Chuyện có thật ở nơi cả xã 10 năm nay không dùng đến thuốc sâu

Từ nhà khoa học đến người nông dân ai ai cũng đinh ninh rằng thuốc sâu độc hại nhưng không có nó thì sẽ mất mùa ngay. Thế nhưng có một nơi cả xã đã 10 năm nay không hề dùng đến thuốc sâu mà vẫn được mùa liên tiếp…

Những nông dân biết sám hối

Đó là một buổi chiều mùa hè năm 2013, ông Nguyễn Xuân Điện (thôn Động Giã, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đi làm đồng về, quần vẫn xắn móng lợn, người mướt mải mồ hôi, nói như reo lên với vợ rằng: “Bà nó ơi, hôm nay tôi ra hái mấy mớ rau muống ở cánh đồng Sú mà có ba con đỉa bám vào chân đấy! Đỉa lại xuất hiện ở làng mình rồi!”.

Đối với lão nông này thì bất kỳ sinh vật nào trên đời đều có quyền được sống, quyền bình đẳng dưới ánh sáng mặt trời.

Người dân cương quyết từ chối dùng bình thuốc sâu

Đã 10 năm nay dân làng ông, xã ông từ chối dùng thuốc trừ sâu. Cân bằng sinh thái trên đồng đã được tái lập mà bằng chứng là sự xuất hiện trở lại của đỉa, của bọ rùa, của chuồn chuồn kim, của xén tóc…

Đồng làng lại thơm mùi lúa chứ không còn tức ngực bởi mùi thuốc sâu sặc sụa. Đồng làng lại sáng sáng, chiều chiều từ trẻ con, người già đến các nam thanh, nữ tú quây quần ra ngồi hóng mát. Đồng làng lại có người tuốt đòng đòng để cắn chắt mà không sợ bị ngộ độc thuốc, hít hà hơi lúa mới đang lên sữa bên trong hạt mà không sợ bị ho hen vì hóa chất…

Cho đến nay, anh nông dân Nguyễn Đình Thắm ở Động Giã vẫn còn ám ảnh tội lỗi trước kia mình đã phải dùng đến chất diệt ốc bươu vàng: Thuốc vừa rời khỏi tay người là mặt nước bắt đầu nổi sóng. Các sinh vật bên dưới quằn quại và giãy giụa. Đầu tiên là tôm nổi lên, búng được vài cái rồi chết chìm. Kế đến là cá, chúng như bị thần kinh, lao đầu tứ tung, đâm cả vào bờ rồi chết rục. Lươn, chạch nằm sâu ở dưới bùn cũng phải bơi lên, giật đùng đùng rồi chết lập lờ ngang mặt nước. Cuối cùng là con ốc, gặp thuốc thì chúng chìm sau đó cả buổi mới chết nổi. Dã man quá! Diệt một con ốc bươu vàng thôi mà bao con phải chết theo…

Trước đây, nông dân dùng thuốc sâu bừa bãi theo thói quen. Gieo mạ xong thì phun phòng sâu đục thân, cấy bén rễ xong thì phun phòng sâu cuốn lá, bọ xít, lúa đứng cái thì phun phòng khô vằn, đốm sọc vi khuẩn, rầy, lúa vào hạt thì phun kích thích cho mã hạt đẹp, màu không bị rám. Tính ra mỗi vụ trung bình 4 – 5 lần đầu độc đất đai, đầu độc nước, đầu độc không khí mà thảm khốc nhất phải kể đến những buổi thuốc ốc, thuốc cỏ.

Anh Thắm cảm thấy tội lỗi khi nhớ lại cảnh rắc thuốc diệt ốc trước đây

Trong một buổi rắc thuốc như thế, anh Thắm bị chất độc ngấm vào người say lử lả. Miệng muốn nôn mà không thể nôn được, đầu váng vất như phải cảm còn khớp tay, khớp chân đau nhức như như có giòi bò ở bên trong, mãi chục ngày sau mới lại người. Hãi thuốc sâu từ dạo đấy nên hiện nay gia đình anh dù cấy đến 1,1 mẫu ruộng nhưng không hề dám phun một giọt hóa chất nào mà năng suất lúa vẫn đạt khá cao 1,5 – 1,7 tạ/sào.

Gieo mầm lành, gặp quả phúc

Vợ chồng ông Nguyễn Viết Đoạt và bà Vũ Thị Tị năm nay đã tròm trèm tuổi thất thập nhưng vẫn còn cấy tới 1,2 mẫu vì làm ruộng bây giờ nhàn quá, công đoạn nào cũng có máy móc trợ giúp lại chẳng phải dùng đến thuốc trừ sâu. Trước đây, cũng như bao vùng quê khác, mỗi khi vào vụ ông bà vẫn thường phải “tắm mình” trong chất độc.

Cho đến khi ông Đoạt trở thành học viên của lớp IPM đầu tiên của xã năm 1992, được thầy giáo giảng về tác hại của việc lạm dụng thuốc, của ích lợi do các loại thiên địch như nhện, như bọ dừa, như chuồn chuồn kim, như kiến ba khoang… đem lại. Kể từ đó, làng xóm dần dần vắng bóng bình phun thuốc và giờ đây gần như tuyệt nhiên không nhà nào còn giữ. Thỉnh thoảng cũng có một vài công ty thuốc đến tiếp thị, cho không sản phẩm nhưng dân làng cũng chỉ lịch sự cười và xua tay.

Ông Đoạt ngợi ca hạt thóc của nhà mình, nhờ cấy thưa mà lúa mọc đều, từng hạt, từng hạt vàng óng như kén tằm, năng suất đạt 1,5 – 1,7 tạ/sào với một giống rất “đỏng đảnh” như là Bắc Thơm số 7 kể cũng là một sự lạ. Mỗi vụ gia đình thu về 1,8 tấn thóc, giữ lại 8 tạ để ăn còn đâu đem bán, đút túi gọn gàng 4 triệu đồng tiền lãi để dưỡng già.

Còn bà Tị thì lại mê mẩn vẻ đẹp bình dị của cánh đồng làng. Mỗi lần ra đó là hồn bà như có muôn đợt sóng vỗ về, rào rạt ở bên trong. Bà yêu cánh đồng bằng cả tấm lòng chân thật, thủy chung từ thủa thanh nữ đến lúc về già đủ để tinh tế cảm nhận từng biến chuyển của nó theo từng ngày, từng tháng. Lúa trỗ rồi lúa uốn câu, đỏ đầu bông, dần dần vào chắc. Mùi thơm của cánh đồng chuyển từ hương cốm non thành hương cốm già, nồng nàn chứ không còn man mác nữa.

Niềm vui trên cánh đồng sạch

Đồng sạch, tôm, cá, cua, chạch đua nhau sinh sôi, nảy nở. Những buổi mưa rào đám con cháu bà Tị lại rủ nhau mang chũm ra đồng kéo cá còn những hôm nắng lửa thì chúng đeo giỏ, mang móc ra đồng bắt cua. Tôm béo thơm, cua béo ngậy, cá béo bùi càng đẩy đưa bữa cơm canh thanh đạm, quê mùa nhưng hễ đặt vào môi là trôi ngay xuống cổ.

Anh Nguyễn Đăng Miền – cán bộ HTX Nông nghiệp Đỗ Động khẳng định với tôi rằng ở đâu phun thuốc thì vụ nào, năm nào cũng phải dùng vì cánh đồng đã mất đi thiên địch, mất đi sự cân bằng sinh thái. Thuốc độc diệt sinh vật có hại đồng thời diệt luôn cả sinh vật có lợi. Mà thói đời, “hoa thường hay héo cỏ thường tươi” thứ có hại bao giờ cũng phát triển nhanh hơn thứ có lợi, bệnh tật bùng phát là vì thế.

Phải tôn trọng thế cân bằng của cánh đồng như tôn trọng chính con người. Tổ khoa học của HTX vỏn vẹn 4 người là thành viên đại diện cho 4 thôn trong xã. Họ thường xuyên đi kiểm tra, phát hiện các ổ dịch để tuyên truyền cho dân làng biết mà phòng ngừa, nếu có dịch thì chỉ dập ở ổ chứ không bao giờ phun tràn lan, đại trà cả cánh đồng.

“Đã mấy năm nay, chưa bao giờ chứng kiến dịch nào đủ lớn để phải phun cả. Vụ này tuy là lúa bị bạc lá, khô vằn nhưng nông dân cũng quyết định không phun bởi vì bạc lá là do vi khuẩn gây ra có phun thuốc cũng vô ích còn khô vằn tuy có nhiễm nhưng mật độ không đáng kể, phun thuốc chỉ làm mất đi các thiên địch có ích. Tổ khoa học chỉ tổ chức phun thuốc duy nhất một lần để phòng khi cây mạ chuẩn bị ra ngôi (khoảng 15 ngày tuổi) còn người dân thì không bao giờ phải động đến hóa chất độc hại. Thế mà ở Đỗ Động chúng chưa bao giờ chịu cảnh mất mùa kể cả năm 2013 lụt lội khiến lúa chậm phát triển nên gặp đúng đợt dịch sâu đục thân phá hoại, năng suất giảm xuống thấp nhất nhưng vẫn đạt 1 tạ/sào”, anh Miền nói.

Còn anh Trần Đình Tuyến – Bí thư xã Đỗ Động thì xác nhận với tôi rằng với tổng số 400ha lúa, 30ha rau mỗi vụ nhưng địa phương mình không hề có một cửa hàng bán thuốc trừ sâu nào, không hề có cảnh nông dân đi phun thuốc, không có bao bì thuốc vứt trên mương máng, đường nội đồng. Bởi thế mà hạt gạo sạch được trân quý, không chỉ để ăn mà còn gửi biếu cho họ hàng ở trong Nam, cho con em trọ học ngoài nội thành.

Nguồn: Báo Nông nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kiếm tiền tỷ từ thu hoạch xoài trái mùa

Những ngày này vườn xoài Úc rộng đến 12ha của ông Trong đã bắt đầu ra hoa sum xuê. Đây là kết quả của việc điều khiển xoài ra hoa theo ý muốn của ông, chứ theo lẽ tự nhiên, sau Tết Nguyên đán xoài mới đơm hoa kết trái.

Nhìn vườn xoài ra năm nay ra hoa nhiều hơn mọi năm ông Trong dự kiến sản lượng đạt trên 50 tấn, hứa hẹn sẽ cho bội thu trong dịp tết sắp tới.

Theo ông Trong, mặc dù điều khiển xoài ra dịp tết tuy cho sản lượng không cao bằng vụ đầu hè, nhưng giá bán cao gấp đôi, trên 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu lãi trên 1 tỷ đồng/vụ.

Tôi hỏi, “bí kíp” làm xoài ra trái nghịch vụ? Ông Trong chia sẻ, muốn làm xoài trái vụ, đến đầu tháng 8 ÂL, dùng các phương pháp “kích” cho xoài ra hoa. Tuy nhiên để cho xoài ra hoa thì phải làm cho xoài ra đọt non, sau đó phun thuốc kích thích nhằm tạo mầm ở đọt.

Bên cạnh đó việc bón phân đúng cách và đúng thời điểm cũng rất quan trọng, không chỉ giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, mà còn thuận lợi cho việc điều khiển. Theo đó, một năm vườn xoài nhà ông bón ba lần, cụ thể bón sau mỗi lần thu hoạch, khi xoài chuẩn bị ra hoa và khi xoài đã có quả cỡ vừa.

“Qua nhiều năm tôi trồng xoài đúc kết, nếu bón phân không đúng cách hoặc bón khi quả xoài còn nhỏ, thì sẽ gây rụng trái. Ngoài ra dịch bệnh, nhất là bọ trĩ – đối tượng gây hại nguy hiểm nhất trên xoài cũng gây rụng trái hàng loạt, do đó nếu người trồng không phòng trừ thì sẽ thiệt hại, giảm thu nhập”, ông Trong nói.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn xoài, ông Trong còn chia sẻ thêm về kỹ thuật làm cho quả xoài vỏ đẹp, sáng sạch để bán được giá cao. Muốn vậy, khi quả xoài đạt cỡ trung bình, cần tỉa cành lá xung quanh cho ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào quả xoài. Cách làm này không chỉ giúp quả xoài không bị trầy xước, mà hạn chế được sâu bệnh. Do đó, quả xoài Úc của vườn ông trồng luôn đạt yêu cầu có trọng lượng từ 0,7 – 1kg, vỏ có màu hồng đỏ, hạt nhỏ, thịt vàng có mùi thơm béo, vị ngọt thanh và rất ít xơ.

Xoài sai quả cho dù được trồng nghịch vụ

Ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây cho biết, với cách làm xoài sáng tạo mang lại hiệu quả của ông Trong hiện nhiều bà con trong vùng học hỏi và đã thu trái ngọt. Ngoài ra, ông Trong còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 10 – 15 lao động với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trong cho biết, trước đây, ông trồng xoài Canh nông, sau đó chuyển sang xoài cát Hòa Lộc, tuy nhiên do hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên vài năm trở lại đây ông chuyển sang trồng xoài Úc. Tuy nhiên giá trị của xoài Úc là khi thu trái nghịch. Do đó để điều khiển thành công, ông đã phải đi nhiều nơi học hỏi, mặc dù kỹ thuật này rất khó, nhất là khi thời tiết diễn biến phức tạp.

Để vườn xoài phát triển tốt, cho năng suất cao, ổn định, việc có kinh nghiệm không thôi là chưa đủ, mà cần đầu tư khoa học kĩ thuật. Hiện vườn xoài nhà ông Trong còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, đặt ngầm dưới 3.500 gốc xoài với kinh phí 500 triệu đồng. Nhờ hệ thống này mà những năm hạn vừa qua vườn xoài không bị áp lực về nguồn nước tưới, tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Công nghệ chế biến nâng cao giá trị trái cây Việt

Ngày 21/11, Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội rau quả Việt Nam, Rieckermann Việt Nam và các chuyên gia trong ngành chế biến tổ chức Hội thảo “Cơ hội và giải pháp – Vì sao doanh nghiệp Việt Nam nên tham gia thị trường chế biến trái cây lúc này”.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cùng với sự tăng về diện tích, sản lượng, giá trị xuất khẩu (XK) trái cây Việt Nam liên tục tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Từ con số vài trăm triệu USD/năm, đến năm 2016 đã đạt con số 2,45 tỷ USD, trong đó ước tính các sản phẩm cây ăn quả chiếm hơn 80% giá trị XK. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, giá trị XK rau quả của Việt Nam đạt 2,48 tỷ USD, tăng hơn 47,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu XK dưới dạng trái cây tươi nên giá trị gia tăng thấp và bị tác động bởi các rào cản kỹ thuật như: Kiểm dịch thực vật, chất lượng trái cây giảm nhanh, thời gian bảo quản ngắn do chưa có các công nghệ bảo quản tiên tiến và các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, hiện nay, ngành sản xuất cây ăn quả Việt Nam đứng trước không ít khó khăn, thách thức như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chất lượng quả chưa cao, năng suất thấp, các sản phẩm qua chế biến còn ít…

Một trong những thách thức mà ngành công nghiệp chế biến trái cây đang phải đối mặt là công nghệ chế biến chưa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo ra lợi nhuận bền vững. Giải pháp hàng đầu được các chuyên gia đưa ra chính là áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến nhằm tăng tính hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Tại hội thảo, Rieckermann Việt Nam – nhà cung cấp giải pháp công nghiệp hàng đầu đã mang đến 2 công nghệ tiên tiến nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường chế biến trái cây như hiện nay. Chia sẻ về công nghệ chế biến trái cây nhiệt đới từ năm 1936, ông Roberto Benvenuti, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh và Marketing Bertuzzi Food Processing (Italia) cho biết: Công nghệ của Bertuzzi giúp tăng chất lượng sản phẩm và hiệu suất thu hồi thông qua việc sử dụng các máy móc và thiết bị chuyên dụng phù hợp với từng loại trái cây.

Đối với công nghệ chế biến nước quả áp suất cao, ông Jorge Marraud Pascual, Chuyên gia công nghệ thực phẩm, Giám đốc kỹ thuật bán hàng châu Á Hiperbaric (Tây Ban Nha) cho hay, có mặt tại thị trường từ năm 1999, cho đến nay, các máy công nghệ của Hiperbaric đã được lắp đặt tại 36 quốc gia và 5 châu lục. Một trong những công nghệ phát triển thành công nhất hiện nay là công nghệ xử lý nước ép bằng áp lực áp suất cao, đảm bảo giữ nguyên vẹn dinh dưỡng cũng như hương vị của nước ép trái cây nguyên chất và tăng hạn sử dụng cho sản phẩm.

Việt Nam xác định trái cây là ngành hàng còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển. Định hướng chung toàn ngành đặt ra là: Tiếp tục tập trung đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào khâu sản xuất cây ăn quả nhằm tăng năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, tăng cường phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm từ cây ăn quả với các sản phẩm chế biến chính gồm các loại quả đông lạnh, đóng hộp, sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc… nhằm gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường, tăng kim ngạch XK.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Đầu tư 170 tỷ đồng phát triển cà phê chất lượng cao

Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” với mục tiêu phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu cà phê hàng hóa chất lượng cao quy mô lớn. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 170 tỷ đồng.

Đề án có nội dung nâng cao chuỗi thu nhập của người trồng cà phê trên đơn vị diện tích gieo trồng thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm cà phê: Đến năm 2020 tăng 5% và đến 2023 là 7% so với mức thu nhập bình quân niên vụ 2013-2014.

Bên cạnh đó, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ cà phê, xây dựng được thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và XK; nâng giá cà phê XK của Việt Nam đến 2020 tương đương với các nước trong khu vực và quốc tế trong cùng nhóm chất lượng.

Cụ thể, đề án sẽ hỗ trợ tối thiểu 10 DN hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến ướt (sử dụng enzim và vi sinh vật) nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch; hỗ trợ tối thiểu 5-10 DN xây dựng mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao. Tổng giá trị các mô hình cho thu nhập tương đương 2.000 tỷ đồng/năm, trong đó quy môi mỗi dự án sản xuất thử nghiệm cà phê chất lượng cao đạt không dưới 100 tỷ đồng/năm…

Theo đề án đưa ra, vùng nguyên liệu phát triển cà phê chất lượng cao sẽ có hệ thống sấy, kho bảo quản và nhà máy chế biến phù hợp với quy mô sản xuất. Năng suất cà phê vối đạt 2,7 tấn/ha, cà phê chè đạt 2,0 tấn/ha.

Về kết quả đạt được, đề án đặt ra có ít nhất 10 DN tham gia đầu tư sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm cà phê chất lượng cao theo chuỗi từ giá trị sản xuất, chế biến đến thương mại, đảm bảo được giá trị gia tăng cho ngành cà phê giai đoạn 2020-2030.

Xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm có 50% DN đầu ngành gắn thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao trên bao bì sản phẩm trong giao dịch, mua bán trên thị trường trong nước và thế giới…

Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 170 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 110 tỷ đồng (khoảng 35 tỷ đồng nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm, đào tạo trong mô hình; 45 tỷ đồng phát triển vùng nguyên liệu, hợp tác công tư, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường; 25 tỷ đồng hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất của các đơn vị và 5 tỷ đồng cho các hoạt động khác).

Ngân sách từ các DN, nông dân, vốn vay tín dụng là 60 tỷ đồng (khoảng 30 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất 200-300 nghìn ha cà phê chất lượng cao tại các vùng nguyên liệu hàng hóa; 20 tỷ đồng hỗ trợ hệ thống sấy, kho bảo quản, chế biến; 10 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường).

Thời gian thực hiện đề án là giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn đến năm 2030.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Những mô hình nuôi lươn không bùn kết hợp trồng rau thủy canh lợi nhuận cao

Anh Trần Thiện Phi ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đã trải qua nhiều nghề khác nhau như làm ruộng, nuôi gà, vịt, cá… nhưng cuối cùng đã chọn con lươn để làm giàu.

Anh Phi kể: Ban đầu bắt tay vào nghề nuôi chỉ có 25m2 nuôi trong 2 bể, sau nhiều vụ thành công và rút kinh nghiệm, hiện anh sở hữu 20 bể lươn tương đương với 500m2. Ngoài nuôi lươn thương phẩm, anh còn nhân giống, bình quân mỗi năm sản xuất trên 100.000 con giống.

Mô hình nuôi lươn của anh Phi kết hợp trồng rau thủy canh mang lại hiệu quả cao

Theo tính toán của anh, với 20 bể nuôi, mỗi năm thu hoạch từ 8 – 12 tấn lươn thương phẩm, sau khi trừ chi phí thu về trên 1 tỷ đồng/năm. Nhờ thả nuôi nhiều đợt nên lươn thu hoạch quanh năm. Ngoài nuôi lươn, anh còn sáng kiến trồng rau cần nước (cần ống) trên mặt bể và các loại rau răm, rau om, mướp xen kẽ vào các khoảng đất trống theo mô hình chăn nuôi khép kín giúp tăng thêm thu nhập khoảng 15 – 20 triệu đồng/vụ (lươn nuôi 6 – 8 tháng). Chỉ riêng rau cần ống, mỗi tuần anh cũng thu hoạch khoảng 20kg/bể, bán với giá 15.000đ/kg. Trồng rau hoàn toàn không dùng phân hóa học và thuốc BVTV.

Còn ông Lê Văn Bút ở cùng xã Thạnh Phú sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi lươn không bùn và không ngừng mở rộng thêm bể nuôi, đến nay đã sở hữ 6 bể với diện tích gần 150m2.

Ông Bút cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu sống bằng nghề nông chỉ với khoảng 3.000m2 đất canh tác lúa, làm lụng cực khổ, vất vả nhiều năm nhưng thu nhập không đáng là bao, cuộc sống lao đao, thiếu thốn đủ đường. Thấy bà con nhiều nơi nuôi lươn đem lại lợi nhuận khá cao, tôi cũng chuyển sang nuôi lươn. Lúc đầu gặp không ít khó khăn nhưng nhờ siêng năng, chịu khó, ham học hỏi… dần dà tay nghề cũng khá lên”.

Nuôi lươn không bùn phát triển mạnh ở Cờ Đỏ

1 bể nuôi lươn 20m2 (4 x 5m), ông Bút thả 50kg lươn giống (loại 30 con/kg), mật độ thả 75 con/m2, tỷ lệ sống 70%. Sau 7 tháng nuôi và chăm sóc, lươn đạt trọng lượng từ 180 – 200gram/con, thu hoạch khoảng 200kg lươn thịt, bán với giá bình quân 180.000 đồng/kg. Ước tính, nếu trừ đi các khoản chi phí về (con giống, thức ăn, dụng cụ làm bể bạt, công chăm sóc…), ông thu gần 16 triệu đồng.

Ông Bút chia sẻ kinh nghiệm, để nuôi lươn tốt nên chọn vị trí yên tĩnh, ít người qua lại, có bóng mát, dễ lấy nước vào và thoát nước ra, làm mái che hoặc làm giàn trồng cây leo che nắng, gió. Cắm trụ, dùng bạt nilon loại dày không thoát nước quây quanh các trụ tạo thành bể. Diện tích bể 20m2, chiều cao bể 1 – 1,2m. Nước được lọc và diệt khuẩn, diệt ký sinh trùng mới đưa vào bể. Mực nước tốt nhất trong bể từ 20 – 30cm. Thả rau cần ống và trà tre tạo bóng râm và nơi trú ẩn cho lươn.

Nuôi lươn không bùn được siêu thị Metro Cần Thơ bao tiêu sản phẩm

Vấn đề chọn thả con giống rất quan trọng, nên chọn lươn màu vàng sẫm để nuôi vì đây là loại lươn có tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt. Lươn giống 30 – 60 con/kg thả 1 bể là phù hợp. Giống quá nhỏ, lươn khó chăm sóc, dễ chết, thời gian nuôi kéo dài. Giống lớn (10 – 20 con/kg) thì khi mua phải để ý nguồn gốc, vì cỡ này hay bị chết sau khoảng một tháng nuôi do giãn cột sống lúc bị đánh bắt. Lươn giống thả nuôi phải đồng cỡ, không xây xát, khỏe mạnh. Mật độ thả tốt nhất là 60 – 80 con/m2. Trước khi thả nuôi cần tắm lươn bằng nước muối loãng trong 3 – 5 phút để sát trùng và loại bỏ những con yếu.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trung Quốc, Ấn Độ “bắt chước” mô hình nông nghiệp 4.0 từ châu Âu

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tham vọng với những tiến bộ của các công nghiệp khác sẽ hỗ trợ liên minh công nông, áp dụng khái niệm nông nghiệp 4.0 từ châu Âu…

Ấn Độ

Theo Rishi Nair (Công ty Khoa học Nông nghiệp Zuari, 2015), Nông nghiệp 4.0 vẫn còn xa đối với toàn Ấn Độ, vì những lý do:

1. Tiếp cận nguồn dữ liệu: Nguồn dữ liệu tuy đã mạnh nhưng vẫn còn nhiều bất cập như các dữ liệu về các hóa chất nông học, hạt giống, và những vật tư đầu vào khác không hoàn toàn được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật, nên công tác thống kê về thương mại gặp nhiều khó khăn. Ngay cả số liệu chính xác về số doanh nghiệp ở từng địa phương cũng khó chính xác.

2. Việc giải mã dữ liệu và tối ưu hóa vật tư đầu vào cũng đang gặp khó khăn.

3. Các hoạt động ngoài đồng ruộng: Vẫn còn rất nhiều thách thức trong công tác khuyến nông tới nông dân. 2015 mới có 30% (350 triệu người) chủ đăng ký sử dụng internet. Có tất cả 750 loại ngôn ngữ được sử dụng ở Ấn Độ nên rất khó thống nhất ngôn ngữ cho tất cả mọi người (Nair, 2015).

Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tham vọng với những tiến bộ của các công nghiệp khác sẽ hỗ trợ liên minh công nông, áp dụng khái niệm nông nghiệp 4.0 từ châu Âu, nông dân Trung Quốc thế kỷ 21 sẽ thực hiện nông nghiệp 4.0. Tầm nhìn của liên minh tại kế hoạch 5 năm lần thứ 13, đã định hướng tương lai nông thôn Trung Quốc sẽ phải đạt: 1) Nền nông nghiệp mới kết nối 6 ngành công nghiệp vào sản xuất, chế biến và phân phối lương thực, thực phẩm; 2) Nông dân mới tức là nông dân chuyên nghiệp, thay thế nông dân nông hộ nhỏ, làm việc bán thời gian, hoặc nông dân nghèo đói; 3) Ruộng vườn nông thôn mới hài hòa với thành thị (Dimsumsat, 2015).

Hiện nay ở Trung Quốc, theo hướng nông nghiệp 4.0, nhiều ngành công nghiệp đang được đẩy mạnh như các ngành công nghiệp chế tạo máy kéo công suất cao, máy gặt đập thông minh; ứng dụng thiết bị bay không người lái (Drone); công nghiệp phục vụ chăn nuôi thông minh 4.0; trồng cây trong nhà…

Khả năng của một số nước Đông Nam Á

Theo ADB: Việt Nam có hơn 24 triệu lao động nông nghiệp (46% tổng lao động). Myanmar có 20 triệu lao động (hơn 70%), Indonesia có gần 40 triệu lao động (35%), Campuchia có gần 5 triệu lao động (64%), Philippines có 12 triệu lao động (31%), Thái Lan có gần 16 triệu lao động (41%), Lào có 2 triệu lao động (70%). Malaysia và Singapore có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều. Toàn vùng ước khoảng 100 triệu lao động trực tiếp trong nông nghiệp (không kể lao động gia đình giúp đỡ khi cần thiết).

Theo BBC, 70 triệu người, thuộc lực lượng này dễ bị tổn thương. Do lực lượng này có các đặc điểm canh tác rất khác nhau trong khối ASEAN và mức độ tiếp thu công nghệ, khả năng tiếp cận công nghệ cũng rất khác nhau và dễ mẫn cảm với tự động hóa. Nghĩa là còn nhiều việc cần thiết để thiết lập hệ thống tự động hóa kết nối vạn vật (IoT). Tuy nhiên một số đối tác thuộc các nước công nghiệp liên quan đến khối ASEAN như Úc, Mỹ, Nhật đang cạnh tranh gay gắt về IoT và canh tác tự động hóa ở đây. Như vậy, với nhiều nước ASEAN, nông nghiệp 4.0 đang trên đường tiến triển, tuy còn khó khăn nhất định. Trong 15 năm tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp canh tác thông minh ở vùng nông thôn, tùy thuộc vào chính phủ và sự đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối vạn vật.

Lào và Campuchia trong 10 năm tới khó đề cập đến nông nghiệp thông minh. Tuy nhiên tại Thái Lan hay Đài Loan có sự khác biệt. Thái Lan, đang có định hướng theo nông nghiệp 4.0 và đất nước Thái 4.0 như trình bày dưới đây. Hay tại Đài Loan, tự hào là một trong những nơi cung cấp các thiết bị cho nông nghiệp 4.0 trên thế giới.

Thái Lan sẵn sàng

Bộ Nông nghiệp và HTX Thái Lan công bố rằng, mọi điều kiện đã sẵn sàng tạo đà cho nông dân Thái tiến theo hướng “Nông dân thông minh – Smart farmers”. Thứ trưởng Bộ NN và HTX Thái Lan Anekwit, cho rằng Chính phủ có chính sách đối với nông nghiệp cùng đổi mới công nghệ để sao cho thế hệ trẻ trở thành “nông dân thông minh” cùng với chính sách của Chính phủ Thái về Thái 4.0.

Chính phủ Thái định hướng nông nghiệp và thực phẩm của Thái theo Nông nghiệp 4.0 đó là thực phẩm và thành phần thực phẩm thông minh để SX những sản phẩm nâng cao giá trị trong chuỗi giá trị, nông nghiệp thông minh để có chất lượng hảo hạng trong điều kiện biến đổi khí hậu và xã hội già hóa. Chương trình hành động của Bộ NN và HTX Thái Lan là sẽ hình thành các trung tâm nông nghiệp và thực phẩm theo hướng 4.0, đó là:

1) Trung tâm Nông nghiệp Thực phẩm phía Bắc Thái Lan gồm các trang trại thông minh nhằm sản xuất sữa bò đạt tiêu chuẩn quốc tế và thực phẩm chức năng

2) Vùng Đông Bắc có Trung tâm Nông nghiệp Thực phẩm gồm các trang trại trồng trọt thông minh, chăn nuôi gia súc thông minh

3) Khu Đại học ở miền Trung Thái Lan gồm các thực phẩm chức năng và thực phẩm cho người già

4) Trung tâm Nông nghiệp Thực phẩm phía Nam Thái Lan gồm các hải sản, thực phẩm ăn chay, cao su tự nhiên

Để đạt được, Bộ NN và HTX Thái cho rằng, phải tập trung vào con người là nhân tố chủ yếu thông qua hình thành 883 trung tâm đào tạo huấn luyện ở tất cả các tỉnh để tăng cường hiệu quả SX nông nghiệp thông qua đổi mới công nghệ. Hơn nữa, Bộ sẽ giới thiệu “Bản đồ Nông nghiệp”, phân định ranh giới giữa các vùng nông nghiệp ở tất cả các tỉnh. Bản đồ nông nghiệp đáp ứng cho từng cây trồng theo đất canh tác. Từng tổ chức thuộc Bộ phải thống nhất trong chương trình đào tạo và hỗ trợ công nghiệp nông nghiệp.

Đài Loan sẽ là xứ sở của chuỗi cung ứng thiết bị Nông nghiệp 4.0

Theo Matthew Ryan (2017), Đài Loan nổi tiếng về công nghệ chế tạo và có nhiều sản phẩm cơ điện trên đầu người hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, đó là:

1) Các bộ cảm biến kết nối vạn vật (IoT): Đài Loan tự hào là nơi tập trung các thiết bị công nghệ kết nối vạn vật do có lượng lớn các nhà máy sản xuất bán dẫn, chủ yếu ở Công viên Hsinchu. 25% sản lượng bán dẫn của thế giới được chế tạo, sản xuất tại Đài Loan.

2) Đài Loan có nền công nghiệp đèn LED đứng thứ 2 trên thế giới. Vì nông nghiệp trong nhà thúc đẩy công nghệ đèn LED, nó đòi hỏi sự chính xác cao của đèn LED để tạo điều kiện sinh trưởng và năng suất tối ưu nhất.

3) Robot. Đài Loan là một trong những nơi đi đầu về công nghệ robot, đang đặt mục tiêu trở thành một trong những nơi khả năng nhất về công nghệ robot vào 20 năm tới.

4) Tế bào năng lượng mặt trời: Là nơi lớn nhất thế giới sản xuất tế bào năng lượng mặt trời. Đài Loan có thể cung ứng nguồn năng lượng cho các dự án lớn về nông nghiệp trên quy mô lớn.

5) Thiết bị bay không người lái: 10% lượng thiết bị bay không người lái được chế tạo SX tại Đài Loan. Dự kiến hàng năm sẽ tăng 10% đến 2025.

6) Canh tác trong nhà, thủy sản kết hợp thủy canh: Đài Loan có nhiều kinh nghiệm về đèn LED, nên nhiều công ty có thể cung ứng đầy đủ các giải pháp cho canh tác trong nhà, thủy sản kết hợp thủy canh, thủy canh.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng thanh long công nghệ mới Israel, năng suất có thể đạt 80 – 100 tấn/ha

Một số nông dân ở vùng chuyên canh thanh long huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) và huyện Châu Thành (Long An) mạnh dạn đầu tư SX thanh long theo công nghệ Israel nhằm tiết kiệm diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng trái hướng tới xuất khẩu sang thị trường khó tính…Thanh long leo giàn sắt

Chợ Gạo thời điểm này đang mùa xông đèn thanh long. Anh Nguyễn Hữu Phúc ở ấp An Thị, xã Mỹ Tịnh An chia sẻ: “Trồng thanh long theo phương pháp truyền thống bằng trụ bê tông mỗi trụ cách nhau tới 3m, nay áp dụng kỹ thuật mới trồng theo giàn chữ T, mỗi gốc chỉ cách nhau 0,4m, vừa tiết kiệm diện tích đất lại giảm công chăm sóc”.

Áp dụng biện pháp bao trái thanh long nhằm tránh sâu bệnh hại

Theo anh Phúc, mô hình trồng thanh long theo giàn được Viện Cây ăn quả miền Nam hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật. Trước đó, với mỗi công đất (1.000m2) trồng trụ bê tông chỉ trồng được khoảng 440 hom. Nay áp dụng phương pháp mới có thể trồng được tới 1.170 hom/công. Hơn nữa, cùng diện tích này trồng kiểu truyền thống chỉ thu lãi khoảng 5 triệu/công, còn trồng giàn cho lãi 12 triệu đồng/công.

Ưu điểm của mô hình trồng thanh long kiểu chữ T có sự khác biệt so với kiểu trồng truyền thống là hệ thống cành phân tán đều, ít bệnh hơn. Lượng hom giống ban đầu gấp đôi so với bình thường nên cành nhiều hơn, năng suất cũng cao hơn. Ước tính ban đầu đạt khoảng 80 tấn/ha/năm.

Do mô hình trồng thanh long leo giàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh Phúc tiếp tục mở rộng thêm 2.500m2 trồng thanh long ruột đỏ và cải tiến kỹ thuật phù hợp hơn nhằm tiết kiệm chi phí.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở ấp Long Hòa, xã Long Trì, huyện Châu Thành cũng trồng thanh long ruột đỏ (685 trụ) trên diện tích 5.000m2, trong đó 2.000m2 áp dụng công nghệ giàn sắt.

Ông Minh giới thiệu về giàn sắt hình chữ A sau khi cải tiến từ giàn chữ T trồng thanh long

Ông Minh tâm sự: “Lúc đầu tôi cũng chỉ trồng theo kiểu truyền thống nhưng sau khi tham khảo phương pháp trồng mới, tôi đã quyết định đầu tư áp dụng theo công nghệ giàn sắt và lắp đặt hệ thống phun tưới tự động nhỏ giọt bằng đường ống”.

Từ mô hình trồng thanh long bằng trụ bê tông và giàn sắt hình chữ T, ông Minh đã tự điều chỉnh thiết kế bằng giàn sắt hình chữ A cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội, năng suất cao hơn so với trồng trụ, hạn chế sâu bệnh, thu hoạch thuận tiện hơn và tránh được bão gió.

Hướng sản xuất mới

Một trong những mô hình mới đang được nông dân quan tâm là trồng thanh long ruột đỏ bằng giàn theo công nghệ Israel.

Vườn thanh long của gia đình ông Minh lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm

Hàng chục năm nay, với 16.000m2 đất, ông Trần Văn Năm ở xã Long Trì, huyện Châu Thành chỉ tập trung canh tác thanh long ruột trắng. Gần đây thanh long ruột trắng giá thấp, đầu ra bấp bênh nên ông mạnh dạn chuyển hơn 6.000m2 sang trồng thanh long ruột đỏ theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.

Ông Năm cho biết, đến nay toàn bộ diện tích thanh long ruột đỏ của gia đình đều được áp dụng công nghệ tưới phân, nước nhỏ giọt tự động có kiểm soát. Trên vườn mỗi trụ cho từ 30 – 35 trái. Mùa vụ vừa qua, thanh long ruột đỏ có giá 45.000 đồng/kg cho gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng, gấp đôi so với thanh long ruột trắng.

SX thanh long CNC là hướng đi mới

Ông Nguyễn Văn Đà ở ấp Long Thuận, xã Long Trì có 7.000m2 trồng thanh long (khoảng 1.000 trụ thanh long ruột trắng) tâm sự: “Công nghệ cao làm giàn sắt đầu tư kinh phí khá cao nên chờ thêm thời gian xem hiệu quả thực tế ra sao thì bà con mới dám làm”.

Tuy nhiên, Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo, nếu nông dân mạnh dạn áp dụng mô hình này thì khả năng sẽ cho năng suất cao hơn từ 2 – 3 lần so với trồng trụ bê tông, có thể đạt từ 80 – 100 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Hôn, cán bộ UBND thị trấn Tầm Vu cho biết: “Địa phương đang khuyến khích nông dân trồng thanh long theo công nghệ mới, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng những thị trường khắt khe về chất lượng. Việc quy hoạch vùng trồng, áp dụng công nghệ cao SX thanh long leo giàn sắt đang mở ra hướng sản xuất mới, giúp nông dân thu nhập khá hơn”.

Ông Minh điều khiển hệ thống tưới tự động cho vườn thanh long

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng dưa lưới đón Tết

Nông dân (ND) huyện đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang đang rất phấn khởi ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất nông nghiệp (SXNN). Đặc biệt, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, ND tăng cường đầu tư SX rau màu sạch, trong đó có sản phẩm độc đáo là trồng dưa lưới theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.
Thăm mô hình nhà lưới rộng 1.000m2 tại thị trấn An Phú, mới cảm nhận hết hiệu qủa mô hình SXNN ƯDCNC ở An Phú. Mỗi cây được trồng trong 1 bịch giá thể (có trọng lượng khoảng 3kg, gồm xơ dừa trộn với phân trùn quế) đặt trong luống đã được lót bạt nhựa cách ly với nền đất để tránh mầm bệnh xâm nhập. Nhà lưới ở đây trồng từ năm 2014 với chu kỳ sản xuất “2 năm, 7 vụ”.
Vụ thu hoạch vừa qua, Công ty Cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao An Phú (doanh nghiệp đầu tư) thu hoạch dưa lưới giống Bảo Khuê (Đài Loan) cho năng suất khá cao, với sản lượng 3,5 tấn/1.000m2, bán với giá 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, công ty còn lãi từ 30-50 triệu đồng/1.000m2/vụ. Hiện, nhà lưới đang xuống giống vụ dưa mới với số lượng 2.272 cây khoảng 20 ngày tuổi, đang phát triển tốt.

Khi dưa lưới đủ 25 lá thì tiến hành bấm ngọn để phát triển tốt

Huyện An Phú hiện có 3 nhà màng trồng dưa lưới và dưa lê. Dưa được trồng trong nhà lưới không sử dụng thuốc hóa học và áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt công nghệ Israel giúp cho trái dưa phát triển tự nhiên nên rất an toàn cho người sử dụng. Ngoài trồng dưa lưới giống Bảo Khuê (Đài Loan) 1.000m2 nhà lưới ở thị trấn An Phú, nhà lưới 300m2 ở xã Vĩnh Lộc đang được vệ sinh sạch sẽ để chuẩn bị trồng giống dưa lưới DH1 (Thái Lan).
ThS Nguyễn Văn Đệ cho biết: Trồng dưa lưới CNC áp dụng kỹ thuật mới nên phải theo dõi chặt chẽ quá trình sinh trưởng, phát triển hàng ngày. Khi dây dưa được 25 lá thì tiến hành bấm ngọn; mỗi dây treo chỉ để từ 1-4 trái, tỉa trái sẽ nâng chất lượng trái loại 1. Lượng nước tưới và dinh dưỡng cho trái tùy quá trình phát triển của cây, sau đó giảm lượng nước đến khi thu hoạch thì cắt nước hoàn toàn.

ThS Nguyễn Văn Đệ kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của dưa lưới

Dưa lưới trồng trong nhà lưới chủ yếu gặp một số sâu hại như: bọ phấn trắng, bọ trĩ… nên chỉ sử dụng biện pháp sinh học để xử lý như dùng bọ xít, bọ rùa khống chế. Nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly. Mỗi vụ dưa lưới từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 80 ngày tuổi, trọng lượng từ 1,5-2,5kg/trái, năng suất khoảng 3,5 tấn/1,000m2. Được chăm sóc đúng kỹ thuật nên dưa rất đồng đều, màu thịt đẹp, giòn và ngọt, bảo quản được lâu.
“Hiện, diện tích nhà lưới trên địa bàn huyện còn ít (do chi phí đầu tư mỗi nhà lưới gần 400 triệu đồng/1.000m2) nên sản lượng dưa không đủ cung ứng cho thị trường. Không chỉ trong tỉnh, mà ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng đặt mua. Nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua dưa lưới làm quà biếu tăng lên gấp nhiều lần nên sản lượng bao nhiêu cũng tiêu thụ hết” – ThS Đệ cho biết.

Theo báo An Giang, kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Mô hình nông nghiệp 4.0 và khả năng áp dụng ở Việt Nam: Nông nghiệp 4.0 là gì?

Nông nghiệp 4.0 còn được coi là hàm số của Nông nghiệp thông minh x Công nghệ thông minh x Thiết kế thông minh x Doanh nghiệp thông minh. Ở châu Á, Ấn Độ khó áp dụng cách mạng nông nghiệp 4.0 đầy đủ

Cà chua ứng dụng công nghệ điện toán đám mây “Akisai” có độ ngọt tự nhiên và hàm lượng dinh dưỡng cao gấp 3 lần so với sản phẩm thông thường, Viện nghiên cứu rau quả.

Tuy nhiên Thái Lan đang phấn đấu còn Đài Loan tự hào là nơi cung cấp thiết bị cho nông nghiệp 4.0 chỉ sau một vài nước phát triển.

Việt Nam chưa có mô hình hoàn chỉnh về nông nghiệp 4.0, mới có một số mô hình thông minh thông qua hợp tác quốc tế về canh tác lúa, rau. Chính phủ cần kịp thời định hướng cho nghiên cứu, triển khai mô hình nông nghiệp 4.0 đầy đủ.

Khái niệm và xuất xứ của nông nghiệp 4.0

Theo khái niệm của Hiệp hội Máy Nông nghiệp Châu Âu (European Agricultural Machinery, 2017):

1) Nông nghiệp 1.0 xuất hiện ở đầu thế kỷ 20, vận hành với hệ thống tiêu tốn sức lao động, năng suất thấp. Nền nông nghiệp đó có khả năng nuôi sống dân số nhưng đòi hỏi số lượng lớn các nông hộ nhỏ và một phần ba dân số tham gia vào quá trình sản xuất nguyên liệu thô.

2) Nông nghiệp 2.0, đó là cách mạng xanh, bắt đầu vào những năm 1950, khởi đầu là giống lúa mì lùn cải tiến, nhưng phải dựa nhiều vào bón thêm đạm, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học tổng hợp, cùng với máy móc chuyên dùng, cho phép hạ giá thành và tăng năng suất, đem lại lợi nhuận cho tất các các bên tham gia.

3) Nông nghiệp 3.0, từ chỗ nâng cao hiệu quả đến nâng cao lợi nhuận nhờ chủ động và sáng tạo hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đưa ra sản phẩm khác biệt. Bắt đầu khi định vị toàn cầu (GPS) được ứng dụng đầu tiên để định vị và định hướng. Thứ hai là điều khiển tự động và cảm biến (sensor) đối với nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, dinh dưỡng, từ những năm 1990, máy gặt đập liên hợp được gắn thêm màn hình hiển thị năng suất dựa vào định vị GPS. Thứ ba là tiến bộ công nghệ sử dụng các thiết bị không dây (Telematics).

4) Nông nghiệp 4.0, thuật ngữ được sử dụng đầu tiên tại Đức.

Tương tự với “Công nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp 4.0” ở châu Âu được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị (có thể hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp). Nghĩa là thông tin ở dạng số hóa dành cho tất cả các đối tác và các quá trình SX, giao dịch với các đối tác bên ngoài đơn vị như các nhà cung cấp và khách hàng tiêu thụ được truyền dữ liệu, xử lý, phân tích dữ liệu phần lớn tự động qua mạng internet. Sử dụng các thiết bị internet có thể tạo điều kiện quản lý lượng lớn dữ liệu và kết nối nội bộ với các đối tác bên ngoài đơn vị. Một số thuật ngữ khác thường được sử dụng như “Nông nghiệp thông minh” và “Canh tác số hóa”, dựa trên sự ra đời của các thiết bị thông minh trong nông nghiệp. Các thiết bị thông minh bao gồm các cảm biến, các bộ điều tiết tự động, công nghệ có thể tính toán như bộ não và giao tiếp kỹ thuật số. Nông nghiệp 4.0 mở đường cho sự tiến hóa tiếp theo, bao gồm những hoạt động không cần có mặt con người trực tiếp và dựa vào hệ thống thiết bị có thể đưa ra những quyết định một cách tự động.

Theo tổng kết ở Mỹ đến nay các thành phần chủ yếu của nông nghiệp 4.0 thường được hiểu như sau:

1). Cảm biến kết nối vạn vật (IoT Sensors): Từ dinh dưỡng đất kết nối với máy chủ và các máy kết nối khác là thành phần chủ yếu của nông nghiệp hiện đại.

2). Công nghệ đèn LED đang trở thành tiến bộ không thể thiếu để canh tác trong nhà vì sự đáp ứng sinh trưởng và năng suất tối ưu.

3). Người máy (Robot) đang thay việc cho nông dân thường làm. Người máy cũng có cả các bộ phân tích nhờ các phần mềm trợ giúp phân tích và đưa ra xu hướng trong các trang trại.

4). Tế bào quang điện (Solar cells). Phần lớn các thiết bị trong trang trại được cấp điện mặt trời và các bộ pin điện mặt trời trở nên quan trọng.

5). Thiết bị bay không người lái (Drones) và các vệ tinh (satellites) được sử dụng để thu thập dữ liệu của các trang trại.

6). Canh tác trong nhà/hệ thống trồng cây – nuôi cá tích hợp/Thủy canh (khí canh): Hiện nhiều giải pháp đã được hoàn thiện.

7). Công nghệ tài chính phục vụ trang trại (Farm Fintech): Fintech nghĩa là kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ. Fintech được sử dụng chung cho tất cả các công ty tài chính sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư. Farm Fintech bao gồm dịch vụ cho vay, thanh toán, bảo hiểm.

Bên cạnh đó, nhiều sự kiện khác đang diễn ra như: Các sản phẩm vật chất được nâng cao giá trị gia tăng nhờ các dịch vụ với những thuật toán dùng để biến đổi dữ liệu thành thông tin gia tăng giá trị, tối ưu hóa sản phẩm, các quá trình nông học, giảm thiểu rủi ro và hạn chế những nguy hiểm do tác động của máy móc cơ giới hư hỏng, thời tiết hoặc dịch bệnh gây ra. Hay nông nghiệp sinh thái (tương tự mô hình VAC ở Việt Nam), với những hệ điều hành kết hợp được nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, từ các bộ cảm biến (có thể cảm nhận nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, dinh dưỡng đất để phát tín hiệu cho người sản xuất), thiết bị, từ nguồn dữ liệu thu thập từ đồng ruộng hay trang trại. Nông dân/chủ trang trại điều hành thông qua bảng điều khiển có thông tin thời gian thực và gần thực, và đưa ra các quyết định dựa trên các giả thiết định lượng để tăng hiệu quả tài chính.

Nội hàm của nông nghiệp 4.0

Nông nghiệp 4.0 bao hàm nghĩa rộng của cả trồng trọt, chăn nuôi (có thể hiểu rộng hơn sang cả thủy sản và lâm nghiệp) về nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất. Nông nghiệp hiện đại quan tâm đến độ bền vững và các giải pháp an toàn. Canh tác (Farming) là thực hiện những kỹ thuật như làm đất, gieo cấy, tỉa cành, luân canh, chăm sóc, thu hoạch, với mục tiêu đạt năng suất cao hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn, dựa vào tiến bộ công nghệ kỹ thuật số. Thuật ngữ Canh tác 4.0 (Farming 4.0) xuất hiện vào những năm 2010. Đó là các canh tác năng động và hiệu quả.

Theo khái niệm của Mạng lưới Chuyên đề Canh tác Thông minh Châu Âu, canh tác thông minh là ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại (ICT) vào nông nghiệp (Cách mạng Xanh lần thứ ba). Cuộc cách mạng này phối hợp ICT như các thiết bị chính xác, kết nối vạn vật (IoT), cảm biến, định vị toàn cầu, quản lý dữ liệu lớn (Big data), thiết bị bay không người lái (Drone), người máy (robot)…, tạo điều kiện cho nông dân tăng thêm giá trị dưới dạng đưa ra được những quyết định khai thác, quản lý hiệu quả hơn, đó là: 1). Hệ thống thông tin quản lý, đáp ứng nhu cầu thu thập, xử lý và lưu giữ, cung cấp dữ liệu cần thiết để thực hiện những chức năng của trang trại. 2). Nông nghiệp chính xác, thông qua các hệ thống có thể quản lý độ biến động theo không gian và thời gian để cải thiện hiệu quả kinh tế đầu tư và giảm thiểu tác hại của môi trường.

Nông nghiệp chính xác còn được hiểu là nền nông nghiệp có thể nuôi sống cả dân số thế giới dự báo 10 tỉ người vào năm 2050. Nông nghiệp chính xác, tức ngành nông nghiệp sử dụng cảm biến và các thuật toán thông minh để phân phối nước, phân bón và thuốc trừ sâu, đáp ứng cho cây khi cây thực sự cần, nhằm đảm bảo tính sinh lời, tính bền vững và bảo vệ môi trường. Nông dân có thể quyết định tưới tiêu khi thực sự cần thiết và tránh việc lạm dụng thuốc trừ sâu, họ sẽ có thể tiết kiệm được chi phí và nâng cao sản lượng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

“Hoàng hậu quả khô” khẳng định vị thế trên đất cà phê

Bên cạnh cây trồng chủ lực là cà phê, những năm gần đây, cây mắc ca đã từng bước khẳng định vị thế trên đất Krông Năng (Đắk Lắk), góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nhiều người dân địa phương.
Mắc ca được mệnh danh là “hoàng hậu quả khô” vì hàm lượng dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao mà nó mang lại. Loại cây này được đưa vào trồng rải rác ở một số khu vực tại huyện Krông Năng từ hàng chục năm trước. Có thời gian cách đây chừng 10 năm, người dân ồ ạt đưa vào trồng mắc ca khiến cây trồng này lên cơn “sốt”. Để nhanh chóng phát triển diện tích, nông dân đua nhau tìm cây giống về trồng bất chấp nguồn gốc, chủng loại và chất lượng giống, trong đó, chủ yếu là giống thực sinh. Do đó, một số hộ gặp thất bại vì kiểu làm ăn xổi, bởi cây mắc ca phát triển tốt nhưng không cho quả. Bên cạnh đó, nhiều vườn mắc ca cho năng suất cao, mang lại thu nhập cao cho người trồng. Những diện tích này được trồng bằng giống cây ghép, trồng ở khu vực có địa hình, thổ nhưỡng phù hợp và canh tác đúng kỹ thuật.

Vườn mắc ca của gia đình ông Đinh Minh Đại tại thôn Giang Minh, xã Ea Puk, huyện Krông Năng.

Một trong những người có kinh tế khá lên nhờ trồng mắc ca là ông Đinh Minh Đại, thôn Giang Minh, xã Ea Puk với vườn cây 2,6 ha trồng từ năm 2011 đến nay. Hiện, trong tổng số 800 cây mắc ca của gia đình ông, đã có 300 cây cho thu hoạch, năng suất đạt 15 kg hạt/cây. Bên cạnh thu hạt, vườn cây của ông còn cung cấp 4 dòng giống mắc ca ghép ra thị trường với số lượng 3.000 cây/năm, tổng thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ông Đại cho biết, cây mắc ca có thể trồng thuần hoặc xen trong cà phê, tiêu…, năng suất vẫn tương đương và không ảnh hưởng đến các loại cây khác, thu hoạch xong được doanh nghiệp thu mua tận nơi với giá gần 100.000 đồng/kg hạt tươi.
Nói về sản xuất mắc ca ở Krông Năng thì không thể không nhắc đến Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp mắc ca Tân Định (xã Đliê Ya). Đơn vị có 49 thành viên, canh tác hơn 350 ha mắc ca trồng từ năm 2008 đến nay, trong đó, một phần diện tích đã cho thu hoạch, tổng sản lượng hằng năm đạt 40 tấn và 4 sào cây đầu dòng sản xuất giống ghép. Bên cạnh bán thô, HTX đã nghiên cứu, chế tạo dây chuyền chế biến mắc ca với công suất 6 tấn/năm. Ông Đinh Công Định, Giám đốc HTX cho biết, sản phẩm của đơn vị sản xuất được bao nhiêu đều được tiêu thụ hết ở thị trường khắp cả nước với giá bình quân 240.000 đồng/kg. Bên cạnh bán hạt, HTX còn sản xuất tinh dầu, rượu và một số sản phẩm khác từ mắc ca nhằm tăng thêm giá trị kinh tế của loại cây này. Đặc biệt, sản phẩm của đơn vị đã được cấp quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu tập thể “Mắc ca Chiến Thắng”.

Mắc ca của Hợp tác xã nông nghiệp mắc ca Tân Định đạt năng suất 3,5 tấn/ha.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng, trên địa bàn huyện hiện có 302 ha mắc ca trồng thuần và trồng xen, tập trung nhiều nhất tại các xã Ea Puk (99 ha), Cư Klông (45,7 ha), Ea Tam (38 ha)… Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, đa phần diện tích mắc ca được trồng bằng giống cây ghép, hiện nhiều vườn cây đã cho thu hoạch với năng suất 3,5 tấn/ha. Những diện tích này tuy mới bước vào thời kỳ kinh doanh vài năm đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao và từng bước khẳng định vị thế trên đất Krông Năng. Thời gian tới, địa phương sẽ đánh giá toàn diện để xây dựng kế hoạch phát triển mắc ca, trong đó, chú trọng vào chất lượng cây giống và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này.

Theo báo Đắk Lắk , kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam