‘Bà mụ’ mát tay ép đẻ thành công hàng chục loài cá biển

Gần 20 năm qua, kỹ sư thủy sản Lê Thị Như Phượng đã ép đẻ thành công gần 20 loài cá biển có giá trị kinh tế cao giúp người nuôi trồng thủy sản (NTTS) có nguồn giống phong phú, chất lượng để nuôi thương phẩm.

Kỹ sư thủy sản Lê Thị Như Phượng đã ép đẻ thành công gần 20 loài cá biển có giá trị kinh tế cao

“Phá sản” ngay lần đầu tiên đỡ cá đẻ

Hẹn chúng tôi tại trại nuôi cá giống nằm trên địa bàn huyện Ninh Hòa – Khánh Hòa, bà Lê Thị Như Phượng (SN 1972), phụ trách một công ty sản xuất cá biển giống hàng đầu Việt Nam nhưng vô cùng bình dị. Bà mặc chiếc áo khoác dày, đội mũ rộng vành, chân mang ủng nhựa, tay cầm vợt lưới… tất tả cùng các công nhân sang lựa cá giống giữa cái nắng rát người.

Mở đầu câu chuyện về cơ duyên đến với nghề “bà mụ” cho cá, bà kể, năm 1998, sau khi tốt nghiệp Khoa Nuôi trồng Trường Đại học Thủy sản Nha Trang (nay là Đại học Nha Trang) bà được nhận vào làm kỹ thuật viên một công ty thủy sản có vốn của Đài Loan.

Lúc bấy giờ, ngoài tôm sú, tôm hùm lồng, ốc hương và một số loài nhuyễn thể khác, người NTTS ở Khánh Hòa bắt đầu nuôi thương phẩm thử nghiệm một số loài cá biển như cá mú, cá hồng…

Nhận thấy con giống được đánh bắt từ tự nhiên ngày một khan hiếm trong khi chưa có một cơ sở nào sản xuất cá giống thương phẩm, kỹ sư Phượng đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng sản xuất giống cá biển bằng phương pháp sinh sản nhân tạo với ban giám đốc.

Sự táo bạo của cô gái mới ra trường, non kinh nghiệm và còn là “hàng hiếm” trong ngành nuôi trồng thủy sản (xưa nay rất ít cơ sở nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là sản xuất con giống thường không nhận phụ nữ làm việc) đã thuyết phục ban giám đốc bởi sự quyết đoán và tầm nhìn chiến lược.

Với sự tận tụy và kiến thức nền tốt, kỹ sư Phượng đã lai tạo, nhân giống nhiều loài cá khó như cá mú, cá khế vằn.

Vậy là cô kỹ sư trẻ bắt đầu “săn lùng” cá bố mẹ từ các ngư dân để nuôi vỗ cho cá phát triển.

“Cái khó nhất của nghề làm cá giống là tìm cá bố mẹ và nuôi chúng phát triển thành thục. Trong 100 con cá bố mẹ sau nhiều năm nuôi vỗ may mắn lắm có thể chọn được 40 con nhưng để tìm được 100 con bố mẹ là cả một vấn đề.

Đặc biệt là cá mú, phải hơn 3 – 6 năm nuôi vỗ (tùy kích thước cá bố mẹ) và sử dụng nhiều phương pháp mới có thể “ép” chúng thành con đực hay con cái. Bởi đây là loài không xác định giới tính khi còn nhỏ”, bà Phượng chia sẻ.

Khó nhưng kỹ sư Phương đã chọn cá mú là đối tượng ép đẻ làm cá giống. Sau 4 năm nuôi vỗ, cô nữ kỹ sư và cả công ty mừng vui khi có thể cho cá đẻ lứa đầu tiên. Tuy nhiên, lúc đó cả cá bố mẹ và con giống đều chết sạch.

Một cú sốc cực lớn với kỹ sư Phượng và của cả công ty. Mọi thứ gần như sụp đổ, mọi vốn liếng, tâm huyết và cả thời gian đã dành cho đàn cá đã mất trắng.

Không từ bỏ, nữ kỹ sư vẫn tin sẽ ép cá mú đẻ trong môi trường nuôi nhốt. Đồng thời, bà được sự hậu thuẩn của vị giám đốc lúc bấy giờ là hôn phu nên tiếp tục nghiên cứu công việc dang dở.

“Làm thủy sản là phải lao vào làm, phải sống với thất bại để rút tỉa kinh nghiệm. Thất bại giúp tôi nhận ra những thiếu sót nên sau lứa cá bố mẹ chết ngay lần đầu ép cá đẻ tôi đã thành công”, bà Phượng nói.

Nhiều lần thất bại nhưng bản thân kỹ sư Phượng luôn nghĩ đó là bài học và bà tâm niệm làm thủy sản là phải dấn thân, phải làm để rút tỉa kinh nghiệm. Trong ảnh, các công nhân đang sang lựa cá giống tại trại cá của kỹ sư Phương.

Không từ bỏ

Khi cá con nở, kỹ sư Phượng như quay cuồng không phải vì vui mừng mà xoay sở tìm thức ăn, cân bằng môi trường phù hợp với cá con trong môi trường nuôi nhốt. Lý do là, cá con nhỏ như đầu tâm, miệng nhỏ hơn đầu kim nên tìm mồi nhỏ từng ấy là cả một vấn đề.

Rồi môi trường nước phải được xử lý như thế nào để cá con khỏe mạnh, sinh trưởng tốt và kháng bệnh cao. Tất cả đều mới mẻ với kỹ sư Phượng và buộc bà không ngừng học hỏi, rút kinh nghiệm qua từng ngày.

Hơn 18 năm làm cá giống, bà Phượng đã ép đẻ thành công gần 20 loài, riêng cá mú (loại cực khó trong quá trình lai tạo con giống) bà đã ép đẻ thành công 5 giống khác nhau. Trong có cả việc lai cá mú cọp với cá mú đen để ra con mú trân châu đang thịnh hành trên thị trường.

Hiện thương hiệu Phượng “cá giống” đã trở nên thân thuộc với người NTTS cả nước. Từ 5 loài cá mú đến cá bớp, cá gáy, cá vược… đến cá tai bồ, cá bè, cá khế vằn bà ép đẻ làm giống nuôi thương phẩm đã giúp người NTTS yên tâm làm giàu.

Từ nhiều năm nay, thương hiệu cá giống của kỹ sư Phượng luôn được người NTTS tin dùng.

“Chị Phượng không chỉ bán con giống mà còn đồng hành với người nuôi. Cá có vấn đề về dinh dưỡng, nguồn nước, bệnh tật có thể gọi chị bất cứ lúc nào. Cái nào biết, chị tư vấn ngay.

Trường hợp lần đầu, hay ca khó chị bảo gửi mẫu để chị đưa đi phân tích để tránh, hạn chế rủi ro. Nhờ sự đồng hành của chị Phượng mà người NTTS như tôi rất an tâm”, ông Võ Văn Vinh, một người nuôi cá bớp ở Vạn Ninh nhận định.

Chính sự gần gũi và sẵn sàng hỗ trợ người NTTS đã giúp chị Phượng tạo được lòng tin nơi họ. Và cũng xuất phát từ mối quan hệ đó mà nhiều giống cá chị làm mới là do chính người nuôi trồng yêu cầu.

“Nhiều giống cá có giá trị kinh tế cao như cá gáy, cá bè, cá khế vằn… sau một thời gian bị đánh bắt đã cạn kiệt con giống tự nhiên nên người dân nói mình ép đẻ làm giống vậy là bắt tay mày mò làm.

Nhưng cũng chính sự gần gũi và tin tưởng nên tôi nhờ họ kiếm giúp cá bố mẹ để nuôi vỗ là có ngay. Vì để tìm được vài chục con cá bố mẹ là cả một vấn đề nếu không có sự hỗ trợ của người NTTS”, bà Phượng tâm sự

Với mỗi giống cá mới, bà đều được người NTTS tin tưởng đón nhận và được Sở KHCN, Hội Nông dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và cá giải thưởng về qui trình lai tạo giống mới.

Với đề tài kỹ thuật sản xuất thành công giống nhân tạo cá khế vằn nuôi thương phẩm, kỹ sư Lê Thị Như Phượng vừa được trao giải nhì trong hội thi Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ VII. 

“Không một việc gì là thành công ngay mà không gặp thất bại, nhất là với ngành thủy sản. Phải làm và làm sẽ thấy được mình đúng và sai chỗ nào.

Chính việc lao vào công việc và tự tin bước tiếp đã giúp tôi thành công trong việc ép đẻ thành công nhiều giống cá biển để nuôi thương phẩm”, kỹ sư Lê Thị Như Phượng tâm niệm.

Nguồn: Đời sống & Pháp lý được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hóa chất trị rận biển và tác hại với các sinh vật khác

Để xử lý cá bị rận biển, người nuôi thường sử dụng các loại hóa chất. Tuy nhiên, các loại hóa chất này lại gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.

Rận biển là một nhóm các giáp xác chân chèo sống kí sinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe của vật chủ, đặc biệt là các loài thủy sản nuôi như cá hồi.

Emamectin benozoate (EMB) là một loại thuốc trừ sâu hữu hiệu, thường được sử dụng để trị nhiễm rận biển trong nuôi cá. Mặc dù là hóa chất có ích khi đảm bảo sức khỏe cho cá và duy trì được sản lượng cá hồi có lãi, nhưng EMB không phải không có những mặc trái của nó. Đã có những tranh cãi trong việc sử dụng EMB do các tác động bất lợi được đã báo cáo đối với các loài khác (không phải là đối tượng trị bệnh), được coi là quan trọng để duy trì một môi trường lành mạnh.

EMB được sử dụng nhiều

Mặc dù từ năm 2012 – 2013 việc sử dụng emamectin đã giảm, nhưng đến năm 2014 thì tăng trở lại ở một số quốc gia như Na Uy do rận biển đang dần kháng lại các biện pháp xử lý thay thế. EMB là chất gây độc thần kinh mạnh đối với côn trùng và các giáp xác chân chèo như rận biển, và cuối cùng có thể dẫn đến chết do bị tê liệt. Thuốc trừ sâu có hiệu nghiệm này cũng gây độc cao cho các loài giáp xác như tôm hùm Mỹ, và do đó làm dấy lên mối quan tâm về những ảnh hưởng bất lợi đến các loài không phải là đối tượng trị bệnh nhưng lại có giá trị về kinh tế.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu nước Na Uy (the Norwegian Institute for Water Research – NIVA) đã tiến hành một loạt các nghiên cứu để xác định đặc tính gây độc của EMB ở loài giáp xác không phải là đối tượng xử lý bệnh. Nghiên cứu đã được công bố gần đây ở Tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường.

You Song, một nghiên cứu sau tiến sĩ tại NIVA, giải thích: “Giáp xác nước ngọt và loài thử nghiệm độc tính theo chuẩn OECD, Daphnia magna, đã được sử dụng như là một mô hình tham khảo”.

Song cho biết thêm: “Bằng cách kết hợp giữa thử nghiệm độc tính cấp tính đã được tiêu chuẩn hóa với các kỹ thuật phân tử và tế bào cải tiến, người ta đã chứng minh EMB vừa ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh ở D. magna, vừa can thiệp vào sự lột xác bình thường do làm rối loạn các tín hiệu của tuyến nội tiết”.

Những cơ chế tiềm năng này có thể là động lực chính gây ra tỷ lệ tử chết cao của các động vật được quan sát trong nghiên cứu này.

Có nên hạn chế sử dụng EMB?

Nghiên cứu kết luận rằng điều trị rận biển bằng EMB có thể gây nguy hiểm đối với các loài giáp xác không phải là mục tiêu trị bệnh trong các vùng nước gần các trang trại nuôi cá.

Nhà nghiên cứu cao cấp và quản lý dự án, Knut Erik Tollefsen, của NIVA cho biết: “Việc đánh giá để mở rộng quy mô vấn đề và xác định liệu cần có những hạn chế sử dụng đặc biệt hay không cần phải được xem xét để đảm bảo sử dụng bền vững các loại thuốc thú y trong nuôi trồng thuỷ sản”.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá chim trắng vây vàng

Cá chim trắng vây vàng là đối tượng thủy sản nuôi mới có giá trị kinh tế cao. Hiện nay cá chim trắng vây vàng được nuôi khá phổ biến ở một số địa phương và nhiều mô hình nuôi thử nghiệm đối tượng này ở một số địa phương khác cũng cho thấy có hiệu quả kinh tế cao. Do đó, việc sản xuất nhân tạo giống cá chim trắng vây vàng là yêu cầu cấp thiết để phát triển nghề nuôi đối tượng thủy sản nhiều tiềm năng này.

Cá chim trắng vây vàng – Stromateoides argenteus

1. Đặc điểm sinh trưởng và sinh sản

Cá chim vây vàng có kích thước tương đối lớn, chiều dài có thể đạt 45-60cm. Cá sinh trưởng nhanh, trong điều kiện nuôi bình thường một năm có thể đạt quy cách cá thương phẩm cỡ 0,5-0,7 kg. Từ năm thứ hai trở đi mỗi năm trọng lượng tuyệt đối tăng là 1 kg. Mùa sinh sản của cá chim vây vàng từ tháng 4-5 và duy trì cho đến tháng 8. Sức sinh sản của cá thể 40-60 vạn trứng. Trong thiên nhiên cá hương 1,2-2 cm bắt đầu bơi vào vùng biển cạn, cá lớn 13-15cm bắt đầu di cư từ vùng biển cạn ra vùng biển sâu. Hiện nay, ngoài tự nhiên cá thành thục ở 7-8 tuổi nếu muốn cho cá thành thục sớm cần phải tiêm kích dục tố, nuôi vỗ cá bố mẹ một cách khoa học. Trong thực tiễn sản xuất chứng minh cá chim vây vàng 4 tuổi tuyến sinh dục đạt độ thành thục, qua đó kích thích cá có thể phóng trứng thụ tinh và ấp nở thành cá bột bình thường.

Kiểm tra mức độ thành thục của cá thường được tiến hành trước 1 tuần trước khi cá đẻ nhằm quyết định thời điểm cá đẻ thích hợp. Chỉ có cá bố mẹ có tuyến sinh dục thành thục ở mức độ nhất định mới có thể đưa vào cho sinh sản nhân tạo. Tiêu chuẩn chọn cá cái cho sinh sản, kiểm tra trứng bằng que thăm trứng, trứng có đường kính từ 0,4-0,5 mm, các hạt noãn hoàn phân bố đều, không còn khoảng cách giữa noãn hoàn và nang trứng. Đối với cá đực, vuốt nhẹ phần bụng thấy có sẹ chảy ra và tan nhanh trong môi trường nước. Trong quá trình nuôi vỗ thường xuyên kiểm tra mức độ thành thục của cá để có biện pháp cho đẻ kịp thời.

2. Nuôi vỗ cá bố mẹ

Cá bố mẹ được lựa chọn từ đàn cá trưởng thành nuôi tại ao nuôi thương phẩm. Chọn cá khoẻ mạnh, không bị tổn thương, xây xát; cá cái, cá đực tuổi từ 2 tuổi trở lên; trọng lượng từ 2-3kg/con. Tỷ lệ cá đực/cá cái là 1/1 để đưa vào nuôi vỗ.

Ao đất nuôi vỗ cá bố mẹ có diện tích khoảng 1.000 m2, độ sâu mức nước 1,5 m, chất đáy là cát thịt, độ dày lớp bùn đáy 10-15 cm. 2 tuần nuôi cuối trước khi cho cá sinh sản, cá bố mẹ được nuôi trong bể xi măng có thể tích 80-100m3, độ sâu 1,5-1,8m. Môi trường nuôi vỗ: Môi trường nuôi vỗ cá bố mẹ có nhiệt độ trung bình 24-280C, pH 7,5-8,5; Oxy trên 4 mg/l, độ mặn 26-30‰. Mật độ nuôi vỗ cá bố mẹ trong ao từ 10-15 kg/100m2. Bể xi măng: 1-2 kg/m3.

3. Chăm sóc, quản lý

Nuôi vỗ chính vụ cá chim vây vàng từ tháng 2 đến tháng 4. Thức ăn nuôi vỗ cá bố mẹ gồm có cá tạp tươi hoặc thức ăn công nghiệp dùng cho cá biển có hàm lượng protein (chất đạm) 35-40%, lipit (chất béo) 10-12%. Khẩu phần ăn từ 3-4% khối lượng cá nuôi; cho cá ăn ngày một lần, vào lúc 8 giờ.

4. Kiểm tra mức độ thành thục sinh dục của cá

Đối với cá cái, dùng ống nhựa mềm có d = 1mm, đưa ống nhựa qua lỗ sinh dục vào tới buồng trứng, lấy một số tế bào trứng ra quan sát và đánh giá: nếu quan sát thấy chưa rõ hạt trứng thì buồng trứng mới ở giai đoạn II; các hạt trứng không đều cỡ, không tròn, còn dính lại nhau thì buồng trứng ở giai đoạn III; các hạt trứng có màu xanh vàng, tròn, rời thì buồng trứng ở giai đoạn IV, cá đã thành thục, tiến hành cho đẻ. Đối với cá đực, kiểm tra sẹ, thấy cá có sẹ trắng sữa, tan nhanh trong nước, cá đã thành thục chọn cho đẻ.

Kiểm tra mức độ thành thục sinh dục của cá bố mẹ

5. Cho cá đẻ

Bể cho cá đẻ là bể xi măng hay composit, có thể tích chứa nước 70-100 m3, độ sâu 1,3-1,5m, có đường cấp nước, thoát nước thuận tiện, bể có mái che và hệ thống sục khí. Điều kiện môi trường sinh thái thích hợp nhất cho cá đẻ trứng: nhiệt độ nước từ 28-300C, độ mặn từ 30-32‰, oxy hoà tan ≥ 4mg/lít, pH từ 7,8-8,5.

Chọn cá cái: sử dụng ống nhựa mềm có đường kính 1mm đưa qua lỗ sinh dục, vào tới buồng trứng, hút trứng ra để kiểm tra. Nếu thấy trứng có màu trắng ngà, các hạt trứng tròn, đều, rời nhau là cá thành thục tốt, chọn cá cho đẻ. Nếu các hạt trứng dính lại, không đều, không rời nhau là trứng còn non. Nếu các hạt trứng rời nhau, nhão, mầu trắng đục là trứng thoái hóa. Chọn cá đực: cũng dùng ống nhựa mềm có đường kính 1mm đưa vào lỗ liệu sinh dục hút sẹ để kiểm tra, nếu thấy sẹ đặc, màu trắng sữa, tan nhanh trong nước là sẹ tốt chọn cá cho đẻ.

Sử dụng chất LRH-A2 kết hợp với HCG liều lượng 8-10mg + 300-500 UI HCG/1kg cá cái; Cá đực liều lượng bằng 1/2 so với cá cái. Liều lượng chất kích thích sinh sản cho cá có thể nhiều hoặc ít hơn phụ thuộc vào mức độ thành thục của tuyến sinh dục tại thời điểm cho cá đẻ. Tiêm chất kích thích sinh sản từ 1-2 lần trong một đợt cho cá đẻ tuỳ thuộc mức độ thành thục của cá tốt hay chưa thật tốt. Nếu tiêm 2 lần, lần 1 chỉ tiêm LRH-A2 với liều lượng 1/4-1/3 tổng lượng thuốc cần dùng, nơi tiêm là phần mềm gốc vây ngực của cá (vây P).

Sau khi cá đẻ khoảng 2-3 giờ tiến hành thu toàn bộ trứng có trong bể. Khi thu trứng trong bể đẻ, dùng vợt có kích thước mắt lưới là 60 mắt/cm2, vợt loại nhỏ: 80cm x 35cm x 120cm, vợt loại lớn 5m x 1,2m x 4m để thu trứng. Trứng cá thu được chuyển vào thùng nhựa có thể tích là 100 lít để tách trứng thụ tinh; môi trường tách trứng thụ tinh có độ mặn 30-32‰. Trứng cá chim vây vàng thụ tinh thường nổi trên mặt nước, trứng không thụ tinh hoặc hỏng thường chìm xuống đáy. Dùng tay khuấy tròn dòng nước trong thùng rồi để yên khoảng 5-7 phút cho trứng thụ tinh nổi trên bề mặt, các trứng không thụ tinh, trứng hỏng và các chất bẩn lắng chìm xuống đáy thùng. Dùng vợt có kích thước mắt lưới 60 mắt/cm2 để vớt trứng thụ tinh chuyển vào bể ấp, tiến hành 2-3 lần đến khi thu hết trứng thụ tinh.

6. Ấp trứng và ương nuôi ấu trùng

Dụng cụ ấp trứng là bể composite có thể tích1m³, có sục khí. Môi trường ấp trứng là nước biển sạch, các yếu tố môi trường đảm bảo trong quá trình ấp trứng: độ mặn 30-32‰, nhiệt độ 26-300C, pH: 7,8-8,5, ôxy hoà tan ≥ 5mg/lít. Trứng thụ tinh được chuyển vào bể ấp trứng, mật độ ấp trứng từ 400-500 trứng/lít.

Bể ấp đặt ở nơi thoáng mát tránh ánh sáng mặt trời chiều trực tiếp vào môi trường ấp trứng. Duy trì sục khí liên tục. Hút bỏ trứng chìm ở đáy bể đảm bảo môi trường sạch. Thời gian ương nuôi ấu trùng từ 60-72 giờ, cũng là thời điểm cá phát triển thành cá bột.

7. Ương nuôi cá bột lên cá hương 2-3cm

Bể ương: bể xi măng hình chữ nhật hoặc bể composite hình tròn, có chiều cao 1-1,2m, dung tích bể 10-20m3. Bể có hệ thống sục khí, hệ thống cấp thoát nước thuận tiện. Trước khi đưa ấu trùng vào bể ương nuôi phải vệ sinh, sát trùng bể sạch. Điều kiện môi trường: độ mặn 28-30‰; nhiệt độ 26-300C; pH 7,8-8,5; Oxy hoà tan ≥ 4mg/lít.

Ấu trùng cá chim vây vàng thả vào nuôi phải có chất lượng tốt, cá khoẻ mạnh, tỷ lệ dị hình dưới 0,05%. Mật độ ương từ 2.000-3.000 con/m3. Mức nước ban đầu ở bể ương 0,5 m. Ngày nuôi thứ 2 đến ngày thứ 6, hàng ngày cấp thêm 10 cm nước vào bể ương. Mức nước trong bể ở ngày nuôi thứ 6 đạt 1m. Ngày thứ 7, thay 40% lượng nước trong bể, sau đó cấp thêm 10cm nước, nâng mức nước trong bể lên 0,7m. Ngày thứ 9 cấp thêm nước, nâng mức nước trong bể lên 0,8m.

Ương ấu trùng cá chim trắng vây vàng

Ngày thứ 11 cấp thêm nước, nâng mức nước trong bể lên 0,9m. Ngày thứ 13 cấp thêm nước, nâng mức nước trong bể lên 1m. Ngày thứ 14 trở đi, hàng ngày tiến hành si phông đáy và thay 50% nước trong bể. Từ ngày nuôi thứ nhất đến ngày thứ 5, cấp tảo Nanochloropsis ocunata hoặc Chlorellasp vào bể ương đạt mật độ 50-100 vạn/ml; vớt váng ở tầng mặt bể ương 2 lần một ngày.

Thức ăn ban đầu của cá là luân trùng. Trước khi đưa luân trùng vào bể ương,luân trùng phải được giàu hoá bởi tảo Nanochloropsis ocunata hay Chlorella sp nhằm nâng cao chất lượng thức ăn, tăng tỷ lệ sống cá nuôi. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần, duy trì mật độ luân trùng trong bể ương từ 6 – 8 con/ml. Đến ngày nuôi thứ 14, ngoài luân trùng, cho cá ăn thêm Nauplius Artemia; và Copepodda đảm bảo có từ 10-15 con/ml nước trong bể ương. Ngày thứ 20 trở đi ngoài cho cá ăn Artemia và Copepodda giảm còn 5-7 con/ml thì cho cá ăn thức ăn hỗn hợp là thịt cá băm nhỏ hợp với cỡ miệng khẩu phần ăn từ 0,8- 1,2 kg cá/1 vạn cá con.

Cá chim trắng vây vàng giống

Đến thời kỳ này cũng có thể tập cho cá ăn thức ăn hỗn hợp chế biến ở dạng viên nhỏ, kích cỡ thức ăn hỗn hợp bắt đầu từ số 0 (cỡ 250mm) tăng dâng lên số 1 (cỡ 400 mm), khi cho ăn phải quan sát theo dõi cá ăn, để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Sau 5 ngày nuôi tiến hành xi-phông đáy 1 lần/ ngày vào lúc 8 giờ để loại bỏ chất thải và xác chết ra ngoài bể ương. Chú ý, quá trình xi-phông đáy không hút lẫn cá con và duy trì các yếu tố môi trường nuôi cá.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Hiện tượng nước biển nóng lên làm kích cỡ cá biển giảm

Kích cỡ cá biển dự kiến sẽ giảm từ 20% đến 30% nếu nhiệt độ nước biển tiếp tục tăng do biến đổi khí hậu.

Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia đã đưa ra một giải thích sâu hơn về lý do tại sao cá dự kiến ​​giảm kích thước.

Phó giáo sư William Cheung, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, các loài cá không thể điều chỉnh được nhiệt độ cơ thể của chúng, khi môi trường nước nóng lên, sự trao đổi chất của chúng sẽ tăng lên và chúng cần thêm oxy để duy trì các chức năng của cơ thể.

Daniel Pauly, tác giả chính của nghiên cứu này và là nhà nghiên cứu chính của Sea Around Us tại Viện Hải dương học, cho biết khi cá phát triển đến độ trưởng thành, nhu cầu oxy tăng lên vì khối lượng cơ thể của chúng lớn hơn. Tuy nhiên, diện tích bề mặt của mang cá – nơi nhận oxy – không phát triển ở tốc độ giống như phần còn lại của cơ thể. Theo ông, nhóm nguyên tắc này giải thích tại sao cá dự kiến giảm kích cỡ.

Chẳng hạn, khi một con cá giống như cá tuyết có tăng trọng lượng cơ thể đạt đến 100%, thì mang cá chỉ tăng đến 80% hoặc ít hơn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, quy luật sinh học này củng cố dự báo kích thước cá sẽ giảm và thậm chí còn nhỏ hơn so với các nghiên cứu trước đây.

Nước nóng lên làm nhu cầu oxy của cá tăng nhưng biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến lượng oxy ít hơn trong các đại dương. Điều này có nghĩa là mang cá sẽ nhận ít oxy hơn để cung cấp cho cơ thể đang phát triển với tốc độ nhanh. Các nhà nghiên cứu cho biết điều này buộc cá ngừng phát triển và dừng lại ở kích thước nhỏ hơn để có thể đáp ứng nhu cầu với lượng oxy giảm.

Một số loài có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi sự kết hợp của các yếu tố này, trong đó có cá ngừ.

Kích cỡ cá giảm sẽ ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản cũng như sự tương tác giữa các sinh vật trong hệ sinh thái.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Tìm hiểu về bệnh ở cá ngừ nuôi lồng và biện pháp phòng trị

Cá ngừ đại dương là một trong các đối tượng thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta, đứng hàng thứ ba về giá trị xuất khẩu sau tôm sú và cá tra/cá basa. Tuy nhiên, sản phẩm cá ngừ dành cho xuất khẩu hiện nay đều được khai thác từ ngoài biển khơi.

 cá ngừ nuôi lồng

Cho đến nay, ở nước ta chưa có nghề nuôi cá ngừ đại dương. Nói chính xác hơn, đã có một vài doanh nghiệp tiến hành nuôi thử nghiệm cá ngừ trong lồng lưới ở ngoài vịnh và bước đầu đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá.

Do vậy, để đáp ứng đòi hỏi của tiêu thụ nội địa và chủ động trong việc tạo nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu, gia tăng giá trị cho sản phẩm và giảm áp lực lên khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, trong tương lai rất cần hình thành và phát triển nuôi cá ngừ đại dương – một nghề mang lại nhiều lợi ích cả về phương diện kinh tế và xã hội.

Trong quá trình triển khai thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu nuôi thương phẩm cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares) và cá ngừ mắt to (Thunnus obesus) tại Việt Nam”, nhóm cán bộ nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã tiến hành nuôi cá ngừ trong lồng đặt tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Trong thời gian nuôi đã phát hiện một số cá thể bị chết vì những nguyên nhân khác nhau như cá bị mắc lưới hoặc cá có dấu hiệu bị bệnh. Ngoài ra, cũng có những cá thể bị chết không rõ vì lý do gì (?).

Riêng đối với cá ngừ bị chết do có dấu hiệu bệnh lý, đề tài đã tiến hành thu mẫu để tìm hiểu các bệnh thường gặp ở cá nuôi lồng như bệnh ký sinh trùng, bệnh vi khuẩn, bệnh nấm, bệnh virus, và nhận thấy cá ngừ nuôi chủ yếu mắc bệnh ký sinh trùng. Bên cạnh đó còn một số cá thể mắc bệnh vi khuẩn.

  1. Bệnh ký sinh trùng

Cá ngừ nuôi lồng bị nhiễm ký sinh trùng thường có các dấu hiệu bệnh lý sau: Cá xuất hiện các vết thương ở trên thân cá và có biểu hiện ngứa ngáy, bơi nhanh xung quanh lồng rồi bơi lên mặt lồng, thỉnh thoảng bắt gặp cá bị mù mắt (được gọi là hiện tượng “nổ mắt”).

Đã phát hiện 3 loài ký sinh trùng nhiễm trên cá ngừ nuôi lồng có dấu hiệu bệnh được thu mẫu, gồm: trùng quả dưa nước mặn Cryptocaryon irritans ký sinh ở mang cá với tỷ lệ nhiễm là 36%, trùng lông Paranophrys sp. ký sinh ở mang và da cá với tỷ lệ nhiễm 28%, và rận cá Caligus sp. ký sinh ở da cá với tỷ lệ nhiễm 24%. Cả 3 loài ký sinh trùng này đều nhiễm trên cá ngừ nuôi với cường độ thấp. Điều đáng nói là chỉ phát hiện thấy cá ngừ nuôi bị nhiễm ký sinh trùng khi chúng có kích cỡ dưới 15 kg và vào những lúc môi trường nước biển bị đục, độ trong của nước thấp (chỉ từ 1,5 đến 2 mét).

  1. Bệnh vi khuẩn

Cá ngừ nuôi lồng mắc bệnh vi khuẩn do bị nhiễm Vibro sp. gây bệnh xuất huyết, và thường xuất hiện các dấu hiệu bệnh lý như vây bị ăn mòn, thối rữa, mắt bị lồi và xuất huyết. Khi mổ cá thấy cá có dấu hiệu đặc trưng của bệnh do vi khuẩn gây ra là dưới cơ thịt cá bị xuất huyết.

* Một số biện pháp phòng trị bệnh cho cá ngừ nuôi lồng:   

Công tác quản lý sức khỏe và phòng trị bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi là rất cần thiết nhằm tránh rủi ro vì dịch bệnh gây ra, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi và tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với cá ngừ nuôi lồng cũng vậy. Trong quá trình nuôi cá, phải theo dõi chặt chẽ chế độ cho ăn hàng ngày, quan sát mọi hoạt động của cá để có những biện pháp xử lý đúng và kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, do cá ngừ có đặc điểm bơi liên tục và với tốc độ cao nên nếu xảy ra hiện tượng cá bị bệnh, người nuôi sẽ vô cùng khó khăn (nếu không nói là không thể thực hiện được) khi bắt cá ra khỏi lồng để chữa trị. Do đó, một việc vô cùng quan trọng là phải tích cực phòng bệnh và nâng cao sức đề kháng với bệnh của cá ngừ nuôi.

Để phòng trị bệnh cho cá ngừ nuôi, cần áp dụng một số biện pháp sau:

– Khử trùng khu vực nuôi cá: Treo thuốc khử trùng dạng viên sủi có hoạt chất chính là trichloisocyanuric axit ở xung quanh lồng, với liều lượng 4 viên (100 gam) cho một lồng hình trụ tròn (đường kính 16 mét, chu vi miệng lồng 50 mét, chiều cao lưới 10 mét) để khử trùng vùng nuôi. Việc treo thuốc được thực hiện liên tục trong suốt thời gian nuôi cá.

– Nâng cao sức đề kháng và phòng bệnh cho cá nuôi bằng cách bổ sung các vitamin C và E vào thức ăn của cá 2 lần mỗi tuần với liều lượng bằng 0,5% khối lượng thức ăn cho cá.

– Cần đặt lồng nuôi cá ngừ ở vùng nước có độ trong lớn (thường trên 5 mét) và xa các khu vực nuôi cá lồng bè khác. Cũng cần sử dụng lồng nuôi có kích thước lớn hơn, chu vi miệng lồng hơn 100 mét, để cá ngừ có khoảng không gian bơi lội rộng hơn, phù hợp với đặc điểm vận động của cá, giảm nguy cơ cá lao đầu vào lưới xung quanh lồng và bị chết.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam