Nuôi Cá Bơn công nghệ cao hướng làm giàu trên vùng đất cát ven biển Hà Tĩnh

Dồn sức kịp tiến độ

Dự án nuôi cá mú, cá bơn chính thức được khởi động sau khi UBND tỉnh ra Thông báo số 384, ngày 29/9/2014 về “Chiến lược phát triển mô hình nuôi cá trên cát có giá trị kinh tế cao”. Kể từ đó, Sở NN&PTNT, với vai trò chủ công, đã phối hợp với đối tác là Công ty Fineton (Hồng Kông) khảo sát thiết kế dự án và cùng chính quyền các địa phương lựa chọn nhà đầu tư.

HTX Nuôi trồng thủy sản và kinh doanh thương mại Việt Hải tranh thủ làm ngày làm đêm để hoàn thành ao nuôi cá mú kịp ngày thả giống cuối tháng 2 năm 2015.

3 vùng đất cát ven biển: Xuân Liên (Nghi Xuân); Thạch Trị, Thạch Lạc (Thạch Hà); Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) với diện tích gần 20 ha được chọn làm các mô hình thí điểm. Đồng thời, các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản cũng như nguồn lực kinh tế dồi dào được “chọn mặt gửi vàng”, giao trách nhiệm thực hiện dự án, gồm: Công ty Hoàng Dương, Công ty TNHH Như Nam, HTX Nuôi trồng thủy sản và Kinh doanh tổng hợp Việt Hải.

Mục tiêu ấn định cho ngày thả giống cá mú chậm nhất là cuối tháng 2/2015. Bởi vậy, “sức ép” tiến độ có tác động lớn đến các ngành chức năng, chính quyền địa phương và cả nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh: Nếu cuối tháng 2 không thả giống sẽ mất cơ hội và dự án sẽ bị chậm lại đến năm 2016. Do vậy, quá trình từ thiết kế, thẩm định đến xem xét lựa chọn vùng đất và nhà đầu tư đều được các ngành linh hoạt lồng ghép nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Bắt tay vào cuộc “chạy đua”, các huyện, xã cũng gặp không ít khó khăn bởi công tác GPMB liên quan đến hàng chục hộ dân. Đặc biệt là tại Xuân Liên phải lập lại dự án đầu tư vì diện tích nuôi cá bơn, cá mú chồng chéo với phần diện tích đã được UBND tỉnh phê duyệt nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc đang “thuận buồm xuôi gió”. Công tác GPMB cơ bản hoàn tất, cả 3 nhà đầu tư đang tích cực tiến hành san lấp và xây dựng các trại. Hiện tại, các nhà đầu tư đã chuyển hơn 137.000 USD để mua giống và trong những ngày tới sẽ chuyển đủ 90% tiền giống, tương đương hơn 273.000 USD.

Hứa hẹn hiệu quả cao

Dự án nuôi cá mú, cá bơn trên cát công nghệ cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả khai thác những vùng cát trắng; đồng thời, ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa. Bởi vậy, quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư sẽ nhận được sự hỗ trợ khá lớn từ những cơ chế, chính sách của tỉnh. Hiện tại, 3 nhà đầu tư đều bỏ ra nguồn vốn 5-6 tỷ đồng/mô hình.

Công ty Hoàng Dương đẩy nhanh tiến độ thi công ao nuôi tại Xuân Liên (Nghi Xuân) để nuôi cá mú.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nuôi trồng thủy sản và Kinh doanh tổng hợp Việt Hải – Tôn Đức Việt, đơn vị từng nuôi cá mú hơn 15 năm, tự tin: “Dự án sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Theo tính toán, kinh phí trọn gói cho mô hình nuôi cá mú hơn 3 tỷ đồng; sau khoảng 3 năm sẽ hoàn vốn. Trong khi đó, chi phí cho mỗi ha nuôi cá bơn hơn 10 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn 6 năm. Đặc biệt, đây là những mô hình nuôi hợp tác nên ngoài hỗ trợ của tỉnh, các nhà đầu tư còn được cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm (lợi nhuận được chia theo tỷ lệ: nhà đầu tư 70%, công ty Fineton 30%). Ông Nguyễn Công Hoàng cho biết: “Nếu so với nuôi tôm, lợi nhuận của 2 loại cá không bằng, tuy nhiên, lợi thế của nuôi cá là ít xảy ra dịch bệnh và rủi ro không lớn”.

Dự án nuôi cá bơn, cá mú công nghệ cao sẽ mở ra hướng làm giàu đối với các địa phương ven biển. Khi các mô hình đi vào hoạt động, sẽ tạo hàng trăm việc làm cho lao động địa phương.

Nguồn: Báo Hà Tĩnh được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nhận biết và phòng trị một số bệnh thường gặp khi ương nuôi Cá Bơn Vỉ

Cá bơn vỉ có thân cá to, thịt thơm ngon, hàm lượng đạm cao. Cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, sức sinh sản mạnh.

1. Bệnh nấm

Bệnh thường phát sinh khi cá được 25 ngày tuổi, chiều dài cơ thể 9mm.

Cá nhiễm bệnh da bị phồng rộp lên dẫn đến các tế bào biểu bì của cá bị hoại tử.

– Dấu hiệu bệnh lý: cá xuất hiện các đốm trắng thường ở phía trước vây lưng, đó là các quần thể nấm có kích cỡ thường 1×100 µm, vi khuẩn nấm hình sợi.

– Phòng bệnh: Trước và trong quá trình ương nuôi, công trình nuôi, dụng cụ phải vệ sinh, nguồn nước ương nuôi cá phải sạch.

Đây là phương pháp tốt nhất để ngừa bệnh.

– Trị bệnh: phun hoá chất pronopol xuống bể ương nuôi với nồng độ 3-5 ppm.

2. Bệnh truyền nhiễm về đường ruột

Bệnh thường phát sinh ở cá được 30 ngày tuổi, giai đoạn cá chuyển xuống sống đáy.

Nuôi trong điều kiện nhiệt độ nước 18-200C thì tỷ lệ cá mắc bệnh giảm.

Khi cá nhiễm bệnh sẽ chết rất nhanh, thường 3-5 ngày cá có thể chết.

Tác nhân gây bệnh này là do vi khuẩn vibrio sp.

– Dấu hiệu bệnh lý: cá nhiễm bệnh thường bỏ ăn, bụng trướng to, đường tiêu hóa thức ăn không tiêu, cá hoạt động kém, bơi chậm chạp, màu sắc cá biến sang màu xám đen, ống tiêu hóa co rút và khi cá chết giải phẫu phát hiện ống tiêu hóa có rất nhiều khuẩn hình que.

– Biện pháp phòng bệnh: Nguồn gây bệnh thường do nguồn thức ăn là luân trùng và artemia.

Do đó, nuôi luân trùng và ương artemia nên sử dụng tiểu cầu tảo (Chorella sp), không nên nuôi trong điều kiện nhiệt độ quá cao và mật độ ương dày.

Môi trường nước ương phải sạch, không ô nhiễm.

Đây là cách phòng ngừa bệnh có hiệu quả.

– Trị bệnh: Trộn vào thức ăn cá thuốc kháng sinh oxytetracyline với nồng độ 1-2 g/1kg cá/ngày.

Cho ăn liên tục 3-5 ngày, kết hợp bổ sung B.complex và vitamin C.

3. Bệnh do vi khuẩn vibrio anguillarium

Bệnh này thường xuất hiện chủ yếu ở giai đoạn cá giống, tỷ lệ chết có thể lên tới 50%, thường gặp ở cá có chiều dài thân 5-20 cm.

Bệnh thường phát sinh quanh năm, đặc biệt phát sinh cao ở thời kỳ từ tháng 4-7.

Tác nhân gây bệnh này là do vi khuẩn vibrio anguillariu.

– Dấu hiệu bệnh lý: màu sắc cơ thể chuyển sang màu xám đen, vảy bị bong ra, vây bị hoại tử phần tia vây ngoài, vây bị xuất huyết thối rữa.

– Biện pháp phòng bệnh: Vi khuẩn vibrio anguillariu tồn tại ở trong nước biển, do vậy muốn phòng bệnh này nguồn nước phải đảm bảo sạch, phải thường xuyên sát trùng đáy bể ương nuôi.

Dung thuốc phun trực tiếp vào bể nuôi để nước bể có nồng độ thuốc formaline nồng độ 10-15ppm.

– Trị bệnh: dùng một trong các loại thuốc kháng sinh (oxytetracyline, rifammycine…) trộn với thức ăn cho cá ăn trong 7 ngày liên tục với lượng như sau: ngày đầu tiên từ 100mg thuốc/kg cá /ngày, từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 lượng thuốc mỗi ngày bằng một nửa ngày đầu.

Kết hợp bổ sung B.complex và vitamin C.

4. Bệnh do vi khuẩn (liên cầu khuẩn)

Bệnh phát sinh từ tháng 4 đến tháng 12, tập trung vào thời điểm nhiệt độ nước khoảng 250C (nhất là tháng 7-10), cá nuôi mật độ cao, tỷ lệ nước thay ít.

Cá bị bệnh có tỷ lệ chết hàng ngày 0,1-2%, có lúc đạt 10%.

Khi nhiệt độ hạ thấp, bệnh hạn chế phát sinh.

Tác nhân gây bệnh do liên cầu khuẩn Streptoccous sp

– Dấu hiệu bệnh lý: màu sắc cơ thể chuyển sang màu xám đen, nhãn cầu trắng đục, xuất huyết, bộ phận đầu và hàm trên hàm dưới cá màu đỏ.

Mang cá có màu đỏ do xuất huyết hoặc tái xám do chuyển sang giai đoạn hoại tử.

Khi giải phẫu nội tạng thấy ruột có màu đỏ.

– Biện pháp phòng bệnh: Bệnh thường xuất hiện khi nhiệt độ nước lên cao, thức ăn chất lượng kém.

Do đó, khi phát hiện cá bị bệnh phải tách cá bệnh ra riêng.

Cho cá ăn thức ăn tươi sống, chất lượng tốt, ngừng cho ăn hoặc cho ăn ít hơn khi phát hiện cá nhiễm bệnh.

Tăng chất dinh dưỡng cho cá, giảm mật độ ương nuôi, tăng cường thay nước, hạn chế thức ăn dư thừa.

– Trị bệnh: trộn vào thức ăn và thuốc kháng sinh Tetracyline hoặc Erythromycine với nồng độ 50mg/1 kg cá/ngày.

Cho ăn liên tục 3-5 ngày, kết hợp bổ sung B.complex và vitamin C.

5. Bênh do ký sinh trùng Benedenia epinepheli:

Gây ra do ký sinh trùng Benedenia epinepheli ký sinh ở phần vây và da cá.

– Dấu hiệu bệnh cá: ký sinh trùng có kích thước nhỏ, màu sắc trong suốt nên khó nhìn thấy bằng mắt thường.

Khi ký sinh trùng ký sinh tập trung với số lượng nhiều mới nhìn thất hiện tượng cá xuất hiện cá đốm loét nhỏ trên vây và da.

– Phòng bệnh: nuôi cá ở mật độ vừa phải, tăng cường thay nước, tăng cường vệ sinh ở đáy bể khi ương nuôi cá.

Bảo đảm điều kiện nuôi sạch, tránh ô nhiễm.

– Trị bệnh: tắm cho cá bằng nước ngọt, sau 24 giờ tắm lặp lại lần 2.

6. Bệnh do ký sinh trùng Endamoeba ở mang cá

Bệnh thường xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 3, khi nhiệt độ nước 13-140C, cá ở giai đoạn từ 5-14g/con.

Tỷ lệ chết hàng ngày khi cá nhiễm bệnh từ 0,05-0,2%.

– Dấu hiệu bệnh lý: cá bị nhiễm bệnh hoạt động chậm chạp, bắt mồi kém, mang và đầu cá biến màu đỏ.

Ký sinh trùng thường bám vào mang cá.

– Phòng bệnh: nuôi cá ở mật độ vừa phải, tăng cường thay nước, tăng cường vệ sinh ở đáy bể khi ương nuôi cá.

Bảo đảm điều kiện nuôi sạch, tránh ô nhiễm.

– Trị bệnh: tắm cho cá bằng nước ngọt, sau 24 giờ tắm lặp lại lần 2.

Nguồn: Trung Tâm Nghiên Cứu khoa Học Nông Vận, Hội Nông Dân Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.