Điểm sáng sản xuất giống thủy sản

Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định) đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

Cán bộ Trạm TNNTTS Cát Tiến chăm sóc hàu giống

Mặc dù phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng vô cùng khó khăn, nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp, những cán bộ của Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) đã lặng lẽ nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, giúp người nuôi nâng cao hiệu quả SX.

Khó khăn không cản được bước tiến

Cách đây gần 10 năm, trong dịp về công tác tại Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định), tôi đã thật sự thấy choáng với hệ thống cơ sở vật chất quá xập xệ. Bây giờ về lại, đổi thay duy nhất mà tôi nhận ra là cơ sở hạ tầng ấy càng xuống cấp hơn.

Tuy nhiên, trong chừng ấy năm, Trạm đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

“Trạm được thành lập vào năm 2004, cơ sở hạ tầng được tận dụng từ xí nghiệp SX tôm giống để lại, từ đó đến nay chưa được sửa sang gì nên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù vậy, Trạm vẫn được đánh giá là một trong số ít đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trên cả nước”, ông Nguyễn Thế Vũ, GĐ Trung tâm Giống thủy sản Bình Định tự hào.

Ba năm sau ngày thành lập, Trạm đã tạo được tiếng vang khi thành công nhân giống cua xanh, một sản vật của đầm Thị Nại đã dần vắng bóng do khai thác quá mức. Từ công nghệ nuôi cua xanh tại Viện Nghiên cứu NTTS III (Khánh Hòa), những cán bộ của trạm đã SX được giống cua này, để trở thành 1 trong 5 đơn vị trong nước SX được giống cua xanh.

Hàu Thái Bình Dương đang được nuôi mạnh tại Bình Định

Ba năm sau, Trạm tiếp tục thành công với giống hàu Thái Bình Dương. Cũng học hỏi kinh nghiệm từ Viện Nghiên cứu NTTS III, bên cạnh thực hiện quy trình kỹ thuật được chuyển giao, các cán bộ của trạm vẫn thể hiện được dấu ấn sáng tạo của mình. Tùy theo thực tế về môi trường, thời tiết, khí hậu, đặc điểm sinh học, những cán bộ của Trạm có những điều chỉnh phù hợp. Quy trình kỹ thuật dần ổn định, mang lại hiệu quả cao. Hiện mỗi tháng trạm SX ít nhất 70.000 hàu giống, lúc cao điểm lên đến 200.000 con.

Ngoài cung cấp cho người nuôi trồng trong tỉnh, con giống cua xanh, cá chẽm, cá bớp, hàu, tôm của trạm còn “xuất ngoại” ra các tỉnh duyên hải miền Trung và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bây giờ, giống hàu Thái Bình Dương của Trạm có thể cạnh tranh ngang ngửa với con giống của các đơn vị NTTS lớn trong nước.
Bên cạnh cua xanh, cá chẽm, hàu Thái Bình Dương, Trạm còn SX được nhiều giống thủy sản quý, như ốc hương, tôm sú, chình bông, tu hài. Trạm cũng góp phần lưu giữ nhiều loại giống đặc hữu của địa phương, như cá măng Phù Mỹ.

“Điểm tựa” của người nuôi trồng thủy sản

Mấy chục năm gắn với nghề NTTS trên đầm Đề Gi, nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), ông Thái Văn Triên từng nuôi thử nghiệm đủ con giống trên diện tích 1ha mặt nước, nhưng cuối cùng ông đã “mê tít” giống hàu. Đều đặn mỗi năm ông thả 3 lứa, mỗi lứa 70.000 – 80.000 hàu giống.

“Giống này phát triển tốt lắm, nhanh thu hoạch, giá giống rẻ hơn mua từ nơi khác. Hàu nuôi khoảng 4 tháng rưỡi là đạt 8 – 9 con/kg. Đây là con giống thủy sản phù hợp để phát triển ở vùng này”, ông Triên bộc bạch.

Trạm còn “nuôi mộng” xây dựng mô hình liên kết nuôi hàu theo chuỗi để làm cầu nối tiêu thụ cho người nuôi hàu thương phẩm. Trạm sẽ mua gom hàu thương phẩm của bà con nuôi từ con giống có xuất xứ từ trạm, xử lý bằng nước sạch và tia cực tím để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị để nâng cao giá trị.

Cán bộ Trạm Cát Tiến phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng xập xệ

Theo ông Nguyễn Thế Vũ, hiện cua xanh và cá chẽm cũng được người NTTS trong tỉnh phát triển rất mạnh theo phương pháp quảng canh ở vùng nước lợ và diện tích mặt nước trong vùng hạ và trung triều với khoảng 1.500ha. Tuy nhiên, dù năng lực có thừa, nhưng Trạm Cát Tiến chỉ có thể SX mức độ do điều kiện cơ sở hạ tầng không cho phép. Do đó, con giống thủy sản của Trạm không đủ cung ứng cho người nuôi trồng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá Chẽm công nghiệp tại Sóc Trăng

Với thu nhập bình quân 6 – 8 triệu đồng mỗi tháng, nghề nuôi cá chẽm giúp những công nhân làm việc tại trang trại nuôi cá ở Sóc Trăng có thu nhập ổn định.

Mô hình nuôi cá chẽm tại Sóc Trăng từ lâu đã trở thành một trong những điểm mạnh đối với ngành thủy sản của tỉnh nói riêng và nước ta nói chung. Từ vùng ao và kênh rạch bỏ trống, người dân nơi đây đã cải tạo thành các khu ao nuôi cá chẽm, đảm bảo nguồn cung ứng cho người tiêu dùng.

Cá chẽm là một trong những thực phẩm có giá thành cao do thịt trắng thơm và chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, lượng cá chẽm trong tự nhiên sau nhiều lần khai thác không còn đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nắm bắt được điều này, nhiều hộ gia đình tại Sóc Trăng đã lấy cá tự nhiên mang về nhân giống và thực hiện quy trình nuôi công nghiệp nhằm tạo nguồn cung ổn định.

Thời gian đầu, khi áp dụng nuôi cá chẽm, các hộ chủ yếu để cá phát triển giống như ngoài tự nhiên bằng việc cung cấp thức ăn tươi sống. Do đó, khó khăn gặp phải là người dân khó tìm được nguồn thức ăn ưa thích thường xuyên cho cá. Không những vậy, đặc tính của giống này là cá lớn ăn cá bé nên những con phát triển sẽ ăn những con nhỏ hơn. Điều này khiến nhiều hộ rơi vào tình trạng khó khăn, lợi nhuận khi thu hoạch thấp hơn nhiều so với số tiền bỏ ra mua giống.

Ao nuôi cá chẽm tại Sóc Trăng.

Trước tình hình đó, trang trại nuôi trồng thủy sản Ngọc Hường, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã tìm cách tạo nguồn cá giống, nguồn cung cấp thức ăn ổn định và quy trình nuôi nhốt nhằm đảm bảo sản lượng thu hoạch.

Theo anh Dũng, chủ trang trại Ngọc Hường, do đặc tính tự nhiên của cá chẽm là ăn thịt tươi nên không thể nuôi chung với các loại cá khác. Bên cạnh đó, loại cá này còn có xu hướng ăn thịt lẫn nhau nên giai đoạn thuần dưỡng con giống khi mới nuôi gặp nhiều khó khăn.

Cá chẽm sau khi thu hoạch được vận chuyển tới địa điểm tiêu thụ. 

Tuy nhiên, tận dụng tiềm năng và lợi thế của địa phương, những năm qua, trang trại Ngọc Hường đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá chẽm công nghiệp với quy trình khép kín, quản lý chặt chẽ từ khâu lựa chọn con giống, kỹ thuật nuôi tới xây dựng ao hồ, hoàn thiện hệ thống sục khí hiện đại. Toàn bộ quy trình này được giám sát bởi Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sóc Trăng. Trang trại hiện có khoảng 12 ha nuôi cá chẽm công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho 30 nhân công địa phương.

Anh Dũng cho biết, 30 nhân công làm việc tại trang trại có mức thu nhập ổn định 6 – 8 triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, trang trại còn hỗ trợ ăn trưa, các sinh hoạt cơ bản cho những người cần phải ở lại trại nuôi trong thời gian dài. Nếu tiết kiệm, họ có thể để ra được một khoản tiền không nhỏ.

Hiện, Sóc Trăng có nhiều trang trại áp dụng mô hình nuôi cá chẽm công nghiệp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho các công ty chế biến hải sản nội địa và quốc tế. Trong đó, một số trang trại hình thành xu hướng mở rộng và phát triển để trở thành nhà cung cấp trực tiếp trên thị trường.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.