Đa Mi (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận): Trồng mắc ca liệu có phù hợp?

Xung quanh cây mắc ca

Cây mắc ca (Macadamia) du nhập vào Việt Nam từ năm 1992, từ đó đến nay có rất nhiều ý kiến ủng hộ, cũng như nghi ngờ hiệu quả về giống cây này. Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương và tỉnh Lâm Đồng cũng đã phối hợp tổ chức hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên”, và đặt niềm tin là mắc ca sẽ là cây làm giàu của nông dân Tây Nguyên và Tây Bắc, 2 vùng đất thích hợp. Theo đó, mắc ca trồng từ hạt sau 7 – 8 năm sẽ cho ra trái. Hạt có giá trị dinh dưỡng cao, sử dụng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhiều sản phẩm dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe, giá trị kinh tế cao. Chẳng hạn như dầu ăn, sản phẩm chăm sóc da và tóc… Có thể trồng mắc ca xen với cà phê, chè, làm cây che bóng, chắn gió, hoặc trồng tập trung thành rừng công nghiệp. Ý kiến nghi ngờ thì chỉ ra rằng: nhiều nơi trồng mắc ca không có trái, năng suất thấp, như vậy có nên đặt vấn đề phát triển trên diện rộng?…

Cây mắc ca ra trái mùa đầu.

Đây là lý do để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đắn đo trong phê duyệt diện tích mắc ca đến năm 2020 của cả nước. Diện tích được phê duyệt là 10.000 ha, thay vì 200.000 ha như dự kiến trước đây. Tuy vậy, mới đây trong một bài báo đăng trên Lao Động, ông Trần Vinh – Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, không ngại ngần tái khẳng định: Mắc ca là cây có giá trị kinh tế cao. Nếu đầu tư đúng cách, chăm bón đúng kỹ thuật và tìm được đầu ra, giá trị kinh tế mang lại không kém cây cà phê và hồ tiêu. 1 ha cây mắc ca có thể cho 3 -4 tấn hạt thô, trong khi đó, mỗi kg hạt thô có thể bán từ 3 – 4 USD. Còn vì sao một vài nơi, nông dân trồng mắc ca không hiệu quả là do mấy vấn đề sau: Mắc ca là cây á nhiệt đới, yêu cầu độ ẩm cao, tầng đất dày, trồng không đúng đất, cây sẽ không phát triển tốt; giống trồng không tốt, không được chọn lọc, là giống trôi nổi; chăm sóc không đúng kỹ thuật…

Cũng theo ông Trần Vinh, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên có hơn 20 giống mắc ca, trong đó H2, OC và 508 là những giống rất triển vọng, cho năng suất cao. Viện trồng thử nghiệm cây mắc ca xen với một số loài cây công nghiệp có giá trị như cà phê vối, cà phê, chè, ca cao. Kết quả bước đầu cho thấy mắc ca sinh trưởng tốt, sau 4 – 5 năm cho năng suất khoảng 10 kg hạt/cây, thậm chí có cây đạt 15 kg/năm.

Bài báo trên Lao Động còn đề cập đến vấn đề: có 8 tỉnh thích hợp để trồng cây mắc ca, đó là: Đắc Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên.

Đa Mi có thích hợp?

Trở lại với xã Đa Mi của huyện Hàm Thuận Bắc. Đây là địa phương duy nhất trong tỉnh trồng mắc ca. Lý luận của người dân ở đây rất đơn giản: Đa Mi nằm gần Bảo Lộc (Lâm Đồng), là bậc thềm của Nam Tây Nguyên. Trên đó trồng được thì Đa Mi cũng trồng được.

Mắc ca được trồng thành công ở Lâm Đồng

Theo anh Ngô Xuân Vân, Bí thư Đảng ủy Đa Mi: Người dân bắt đầu trồng xen mắc ca với sầu riêng, cà phê từ 4 năm trước. Cây cao nhất là 4m, thấp là 1,5 – 2m. Giống được mua ở các cơ sở bán giống trên thị trường, với giá 40 – 45 ngàn đồng/cây. Tổng diện tích mắc ca toàn xã ước khoảng 5 ha, nhiều nhất là ở thôn La Dày… Đã có một công ty chuyên về cung ứng giống mở hội thảo trồng mắc ca tại La Dày và nhiều nông dân tỏ ra hưởng ứng. Những nông dân trồng đầu tiên hy vọng mắc ca sẽ cho năng suất khá khi vào năm thứ 7 (đang là năm thứ 4). Vấn đề đặt ra, theo thông báo của đại diện Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Đa Mi rộng ra là Bình Thuận không nằm trong 8 tỉnh có chất đất phù hợp, tầng đất dày để trồng mắc ca. Vậy có nên tiếp tục phát triển mắc ca ở Đa Mi cho dù rất gần Lâm Đồng? Cơ quan nào chịu trách nhiệm khẳng định điều đó? Rất cần một sự nghiên cứu về chất đất, giúp nông dân, thay vì để nông dân trồng tự phát.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Trồng thanh long sạch đón đầu thị trường đẳng cấp

Bình Thuận xác định đây là hướng đi tất yếu và bền vững để nâng cao chất lượng và giá trị thanh long của địa phương.

Hiện nay, để tránh lệ thuộc vào thị trường truyền thống, nhiều nông dân ở tỉnh Bình Thuận đã mạnh dạn đầu tư trồng thanh long theo tiêu chuẩn an toàn GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Ngành nông nghiệp Bình Thuận xác định đây là hướng đi tất yếu để nâng cao chất lượng và giá trị của loại nông sản lợi thế này của địa phương.

Gia đình ông Nguyễn Quốc Nguyên Vũ ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam gắn bó với nghề trồng thanh long từ hơn 20 năm qua. Nhận thấy giá cả thanh long canh tác theo lối truyền thống lên xuống thất thường, 3 năm trước, ông Vũ đã quyết định chuyển hướng qua sản xuất thanh long sạch.

Thanh long Bình Thuận đã trở thành thương hiệu

Trang trại thanh long sạch Phúc An của ông Vũ hiện có 25 ha đã cho thu hoạch xuất đi các nước New Zealand, Hàn Quốc và Cananada… Ông Vũ vừa xúc tiến trồng thêm 20 ha, nâng tổng diện tích thanh long trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP của trang trại lên 45 ha.

“Người trồng nên chủ động làm cho thanh long đạt chất lượng cao hơn, từ đó nâng giá thành sản phẩm lên bằng cách sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc theo hướng hữu cơ. Sản phẩm trồng theo tiêu chuẩn sẽ không phụ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống”, ông Vũ cho biết.

Quy trình sản xuất GlobalGAP đòi hỏi kỹ thuật cao và có sự quản lý nghiêm ngặt, từ khâu chăm sóc đến khâu thu hoạch và đóng gói xuất khẩu. Theo quy trình này, vườn canh tác GlobalGAP hoàn toàn khác với vườn bình thường. Diện tích đất trong vườn phân ra thành từng khu, từng lô theo thứ tự có đánh số cụ thể để dễ dàng chăm sóc và quản lý cũng như truy nguyên nguồn gốc khi có sự cố dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc mầm bệnh xảy ra.

Tại trang trại Sơn Trà, huyện Hàm Thuận Nam, với diện tích hơn 20 ha, các nhân công chăm sóc vườn theo một kế hoạch bài bản. Các công đoạn làm vườn như bón phân, cắt cành, tưới nước… đều được người phụ trách kỹ thuật ghi chép cẩn thận theo từng khu vực và quy trình chặt chẽ.

Anh Nguyễn Hữu Phương, quản lý kỹ thuật tại Trang trại Sơn Trà cho biết, thanh long sạch trồng và chăm sóc khó hơn, trong khi các thị trường khó tính luôn đòi hỏi yêu cầu chất lượng từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển. Tuy nhiên khi đáp ứng được các yêu cầu này, sản phẩm thanh long sẽ có giá cao hơn.

Hiện nay, ngoài 2 trang trại lớn có tiếng là Hoàng Hậu và Rau quả Bình Thuận, hơn 10 trang trại khác ở tỉnh Bình Thuận cũng đang đẩy mạnh sản xuất thanh long sạch cho hiệu quả kinh tế cao, đáng kể đến như Gia Thành, Phúc An, Sơn Trà… Hầu hết sản lượng làm ra đều được xuất qua các thị trường khó tính như Đức, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… với giá ổn định xấp xỉ trên dưới 30.000 đồng/kg.

Theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 220 ha thanh long trồng theo tiêu chuẩn. Ngành nông nghiệp địa phương định hướng, từ nay đến năm 2020 phải tập trung sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn an toàn để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Ngành nông nghiệp Bình Thuận đang khuyến khích nông dân sản xuất thanh long theo hướng an toàn

Mới đây, Chính phủ Australia cũng vừa chấp nhận cho phép nhập khẩu sản phẩm thanh long Việt Nam. Điều này đã mở ra thêm cơ hội cho người trồng thanh long sạch.

Kỹ sư Phạm Hữu Thủ, Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, để xuất thanh long vào thị trường Australia phải cần có nguồn gốc xuất xứ rất rõ ràng, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác kiểm dịch, kiểm soát côn trùng. “Sở đang tiếp tục vận động bà con nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh thực hiện sản xuất theo quy trình GAP và GlobalGAP”, Kỹ sư Phạm Hữu Thủ thông tin.

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 27.000 ha thanh long, sản lượng khoảng nửa triệu tấn/năm, nhưng chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Nhìn vào bức tranh chung, diện tích sản xuất thanh long theo hướng an toàn GlobalGAP còn ít so với tiềm năng hiện có. Nhưng đứng trước xu thế hội nhập, đây là hướng đi vững chắc. Những nông dân tiên phong thay đổi tập quán, mạnh dạn đầu tư canh tác theo hướng nông nghiệp an toàn, đang mở ra hướng đi mới cho loại nông sản lợi thế này của tỉnh Bình Thuận.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Bình Thuận: Mô hình trồng nấm bào ngư ở Hàm Hiệp

Chúng tôi có dịp đến thăm cơ sở trồng nấm bào ngư thí điểm của gia đình ông Trần Văn Nhanh tại thôn Đại Lộc, xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận mới thấy hiệu quả của mô hình này. Trại trồng nấm bào ngư của ông chỉ khoảng 54 m2, làm bằng khung sắt, mái lợp xốp nhựa để giảm bớt độ nóng. Trong trại có 6.000 bịch phôi nấm được xếp lớp chồng lên nhau, cao khoảng 2,5 m, tạo thành 5 dãy song song. Trong đó có 2 dãy bịch phôi nấm đã hình thành quả thể ló ra ngoài phát triển rất nhanh, chỉ vài ngày nữa là cho thu hoạch.

Nấm bào ngư

Dẫn chúng tôi đi xem trại trồng nấm bào ngư, ông Trần Văn Nhanh cho biết: Vào tháng 6/2017, Trạm Khuyến nông huyện Hàm Thuận Bắc phối hợp Công ty TNHH Nông trại Quốc An (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) và UBND xã Hàm Hiệp triển khai thí điểm mô hình trồng nấm bào ngư cho 5 hộ dân tại thôn Đại Lộc, với tổng kinh phí 150 triệu đồng, bình quân mỗi hộ 30 triệu đồng. Đó là các hộ: Trần Văn Nhanh, Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Xuân Hiệp, Nguyễn Văn Xu, Nguyễn Văn Khánh. Riêng gia đình ông đã đầu tư 21 triệu đồng làm trại trồng nấm bào ngư bằng khung sắt, kệ sắt, được Công ty Quốc An hỗ trợ 6.000 bịch phôi nấm bào ngư, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo đúng quy trình và sẽ đứng ra thu mua sản phẩm. Ông bắt đầu thực hiện trồng nấm bào ngư từ ngày 10/7/2017, đến nay đã thu hoạch 50% bịch phôi nấm được 130 kg nấm bào ngư, với giá bán 35.000 đồng/kg, thu được 4,55 triệu đồng. Sản phẩm nấm bào ngư của ông còn ít nên chỉ bán cho bà con trong xã và các chợ ở Phan Thiết. Khi nào các hộ dân sản xuất sản lượng nhiều Công ty Quốc An sẽ ra thu mua.

Trại nấm bào ngư của gia đình ông Trần Văn Nhanh tại thôn Đại Lộc, xã Hàm Hiệp.

Theo ông Nhanh, quy trình trồng, chăm sóc nấm bào ngư cũng đơn giản, sau khi nhận 6.000 bịch phôi nấm của công ty, ông xếp thành lớp trên các kệ sắt, cách mặt đất khoảng 25 – 30 cm và phun thuốc khử trùng lên bịch phôi nấm. Hàng ngày giữ nhiệt độ trong trại từ 25 – 32oC, khi nhiệt độ vượt quá 32oC cần phun nước tưới nền trại để giảm nhiệt độ và đảm bảo vệ sinh môi trường trong trại thông thoáng, không che chắn xung quanh. Thường xuyên kiểm tra phôi nấm để loại bỏ các bịch không đạt yêu cầu. Khi các bịch phôi nấm chuyển sang màu trắng hoàn toàn thì tháo nút bông trong nắp bịch ra để 1- 2 ngày không tưới nước rồi đậy nắp bịch phôi nấm lại. Sau 10 ngày tưới thật nhiều nước lên bịch phôi nấm, nền trại và tháo nắp ra, các bịch phôi nấm bắt đầu hình thành quả thể. Khoảng 4- 5 ngày sau, các quả thể trong bịch phôi nấm bào ngư đã ló ra phát triển rất nhanh, mủ nấm mỏng lại, căng rộng ra, mép hơi quằn xuống, tai nấm có đường kính 4 – 6 cm thì bắt đầu thu hoạch. Sau khi thu hoạch tiếp tục làm vệ sinh, phun nước vôi loãng vào miệng cổ các bịch phôi nấm, khoảng 1- 2 ngày đậy nắp bịch lại và tiến hành phun nước thật nhiều lên phôi nấm bào ngư, nền trại. Khoảng 7- 8 ngày tháo nắp ra, các phôi nấm sẽ hình thành quả thể ló ra ngoài phát triển thành nấm bào ngư có mủ nấm mỏng lại, căng rộng ra cho thu hoạch tiếp lần hai.

Để nhân rộng mô hình trồng nấm bào ngư, UBND xã Hàm Hiệp đã lập kế hoạch, tờ trình UBND huyện Hàm Thuận Bắc xem xét, phê duyệt, hỗ trợ triển khai mô hình trồng nấm bào ngư thêm 13 hộ dân tại 4 thôn Đại Lộc, Xuân Điền, Phú Nhang, Phú Điền, với tổng diện tích 620 m2, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khoảng 349,93 triệu đồng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam