Các lưu ý trong kỹ thuật bón phân cho lúa

Cây lúa là cây lương thực chính của nước ta, VN là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu lúa gạo, Những chú ý khi bón phân cho lúa sau đây sẽ giúp mọi người có cách nhìn khác về cách canh tác

I.      Những điều phải nhớ:

1. Nguyên tắc bón phân N: Nặng đầu nhẹ cuối

  • Bón đạm (N) theo nguyên tắc BỐN, BA, HAI, MỘT
  • 30-40% cho đợt 1 (7-10 NSS)
  • 30-40% cho đợt 2 (18-20 NSS)
  • 20% cho đợt 3 (đón đòng 40-50 NSS):khi có trên 2/3 ruộng lúa chuyển sang màu vàng tranh và nếu cần bón 10% cho đợt 4 lúc lúa trổ xẹt (60-70 NSS).

2. Nguyên tắc bón phân Lân (P): Bón sớm từ 0-22 NSS là dứt nếu ruộng có bị xì phèn thì cần thay nước, bón lân, xịt phân bón lá, chờ cho rễ ra trắng sau đó mới được bón Urê hay DAP.

3. Nguyên tắc bón phân Kali: Rất cần bón 50kg KCl vào đợt đón đòng, cho hiệu quả cao nhất. Trên đất xám, cát, gò rất cần bón thêm vào đợt 1 (7-10 NSS) 50 kg/ha KCl.

II.      Những điều nên làm:

  • Không nên ham phân, đặc biệt là không nên bón thừa phân Urê, DAP vào cuối vụ (lúc lúa làm đòng trở đi).
  • Bón đúng theo hướng dẫn: nặng đầu nhẹ cuối, bón đúng ngày và đúng loại, đúng lượng phân đã hướng dẫn.
  • Nên bón lân nung chảy (Ninh Bình, Vân Điển) từ 200-400 kg/ha cho xám bạc màu, đất phèn (bón lót hoặc bón thúc đợt 1).
  • Đối với phân đạm nên bón hơi thiếu đến vừa đủ sau đó bổ sung bằng phân bón lá.

III.      Những điều không nên làm:

  • Bón phân lai rai làm nhiều lần vì sẽ làm tăng nhánh vô hiệu, không có lợi.
  • Bón nhiều phân đạm, vượt quá yêu cầu của cây dẫn đến lốp đổ, nhiều sâu bệnh.
  • Bón phân lúc trời mưa hoặc ruộng khô nước.
  • Bón phân SA trên đất phèn.

IV.      Hướng dẫn quan trọng cho bón phân đợt 3:

Bón phân đợt 3 (đón đòng): theo nguyên tắc nhìn trời, nhìn đất nhìn cây mà bón

  • Nhìn trời: trời mưa, trời âm u hoãn bón.
  • Nhìn đất: có đủ nước hay không, có bị xì phèn hay không. Chỗ trũng bón nhẹ tay (vì hưởng các chất dinh dưỡng trên gò trôi xuống), chỗ gò: bón nặng tay vì bị rửa trôi bớt.
  • Nhìn cây: ngày bón cụ thể là khi trên ruộng lúa có trên 2/3 cây lúa đã chuyển sang màu vàng tranh (dao động từ 45-50 ngày sau sạ đối với lúa 90 ngày, nên nhớ phải đợi lúa chuyển vàng mới bón; nếu đợi đến sau 45-50 ngày lúa vẫn còn xanh đậm thì chỉ bón 50 kg KCl và không bón một hạt Urê nào, vì nếu thừa Urê sẽ làm cho lúa lốp, lép nhiều về sau và sinh nhiều sâu bệnh. Lưu ý chỗ lúa qúa tốt không bón thêm đạm (chỉ bón độc nhất Kali); chỗ lúa tốt vừa: sương nhẹ; chỗ lúa xấu: bón nặng tay hơn.

Cách bón cụ thể: 

Sử dụng 10 kg KCL bón vào những chổ lúa tốt, còn xanh. Sau đó lấy 40 kg KCL còn lại trộn đều với 40 kg Urê bón vào những chỗ còn lại theo nguyên tắc vá áo và nặng nhẹ đã nêu trên. Lưu ý, chỗ lúa tốt đã bón Kali rồi không bón thêm gì nữa.

(1) Bón phân cho lúa không chỉ là “kỹ thuật” mà còn là “nghệ thuật” của người nông dân. Các công thức phân nêu trên chỉ mang tính tham khảo dựa trên nhu cầu cần thiết cơ bản của cây lúa. Tùy theo tình trạng đất đai và tình trạng của cây lúa mà người nông dân có thể gia giảm lượng phân nguyên chất tổng số và lượng phân cho mỗi đợt bón. Lưu ý không để xảy ra hiện tượng thiếu và thừa dưỡng chất, đặc biệt đối với phân đạm.

(2) Để phát huy hiệu quả của phân bón cho cây lúa phải áp dụng liên hoàn nhiều biện pháp tổng hợp. Trong đó chú ý đến biện pháp làm đất hợp lý, bảo đảm độ tơi, xốp, bồi dưỡng chất hữu cơ cho đất hợp lý. Không nên đốt rơm rạ vừa làm chất hữu cơ và mất chất đạm.

(3) Bổ sung lượng phân trung lượng (qua dạng phân bón rể hoặc bón lá) và phân vị lượng (tốt nhất là dạng phân bón lá). Vì những ruộng thâm canh lúa ở Việt Nam nói chung và ở ĐBSCL nói riêng đang thiếu hụt các chất trung và vi lượng trầm trọng do cây lúa bòn rút liên tục nhiều năm nhưng không được bồi hoàn trả lại.

(4) Nên phối trộn với các loại phân hữu cơ vi sinh có tác dụng cải tạo đất để làm phong phú thêm nguồn vi sinh vật đất và hạn chế tác hại do ngộ độc hữu cơ khi cày vùi rơm rạ ngay sau khi thu hoạch và tiến hành sản xuất vụ lúa tiếp theo.

Nguồn: Agriviet.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.