9X xứ Tuyên trồng dưa sạch ‘5 không’

 

Bỏ nhiều cơ hội làm việc tại các thành phố lớn, anh Vũ Văn Sơn (SN 1993) ở thôn Mường, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) trở về quê dấn thân vào nông nghiệp sau bao ngày tháng trăn trở.

Nói là làm, anh cùng với người bạn thân của mình là Nông Quốc Doanh cải tạo 1.000 m2 vườn tạp, xây dựng nhà lưới để sản xuất…

Đầu năm 2017, hai anh bắt tay vào trồng thử nghiệm giống dưa lưới, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên vừa làm, vừa nghiên cứu học hỏi. Vụ đầu cho năng suất thấp, chất lượng dưa nhạt phải cho lợn ăn.

Không hề nản chí, Sơn và Doanh quyết tâm làm lại từ đầu. Được sự ủng hộ vè vốn của gia đình, hai chàng trai tiếp tục đầu tư, đưa giống dưa Malaysia vào trồng và có kết quả tốt.

Vườn dưa lưới Malaysia của anh Sơn.

Sơn chia sẻ: Để cây đạt năng suất, chất lượng tốt nhất thì ngay những bước ban đầu phải làm cẩn thận, tỉ mỉ. Từ khâu làm đất, khi bắt đầu trồng dùng loại phân gà ủ hoai mục, phân hữu cơ từ cây ngô kết hợp một số chế phẩm sinh học khác.

Lên luống che chắn bằng màng phủ nông nghiệp, đục lỗ khoảng cách 40 – 50 cm. Đến giai đoạn ươm hạt, sử dụng xơ dừa và phân gà đã ủ hoai mục, ươm giống từ 10 – 15 ngày. Từ 25 – 30 ngày sau trồng, cây cho hoa cái, dùng ong mật để thụ phấn cho hoa. Khi cây đậu quả, từ nhánh thứ 7 – 12 chỉ để mỗi cây một quả, cây được 24 lá thì bấm ngọn, vừa dễ chăm sóc và các chất dinh dưỡng sẽ tập trung nuôi quả.

Đây là giống dưa tốt, phù hợp với khí hậu ở Hàm Yên ngày nắng nóng đêm mát, độ ẩm cao, chưa phát hiện sâu bệnh. Ngoài ra, để phòng ngừa, anh dùng chế phẩm sinh học và cho cách ly trong thời gian nhất định.

Dưa lưới được dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Anh Sơn cũng chia sẻ thêm, muốn quả thơm ngon cần tăng cường bón phân hữu cơ, tuân thủ theo nguyên tắc 4 “đúng”: đúng loại, đúng lượng, đúng thời điểm và bón đúng cách. Đồng thời, áp dụng nguyên tắc 5 “không”, đó là không sử dụng phân bón hóa học, không dùng giống biến đổi gen, không dùng chất kích thích sinh trưởng để phun, tưới, không dùng các loại thuốc diệt cỏ cũng như thuốc trừ sâu.

Sau 80 – 85 ngày dưa lưới cho thu hoạch, một quả có trọng lượng từ 1,8 – 2kg, mỗi vụ đạt từ 2,5 – 3 tấn. Nếu khéo trồng thì 1 năm sẽ được thu 3 vụ. Dưa được giao buôn tại các cửa hàng nông sản sạch tại Hà Nội với giá 40.000 – 45.000 đồng/kg, bán lẻ từ 65.000 – 70.000 đồng/kg. Từ việc trồng dưa và cam sau khi trừ chi phí còn lãi 300 – 400 triệu đồng/năm.

Để khách hàng biết đến sản phẩm của mình nhiều hơn, hai anh đã tiến hành làm thủ tục xác thực thông tin, nguồn gốc sản phẩm. Mỗi quả dưa và cam khi xuất bán, đều gắn tem truy xuất nguồn gốc giúp khách hàng kiểm tra được xuất xứ, ngày thu hái… Về chất lượng, sản phẩm đã được kiểm định bởi Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia và Viện Bảo vệ thực vật.

Về hướng đi sắp tới, Sơn chia sẻ sẽ tiếp tục sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung canh tác thêm mít và na Thái. Đầu tư mở rộng hệ thống nhà lưới. Thu hút nguồn vốn tín dụng ưu đãi và tìm kiếm những thị trường tiềm năng, ổn định.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Liên kết trồng dưa lưới, hiệu quả bền vững

Chỉ cần diện tích 1.000-2.000m2, mỗi nhà màng trồng dưa lưới có thể thu hoạch được 4 vụ/năm, doanh thu cả trăm triệu đồng/công/vụ. Nếu có hợp đồng liên kết đầu ra ổn định, canh tác dưa lưới sẽ nhanh thu hồi vốn, mang lại lợi nhuận lâu dài cho nông dân.

Từ thành công của chàng kỹ sư trẻ…

Ở huyện đầu nguồn An Phú, nhắc đến Nguyễn Văn Đệ (xã Vĩnh Lộc), những nông dân lớn tuổi còn phải nể phục bởi anh được xem là người đầu tiên thành công với dưa lưới, một loại cây trồng vốn mới mẻ với vùng đất đã “quen” với lúa, rau màu.

Là một kỹ sư nông học (tốt nghiệp năm 2006), anh Đệ đã bắt đầu với những công việc trái ngành trước khi “kết duyên” với cây dưa lưới từ năm 2014. Để khởi nghiệp tại quê nhà, anh đã đến nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. “Lần đầu trồng, thấy dưa bị nứt tôi cũng hơi lo lắng. Sau khi tìm hiểu, biết đây là giai đoạn nứt trái để tạo lưới nên mới yên tâm. Tôi cố gắng vừa canh tác, vừa rút kinh nghiệm để tìm ra quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng” – anh Đệ chia sẻ.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang kiểm tra chất lượng trái dưa lưới do anh Thảo trồng

Nhờ sản phẩm được tiêu thụ nhanh với giá cao, chỉ sau 2 năm canh tác, anh Đệ đã trả hết nợ ngân hàng (vay đầu tư nhà lưới) và bắt đầu có lời. Nhận thấy tiềm năng loại cây trồng này còn lớn nên anh nâng diện tích nhà lưới lên 2.500m2, trồng đa dạng các giống dưa xuất xứ từ Đài Loan và Thái Lan. Anh còn liên kết với nông dân cùng thực hiện quy trình canh tác an toàn và làm đầu mối thu gom sản phẩm của họ. Chàng kỹ sư trẻ đã xây dựng nhãn hiệu dưa “Mr.Đệ”, được ngành chức năng cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Đệ cho biết, với giá thu mua lại từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, đảm bảo nông dân có lời ít nhất 35 triệu đồng/vụ/1.000m2. Nếu mỗi năm canh tác được 4 vụ thì sau khoảng hơn 2 năm, nông dân đã lấy lại được vốn đầu tư nhà màng. “Sau khi liên kết ổn định với 6 nông dân ở An Giang và Cà Mau, phát triển 10.000m2 dưa lưới, tôi đang mở rộng liên kết sang Vĩnh Long, Kiên Giang, TP. Cần Thơ để dần nâng diện tích lên gấp đôi. Bên cạnh dưa lưới, tôi đang thử nghiệm quy trình trồng dưa hấu, cà chua tí hon, dưa lê theo hướng an toàn để chuyển giao cho nông dân, nhằm đa dạng sản phẩm, tăng hiệu quả canh tác” – anh Đệ nhấn mạnh.

…đến thắng lợi của những nông dân chịu thay đổi

Một trong những nông dân đang liên kết thành công với kỹ sư Nguyễn Văn Đệ là anh Dương Hiếu Thảo (ấp Mỹ Phó 3, xã Tân Hòa, Phú Tân). Được anh Đệ tận tình hướng dẫn quy trình canh tác an toàn, cam kết bao tiêu sản phẩm với giá 28.000 đồng/kg, anh Thảo cùng bạn của mình đã mạnh dạn đầu tư 350 triệu đồng xây dựng nhà màng 1.000m2, thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân hữu cơ tự động. Vụ đầu tiên, anh trồng 2.600 gốc dưa lưới trong những chậu nhựa, được nối hệ thống tưới nhỏ giọt vào tận gốc. “Khi dưa lưới được 7 ngày tuổi, cao từ 10-15cm thì tiến hành quấn đọt lên dây. Công việc này cần 2 người quấn liên tục trong 40 ngày. Khi cây được 2,5m thì ngắt đọt. Trồng trong nhà màng nên ít bị sâu bệnh, nhất là không có bọ trĩ, bọ phấn trắng. Trong chiếc bồn chứa 2.000 lít, mình hòa sẵn phân hữu cơ. Mỗi ngày, bật hệ thống tưới tự động trong 1-2 giờ là được” – anh Thảo chia sẻ.

Ngay vụ dưa đầu tiên, mỗi gốc đều cho ít nhất 1 trái, trọng lượng bình quân trên 2kg, đạt yêu cầu về độ đường, tiêu chuẩn thu mua. Với 2.600 gốc dưa, sau 85 ngày canh tác, anh Thảo thu hoạch được hơn 5 tấn trái, giao hết cho anh Đệ giá 28.000 đồng/kg. Tính ra, doanh thu khoảng 140 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí giống, dinh dưỡng hữu cơ, nhân công khoảng 50 triệu đồng, nhóm anh Thảo thu lời 90 triệu đồng. Nếu tiếp tục đà thắng lợi này, chỉ sau 1 năm với 4 vụ dưa, nhóm anh Thảo đã có thể lấy lại vốn đầu tư nhà màng và bắt đầu thu lợi nhuận không dưới 200 triệu đồng/công từ năm thứ 2.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đệ cho biết, với hệ thống nhà màng được lắp ráp bằng khung thép vững chắc thì 5 năm sau mới phải bảo trì. Trong thời gian này, người sản xuất đã thu được lợi nhuận khá nên hoàn toàn có thể tái đầu tư mở rộng, tăng diện tích liên kết.

“Dưa lưới là loại cây trồng cho năng suất cao, kỹ thuật sản xuất không khó, thời gian canh tác ngắn, giá trị thương phẩm tốt. Điều quan trọng là khi canh tác, cần có hợp đồng liên kết thu mua nhằm ổn định đầu ra, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, chất lượng” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư lưu ý.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Thận trọng khi đua nhau đầu tư trồng Dưa Lưới, tránh thiệt hại

Hai năm trở lại đây dưa lưới rất được thị trường Bình Phước ưa chuộng. Giá bán loại dưa này khá cao nên nhiều nông dân trong tỉnh đã đầu tư trồng. Tuy nhiên một số chuyên gia nông nông nghiệp khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi trồng nhằm tránh thiệt hại về sau.

Đồng vốn lớn, thu nhập tốt

Theo các chuyên gia nông nghiệp, một vụ dưa lưới từ lúc trồng đến khi thu hoạch 65 – 75 ngày, ước tính mỗi năm có thể trồng được 4 vụ. Trong đó, mùa khô trồng từ 2.500 – 2.700 cây/1.000m2; mùa mưa trồng từ 2.200 – 2.500 cây/1.000m2.

Ông Thọ chia sẻ kỹ thuật và chờ đợi một vụ dưa lưới có giá cao

Với thời gian và mật độ này, trọng lượng mỗi trái đạt từ 1,5 – 2kg, năng suất trên 3 tấn trái/1.000m2. Với giá bán hiện tại từ 30 – 35 ngàn đồng/kg, nông dân sẽ nhanh chóng lấy lại vốn đầu tư ban đầu. Từ thực tế đó, nhiều nông dân Bình Phước đã đầu tư trồng dưa lưới và bắt đầu có lời.

Thấy dưa lưới đem lại hiệu quả kinh tế nên đầu năm 2016, anh Lê Anh Đức ở ấp 5, xã Tân Quan, huyện Hớn Quản mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng trên diện tích 600m2. Sau gần 3 tháng, vườn dưa cho thu hoạch hơn 2 tấn, thu 65 triệu đồng, lợi nhuận gần 40 triệu đồng. Thấy hiệu quả, anh Đức và anh trai tiếp tục mở rộng thêm 3.000m2 để trồng.

Theo anh Đức, nếu “vốn yếu” thì dừng nghĩ đến chuyện đầu tư trồng dưa lưới. Nhưng nếu đầu tư đủ vốn, áp dụng đúng kỹ thuật sản xuất, dưa lưới sẽ cho nông dân thu nhập cao hơn rau màu và các cây ăn trái khác.

Theo kinh nghiệm thực tiễn của các nhà vườn, để có vườn dưa lưới đạt năng suất cao, cho thu nhập ổn định thì nông dân phải bỏ ra số tiền rất lớn, từ 300 – 500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng cho 1.000m2 và sự tỷ mẩn trong sản xuất.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Hữu Thọ ở xã Thanh Phú, thị xã Bình Long cho biết: “Để trồng 6 sào dưa lưới gia đình tôi đã đầu tư gần 2 tỷ đồng làm hệ thống nhà màng, tưới nước tự động và giống. Tiền vốn ban đầu cao nhưng kỹ thuật chăm sóc lại quyết định việc thành – bại của quá trình đầu tư”.

Ông Thọ đã thu lời được 2 vụ dưa. Vụ này vườn cây đang trổ bong kết trái, ông và gia đình lại đón đợi một mùa bội thu.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Phước cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 8ha dưa lưới trồng trên giá thể và trên đất. Việc đầu tư trồng dưa lưới bước đầu rất khả quan, thị trường tiêu thụ tốt, mang lại thu nhập cho người trồng.

Cần thận trọng

Đại diện Công ty TNHH Nông sinh Khang Nguyên đến đầu tư vườn dưa lưới tại thị xã Đồng Xoài, ông Phạm Song Quyền, cán bộ phụ trách kỹ thuật chia sẻ: “Thị trường có nhiều thông tin thiếu chính xác về việc xuất khẩu dưa lưới khiến nhiều người đầu tư trồng ồ ạt. Đây là nguy cơ dẫn đến cung vượt cầu trong tương lai. Do đó, nếu chúng ta không kiểm soát tốt việc mở rộng diện tích và nếu giá thị trường giảm sâu thì người nông dân sẽ gánh chịu thiệt hại trước tiên”.

Các chuyên gia khuyến cáo nông dân phải tìm hiểu kỹ thuật và chủ động đầu ra cho dưa lưới

Dưa lưới mới du nhập vào Việt Nam vài năm nay nên một số nông dân chưa nắm vững kỹ thuật, đặc tính của cây. Mặt khác, một số hộ còn làm theo phong trào, dẫn đến gây khó khăn cho sản xuất và mua bán. Ông Quyền cho rằng, để có thị trường dưa lưới ổn định cần sự liên kết của “4 nhà” gồm nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà nông. Đồng thời, để tăng hiệu quả trên cùng diện tích đất thì người nông dân nên kết hợp trồng loại cây khác như rau, dưa leo…

Cũng theo bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, hiện tại Trung tâm Khuyến nông Bình Phước đang xây dựng các mô hình điểm để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đồng thời kết nối doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Song trên thực tế dưa lưới đòi hỏi kỹ thuật cao, đồng vốn lớn, người nông dân cần cân nhắc kỹ khi đầu tư để làm chủ đầu ra cho sản phẩm của chính mình.

Bà Tuyết khuyến cáo, nông dân muốn đầu tư trồng dưa lưới nên liên hệ với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để được hỗ trợ tốt nhất về mặt kỹ thuật.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng dưa lưới đón Tết

Nông dân (ND) huyện đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang đang rất phấn khởi ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất nông nghiệp (SXNN). Đặc biệt, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, ND tăng cường đầu tư SX rau màu sạch, trong đó có sản phẩm độc đáo là trồng dưa lưới theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.
Thăm mô hình nhà lưới rộng 1.000m2 tại thị trấn An Phú, mới cảm nhận hết hiệu qủa mô hình SXNN ƯDCNC ở An Phú. Mỗi cây được trồng trong 1 bịch giá thể (có trọng lượng khoảng 3kg, gồm xơ dừa trộn với phân trùn quế) đặt trong luống đã được lót bạt nhựa cách ly với nền đất để tránh mầm bệnh xâm nhập. Nhà lưới ở đây trồng từ năm 2014 với chu kỳ sản xuất “2 năm, 7 vụ”.
Vụ thu hoạch vừa qua, Công ty Cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao An Phú (doanh nghiệp đầu tư) thu hoạch dưa lưới giống Bảo Khuê (Đài Loan) cho năng suất khá cao, với sản lượng 3,5 tấn/1.000m2, bán với giá 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, công ty còn lãi từ 30-50 triệu đồng/1.000m2/vụ. Hiện, nhà lưới đang xuống giống vụ dưa mới với số lượng 2.272 cây khoảng 20 ngày tuổi, đang phát triển tốt.

Khi dưa lưới đủ 25 lá thì tiến hành bấm ngọn để phát triển tốt

Huyện An Phú hiện có 3 nhà màng trồng dưa lưới và dưa lê. Dưa được trồng trong nhà lưới không sử dụng thuốc hóa học và áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt công nghệ Israel giúp cho trái dưa phát triển tự nhiên nên rất an toàn cho người sử dụng. Ngoài trồng dưa lưới giống Bảo Khuê (Đài Loan) 1.000m2 nhà lưới ở thị trấn An Phú, nhà lưới 300m2 ở xã Vĩnh Lộc đang được vệ sinh sạch sẽ để chuẩn bị trồng giống dưa lưới DH1 (Thái Lan).
ThS Nguyễn Văn Đệ cho biết: Trồng dưa lưới CNC áp dụng kỹ thuật mới nên phải theo dõi chặt chẽ quá trình sinh trưởng, phát triển hàng ngày. Khi dây dưa được 25 lá thì tiến hành bấm ngọn; mỗi dây treo chỉ để từ 1-4 trái, tỉa trái sẽ nâng chất lượng trái loại 1. Lượng nước tưới và dinh dưỡng cho trái tùy quá trình phát triển của cây, sau đó giảm lượng nước đến khi thu hoạch thì cắt nước hoàn toàn.

ThS Nguyễn Văn Đệ kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của dưa lưới

Dưa lưới trồng trong nhà lưới chủ yếu gặp một số sâu hại như: bọ phấn trắng, bọ trĩ… nên chỉ sử dụng biện pháp sinh học để xử lý như dùng bọ xít, bọ rùa khống chế. Nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly. Mỗi vụ dưa lưới từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 80 ngày tuổi, trọng lượng từ 1,5-2,5kg/trái, năng suất khoảng 3,5 tấn/1,000m2. Được chăm sóc đúng kỹ thuật nên dưa rất đồng đều, màu thịt đẹp, giòn và ngọt, bảo quản được lâu.
“Hiện, diện tích nhà lưới trên địa bàn huyện còn ít (do chi phí đầu tư mỗi nhà lưới gần 400 triệu đồng/1.000m2) nên sản lượng dưa không đủ cung ứng cho thị trường. Không chỉ trong tỉnh, mà ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng đặt mua. Nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua dưa lưới làm quà biếu tăng lên gấp nhiều lần nên sản lượng bao nhiêu cũng tiêu thụ hết” – ThS Đệ cho biết.

Theo báo An Giang, kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Phương pháp trồng dưa lưới trong thùng xốp, thích hợp cho nhà có không gian nhỏ.

Cây dưa lưới thuộc họ bầu bí (tên tiếng Anh là Muskmelon hoặc Cantaloupe, tên khoa học là Cucumis melo L.) là một trong những loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao.
Dưa lưới là loại trái cây có chứa nhiều chất dinh dưỡng, rất ngon và được rất nhiều người yêu thích. Tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch là lúc thời tiết thích hợp để bắt đầu trồng dưa lưới. Dưa lưới thuộc nhóm dưa lê thơm, có thời gian sinh trưởng và phát triển nhanh thường có thời gian từ khi gieo trồng đến thu hoạch 85 – 90 ngày.

Đất trồng.

Đất pha cát hoặc đất phù sa, nếu không có 2 loại trên thì có thể lấy xỉ than, ngâm nước trong vòng 1 ngày 1 đêm. Cứ khoảng vài tiếng,thay nước một lần rồi sau vớt ra để ráo rồi đập vụn, trộn với đất và trấu (trấu hun hoặc trấu tươi). Bạn trộn theo tỉ lệ 40% đất, 40% xỉ than, và 30% trấu. Đất trồng là đất phù sa, có bón lót một ít lân.

Thùng xốp.

Những vỏ chai nước suối nằm dưới đáy thùng đậy lắp kín và đục lỗ sẽ có nhiệm vụ chứa nước để cây hút nước suốt cả ngày trong nhũng hôm trời nắng nóng 37-40 độ, giúp cây không bị héo rũ vì nắng. Ba chai nước suối đục lỗ đưa cổ chai ra ngoài thành thùng xốp, cách đáy 10cm và mở nắp. Ba chai này có nhiệm vụ thông khí và thoát nước khi tưới quá nhiều nước và những hôm trời mưa to.

Cách làm này khiến lỗ thoát nước to. Hơn nữa, bụng chai nước suối rất to, khiến cho không khí vào ra dễ dàng – nhờ đó cung cấp khí Oxy dồi dào cho rễ và thải CO2 ra ngoài dễ dàng.

Gieo hạt.

Hạt dưa lấy về rửa sạch, bóc bỏ hết lớp màng nhớt bên ngoài. Sau đó, ngâm hạt vào nước vài tiếng, rồi ủ khăn ẩm để kích hạt nhanh nảy mầm. Khi hạt bắt đầu nứt nanh thì đem ươm vào hốc. Sau khoảng 10 ngày, khi cây lên được 2-3 lá thì trồng ra thùng xốp đã chuẩn bị trước.

Chăm sóc.

Khi cây được 2 lá thật thì bắt đầu bón phân đạm. Cứ 1/2 chén đạm (bé bằng chén trà) thì pha 7-8 lít nước rồi tưới cách ngày cho cây nhanh lớn, ra lá nhiều.

Khi cây đã bắt đầu trổ nhiều lá và ra nụ non (cao khoảng 25-30cm) thì pha nửa chén trà mạn gồm lân, đạm và kali theo tỉ lệ 3:1:2, pha với 8-10 lít nước rồi tưới cách ngày cho dưa. Dưa sẽ đủ dưỡng chất để thúc ra hoa, đậu quả. Khi quả non bắt đầu nhú thì tăng lượng phân lên 2/3 chén để tưới cây.

Nếu không có ong, bướm thì bạn phải tự thụ phấn cho cây. Bạn nên thụ phấn cho cây vào buổi sáng, tầm 7-8 giờ. Sau khi thụ phấn, bạn cần buộc túi để để phòng ong châm, hỏng quá trình thụ phấn.

Khi cây đã đậu quả thì bắt đầu ngắt hết những nhánh phụ của cây. Thông thường, một cây dưa chỉ để 25 lá để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

Nguồn: Eva.vn, Biên soạn lại bởi Farmtech Viet Nam.

Vài nét về dưa lưới

Dưa lưới là gì?

Cây dưa lưới thuộc họ bầu bí (tên tiếng Anh là Muskmelon hoặc Cantaloupe; tên khoa học là Cucumis melo L.) là một trong những loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao.

Được biết tới là loại thực phẩm rất có lợi cho sức khỏe con người, dưa lưới có nguồn chứa chất chống ôxy hóa dạng polyphenol giúp phòng chống bệnh ung thư và tăng cường hoạt động miễn dịch.

Dưa lưới chứa nhiều chất xơ nên có tác dụng nhuận trường, chống táo bón. Đây còn là nguồn phong phú β-carotene, acid folic, kali và vitamin C, A.

Dưa lưới 

Dưa lưới chủ yếu được trồng trong nhà màng kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ bán thủy canh, cho năng suất cao. Hiện nay có nhiều giống dưa lưới khác nhau trên thị trường, có nguồn gốc xuất xứ từ Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản…

Tùy các loại giống khác nhau, trái có hình tròn hoặc hình bầu dục, thời gian sinh trưởng 65 – 90 ngày, trong điều kiện nhà màng có thể trồng được  3 – 4 vụ/năm.

Với giá trị kinh tế tương đối cao so với các cây trồng khác, doanh thu 1ha dưa lưới có thể đạt 3 – 3,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 25% – 30%.

Sản xuất dưa lưới công nghệ cao

Hiện nay, cây dưa lưới được trồng chủ yếu trong nhà màng, được trồng nhiều ở TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang…;ngoài ra cũng có thể trồng dưa lưới ngoài đồng ruộng.

Dưa lưới ở đây được trồng trong các nhà màng, kiểu nhà trồng cây công nghệ Israel, mỗi nhà tứ bề có lưới ngăn côn trùng, mái thưa bằng vải nhựa chuyên dùng có khả năng che mưa, gió. Cây dưa được trồng trong các giá thể (bầu) lớn, và được lót bạt cao su nên cây không trực tiếp tiếp đất.

Dưa lưới nhà màng

Dưa lưới được trồng bằng hệ thống tưới nước nhỏ dọt, nước được dẫn qua hệ thống ống từ máy tưới đến tận gốc dưa theo đúng mức độ yêu cầu, phân bổ số lần tưới trong ngày theo tuổi cây, theo điều kiện thời tiết. Việc bón phân gồm các chủng loại phân, liều dùng, được pha vào hệ thống nước, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, các nguyên tố vi lượng cho cây phát triển tốt nhất.

Dưa lưới sạch được chăm sóc cẩn thận

Vậy nên, tuy mới xuất hiện không lâu nhưng dưa lưới được rất nhiều người tin dùng vì chất lượng ăn rất ngon và giá trị dinh dưỡng cao, hơn nữa dưa lưới yêu cầu kỹ thuật canh tác khá cao nên hiện tại đang được trồng và quản lý theo tiêu chuẩn VietGap và Gapglobal vì vậy hoàn toàn đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Giá trị dinh dưỡng

Theo các nhà nghiên cứu Pháp, dùng nước ép dưa lưới mỗi ngày có thể giúp chúng ta chống lại mệt mỏi và stress một cách có hiệu quả. Được lớp vỏ dày bảo vệ nên trái luôn mọng nước (88%), hàm lượng potassium (300 mg/100g) đáng kể nên dưa lưới có tính năng thanh lọc, lợi niệu, chất xơ (1g/100g) giúp nhuận trường.

Theo kết quả phân tích định lượng các chất khoáng và vitamin thì cứ 100g dưa lưới có chứa: Acid Folic (21 μg), Nianci (0.734 mg), beta-carotene (2020 μg), Magiê (12 mg), sắt (0,21 mg), canxi (9mg), Vitamin C (36,7 mg), vitamin A (169 μg), năng lượng (34 kcal)
Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo nên ăn nhiều dưa lưới vì chúng được xem là một trong những loại thực phẩm có khả năng đánh bại căn bệnh ung thư ruột và những khối u ác tính.

Một lưu ý nhỏ: người bệnh cảm sốt hoặc mới chớm khỏi bệnh, phụ nữ vừa sinh con trong tháng, tạng hàn thì không nên dùng dưa lưới.

Cách chọn dưa lưới chất lượng

Chọn trái nặng tay, là dấu hiệu dưa ngọt. Cuống bị rụng mất hay nứt ra là dưa vừa mới chín tới. Dưa lưới là loại trái vẫn tiếp tục chín sau khi hái nên sau khi hái từ vườn về, bạn nên để 1 đến 2 ngày cho cuống dưa héo đi mới bổ ra ăn. Bạn sẽ cảm nhận được rõ nét nhất vị ngọt và thơm của giống dưa này.

Dưa lưới có thịt ngon

Trái dưa lưới được trồng bằng công nghệ nhà màng thông thường để được thời gian tương đối dài, từ 7 đến 10 ngày, trong môi trường tự nhiên mà không lo hư hỏng.

Nguồn fruitvietnam.com được tổng hợp lại bởi Farmtech Viet Nam.