất là các tiêu chí về dư lượng thuốc trừ sâu cho phép, để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện hoạt động xuất khẩu sản phẩm của mình vào thị trường này.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Trái ớt Việt Nam bất ngờ bị Malaysia “chê”

Phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nhiều lô ớt Việt Nam quá giới hạn cho phép nên quyết định tạm dừng nhập khẩu từ giữa tháng 9.

Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ NN&PTNN) cho biết đã nhận được thông báo của Cục Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và chế biến nông sản) Malaysia về việc sẽ tạm dừng cấp phép nhập khẩu ớt của Việt Nam từ ngày 14-9-2018.

Nguyên nhân là sau khi kiểm tra, cơ quan kiểm tra và kiểm dịch nước này phát hiện nhiều lô ớt của Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép của Malaysia.

Đơn vị thuộc Bộ NN&PTNN đã có công văn gửi các Chi cục Kiểm dịch thực vật, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản sang Malaysia và các tổ chức, cá nhân liên quan về việc này.

Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu, theo dõi và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm của Malaysia, tránh gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín của nông sản Việt Nam.

Các doanh nghiệp trong nước cũng phải rà soát quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm kiểm soát nguồn hàng từ ban đầu để tránh tái diễn sự cố.

Ngoài ớt xuất khẩu sang Malaysia, Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết cơ quan cũng nhận được thông báo từ cơ quan chức năng Hàn Quốc về việc phát hiện một số lô hàng đu đủ đã chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang là sản phẩm chuyển gen.

Theo quy định của Hàn Quốc, các loại thực phẩm chuyển gen không được sử dụng tại nước này, buộc phải tiêu hủy hoặc tái xuất.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech VietNam

100.000 đ/ củ tỏi Nhật vẫn được tìm mua

Đắt gấp nhiều lần tỏi Việt Nam, tỏi Organic Nhật có giá lên đến 100.000 đồng/củ nhưng vẫn được giới nhà giàu Việt ưa chuộng.

Tỏi là một loại gia vị quen thuộc trong bếp nhà của người Việt, được dùng để thêm vào giúp món ăn thơm ngon hơn. Tỏi được bán trên thị trường hiện nay rất rẻ, chỉ khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg tỏi, hay chỉ 5 nghìn mua lẻ cũng đã được vài củ tỏi đủ nấu cả tuần.

Nhưng mới đây, trên thị trường thực phẩm xách tay lại xôn xao bởi những củ tỏi Organic Nhật được bán với giá lên đến 100.000 đồng/củ, đắt gấp nhiều lần tỏi Việt Nam.

Củ tỏi Organic Nhật có hình dáng to, tròn và trắng hơn nhiều so với tỏi Việt Nam. Tỏi Nhật được bán theo cặp đựng trong túi lưới nhỏ, nên người tiêu dùng thường mua cả túi 200.000 đồng 2 củ tỏi.

Chị Hương (Minh Khai, Hà Nội) chỉ vào đĩa rau lang xào trên bàn: “Đĩa rau lang này, tiền rau lang chỉ 12.000 đồng, nhưng tiền tỏi là 100.000 đồng!”

Chị Hương cho hay, chị mua tỏi Organic Nhật tại một siêu thị chuyên bán hàng xách tay, dù giá của loại tỏi này khá cao nhưng vì yêu thích và tin dùng hàng Nhật nên chị vẫn mua về để nấu ăn. Mỗi lần mua sắm chị Hương thường mua 3 túi tỏi về để làm gia vị nấu cho cả tuần, tính ra mỗi lần mua sắm chị phải chi 600.000 đồng chỉ để mua tỏi.

Trao đổi với PV VTC News, chị Khúc Ngọc Anh chủ một cửa hàng bán đồ nhập khẩu (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay: “Tỏi Organic Nhật mới có trên thị trường Việt Nam nhưng rất được ưa chuộng. Khi cho vào xào nấu, món ăn thơm ngon hơn”.

Chị Ngọc Anh cho biết thêm, lí do loại tỏi này có giá thành cao và được yêu thích bởi là tỏi Organic được gieo trồng theo phương pháp hữu cơ khắt khe của Nhật.

Chị Nguyễn Thị Hường, hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản cho biết, giá tỏi thường ở Nhật không quá cao, tại các khu chợ có thể mua được giá 20.000 đồng/3 củ nếu tính ra tiền Việt Nam, còn các siêu thị giá tỏi đắt hơn từ 20.000 – 30.000 đồng/củ.

Riêng với tỏi Organic giá cao hơn hẳn và tùy vào thương hiệu mà giá tỏi khác nhau, như tỏi hữu cơ của ông Tanigamura tỉnh Aomori có giá 356 yên/củ là khoảng 73.000 Việt Nam đồng; tỏi hữu cơ tỉnh Miyazaki giá 518 yên/củ vào khoảng 107.000 đồng. Như vậy, giá tỏi Organic Nhật được bán ở Việt Nam hiện nay là không quá cao so với giá bán tại Nhật./.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam