Xung quanh cây mắc ca
Cây mắc ca (Macadamia) du nhập vào Việt Nam từ năm 1992, từ đó đến nay có rất nhiều ý kiến ủng hộ, cũng như nghi ngờ hiệu quả về giống cây này. Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương và tỉnh Lâm Đồng cũng đã phối hợp tổ chức hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên”, và đặt niềm tin là mắc ca sẽ là cây làm giàu của nông dân Tây Nguyên và Tây Bắc, 2 vùng đất thích hợp. Theo đó, mắc ca trồng từ hạt sau 7 – 8 năm sẽ cho ra trái. Hạt có giá trị dinh dưỡng cao, sử dụng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhiều sản phẩm dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe, giá trị kinh tế cao. Chẳng hạn như dầu ăn, sản phẩm chăm sóc da và tóc… Có thể trồng mắc ca xen với cà phê, chè, làm cây che bóng, chắn gió, hoặc trồng tập trung thành rừng công nghiệp. Ý kiến nghi ngờ thì chỉ ra rằng: nhiều nơi trồng mắc ca không có trái, năng suất thấp, như vậy có nên đặt vấn đề phát triển trên diện rộng?…
Cây mắc ca ra trái mùa đầu.
Đây là lý do để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đắn đo trong phê duyệt diện tích mắc ca đến năm 2020 của cả nước. Diện tích được phê duyệt là 10.000 ha, thay vì 200.000 ha như dự kiến trước đây. Tuy vậy, mới đây trong một bài báo đăng trên Lao Động, ông Trần Vinh – Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, không ngại ngần tái khẳng định: Mắc ca là cây có giá trị kinh tế cao. Nếu đầu tư đúng cách, chăm bón đúng kỹ thuật và tìm được đầu ra, giá trị kinh tế mang lại không kém cây cà phê và hồ tiêu. 1 ha cây mắc ca có thể cho 3 -4 tấn hạt thô, trong khi đó, mỗi kg hạt thô có thể bán từ 3 – 4 USD. Còn vì sao một vài nơi, nông dân trồng mắc ca không hiệu quả là do mấy vấn đề sau: Mắc ca là cây á nhiệt đới, yêu cầu độ ẩm cao, tầng đất dày, trồng không đúng đất, cây sẽ không phát triển tốt; giống trồng không tốt, không được chọn lọc, là giống trôi nổi; chăm sóc không đúng kỹ thuật…
Cũng theo ông Trần Vinh, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên có hơn 20 giống mắc ca, trong đó H2, OC và 508 là những giống rất triển vọng, cho năng suất cao. Viện trồng thử nghiệm cây mắc ca xen với một số loài cây công nghiệp có giá trị như cà phê vối, cà phê, chè, ca cao. Kết quả bước đầu cho thấy mắc ca sinh trưởng tốt, sau 4 – 5 năm cho năng suất khoảng 10 kg hạt/cây, thậm chí có cây đạt 15 kg/năm.
Bài báo trên Lao Động còn đề cập đến vấn đề: có 8 tỉnh thích hợp để trồng cây mắc ca, đó là: Đắc Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên.
Đa Mi có thích hợp?
Trở lại với xã Đa Mi của huyện Hàm Thuận Bắc. Đây là địa phương duy nhất trong tỉnh trồng mắc ca. Lý luận của người dân ở đây rất đơn giản: Đa Mi nằm gần Bảo Lộc (Lâm Đồng), là bậc thềm của Nam Tây Nguyên. Trên đó trồng được thì Đa Mi cũng trồng được.
Mắc ca được trồng thành công ở Lâm Đồng
Theo anh Ngô Xuân Vân, Bí thư Đảng ủy Đa Mi: Người dân bắt đầu trồng xen mắc ca với sầu riêng, cà phê từ 4 năm trước. Cây cao nhất là 4m, thấp là 1,5 – 2m. Giống được mua ở các cơ sở bán giống trên thị trường, với giá 40 – 45 ngàn đồng/cây. Tổng diện tích mắc ca toàn xã ước khoảng 5 ha, nhiều nhất là ở thôn La Dày… Đã có một công ty chuyên về cung ứng giống mở hội thảo trồng mắc ca tại La Dày và nhiều nông dân tỏ ra hưởng ứng. Những nông dân trồng đầu tiên hy vọng mắc ca sẽ cho năng suất khá khi vào năm thứ 7 (đang là năm thứ 4). Vấn đề đặt ra, theo thông báo của đại diện Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Đa Mi rộng ra là Bình Thuận không nằm trong 8 tỉnh có chất đất phù hợp, tầng đất dày để trồng mắc ca. Vậy có nên tiếp tục phát triển mắc ca ở Đa Mi cho dù rất gần Lâm Đồng? Cơ quan nào chịu trách nhiệm khẳng định điều đó? Rất cần một sự nghiên cứu về chất đất, giúp nông dân, thay vì để nông dân trồng tự phát.
Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam