Tiết kiệm nước tưới cây cà phê vào mùa khô

Để đáp ứng yêu cầu canh tác bền vững, việc tạo lập hệ cây che bóng tầng cao hợp lý trong các vườn cà phê là điều cần thiết.
Cây che bóng giúp giảm nhiệt độ đất và không khí trong vườn, hạn chế sự bốc thoát hơi nước từ vườn cây, do đó có thể kéo dài chu kỳ tưới nước cho cà phê trong mùa khô, giảm chi phí tưới, tiết kiệm được lượng nước tưới và bảo vệ được nguồn tài nguyên nước đang cạn kiệt ở Tây Nguyên. Hệ cây che bóng còn điều hòa được tiểu khí hậu vườn cây, điều tiết sự ra hoa, đậu quả, giảm được bệnh khô cành; cải thiện độ phì đất nhờ lượng cành lá trả lại cho đất mặt hàng năm, bảo vệ đất mặt tránh tác hại của mưa lớn, sự thiêu đốt chất hữu cơ do ánh sáng mặt trời; tăng khả năng giữ nước, giữ phân cho đất.
Cây che bóng giúp kéo dài quá trình chín của quả, tăng độ acid và hàm lượng succrose trong hạt, những yếu tố quan trọng để hình thành các hợp chất thơm, giúp cải thiện phẩm chất của cà phê. Nhiều nghiên cứu của Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên trong thời gian dài cho thấy mật độ cây bóng phù hợp sẽ ít gây ảnh hưởng đến năng suất cà phê, ngoài ra còn giúp tính ổn định năng suất qua các năm thu hoạch, hạn chế hiện tượng ra quả cách năm.
Vườn cà phê kinh doanh được chăm sóc, tưới nước, bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật, kết hợp rong tỉa cây che bóng hợp lý thì có thể dễ dàng đạt năng suất trên 3,5 tấn nhân/ha.
Loại cây che bóng và mật độ thích hợp trong vườn cà phê với vùng Tây Nguyên là keo dậu: 70 cây/ha (12 x 12m) và muồng đen: 34 cây/ha (24 x 12 m).
Ngoài ra, các loại cây dài ngày có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ, hồ tiêu vv… có thể đưa vào trồng xen trong vườn cà phê để, vừa làm nhiệm vụ che bóng cho cà phê, vừa cho thêm sản phẩm phụ, tăng thu nhập cho nông hộ.
Sầu riêng có tán lá thưa, có thể trồng với mật độ 70 cây/ha (12x12m). Bơ trồng với mật độ 50 cây/ha (12 x18m).


Hồ tiêu xen canh trong vườn cà phê nên trồng trên cây trụ sống là keo dậu hay muồng đen. Các cây này vừa là cây che bóng cho cà phê vừa là trụ cho tiêu leo bám. Trồng tiêu trên trụ sống trong vườn cà phê với mật độ từ 140-220 trụ/ha (12 x 6m hoặc 15 x 3m). Các giống tiêu thích hợp cho trồng xen cà phê là tiêu Vĩnh Linh, tiêu Lộc Ninh hoặc tiêu Sẻ.
Việc đa dạng hoá cây trồng trong vườn cà phê bằng cách trồng xen một số cây công nghiệp hay cây ăn quả có giá trị như đã nêu trên sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn. Tiền thu được từ sản phẩm cà phê trong các vườn trồng xen tuy có thấp hơn các vườn cà phê trồng thuần do năng suất bị giảm ít nhiều dưới tác động của cây trồng xen, tuy vậy, tổng giá trị sản phẩm và lợi nhuận trên vườn cây vẫn tăng lên đáng kể.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phòng trừ một số bệnh hại cây cà phê

Cà phê là một  cây công nghiệp chủ lực của nước ta, vào thời điểm thời tiết nóng ẩm dễ phát sinh nhiều loại sâu bệnh gây hại. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, nếu phòng trị bệnh theo các phương pháp sau, nông dân sẽ hạn chế và diệt được nhiều loại sâu bệnh hại cây cà phê.

Bệnh rệp sáp

– Rệp sáp cái trưởng thành hình bầu dục, không cánh, dài 4mm, thân phủ lớp sáp trắng. Rệp đực dài khoảng 3mm, có cánh, không có sáp trắng. Rệp sáp sống tập trung thành từng đàn, gây hại quanh năm. Chúng gây hại nhiều bộ phận của cây cà phê như kẽ lá, chồi non, cuống của chùm hoa, chùm quả, gốc cây. Trên chùm hoa và quả, rệp hút nhựa làm cuống hoa, quả khô rụng. Mùa khô, rệp bò xuống gốc cây, chích hút nhựa ở rễ và gốc làm cây phát triển kém, còi cọc, lá vàng chết từ từ.

– Để phòng trừ bệnh rệp sáp nên tỉa cành tạo sự thông thoáng cho vườn cây. Đồng thời, cắt bỏ những cành bệnh nặng, sát đất đem đi tiêu hủy tránh bệnh lây lan và phát sinh. Dọn sạch cỏ, rác xung quanh gốc cà phê để kiến khỏi trú ngụ mang mầm bệnh đi những cây khác. Vào mùa khô tưới nước đầy đủ cho cây, những chỗ bị rệp nhiều nên cho vòi nước phun thẳng vào, rửa trôi bớt rệp, tạo độ ẩm trên cây giảm mật số rệp.

– Thường xuyên thăm vườn kịp thời phát hiện bệnh rệp sáp. Nếu rệp xuất hiện dù mật độ ít cũng phải diệt trừ ngay, vì rệp sinh sản rất nhanh.

– Khi thấy rệp sáp trên lá, quả phun thuốc kỹ để thuốc thấm qua lớp sáp, mới diệt được rệp. Phun thuốc 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 7-10 ngày để diệt tiếp lứa rệp non còn sót lại. Có thể dùng nước rửa chén pha 15-20 ml/bình 8 lít phun ướt đều nơi rệp sáp bám rồi ngày sau mới phun thuốc đặc trị sẽ hiệu quả hơn. Các loại thuốc có thể dùng diệt rép sáp: Fipronil (Supergen 800 WG); Thiamethoxam (Fortaras 25 WG); Phenthoate (Elsan 50EC)…

– Nếu thấy rệp sáp xuất hiện ở gốc thì tưới ẩm gốc trước 1 ngày, sau đó rải thuốc hạt Basudin 10G ở gốc rễ.

 Bệnh rỉ sắt

– Bệnh này thường gây hại trên lá. Khi lá bị bệnh sẽ vàng và rụng hàng loạt, sau đó cành khô, cây sinh trưởng kém, năng suất giảm. Bệnh rỉ sắt do nấm Hemileia vastatrix gây ra. Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa và những vườn có nhiều cây che bóng.

– Cách phòng trừ bệnh hiệu quả nhất là tỉa cành cho cây thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ vườn cà phê, thu gom cành bệnh, rác trong vườn đem đi tiêu hủy để diệt mầm bệnh. Ngoài ra, cân đối bón phân đầy đủ cho cây để cây phát triển tốt tăng khả năng kháng bệnh.

– Khi phát hiện bệnh phải tiến hành phun xịt thuốc ngay để trị bệnh. Khi phun thuốc nên phun ướt đều cả hai mặt lá, nếu bệnh nặng phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày.

– Nhóm thuốc trị bệnh rỉ sắt thích hợp nhất là Carbendazim (Arin 25 SC); Bennomyl (Binhnomyl 50WP, Plant 50 WP); Bromuconazole (Vectra 100 SC, 200 EC)…

Bệnh nấm hồng

– Bệnh chủ yếu gây hại nơi phân cành giáp với thân. Nơi bị bệnh có một lớp bột màu hồng nhạt, rất mịn, đó là các bào tử nấm bệnh. Vết bệnh lớn dần chạy dọc theo cành và sau đó lan dần hết cả cành. Khi vết bệnh đã cũ thì chuyển sang màu trắng xám. Lá trên các cành bị nhiễm bệnh bị úa vàng, tiếp đến lá và quả sẽ bị rụng. Nếu bị bệnh nặng cành sẽ chết khô.

– Bệnh này thường xuất hiện trong các vườn rậm rạp, thời tiết nóng, ẩm độ cao.

– Cách phòng trừ: Dọn sạch cỏ dại trong vườn, tỉa cành tạo sự thông thoáng cho cây. Bón cân đối phân NPK và tăng cường bón phân hữu cơ ủ hoai mục.

– Khi bệnh mới phát sinh nên dùng các nhóm thuốc đặc trị như: Trichoderma spp (Fulhumaxin 6.15 SC); Carbendazim (Arin 25 SC), Eugenol ( Genol 0.3 DD, 1.2 DD)…

Bệnh khô cành, khô quả (bệnh thán thư)

– Bệnh khô cành, khô quả do nấm Colletotrichum coffeanum hoặc C.gloeosporioides gây ra.

– Khi bệnh mới xuất hiện trên lá thường là những vết đốm tròn màu nâu, sau lan rộng chuyển màu nâu xám. Các vết bệnh liên kết với nhau thành mảng khô trên phiến lá hoặc dọc theo mép lá. Nếu nấm bệnh xuất hiện trên quả sẽ tạo những đốm nâu lõm, sau đó quả khô đen và rụng. Bệnh trên cành sẽ tạo ra các vết nâu lõm làm vỏ biến màu nâu đen rồi khô dần. Trường hợp bệnh nặng, nấm xâm nhập ra cả thân làm rụng lá, cành trơ trụi, khô đen.

– Bệnh thường phát sinh gây hại từ giai đoạn cà phê ra hoa đến khi quả già và trong thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều. Bệnh thường phát triển nhanh, nặng ở các vườn cà phê chăm sóc kém và thiếu phân bón.

– Phòng trừ bệnh bằng cách bón phân đầy đủ và cân đối N, P, K. Cắt tỉa những cành lá bị bệnh nặng đem đi tiêu hủy.

– Các nhóm thuốc trị bệnh hiệu quả Ningnanmycin (Niclosat 2SL, 4SL, 8SL); Trichoderma spp. (Fulhumaxin 6.15 SC); Carbendazim (Arin 25 SC)…

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Bao trái cho cây ăn trái

Thực hiện kĩ thuật bao trái khi trồng cây ăn trái giúp trái cây cũng không bị côn trùng, sâu (sâu đục cuống, bọ xít, ruồi đục quả, bệnh thán thư, đốm nâu…) cắn, chính và làm vỏ trái cây màu sắc đậm, nhạt đẹp theo ý muốn, không có các vết rám do sâu bệnh hoặc bị sém nắng, không làm thay đổi chất lượng trái. Bao trái cũng làm giảm quả rụng do bị sâu bệnh gây, giảm số lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng.

Nên bao trái sau 30-40 ngày sau đậu trái đối với chôm chôm, cam quýt. Sau 45 ngày sau đậu trái đối với nhãn, xoài, sầu riêng.

Trước khi bao trái cắt tỉa những dé hoa còn sót không đậu quả, cắt bỏ các cành tăm, lá vô hiệu và những quả nhỏ đối với các giống trái chùm và phun thuốc trừ sâu bệnh 1 lượt để diệt hết trứng, sâu non và nấm bệnh có sẵn trên mặt trái.

Dùng bao to bao nguyên chùm: chuối, nho, nhãn, vải, chôm chôm, cam quýt, xoài chùm… Dùng bao nhỏ có kích thước phù hợp bao từng trái: xoài cát Hoà Lộc, bưởi, lê, ổi…

Dùng giấy có màu khác nhau để bao trái sẽ thu được những trái chín có màu đậm nhạt khác nhau.

Nếu bao bằng túi nilon màu trắng trong, màu sắc tự nhiên của quả không thay đổi giống như khi không bao trái. Bên trong nilong có thể lót giấy báo để bao trái làm cho trái khi chín sẽ có vỏ màu sáng.

Cách bao trái

Lồng bao bên ngoài trái hoặc chùm trái theo chiều từ dưới lên, buộc miệng túi phía trên bằng dây mềm. Đầu dưới túi để hở tự nhiên (túi thủng 2 đầu) hoặc đục lỗ (nếu dùng túi hở 1 đầu) để thoát nước, tản nhiệt.

Một số loại bao chuyên dụng được sản xuất có sẵn dây cột miệng túi.

Đối với ổi

Dùng bao nylon có kích thước 15 x 20 cm, đục mỗi bao 10 – 15 lỗ nhỏ, trong đó có một số lỗ ở đáy bao để thoát nước đọng khi mưa hoặc tưới. Khi ổi ra trái được 15 – 20 ngày (trái cỡ 2 cm), phun xịt một đợt thuốc trừ sâu, chờ 3-5 ngày sau thì bao trái.

Cách bao trái ổi

Đối với bưởi

Khi thu hoạch bưởi thường có trọng lượng từ 0,7 – 4 kg.

Khi quả bưởi lớn tới kích cỡ 2 – 3cm, dùng túi nilon có đường kính 20 – 40cm, dài 30 – 60cm để bao trái.

Dùng giấy sẫm màu lót bên trong nilon thì khi chín, bưởi sẽ cho trái màu vàng nhạt rất đẹp.

Cách bao quả bưởi

Đối với xoài

Nếu trái thu hoạch có trọng lượng 200 – 300g thì dùng túi kích cỡ 10 – 15cm x 20 – 30cm

Nếu trái thu hoạch có trọng lượng 0,5 – 1,5kg thì dùng túi kích cỡ 15 – 20cm x 50 – 60cm

Khi quả xoài đạt kích cỡ 2cm, dùng túi nilon để bao trái.

Có thể dùng giấy craft (loại giấy bao xi măng) lót thêm lớp giấy đen ở phía trong để bao loại xoài vỏ vàng.

Dùng giấy trắng bao các giống xoài có vỏ màu đỏ khi chín.

Bao buồng chuối

Khi các hoa chuối vừa nở hết, cắt phần hoa không có khả năng đậu quả sau, để vài ngày cho khô nhựa.

Cách bao buồng chuối

Tùy số nải có trong buồng chuối, mỗi nải chuối cần khoảng 20cm chiều dài túi, dùng túi nilon dài 1,8 – 2,5 m để bao trái.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Trồng đu đủ cho ra nhiều quả

Cây đu đủ là  một loại cây ăn quả trồng khá phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, để trồng cây đu đủ luôn cho nhiều quả thì phải luôn nghiêng một góc 45 độ so với mặt vườn trong suốt quá trình sinh trưởng, dễ thu hoạch và quản lý sâu bệnh hại, ít bị đổ gãy khi gặp mưa bão.

Đu đủ

Năng suất thu hoạch thường cao hơn 50 – 60% so với phương pháp trồng cây đứng truyền thống.

1. Chọn đất

Chọn chân ruộng đất thịt trung bình, thịt nặng, tưới tiêu thuận lợi. Đặc biệt phải tiêu thoát nhanh khi có mưa úng, kể cả úng cục bộ.

2. Giống

Nên chọn giống đủ đủ hồng phi hoặc trạng nguyên. Đây là các giống đu đủ lai F1, năng suất, chất lượng cao, tỷ lệ cây cho đạt 100%. Tuy nhiên, nếu các nhà nông không thể tiếp cận được với nguồn hạt giống đu đủ lai F1, thì vẫn có thể chọn các giống đủ đủ thuần tại địa phương để trồng (lựa những quả đu đủ chín, ra lứa đầu trên cây sai quả, chất lượng ngon, bổ lấy hạt, rửa sạch nhớt, phơi dưới nắng nhẹ cho khô kiệt. Bảo quản trong chai, lọ đến thời vụ thì đem gieo).

3. Kỹ thuật gieo ươm cây giống

Ngâm ủ hạt giống

Ngâm hạt trong nước ấm 3 sôi 2 lạnh trong 5 giờ, rồi tiến hành ủ hạt trong bao vải cotton ẩm 4 – 5 ngày. Khi hạt nứt nanh nảy mầm đều thì mang gieo. Riêng với hạt giống đu đủ thuần (nông dân tự để giống) thì khi ngâm nước, phải loại bỏ hết hạt nổi, lọc lấy các hạt chìm trong nước, đem ủ và gieo ươm.

Làm bầu gieo cây giống

Dùng túi nilon kích thước 8 x 5cm (có đục lỗ thoát nước). Lấy đất phù sa hoặc thịt nhẹ, làm nhỏ kỹ, trộn đều với phân chuồng hoai mục, tỷ lệ 3:1. Đóng đầy hỗn hợp đất – phân vào túi. Ấn nhẹ hạt vào giữa túi bầu. Mỗi bầu gieo một hạt. Phủ ít đất mịn lên trên. Xếp các bầu cây vào khay. Để ở nơi thoáng mát, không mưa nắng và tưới giữ ẩm cho cây hàng ngày. Nếu sản xuất cây giống quy mô lớn, cần phải làm nhà có mái lưới che.

Khi cây có 2 – 4 lá thật thì 2 ngày tưới 1 lần và điều chỉnh giàn che để cây con có đủ ánh sáng thì cây con mới mọc thẳng, sinh trưởng tốt. Thường xuyên nhổ bỏ cỏ dại và phòng trừ sâu bệnh hại cho bầu cây giống.

Khi cây có 4 – 5 lá thật, cao 10 – 15cm có thể đưa ra ruộng trồng. Đu đủ Đài Loan cho năng suất cao và chất lượng quả rất tốt. Nhưng nếu là giống lai thì hạt ở quả không dùng làm giống cho vụ sau được.

4. Trồng và chăm sóc

Thời vụ trồng

Vụ xuân trồng từ tháng 3 – 4. Vụ thu trồng tháng 9 – 10.

Mật độ trồng

Cây cách cây = 1,5 x 1,5m (120 cây/sào).

Hố trồng

Dài, rộng, sâu = 40 x 40 x 35cm.

Hướng trồng

Đông – Tây. Mục đích để cây đu đủ tận dụng được ánh sáng mặt trời, tăng khả năng quang hợp, tăng năng suất, chất lượng quả và tăng khả năng chống đổ (trên các chân ruộng bậc thang miền núi hướng trồng đu đủ cần theo hướng đường đồng mức).

Cách trồng

Dùng dao sắc rạch nhẹ gỡ bỏ vỏ nilon (không làm vỡ bầu). Đặt cho bầu và cây giống nằm ngang trên mặt đất xuôi theo hướng Đông – Tây. Vun đất quanh bầu. Nén chặt gốc và tưới đủ ẩm cho cây. Trồng xong dùng que cắm để nâng ngọn cây cho ngóc lên, sao cho thân gốc đu đủ luôn nghiêng một góc 45º so với mặt luống từ khi trồng cho đến suốt quá trình sinh trưởng của cây.

Bón phân

Bón lót trước trồng mỗi hốc 0,5kg vôi bột + 5-7kg phân hữu cơ hoai mục + 0,5kg super lân + 0,2kg kali clorua.

Bón thúc (với cây 1 tháng tuổi): Định kỳ bón 7 ngày/lần, lượng bón 50gr NPK Đầu trâu 16-12-8-11+TE/gốc.

Cây 1-3 tháng tuổi: 15-20 ngày/bón 1 lần, lượng bón: 70-100gr NPK Đầu trâu 16-12-8-11+TE/gốc.

Cây 3-7 tháng tuổi: Mỗi tháng bón thúc 1 lần, lượng bón 100-150gr NPK Đầu trâu 12-12-17-9+TE kết hợp vét đất ở rãnh vun lên gốc.

Cách bón

Hòa tan phân trong nước lã, tưới cách xa gốc 20-30cm. Để đu đủ tăng trưởng nhanh, có thể phun thêm phân bón lá 3-4 tuần/lần.

Đu đủ sau trồng 2,5 tháng đã ra hoa, đậu quả, nhưng khi cây mang quả nặng cần cắm cọc chống đổ cây. Cắt bỏ lá già gần gốc. Khơi rãnh thoát nước. Nhổ bỏ cỏ dại. Cần hạn chế xới xáo để tránh làm tổn thương bộ rễ cây. Để hạn chế cỏ dại phát triển cần tủ gốc bằng rơm rạ, đồng thời còn có tác dụng giữ ẩm và chống rửa trôi dinh dưỡng.

Phòng trừ sâu bệnh

Trong quá trình sinh trưởng, đu đủ thường bị một số sâu hại như rệp sáp, bọ nhảy, nhện đỏ. Khi mật độ sâu cao, có thể phun Decis 2,5 ND (nồng độ 0,1%), Trebon (1%) để diệt trừ. Để phòng bệnh virus xoăn ngọn cần áp dụng biện pháp phòng ngừa tổng hợp như: Sử dụng giống kháng bệnh. Bón cân đối NPK. Không nên trồng 2 vụ đu đủ liên tiếp trên cùng chân ruộng. Luân canh triệt để với cây trồng nước.

Với các bệnh đốm vàng, phấn trắng, thán thư… Phòng trừ sớm khi bệnh mới phát sinh, sử dụng các thuốc Daconil, Topsin hay Zineb, Mancozeb để phun.

5. Thu hoạch

Đu đủ sau trồng 7 tháng đã có thể thu quả làm rau xanh, 9 tháng cho thu quả chín ăn tươi. Nếu thu quả để ăn tươi, nên thu khi trên quả xuất hiện các vết đốm hoặc sọc vàng nhạt (chín sinh lý), sau thu vài ngày quả sẽ chín hoàn toàn, chất lượng sẽ ngon nhất. Nếu thu sớm hơn (quả chưa chín sinh lý) quả ăn sẽ nhạt, giảm giá trị thương mại.

Chăm sóc đúng cách sẽ cho ra những quả đu đủ chất lượng ngon nhất

Với cách trồng này vườn đu đủ sẽ cho thu hoạch quanh năm, năng suất trung bình có thể đạt 70 – 120kg/cây/năm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Rệp sáp hại đu đủ

Triệu chứng

Lá cây bị xoăn, đọt non chùn lại, trái lấm tấm chảy nhựa rồi gây sẹo trên vỏ quả; cây sinh trưởng phát triển kém.

Khi bị nặng, có nhiều nấm bồ hóng bám ngoài thân cây phần buồng và suốt khoảng 1m phía dưới; quả rắn, lá dưới biến vàng và rụng làm mất khả năng quang hợp; nhìn xa cả buồng quả bị phủ một lớp sáp trắng.

Rệp sáp hại đu đủ

Đặc điểm gây hại

Cơ thể thành trùng rất nhỏ hình oval, màu vàng, một phần được phủ một lớp sáp trắng. Ấu trùng vàng nhạt. Cả quần thể rệp được che phủ một lớp sáp màu trắng, dầy. Khả năng phát tán lây lan sang các cây bên cạnh rất mạnh. Ấu trùng, thành trùng đều chích hút rồi bài tiết chất làm phát sinh nấm bồ hóng khiến đu đủ suy dinh dưỡng mất khả năng quang hợp.

Biện pháp khắc phục

Ngắt tất cả các loại quả bị nặng trên buồng, bẻ sát cuống các tàu lá đã biến vàng và dọn sạch những cây hoang dại tập trung đốt tiêu hủy.

Dùng thuốc Marshal 200SC và thuốc bám dính HPC. Pha 1 gói Marshal 200SC loại 20 ml và 1 gói bám dính HPC loại 20 ml với 12 lít nước rồi phun đẫm đều cho tất cả các bộ phận của cây đu đủ, phun vào chiều mát không mưa. Phun làm 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 2 – 3 ngày.

Chú ý phun cả cho những cây khác thuộc phạm vi trong vườn cùng với đu đủ.

Tưới dưỡng nước ngày 2 lần cho cây vào chiều tối và sáng sớm trong 3 ngày liên tục. Tưới phân chuyên dùng phân Đầu trâu NPK 13.13.13 + TE lượng 100 gr/gốc bằng cách hòa tưới 2 lần, 7 ngày/lần.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Thụ phấn cho cây dừa sáp

Dừa sáp (hay dừa đặc ruột) khi bổ đôi quả dừa bên trong lớp cơm dừa đặc quánh giống như sáp, có độ dầu cao, mùi hương đặc trưng. Trong điều kiện trồng chung với loại dừa không đặc ruột, tỷ lệ đặc ruột chỉ chiếm 20% – 25% trong một quầy dừa.

Dừa sáp

Sau một thời gian nghiên cứu, Trung tâm Thực nghiệm Đồng Gò (Bến Tre) kết hợp với Sở Khoa học Công nghệ Trà Vinh đã thử nghiệm thành công cách thụ phấn trợ lực cho cây dừa sáp làm tăng tỷ lệ sáp trên buồng dừa.

Kỹ sư Ngô Thanh Trung chịu trách nhiệm thụ phấn cây dừa sáp cho biết: Chương trình đi thụ phấn bắt đầu ngày 26/6/2007 cho đến nay, số dừa sáp được thụ phấn tại xã Hoà An (Cầu Kè, Trà Vinh) chia làm ba loại: loại thụ phấn đủ 4 bông – loại thụ phấn 3 bông – loại thụ phấn 2 bông. Trước hết, phải điều tra cây dừa sáp, đánh dấu từng cây, phân loại cây, tuổi cây.

Công việc thụ phấn chỉ áp dụng vào buổi sáng. Cây dừa sáp thụ phấn chéo hoàn toàn, nên chuyên viên lấy phấn đực trên mo dừa đã bung. Phấn đực lấy xuống cà cho bể nát, đem phơi riêng từng bông trong thùng kín, không cho phấn lạ xâm nhập, có nhiệt kế để đo sức nóng từ 37-40º, phấn khô chuyển sang màu mỡ gà, dùng rây mịn để lấy phấn. Trích một ít để thí nghiệm, phấn mạnh giữ lại để phun, những phấn đực yếu bỏ nguyên bông.

Phấn mạnh trộn chung với dung dịch bột tan để xịt trên hoa cái mới nở, thời gian 6 – 8 ngày. Hoa cái thụ tinh thì đít sau của trái dừa sáp đậu, chuyển qua màu nâu. Thời gian sau 10 – 11 tháng buồng dừa sáp đem lại kết quả. Theo ông Lê Văn Bé, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Trà Vinh thì cây dừa sáp phần nhiều trồng ở xã Hoà Tân, Hoà An và Thị Trấn Cầu Kè có tổng số 7874 cây trong đó có 1087 cây cho trái trên tổng diện tích 39 ha.

Việc đem khoa học thụ phấn trợ lực cây dừa sáp giúp bà con hướng đến tương lai tươi sáng cho việc thu nhập dừa. Được biết, hiện nay huyện Cầu Kè chuẩn bị thành lập CLB dừa sáp nhằm tiếp thị quảng bá giống dừa quý hiếm này.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Bí quyết trồng đu đủ đạt hiệu quả cao

Đu đủ là một trong những loại cây ăn trái vừa ngon vừa giàu dinh dưỡng nên thị trường lúc nào cũng tiêu thụ mạnh. Do đó, cây đu đủ ngày càng được trồng phổ biến trên cả nước.

Trồng đu đủ hiệu quả cao

Tuy nhiên không phải ai cũng trồng đạt hiệu quả cao vì đây là một loài cây tương đối khó tính.

Đu đủ tuy dễ trồng, công chăm sóc nhẹ hơn trồng rau màu, vốn đầu tư nhẹ, mau ăn, nhưng muốn đạt năng suất và chất lượng cao, người trồng trước hết phải biết chọn giống, chọn đất và chú ý về khâu kỹ thuật trong suốt quá trình từ lúc gieo hạt cho đến khi cây trưởng thành.

Bí quyết làm cho cây đu đủ tăng trưởng nhanh và sạch bệnh là khâu xử lý đất. Đầu tiên là phải xới đất cho xốp, lên liếp hoặc đắp mô. Kế đến là bón lót vôi, lân, ka li cộng thêm với phân chuồng hoai trước khi đặt cây trồng. Đu đủ ưa đất nạc, cao ráo và ánh nắng. Ánh nắng rất quan trọng đối với cây đu đủ, nếu thiếu ánh sáng cây sẽ chậm phát triển, dễ bị bệnh, trái không sai và không to.

Để cây phát triển tốt, chọn hạt giống đem về ngâm, ủ, cho đến khi hạt nẩy mầm mới gieo vào các bầu đất. Khi cây được 4, 5 lá, cao 15 – 20cm thì bắt đầu trồng xuống đất.

Thông thường một cây đu đủ trồng đạt yêu cầu có thể cho trái từ tháng thứ bảy và trái kéo dài liên tục từ 7 tháng đến 1 năm sau mới chấm dứt. Trồng đúng kỹ thuật là giữ cho cây trồng tuyệt đối không bị úng nước và ngã đổ. Muốn vậy, nhà vườn phải theo dõi đường thoát nước, dùng cây chống đỡ gió bão một cách an toàn và thường xuyên cắt bỏ những trái không đạt chất lượng. Có như thế trái mới to và năng suất cao.

Mỗi khi hái trái xong dùng giấy báo gói lại từng trái rồi cho vào thùng xốp. Khi trái bắt đầu thưa, mỗi tuần hái hai lần hoặc một lần.

Ưu điểm của cây đu đủ là mau ăn, giá cả ổn định vì ngoài đu đủ chín, thị trường đu đủ xanh hiện nay cũng tiêu thụ mạnh.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Thâm canh nhãn theo quy trình vietGAP

1. Thời vụ trồng

Đồng bằng sông Hồng: Trồng tháng 2 – 4 và tháng 8 – 10.

Trung du miền núi phía Bắc: Trồng tháng 4 – 6.

2. Chọn giống

Nên trồng giống nhãn T6 – giống có cùi quả dày, thơm, ngọt, bóc ráo tay, ăn có dư vị, sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao.

Ngoài ra, ở Hưng Yên đang duy trì được hơn 30 cây nhãn đầu dòng có chất lượng tương đương, nhà vườn có thể liên hệ để có cây giống nhân ra từ số nhãn đầu dòng này.

Nhãn lồng

3. Kỹ thuật trồng

Do bộ rễ nhãn hút dinh dưỡng thông qua hệ nấm háo khí hoạt động ở vùng rễ. Nên cần vun đất hình nấm cao (thoáng khí) để trồng cây con.

Nấm đất cao 30 – 40cm, rộng 50 – 60cm. Trồng 12 cây/sào Bắc bộ. Khoảng cách 6 x 5m/cây.

Cây giống ở vườn ươm đưa ra ruộng trồng cần xếp nơi thoáng mát 1 – 2 ngày. Chờ cho các đầu rễ cây thâm lại mới tiến hành trồng, tránh bị thồi rễ, ảnh hưởng đến sinh trưởng.

Phân lót/cây: 15 – 20kg phân chuồng hoai + 0,3 kg NPK Đầu trâu 13-13-13+TE (không để rễ cây tiếp xúc trực tiếp với phân lót khi trồng).

4. Chăm sóc nhãn thời kỳ cây con

Bón phân khi cây bén rễ hồi xanh: 0,2kg đạm urê + chế phẩm siêu lân pha loãng tưới gốc/12 cây.

Cây ra lộc dài 5 – 10cm, phun bón lá Atonik (kích cành lộc vươn dài, lóng to, lá dày).

Lá lộc chuyển màu bánh tẻ, tiếp tục tưới thúc đạm urê. Cây ra lộc dài 5 – 10cm, phun Atonik. Lặp lại chu kỳ tưới đạm, phun Atonik như trên trong 2 năm liên tiếp. Cây nhãn sẽ ra được 13 – 15 lứa lộc. Bọ tán có thể vươn rộng tới 3m, sang năm thứ 3 mỗi cây đã có thể cho khai thác 20 – 25kg quả.

Chú ý:

– Tăng dần lượng bón đạm urê từ 0,2kg/sào lên 0,5kg/sào vào cuối năm thứ 2.

– Ngoài tưới đạm urê, cần bón thêm 0,5kg bột đậu tương + 0,3kg lân supe/gốc/năm (rắc đều lân supe, bột đậu tương cách gốc 15 – 30cm tới mép hình chiếu tán cây, dùng màng nilon phủ kín phân, và phải đợi bột đậu tương lên mốc xanh mới cuốn dọn màng nilon, rồi vùi sâu phân trong đất).

– Phun Atonik kết hợp thuốc phòng trừ sâu bệnh.

– Sau mỗi lần cành lộc chuyển màu bánh tẻ, cần cắt tỉa, tạo tán để cây phát triển cân đối dạng hình nấm. Và khống chế đỉnh tán cây cao không quá 3m, thuận tiện chăm sóc và thu hoạch.

– Đất vườn khô chỉ tưới đủ ẩm, không được tưới bão hòa đất. Định kỳ vét đất vun gốc tạo rãnh luống thoát nước trong vườn.

5. Điều khiển cây ra hoa đậu quả

Với cây nhãn thâm canh cao thì từ tuổi thứ 2 trở đi đã có thể khai thác quả. Cách làm:

– Từ trung tuần tháng 9 (âm lịch): Dừng tưới nước, bón phân cho cây.

– Vào ngày Đông chí hàng năm, tiến hành khoanh vỏ cành kích cho cây phân hóa mầm hoa (nếu trước đó 10 – 15 ngày đã có cây đã nhú lộc, phải khoanh vỏ ngay, không cần đợi tới ngày Đông chí).

– Khoanh thân cây hoặc cành cây có đường kính 8 – 10cm.

– Vị trí khoanh: cách gốc cành 15 – 20cm.

– Dụng cụ khoanh: Cưa sắt.

– Cách khoanh: Tiện 1 vòng tròn khép kín (quanh thân/cành cây) làm đứt lớp vỏ bì, tượng tầng, chạm tới tầng sinh gỗ.

Sau khoanh vỏ xúc tiến bón gốc ngay. Lượng phân/gốc: 1kg bột đậu tương + 2-3kg phân hữu cơ vi sinh + 0,5 kg lân supe.

6. Chăm bón thời kỳ cây mang quả

Cây phân hóa mầm hoa đến quả non đạt đường kính 1cm, định kỳ 7 ngày/lần phun dưỡng quả bằng bón lá SWEED-RONG BIỂN 95%.

Khi hạt quả chuyển màu đen, bón nuôi quả/ 1 gốc: 0,5kg kali clorua + 1,5kg bột đậu tương + chế phẩm siêu lân.

Trước thu quả 20 ngày, tùy theo lượng quả lấy đi trên cây để định lượng phân bón cho cây. Nếu cây cho khai thác 70 – 100kg quả, lượng bón gốc là 1,5 – 2kg bột đậu tương + 3-4kg phân hữu cơ vi sinh + 0,7-1kg lân supe (lần bón này chủ yếu để nuôi lộc thu).

7. Phòng trừ sâu bệnh

Cắt tỉa nhãn thường xuyên, tạo sự thông thoáng cho vườn để giảm thiểu sâu bệnh hại.

– Phòng trừ sương mai, rệp muội, bọ xít và một số dịch hại khác bằng Ridomil (0,2%) + Sherpa (0,2%). Phun các thời điểm: Cây nhú lộc; lá bánh tẻ; giò hoa mới nhú; trước nở hoa 7 ngày và sau tắt hoa, đậu quả.

– Trừ bệnh thối rễ và lở cổ rễ khi cây nhãn có biểu hiện suy yếu, lá vàng rụng, rễ mủn, rễ thối đen: Xới xáo vùng gốc, vét rãnh sâu để khơi thông dòng chảy, hạ thấp mực nước ngầm vườn nhãn, kết hợp tưới gốc bằng Bassa 50EC + Ridomil 5G.

– Suốt giai đoạn nhãn mang quả tuyệt đối không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Khống chế bệnh hại, làm sáng vỏ quả bằng chế phẩm Nano bạc. Phun định kỳ 15 ngày/lần. Lượng phun 60ml pha/ bình 16 -18 lít nước sạch. Có thể kết hợp bón lá SWEED-RONG BIỂN 95%.

8. Chăm sóc vườn sau thu hoạch

Để năm sau cây nhãn tiếp tục ra hoa đậu quả, thì trong mùa thu năm trước cây nhãn phải có 2 lần ra lộc. Nên ngay khi cây kết thúc thu quả phải bón đạm urê ngay (vườn khô thì hòa nước tưới, vườn ẩm rắc vùi phân dưới lớp đất 5 – 10cm. Lượng đạm bón/cây đối với cây trên 5 tuổi 0,5 – 0,6kg.

Sau đó tiến hành cắt tỉa cành khô, cành gầm, cành vượt, cành sâu bệnh và cành mọc quá dày trong tán. Thu gom tiêu hủy tàn dư thực vật trong vườn. Quét vôi thân gốc. Tìm diệt sâu đục thân, đục cành qua lỗ mùn đùn trên thân (cành).

Khi cây ra lộc dài khoảng 10cm, phun Atonik kích dài cành lộc. Cành lộc chuyển màu bánh tẻ tiếp tục bón đạm urê, rồi phun Atonik khi lộc dài 10. Như vậy vườn nhãn đã ra 2 lần lộc thu.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng dừa nước

I. Kỹ thuật tạo cây con

1. Vườn ươm

– Vườn ươm phải gần nơi trồng rừng và thuận lợi cho việc vận chuyển cây con.

– Vườn ươm bố trí và lựa chọn cẩn thận ở nơi ngập triều trung bình trong năm, tốt nhất ở nơi ngập triều trung bình từ 20 – 25cm, độ mặn nước biển từ 5 – 15‰, ít chịu tác động của sóng biển, có bờ ao xung quanh để bảo vệ.

– Vườn phải đặt xa nơi nguồn bệnh và tách rời xa khu canh tác nông nghiệp, nơi chăn thả gia súc, tránh nơi thuỷ triều rút quá nhanh, nơi hay bị phù sa bồi lắng.

2. Giống

a. Kỹ thuật thu hái

– Nguồn giống được thu, hái trong rừng ngập mặn nơi có dừa nước phân bố tự nhiên. Mùa quả chín từ tháng 8 – 10.

Trái dừa nước

– Thu lượm trụ mầm chín trên mặt nước, khi thuỷ triều đưa ra biển rồi dạt vào những bờ biển thoai thoải hoặc chặt các buồng quả già. Buồng quả già khi chín có màu nâu thẫm.

Một số thông số cơ bản:

– Khi chín quả dài 10 – 12 cm, đường kính quả từ 5 – 6,0 cm.

– Số lượng quả trên một buồng quả: 38 – 63 cũng có khi 50 – 120 (Bến Tre).

– Tỷ lệ nảy mầm 85 – 90%.

b. Phân loại, bảo quản

– Quả sau khi thu hái về phải tiến hành phân loại. Loại bỏ những quả còn non, những quả bị sâu bệnh. Những quả từ buồng quả dùng tay tách rời quả.

Cây dừa nước khi được trồng đúng kỹ thuật

– Khi không cấy kịp vào bầu cần bảo quản bằng cách ngâm trong nước lợ hoặc để nơi râm mát hàng ngày tưới nước, thời gian không để quá 1 tháng.

3. Tạo bầu

a. Vỏ bầu

– Loại vỏ bầu PE mầu trắng đục hay đen. Bảo đảm độ bền cao để khi đóng bầu, chịu được ngâm trong nước biển hoặc quá trình chăm sóc vận chuyển cây con đi trồng rừng không bị hư hỏng.

– Sử dụng túi bầu có đáy, kích thứơc D = 15cm, H = 20cm, đục các lỗ nhỏ có D = 0,5cm xung quanh để thoát nước.

b. Thành phần hỗn hợp ruột bầu

– Sử dụng loại đất cát pha ngập thuỷ triều hàng ngày để đóng bầu (đất được lấy ở tầng mặt có độ sâu 0 – 20cm, pH = 6,0 – 6,5; nơi có độ mặn nước biển 5 – 15%o, cát 1 – 2%, sét 63 – 74%, limon 35 – 36%).

c. Xếp bầu trên luống và kỹ thuật đảo bầu

– Trang mặt luống cho phẳng, cày bừa, nhặt sạch cỏ. Kích thước luống đặt bầu (1,2m x 1,2m) hai luống cách nhau 50 cm, có rãnh thoát nước khi thủy triều rút.

– Xếp bầu theo hàng, cứ hai hàng để cách một hàng, lấp đất xung quanh luống để giữ bầu.

– Từ tháng thứ hai cứ 2 tháng đảo bầu một lần, bằng cách dịch chuyển bầu để tránh rễ cắm sâu vào đất. Tiến hành đảo bầu kết hợp với phân loại cây vào thời gian thuỷ triều rút.

d. Cấy cây

– Cấy quả: cắm 1/3 chiều dài quả trực tiếp vào bầu đất nghiêng một góc 45º với mặt bùn.

– Mỗi bầu chỉ cấy 1 quả.

– Cấy quả vào ngày râm mát, tránh ngày mưa bão.

e. Chăm sóc phòng trừ sâu bệnh

– Sau khi cấy quả vào bầu 5 – 7 ngày hạt nảy mầm cây con còn yếu nên điều tiết nước ngập 3 – 4 giờ/ngày.

– Hàng ngày gỡ bỏ rong, rêu, vật cản bám vào trụ mầm.

– Sau khi cấy quả thường bị một số loài giáp xác, thân mềm, chân bụng, cua còng, ốc biển, hà sun,… tấn công trụ mầm. Vì vậy, thường xuyên theo dõi bắt bỏ các loài động vật này đề phòng cắn nát trụ mầm.

f. Cấy dặm

Sau khi cấy vào bầu 10 – 15 ngày, quả nảy mầm tới 50%, sau 30 ngày quả nảy mầm hoàn toàn, tỷ lệ nảy mầm đạt tới 85%. Sau thời gian này quả nào không ra lá cần tiến hành cấy dặm ngay.

g. Tiêu chuẩn cây con xuất vườn

– Tuổi cây: 6 – 7 tháng tuổi
– Chiều cao trung bình của lá: 47 – 50 cm

– Số lá trên cây: 4 – 5 lá
– Cây không bị nhiễm bệnh.

– Cây không bị cụt ngọn.

II. Trồng rừng

1. Khu vực trồng rừng

– Đất trồng rừng dừa nước là đất nhiều sét 68 – 73%, phù sa 25 – 30%, cát 1 – 2%, trên các bãi bồi ngập mặn ven biển, có mức độ ngập triều trung bình và thấp.

– Độ mặn nước biển thích hợp nơi trồng rừng từ 5 – 15%o. Nếu độ mặn vượt quá 20%o cây bị chết.
– Trên dạng đất sét rắn chắc, đi không lún mà chỉ ngập nước khi thuỷ triều cao bất thường hay đất nhiều cát, mặt đất có nhiều cỏ chịu mặn trồng rừng cây sinh trưởng và phát triển rất kém.

2. Phương thức trồng rừng

– Trồng thuần loài, bố trí theo hình vuông hay nanh sấu.
– Trồng hỗn giao theo hàng với một số loài cây như bần chua tuỳ theo điều kiện lập địa từng vùng.
– Cũng có thể trồng hỗn giao theo đám với bần chua.

3. Mật độ trồng rừng

– Mật độ trồng rừng 625 cây/ha.
– Cự ly trồng 4,0m x 4,0m.

4. Thời vụ và kỹ thuật trồng rừng

– Trồng rừng trực tiếp bằng quả bằng cách đặt quả nghiêng một góc 45º với mặt bùn. Đầu trên (đầu dính vào trục của cuống buồng quả) nhô lên khỏi mặt nước 0,5cm, phần còn lại của quả chìm trong bùn.

– Trồng bằng cây con có bầu vào tháng 3 – 4, bóc vỏ bầu trước khi trồng. Không làm đứt rễ để tránh xâm nhập mặn.

– Kỹ thuật trồng: Trồng cây khi thuỷ triều rút. Dùng dây nilon thắt nút chia thành các đoạn 4m, kéo thẳng hàng để trồng đúng khoảng cách. Biện pháp dễ làm nhất là dùng một đoạn tre bương hoặc luồng dài 4m. Lắp răng dài 10cm với khoảng cách 4m x 4m (giống như một cào cỏ). Một người cầm cào này kéo theo một đường thẳng trên mặt bùn. Sau đó lại dùng cào kéo theo chiều vuông góc tạo thành những ô vuông thẳng hàng ngang dọc.
Ở những nơi đất cao, cứng chỉ ngập triều cao, có thể dùng cuốc để cuốc hố 50cm x 50cm. Cho vào hố một lớp bùn dày 25 – 30cm, trồng cây trong lớp bùn này.

5. Chăm sóc bảo vệ rừng

Thời gian chăm sóc 3 năm.

Sau khi trồng rừng từ 3 – 6 tháng, cần vớt bỏ rong, rêu, tảo bám trên thân, lá nếu có tạo điều kiện cho cây con quang hợp tốt.

Bắt cua, còng, ốc ăn lá cây. Khi phát hiện sâu non dùng tay bắt giết, hoặc rung cây cho sâu rơi để giết.

Bảo vệ các loài thiên địch như chim ăn sâu, một số loài côn trùng có lợi như bọ ngựa, các loài ong ký sinh trên trứng và sâu non của sâu hại cây ngập mặn.

Chọn và sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc phòng trừ sâu hại như các chế phẩm Beauverine (B.B), Bacilline (B.T), Virut, Metarrhizium,…

Chỉ sử dụng biện pháp phun thuốc hoá chất trong trường hợp sâu hại xuất hiện lan tràn với mật độ cao, có nguy cơ bùng nổ thành dịch. Nên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc thực vật, chóng phân giải, ít độc hại với người và gia súc như các loại thuốc có gốc Perythroide,…

Ngăn ngừa trâu, bò gia súc phá hoại.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Bí quyết bảo vệ dừa xiêm khi trồng

Trước kia dừa xiêm được xem là cây trồng phụ, chỉ trồng xen trong những vườn dừa ta hoặc cây ăn trái để làm nước giải khát khi khách đến nhà. Tuy nhiên , ngày nay dừa xiêm lại trở thành cây có giá trị kinh tế cao mà lại ít vốn đầu tư, mau cho trái, và đặc biệt là ít tốn công chăm sóc, bón phân, phun thuốc như những cây ăn trái khác. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ dừa xiêm ngày càng cao, có lẽ vì nước dừa là loại giải khát thiên nhiên vừa ngon, bổ mà lại rất tinh khiết và phát triển thích hợp với vùng đất Bến Tre. Vì thế hiện nay nông dân đang có khuynh hướng mở rộng diện tích trồng dừa xiêm.

Dừa xiêm

Môi trường sống và kỹ thuật canh tác tác động mạnh mẽ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây dừa xiêm. Để đạt sản lượng cao và ổn định, cần lưu ý một số điều khi trồng:

– Tuyển chọn giống: chọn những trái trong vườn trồng thuần dừa xiêm (không trồng xen với các loại giống khác), vì dừa dễ bị lai tạp. Nên ưu tiên chọn các trái giữa buồng rồi đến trái cuối buồng, nên bỏ những trái ở đầu buồng vì về sau cây sẽ cho những buồng có cổ bông dài, dễ bị gãy cổ.

– Trong vườn ươm, chọn cây con có nhiều lá, cuống lá ngắn, rộng và phiến lá rộng thường là những cây cho sản lượng cao.

– Rễ thường phát triển ở phạm vi bán kính 2m, do đó khi trồng xen các cây khác nên cách gốc dừa ít nhất 2m.

– Bẹ lá là một giá đỡ để bảo vệ buồng trái, vì thế không nên vô cớ đốn tỉa các tàu lá non sẽ làm giảm sức tăng trưởng của cây. Đối với những cây dừa đang cho trái, nếu tàu lá bị mất đi trước khi hoa tự nở sẽ làm cho hoa tự ở nách lá đó bị hư, hoặc nếu buồng trái phát triển sau này dễ bị gãy cổ.

– Rễ chính có thể sống được lâu nhưng rễ phụ có đời sống ngắn, dễ bị chết khi gặp khô hạn hay bị ngập úng, do đó nên chú ý tưới nước đầy đủ trong giai đoạn cây con và mương vườn cần có hệ thống thoát nước tốt.

– Thường xuyên xới xáo vườn dừa vào đầu mùa mưa để cắt bỏ phần rễ chết, tạo sự thoáng khí cho đất cho rễ mới mọc ra là một việc làm cần thiết trong quá trình chăm sóc dừa.

– Làm sạch cỏ tranh vì thân ngầm của nó khi gặp điều kiện ẩm sẽ tái sinh trưởng và có thể đâm thủng qua các rễ dừa, các chất độc do cỏ tiết ra có thể làm chết rễ dừa.

– Hàng năm nên vét mương, bồi bùn vừa cung cấp thêm đất cho bộ rễ vừa cung cấp thêm dưỡng chất cho cây và vừa tạo điều kiện cho vườn dừa thoát nước dễ dàng, tránh ngập úng. Tuy nhiên, không nên bồi bùn quá dày vì có thể làm ngộp và nóng rễ cây gây hiện tượng rụng trái non, cũng không nên chỉ bồi phủ chung quanh gốc dừa vì rễ non sẽ không hút được chất dinh dưỡng đồng thời còn làm bộ rễ có khuynh hướng ăn trồi lên trên (mau trồi gốc).

– Mỗi năm cây dừa sản xuất ra một khối lượng vật chất thực vật rất lớn (rễ, thân, lá, hoa, trái), vì thế nhu cầu dinh dưỡng đối với cây dừa là rất lớn và rất cần thiết. Cho nên việc bón phân hợp lý là một biện pháp kỹ thuật tích cực và quan trọng để thâm canh vườn dừa cao sản. Điều cần lưu ý là nếu để cây dừa thiếu hụt dinh dưỡng trong một thời gian dài rồi mới bù đắp cho nó thì không thể nào phục hồi được năng suất như mong muốn.

– Trên dừa xiêm cần chú ý hai đối tượng quan trọng là sâu đuông và bọ cánh cứng hại dừa (dừa xiêm rất mẫn cảm đối với các côn trùng này).

+ Đuông dừa: Đuông là côn trùng gây hại nguy hiểm nhất, bởi vì rất khó phát hiện khi nó bắt đầu tấn công, đến khi phát hiện thì đỉnh sinh trưởng đã bị phá huỷ. Đuông trưởng thành đẻ trứng trên thân dừa bị thương tích và trên những vết nứt của thân. Phá hại chủ yếu giai đoạn sâu non. Ấu trùng khoét những lổ nhỏ trên thân hoặc trên ngọn cây.

Đuông dừa

Khi ấu trùng bắt đầu tấn công và ăn đọt dừa, những lá non bắt đầu héo và ngã xuống, báo hiệu cây dừa sắp chết. Biện pháp phòng ngừa sự phá hại của kiến vương cũng là phòng ngừa sâu đuông, vì sâu đuông là côn trùng xâm nhập thứ cấp (đẻ trứng trên vết đục của kiến vương). Thường xuyên kiểm tra và chăm sóc vườn dừa để kịp thời phát hiện sâu đuông, dùng bông gòn tẩm các loại thuốc hóa học như Basudin 50ND, Pyrinex 20 EC, Actara 25WG,…nhét vào các lổ xâm nhập của sâu đuông sau đó dùng đất sét trám bít lổ lại.

+ Bọ cánh cứng hại dừa (Bọ dừa): Phá hại ở cả giai đoạn sâu non và trưởng thành. Bọ dừa tấn công bề mặt của lá non chưa mở. Chúng ăn lớp biểu bì làm lá bị héo khô, mất khả năng quang hợp. Hiện nay, việc thả ong ký sinh để diệt bọ cánh cứng hại dừa là biện pháp sinh học được ứng dụng phổ biến, đạt hiệu quả cao, ít tốn kém và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường.

Bọ dừa

Mặc dù dừa xiêm là loại cây dễ trồng, song để có sản lượng cao luôn đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của nhà vườn.

Theo baovecaytrong.com được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.