Kỹ thuật trồng củ đậu

Củ đậu còn gọi là củ sắn là loại củ có thể sử dụng để chế biến thức ăn vừa có thể dùng tươi như trái cây rất mát, củ đậu có vị ngọt thanh mát rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là vào mùa hè nắng nóng. Củ đậu được trồng ở khá nhiều nơi cho hiệu quả kinh tế cao.

Một số điều cần biết khi trồng củ đậu, củ sắn

Củ đậu được trồng vào nhiều thời vụ quanh năm vào tháng 2 – 3, tháng 6 -7 hoặc tháng 7 – 8, trồng củ đậu hay củ sắn vào những tháng này sẽ cho năng suất cao, củ đậu nhiều nước, thanh ngọt. Trồng củ đậu, củ sắn có thể kết hợp trồng xen canh với các loại rau màu ngắn ngày khác để tăng thu nhập như cải xanh, cải ngọt, củ cải,..

Địa điểm trồng củ đậu phải ở nơi có nhiều ánh sáng, thoáng mát, vùng đất không bị trũng nước hay quá khô cằn. Đất trồng cây củ đậu cần chọn loại đất pha cát hoặc đất thịt nhẹ tơi xốp, giữ ẩm và thoát nước tốt.

Nếu trồng củ đâu, củ sắn trong xô chậu hoặc thùng xốp thì phải chọn loại chậu có độ sâu và rộng để đảm bảo củ đậu được phát triển tốt nhất.

Cách làm đất ươm hạt giống và trồng cây đã được hướng dẫn cụ thể tại bài viết này, bạn hãy tham khảo để làm đất trồng củ đậu nhé:

Củ đậu hay củ sắn vừa để nấu các món xào, nấu canh vừa ăn tươi như trái cây giòn ngọt

Gieo hạt giống củ đậu

Cây củ đậu, củ sắn có thể trồng bằng hom giống, tuy nhiên thông thường thì nên trồng bằng hạt giống củ đậu thì cây cho năng suất cao hơn.

Trước khi gieo hạt giống củ đậu cần làm đất tơi xốp, cày bừa đất bón lót vôi trộn với phân chuồng ủ hoại, phơi ải ít nhất 1 tuần. Sau đó làm tơi đất và lên luống cao 0,7m và rộng 1,2 – 1,5m, mỗi hàng cách nhau 8 – 10cm, rãnh rộng 0,5m. Phun thuốc diệt cỏ Dual lên mặt luống trước khi gieo hạt khoảng 2 ngày để hạn chế cỏ mọc khi cây nảy mầm.

Tiến hành lên luống, rạch hàng, bón lót lần 2 bằng phân chuồng ủ hoại xuống từng luống rồi lấp phân bằng đất nhỏ. Sau lên luống làm hàng thì tưới nước vừa đủ ẩm

Gieo hạt giống củ đậu lên mặt đất, ấn nhẹ hạt dính vào đất để khi tưới nước hạt không bị trôi, hạt giống củ đậu được đặt nằm ngang đều và so le nhau, hạt cách hạt từ 8 – 10cm. Sau đó rắc một lớp đất bột mỏng lên hạt rồi dùng rơm rạ băm nhỏ phủ đều luống và tưới ẩm.

Chú ý cần phải tưới đều đặn 1 – 2 lần/ngày, đảm bảo đất luôn ẩm để hạt có điều kiện tốt để nảy mầm. Khoảng 7 – 10 ngày sau gieo củ đậu sẽ nảy mầm và ra lá. Khi hạt mọc được 15 – 20 ngày thì tỉa bớt cây con nếu mọc quá dày.

Chăm sóc củ đậu

Cây củ đậu sau khi gieo khoảng 20 ngày nên tưới thúc phân đạm hòa loãng nước để tưới cho cây con giúp cây nhanh phát triển thân lá. Củ đậu không chịu được ngập úng vì vậy cần chú ý lượng nước tưới vừa đủ ẩm cho cây, tránh để đất quá khô hoặc quá ẩm. Cách 2 – 3 tuần tưới nước 1 lần, nhổ cỏ dại.

Cây củ đậu trồng lấy củ nên cần bấm ngọn, cắt tỉa bớt thân lá để cây tập trung dinh dưỡng nuôi củ. Thời điểm sau trồng khoảng 1 tháng thì tiến hành bấm ngọn lần đầu, kết hợp bón thúc phân NPK rắc đều trên mặt luống rồi tưới nước cho phân tan. Sau đó cứ cách 7 – 10 ngày lại tiến hành bấm ngọn một lần cho đến lúc thu hoạch củ đậu. Giai đoạn khi cây bắt đầu bói hoa thì dùng kéo cắt hết nụ hoa, lộc non nhằm giúp cây phát triển củ.

Củ đậu sau khi trồng đươc 2 tháng tiến hành bón thúc phân chuồng ủ hoại hoặc phân NPK lần 2, cách 1 tháng sau lại tiếp tục bón thúc lần 3.

Phòng trị sâu bệnh ở cây củ đậu

Củ đậu, củ sắn thường bị sâu cuốn lá, bệnh lở cổ rễ, đốn lá, cháy lá, rầy rệp,…gây hại. Áp dụng các biện pháp phòng trị bệnh như các loại cây khác.

Thu hoạch củ đậu, củ sắn

Cây củ đậu sau khi trồng khoảng 4 – 5 tháng sẽ cho thu hoạch củ. Thời điểm thu hoạch củ đậu cây sẽ rụng gần hết lá và lá sẽ chuyển sang màu vàng nhạt.

Cây củ đậu nấu được rất nhiều món ăn ngon vừa ăn tươi như trái cây rất thanh mát cung cấp nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Kinh nghiệm trồng củ đậu xen canh gối vụ

Củ đậu là loại rau ngắn ngày, dễ trồng, ít phải đầu tư chăm sóc, ít sâu bệnh, có thể trồng được nhiều vụ trong năm, nhất là dùng làm cây trồng gối vụ…

Củ đậu là loại rau ngắn ngày, dễ trồng, ít phải đầu tư chăm sóc, ít sâu bệnh, có thể trồng được nhiều vụ trong năm, nhất là dùng làm cây trồng gối vụ giữa vụ xuân sang vụ mùa hoặc ngược lại hiện được nông dân nhiều nơi áp dụng đưa lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Theo kinh nghiệm ở Lộc Bình (Lạng Sơn) và Kim Thành (Hải Dương), ngoài trồng chính vụ bà con còn trồng củ đậu vụ trái bán được giá cao, cho lãi lớn. Bình thường mỗi sào củ đậu trồng vụ chính cho thu nhập 700-800.000 đồng, trong khi trồng vụ trái cho thu tới 1,5-1,7 triệu đồng/sào. Nhiều hộ còn tranh thủ trồng xen với cải củ, cải ngọt, cải xanh, su hào ngắn ngày vào giai đoạn đầu hoặc để bán vào dịp Tết Nguyên đán nên mức thu nhập còn có thể cao hơn, tới 2-3 triệu đồng/sào. NNVN giới thiệu kinh nghiệm trồng xen canh gối vụ của nông dân xã Đồng Gia, huyện Kim Thành, Hải Dương để bà con các nơi tham khảo, áp dụng.

Giống và thời vụ:- Hiện có các giống củ đậu địa phương và các giống củ đậu lai nhập nội từ Trung Quốc. Giống của ta do bà con nông dân tự để giống, củ nhỏ, năng suất thấp (800-1.200kg/sào) nhưng chất lượng tốt, ăn ngọt, mát được nhiều người ưa chuộng tìm mua, bán được giá cao hơn củ đậu lai. Giống củ đậu lai của Trung Quốc sinh trưởng khoẻ, cho củ to, năng suất cao (1,5-2 tấn/sào) nhưng chất lượng thấp, ăn nhạt, không ngon như củ đậu ta. Là giống lai F1 nên không tự để giống được, hàng năm bà con vẫn phải mua hạt giống ở các công ty, cửa hàng bán giống rau.

– Có thể trồng nhiều vụ trong năm : vụ xuân trồng tháng 2-3, thu hoạch tháng 5-6; vụ hè trồng tháng 4-5, thu hoạch tháng 7-8; vụ thu và thu đông trồng tháng 7-8-9, thu hoạch từ tháng 10 cho đến sau Tết nguyên đán. Tuy nhiên có 2 vụ chính cho năng suất cao và chất lượng tốt hơn cả là vụ xuân và thu đông.

Chọn và làm đất: Củ đậu ưa đất cát pha, thịt nhẹ, tơi xốp, có đủ độ ẩm, dễ thoát nước, độ pH từ 5,5-7, nếu thấp hơn thì bón cho mỗi sào 30kg vôi bột để khử bớt chua. Cày bừa kỹ, nhặt hết cỏ dại và lên luống rộng từ 1,5-1,8m, cao 50-60cm theo hình mui luyện cho dễ thoát nước.

Lượng phân và cách bón: Trồng củ đậu không cần nhiều phân hoá học mà nên bón lót nhiều phân chuồng đã được ủ hoai mục hoặc nhiều rơm, rạ mục là tốt nhất. Lượng phân đầu tư cho 1 sào Bắc bộ (360m2) gồm: 500-600kg phân chuồng + 4-5kg urê +10-12kg lân + 5-6kg phân kali. Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân rác, lân trước khi lên luống. Khi củ đậu đã mọc được từ 30-45 ngày tiến hành bón thúc đợt 1 bằng 3kg đạm + 3kg phân kali nhằm giúp cây phát triển nhanh thân lá. Khi cây bắt đầu vào thời kỳ xuống củ (bói hoa) thì bón nốt số đạm và kali còn lại giúp cây cho củ to, tăng năng suất và chất lượng củ.

Gieo hạt: Gieo đều hạt trên mặt luống với khoảng cách: hàng cách hàng 20cm, hạt cách hạt trên hàng 15-18cm. Có thể gieo theo hàng ngang mặt luống cho dễ chăm sóc. Hạt giống chỉ cần ấn nhẹ xuống mặt luống, không cần lấp đất. Dùng rạ phủ kín mặt luống nhằm giữ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại và chống rửa trôi phân bón, hạt giống.

Chăm sóc: – Khi cây đã mọc đều, tỉa bớt những cây mọc yếu, dặm lại những chỗ thưa nhằm đảm bảo mật độ sẽ cho năng suất cao sau này. Kết hợp với bón phân đợt 1 là xới xáo mặt luống, làm sạch cỏ và thường xuyên tưới đủ ẩm (65-70%) cho cây sinh trưởng khoẻ. Cách tưới tốt nhất là dẫn nước theo rãnh cho ngấm dần vào luống hoặc té nước lên mặt luống, khi thấy đất chuyển màu nâu thẫm thì rút hết nước ra khỏi rãnh.

– Khi thấy cây bắt đầu bói hoa thì dùng dao, kéo cắt hết hoa, nụ, lộc non vươn dài khỏi mặt luống nhằm giúp cây chuyển nhanh từ giai đoạn sinh trưởng thân lá sang phát triển củ, tăng trọng củ, nâng cao chất lượng củ.

– Nếu thấy cây hơi cằn, lá hơi vàng thì cần phun bổ sung thêm các loại phân bón qua lá như Thiên nông, Humate 7-10 ngày/lần giúp cây sinh trưởng nhanh, cho củ to và chất lượng tốt.

Nếu kết hợp trồng xen canh để tăng thu nhập thì nên chọn các loại cây ngắn ngày (khoảng 30-45 ngày) như cải canh, cải ngọt, củ cải để gieo đồng thời với củ đậu và nên thu hoạch sớm để không làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển củ của cây củ đậu.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Củ ấu – “nhân sâm của người nghèo”

Ấu là một trong những loại cây thủy sinh mọc khá nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vào mùa nước nổi. Người dân miền Tây quen gọi củ ấu là “nhân sâm của người nghèo” vì chúng chữa được nhiều bệnh nguy hiểm nhưng giá cả lại vô cùng bình dân.

Củ ấu chứa nhiều công dụng ít ai biết

Củ ấu có tên khoa học Trapa cochinchinensis Lour, thuộc họ Ấu – Trapaceae hay còn gọi là ấu trụi, ấu nước, hạt dẻ nước, người dân quen gọi củ ấu là củ “sừng trâu” vì vẻ ngoài của chúng nhìn như những chiếc sừng của con trâu đực. Vào những ngày tiết trời se lạnh, thứ đồ ăn vặt dân dã như củ ấu lại được bán dọc các tuyến đường hay ở một số chợ. Nhìn bề ngoài xấu xí nhưng ruột củ ấu lại trắng, thơm và bùi.

Các nhà khoa học và chuyên gia dinh dưỡng đánh giá, trong củ ấu có nhiều giá trị dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe như gluxit, đường glucose, protein… Trong 100g củ ấu có khoảng 48,2g nước, 3,4g protein, 32,1g chất bột đường, 3,3g đường, 17,6mg can-xi, 0,4mg kẽm, 0,7mg sắt, 0,8mg natri, 468mg kali và khoảng 730 calorie.

Củ ấu là loại thực phẩm lành mạnh và an toàn. Một chế độ ăn có củ ấu một cách vừa phải chính là chìa khóa giữ vững sự trường sinh, ngăn chặn tiến trình lão hóa ngay từ bên trong.

Trong Đông Y, củ ấu vị ngọt, tính mát. Các thành phần của cây củ ấu đều được coi như một vị thuốc. Thân cây vị ngọt chát, tính bình, có tác dụng tiêu viêm giải độc. Củ ấu non ăn sống có tác dụng chống nóng chống nắng, giải độc say rượu, trừ rôm sảy. Loại củ ấu già rất tốt cho trường hợp tỳ hư tiết tả, kinh nguyệt ra nhiều, trĩ xuất huyết, chống suy nhược.

Trị các bệnh về nhiệt

Củ ấu có thể điều trị các chứng bệnh do nhiệt trong cơ thể. Trong đó phổ biến nhất chính là mụn nhọt và các vấn đề ngoài da phổ biến khác.

Trẻ nóng nực hay bị nổi ghẻ nhọt có thể chữa bằng bài thuốc từ củ ấu. Trong dân gian thường lấy nguyên củ ấu đốt thành than, thêm ít chu sa, băng phiến nghiền thành bột rồi trộn với nước sôi để nguội cho sền sệt. Hàng ngày lấy hỗn hợp đó bôi lên chỗ ghẻ nhọt sẽ hết sưng, đau ngứa. Cùng với đó lấy ruột ấu nấu cháo cho trẻ ăn, ghẻ nhọt sẽ càng mau hết.

Khắc tinh của bệnh trĩ

Vỏ củ ấu sấy khô, tán thành bột trộn đều với dầu mè bôi lên búi trĩ mang lại hiệu quả rất tốt; giúp giảm đau, hạn chế tình trạng sưng viêm và thu nhỏ búi trĩ. Củ ấu được cho là khắc tinh của bệnh trĩ qua mọi thời đại.

Giúp giảm cân, đẹp da

Củ ấu không chứa gluten và rất ít chất béo, vì vậy mọi người không sợ việc ăn nhiều sẽ tăng cân. Không những vậy, với hàm lượng chất xơ dồi dào, khi ăn củ ấu sẽ có cảm giác nhanh no bụng như khoai, sắn. Chính điều này sẽ giúp hạn chế ăn vặt và làm giảm quá trình tích tụ mỡ trong cơ thể. Đây là thực phẩm lý tưởng giúp giảm béo nhanh. Ngoài ra, trong củ ấu có rất nhiều vitamin C, B1, B2… giúp làm đẹp da.

Củ ấu giúp giảm cân, đẹp da

Ngăn ngừa các vấn đề tuyến giáp

Các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá, ngoài việc ăn muối chứa I-ốt thì một chế độ ăn có củ ấu sẽ giúp bạn hạn chế được các vấn đề về tuyến giáp. Việc ăn củ ấu thường xuyên sẽ giúp cân bằng lượng muối khoáng trong cơ thể, hạn chế những chứng bệnh có liên quan đến bướu cổ và tuyến giáp.

Trị viêm loét dạ dày

Có thể nói, hiếm có loại thực phẩm bình dân nào vừa dễ ăn lại vừa chứa nhiều dược tính như củ ấu. Người miền Tây thường dùng củ ấu nấu cháo với gạo nếp để ăn, trị bệnh viêm loét dạ dày.

Củ ấu nấu cháo với gạo nếp để ăn, trị bệnh viêm loét dạ dày

Hạn chế sẩy thai, dị tật thai nhi

Những thai phụ có cổ tử cung yếu hoặc bị tăng tiết mật quá mức thường rất lo lắng khi mang thai vì chúng có thể khiến thai bị dị tật, thậm chí là sẩy thai. Nếu sử dụng củ ấu thường xuyên, bạn cũng sẽ cung cấp một môi trường nhau thai đầy dinh dưỡng, rất tốt cho thai nhi.Tại các nước Đông Nam Á, củ ấu được cho là liệu pháp dưỡng thai phổ biến, bình dân và vô cùng hiệu quả.

Tốt cho xương khớp

Với nhiều vitamin và khoáng chất củ ấu sẽ giúp những người lớn tuổi hạn chế tình trạng thái hóa xương khớp, điều trị loãng xương và ngăn ngừa thái hóa khớp.

Rất nhiều món ăn tạo thành từ củ ấu

Theo vietnammoi.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Ngọt bùi củ ấu

Củ ấu đen đúa, xấu xí nhưng vỏ bề ngoài ấy cùng với hương vị ngọt bùi nguyên sơ lại khiến người ta phải “nghiện” nó mỗi độ cuối thu đầu đông.

Củ ấu

Mùa ấu không kéo dài như những loại củ, quả khác. Nó bắt đầu vào đúng khi tiết trời đậm sắc thu nhất. Chính vì mùa ấu quá ngắn ngủi nên cứ mỗi mùa ấu đến là những người chuộng thứ quà vặt này lại mua một túi mỗi buổi đi chợ về. Ai rảnh rỗi thì mua củ ấu còn sống về luộc chín, người bận rộn thì mua củ ấu đã được luộc sẵn về ăn. Củ ấu có một vị ngọt bùi rất đặc trưng và một hình dáng cũng thật đặc biệt. Luộc củ ấu cũng như luộc khoai, luộc sắn, phải biết cách luộc thì củ ấu ăn mới ngon ngọt và bở. Nếu luộc không kĩ khi ăn sẽ bị sượng, luộc kĩ quá thì bị nhão, khi ăn sẽ nhạt nhẽo và mất hết vị ngọt thơm của ấu.

Ăn ấu bằng cách dùng răng cắn hoặc dùng dao để tách. Khi cắn bằng răng thì phải hết sức cẩn thận để gai ấu không đụng vào nướu hay lưỡi. Củ ấu già có vị bùi bùi, ăn một củ là muốn ăn thêm nữa. Thi thoảng, khi cắn phải củ ấu non, ruột ấu phụt ra thành một dòng nhựa trắng, sệt sệt như kem. Vỏ ấu sau khi ăn phải gom lại cẩn thận, phơi khô rồi nhóm bếp hoặc đốt đi. Nếu để rơi vãi, gai ấu khô đâm vào chân tay, sẽ mắc luôn trong da thịt, rất đau nhức.

Ấu không phải thứ ăn để no, mà ăn để thưởng thức. Ăn chậm rãi, với tâm trạng thanh thản mới thấy được hết vẻ tinh túy của hương vị đất trời. Vỏ ấu vẻ ngoài đen nhưng bên trong lại trắng ngần thơm thảo. Ấu dường như cũng giống như những người nông dân lam lũ, vẻ bề ngoài khắc khổ nhưng trong lòng lại rất thuần hậu, chất phác. Chả thế mà từng có câu ca dao xưa nói về ấu mà cũng là để nói về phẩm chất quý giá của người phụ nữ:

“Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

Ai ơi nếm thử mà xem

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi”.

Không chỉ đen đủi, xấu xí, củ ấu trông giống như những chiếc sừng trâu nên được lũ trẻ con rất thích ngắm nghía vì trông thật ngộ nghĩnh. Khi bổ đôi ra và lấy hết ruột ấu ra, bọn trẻ con còn có sở thích chọn nửa củ ấu to lồng vừa ngón tay út vào và chơi như một trò thú vị. Đứa nào có khiếu còn chọn những củ ấu gai cân đối hình trái tim, dùng tăm nhỏ khoét hết nhân ở giữa để làm sáo. Chiều chiều cả xóm lại vang lên tiếng sáo từ củ ấu gai thân thuộc.

Những năm gần đây, cứ vào dịp cuối thu lại thấy những người phụ nữ quảy đôi quang gánh đi rong khắp phố phường bán củ ấu đã luộc sẵn. Củ ấu giờ đã trở thành một món ăn chơi dân dã được nhiều người ưa thích. Cây ấu cùng họ với các loài cây sen, cây súng hay cây láng, thích nghi với ao đầm và những chân ruộng có nước quanh năm. Thân đốt, lá mọc so le nổi trên mặt nước, hình tròn, mép có răng cưa thưa, sức vươn khá tốt.

Ấu gai vỏ đen

Tại các tỉnh miền bắc hiện có ba giống ấu đặc trưng là giống ấu trụi (được trồng tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo – Hải Phòng); giống ấu gai (được trồng đại trà ở tỉnh Thái Bình) và giống ấu sừng trâu (phổ biến trên địa bàn tỉnh Phú Thọ)…Ấu sừng trâu tuy nhỏ nhưng ăn bùi và thơm, không chán. Ấu trụi không có gai, củ to, vỏ mỏng có màu nâu đen, ruột xốp trắng, tơi bở. Ấu gai vỏ đen, thân củ mọc ba cái gai và ăn chát hơn hai loại ấu khác.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trồng củ ấu thu lãi lớn

Trồng một ha lúa đầu tư lên tới 13 triệu đồng nhưng thu hoạch chỉ được khoảng 24 triệu đồng. Trong khi đó, trồng củ ấu, vốn bỏ ra khoảng 10 triệu đồng mỗi ha nhưng doanh thu có thể lên tới 60-70 triệu đồng.

Củ ấu

Trước đây, hằng năm, nông dân ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang đã tận dụng diện tích mặt nước dâng cao trong mùa nước nổi để trồng ấu kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Đa số nông dân trồng ấu có chung nhận xét: dễ trồng, ít vốn, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh…

Trong quá trình trồng, chỉ cần bón phân và phun thuốc dưỡng cây, ngừa sâu ăn lá và phòng bệnh cháy lá là đủ… Việc trồng ấu bắt đầu từ giữa tháng 6 âm lịch đến cuối tháng 11 âm lịch – lúc nông dân rảnh rang việc đồng áng.

Theo nhiều nông dân, cây ấu phù hợp với vùng nhiều nước nhưng để cây phát triển và có củ trong mùa nắng nóng thì ít nơi trồng được, chưa kể ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên khó ổn định năng suất.

Củ ấu nằm dưới lá

Tuy nhiên, hiện nay, tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long củ ấu được bà con trồng đại trà tại xã Tân Hạnh nhờ họ biết cách trữ nước trong ruộng trũng và ươm giữ giống. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được mô hình trồng ấu 3 vụ một năm, với tổng diện tích khoảng 50ha.

Ông Lê Văn Hết (53 tuổi, ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hạnh), vui vẻ tiết lộ: “Trước đây, sau mỗi lần thu hoạch lúa hè thu, tôi mới xới trục đất rồi lấy nước vào ruộng để cấy ấu giống. Nhưng hiện nay, tôi luôn giữ nước trong ruộng rồi cấy ấu ở mặt nước cao từ 2–3 tấc cho ấu mau bén đất. Khi ấu vừa lớn, tôi xả nước vào sâu bao nhiêu thì dây ấu lên cao bấy nhiêu… Vụ nào ít gặp nắng hạn, thời gian thu hoạch ấu sẽ kéo dài nên coi như vụ đó trúng mùa”.

Bình quân, một công ấu (1.000m2) cho từ 800 kg đến một tấn củ. Nếu trúng có thể lên đến hơn một tấn, thất thì cũng được 600 kg.

Nhờ 4 công ruộng luôn trữ hơn nửa mét nước, bà Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi, ngụ ấp Tân Hóa, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) đã trồng trúng mùa và bán hơn 5 tấn củ ấu với giá 7.000 đồng một kg, thu nhập gần 35 triệu đồng mỗi vụ. Sau khi trừ tất cả các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình bà còn lời hơn 25 triệu đồng.

Bà Hoa còn cho biết thêm ấu có lợi nhuận cao hơn lúa và hoa màu khác. Bà Hoa dẫn chứng, gia đình bà từng trồng một ha lúa với kinh phí đầu tư hơn 13 triệu đồng nhưng bán chỉ được khoảng 24 triệu đồng. Trong khi đó, vốn trồng ấu khoảng 2 triệu đồng, năng suất gần 10 tấn, doanh thu có thể lên tới hơn 50 triệu đồng. Đây là cây trồng có hiệu quả cao, lợi nhuận gấp 3 cây lúa.

Trồng ấu lợi nhuận gấp 3 lần trồng lúa

Tương tự, bà Nguyễn Thị Chính (ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hạnh) tỏ ra phấn khởi vì thị trường tiêu thụ củ ấu mạnh. Bà Chính cho biết: “Lúc trước, nhà tôi trồng lúa nhưng sau này, thấy ấu có giá trị kinh tế cao, vốn đầu tư ít nên tôi mua giống về trồng. Vào mỗi mùa thu hoạch, thương lái đến tận bờ ruộng để thu mua với giá từ 6.000 – 7.000 đồng một kg. Mỗi vụ thu hoạch được 3 lần, hàng bán rất chạy nên nông dân an tâm”.

Ông Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hạnh, cho biết ngoài tiêu thụ trong nước, ở Vĩnh Long đã có nhà máy chế biến củ ấu để xuất khẩu. “Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chính quyền địa phương khuyến khích nông dân trong xã tham gia mô hình trồng ấu quanh năm ở những vùng trũng vì hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, xã cũng khuyên người dân trồng cây ấu theo quy hoạch của địa phương, trồng xen canh với các loại hoa màu khác, không nên trồng ấu ồ ạt, tránh tồn ứ”, ông Bình khuyến cáo.

Cây củ ấu sống dưới nước, mọc ở các ao, đầm. Hoa màu trắng, mọc đơn độc hay ở nách lá. Trong củ chứa một hạt, trong hạt có nhiều bột trắng ăn được. Củ ấu có 2 giống là ấu gai và ấu trụi: ấu gai quả có 2 sừng nhọn như gai, năng xuất thấp; ấu trụi quả có 2 sừng tù, năng xuất cao. Cây ấu trồng để lấy củ làm thức ăn cho người hay cho gia súc, lấy lá làm thức ăn xanh.

Trong củ ấu có nhiều gluxit, đường glucô, protein. Trong 100g thịt củ ấu có 24g đường, 9mg canxi, 49mg phot pho, 0,7mg sắt, các vitamin A, B1, C, D và men có tác dụng hạn chế ung thư gan, ung thư dạ dày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Công dụng ít biết của củ ấu

Củ ấu không chỉ là món ăn dân dã mà còn có tác dụng chữa bệnh hiệu quả.

Củ ấu

Vào những ngày tiết trời se lạnh, thứ đồ ăn vặt dân dã như củ ấu lại được bán dọc các tuyến đường hay ở một số chợ. Nhìn bề ngoài xấu xí nhưng ruột củ ấu lại trắng, thơm và bùi.

Củ ấu có tên khoa học Trapa cochinchinensis Lour. thuộc họ Ấu – Trapaceae hay còn gọi là ấu trụi, ấu nước, hạt dẻ nước.

Nhiều người còn quen gọi ấu là quả sừng trâu. Đây là loại thực vật thủy sinh, mọc trong ao đầm, thân ngắn có lông.

Các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá, trong củ ấu có nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe như nhiều gluxit, đường glucô, protein… Trong 100g củ ấu có khoảng 48,2g nước, 3,4g protein, 32,1g chất bột đường, 3,3g đường, 17,6mg can-xi, 0,4mg kẽm, 0,7mg sắt, 0,8mg natri, 468mg kali và khoảng 730 calorie.

Trong Đông Y, củ ấu vị ngọt, tính mát; vào tỳ, vị. Các thành phần của cây củ ấu đều được coi như một vị thuốc. Thân cây vị ngọt chát, tính bình, có tác dụng tiêu viêm giải độc. Củ ấu có tác dụng ích khí kiện tỳ, thanh thử giải nhiệt lương huyết, trừ phiền chỉ khát.

Củ ấu non ăn sống có tác dụng chống nóng chống nắng, giải độc say rượu, trừ rôm sảy. Loại củ ấy già rất tốt cho trường hợp tỳ hư tiết tả, kinh nguyệt quá nhiều, trĩ xuất huyết, chống suy nhược.

Nhiều bài thuốc đã sử dụng nguyên liệu từ củ ấu để chữa trị bệnh một cách hiệu quả. Chẳng hạn:

Trị bệnh trĩ: Vỏ củ ấu sấy khô, đốt tồn tính, tán thành bột, trộn đều với dầu mè, bôi hoặc đắp.

Trị mụn nhọt: Trẻ nóng lực hay bị nổi ghẻ nhọt. Trong dân gian thường lấy nguyên củ ấu đốt thành than, thêm ít chu sa, băng phiến nghiền thành bột rồi trộn với nước sôi để nguội cho sền sệt. Hàng ngày lấy hỗ hợp đó bôi lên chỗ ghẻ nhọt sẽ hết sưng, đau ngứa. Cùng với đó lấy ruột ấu nấu cháo cho trẻ ăn, ghẻ nhọt sẽ càng mau hết.

Trị viêm loét dạ dày: Thịt ấu 30g, hoài sơn 16g, táo đỏ 16g, bạch cập10g, gạo nếp 100g. Cho tất cả vào nồi, thêm lượng nước vừa đủ để nấu cháo nhừ. Khi ăn cho 20g mật ong trộn đều. Đây cũng là món ăn tốt cho những người bị ung thư dạ dày.

Môi khô, ngủ không ngon giấc…: Thịt củ ấu tươi 50g, địa cốt bì 20g, câu kỷ tử 10g, hoàng cầm, cam thảo sắc lên uống. Ngày 2 lần uống khoảng 1 tuần.

Các chuyên gia lưu ý rằng dù củ ấu là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao với nhiều công dụng tốt song để tận dụng được công dụng của củ ấu, bạn cần lưu ý:

Không nên ăn quá nhiều một thời điểm vì củ ấu có tính mát dễ gây ra tình trạng đầy hơi, trướng bụng và đau bụng. Có thể dùng 50 – 200g/ngày dưới dạng ăn sống hoặc nấu canh, cháo… Ăn nhiều sẽ gây trệ khí, do đó những người có u cục ở ngực bụng cần thận trọng khi ăn. Người tỳ vị hư nhược, đại tiện tiêu lỏng không nên dùng dạng sống. Sau khi ăn củ ấu không nên uống nước liền vì sẽ có cảm giác khó chịu.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trị bệnh “Dòi đục thân lá hành tỏi”

Dòi đục thân hành lá, tỏi, kiệu là bệnh nguy hiểm, dễ gây thiệt hại lớn. Dưới đây là đặc điểm tác nhân gây bệnh và biện pháp trị bệnh dòi đục thân

Đặc điểm hình thái dòi đục thân lá hành, tỏi, kiệu

Tên khoa học: Delia Antiqua

– Trứng có màu trắng và dài và được xếp thành từng nhóm trên thân, lá, củ của cây ký chủ và gần mặt đất, trong các kẽ đất.

Trứng ruồi đục lá, dòi đục lá hành, tỏi, kiệu

– Ấu trùng: sâu non được gọi là dòi, dòi dài khoảng 2mm, màu trắng trong, phần trước hơi vàng, trông rõ ruột bên trong màu đen. Thời gian sống của dòi khoảng 3-4 ngày.

– Nhộng màu nâu vàng, dài khoảng 1,5 mm, rộng 0,7 mm. Thời gian phát dục từ 6 – 8 ngày. Nhộng thường phân bố ở vị trí cuối cuống lá hoặc dưới mặt đất.

– Trưởng thành: Ruồi có kích thước từ 3-5mm, chân màu đen, đôi cánh trong suốt, mắt kép màu nâu

Đặc điểm sinh sống, phát sinh gây hại của dòi đục thân lá hành, tỏi, kiệu

Trứng ruồi đẻ gần gốc cây hành, tỏi, kiệu

Con cái đẻ trứng dài, trắng gần gốc cây, trong các kẽ đất. Trứng nở trong 2-7 ngày. Sâu non sau khi nở bò lên, bò vào vỏ bọc lá và đi tới phần ống hoặc bẹ lá. Sâu non ăn bẹ lá và phát triển đầy đủ trong 2-3 tuần, sâu non thường tập chung cắn phá củ và bẹ lá, 50 con dòi có thể ăn hết 1 bẹ hành lớn, ấu trùng có thể nở từ trứng của nhiều con ruồi cái.

Sâu non (dòi) đục thân hành, tỏi, kiệu

Những con sâu đẫy sức bò ra khỏi bẹ lá và hóa nhộng trong đất. Sau 2-3 tuần, hóa bướm và bắt đầu thế hệ mới. Trong thế hệ thứ ba, dịch hại thường tấn công phần củ hành, tỏi ngay trước khi thu hoạch.

Dòi tấn công trực tiếp vào phần củ hành, tỏi, kiệu

Sâu đục vào củ ăn các mô thịt trong lòng của hành tỏi, làm cho hành tỏi bị tổn thương, không dẫn được nước, chất dinh dưỡng, tạo cơ hội cho các vi khuẩn, nấm xâm nhập củ gây thối củ, thối rễ, úa lá, chết cây. Sâu hại cả sau khi thu hoạch và bảo quản trong kho.

Triệu chứng cây hành, tỏi bị dòi đục thân lá tấn công

Cây hành, tỏi trên ruộng chết do bị dòi đục thân lá cây hại

Biện pháp phòng trừ ruồi đục lá, dòi đục lá hành tỏi

+ Vệ sinh đồng ruộng, xới xáo, phơi đất dưới nắng, làm sạch cỏ đặc biệt là những loài cỏ lá rộng (ký chủ phụ của ruồi) trước khi xuống giống khoảng 1 tháng.

+ Luân canh với các loại cây trồng khác họ, đặc biệt là lúa nước.

+ Ngắt bớt những lá bị ruồi đục đem chôn để giảm bớt nguồn sâu, nhất là các lá già.

+ Dùng bẫy dính màu vàng để bẫy ruồi trưởng thành.

+ Biện pháp hóa học:

Sử dụng các thuốc có tính thấm sâu và nội hấp như Bulldock 0.25 EC; Trigard 75WP; Vertimec 1.8EC; Netoxin 18SL, Sairifos 585 EC để phun.

Chú ý:

+ Khi điều tra; nếu tỷ lệ thiên địch trên 50% không cần phun thuốc. Khi tỏi đã lớn, chỉ sử dụng thuốc khi mật độ ruồi trên 7 con/lá.

+ Sử dụng các thuốc trừ sâu sinh học hoặc các thuốc trừ sâu tự chế từ ớt, tỏi, hành…

Hướng dẫn phối trộn thuốc trừ sâu tự chế: Chuẩn bị 1kg ớt cay, 1kg tỏi, 0,5kg hành tây, 2,5 lít nước rửa chén, 1 lít nước. Xay toàn bộ lượng ớt, tỏi, hành tây trong máy xay sinh tố hoặc giã nhỏ trong cối, trộn đều với nước rửa chén và nước lọc, để lắng trong 24h, lọc lấy phần trong pha thêm nước cho đủ 1 bình phun (16 lít).

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Một số sâu bệnh hại Hành và biện pháp phòng trừ

Các phòng và trị sâu bệnh hại hành lá được chia sẻ từ Chi cục bảo vệ thực vật Lâm Đồng: “Một số sâu bệnh hại hành và biện pháp phòng trừ”

A/ Sâu hại

I. Sâu xanh da láng (Spodoptera exigua)

1/ Đặc điểm hình thái

Bướm nhỏ hơn, màu nâu và có 1 đốm vàng ờ giữa cánh rất đặc sắc.
– Sâu non có màu xanh lục với 2 sọc vàng nâu chạy dọc 2 bên thân mình, sâu tuổi lớn có mầu xanh lợt, dễ lẫn với mầu của cọng hành.
– Trứng đẻ thành từng ổ từ 20-30 trứng có phủ lông trắng.

2/ Tập quán sinh sống và gây hại:

– Bướm hoạt động mạnh vào ban đêm, trứng đẻ trên lá. Một bướm cái có thể đẻ 500-800 trứng.
– Sâu non đục lỗ nhỏ chui vào bên trong cọng hành ăn phần xanh của lá. Khi sâu còn nhỏ trong một cọng hành có thể có hàng chục con, khi lớn chúng phân tán dần sang các lá khác. Loài sâu này cắn phá mạnh làm cọng hành bị khô héo, chết, gẫy gập, xơ xác, cả bụi hành trở nên vàng úa, còi cọc cả ruộng hành bị trắng xoá, tàn lụi.
– Sâu thường phát sinh và gây hại nhiều trong điều kiện thời tiết nóng, ít mưa.
– Vòng đời trung bình 30-40 ngày.

3/ Biện pháp phòng trừ:

– Vệ sinh đồng ruộng, phát hiện sớm khi sâu còn nhỏ để phòng trừ.
– Biện pháp hóa học: Sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ: Abamectin (Agromectin 1.8 EC, Catex 1.8 EC, 3.6 EC), Azadirachtin+Matrine (Lambada 5EC), Emamectin benzoate(Dylan 2EC, Proclaim 1.9 EC), Emamectin benzoate + Petroleum oil (Comda 250EC), Indoxacarb (DuPontTM Ammate®30WG).

II. Sâu keo (Onion armyworm)

1/ Đặc điểm hình thái:

– Con trưởng thành có màu xám đến nâu xám. Sải cánh rộng 24cm, cánh trước màu nâu vàng có các vân đen trắng.
– Trứng được đẻ thành ổ lớn ở mặt dưới, các lá của cây ký chủ. ổ trứng được phủ một lớp lông và vảy mỏng từ thân con cái. Mỗi con cái đẻ từ 500 – 2000 trứng trong vòng một vài ngày
– Trứng mới đẻ có màu xanh xám sau đó trở thành nâu đậm trước khi nở. Trứng sau khi đẻ 3 – 5 ngày thì nở.
– Sâu non mới nở màu xanh sáng dài khoảng 1mm và đầu tương đối lớn.
– Sâu hóa nhộng trong đất hóa, Nhộng màu đỏ sẫm kéo dài khoảng 12 ngày.
– Giai đoạn sâu non kéo dài khoảng 10 – 14 ngày.
– Vòng đời khoảng 26 – 32 ngày tùy thuộc vào nhiệt độ.

2/ Tập quán sinh sống và gây hại:

– Sâu keo ăn toàn bộ thịt lá, chỉ để lại phần biểu bì lá, sau đó lá khô teo đi và bị héo toàn bộ. Đối với hành và hành củ sâu non tuổi nhỏ ăn bề mặt của lá sau, tạo thành cửa sổ và chỉ rời khỏi lá khi thức ăn hết.

3/ Biện pháp phòng trừ:

– Phát quang các lùm cây và làm cỏ sẽ giảm được mật độ sâu. Sâu có thể sống sót trong các gốc cây và trong cỏ sau khi thu hoạch và chuyển sang cây trồng mới gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cây trồng.
– Làm ngập nước ruộng có sâu hại để nhấn chìm nhộng và những dịch hại khác sống trong đất (nếu điều kiện thủy lợi cho phép).
– Lật đất để phơi nhộng lên mặt đất, làm mồi cho chim và các loại thiên địch khác.
– Biện pháp hóa học: Do chưa có thuốc BVTV đăng ký để phòng trừ, do đó có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau:
Abamectin, Azadirachtin+Matrine, Indoxacarb.

III. Bọ trĩ hại hành (Thrips tabaci Lindeman)

1/ Đặc điểm hình thái:

– Bọ trĩ trưởng thành và bọ trĩ non thường rất nhỏ, có kích thước nhỏ hơn 1mm. Sâu non có màu vàng hoặc trắng. Con già có màu vàng nâu và di chuyển nhanh. Chúng dùng 2 răng cửa giũa cho rách biểu bì lá cây để hút nhựa.

2/ Tập quán sinh sống và gây hại:

– Con cái đẻ trứng vào trong mô lá (khoảng 80 trứng/con), sau 5 – 10 ngày trứng sẽ nở, vòng đời hơn 21 ngày tùy theo môi trường, nhiệt độ.
– Lá bị hại có màu sáng bạc và có vết hoặc đốm nhỏ màu nâu. Lá có thể héo hoặc biến dạng. Ngọn của các lá phía ngoài có màu nâu. Trong trường hợp bị hại nghiêm trọng lá rũ xuống, củ nhỏ và biến dạng.
– Khí hậu lạnh, con trưởng thành có thể ngừng hoạt động và ngủ đông trong đất, khi nhiệt độ ấm lên chúng thức dậy.
– Bọ trĩ phát triển thích hợp trong điều kiện thời tiết nóng và khô

3/ Biện pháp phòng trừ:

Chưa có thuốc BVTV đăng ký trong danh mục để phòng trừ bọ trĩ hại hành. Có thể sử dụng một số hoạt chất: Thiamethoxam; Imidacloprid, Matrine để phòng trừ .

B. Sâu hại

I. Bệnh cháy lá (Bostrytis sp)

1/Triệu chứng:

– Botrylis squamosa gây nên những đốm trắng nhỏ tròn trũng hay đốm nâu nhạt sáng phát triển chiều dài lá. Đốm này xấp xỉ 4 mm đường kính và xung quanh có vây sũng nước. Đốm luôn luôn phổ biến ở khu vực gân lá. Dưới những điều kiện đất ẩm Botrytis cirerea kết hợp với B.squamosa gây hại. Ngọn lá gục xuống một cách rõ rệt so với cây không bị bệnh ngọn lá đứng.
– Loài B.squamosa là loài hoạt động mạnh nhất trong thời tiết ẩm và nhiệt độ thấp 18oC. Ở những khu vực ít gió và độ ẩm cao hơn loại nấm này gây hại nặng hơn. Khi bị mưa đá hay mưa hạt nặng là điều kiện thuận lợi cho bệnh lây nhiễm.

2/ Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh

– Bệnh do nấm Botrylis squamosa và Botrytis cirerea gây ra
– Botrylis squamosa phát sinh và gây hại thuận lợi trong điều kiện đất ẩm
– Loài B.squamosa gây hại mạnh nhất trong thời tiết ẩm và nhiệt độ thấp 18oC. Khi bị mưa đá hay mưa hạt nặng là điều kiện thuận lợi cho bệnh lây nhiễm.

3/ Biện pháp phòng trừ:

– Cần dọn sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch.
– Không nên trồng quá dày và trên đất khó thoát nước.
– Biện pháp hóa học: có thể tham khảo sử dụng thuốc có hoạt chất: Chaetomium sp + Tricoderma sp để phòng trừ.

II. Bệnh đốm vòng (Alternaria porri)

1/ Triệu chứng:

– Vệt bệnh là những hình o van, đồng tâm. Lúc đầu là những đốm nhỏ trắng sau đó nếu thời tiết ẩm vết bệnh chuyển màu xám hay nâu. Nếu bị hại nặng lá sẽ bị khô, cây chết. Đôi khi ở phần dưới cây sát mặt đất có thể cũng bị hư hại do thối ướt sau đó khô lại và củ cũng bị khô theo.

2/ Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh:

– Bệnh do nấm Alternaria porri gây ra.
– Nếu cây bị bệnh ở thời kỳ sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Trong thời kỳ bảo quản nấm xâm nhập vào củ và gây thối.
– Bệnh phát triển và gây hại mạnh trong điều kiện ẩm độ cao và nhiệt độ từ 20 – 30oC.
– Nấm bệnh có thể tồn tại ở những tàn dư cây bệnh, bào tử sẽ phát tán theo gió và nước bắn lên lá.

3/ Biện pháp phòng trừ:

– Chọn giống không bị nhiễm bệnh để trồng.
– Thu dọn tàn dư cây bệnh sau khi thu hoạch.
– Làm đất kỹ, trồng mật độ vừa phải.
– Sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ: Azoxystrobin+Difenoconazole (Amistar top 325SC), Chlorothalonil (Arygreen 75 WP, Chionil 750WP); Difenoconazole (Score 250EC); Iminoctadine (Bellkute 40 WP);

III. Bệnh sương mai (Peronospora schleidni)

1/ Triệu chứng:

– Lá già bị bệnh có màu xanh nhạt, có lớp tơ nấm màu trắng che phủ lên vết bệnh sau đó tơ nấm chuyển sang màu xanh hơi đỏ. Bệnh nặng làm lá bị gẫy và chết.
– Cuống lá, vết bệnh đầu tiên có hình elip sau đó kéo dài ra, lúc đầu có màu vàng sau đó có màu nâu.
– Trên cây còn nhỏ ít bị bệnh gây hại, ở cây lớn các lá già bị hại trước sau đó lan dần đến củ, cây còn ít lá, củ nhỏï và cây chết.

2/ Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển:

-Do nấm Peronospora schleidni gây ra.
– Nấm tồn tại trong củ, trong thân cây bệnh.
– Bệnh phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ

3/ Biện pháp phòng trừ:

– Sử dụng giống tốt, chọn củ giống sạch bệnh vì một số loại nấm bệnh có khả năng lan truyền qua củ giống.
– Luân canh với cây trồng.
– Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn sạch tàn dư cây bệnh đem tiêu hủy sau khi thu hoạch.
– Không trồng hành những nơi kém thoát nước.
– Biện pháp hóa học: sử dụng một số loại thuốc sau để phòng trừ:
+ Azoxystrobin+ Difenoconazole (Amistar top 325SC);
+ Iprovalicarb + Propineb (Melody duo 66.75WP);
+ Chlorothalonil + Metalaxyl M (Folio Gold 440SC).

IV. Bệnh thối trắng (Sclerotinia allii)

1/ Triệu chứng:

– Vết bệnh mới xuất hiện là những khối u mịn màng. Cây bị bệnh xuất hiện lớp nấm trắng và có những hạt nhỏ màu đen. Bộ rễ bị phá hủy, rễ quăn queo và chuyển sang màu vàng hoặc nâu, củ bắt đầu ủng nước và thối.
– Trong bảo quản bệnh có thể tiếp tục gây hại phá hủy các mô bên trong khi vỏ ngoài còn nguyên.

2/ Nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh

– Bệnh thối trắng do nấm Sclerotium cepivonum gây ra
– Bệnh gây hại ở tất cả các giai đoạn phát triển của cây.
– Hạch nấm tồn tại rất lâu trong đất và là nguồn lây lan cho vụ sau.
– Khi trời mưa lớn hoặc đất ẩm ướt và nhiệt độ đất từ 10-24oC rất thích hợp cho nấm bệnh phát triển.
– Bệnh làm giảm năng suất và giá trị thương phẩm của hành.

3/ Biện pháp phòng trừ:

– Khi đất bị nhiễm nên luân canh với cây trồng khác họ.
– Thu dọn sạch tàn dư cây bệnh để tiêu hủy sau khi thu hoạch.
– Không trồng hành những nơi kém thoát nước.
– Biện pháp hóa học: Có thể tham khảo sử dụng thuốc BVTV có hoạt chất: Trichoderma viride.

Nguồn: Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng

Kỹ thuật trồng Hành lá

Hành lá là loại gia vị, không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày, mặc dù vốn đầu tư và công lao động cao hơn các loại rau gia vị khác, nhưng vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao.

Hành thân thảo, cây sống lâu năm, có mùi đặc biệt. Có 5-6 lá, lá hình trụ rỗng, dài 30-50 cm, phía gốc lá phình to, trên đầu thuôn nhọn. Hoa tự mọc trên ống hình trụ, rỗng. Hoa tự dạng hình xim, có ngấn thành hình tán giả trông tựa hình cầu. Quả nang, tròn. Hành được trồng khắp nơi, chủ yếu là làm gia vị. Đồng thời hành cũng là một vị thuốc nam được dùng để chữa nhiều loại bệnh: thuốc ho, trừ đờm, lợi tiểu, sát trùng.

Tên khoa học: Allium fistulosum sp.

Họ hành tỏi: Liliaceae

1. Giới thiệu

Hành lá là loại gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày, mặc dù vốn đầu tư và công lao động cao hơn các loại rau gia vị khác, nhưng vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao.

Hành thân thảo, cây sống lâu năm, có mùi đặc biệt. Có 5-6 lá, lá hình trụ rỗng, dài 30-50 cm, phía gốc lá phình to, trên đầu thuôn nhọn. Hoa tự mọc trên ống hình trụ, rỗng. Hoa tự dạng hình xim, có ngấn thành hình tán giả trông tựa hình cầu. Quả nang, tròn. Hành được trồng khắp nơi, chủ yếu là làm gia vị. Đồng thời hành cũng là một vị thuốc nam được dùng để chữa nhiều loại bệnh: thuốc ho, trừ đờm, lợi tiểu, sát trùng…

2. Giống

– Sử dụng giống địa phương, có hai loại gốc thân trắng và gốc thân đỏ có đặc điểm sinh trưởng tương đương nhau, thời gian sinh trưởng 42-50 ngày.

+ Hành Hương: lá nhỏ, bụi nhỏ, có mùi thơm, năng suất 1 tấn/1.000 m2, dễ nhiễm bệnh vàng lá.

+ Hành Trâu: lá to, bụi lớn, năng suất 1-1,5 tấn/1.000 m2, thị trường rất ưa chuộng.

+ Hành Đá: lá, bụi thuộc dạng trung gian, năng suất 1-1,5 tấn/1.000 m2, trồng phổ biến, thị trường rất ưa chuộng, thích hợp trồng dày.

– Chọn những bụi hành tương đối đồng đều, đúng tuổi, sinh trưởng tốt, không bị nhiễm sâu bệnh.

– Lượng giống: tùy chất lượng cây giống, thường cần khoảng 180-240 kg hành giống/1000 m2

– Xử lý giống: để đảm bảo không còn sâu bệnh lây lan sang vụ tới, trước khi nhổ hành giống 1-2 ngày, tiến hành phun Regent 800WP hoặc Map-permethrins 50EC, nếu sâu nhiều có thể xử lý bằng Secure 10EC theo nồng độ khuyến cáo.

3. Kỹ thuật trồng

* Thời vụ: Hành lá có thể được trồng quang năm, tuy nhiên năng suất mùa nắng cao hơn vào mùa mưa. Thời gian sinh trưởng 45-50 ngày. Trồng hành trong mùa nắng chú ý sâu xanh da láng, mùa mưa thì bệnh khô đầu lá.

* Chuẩn bị đất

– Yêu cầu: Đất nhiều mùn, thoát nước, ít chua, pH thích hợp từ 6,0-6,5. Nếu pH thấp hơn 5,0 cần bón thêm vôi và tro bếp.

– Đất trồng hành cần được phơi ải. Kỹ thuật lên liếp hành thay đổi tùy chân đất và tập quán canh tác. Lên liếp vồng cao 35-45 cm, chân liếp rộng 1 m, khoảng cách giữa hai liếp là 30 cm để thoát nước và đi lại chăm sóc.

Lên liếp và ủ rơm trước khi trồng hành

Khoảng cách trồng hành 20 x10 cm

– Xử lý đất: tiến hành xử lý đất ở 3 ngày trước trồng, sử dụng 1 kg Mocap/1000 m2. Rải thuốc lên liếp rồi đảo đều lớp đất mặt.

– Phủ rơm kín mặt liếp ngay trước khi trồng

* Ngâm ủ hạt (riêng đối với mùa rét còn mùa hè gieo trực tiếp):

Cho hạt vào nước vo sạch (như vo gạo) rồi cho vào túi vải ngâm trong nước ấm (3 sôi 2 lạnh) trong vòng 6 giờ sau đó vớt lên để ráo và ủ trong thùng kín (âu nhựa, bát xô, chậu… đậy kín) trong vòng 24 đến 48 giờ khi hạt nứt nanh thì đem gieo (12 giờ kiểm tra và tưới ẩm một lần)

* Gieo hạt:

Gieo hạt xuống vùng đất đã làm tơi xốp kỹ, tưới ẩm cho hạt, phủ một lớp trấu hoặc mùn mỏng, tưới ẩm rồi phủ một lớp rơm rạ mỏng lên trên, tưới ẩm 2 lần mỗi ngày, khoảng 4 ngày sau khi cây đã bật lên thì bóc bỏ lớp rơm rạ và tưới ẩm hàng ngày. Sau 40 ngày thì nhổ cây đi trồng (Mùa đông cần phải phủ nilong kín vào ban đêm để tránh rét).

* Khoảng cách trồng:

Hàng cách hàng X cây cách cây: 20 x 10 cm

* Phân bón

Tổng lượng phân dùng cho 1.000 m2: Phân chuồng hoai 1-2 tấn + 30 kg tro + 12,5 kg urea, 28 kg super lân, 8 kg kali.

Dạng phân có thể sử dụng Urea, DAP, NPK, có thể tăng cường sử dụng thêm các chế phẩm vi lượng (muối borat), chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá để tăng cường dinh dưỡng cho hành và giảm hiện tượng cháy đầu lá. Trong trường hợp hành sinh trưởng xấu có thể dùng Super hume để phun lên hành.

Bón lót: 1-2 tấn phân chuồng hoai + 30 kg tro + 28 kg super lân + 5 kg kali

Bón thúc:

– Nguyên tắc bón phân thúc: Hòa nước, tưới bằng thùng vòi hoa sen. Tưới phân đầu tiên khi hành hồi xanh (khoảng 7 ngày sau trồng), 7 ngày tưới phân 1 lần (khoảng 4-5 lần/vụ) tùy theo sinh trưởng của hành và tùy theo mùa vụ. Thời gian cách ly là 10 ngày trước khi thu hoạch.

Có thể sử dụng khuyến cáo sau (nếu sử dụng khuyến cáo này thì không bón lót phân lân):

+ Lần 1 (7 NST): 4,5 kg urea

+ Lần 2 (14 NST): 14 kg DAP + 1,5 kg KCl

+ Lần 3 (21 NST): 19 kg NPK 16-16-8 + 1,5 kg KCl

+ Lần 4 (28 NST): 17 kg DAP + 2,5 kg KCl

+ Lần 5 (nếu có, 35 NST): 4,5 kg urea

– Phân bón lá và vi lượng (nếu có) có thể phun kết hợp khi phun thuốc bảo vệ thực vật. Khuyến cáo không nên lạm dụng các chất điều hòa tăng trưởng (ProGib,..) dễ dẫn đến hiện tượng rã bẹ, cây cong, yếu. Có thể sử dụng chế phẩm EM hoặc Crop-master cho hành lá. Nếu dùng Super hume phun 3 lần (lần 2, 4, 5) thì có thể giảm 1/3 lượng đạm dùng cho hành và hạn chế hiện tượng vàng lá, tăng sức đề kháng cho hành.

* Chăm sóc

– Chú ý làm cỏ kịp thời, không để cỏ chụp hành

– Tưới đủ ẩm để cây sinh trưởng tốt.

Tưới phun cho hành lá; Giữ mực nước tưới thấm trong rãnh hành lá

– Để tận dụng và tăng hiệu quả sử dụng đất, có thể trồng xen ngò rí, cải xanh hoặc cải ngọt quanh mép liếp.

(Cải xanh được trồng xung mép liếp hành lá; Ngò Rí trồng xen với hành lá)

* Phòng trừ sâu bệnh:

– Các đối tượng sâu bệnh hại chính: Sâu xanh da láng Spodoptera exigua (xuất hiện rất sớm và gây hại đến cuối vụ), dòi đục lá (xuất hiện muộn), sâu ăn tạp (Spodoptera litura), bù lạch (Thrips tabaci), bệnh cháy đầu lá, hiện tượng rã bẹ, bệnh đốm tím Alternaria pori…

– Thường xuyên theo dõi đồng ruộng, bắt sâu trưởng thành, sâu non, ngắt bỏ ổ trứng, kết hợp làm cỏ bón phân, phun thuốc vào lúc trời mát.

– Nguyên tắc phòng trừ sâu hại bằng thuốc hóa học, sử dụng luân phiên các loại thuốc hóa học, lưu ý dùng đúng thuốc, đúng thời điểm, ưu tiên sử dụng các thuốc vi sinh, điều hòa sinh trưởng. Bắt đầu phun khi có sâu hại. Đảm bảo thời gian cách ly 7-10 ngày.

– Khi sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu xanh da láng hại hành lá thì không thể dùng một loại thuốc cho mỗi lần phun mà phải dùng hỗn hợp theo khuyến cáo sau (thường phun kết hợp trừ sâu xanh da láng và các đối tượng khác).

+ Lần 1: Atabron 5EC

+ Lần 2: Cascade 5EC + Mimic 20F

+ Lần 3: Dipel 3.2WP + Cascade 5EC

+ Lần 4: Mimic 20F + SeNPV

+ Lần 5: Dipel 3.2 WP + SeNPV

– Không sử dụng Furadan 3H trên hành lá và hạn chế sử dụng Padan.

– Nếu có bệnh đốm tím, bệnh khô đầu lá thì dùng Antracol 50WP, Dithan M45.

* Thu hoạch

Tiến hành thu hoạch khi hành đủ tuổi (42-45 ngày sau trồng) tùy tình hình sinh trưởng và sâu bệnh. Trường hợp hành xấu có thể lưu thêm vài ngày, nhưng không nên kéo dài quá. Hành lá khi đưa ra thị trường phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Nguồn: vietrap.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng hành tây cho năng suất cao nhất

Hành tây được trồng rộng rãi trên khắp thế giới và cả ở nước ta. Hành tây có hiệu quả kinh tế cao, dễ trồng và sẽ cho năng suất rất cao nếu bà con nông dân nắm vững kỹ thuật trồng hành tây dưới đây.

Hành tây chứa nhiều chất dinh dưỡng

Quá trình hình thành và chín của củ hành tây diễn ra nhanh và sớm trong điều kiện ngày dài và ánh sáng mạnh. Các giống hành ngắn ngày tạo củ bình thường trong điều kiện nhiệt đới. Cách trồng hành tây không khó, nhưng để đạt năng suất cao, người dân cần áp dụng đúng kỹ thuật.

Giống hành tây

Các giống hành tây trồng ở nước ta chủ yếu là giống lai F1, hạt nhập từ Pháp, Nhật, Mỹ… Hiện nay trên địa bàn Tứ Kỳ – Hải Dương trồng phổ biến 3 giống F1 của Mỹ: Granex, Grano. Các giống này đều có thời gian sinh trưởng từ 90 – 100 ngày, năng suất trung bình đạt 1,4-1,7 tấn/sào bắc bộ.

Kỹ thuật trồng

Vụ sớm: Gieo từ ngày 5 – 10 tháng 8 hoặc ngày 5 – 10 tháng 9. Chính vụ: Gieo từ ngày 5 – 10 tháng 9, trồng đầu tháng 10 thu trung tuần tháng 12. Chuẩn bị giống: Trước khi gieo 1 ngày nên mở hộp giống 1 đêm để hạt hút ẩm.

Đất làm vườn ươm: pH trung tính, chân đất cao, thoáng, dễ thoát nước. Lên luống cao 25cm-30cm; bề mặt luống rộng 80cm. Không nên làm luống quá rộng để nước thoát dễ hơn. Sau khi gieo xong dùng rơm rạ băm nhỏ hoặc trấu rắc lên trên và tưới đẫm. Khi cây cao 3 – 5 cm cần tỉa bớt những cây không đạt tiêu chuẩn: cây phát triển kém, sâu bệnh, cây đã hình thành củ, cây có một lá nõn.

Làm đất trồng: nên trồng hành tây trên đất được luân canh với lúa nước để hạn chế sâu bệnh, đất thịt nhẹ, độ pH 5,5 -6, mùn tổng số 1,2 – 1,5%. Đất làm nhỏ, tơi xốp, sạch cỏ dại, lên luống rộng 1m, cao 25cm, rãnh rộng 25cm. Khoảng cách trồng : 25 x 13 -15 cm ( mật độ 6.000 – 6.500 cây/sào Bắc Bộ ).

Bón phân

Sử dụng phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh, phân rác chế biến. Phân bón cho 1 ha hành tây : 27 tấn phân chuồng + 120 kg phân đạm + 90kg P2O5 + 120 kg K2O. (Bón cho 1 sào Bắc Bộ : 800 – 900kg phân chuồng + 10kg phân đạm ure + 16 super lân + 10 kg sulphat kali).

Tưới nước

Dùng nước phù sa, hoặc nước giếng khoan. Không dùng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước ao tù. Làm cỏ, vun xới, kết hợp với tưới nước, đảm bảo độ ẩm thường xuyên cho cây.

Phòng trừ sâu bệnh

Cây hành tây thường ít bị sâu hại. Bệnh hường gặp là bệnh cháy lá hành, bệnh sương mai và bệnh thối nhũn. Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như vệ sinh đồng ruộng, bón phân phối hợp N –P – K và bón đúng giai đoạn.

Đảm bảo chế độ tưới nước hợp lý nhất là những ngày nhiệt độ cao, trời âm u, số giờ nắng ít và mưa kéo dài. Khi thật cần thiết mới dùng thuốc hóa học. Không dùng các loại thuốc đã cấm sử dụng và phải đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.