Giấc mơ Sachi – Nỗ lực sau 2 năm triển khai

Đầu năm 2015 nhiều người trong ngành nông nghiệp đặc biệt là bà con nông dân trở nên “sôi sục” bởi thông tin về một giống cây trồng mới được du nhập từ Nam Mỹ – cây SACHA INCHI (hay gọi tắt là Sachi). Vậy bây giờ nó ra sao?

Đối với bất kỳ cây trồng mới nào để tránh các trường hợp đầu tư ồ ạt và nôn nóng đáng tiếc rất cần có những đánh giá nghiêm túc từ các cơ quan chức năng. Sachi cũng vậy. Thời điểm đó có rất nhiều nhà khoa học và các đơn vị như Cục Trồng trọt, Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam… đã vào cuộc để đánh giá giống cũng như trồng thử nghiệm.

Những kết quả đánh giá bước đầu của Sachi cho thấy một cơ hội tiềm năng cho ngành trồng trọt nói riêng và bà con nông dân Việt Nam nói chung. Các cuộc hội thảo, báo cáo khoa học sau đó khi được công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin truyền thông đã tạo niềm tin cho bà con nông dân hi vọng về một hướng đi mới.

Cty CP Sacha Inchi Việt Nam trở thành đơn vị tiên phong đưa cây Sachi về Việt Nam ngay từ năm 2012 và tiếp đó sau khi có đánh giá về giống đã chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con cùng với cam kết bao tiêu sản phẩm. Cho tới nay, sau hơn 2 năm triển khai dự án, Cty đã đạt được một số kết quả tích cực. Tổng diện tích Sachi ký kết theo hợp đồng trồng lên tới hơn 500 ha trong đó có một số tỉnh phát triển mạnh như Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai…

Quan trọng hơn cả là các sản phẩm đầu ra từ hạt nguyên liệu Sachi sau rất nhiều tìm tòi, Cty đã bắt đầu đạt được những thành công trong chế biến. Lời hứa 2 năm trước đã được phôi thai, thành hình khi viên nang Sachi Omega 369, dầu cao cấp Sachi Omega được phân phối rộng khắp tại các nhà thuốc và các siêu thị dành cho mẹ và bé trên toàn quốc. Sau gần một năm đi vào thị trường, sản phẩm đã được người tiêu dùng lựa chọn và yêu thích.

Những sản phẩm trên là đầu ra của một vùng trồng nguyên liệu theo mô hình hữu cơ với nhiều quy chuẩn trong thu hái và chế biến để đảm bảo quyền lợi cả người tiêu dùng lẫn người trồng. Tới nay, thay vì phải trả chi phí rất cao để mua sản phẩm tốt từ nước ngoài thì người tiêu dùng Việt Nam đã có cơ hội sử dụng sản phẩm Omega thực vật với giá tốt hơn, truy xuất nguồn gốc dễ dàng hơn. Còn đối với bà con nông dân, sản phẩm và thị trường đầu ra sẽ là câu trả lời yên tâm nhất để họ đầu tư công sức, tiền của trên chính mảnh đất của mình.

Trao đổi với NNVN, đại diện Cty Cổ phần Sacha Inchi Việt Nam chia sẻ mong muốn được phát triển bền vững cây trồng mới này. Cty sẽ ký kết hợp đồng trồng với các nhóm nông dân tại các khu vực phía Bắc có diện tích tối thiểu 10 ha và khu vực phía Nam tối thiểu 50 ha.

Cty khuyến cáo sẽ chỉ tiến hành thu mua hạt của bà con nông dân có ký hợp đồng trực tiếp. Điều này để tránh trường hợp rất nhiều nông dân hiện nay mua giống Sachi từ các đơn vị nhỏ lẻ khác về trồng nhưng khi thu hoạch lại liên hệ tới Cty, đề nghị bao tiêu đầu ra.

Bất cứ bà con nào, nếu thấy mình đáp ứng đủ các điều kiện trên cũng như tâm huyết với loại cây trồng mới, trước khi quyết định đầu tư Sachi tốt nhất nên liên hệ trực tiếp tới Cty CP Sacha Inchi Việt Nam theo số điện thoại 1900.636750 để được tư vấn chi tiết.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đổ xô trồng cây sachi: Canh bạc mạo hiểm

Dù chưa biết sau khi thu hoạch sẽ bán cho ai, nhưng thời gian qua, nhiều hộ dân tại huyện Đak Đoa và Mang Yang đã mạo hiểm đầu tư trồng cây sachi. Thậm chí, có hộ còn chặt bỏ vườn cà phê để trồng loại cây này.

Theo các nguồn tư liệu, cây sachi (hay sacha inchi, peanut inca, inca inchi) là loài thực vật họ thầu dầu xuất xứ từ Nam Mỹ. Tại Việt Nam, sachi được quảng bá là “vua của các loại hạt”, “siêu thực phẩm mới”, “dầu ăn tốt nhất thế giới”… Axit Omega-3 chứa trong hạt sachi được cho là có 48%-54%, giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng tế bào thần kinh, giảm các nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch gây nên…

Anh Đinh bên vườn cây sachi đã cho trái

Đổ xô trồng cây sachi

Cây sachi được trồng khảo nghiệm tại Việt Nam từ năm 2014 với diện tích nhỏ ở các vùng miền núi với sự hỗ trợ kỹ thuật của các cơ quan nghiên cứu khoa học cũng như công ty để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Còn tại Gia Lai, từ giữa năm 2016, nhiều hộ dân ở huyện Đak Đoa, Mang Yang sau khi nghe về giá trị của loài cây này đã trồng theo kiểu tự phát dù hoàn toàn mờ mịt về đầu ra.

Qua tìm hiểu của P.V, gia đình anh Kyim (23 tuổi, thôn TLeo, xã Kdang, huyện Đak Đoa) là một trong những hộ đầu tiên trồng cây sachi. Anh cho biết: “Mình nghe người quen ở Bình Phước bảo rằng giống cây này có hiệu quả kinh tế rất cao vì bên đó đã trồng thử rồi. Mình lên mạng tìm hiểu thêm thông tin về giống cây này, sau đó nhờ người quen mua giùm hơn 2 kg giống với giá gần 1,5 triệu đồng về trồng”. Mua hạt giống về, gia đình anh Kyim tiến hành ươm và trồng xen canh trên hơn 1 ha cà phê từ tháng 5-2016. Đến nay, cây đã cho trái và 1 tháng tới có thể thu hoạch. Thế nhưng, khi được hỏi gia đình sẽ bán hạt cây này ở đâu thì anh Kyim lắc đầu: “Mình chỉ nghe nói hạt cây này có giá đến 600 ngàn đồng/kg. Với diện tích của nhà mình thì có thể cho đến hơn 1 tấn hạt, nhưng đến giờ vẫn chưa biết sẽ bán ở đâu cả”.

Ngoài gia đình anh Kyim, trên địa bàn xã Kdang và huyện Mang Yang cũng có nhiều hộ dân mạo hiểm thử nghiệm trồng loại cây này. Ông Trinh (thôn Bép, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) cho biết: “Tôi được một người bà con ở Đak Lak bảo cứ trồng loại cây này đi vì nó rất năng suất mà giá lại cao. Nghe vậy nên tôi đem loại cây này về trồng. Sau đó, nhiều bà con trong làng cũng hỏi mua rồi trồng theo. Đến giờ cũng có hàng chục hộ trồng loại cây này rồi”. Đa số các hộ dân trồng cây sachi chỉ bởi thấy người khác làm nên trồng theo. Ngoài ra còn do sachi có thể trồng xen canh với loài cây khác. “Tôi chỉ nghe hạt cây này bán giá cao nên mua về trồng chứ cũng không biết ai mua và họ mua làm gì. Nhà tôi cũng chỉ trồng vài chục cây, giờ cũng có quả rồi. Đến lúc thu hoạch xem họ bán ở đâu thì tôi bán ở đó. Nếu không bán được thì cũng không biết làm gì với loại cây này”-anh Brơc (xã Kdang) chia sẻ.

Đáng lo ngại

Dù không biết rõ hiệu quả kinh tế cũng như đầu ra cho hạt sachi nhưng nhiều người vẫn ồ ạt trồng, thậm chí có hộ chặt bỏ vườn cà phê để thay thế bằng loại cây này như anh Đinh (trú tại thôn TLeo, xã Kdang). Cách đây vài tháng, anh Đinh đã chặt bỏ hơn 1 ha cà phê kinh doanh rồi dùng thân cây cà phê làm trụ leo cho sachi. Anh Đinh nói: “Cây sachi phát triển khá tốt và nếu cứ như thế này chắc sẽ thu được khoảng 2 kg hạt khô/cây, bán với giá 600 ngàn đồng/kg thì lời hơn trồng cà phê nhiều nên mình mạnh dạn bỏ cà phê thử. Nếu không hiệu quả thì phá sachi trồng cà phê lại. Biết là sẽ lỗ rất nhiều nếu không bán được sachi và cây cà phê trồng mới phải đến 3 năm sau mới thu hoạch được nhưng mình làm mình chịu”.

Cũng theo các hộ dân, so với các loại cây đang trồng chủ yếu ở địa phương từ trước tới nay là cà phê và hồ tiêu thì cây sachi dễ chăm sóc hơn. Tuy nhiên, chi phí đầu tư trồng loại cây này không phải là nhỏ. Theo anh Kyim, tính cả tiền giống, tiền phân, công chăm sóc thì 1 ha sachi phải đầu tư ngót nghét gần 50 triệu đồng. “Nếu không có người mua thì số tiền vốn bỏ ra sẽ mất trắng nhưng cứ thử xem thế nào. Nhà tôi trồng xen với cây cà phê nên nếu thấy cây nào hiệu quả hơn thì giữ lại, cây nào không hiệu quả thì chặt phá”-anh Kyim cho biết.

Trong khi đó, ông Trương Duy Lộc-Phó Chủ tịch UBND xã Kdang cho biết: “Hiện chúng tôi mới nắm được thông tin về việc nhiều hộ dân trồng sachi trên địa bàn. Tới đây, chúng tôi sẽ cử cán bộ nông nghiệp thống kê lại diện tích cây này sau đó báo cáo với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện để có phương án chỉ đạo phù hợp. Trước mắt, chúng tôi sẽ khuyến cáo người dân không nên chạy theo phong trào, mở rộng diện tích khi đầu ra chưa đảm bảo, tránh những thiệt hại đáng tiếc”.

Nguồn: Báo Gia Lai được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng Cây Sachi (Sacha inchi)

Sacha Inchi (Plukenetia volubilis L) hay còn được gọi là Peanut Inca, Inca Inchi, Inca nuts là loại thực vật thuộc họ Euphorbiaceae (Thầu dầu) có nguồn gốc từ vùng rừng Amazon gồm 19 loài, phân bố từ Bolivia tới Mexico, phổ biến nhất trong các khu vực Amazon của Peru, Ecuador và Colombia. Trong đó, 12 loài phân bố chủ yếu ở Nam và Trung Mỹ, 7 loài còn lại phân bố ở các khu vực khác trên thế giới.

Hạt giống Sacha inchi (quả sachi)

1. Chuẩn bị cây giống

Trong thí nghiệm tại khoa Công nghệ sinh học- Học viện nông nghiệp Việt Nam, Cây giống được tạo ra theo quy trình nhân giống invitro, sau đó ra bầu cây con được chăm sóc trong nhà lưới. Khi cây được 30-40 ngày tuổi, đạt tiêu chuẩn thì đem đi trồng. Ngoài ra, cây giống có thể gieo bằng hạt nhưng cần chú ý chọn hạt tốt ( vì các hạt có dầu thường sớm mất khả năng nảy mầm). Video giới thiệu cây sachi Vườn ương cây Sacha Inchi giống Vườn ương cây sachi giống

2. Đất trồng và chuẩn bị đất trước khi trồng cây Sachi

Đất trồng: Sachi có thể trồng trên nhiều loại đất như đất đỏ bazan, đất xám, đất thịt pha cát, đất phù sa cổ,… song thích hợp nhất là trồng trên đất đồi có hàm lượng mùn cao, đất phù sa ven sông, pH từ 4,5-6,5, chủ động được tưới tiêu. Đất trước khi trồng phải được làm sạch cỏ dại, xử lý đất trước khi trồng bằng vôi bột, chế phẩm vi sinh. Làm đất tơi xốp, lên luống cao 30cm cho dễ thoát nước

3. Đóng cọc và làm giàn trồng cây Sachi

Cọc hình chữ T có thể làm bằng tre, bê tông, thép, gỗ (đường kính 12-15cm), dài 2m, chôn sâu 40cm, thanh ngang dài 1,2m. Làm giàn: Dùng dây thép mạ kẽm, dây đầu tiên buộc trên đỉnh các cọc, dây thứ 2 mở xuống dưới cách dây đầu 60 cm, dây thứ 3, thứ 4 buộc 2 đầu thanh ngang (chữ T).

4. Phân bón cho cây Sachi

– Bón lót: Phân hữu cơ vi sinh 0,5-1 kg/cây Vôi bột 50 gram/cây Phân lân 0,1-0,2 kg/cây

– Bón thúc: Sau khi trồng tùy vào tình hình sinh trưởng của cây mà ta bổ sung phân hữu cơ vi sinh, phân ủ compost, phân chuồng ủ hoai mục cho cây 1-2 lần/tháng với lượng 0,2-0,5 kg (tùy loại phân).

5. Cách trồng cây Sachi

Tùy điều kiện canh tác, có thể bố trí mật độ khác nhau từ 1800 cây/ha đến 5400 cây/ha. Thông thường trồng mật độ 3300 cây/ha. Bố trí hàng cách hàng 3m (cọc giữa luống), cây cách cây 2m, trên luống trồng 2 hàng cây cách cọc bê tông sang hai bên 40cm ( hoặc bố trí so le).

Cách trồng: Đào hố kích thước 30x30x30cm tại vị trí đã xác định, dùng lớp đất mặt trộn đều lượng phân bón lót, dùng dao sắc rạch bỏ bầu nilon đặt cây giữa hố lấp đất kín mặt bầu tạo vồng cao hơn mặt đất 3-5cm nén nhẹ rồi tưới nước cho cây. 6. Kỹ thuật chăm sóc cho cây Sachi

Trồng dặm: Thường xuyên thăm vườn nếu cây chết trồng bổ sung để đảm bảo mật độ. Cách chăm sóc cây sachi Đưa cây lên giàn: Những ngọn cây không leo lên cọc và giàn thì dùng dây mềm cố định phần ngọn vào cọc và giàn. Thao tác cần nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương cây.

Làm cỏ: Kiểm soát cỏ bằng cách cắt bằng lưỡi hái, nhổ bằng tay hoặc máy cắt cỏ; có thể để lại gốc cỏ tránh xói mòn rửa trôi trên đất dốc, nếu có điều kiện ta nên trồng cỏ lá lạc bên dưới. Tưới nước: Tùy vào điều kiện thời tiết để tưới nước đủ ẩm cho cây. Sau trồng nên tưới 3-4 lần/tuần. Khi cây trưởng thành tưới 1-2 lần/tuần trong suốt mùa khô.

Bón phân: Bổ sung phân hữu cơ vi sinh 1-2 lần/ tháng, lượng bón từ 0,2-2,5 kg/cây.

6. Phòng trừ sâu bệnh hại

Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp để kiểm soát sâu bệnh hại cây trồng. Cắt tỉa, tạo tán: Cây cao 130-150 cm chưa phân cành, tiến hành bấm ngọn, cắt những ngọn dài và nhỏ, cắt những nhánh vô hiệu, cành tăm không cho quả. Hủy bỏ những cành cây bị bệnh. Từ năm thứ hai trở đi tiến hành cắt tỉa vào tháng 5, tháng 11. kỹ thuật trồng cây sachi

7. Thu hoạch và bảo quản Sachi

Thu hoạch: Khi quả chuyển sang màu nâu và tách vỏ ngoài thì tiến hành thu hoạch những quả vẫn còn trên cây. Không hái quả xanh, mốc, quả đã rụng. Có thể phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy khô tới độ ẩm 10-15%. Không trộn lẫn những quả thu hoạch từ trước với những quả mới thu hoạch. Bảo quản hạt trong bao dứa, để trong kho thoáng khí, tránh ẩm mốc.

Nguồn bài viết: Tiếp Thị Nông Nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc Cải Xoăn Kale trong thùng xốp

Cải xoăn Kale được đánh giá là một trong những loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Loại rau này có đặc tính chống lão hóa, ngừa ung thư, kháng viêm, giảm cholesterol, giảm cân, tốt cho xương và răng, tăng cường hệ thống miễn dịch…

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và hạt giống

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng bao nion, bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cải xoăn Kale. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.

Đất trồng

Đất trồng cải xoăn Kale cần được làm kỹ, tơi xốp và có độ pH từ 5,5 – 6,8. Có thể bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7-10 ngày trước khi gieo trồng hạt giống để xử lý các mầm bệnh có trong đất. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ…

Hạt giống

Nên chọn các cửa hàng bán hạt giống uy tín hoặc mua hạt giống ở các trang web nước ngoài để đảm bảo tỉ lệ nảy mầm, sinh trưởng và phát triển của chúng.

2. Ngâm ủ, gieo hạt và cấy cây.

Trước khi gieo nên ngâm hạt với nước ấm ở nhiệt độ 40 độ C trong khoảng thời gian từ 2 – 5 tiếng. Sau đó, vớt hạt ra rửa sạch, để ráo nước.

Đào những lỗ nhỏ sâu 1 – 1,5cm và cách nhau khoảng 15cm rồi gieo hạt cải xoăn vào. Phủ đất lên trên và tưới nước.

Tưới nước thường xuyên. Trong khi ươm mầm, lớp đất bề mặt có thể khô giữa những lần tưới nước, tuy nhiên không để đọng nước ở bề mặt đất. Khi cây đã nảy mầm, bạn tỉa bớt những cây yếu, nhỏ để tạo thêm không gian cho các cây còn lại.

Khi cây con cao khoảng 7 – 10cm bạn có thể bứng cây con trồng vào chậu hoặc thùng xốp. Trồng cây với khoảng cách cây cách cây 25cm, hàng cách hàng 30cm.

3. Chăm sóc

Ngày tưới nước 2 lần vào sáng sớm và chiều mát.

Khi cây cao khoảng 10 – 15cm, tiến hành bón lót đợt đầu tiên bằng phân hữu cơ, phân bò, phân trùn quế, phân dê… Sau đó cứ 15 – 20 ngày tiến hành bón đợt tiếp theo. Khi bón phân kết hợp vui xới và nhổ cỏ cho cây.

4. Thu hoạch

Sau khi gieo trồng khoảng 70-90 ngày là có thể thu hoạch rau cải xoăn Kale. Cần thu hoạch lá từ ngoài vào trong, không nên để lá bị úa vì sẽ tạo ra môi trường cho nấm bệnh phát triển.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Rau cải cao 1,5m, ăn nửa năm chưa hết ở Đà Lạt

Khác hoàn toàn các giống rau cải ở Việt Nam, cây cải siêu lạ Kale thân cao đến 1,5m, cành lá xoăn tít, cho thu hoạch lá liên tục trong vòng nửa năm. Hiện được các nhà vườn đua nhau trồng bởi giá của loại rau này hiện nay lên đến 70.000-80.000 đồng/kg.

Anh Thanh Tùng, một đầu mối chuyên buôn bán các loại rau củ quả lạ ở Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, loại cải xoăn có thân cao đến 1,5m hoặc trên 1,5m, được gọi là cải xoăn Kale. Giống rau cải này được nhập từ Mỹ về Việt Nam từ năm 2015. Sau đó, giống rau được các nhà vườn trồng thử nghiệm trên vùng Đà Lạt. Hiện nay, rau cải đã cho thu hoạch lá để bán.

Theo anh Tùng, rau cải xoăn Kale khác hoàn toàn với rau cải của Việt Nam. Cụ thể, rau cải của Việt Nam trồng đến lúc thu hoạch chỉ được một lần là hết (nhổ cả cây). Còn rau cải xoăn Kale chỉ thu hoạch lá. Cây ra lá đến đâu thu hoạch đến đó. Theo đó, cây để trồng càng lâu, thân phát triển càng cao.

Vườn rau cải xoăn Kale ở Đà Lạt

“Từ lúc bắt đầu trồng đến lúc phá vườn, các chủ vườn được thu hoạch lá liên tục (ngày nào cũng được hái lá bán) trong vòng 6 tháng hoặc lâu hơn nữa nếu chủ vườn chăm sóc tốt”, anh Tùng chia sẻ.

Do thị trường khá chuộng loại rau xoăn Kale nên rất nhiều nhà vườn ở Đà Lạt, kể cả nhà vườn ở Mộc Châu (Sơn La) đang tiến hành trồng loại cải xoăn này để cung cấp rau ra thị trường được nhiều hơn, anh Tùng chia sẻ.

Tương tự, các nhà vườn khác cũng cho biết, giống cải xoăn Kale khổng lồ này hiện đang là mặt hàng rau được bà nội trợ săn mua về làm thực phẩm ăn hàng ngày. Đặc biệt, các chị em còn đua nhau đặt mua loại cải này về làm sinh tố uống với mục đích chăm sóc sắc đẹp.

Hiện trên thị trường, lá của cây rau cải xoăn Kale khổng lồ đang được bán với mức giá từ 70.000-80.000 đồng/kg. Khách muốn mua đều phải đặt hàng trước.

Dưới đây là những hình ảnh về loại rau cải khổng lồ được trồng tại Đà Lạt:

Những cây cải xoăn cao đến trên 1,5m

Loại rau cải khổng lồ này đang được trồng tại một số nhà vườn ở Đà Lạt

Rau cải xoăn Kale hiện có 4 loại thể hiện qua các màu sắc lá khác nhau

Điểm chung là chúng sẽ cho thu hoạch lá liên tục trong vòng 6 tháng hoặc hơn


Các chủ vườn cho biết, ngày nào họ cũng được hái lá rau cải này bán cho đến khi cây già, năng suất thấp đi thì họ mới phá bỏ

Lá của loại rau cải này đang được các bà nội trợ săn mua về ăn với giá từ 70.000-80.000 đồng/kg.

Nguồn: Vietnamnet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nhà vườn bội thu nhờ trồng giống ngoại Cải Xoăn Kale

Gần đây, nhiều nông dân đã đưa giống cải xoăn Kale vào trồng. Đây là giống mới được nhập nội phù hợp với điều kiện ở Đà Lạt, cho thu hoạch quanh năm nên năng suất cao hơn các giống rau truyền thống.

Vườn cải xoăn Kale tại gia đình chị Huỳnh Thị Kim Hiệp

Điển hình là gia đình chị Huỳnh Thị Kim Hiệp (29 tuổi), ngụ đường Vòng Lâm Viện, phường 8. Vợ chồng chị Hiệp có khoảng 1.000m2 cải xoăn Kale trồng trong nhà kính, cho thu hoạch khá đều. Cải xoăn Kale được trồng trên đất thịt, các luống cao khoảng 20cm. Hệ thống tưới nhỏ giọt được lắp đặt trực tiếp vào từng gốc nên tiết kiệm được đáng kể lượng nước và phân bón, giảm được giá thành sản xuất.

Đây là loại rau được đánh giá khá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Đà Lạt nên rất hiếm khi xuất hiện sâu bệnh. Cây cải Kale từ khi xuống giống cho tới ngày được thu hoạch lá là 2,5 tháng. Đây là loại cây trồng dài ngày nhưng cho sản phẩm quanh năm. Do chỉ thu hoạch lá nên cây đạt chiều cao tối đa lên tới hơn 1m, năng suất lá tăng dần theo độ tuổi của cây.

Mỗi ngày chị Hiệp thu hoạch khoảng 40kg lá rau cải xoăn Kale

Theo chị Huỳnh Thị Kim Hiệp, mỗi ngày gia đình chị đang thu hoạch khoảng 40kg lá rau cải xoăn Kale. Đến nay, trên thị trường, loại cải này vẫn còn khá hiếm nên vào thời gian cao điểm, 1kg cải xoăn Kale có giá tại vườn lên tới 70.000 đồng. Với giá bán trung bình từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, loại rau này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại rau khác.

Theo chị Hiệp cải xoăn Kale phù hợp với điều kiện Đà Lạt và cho thu hoạch quanh năm

Sản phẩm cải xoăn Kale của gia đình chị Huỳnh Thị Kim Hiệp được tiêu thụ phần lớn tại thị trường TP Hồ Chí Minh. Là loại rau mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam, được cho là có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe, cải xoăn Kale ngoài dùng để chế biến thành các món ăn còn được làm sinh tố giải khát.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tác dụng tuyệt vời của Cải Xoăn Kale

Cải xoăn Kale là một loại rau với lá xanh hoặc tím, trong đó lá ở giữa không tạo thành đầu. Nó được xem như có họ gần với bắp cải hơn hầu hết các loại rau trồng khác.

Cải lá xoăn là nguồn cung cấp vitamin A, vitamin C và vitamin K tuyệt vời. Bên cạnh đó, cải lá xoăn còn là nguồn cung cấp chất xơ và nhiều chất khoáng cần thiết cho sức khỏe như folate, sắt, canxi, kali, mangan và phốt pho.

Sau đây là 9 lợi ích sức khỏe tuyệt vời của cải lá xoăn:

1. Ngăn ngừa ung thư

Tất cả các loại rau họ cải, trong đó có cải lá xoăn đều có chứa phytochemicals, một chất đã được chứng minh có đặc tính chống ung thư. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy ăn các loại rau này có khả năng ngăn ngừa một số dạng ung thư như ung thư ruột kết, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư buồng trứng.

2. Đặc tính chống lão hóa

Thường xuyên ăn cải lá xoăn sẽ giúp bạn gái chống lại quá trình lão hóa da. Các thành phần dinh dưỡng có trong cải lá xoăn có tác dụng làm tăng tính đàn hồi của làn da.

3. Đặc tính kháng viêm

Cải lá xoăn được coi là loại rau có đặc tính chống viêm mạnh mẽ. Chống viêm là khả năng quan trọng giúp bảo vệ cơ thể. Do đó, cải lá xoăn có thể giúp bạn chống lại các căn bệnh như đau khớp, cứng khớp hay viêm khớp mãn tính.

4. Giảm cholesterol

Hàm lượng chất xơ cao có trong cải lá xoăn giúp làm giảm mức cholesterol cao, từ đó giúp ngăn ngừa hiện tượng xơ vữa động mạch. Theo tính toán của chuyên gia, một cốc nước ép cải lá xoăn cung cấp 10,4% lượng chất xơ yêu cầu của cơ thể mỗi ngày.

5. Ngăn ngừa đục thủy tinh thể

Cải lá xoăn chứa rất nhiều lutein và beta-carotene, vì vậy thường xuyên ăn loại rau này có thể tránh được mù lòa và đục thủy tinh thể do tia UV gây ra.

6. Giảm cân

Cải lá xoăn có hàm lượng calo thấp, vì vậy mà chúng là loại rau giúp giảm cân. Một cốc nước ép cải lá xoăn chỉ có 36 calo và không có chất béo. Một bát súp hay món salad cải lá xoăn sẽ vừa giúp giữ sức khỏe lại vừa giúp bạn giảm cân.

7. Hỗ trợ xương và răng

Cải lá xoăn là nguồn cung cấp canxi, mangan và magiê tuyệt vời. Vì vậy mà chúng có tác dụng rất lớn trong việc giúp xương và răng chắc khỏe.

8. Tăng cường hệ thống miễn dịch

Vitamin C có rất nhiều trong cải lá xoăn và điều đó giúp cải lá xoăn có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể.

9. Ngăn chặn việc thiếu máu

Do hàm lượng sắt cao mà cải lá xoăn là loại rau tuyệt vời để bạn ngăn ngừa bệnh thiếu máu, đặc biệt là thiếu máu do sắt.

Kỹ thuật trồng Cải Xoăn Kale

Được yêu thích bởi hàm lượng chất dinh dưỡng cao, cải xoăn Kale là một trong những loại rau rất thích hợp để trồng vào mùa lạnh này.

Cùng thuộc họ cải, cải xoăn Kale với lá màu xanh hoặc tím có họ gần với bắp cải so với các loại rau trồng khác.

Rau cải xoăn được đánh giá là một trong những loại rau nhiều chất xơ nhất và chứa thành phần dinh dưỡng cao, cung cấp các loại vitamin A, C và K. Ngoài ra, rau cải xoăn cung cấp nhiều chất khoáng, chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao.

Nếu bạn còn đang loay hoay chưa biết cách trồng cải xoăn Kale thế nào thì hãy để Ngon Sạch Lạ hướng dẫn bạn nhé:

1. Chuẩn bị dụng cụ

Hạt giống: nên chọn các cửa hàng bán hạt giống uy tín hoặc mua hạt giống ở các trang web nước ngoài để đảm bảo tỉ lệ nảy mầm, sinh trưởng và phát triển của chúng.

Đất trồng: Đất trồng cải xoăn Kale cần được làm kỹ, tơi xốp, có thể bón lót với vôi nông nghiệp rồi phơi ải từ 7-10 ngày trước khi gieo trồng hạt giống để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Thùng xốp hoặc chậu trồng cây phải thoát nước tốt.

2. Tiến hành trồng

Hạt giống cần được rửa sạch và ngâm trước trong nước khoảng từ 2-5h theo công thức 2 sôi- 3 lạnh (khoảng 40 độ C). Sau đó, vớt hạt ra rửa sạch, để ráo nước.

Đem gieo vào bầu hoặc trực tiếp lên đất đã chuẩn bị sẵn. Sau vài ngày hạt sẽ nảy mầm.

Chuyển nhà cho cây giống: nếu bạn trồng trong thùng xốp thì nên trồng từ 4-6 cây cải vào các hốc đất đã đào sẵn.

Trong điều kiện bạn có vườn thì có thể đào các hố cách nhau 20 – 30 cm, mỗi hố sau từ 10 – 15 cm.

3. Chăm sóc và thu hoạch

Trồng cải xoăn Kale cần rất nhiều nước để sinh trưởng và phát triển nên ngay khi trồng bạn nên tưới nước ngay, mỗi ngày tưới một đến hai lần.

Lưu ý nên tưới trực tiếp vào gốc cây cho đến giai đoạn cây bén rễ, sau đó chỉ cần tưới khi thấy đất thiếu độ ẩm. Cũng cần chú ý nếu tưới quá nhiều nước cũng sẽ khiến cây bị nấm bệnh.

Về phân bón: sau khi trồng 12 – 15 ngày, cây đã hồi lại với đất mới và xanh và có nhu cầu phát triển thì nên bón phân sinh học lần 1.

Mách nhỏ, nếu bạn e ngại dùng phân vô cơ cho cây trồng, có thể dùng nước tiểu ngâm lâu trong 1 tuần, đem pha loãng tưới cho cây cũng rất tốt.

Khi cây xoè lá thì bón thúc lần thứ hai. Trước khi bón thúc nên xới xáo mặt thùng kết hợp với vun cao gốc cho cải bẹ để chống đổ và nhặt cỏ dại.

Trong suốt quá trình sinh trưởng của cải bẹ cần bón thúc 5 – 7 lần và tùy tốc độ sinh trưởng của cây, màu sắc của thân lá cây mà tăng hay giảm lượng phân bón cho phù hợp.

Khi thu hoạch cải có thể tỉa lá hoặc thu chặt cả cây một lần tùy bạn.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Loạn giá giống cây sung Mỹ

Quả sung Mỹ có công dụng tốt cho sức khỏe, không ít người săn tìm cây giống về trồng với giá có khi lên đến vài trăm nghìn đồng một cây.

Vài năm trước, được người quen tặng một số cành về trồng thử, đến nay, anh Nguyễn Ngọc Khuyến (quận 12, TP HCM) đã ươm được vài trăm giống cây sung Mỹ.

Vốn là cây ôn đới, sung Mỹ (sung ngọt) có thể cao đến 6m, là loại cây ôn đới, lá to có 3 hoặc 5 thùy. Quả chín có vị ngọt thanh. Nếu như ở Mỹ mỗi năm chỉ có một vụ thu hoạch, khi trồng tại Việt Nam, điều làm anh Khuyến bất ngờ là loại cây ôn đới này có thể ra quả quanh năm, cho thu hoạch sau vài tháng

Một cây giống sung Mỹ đang có nhiều mức giá bán khác nhau trên thị trường. Ảnh: N.K
Gần đây, rất nhiều người từ các địa phương khác gọi điện hỏi mua. Không ít người từ các tỉnh phía Bắc cũng lặn lội tìm vào tận nhà để tham quan và đặt hàng. “Giá thị trường mình không rành nên chỉ lấy vài chục ngàn đồng một cây để họ thoải mái”, anh Khuyến cho hay.

Anh cho biết khách hàng mua cây có người về trồng làm cảnh, nhưng không ít người đang muốn thử nghiệm để làm trang trại thu hoạch quả chế biến thành mứt, siro, ngâm rượu để bán ra thị trường. Lý giải về nhu cầu tìm mua giống cây này, theo anh Khuyến, có thể do cây trồng mới nên lạ, quả ăn ngon, lại đang được quảng cáo có tác dụng tốt cho sức khỏe nên nhiều người tò mò.

Hiện, anh Khuyến đang ươm một lứa giống mới, khoảng 2 tháng nữa có thể cung cấp ra thị trường. “Mình chỉ cung cấp giống cho những người yêu thích cây trồng. Còn việc loại cây này có được đưa vào quy hoạch cây công nghiệp của Việt Nam hay không là việc của các nhà quản lý. Nhưng bước đầu cho thấy sung Mỹ khá phù hợp với điều kiện tự nhiên của nước mình”, anh nói.

Một lần tình cờ lên mạng, anh Vương Văn Thành (quận Tân Bình) thấy nhiều người hỏi tìm mua cây sung Mỹ. Sẵn tại vườn nhà có khoảng hơn 10 cây, anh rao bán với giá 300.000 đồng một cây. “Tôi cũng không rõ họ cần mua về làm gì, nhưng thấy rất nhiều người hỏi nên bán. Thậm chí có người sẵn sàng trả 500.000 đồng để mua cây 2 năm tuổi. Do thị trường có nhu cầu, nên tôi cũng tính nhân rộng số lượng cây này thời gian tới”, vị này cho hay.

Tại một số diễn đàn về nông nghiệp, cây sung Mỹ là một trong những topic thu hút sự quan tâm của nhiều thành viên. Ngoài việc trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc, không ít thành viên đang giao dịch giống loại cây này với giá dao động 50.000-100.000 đồng một cây.

Nickname Liennt không giấu diếm kế hoạch làm giàu từ loại cây này. Thành viên này cho biết qua tìm hiểu loại cây này mỗi năm cho ra 2 đợt quả. Một cây to sản lượng có thể trên dưới cả chục tấn quả trong một năm. Khi quả chín không cần chế biến chỉ cần phơi hoặc sấy khô, đóng gói đã có thể bán.

“Chắc chắn thời gian tới nhu cầu về trái sung rất lớn vì tốt cho sức khỏe.Mình đang tính trồng thử khoảng trăm cây xem thế nào. Nếu chưa thể làm giống cây thì có thể sấy quả để bán”, chị chia sẻ. Song, điều chị băn khoăn là trên thị trường chưa có cơ sở nào sản xuất giống quy mô lớn. Nếu mua lẻ thì mỗi nơi mỗi giá nên khá đắt.

Do tốt cho sức khỏe nên sung Mỹ sấy đang được bán với giá khá đắt.

Không chỉ giống cây được săn lùng, sản phẩm trái sung Mỹ sấy nhập khẩu bán online cũng khá đắt khách dù có nhiều mức giá khác nhau. Theo một nhân viên bán hàng tại một web chuyên bán các loại hạt nhập khẩu, nếu như trước đây mặt hàng này chủ yếu cung cấp cho các khách sạn, hiệu thuốc Đông y, thì thời gian gần đây đơn hàng từ khách lẻ cũng tăng đột biến.

“Có ngày mình nhận order cả vài chục kg”, anh cho biết. Do vậy, thay vì nhận đơn mới lấy hàng thì nay, địa chỉ này luôn có sẵn hàng để bán và giao hàng toàn quốc. Giá bán một kg sung Mỹ tại đây được bán với giá 600.000 đồng.

Cùng trọng lượng một kg, trong khi đó, tại một số địa chỉ khác, giá bán lại dao động từ 480.000-530.000 đồng. Theo các nhân viên tư vấn, nếu như quả sung ta kích thước nhỏ và có vị chát thì sung Mỹ khá to, có vị ngọt bùi. Thành phần quả nhiều có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nên ngoài sử dụng, khách hàng đặt mua làm quà tặng, quà biếu cũng khá nhiều.

“Không ít người ăn chay cũng mua về để làm thực phẩm hàng ngày. Ngoài ra, có thể làm đồ tráng miệng hoặc chế biến các món nước uống giải khát tùy thích”, một nhân viên cho hay. Cũng theo các địa chỉ bán hàng, hầu như sản phẩm không được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị, chủ yếu chỉ bán qua kênh trực tuyến do đó lượng hàng không nhiều.

Nguồn: Vnexpress.net được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật chiết, giâm, và ghép cành Sung Mỹ

Sung mỹ là loại trái giàu chất dinh dưỡng và có giá trị cao. Để nhân giống cây sung Mỹ có nhiều cách. Fman xin giới thiệu một số cách sau:

Chiết cành:

– Chọn những cây có cành khỏe mạnh, dạng bánh tẻ, đường kính thân khoảng 0,7cm (bằng cây bút chì). Chiều dài của cành chiết (từ ngọn đến bầu chiết) 0,15 – 0,4m (tùy cây).

– Xử lý hỗn hợp để bó cành chiết: rễ lục bình phơi khô, rửa nước sạch (tránh trường hợp lục bình ở nơi nước phèn, ánh hưởng đến việc ra rễ). Có thể thay lục bình bằng bụi xơ dừa hoặc hỗn hợp rơm mục, tro trấu, phân bờ, đất mùn.

– Mở da cành chiết: dùng dao bén cắt khoanh phần vỏ cành chọn chiết, chiều dài vỏ ước tính bằng chu vi cành cắt, bóc bỏ phần vỏ. Xử lý kích thích tố và không xử lý kích thích tố. Trộn hỗn hợp xong, tạo độ ẩm đắp xung quanh vết bóc vỏ

– Bó theo hai cách: bó kín va bó hở:

+ Bó kín: sau khi bóc vỏ cành hoặc thân cây, để hai ngày sau hoặc có thể bó ngay. Dùng lục bình khô đã ngâm nước trước bóp nhẹ cho nước chảy ra và quấn quanh nơi bóc vỏ. Bên ngoài bầu, dùng miếng nylon đã cắt sẵn có kích thước phủ trọn bầu lục bình, quấn phủ hai đầu, xong đùng hai sợi dây nylon cột lên chặt hai đầu lục bình.

+ Bó hở: kỹ thuật cũng giống như bó kín, nhưng thay vì bó kín hai đầu lục bình chúng ta chí cột dây ở giữa miếng nylon đã quấn bầu lục bình có thể dùng sợi dây nylon lớn cột.

Phương pháp này cần tưới nước thường xuyên lên bầu lục bình để giữ ẩm độ, nhất là lúc trời nắng.

Giâm cành:

– Sử dụng 2 phương pháp: giâm cành trong chậu và giâm cành trực tiếp trên luống.

– Xử lý đất phân: khử trùng nấm bệnh bằng formol hoặc furadan. Trộn hỗn hợp trồng theo tỷ lệ đất: tro trấu : phân là 2 : 1 : 1 cho hỗn hợp vào chậu hoặc vào luống, nén chặt đều.Tưới đẫm nước hỗn hợp trồng 1 – 2 giờ rước khi tiến hành giâm cành. Lấy cành giâm tại chỗ trong vườn, neeus di chuyển ra cần có cách bảo quản cho tốt (giữ ấm, tránh nắng trực tiếp, tránh va chạm). Chọn cành giâm dạng bánh tẻ, dùng dao bén cắt cành giâm thành các đoạn dài 12- 15cm, không được cất dập cành giâm.

– Cành giâm: có thể giữ nguyên lá hoặc cắt bỏ một phần hoặc cắt bỏ hết lá.

Tiến hành giâm theo 2 cách:

+ Cách 1 : có xử lý kích thích tố ra rễ (ANA, AIA, AIB,… )

+ Cách 2: không xứ lý kích thích tố ra rễ.

Phần gốc cành giâm cắm sâu vào hỗn hợp trong 2 – 3,5cm, nén chặt xung quanh gốc. Sau khi tiến hành thao tác giâm xong, tưới phun sương bằng hơi nước thường (chỉ tưới ướt phần trên lá hoặc thân cây mà thôi). Trong vòng 20 ngày đầu, chỉ phun sương nước thường ở phần trên của lá. Sau 20 ngày có thể tưới dung dịch dinh dưỡng (hoặc ure) cho cây (1 lần/1 tuần).

Điều kiện ra rễ:

+ Nhiệt độ xung quanh: 25 – 30oC.

+ Độ ẩm xung quanh: 70 – 80 %

+ Ánh sáng; 50%.

Thời gian ra rễ : tùy loại cây , trung bình 15- 30 ngày.

Ghép cành:

– Chuẩn bị gốc ghép trước khi ghép 1 – 2 tháng cần chuẩn bị gốc ghép sẵn, gốc ghép phải thẳng, rê trụ đều (không hình cổ thiên nga).

– Chuẩn bị lấy mắt ghép, cành ghép: trước khi ghép 1 tuần, cần chọn cành ghép của cây mẹ có sẵn để xử lý bằng cách bấm ngọn.

Sung Mỹ. vị trí ghép 10 – 15 cm từ gốc lên.

– Trước khi ghép: tưới đẫm gốc ghép trước 1 – 2 ngày.

+ Ghép mắt: Chọn những mắt đã lộ chồi non từ nách lá của cây mẹ, dùng dao bén nhọn xén mắt ghép ra, nên làm việc này vào lúc sáng sớm hoặc xế chiều, khi khí trời mát mể. Và hễ tách mắt ghép ra là phải đem ghép ngay vào gốc ghép mới tốt. Trên gốc ghép, dùng dao nhọn rạch hình chữ T có bề cạnh cờ 1 cm ở ngoài lớp vỏ. Kế đó, tách 2 mép vỏ rộng ra để nhét vừa vặn mắt ghép vào. Dùng dây nylon cột chặt lại nhiều vòng (trừ phần mắt ghép ra) để tránh nước mưa cũng như nước tưới xâm phạm vào.

+ Ghép nêm: Chọn cành ghép và cành gốc ghép có đường kính bằng nhau. Bỏ hết lá cành gốc ghép, cắt bỏ phần ngọn non, rồi dùng dao bén vạt sâu vào theo hình chữ V, cành dùng ghép được vạt hình lưỡi búa. Đứt đầu nhọn của lưỡi búa lọt khít vào hình chữ V của gốc ghép là được. Bên ngoài, dùng dây nylon cột chặt lại để giữ yên chỗ nối.

– Sau khi ghép: không được tưới 2 – 3 ngày, nhất là nơi ghép (để tránh làm thối mắt ghép).

– Thời gian thành công: Sung Mỹ 10 – 15 ngày.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.