Khánh Hòa: Tan hoang trại gà sau bão con Voi

Hầu hết các trại gà trong tỉnh đều thiệt hại nặng do cơn bão số 12. Hiện nay, bên cạnh nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa trại gà hoạt động trở lại, các chủ trại đều mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn.

Thiệt hại nặng nề

Khu vực trại gà thôn Đồng Bé (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), có 5 chủ nuôi gà với hàng chục dãy chuồng trại lợp bằng mái tôn đều bị bão cuốn phăng, xếp thành dãy dài, bẹp dúm. Phờ phạc sau nhiều đêm mất ngủ và nỗi buồn vì phút chốc gia sản tiền tỷ tan theo mây khói, ông chủ trại gà Phạm Hữu Nghĩa mếu máo: “Nhà sập, toàn bộ 4 dãy chuồng tổng diện tích 3.200m2 cũng sập, đè chết hơn 2.000 con gà mái. Mấy ngày nay tôi chẳng thiết ăn uống, làm gì nữa”.

Tổng thiệt hại do bão đối với trại gà của ông Nghĩa lên tới 1,2 tỷ đồng. Để cứu 8.000 con gà còn lại (4.000 gà đẻ, 4.000 gà hậu bị), ông che tạm 2 lán nhỏ, mỗi lán gần 200m2 để có nơi cho gà ở. Vì làm tạm nên việc cho ăn, uống, vệ sinh, thu trứng và quản lý gặp nhiều khó khăn. “Lán trại tuềnh toàng, nên nguy cơ dịch bệnh rất cao do gà tiếp xúc trực tiếp với đất, môi trường gió lạnh, vệ sinh kém. Tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn (300 triệu đồng) để sớm khắc phục thiệt hại”, ông Nghĩa nói.

Trại gà của ông Võ Đông Anh (Cẩm Sơn, Diên Thọ, Diên Khánh) cũng tan tành do bão. Hơn 1.000m2 chuồng trại chỉ trơ lại khung sắt, 1.000 con gà hậu bị bị đè chết trong tổng đàn 5.000 gà đẻ và 3.500 gà hậu bị. Đồng thời, dàn cây sưa 8 năm tuổi của ông cũng bị gãy, đổ hư hỏng hết 200 cây. Tổng thiệt hại hơn nửa tỷ đồng.

Trại gà của ông Trần Văn Hiếu (Vạn Thuận, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) cũng đổ nát như một bãi chiến trường. Đây là trại gà điển hình của thị xã Ninh Hòa được cấp giấy chứng nhận trang trại an toàn vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Nhặt nhạnh những gì còn sót lại, ông Hiếu cho biết, trước bão trang trại có 6.000 gà đẻ và 3.000 gà hậu bị (4,5 tháng tuổi). Sau bão, số gà đẻ, gà hậu bị do thiếu nước, đè nhau chết chỉ tận thu bán được 1.800 con, còn lại phải đốt bỏ tiêu hủy. Bên cạnh đó, bão còn làm tốc mái, sập tường nhiều diện tích nơi làm việc và nhà ở của công nhân, thiệt hại hơn 3,8 tỷ đồng. “17 – 18 năm tâm huyết, tích cóp vốn nuôi gà nay tay trắng. Bây giờ tôi chỉ biết cố gắng khắc phục làm lại 1 – 2 dãy chuồng kiếm lợi tức sống qua ngày và mong Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ”, ông Hiếu nói.

Trại gà của ông Anh chỉ còn trơ khung sắt

Đang thống kê thiệt hại

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh, thiệt hại các trang trại gà tại 2 địa phương này không lớn. Tại huyện Vạn Ninh, ông Nguyễn Ngọc Ý – Trưởng phòng Kinh tế cho hay, trang trại gà trên địa bàn huyện không nhiều, chỉ có vài trại nuôi theo hình thức gia trại, không phải quy mô doanh nghiệp, chủ yếu tại 2 xã Vạn Thắng và Vạn Bình, mỗi trại vài ngàn con nhưng đến nay chưa có số liệu thống kê chính thức. Huyện đã giao Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương thống kê, rà soát, bổ sung để có kế hoạch hỗ trợ bà con theo quy định.

Thị xã Ninh Hòa cũng đang triển khai việc thống kê, tổng hợp số liệu. Đến ngày 12-11, toàn thị xã có 50.166 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã, việc thống kê thực hiện theo biểu quy định, không tách từng đối tượng gia súc, gia cầm (trâu, bò, gà, vịt) nên không có số liệu riêng về gà.

Ông Nguyễn Lương Thao – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện nay, các địa phương vẫn đang triển khai việc rà soát, thống kê số lượng gà bị thiệt hại do bão. Về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, Trung ương có Nghị định 02/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; UBND tỉnh có Quyết định 2229/QĐ-UBND (4-8-2017) quy định mức hỗ trợ cụ thể giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. “Tuy nhiên, theo Quyết định 2229, để có phương án hỗ trợ, việc thống kê, rà soát phải hết sức cụ thể, bởi văn bản quy định việc hỗ trợ theo lứa tuổi gia súc, gia cầm. Ví dụ: gà đến 15 ngày tuổi hỗ trợ 10.000 đồng/con; 28 ngày tuổi hỗ trợ 20.000 đồng/con; 28 – 60 ngày tuổi hỗ trợ 30.000 đồng/con và trên 60 ngày tuổi hỗ trợ 35.000 đồng/con. Vì thế, việc thống kê phải tỉ mỉ, mất nhiều thời gian, hiện nay, các địa phương vẫn đang triển khai”, ông Thao cho biết.

Nguồn: Baokhanhhoa.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

12 tiêu chuẩn quản lý nguồn lực trong JGAP

1. Phân công trách nhiệm và đào tạo

– Người quản lý nông trại

– Người quản lý sản phẩm

– Người quản lý phân bón

– Người quản lý hóa chất nông nghiệp

– Nhân viên chịu trách nhiệm về an toàn lao động

– Nhân viên chịu trách nhiệm về quản lý lao động

– Đào tạo nhân công

– Chứng chỉ chính thức hoặc việc hoàn thành một khóa đào tạo

2.  Nhân quyền, phúc lợi và quản lý lực lượng lao động

– Tuyển dụng nhân công phù hợp

– Không ép bức lao động

– Giao tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động

– Không phân biệt đối xử

3. Quản lý vệ sinh của công nhân và khách tham quan

– Các biện pháp đối phó với các vấn đề về sức khỏe của nhân công và khách tham quan

– Các quy định đối với nhân công và du khách

4. Quản lý các cơ sở vật chất vệ sinh

– Khu rửa tay

– Xây dựng và vệ sinh nhà vệ sinh

5. Quản lý lao động và ứng biến trong trường hợp tai nạn

– An toàn lao động

– Nhân công tham gia vào các công việc nguy hiểm

– Những thủ tục khi có tai nạn lao động

– Dự phòng cho các tai nạn (đăng kí tự nguyện)

– Dự phòng cho tai nạn nghề nghiệp (đăng kí bắt buộc)

6. Quản lý đất

– Độ an toàn của đất

– Kiểm soát xói mòn đất

– Bảo tồn đất

– Các biện pháp phòng chống ô nhiễm nước

7. Sử dụng nước và quản lý nước thải

– Độ an toàn của nước sử dụng trong quá trình canh tác

– Độ an toàn của nước sử dụng trong quá trình xử lý nông sản

– Quản lý vệ sinh nguồn nước được lưu trữ và tái chế

– Độ an toàn của nước dùng trong nuôi cấy dinh dưỡng

– Bảo vệ nguồn nước

– Quản lý nước thải

8. Quản lý vệ sinh chung của cơ sở vật chất

–  Các biện pháp chống lại dịch hại

– Những khu vực ăn uống và hút thuốc

– Cất trữ trái cây và rau củ

9. Quản lý máy móc, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển, thùng hàng và dụng cụ thu hoạch, vật liệu đóng gói,thiết bị vệ sinh và dụng cụ phân xưởng

– Kiểm tra, bảo trì, vệ sinh và cất trữ máy móc,trang thiết bị và những phương tiện

– Quản lý các thiết bị kiểm tra, đo lường và phân loại

– Quản lý các công cụ, vật liệu đóng gói, dụng cụ chứa và lưu trữ được sử dụng trong khâu thu hoạch và quy trình xử lý chế biến sản phẩm

– Quản lý những dụng cụ vệ sinh, hóa chất vệ sinh và các loại thuốc khử trùng

– Sử dụng dầu máy

– Vấn đề an toàn sử dụng của máy móc và thiết bị

10. Quản lý năng lượng và ngăn ngừa sự nóng lên toàn cầu

– Vấn đề về lưu trữ nhiên liệu

– Giảm thiểu lượng khí nhà kính thải ra và sử dụng năng lượng hiệu quả

– Lưu trữ và loại bỏ chất thải

– Sắp xếp ngăn nắp và vệ sinh

11. Bảo vệ môi trường xung quanh và hài hòa với cộng đồng địa phương

– Bảo vệ các khu vực xung quanh

– Tái chế các nguồn tài nguyên trong cộng đồng

12. Bảo tồn đa dạng sinh học

– Hiểu biết về đa dạng sinh học

– Quản lý các sinh vật ngoại lai

– Những nguyên lý bảo tồn môi trường và sự đóng góp của nó.

Nguồn JGAP được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.