Chăm sóc cây bưởi, cam, quýt sau khi thu hoạch.

Cam, quýt sau thu hoạch cần được chăm sóc, vệ sinh, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh để cây tiếp tục phát triển và cho mùa bội thu sau.

– Tiến hành làm sạch cỏ dại, sau 25 – 30 ngày thu hoạch cắt tỉa các cành sâu bệnh, cành tược, khô héo, cành tăm hương, mọc không đúng hướng…

– Quét vôi vào gốc cây ngăn sự cư trú của sâu bệnh.

– Phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp: bón phân đầy đủ, cân đối, kịp thời, bón đúng kỹ thuật, phun thuốc đúng lúc, đúng cách.

Với một số sâu bệnh hại như: sâu vẽ bùa, đục thân, sâu bướm, sâu nhớt, nhện đỏ, nhện vàng, nhất là bệnh vàng lá greening… phải thường xuyên theo dõi, quan sát phát hiện sớm để kịp thời ngăn chặn. Khi cây đã bị bệnh cần phải đào, đốt hủy, rắc vôi bột vào gốc cây bị hại.

Cắt tỉa cành

Bón phân phục hồi và tưới nước: Đối với cây từ 3- 4 năm tuổi, bón 1 – 2kg AT1/gốc, cây 5- 6 năm tuổi bón 2- 3kg AT1/gốc, phân hữu cơ bón 20-50kg. Bón ngay sau khi thu hoạch, càng sớm càng tốt. Trước khi bón, đào đất chung quanh gốc tạo thành đường vành khuyên rộng 20-30cm, sâu 30-40cm theo đường chiếu vành tán cây, rải đều phân xuống và lấp đất lại.

– Thời kỳ kiến thiết (1-4 năm): Bón tập trung 1 đợt vào tháng 12 hoặc tháng 1 với lượng phân 20 – 25kg phân hữu cơ + 0,2kg sun phát đạm + 0,5kg super lân + 0,2kg kali sun phát.

– Vào thời kỳ thu quả: Bón 50kg phân chuồng + 1kg đạm + 1,2kg super lân + 0,5kg kali, chia ba lần bón:

+ Sau thu hoạch quả tháng 12 sang tháng 1: 50kg phân hữu cơ + 0,25kg super lân + 0,1kg kali.

+ Bón đón lộc xuân tháng 2 – 3: 0,6kg đạm + 0,6kg super lân + 0,25kg kali.

+ Bón thúc cành thu và nuôi quả tháng 6-7: 0,4kg đạm + 0,35kg super lân + 0,15kg kali.

– Cách bón:

+ Lần 1 (sau khi thu hoạch): bón theo vành mép tán, đào rãnh sâu 20cm, rộng 30cm. Các loại phân trộn đều cho vào rãnh lấp kín đất, tủ rơm giữ ẩm.

+ Bón thúc vào lần 2 và 3: trộn đều các loại phân hóa học rải đều trong vòng tán cây, với đảo sâu 4-5cm vùi đất lấp kín, tủ rơm rác giữ ẩm.

Bón phân xong tưới nước đều đặn, vừa phải cho phân tan để cây hấp thụ từ từ. Chú ý không nên tưới quá nhiều nước cho cây vì nếu thừa nước cây sẽ ra đọt non ảnh hưởng đến việc xử lý ra hoa.

– Cách tỉa cành và vệ sinh vườn : Cắt bỏ những cành già, cành sâu bệnh, cành vượt nằm bên trong tán, cành mọc sà dưới đất và cả những đoạn cành đã mang trái (dài 10-15cm). Cắt ngắn cỏ, chừa cỏ lại che phủ đất (hoặc che phủ bằng rơm rạ). Nếu trồng sát gốc cây thì dọn sạch cỏ, lá cây để mô được khô ráo. Cần tránh phủ sơ dừa sát gốc cây có múi để tránh lây lan bệnh Phytophthora. Các cành lá tỉa bỏ, trái hư, cỏ dại phải thu gom lại chôn lấp hoặc đốt bỏ.

– Nuôi dưỡng và bảo vệ : Định kỳ khoảng 10-15 ngày/lần, phun các chế phẩm HVP theo tỷ lệ: 30-10-10 (15g/8 lít nước) hoặc chế phẩm dưỡng lá (35ml/8 lít nước). Có thể pha chung với thuốc trừ sâu bệnh để phun xịt. Dưới gốc dùng vôi quét gốc, quét cao khoảng 1-1,5 m và rải vôi chung quanh các gốc cây, nhất là những cây bị bệnh. Nếu rễ cây bị tuyến trùng, rệp sáp tấn công có thể dùng Nokapd, Vimoca tưới vào gốc diệt, đồng thời pha thêm bột tốt rễ F.Bo để phục hồi bộ rễ nhanh, giúp cây sinh trưởng sung tốt trở lại.

Quét vôi gốc cây

Xử lý ra hoa

– Bón phân đón ra hoa, tạo mầm hoa: Trước thời điểm cho cây ra hoa 5-6 tuần, bón phân đón ra hoa (khoảng 200g DAP + 50KCL hoặc 400g AT 2/gốc 4-5 tuổi) và phun chế phẩm giúp cây tạo mầm hoa (phun F.Bo: 15g/8 lít, phun hai lần, cách nhau 4-5 ngày) trước khi ngưng tưới một tuần.

– Bắt cây cảm ứng ra hoa: Ngưng tưới và rút nước mương (nếu có) khoảng 2-4 tuần cho đến khi cây vừa “xào lá” (lá hơi héo vào buổi chiều nhưng sáng mai không tươi lại hoàn toàn). Sau đó tưới nước đẫm lại ba ngày liền, ngày tưới hai lần. Ngày thứ tư thì tưới mỗi ngày/lần.

– Phun thuốc thúc ra hoa đồng loạt: Sau khi tưới nước lại 2-3 ngày, bộ lá tươi lại, pha 35ml RA HOA C.A.T + 15g F.Bo/8 lít phun sương đều tán cây và trong thân cây hai lần (5 ngày/lần) thúc ra hoa đồng loạt, sau khi cây ra đọt non tưới hai ngày/lần.

Nguồn :Nông thôn ngày nay, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Cách bón phân cho bắp cải

Bắp cải là loại rau ăn lá, cho nên có nhu cầu đối với các nguyên tố dinh dưỡng khá cao. Với năng suất 30 tấn/ha bắp cải, cây lấy đi từ đất 125kg N, 33 kg P2­­O5, 109 kg K2O. Hiện nay ở một số cơ sở sản xuất , nông dân đã đạt đuợc các năng suất 80-100tấn/ha bắp cải, thì lượng các chất dinh dưỡng được hút đi từ đất lại càng nhiều hơn rất nhiều. Ngoài các nguyên tố đa lượng, cải bắp cũng hút đi từ đất một lượng canxi đáng kể: với mức năng suất 30 tấn/ha, cây lấy đi 2 kg CaO/ha.

Bón phân cho bắp cải

Đối với bắp cải, nông dân thường sử dụng phân bón không hợp lý về liều lượng, chưa phù hợp về chủng loại, không đúng về thời gian làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và phẩm chất bắp cải. Thường nông dân sử dụng lượng phân bón khá cao, nhất là phân đạm. Phân hữu cơ thường được bón tươi không ủ. Phân đạm được bón không cân đối với phân lân và kali. Các loại phân thường được bón quá muộn.
Phân hữu cơ rất cần thiết đối với bắp cải để nâng cao năng suất và chất lượng bắp cải. có nhiều người cho rằng chỉ bón phân hữu cơ thì có thể hạn chế được việc tích luỹ nitrat trong lá bắp cải. Nhưng thực ra càng bón nhiều phân hữu cơ thì khả năng tích luỹ nitrat( NO3) trong đất và trong bắp cải càng lớn.
Việc sử dụng đạm vô cơ không đúng cũng tạo ra nguy cơ tích luỹ nitrat trong lá bắp cải. Vì vậy, vấn đề sử dụng phân đúng liều lượng, đúng lúc và cân đối đối với bắp cải rất quan trọng.

Ruộng bắp cải

Để đảm bảo cho cải bắp đạt năng suất cao cần cung cấp cho cây 250-300kg N/ha. Trong đó khoảng 30-40% N được lấy từ phân hữu cơ(20-25 tấn/ha). Các loại phân hữu cơ đều tốt cho bắp cải, tuy nhiên phân hữu cơ cần được ủ hoai mục trước khi bón để tiêu diệt các nguồn trứng giun và vi sinh vật gây bệnh.
Bón cân đối đạm-kali là một trong những yêu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng bắp cải. Tăng liều lượng phân đạm làm tăng năng suất bắp cải, song cũng làm tăng lượng nitrat trong lá bắp cải, đặc biệt là khi bón cao hơn mức 200kgN/ha.

Chăm sóc bắp cải

Bón kali làm tăng năng suất không nhiều(8-12%) nhưng lại nâng cao đáng kể chất lượng bắp cải: giảm tỷ lệ thối nhũn, tăng độ chặt và giảm đáng kể hàm lượng nitrat trong lá cải bắp. Kali đặc biệt phát huy tác dụng tốt khi đạm được bón với liều lượng cao. Lượng kali trung bình bón cho cải bắp là 100-150 kg K2O/ha. Ở mức bón kali này, hàm lượng nitrat trong lá bắp cải không vượt qua ngưỡng cho phép ( 500mg/kg bắp cải).
Với bắp cải: Phân hữu cơ và phân lân cần được bón lót toàn bộ. Phân đạm được chia ra để bón 3 lần: bón lót, bón thúc vào thời kỳ trải lá bàng và lúc bắt đầu cuộn bắp.
Bón thúc phân cho cải bắp có thể thực hiện đến lần thứ 3, nhưng nhất thiết phải kết thúc vào trước thời gian thu hoạch là 15-20 ngày, để đảm bảo hàm lượng nitrat trong bắp cải không vượt quá giới hạn cho phép.
Phân bón cho bắp cải, nhất là bón thúc, cần được vùi sâu vừa đảm bảo tăng hiệu quả sử dụng phân của cây, vừa làm giảm khả năng đạm trong phân chuyển sang dạng nitrat.
Lượng phân bón thông thường được khuyến cáo cho bắp cải là:
Phân chuồng: 20-25 tấn/ha
N: 180-200kg/ha
P2O5 : 80-100kg/ha
K2O: 100-150 kg/ha.

Theo Khuyến nông Việt Nam, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam