Kỹ thuật nuôi cá lóc (P2)

Ở bài kỹ thuật nuôi cá lóc trước, Fman đã giới thiệu cho người nuôi hiểu qua về đặc điểm sinh học cũng như cách đào ao và cải tạo ao cũ. Ở bài này, chúng tôi xin giới thiệu tiếp kỹ thuật nuôi và cách chữa một số bệnh thường gặp ở cá lóc nuôi.

PHẦN III: KỸ THUẬT NUÔI CÁ LÓC THƯƠNG PHẨM TRONG AO ĐẤT

1. Kỹ thuật ương cá hương lên cá giống

– Cá hương dùng để ương có cỡ từ 0,5-1 g/con, nhanh nhẹn không bệnh tật. Ương trong giai lưới kích cỡ 1,5×1,5x2m hoặc trong ao nhỏ (50-100m2) có lót bạt ni lông.

– Mật độ ương: 3000con/m2 tuần thứ nhất; 1500con/m2 tuần thứ 2; 500con/m2 tuần thứ 3 đến tuần thứ 8.

– Thức ăn:

+ Hai tuần đầu lúc cá còn nhỏ cho ăn lòng đỏ trứng gà trộn với cá tạp xay nhuyễn, lượng thức ăn bằng 20-25% trọng lượng đàn cá.

+ Sáu tuần tiếp theo dùng cá tạp xay nhuyễn cho ăn, với lượng thức ăn hàng ngày bằng 10-15% trọng lượng đàn cá.

– Thời gian ương 60 ngày, khi cá ăn được cá con thì chuyển ra ao nuôi thương phẩm. Lúc này cá đạt chiều dài từ 10-12cm, trọng lượng 80-100g/con.

2. Kỹ thuật nuôi cá lóc thương phẩm trong ao đất

2.1 Thả giống

– Chọn cá giống khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều, không bị xây xát, không bị bệnh.

– Kích cỡ cá giống: dài thân 8-10cm.

– Trước khi thả cá phải để túi chứa cá xuống ao từ 10-15 phút, cho nước vào túi từ từ sau đó mới thả cá ra ao.

– Để phòng ngừa cá bị bệnh ngoại ký sinh, trước khi thả cá xuống ao nên tắm cho cá bằng nước muối nồng độ 2-3% ( 20-30g/lít nước) trong 3-5 phút.

– Mật độ thả: từ 10-20con/m2, tuỳ theo mức độ đầu tư thức ăn và chế độ thay nước mà có thể chọn mật độ thích hợp.

– Ngoài ra có thể thả thêm cá mè trắng hoặc mè hoa với mật độ 1 con/5m2 để cải thiện chất lượng nước.

– Thả cá giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

2.2 Thức ăn

– Cá lóc là loài cá dữ do đó để cá lớn nhanh tốt nhất là người nuôi nên cho cá ăn các loại thức ăn tươi sống như: tôm, tép, cá tạp…. Nếu có khả năng cung cấp thức ăn tươi sống thì cỡ cá giống thả nuôi có thể nhỏ hơn ( 5-6 cm) nhưng cần lưu ý cho thức ăn thích hợp, thức ăn quá nhiều sẽ làm cá nổi đầu.A- Đối với trường hợp sử dụng thức ăn chế biến: công thức chế biến gồm 60% cá tạp hoặc phế phẩm ở các cơ sở chế biến thuỷ sản như: đầu, đuôi, xương, ruột cá xay nhuyễn trộn với 20% bột đậu tương, 10% bột cám, 5% men và 5% còn lại là Vitamin và muối khoáng. Lượng thức ăn cho cá hằng ngày bằng 5-7% trọng lượng đàn cá.

– Cho cá ăn thức ăn chế biến phải tập cho cá ăn từ lúc còn nhỏ. Cần đặc biệt lưu ý trong thời gian cho cá ăn thức ăn chế biến không được cho ăn thức ăn tươi sống.

2.3 Chăm sóc quản lý

– Cá lóc có thể nhảy cao 1m và có thể nhảy qua bờ ao khi trời mưa hoặc có dòng chảy kích thích, vì vậy phải thường xuyên kiểm tra cống và lưới bao xung quanh bờ ao.

– Trước khi cho cá ăn kiểm tra lượng thức ăn dư thừa trong sàng ăn để điều chỉnh và vệ sinh sàng ăn sạch sẽ.

– Cần giữ nước trong ao luôn sạch bằng cách quản lý thức ăn tốt, khi thấy nước dơ bẩn cần thay 30-50% lượng nước trong ao.

– Thông qua quá trình cho ăn, thường xuyên theo dõi khả năng bắt mồi và tình trạng sức khỏe của cá để tăng giảm lượng thức ăn cho thích hợp và có các biện pháp xử lý kịp thời.

– Định kỳ 15 ngày một lần kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá về chiều dài và trọng lượng. Mỗi lần kiểm tra 10con lấy giá trị trung bình.

– Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường để điều chỉnh cho phù hợp như:

pH = 7 – 8,5

NH3 và H2S có hàm lượng dưới 0,1mg/l.

2.4 Thu hoạch

Sau 4-6 tháng nuôi có thể thu hoạch, lúc này cá đạt cỡ 0,8-1kg/con. Thu hoạch bằng lưới hoặc tát cạn ao bắt hết cá.

Cá lóc nếu đầu tư chăm sóc tốt tỷ lệ sống đạt cao (> 80%) và có thể cho năng suất từ 30-50 tấn/ha.

PHẦN IV: NUÔI CÁ LÓC THƯƠNG PHẨM TRONG LỒNG BÈ:

Cá lóc cỡ 3-4 cm đem ương ở lồng rộng 1,5×1,5 x 2 (m) thả 5.000con. Cho ăn bằng cá rô phi, cá tạp ở các chợ hay phế phẩm ở các nhà máy chế biến thuỷ sản như: đầu, ruột, da cá xay nhuyễn đặt lên sàng để trong bè.

Cho cá ăn trong các sàng cho ăn, thức ăn cần đảm bảo tươi, không bị ôi thối dễ gây bệnh cho cá.

Nuôi đến cỡ 10-12cm chuyển sang nuôi ở bè có kích thước lớn hơn. Nuôi tiếp 4-5 tháng nữa cá lóc bông sẽ đạt 1-1,2kg là có thể thu hoạch.

PHẦN IV: MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở CÁ LÓC VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ.

Cá lóc là loài cá dữ có sức sống bền bỉ rất ít bệnh tật, cá có sức đề kháng cao và có khả năng thích nghi với môi trường nước đục, tù, nóng…, cá có thể chịu được nhiệt độ 39-400C. Khi nuôi mật độ thưa cá khoẻ mạnh, lớn nhanh và hầu như không bị bệnh, nhưng khả năng thích ứng của cá cũng có giới hạn, khi nuôi với mật độ cao thì cá lóc bắt đầu xuất hiện một số bệnh. Có thể gặp một số bệnh ở cá lóc khi nuôi thâm canh như sau:

1. Bệnh không truyền nhiễm

Dấu hiệu: Bệnh do môi trường gây ra như sự biến đổi nhiệt độ, ao nước bị nhiễm bẩn, thức ăn chế biến không tốt….

Phòng trị: Luôn giữ mực nước ao nuôi tốt (từ 1,5-2m) thay nước thường xuyên không để ao nhiễm bẩn, thức ăn chế biến không nên để lâu.

2. Bệnh đốm đỏ

Dấu hiệu: Cá bệnh thường bơi lờ đờ trên mặt nước, trên thân xuất hiện điểm xuất huyết nhỏ li ti, nếu bệnh nặng thì các gốc vây cũng xuất huyết. Bụng cá trương to, thành ruột xuất huyết, cá ít ăn hoặc bỏ ăn, các tia vây lưng, hậu môn và vây đuôi bị rách xơ xác.

Cách phòng trị:

– Dùng Oxytetracyline: 2g + Vitamin C 3g/100kg cá, trộn vào thức ăn cho cá liên tục trong 5-7 ngày. Cũng có thể dùng một số loại thuốc khác đặc trị cho nuôi trồng thủy sản trên thị trường.

3. Bệnh trắng da (bệnh mất nhớt)

Dấu hiệu: Bệnh dễ xuất hiện khi cá bị xây xát hoặc bị sốc do đánh bắt, vận chuyển hay nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột.

Cá nhiễm bệnh thường bỏ ăn, yếu dần, gốc vây lưng xuất hiện màu trắng, lan dần đến cuối đuôi và toàn thân. Bệnh nặng xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ, cá bơi yếu dần và chìm xuống đáy chết.

Phòng bệnh:

– Giữ mực nước (1,5-2m) tốt để ổn định nhiệt độ.

– Vận chuyển cá giống thưa, tránh đánh bắt xây xát cá. Cá giống vận chuyển về, trước khi đưa xuống ao nuôi cần tắm muối 3% trong 5-10 phút.

Trị bệnh: Dùng Cyprocan 4g/kg thức ăn, ngày cho ăn 2 lần trong 5 ngày liên tục.

4. Bệnh đốm trắng

Dấu hiệu: Những đốm trắng mọc khắp cơ thể cá, gần như phủ khắp vảy cá.

Bệnh do kí sinh trùng Ichthyriophthyrius multifilius gây nên. Sau khi kí sinh trên cơ thể cá nó có thể biến thành nang nhớt chìm xuống đáy ao, hồ sau đó sinh sôi phát triển rồi đi tìm vật chủ khác. Ký sinh trùng phát triển nhanh trong nước vì vậy phải điều trị trên toàn ao nuôi.

Trị bệnh: Dùng thuốc tím (KMnO4) hoà loãng với nồng độ 1g/m3 phun tạt đều xuống ao, đồng thời dùng kháng sinh Gencin 100g/15kg thức ăn cho ăn ngày 2 lần dùng liên tục trong 5 ngày.

5. Bệnh thối vây đuôi

Dấu hiệu: Sau khi đánh bắt hoặc vận chuyển cá bị nhiễm trùng vết thương, cũng có thể cá tấn công lẫn nhau cắn vào vây bụng vây đuôi làm cá bị viêm nhiễm khuẩn.

Trị bệnh: Tắm cho cá bằng dung dịch thuốc tím 1g/m3. Dùng kháng sinh Pantacin 200 với lượng 3mg/kg thức ăn cho ăn ngày 2 lần trong 5 – 7 ngày liên tục.

6. Bệnh viêm mắt miệng

Dấu hiệu: Mắt hoặc miệng cá bị viêm do vi khuẩn Chondrococcus gây ra làm cho mắt hoặc miệng cá bị biến dạng, sùi lên. Bệnh nặng làm cá bị mù hoặc mất khả năng kiếm mồi.

Trị bệnh:

– Tắm cho cá bằng nước muối nồng độ 3% trong 10-15 phút, lưu ý nếu trong lúc tắm thấy cá có biểu hiện khó chịu (nổi đầu lên mặt nước) thì vớt cá ra. Tiến hành tắm cá thường xuyên, mỗi ngày 01 lần, bệnh nhẹ thì khoảng 03 ngày thì bớt.

– Trộn kháng sinh Ciprocan với lượng 4g/kg thức ăn, ngày cho ăn 2 lần trong 5-7 ngày liên tục.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Phòng và trị một số bệnh thường gặp ở cá lóc

BỆNH XUẤT HUYẾT

Tác nhân gây bệnh :

-Do nhiều loài thuộc giống Aromonas, Pseudomonas … gây ra
-Dấu hiệu bệnh lý
-Xuất huyết da, nắp mang; đốm đỏ xuất hiện trên thân
-Xuất huyết hậu môn
-Góc vi, hàm dưới nắp mang bị tụ máu thành những lớp màu đỏ
-Xoang bụng xuất huyết nội tạng

Điều kiện phát triển bệnh :

-Bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn ương giống và nuôi thịt
– Bệnh phát triển trong điều kiện cá bị sốc và chuyển mùa, thời tiết bất lợi
– Môi trường ương nuôi nhiễm bẩn, nhiều khí độc, hàm lượng oxy thấp

Phòng bệnh :

– Chọn giống tốt, vận chuyển đúng cách tránh xay xát
-Ương nuôi ở mật độ vừa phải
-Tăng sức đề kháng định kỳ bổ sung khoáng VITALET-fish và FISH C, VB12, FOLIC
– Xử lý nước định kỳ 1L VBK/1200-1500m3 nước ao cá

Trị bệnh :

-Sử dụng (1kg NOROCINE+1kg VB-COTRIM)/10 tấn cá nuôi liên tục 5-7 ngày

BỆNH LỞ LOÉT

cá lóc bị lở loét

Trong mùa lũ, các ao, hồ nuôi cá thường tích tụ nhiều phù sa, nhiễm bẩn, mùn bã, rác và các chất thải làm ô nhiễm nguồn nước và tiềm ẩn những mầm bệnh cho cá nuôi. Cá lóc nuôi trong mùa lũ thường hay xuất hiện các loại bệnh do các loại kí sinh như trùng bánh xe, sán lá đơn chủ, xuất huyết do nhiễm virus, đốm đỏ do vi khuẩn, bệnh do nhóm giáp xác gây ra. Tuy nhiên, bệnh thường gặp nhất với cá lóc nuôi là bệnh ghẻ hay còn gọi là hội chứng lở loét. Bệnh lở loét xảy ra trên cá lóc nuôi không chỉ có ở nước ta mà còn có nhiều ở các nước Đông Nam Á, các nước trong khu vực Thái Bình Dương.

Nguyên nhân :

-Những tác nhân gây bệnh cho cá gồm virus, vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng và các yếu tố môi trường. Nguyên nhân gây bệnh trước nhất là virus, nấm cũng được coi là yếu tố quan trong gây ra hội chứng lở loét. Có thể chúng cùng với các loại kí sinh trùng làm cá bị thương tổn tạo điều kiện cho các tác nhân chính gây bệnh cho cá.

-Ngoài các yếu tố môi trường như nhiệt độ thay đổi, môi trường nước quá dơ bẩn, sự ô nhiễm có thể gây sốc và làm cá nhiễm bệnh, nhiều quan điểm cho rằng nấm ký sinh trong nội tạng Aphanomyces được coi là tác nhân chính gây ra bệnh này. Bệnh thường xuất hiện vào cuối mùa mưa (tháng 10-12) và đầu mùa khô (tháng 1-2).

Đặc điểm nhận biết :

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là cá ăn ít hoặc bỏ ăn, bơi nhô đầu khỏi mặt nước, nổi lờ đờ, da xám, có vết loét hoặc các đốm đỏ phát triển ở đầu, thân, vây và đuôi. Sau một thời gian bị bệnh cá kiệt sức và chết.

Quan sát bên ngoài cá thấy xuất hiện nhiều vết nhỏ màu xám hay đỏ. Mang, quanh mắt và da xuất huyết, toàn thân có màu xám tối. Thương tổn lan rộng thành những vết loét lớn trên vẩy, thân cá… Khi cá bệnh nặng sẽ thấy máu chảy ở hậu môn. Giải phẫu cá sẽ thấy bóng hơi xuất huyết và teo dần, gan thận cũng xuất huyết. Khoang bụng có dấu hiệu tích nước, có nhiều dịch nhờn và xuất huyết.

Phòng bệnh cho cá :

Phòng bệnh có tính chất quyết định đến kết quả nuôi, trong đó tẩy dọn ao, bể nuôi theo đúng qui trình kỹ thuật để diệt các tác nhân gây bệnh là rất quan trọng. Quản lý tốt môi trường nuôi, cung cấp nước nuôi cá bằng nước sạch. Ổn định môi trường, kìm hãm sự phát triển của mầm bệnh bằng cách xử lý định kì 15 ngày/lần bằng dung dịch Vimekon (1g/1m3 nước). Tránh làm cá bị xây xát, không để cá bị nhiễm các loại bệnh ngoài da sẽ tạo điều kiện cho bệnh cá phát triển.

Cho cá ăn đủ thức ăn với hàm lượng dinh dưỡng cao làm cá khỏe sẽ có sức đề kháng tốt. Thường xuyên trộn thức ăn với men tiêu hóa, vitaminC, premix.

Khoa Thủy sản (ĐH Cần Thơ) khuyến cáo cách phòng trị bệnh ghẻ cá, xử lý ao nuôi bằng vôi, giữ cho môi trường ổn định, dùng hóa chất formon và thuốc tím làm giảm bớt mật độ vi khuẩn và diệt nấm ký sinh trùng, dùng kháng sinh diệt vi khuẩn làm lành vết thương trên da cho cá.

Trị bệnh :

Khi cá có dấu hiệu bị bệnh cần thay 50% nước bằng nước sạch, vệ sinh xung quanh ao nuôi. Xử lý nước bằng Fresh Water với lượng 1 kg (650 gói A + 350 gói B) cho 1.000-1.500m3 nước. Trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho cá liên tục trong 7 ngày theo liều 250 g Desery + 50 ml Vime-Fenfish 2000 cho 1 tấn cá.

BỆNH TRẮNG DA

Triệu chứng :
– Đuôi cá xuất hiện vết trắng lan dần về phía  đầu , cá mất nhớt, bong da vây.

Trị bệnh :
– Hoà tan vôi bột : 5-10 kg/100 m2, tạt đều khắp ao : 2-3 lần /tuần.
– Bắt cá bệnh lên tắm thuốc Streptomycine (1 lọ/10 lít nước), tắm trong 30 phút .

BỆNH NẮM THỦY MI

Dấu hiệu bệnh lý :
Trên da xuất hiện những vùng trắng xám, trên đó có sợi nấm nhỏ, mềm, tua tủa như bông gòn. Sau vài ngày sợi nấm phát triển đan chéo vào nhau thánh túi trắng như baông có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Trị bệnh :
– Dùng Xanh metylen 2-3g/m3, liên tục tạt xuống ao 2-3 lần/tuần .
– Dùng thuốc tím 2-5 ppm tắm cho cá trong khỏang 10 phút.

BỆNH DO SÁN LÁ ĐƠN CHỦ : KÝ SINH Ở MANG VÀ DA

Triệu chứng : Mang bị viêm và sưng to, các tia mang bị đứt rời, mang tiết ra nhiều nhớt làm cho cá nghẹt thở và chết , cá thường nổi đầu và tập trung nơi có dòng nước chảy.

Phòng bệnh :
– Cá giống trước khi thả nuôi tắm cho cá bằng nước muối 2-3% trong thời gian 10-15 phút.
– Thừơng xuyên thay nước ao, tránh thức ăn thừa gây bẩn.

Trị bệnh :
– Dùng muối liều lượng 0,5-1kg/100 lít nước (đối với cá  nhỏ), 3-4 kg/100 lít nước đối với cá lớn , tắm trong 15-30 phút.

BỆNH TRÙNG MỎ NEO

Dấu hiệu bệnh lý : Trùng thường ký sinh ở da, mang, vây, mắt… của cá. Khi nhiễm bệnh cá kém ăn, gầy dần, xung quanh chỗ trùng bám bị viêm và xuất huyết. Bị bệnh trùng mỏ neo ký sinh là yếu tố đầu tiên dẫn đến bệnh nhiễm khuẩn .
    
Phòng trị bệnh :

– Dùng lá  xoan bó thành bó hoặc băm nhỏ thả  xuống ao với liều lượng 30 – 50 kg/1.000m2.
– Tắm cho cá bằng thuốc tím 10-25ppm trong 1 giờ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam