Khánh Hòa: Xót xa nhìn vườn chuối đổ như ngả rạ, nông dân mất tết

Đó là những lời than vãn, nghe rất xót xa của các hộ trồng chuối tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

Sau cơn bão số 12, PV Dân Việt đã đến khu vực xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, một vùng chuyên trồng chuối và được xem lớn nhất khu vực tỉnh Khánh Hòa. Toàn bộ những vườn chuối hiện đều bị bật gốc và ngã đổ, các cây chuối ngã tính không xuể. Đi đến nhà nào, người dân cũng đều lắc đầu than vãn mất trắng hết rồi chú ơi, chẳng còn gì nữa cả…

Ông Nguyễn Xuân Anh đang chặt các buồng chuối để vứt bỏ

Một buồng chuối bị bùn đất vùi lấp

Đang loay hoay bên vườn chuối 5 sào, ông Nguyễn Xuân Anh (xã Suối Cát, Cam Lâm) cho biết: “Vườn chuối 520gốc này là chuối cấy mô tôi trồng được hơn 1 năm, sau khi chăm sóc đã có trên 80% gốc chuối có buồng. Ông đang mừng thầm vì dự kiến bán vào thời điểm Tết này, mỗi buồng nhẩm tính giá từ 0,8 – 1 triệu đồng. Ai ngờ, cơn bão 12 đi qua đã cuốn sạch, chuối đã bị gãy nữa thân rất nhiều nằm la liệt trong vườn, chỉ còn cách chặt vứt bỏ”.

Ông nói, đau xót hơn là vườn diện tích 2ha chuối và xoài nằm trên đồi, bão qua đã cướp mất. Cả hai ngày nay ông không lên vườn này vì cảm thấy chán nản, bao nhiêu vốn liếng công sức giờ đã trở thành con số không. Gia đình ông thiệt hại ước tính khoảng gần 200 triệu đồng.

Chuối gãy nằm la liệt, tính không xuể

Nằm sát bên cạnh, bà Lê Thị Mai cho hay, gia đình có 3 sào chuối, mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng. Nhờ nguồn này mà có tiền nuôi con cái ăn học và trang trải trong gia đình. Cơn bão tràn vào đã làm cho vườn chuối hư hết, giờ gia đình không biết lấy nguồn nào để sống…

Bão số 12 đi qua đã làm cho nhiều diện tích chuối của người dân xã Suối Cát thiệt hại nặng

Theo đại diện địa phương cho biết, chuối là một trong những cây chủ lực, bà con có thu nhập chủ yếu từ trồng các giống chuối cau, chuối mốc, chuối mùi hương, với diện tích khoảng 1.000ha chuối. Cơn bão 12 đổ bộ làm cho nhiều hộ bị mất trắng, nhiều hộ lâm vào cảnh lao đao.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng do bão số 12

Cuối ngày 5-11, ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ kinh phí khắc phục khẩn cấp thiệt hại do bão số 12 gây ra trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh, bão số 12 đã đổ bộ trực tiếp vào đất liền tỉnh Khánh Hòa từ 4 giờ sáng ngày 4-11 với sức gió cao nhất đạt cấp 12, giật cấp 15 kèm theo mưa lớn với lượng mưa lên đến 200mm đã gây ra thiệt hại nặng nề về người, tài sản.

Đến nay, toàn tỉnh có 27 người chết, 5 người mất tích, 89 người bị thương; trên 10.000 căn nhà bị sập và hư hỏng; 3.826 ha diện tích lúa bị ngập và 6.258 ha diện tích hoa màu các loại bị ngập, hư hại; 44.320 lồng bè bị trôi hoàn toàn; nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, cơ sở sản xuất và cơ sở hạ tầng kỹ thuật hư hỏng nặng nề… Tổng thiệt hại ước tính trên 7.000 tỷ đồng.

Để kịp thời khắc phục hậu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương và các sở, ban, ngành khẩn trương tổ chức khắc phục. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ khẩn cấp: 25.000 tấn gạo, 200.000 viên sát khuẩn Aquatabs và 5.000 kg Cloramin B để khử khuẩn, làm sạch nước; 30.000 lít chất sát trùng Hanlodine 10% để khử trùng tiêu độc ở môi trường chăn nuôi, khu vực buôn bán gia súc gia cầm; 50.000 lít hóa chất Chlorine để xử lý mầm bệnh và phòng bệnh các vùng nuôi trồng thủy sản; 15.000 liều vắc-xin tai xanh.

Về hỗ trợ kinh phí, UBND tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 2.855 tỷ đồng, trong đó: kinh phí khôi phục sản xuất nông nghiệp: 255 tỷ đồng; khắc phục, sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi, công trình sạt lở bảo vệ bờ là 1.600 tỷ đồng; kinh phí sửa chữa hư hỏng: công trình y tế, trường học, các trụ sở cơ quan, các công trình hạ tầng kỹ thuật… là 1.000 tỷ đồng .

Với số lượng nhà của người dân bị sập và hư hỏng lớn, hệ thống đường giao thông hư hỏng, dự kiến cần khối lượng vật tư để sửa chữa, xây dựng lại là: 40.000 tấn xi măng, 10 triệu viên gạch xây, 20 triệu viên gói lợp, 10 triệu m2 tôn. Để kịp thời khắc phục nhà ở và giao thông đi lại cho nhân dân, đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, và các tổ chức xã hội kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp chung tay giúp sức cùng với tỉnh để khắc phục kịp thời các thiệt hại.

Nguồn: Baokhanhhoa.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Cấp 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão, lụt

Tại hội nghị trực tuyến với một số tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên chiều 6-11, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cấp 1.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do bão số 12 gây ra. Đồng thời, những tỉnh bị thiệt hại nặng như: Khánh Hòa, Phú Yên… sẽ được hỗ trợ ít nhất 500 tấn gạo và thuốc men để phục vụ công tác ứng cứu.

Chiều 6-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Dự họp tại điểm cầu Khánh Hòa có các ông: Lê Thanh Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, bão số 12 đã gây ra thiệt hại nặng nề với 46 người chết, 15 người bị thương. Hơn 1.350 nhà bị sập đổ và 114.860 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Đến nay, đã có hơn 1.280 tàu cá bị chìm, hư hỏng; khoảng 5.300ha lúa, 14.850ha rau màu bị ngập, thiệt hại. Khánh Hòa là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Thủ tướng hỗ trợ thêm lực lượng để các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên khôi phục mạng lưới điện và viễn thông một cách sớm nhất; Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ người dân ở những tỉnh bị thiệt hại nặng.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Đức Vinh cho biết, đến thời điểm này tỉnh Khánh Hòa có 27 người chết. Ngoài ra, còn có 133 người bị thương và 5 người mất tích. Về nhà ở, toàn tỉnh có 993 nhà sập hoàn toàn, 97.851 nhà tốc mái, trong đó tập trung chủ yếu ở TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Về chăn nuôi, có nhiều chuồng trại bị sập, tốc mái, dẫn đến bị cuốn trôi và chết khoảng 241.000 con gia cầm, 400 con heo và 130 con bò. Toàn tỉnh có khoảng 25.311ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó có hơn 3.800ha lúa, 1.317ha rau màu, 2.300ha cây hàng năm, hơn 2.600ha cây ăn quả. Về thủy sản, có hơn 1.200ha đìa tôm, cá bị vỡ, 24.320 lồng nuôi thủy sản bị cuốn trôi, hơn 1.000 tàu thuyền bị đánh chìm. Bên cạnh đó, bão còn làm 28,6km bờ sông bị sạt lở, 12km kênh mương bị đứt gãy, sạt lở khoảng 42km đường giao thông bê tông. Về công nghiệp, có 720 trụ điện bị gãy, hàng trăm kilômet dây truyền tải bị đứt, 50 trạm biến thế bị hư hỏng. Ngoài ra, còn có 79 cơ sở y tế bị tốc mái, hư hỏng trang thiết bị, hàng nghìn cây xanh bị gãy.

Ông Lê Đức Vinh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ khẩn cấp cho Khánh Hòa 25.000 tấn gạo; 200.000 viên sát khuẩn Aquatasbs, 5.000kg Cloramin B để khử khuẩn, làm sạch nước; 30.000 lít chất sát trùng để khử trùng tiêu độc ở môi trường chăn nuôi, khu vực buôn bán gia súc, gia cầm; 50.000 lít hóa chất Chlorine để xử lý mầm bệnh và phòng bệnh các vùng nuôi trồng thủy sản; 15.000 liều vắc xin tai xanh. Về kinh phí, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.155 tỷ đồng, trong đó 400 tỷ để sửa chữa các công trình y tế, trường học, trụ sở cơ quan, các công trình hạ tầng kỹ thuật; 500 tỷ đồng để khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi, công trình sạt lở bảo vệ bờ…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, gửi lời chia buồn đến các gia đình có người bị nạn, đồng thời biểu dương các cấp, các địa phương trong việc ứng cứu bão lụt. Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo đồng bộ công tác khắc phục hậu quả của bão để nhân dân không bị đói, không bị màn trời chiếu đất, không bị dịch bệnh. Đảm bảo giao thông đi lại ở các quốc lộ, tỉnh lộ và lượng thuốc men cần thiết. Các địa phương cần giải quyết tốt chế độ cho người dân, không để người dân thiếu ăn và dịch bệnh xảy ra. Tại cuộc họp, Thủ tướng đã quyết định hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho các tỉnh bị thiệt hại do bão số 12; đồng thời hỗ trợ một lượng gạo cần thiết cho các tỉnh, trong đó những tỉnh bị thiệt hại nặng như Khánh Hòa, Phú Yên ít nhất 500 tấn, các tỉnh bị thiệt hại nhẹ hơn 200 tấn.

Nguồn: Baokhanhhoa.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Khánh Sơn: Thiệt hại hơn 1.000ha cây trồng

Do không nằm trong tâm bão, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) không có thiệt hại về người, nhưng cơn bão số 12 đã gây hư hại hơn 1.000ha cây trồng tại các xã, thị trấn; hàng trăm căn nhà hư hỏng, đổ sập.

Nhặt nhạnh những thứ còn sót lại trong căn nhà đã bị tốc mái, hư hỏng nặng do cơn bão số 12, anh Cao Hoàng Quốc (thôn Suối Đá, xã Ba Cụm Bắc) không khỏi lo lắng cho cuộc sống của cả gia đình 4 nhân khẩu trong những ngày sắp tới. Anh Quốc thuộc hộ nghèo, bản thân bị thương tật do lao động, không thể làm được việc nặng nên việc khôi phục lại căn nhà nằm ngoài khả năng của gia đình. Hiện tại, gia đình anh Quốc đang phải ở nhờ nhà hàng xóm. “Ngoài không còn nhà để ở, toàn bộ diện tích keo, chuối của tôi bị bão làm hư hại nặng nên gia đình đang rất khó khăn, mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành”, anh Quốc bộc bạch.

Đứng thất thần trước vườn sầu riêng bị đổ rạp, bật tung gốc, ông Lê Đăng Thung (thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp) không thể tin được những cây sầu riêng đã giúp gia đình ông thoát nghèo, vươn lên làm giàu trong mười mấy năm qua, nay chỉ sau một buổi sáng đã bị thiệt hại hoàn toàn. Trong cơn bão số 12 vừa qua, gia đình ông có gần 200 cây sầu riêng đang trong thời kỳ cho trái bị đổ gãy, trong đó có 150 cây từ 15 năm tuổi trở lên. Không thể khôi phục được, gia đình ông đành chặt bỏ. “Gia đình tôi gây dựng cơ ngơi trong suốt 20 năm qua. Vậy mà chỉ qua 2 giờ mưa bão, cả vườn sầu riêng đã đổ gãy hết, thiệt hại lên đến vài tỷ đồng”, ông Thung nói.

Thống kê sơ bộ, đến ngày 6-11, huyện Khánh Sơn đã có 139 căn nhà bị tốc mái, 17 căn bị đổ sập, tập trung ở các xã như: Ba Cụm Bắc, Sơn Bình, thị trấn Tô Hạp… Bên cạnh đó, trên tuyến Tỉnh lộ 9, các tuyến đường liên xã, liên thôn cũng đã có nhiều cây cối bị đổ, ngã, gây cản trở giao thông. Về sản xuất, toàn huyện có khoảng 1.081ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó nhiều nhất là diện tích rừng sản xuất (hơn 470ha), chuối hơn 300ha, 129ha sầu riêng… Tổn thất nặng nề nhất là những hộ trồng sầu riêng, bởi phần lớn diện tích bị đổ gãy là những cây từ 7 đến 8 năm đến hơn 15 năm, đang trong thời kỳ cho thu nhập cao.

“Ngay sau khi cơn bão đi qua, chúng tôi cũng đã huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả. Đến nay, những hộ có nhà và bếp bị hư hỏng nhẹ đã được khắc phục. Các tuyến đường giao thông có cây bị đổ gãy đã được dọn dẹp. Nguồn nước sinh hoạt đã cung cấp đầy đủ cho người dân. Tuy nhiên, một số hộ có nhà bị hư hỏng nặng đang rất cần sự hỗ trợ của cấp trên”, ông Lê Ánh Sáng – Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết.

Công việc khắc phục hậu quả sau bão tại các xã, thị trấn hiện tại gặp không ít khó khăn. Hầu hết những gia đình bị thiệt hại về nhà cửa đều thuộc diện hộ nghèo nên khó có khả năng tự khắc phục, một số hộ có nguy cơ thiếu đói. Ông Đinh Ngọc Bình – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, sáng 6-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã tổ chức họp bàn và triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Huyện chỉ đạo các xã không để hộ nào bị thiếu lương thực, nước uống, thống kê cụ thể những hộ bị thiệt hại về nhà cửa để xem xét hỗ trợ. Trước mắt, huyện sẽ đối ứng ngân sách để hỗ trợ những gia đình có nhà bị sập tối đa 20 triệu đồng/nhà, nhà bị tốc mái tối đa 6 triệu đồng/nhà.

Nguồn: Baokhanhhoa.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.