Bệnh và cách phòng trị bệnh ở ếch

1. Phòng bệnh

Dịch bệnh xuất hiện trong điều kiện nuôi khi: môi trường nuôi bị nhiễm bẩn, tồn tại tác nhân gây bệnh và ếch nuôi bị suy dinh dưỡng. Thức ăn không đầy đủ ếch thường cắn nhau rất dễ bị bệnh ngoài da, sau đó nhiễm trùng. Khi ếch bị nhiễm bệnh thì việc điều trị hết sức khó khăn, do đó việc thực hiện triệt để các biện pháp phòng bệnh là rất cần thiết.
– Chọn giống khỏe mạnh, đồng đều kích cỡ.
– Thường xuyên san thưa và phân cỡ: tạo đàn ếch đồng đều về kích cỡ.
– Không nuôi với mật độ quá dày.
– Thức ăn phải đảm bảo đầy đủ chất lượng.
– Định kỳ bổ sung vitamin + men tiêu hóa giúp tăng sức đề kháng của ếch nuôi.
– Thay nước và vệ sinh bể nuôi hàng ngày.

2. Một số bệnh thường gặp và biện pháp phòng trị

Hiện nay trong quá trình nuôi, ếch thường bị hao hụt là do một số nguyên nhân sau:

2.1. Hiện tượng ăn nhau

Nguyên nhân: Nuôi mật độ cao, thức ăn không đủ, kích cỡ nuôi không đồng đều. Phòng chống: Mật độ nuôi vừa phải. Thức ăn phải đủ chất lượng, cho ăn đều khắp bể. Thường xuyên lọc và phân cỡ bể nuôi khi ếch nhỏ dưới 50g.

2.2. Bệnh lở loét đỏ chân

Triệu chứng bệnh: Ếch giảm ăn, di chuyển chậm, có những nốt đỏ trên thân, chân bị sưng và dấu hiệu rõ nhất là gốc đùi có tụ huyết. Giải phẩu nội tạng, thấy xuất huyết trong ổ bụng.
Nguyên nhân: Do vi khuẩn Aeromonas hydrophila phát triển khi môi trường nuôi dơ và khi ếch bị sốc.
Bệnh lở loét đỏ chân
Phòng bệnh: Thường xuyên thay nước, giữ môi trường nuôi sạch sẽ.
Chữa trị: Điều trị kịp thời khi bệnh mới phát sẽ có tác dụng tốt. Ngâm ếch trong dung dịch Iodine (PVP Iodine 350: 5 – 10 ml/1m3 nước). Dùng Oxytetracycline (3 – 5g/kg thức ăn).

2.3. Bệnh về đường tiêu hóa

Triệu chứng bệnh: Bụng ếch trương phồng lên, ếch nằm yên một chổ. Một số con có hậu môn lồi ra, ruột bị sưng lên. Trong ruột có dịch lỏng có lẫn một ít thức ăn.
Nguyên nhân: Do ếch ăn thức ăn ôi thiu hay cho ếch ăn quá nhiều, ếch không tiêu hóa được, nguồn nước nuôi dơ do ít thay nước.
Phòng bệnh: Định kỳ trộn men tiêu hóa vào thức ăn của ếch. Thay nước thường xuyên và giữ nước nuôi sạch.
Chữa trị: Giảm lượng thức ăn xuống còn 50%. Làm vệ sinh thật kỹ môi trường nuôi. Trộn vào thức ăn Sulphadimezine và trimethroprim (4 – 5g/kg thức ăn). Sử dụng liên tục 5 ngày.

2.4. Bệnh mù mắt, cổ quẹo

Triệu chứng: Mắt bị viêm sưng. Mắt đục và mù cả hai mắt. Biến dạng cột sống và cổ quẹo, ếch thường xuyên quay cuồng và chết.
Bệnh mù mắt, quẹo cổ ở ếch
Nguyên nhân: Chưa rõ, nhưng có tài liệu cho là do vi khuẩn Pseudomonas sp.
Chữa trị: Cách ly những con có triệu chứng bệnh. Ngâm ếch bằng Iodine với liều lượng 3-5 ml/m3 nước. Trộn thuốc cho ếch ăn: 100g NOROCINE/500-700kg ếch. Xử lý và trộn thuốc liên tục trong 5 ngày.’
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.