Mô hình trồng Sả lấy tinh dầu tại huyện Ea Súp

Những năm gần đây, một số hộ dân tại xã Ya Tờ Mốt huyện Ea Súp đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sả lấy tinh dầu trên diện tích đất cằn cỗi, khó canh tác các giống cây trồng khác, từ đó mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần làm đổi thay đời sống của người dân nơi đây.

Điển hình trong việc trồng sả lấy tinh dầu là tấm gương của 2 chị Hà Thị Khăm thôn 11 và Vy Thị Mai thôn 12, những người phụ nữ dân tộc thái dám nghĩ dám làm.

Gia đình chị Hà Thị Khăm thôn 11 xã Ya Tờ Mốt huyện Ea Súp

Theo chân chị Dương Thị Ngọc CT hội phụ nữ xã đến thăm gia đình chị Vy Thị Mai tại thôn 12, tiếp chúng tôi trong căn nhà cũ bên cạnh căn nhà đang xây mới, tươi cười chị cho biết để xây được căn nhà mới bên cạnh một phần là từ thành công của việc trồng sả lấy tinh dầu. Chị cho biết thêm cơ duyên để đến với việc trồng sả lấy tinh dầu là do một lần xem trên truyền hình có chương trình làm giàu từ trồng sả lấy tinh dầu tại Tuyên Quang, với suy nghĩ dám nghĩ dám làm để thành công chị mò mẫm tìm hiểu biết được tại xã Ea Tir huyện Ea Hleo cũng có mô hình trồng sả mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Giữa năm 2015, chị cất công sang huyện Ea Hleo học hỏi kinh nghiệm rồi trở về mua đầu tư 15 triệu tiền giống trồng sả trên 5 sào đất của nhà, chị nói thêm sả rất dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất, ít sâu bệnh, hợp với khí hậu thổ nhưỡng của huyện Ea Súp. Đến khoảng tháng 8 năm 2016 chị gom góp tiền cùng chị Hà Thị Khăm mua lò nấu tinh dầu sả về xây dựng sau nhà hết 150 triệu đồng, sau đó 2 tháng sau chị cho nấu nồi hấp sả lấy tinh dầu đầu tiên thu được 8 mẻ, mỗi mẻ cho thu từ 8 đến 10 lít tinh dầu. Theo giá thị trường mỗi lít chị bán từ 250 đến 300 ngàn đồng được các đầu mối tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đến thu mua tại nhà và bán cho người dân địa phương cũng như trên địa bàn huyện.

Quy trình Chiết xuất lấy tinh dầu sả 

Được chị Mai ra dẫn ra sau nhà thăm khu đất nơi đặt lò nấu tinh dầu sả của gia đình, tại đây chúng tôi được gặp chị Hà Thị Khăm đang cùng người thân trong gia đình vác những bó sả vào nấu để lấy tinh dầu, chị Khăm tươi cười cho biết gia đình đang đưa những bó sả cuối cùng vào nồi hấp, chị chia sẻ thêm cho chúng tôi biết nồi hấp tinh dầu sả này có thể chứa từ 7 đến 1 tấn lá sả, thời gian nấu một nồi từ 6 đến 8 tiếng. Đồng thời, mỗi năm sả cho cắt lá được từ 6 đến 8 lần, cứ 45 ngày lại đi cắt một lần để về hấp lấy tinh dầu, hiên tại diện tích trồng sả của 2 chị rơi vào khoảng hơn 8ha. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, tính bình quân mô hình trồng sả lấy tinh dầu của 2 gia đình cho thu lợi nhuận từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi năm. Nhìn từ thành công của mô hình trồng sả lấy tinh dầu của 2 chị Vi Thị Mai và Hà Thị Khăm, chị Dương Thị Ngọc CT hội Phụ nữ xã Ya Tờ Mốt cho biết; phía Ban chấp hành hội phụ nữ xã đã có những phương án nhằm nhân rộng mô hình của gia đình hai chị, vận động chị em hội viên của các chi hội trong xã chuyển đổi một phần cơ cấu cây trồng của gia đình sang trồng sả để phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao thu nhập từng bước thay đổi diện mạo nông thôn của địa phương.

Với việc trồng sả lấy tinh dầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể thấy đây là mô hình mang lại nhiều triển vọng cho bà con nông dân trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt nói riêng và toàn huyện nói chung. Vì vậy, trong thời gian tới hi vọng các cấp chính quyền cùng người dân sẽ có những chủ trương, chính sách hỗ trợ nhằm nhân rộng mô hình trồng sả lấy tinh dầu ra toàn huyện, góp phần nâng cao đời sống nhân dân thúc, đẩy kinh tê – xã hội của huyện nhà ngày càng phát triển.

Nguồn: Easup.daklak.gov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.